LIÊN
TỊCH
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
30/1999/TTLT/BLĐTBXH-BYT
|
Hà
Nội, ngày 20 tháng 12 năm 1999
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG Y TẾ Ở CÁC CƠ SỞ CHỮA BỆNH
THUỘC NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Thực hiện Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày 30/6/1989; Điều
lệ khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng ban hành kèm theo Nghị định số 23-HĐBT ngày 24/01/1991 của Hội đồng Bộ trưởng
(nay là Chính phủ); Quy chế về cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 6/7/1995
ban hành kèm theo Nghị định 20/CP ngày
13/4/1996 của Chính phủ, Liên tịch Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Bộ Y tế
hướng dẫn quản lý các hoạt động y tế ở các cơ sở chữa bệnh thuộc ngành Lao động
- Thương binh và Xã hội như sau:
I. QUY ĐỊNH
CHUNG
1. Cơ sở chữa bệnh quy định tại Thông
tư này là cơ sở được thành lập và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ
chức theo Nghị định số 20/CP ngày 13/4/1996
của Chính phủ ban hành Quy chế về cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
2. Mọi hoạt động của Phòng y tế thuộc
Cơ sở chữa bệnh phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật về chuyên môn, kỹ
thuật y tế.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào nhu cầu thực tế về công tác khám, chữa bệnh
và phục hồi sức khỏe tại cơ sở chữa bệnh của địa phương có trách nhiệm đầu tư
cơ sở vật chất, thiết bị y tế tương xứng với chức năng, nhiệm vụ mà Cơ sở chữa
bệnh được giao.
II. CƠ SỞ VẬT CHẤT
VÀ TRANG THIẾT BỊ Y TẾ:
1. Cơ sở vật chất:
Phòng y tế phải được bố trí khu vực
riêng biệt, đảm bảo thông thoáng và hợp vệ sinh; nghiêm cấm việc hút thuốc, đun
nấu, ăn uống trong các buồng điều trị.
Buồng điều trị phải có tủ thuốc, dụng
cụ cấp cứu, phác đồ xử lý cấp cứu.
Chỗ ở của bệnh nhân phải đảm bảo vệ
sinh; bệnh nhân bị các bệnh truyền nhiễm như lao, viêm gan siêu vi trùng… phải
được bố trí ở các buồng điều trị riêng biệt để phòng chống lây chéo.
Tùy thuộc vào quy mô và sức chứa đối
tượng của từng cơ sở chữa bệnh, Phòng y tế có các đơn vị sau:
- Đơn vị tiếp nhận khám, chẩn đoán
bệnh.
- Đơn vị xét nghiệm.
- Đơn vị điều trị cắt cơn nghiện ma
túy.
- Đơn vị điều trị các bệnh lây truyền
qua đường tình dục và các bệnh phối hợp.
- Đơn vị dược.
2. Cán bộ chuyên môn: Phải
có đủ Bác sỹ và cán bộ y tế khác phù hợp theo quy định của từng chuyên khoa.
3. Trang thiết bị y tế:
Căn cứ vào nhu cầu
khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng, Phòng y tế của Cơ sở chữa bệnh từng bước
được trang bị và bổ sung các thiết bị y tế theo quy định của từng chuyên khoa để
đảm bảo cấp cứu và khám chữa bệnh cho bệnh nhân.
III.
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN Y TẾ Ở CƠ SỞ CHỮA BỆNH:
1. Quy định
quản lý phòng y tế:
1.1. Quy định quản lý biểu mẫu
và sổ ghi chép thông tin y tế:
- Các thông tin y tế về mọi hoạt động
chuyên môn kỹ thuật của cơ sở chữa bệnh phải được ghi chép đầy đủ theo đúng mẫu
bệnh án, mẫu thống kê, mẫu sổ và được quản lý, lưu trữ theo quy định của Nhà nước
và của Bộ Y tế.
- Các sổ ghi chép phải sạch, rõ, đầy
đủ, đúng các cột mục quy định và phải đóng dấu giáp lai.
