Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT bảo đảm an toàn bức xạ y tế

Số hiệu: 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT Loại văn bản: Thông tư liên tịch
Nơi ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế Người ký: Trần Quốc Khánh, Lê Quang Cường
Ngày ban hành: 09/06/2014 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ - BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT

Hà Nội, ngày 09 tháng 6 năm 2014

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

QUY ĐỊNH VỀ BẢO ĐẢM AN TOÀN BỨC XẠ TRONG Y TẾ

Căn cứ Luật năng lượng nguyên tử ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 07/2010/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật năng lượng nguyên tử;

Căn cứ Nghị định số 20/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư liên tịch quy định về bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư liên tịch này quy định các yêu cầu bảo đảm an toàn bức xạ đối với thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ, thuốc phóng xạ sử dụng trong y tế và thiết bị sử dụng trong y học hạt nhân; yêu cầu đối với phòng đặt thiết bị bức xạ, phòng làm việc với nguồn phóng xạ và thuốc phóng xạ, phòng lưu người bệnh điều trị bằng phóng xạ (uống thuốc phóng xạ hoặc cấy nguồn phóng xạ) và kho lưu giữ nguồn phóng xạ hoặc chất thải phóng xạ; yêu cầu đối với việc lắp đặt, vận hành thiết bị bức xạ; yêu cầu kiểm soát chiếu xạ nghề nghiệp, chiếu xạ công chúng và chiếu xạ y tế; yêu cầu về ứng phó sự cố bức xạ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế.

2. Thông tư liên tịch này áp dụng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, đào tạo, y tế dự phòng và kiểm nghiệm dược phẩm (sau đây gọi chung là cơ sở y tế) có sử dụng thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ, thuốc phóng xạ và thiết bị sử dụng trong y học hạt nhân.

3. Thông tư liên tịch này không áp dụng đối với công việc bức xạ sản xuất thuốc phóng xạ bằng cyclotron.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư liên tịch này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chiếu xạ y tế là sự tác động của bức xạ ion hóa lên các đối tượng sau:

a) Người bệnh khi thực hiện chẩn đoán hoặc điều trị bệnh;

b) Người được kiểm tra hoặc giám định sức khỏe;

c) Người tình nguyện tham gia nghiên cứu y sinh học;

d) Người tình nguyện giúp đỡ, chăm sóc người bệnh (việc đó không phải là nghề nghiệp của họ) khi người bệnh được chẩn đoán hoặc điều trị bằng bức xạ ion hóa.

2. Mức chỉ dẫn trong chiếu xạ y tế là giá trị khuyến cáo của liều, suất liều hoặc hoạt độ phóng xạ được dùng tham khảo để kiểm soát chiếu xạ y tế và khi tiến hành công việc trong thực tế, nếu các giá trị này bị vượt quá hay thấp hơn nhiều thì cần có sự xem xét, đánh giá lại để đạt được mức chiếu xạ y tế hợp lý.

3. Người đứng đầu cơ sở y tế là người chủ sở hữu hoặc người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền của người đại diện theo pháp luật để quản lý cơ sở y tế.

4. Nhân viên bức xạ y tế là các bác sỹ, điều dưỡng viên, y tá, hộ lý, dược sỹ, dược tá, kỹ sư, kỹ thuật viên, hộ sinh tại các cơ sở y tế làm việc trực tiếp với các thiết bị bức xạ hoặc các nguồn phóng xạ kín, nguồn phóng xạ hở hoặc chăm sóc người bệnh được điều trị bằng các đồng vị phóng xạ hoặc phải làm việc trong khu vực có chiếu xạ tiềm tàng với mức liều lớn hơn 1 mSv/năm hoặc trong khu vực có nguy cơ bị nhiễm bẩn phóng xạ.

5. Thiết bị bức xạ được nêu trong Thông tư liên tịch này là các thiết bị phát tia X hoặc thiết bị có chứa nguồn phóng xạ được sử dụng trong y tế để chẩn đoán và điều trị bệnh, bao gồm: thiết bị X - quang chẩn đoán trong y tế, thiết bị chụp chẩn đoán sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị xạ trị.