- Người được giao quản lý các biểu
mẫu và sổ ghi chép phải bảo quản, giữ gìn, không được làm hỏng hoặc mất. Trường
hợp để hỏng, mất phải báo cáo ngay với cấp trên trực tiếp để có biện pháp xử lý
theo đúng pháp luật.
- Thời gian lưu trữ phải thực hiện
theo quy định của pháp luật, nếu hủy bỏ phải lập hội đồng xét duyệt.
Cơ sở chữa bệnh phải trang bị tủ để
cất giữ và bảo quản biểu mẫu thống kê, sổ sách đang sử dụng.
1.2. Quy định họp giao ban định
kỳ
Thực hiện chế độ họp giao ban phòng
y tế hàng ngày không quá 30 phút vào đầu giờ mỗi buổi sáng.
- Người chủ trì: Lãnh đạo cơ sở chữa
bệnh phụ trách công tác y tế hoặc Trưởng phòng y tế.
- Nội dung: Bác sỹ thường trực có
trách nhiệm báo cáo tình hình người bệnh trong 24 giờ qua; Người chủ trì nhận
xét, rút kinh nghiệm, thông báo công việc hàng ngày.
- Các thông tin báo cáo, các công
việc phân bổ trong ngày phải được ghi chép đầy đủ vào sổ họp giao ban.
Hàng tháng, hàng quý Phòng y tế tổ
chức sinh hoạt khoa học để các bác sỹ, y sỹ có điều kiện trao đổi, học tập kinh
nghiệm, cập nhật những thông tin khoa học phục vụ cho công tác chuyên môn, góp
phần nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân.
1.3. Quy định về lưu trữ hồ
sơ bệnh án:
- Hồ sơ bệnh án là tài liệu quan trọng
để tổng kết nghiên cứu khoa học, tham khảo, rút kinh nghiệm điều trị, phục vụ
giảng dạy và mang tính chất pháp lý. Do vậy hồ sơ bệnh án phải được giữ gìn và
bảo quản như tài liệu mật, lưu trữ tại bộ phận văn thư lưu trữ của Phòng hành
chính thuộc Cơ sở chữa bệnh,
- Trước khi đưa lưu trữ, hồ sơ bệnh
án phải được hoàn chỉnh, bổ sung các thủ tục cần thiết, bác sĩ điều trị ký, Trưởng
phòng y tế ký, Giám đốc cơ sở chữa bệnh ký duyệt và đóng dấu của cơ sở chữa bệnh
(ghi rõ ngày tháng duyệt trước khi lưu trữ).
- Thời gian lưu trữ: Đối với bệnh
án thông thường được lưu trữ trong 15 năm, đối với bệnh án tử vong được lưu trữ
trong 20 năm.
1.4. Quy định về quản lý và sử
dụng thiết bị y tế:
- Trường phòng y tế căn cứ vào nhiệm
vụ được giao và yêu cầu kỹ thuật của thiết bị y tế để giao trách nhiệm quản lý
và sử dụng cho từng cá nhân, đảm bảo mọi thiết bị, dụng cụ y tế đều được quản
lý chặt chẽ.
- Người sử dụng thiết bị y tế phải
là người có chứng chỉ đã được đào tạo nghiệp vụ, kỹ thuật chuyên môn, phải có
tinh thần trách nhiệm cao và thực hiện nghiêm ngặt nội quy đã được quy định.
- Trưởng phòng y tế có trách nhiệm
đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về việc bảo quản đối
với từng loại thiết bị y tế.
- Trong quá trình sử dụng nếu có trở
ngại hoặc hư hỏng thì báo cáo ngay với cấp trên để kịp thời xử lý.