6. Thiết bị X - quang chẩn đoán trong y tế là các thiết bị phát tia X được sử dụng để chiếu, chụp chẩn đoán bệnh, bao gồm: thiết bị X - quang chụp răng (thiết bị chụp răng toàn cảnh, thiết bị chụp sọ, thiết bị chụp răng sử dụng phim đặt sau huyệt ổ răng), thiết bị X - quang chụp vú, thiết bị X - quang di động, thiết bị X - quang đo mật độ xương, thiết bị chiếu, chụp X - quang tổng hợp, thiết bị X - quang tăng sáng truyền hình, thiết bị chụp cắt lớp vi tính CT scanner, thiết bị X - quang chụp can thiệp và chụp mạch.

7. Thiết bị xạ trị là các thiết bị phát bức xạ ion hóa được sử dụng trong y tế để điều trị bệnh ung thư, bao gồm thiết bị X - quang xạ trị, máy gia tốc tuyến tính, thiết bị xạ trị từ xa dùng nguồn phóng xạ, thiết bị xạ trị áp sát suất liều cao HDR, thiết bị dao gamma.

8. Thiết bị sử dụng trong y học hạt nhân là các thiết bị gamma camera, SPECT, SPECT/CT, PET, PET/CT, máy đo chuẩn liều thuốc phóng xạ, máy ghi đo hoạt độ phóng xạ trong cơ thể (thận xạ ký, máy đo độ tập trung phóng xạ).

Điều 3. Nguyên tắc chung về bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế

1. Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ sử dụng thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ, thuốc phóng xạ trong cơ sở y tế phải bảo đảm:

a) Việc chỉ định khám, chữa bệnh bằng bức xạ ion hóa đem lại lợi ích thực tế cho người bệnh là đáng kể so với tác hại mà họ phải chịu;

b) Không để liều chiếu xạ gây bởi các công việc này đối với nhân viên bức xạ y tế và công chúng vượt quá liều giới hạn; bảo đảm liều chiếu xạ đối với người bệnh theo mức chỉ dẫn;

c) Giữ cho liều chiếu xạ đối với người bệnh, nhân viên bức xạ y tế, công chúng và số người bị chiếu xạ ở mức thấp nhất có thể đạt được một cách hợp lý.

2. Chỉ tiến hành các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, đào tạo, y tế dự phòng và kiểm nghiệm dược phẩm sử dụng thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ, thuốc phóng xạ khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ.

Chương II

YÊU CẦU BẢO ĐẢM AN TOÀN BỨC XẠ

Điều 4. Yêu cầu chung về bảo đảm an toàn đối với thiết bị bức xạ, thiết bị sử dụng trong y học hạt nhân

1. Các thiết bị bức xạ sử dụng cho chẩn đoán, điều trị bệnh và các thiết bị được sử dụng trong y học hạt nhân phải có chứng chỉ chất lượng cho dạng hoặc loại thiết bị (type hoặc model) chỉ rõ việc tuân thủ với các yêu cầu bảo đảm an toàn theo tiêu chuẩn của Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC), Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) hoặc các tiêu chuẩn quốc gia tương đương.

2. Có các tài liệu đi kèm theo thiết bị, bao gồm tài liệu về thông số kỹ thuật của thiết bị, hướng dẫn vận hành và bảo trì, hướng dẫn an toàn. Các tài liệu hướng dẫn vận hành, hướng dẫn an toàn phải được dịch ra tiếng Việt.

3. Các chỉ dẫn vận hành hoặc các chữ viết tắt và các giá trị vận hành trên bảng điều khiển của thiết bị bức xạ phải bằng tiếng Việt hoặc bằng ngôn ngữ phù hợp với ngôn ngữ mà người vận hành máy sử dụng.

4. Thiết bị bức xạ phải có các cơ cấu kiểm soát chùm tia bức xạ chỉ thị rõ và tin cậy trạng thái chùm tia đang “ngắt” hay “mở”.

5. Thiết bị bức xạ phải có cơ cấu để khu trú chùm tia cho mục đích kiểm soát chùm tia chỉ vào vùng cơ thể người bệnh cần chẩn đoán hoặc điều trị.

6. Trường bức xạ phát ra trong vùng để chẩn đoán hay điều trị trên người bệnh phải đồng đều và độ không đồng đều của trường bức xạ phải được nhà cung cấp chỉ rõ.