2. Quy định
chuyên môn:
2.1. Quy định về làm hồ sơ bệnh
án:
- Tất cả các đối tượng vào điều trị
ở cơ sở chữa bệnh đều phải lập hồ sơ bệnh án theo mẫu quy định của Bộ Y tế đã
ban hành gồm: bệnh án, phiếu điều trị hàng ngày, các tài liệu theo dõi về chẩn
đoán điều trị từ lúc đối tượng vào cho đến lúc ra khỏi cơ sở chữa bệnh. Bệnh
nhân cấp cứu, bệnh nặng, bác sĩ phải làm bệnh án trước 24h và làm các xét nghiệm
cần thiết; bệnh nhân thường không quá 36h. (Mẫu hồ sơ bệnh án áp dụng cho nhóm
đối tượng 06 sẽ được điều chỉnh bởi Thông tư khác).
- Bệnh án phải được ghi chép đầy đủ
các mục quy định, chữ viết rõ ràng, không tẩy xóa; họ tên người bệnh viết chữ
in hoa, có đánh dấu.
- Chỉ định dùng thuốc hàng ngày,
tên thuốc ghi rõ ràng đúng danh pháp quy định, thuốc độc A-B, thuốc gây nghiện,
kháng sinh phải được đánh số thứ tự để theo dõi.
- Trong quá trình điều trị cắt cơn
nghiện cho đối tượng hoặc người bệnh điều trị trên 15 ngày phải tóm tắt quá
trình điều trị theo mẫu quy định.
- Trong quá trình điều trị phải bổ
sung các diễn biến, chế độ chăm sóc, theo dõi và chế độ dinh dưỡng đối với người
bệnh vào hồ sơ bệnh án.
- Kết thúc đợt điều trị, bác sĩ điều
trị phải hoàn chỉnh và tổng kết hồ sơ bệnh án theo quy định. (Mọi giấy tờ, phiếu
xét nghiệm, phiếu chăm sóc… có liên quan đến người bệnh đều phải được tổng hợp
trong hồ sơ bệnh án và được đánh số thứ tự).
2.2. Quy định trong phối hợp
điều trị, chuyển viện:
- Cơ sở chữa bệnh có trách nhiệm phối
hợp chặt chẽ với cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn trong việc cấp
cứu và khám chữa bệnh cho bệnh nhân của cơ sở mình. Cơ sở khám chữa bệnh của
Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật cho Cơ sở chữa bệnh thuộc
ngành Lao động - Thương binh và Xã hội khi có yêu cầu.
- Trong trường hợp cấp cứu, nếu
chuyển viện có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, Cơ sở chữa bệnh được
mời bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện của nhà nước trên địa bàn tham gia hội
chẩn và cứu chữa người bệnh.
- Trong trường hợp bệnh nhân bị bệnh
nặng, vượt quá khả năng điều trị, Cơ sở chữa bệnh được quyền và có trách nhiệm
chuyển bệnh nhân tới các bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện của nhà nước trên
địa bàn để điều trị. Mọi thủ tục chuyển viện phải tuân thủ theo các quy định của
Bộ Y tế.
2.3. Quy định sử dụng và quản
lý thuốc:
- Việc sử dụng thuốc cho người
bệnh phải đảm bảo an toàn, hợp lý. Bác sĩ, y sĩ điều trị khám bệnh và ra y lệnh
sử dụng thuốc cho bệnh nhân phải ghi đầy đủ, rõ ràng vào hồ sơ bệnh án gồm tên
thuốc, hàm lượng, liều dùng, đường dùng và thời gian dùng… Việc khám chữa bệnh
và kê đơn thuốc phải theo đúng quy định của Bộ Y tế.
- Thuốc sử dụng phải phù hợp với chẩn
đoán bệnh, kết quả cận lâm sàng, độ tuổi, cân nặng, tình trạng và cơ địa của từng
người.
- Chỉ định sử dụng thuốc độc, thuốc
gây nghiện, thuốc hướng thần theo đúng quy chế thuốc độc, quy chế thuốc gây
nghiện, quy chế thuốc hướng thần.
- Trong mọi trường hợp mất thuốc,
thuốc hỏng do bất cứ nguyên nhân nào đều phải lập biên bản, vào sổ theo dõi chất
lượng thuốc, quy trách nhiệm và xử lý theo chế độ bồi thường vật chất, do Giám
đốc cơ sở chữa bệnh quyết định theo quy định của pháp luật.
2.4. Quy định chống nhiễm khuẩn:
- Mọi dụng cụ, bông, gạc, thuốc sử
dụng trong những kỹ thuật vô khuẩn phải được tiệt khuẩn.
- Dụng cụ y tế nhiễm khuẩn sau khi
dùng xong phải được ngâm vào dung dịch tẩy uế trước khi loại bỏ hoặc xử lý để
dùng lại. Dụng cụ, dây truyền dịch, dây truyền máu, kim luồn mạch máu, ống
thông, bơm kim tiêm nhựa được sử dụng 1 lần. Những dụng cụ được phép dùng lại
phải cọ rửa đúng quy định trước khi khử khuẩn, tiệt khuẩn.
- Khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ, vật
dụng bằng sức nóng hoặc hóa chất phải đảm bảo đúng quy định, đủ thời gian, đúng
nhiệt độ và đúng nồng độ.
- Dụng cụ, vật dụng sau khi khử khuẩn,
tiệt khuẩn phải được bảo quản trong hộp kín, có niêm phong ghi rõ hạn dùng, cất
giữ trong tủ kín.
- Trước khi tiến hành các phẫu thuật,
thủ thuật vô khuẩn, người thực hiện kỹ thuật phải thực hiện đúng quy định kỹ
thuật bệnh viện về vô khuẩn.
- Kỹ thuật vô khuẩn phải được tiến
hành trong điều kiện vô khuẩn và đúng quy định kỹ thuật bệnh viện.
IV. MỐI QUAN HỆ
CÔNG TÁC:
Phòng y tế:
- Chịu sự quản lý và lãnh đạo trực
tiếp của Giám đốc cơ sở chữa bệnh.
- Chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, kỹ
thuật của ngành y tế.
- Về chế độ, chính sách được áp dụng
theo quy định của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Có mối quan hệ với bệnh viện hoặc
trung tâm y tế quận huyện trên địa bàn trong việc khám chữa bệnh và phục hồi chức
năng cho người bệnh.
V. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN:
1. Thông tư có hiệu lực sau 15 ngày
kể từ ngày ký ban hành.
2. Cục Phòng chống tệ nạn xã hội -
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Vụ điều trị - Bộ Y tế trong phạm vi chức
năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm triển khai, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc
việc thực hiện Thông tư này.
3. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội
chủ trì, phối hợp với ngành y tế và các ngành có liên quan giúp Ủy ban nhân dân
cùng cấp xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp Phòng y tế của Cơ sở chữa bệnh, tạo
điều kiện để cơ sở chữa bệnh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
4. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội,
Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thường xuyên
theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định chuyên môn, kỹ thuật y
tế theo quy định của pháp luật.
5. Các bệnh viện, trung tâm y tế quận,
huyện trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp, tiếp nhận bệnh nhân trong những trường
hợp bệnh vượt quá khả năng điều trị của cơ sở chữa bệnh.
6. Cơ sở chữa bệnh phối hợp với các
cơ quan có liên quan để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Trong quá trình thực hiện nếu có
khó khăn, vướng mắc phải báo cáo về Liên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Cục
Phòng, chống tệ nạn xã hội) và Bộ Y tế (Vụ điều trị) để nghiên cứu, giải quyết./.
KT.
BỘ TRƯỞNG
BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG
Lê Ngọc Trọng
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG
Đàm Hữu Đắc
|
Nơi nhận:
- VP Chủ tịch nước, VPQH;
- Văn phòng Chính phủ, BCĐPCTNXH của CP;
- UBND các tỉnh, thành phố;
- Sở LĐTBXH, Sở Y tế các tỉnh, thành phố;
- Các Viện có giường bệnh, Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế;
- Chi cục, Phòng PCTNXH;
- Các cơ sở chữa bệnh;
- Vụ Pháp chế (2 Bộ);
- Công báo;
- Lưu: VP Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế.
|