Điều 5. Yêu cầu an toàn đối với thiết bị X - quang chẩn đoán trong y tế

Thiết bị X - quang chẩn đoán trong y tế ngoài việc thực hiện yêu cầu theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch này phải bảo đảm các yêu cầu sau:

1. Mức bức xạ rò của đầu bóng phát tia X không vượt quá 1mGy/giờ tại khoảng cách 1m từ vỏ đầu bóng phát tia X lấy trung bình trên diện tích không vượt quá 100 cm2 cho mọi chế độ làm việc của thiết bị được nhà sản xuất khuyến cáo.

2. Giá trị lọc cố định của hệ đầu bóng phát X - quang trong đơn vị milimét nhôm tương đương (mm Al) phải ghi rõ trên vỏ hộp chứa bóng.

3. Có hệ kiểm tra kích thước chùm tia bằng nguồn sáng, trừ thiết bị
X - quang chụp răng sử dụng phim đặt sau huyệt ổ răng và thiết bị X - quang chụp vú.

4. Các thông số điện áp phát (kV), dòng bóng phát (mA), thời gian phát tia (s) hoặc hằng số phát tia (mAs) phải được hiển thị trên tủ điều khiển khi đặt chế độ làm việc và khi chụp.

5. Đối với thiết bị chụp X - quang, việc phát tia phải được chấm dứt sau một thời gian đặt trước hoặc sau khi đạt giá trị mAs đặt trước hoặc đạt giá trị liều chiếu xạ đặt trước.

6. Đối với thiết bị X - quang soi chiếu phải có bộ kiểm soát tự động chế độ phát tia AEC hoặc công tắc điều khiển phát tia dạng bấm và giữ, bảo đảm thiết bị chỉ phát tia nếu công tắc được bấm, giữ chặt và sẽ ngừng phát tia khi thả công tắc.

7. Thiết bị X - quang di động phải có cáp nối đủ dài để bảo đảm khoảng cách giữa người vận hành thiết bị và bóng phát tối thiểu 2 m. Đối với thiết bị bức xạ khác, khoảng cách này tối thiểu là 3 m.

8. Thiết bị X - quang can thiệp phải có các tấm che chắn cao su chì lắp tại bàn người bệnh để che chắn các tia bức xạ ảnh hưởng đến nhân viên và hệ che chắn treo trên trần để sử dụng cho mục đích bảo vệ mắt và tuyến giáp của nhân viên khi theo dõi người bệnh. Các tấm che chắn cao su chì phải bảo đảm có chiều dày che chắn không nhỏ hơn 0,5 milimét chì tương đương.

Điều 6. Yêu cầu an toàn đối với thiết bị xạ trị

Thiết bị xạ trị ngoài việc thực hiện yêu cầu theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch này phải bảo đảm các yêu cầu sau:

1. Cho phép dừng chiếu xạ từ bàn điều khiển và việc cho chiếu xạ lại sau khi dừng chỉ có thể thực hiện được từ bàn điều khiển; tự động trả nguồn về vị trí bảo vệ khi mất điện và giữ nguồn ở vị trí bảo vệ đó cho đến khi thiết bị được bật khởi động lại từ bàn điều khiển.

2. Các thiết bị xạ trị dùng nguồn phóng xạ phải có ít nhất 02 (hai) cơ cấu điều khiển cho phép tự trả nguồn về vị trí an toàn và chấm dứt chiếu xạ khi có sự cố.

3. Các thiết bị xạ trị từ xa dùng nguồn phóng xạ và thiết bị xạ trị áp sát suất liều cao (HDR) phải được thiết kế để có thể thao tác bằng tay đưa nguồn về vị trí bảo vệ trong trường hợp khẩn cấp. Các thiết bị dao gamma phải có cơ cấu để thao tác bằng tay đóng cửa sổ che chắn nguồn trong trường hợp khẩn cấp.

4. Hộp chứa nguồn của thiết bị xạ trị từ xa dùng nguồn phóng xạ và contenơ chứa nguồn phóng xạ của thiết bị xạ trị áp sát suất liều cao (HDR) phải có dấu hiệu cảnh báo bức xạ theo đúng tiêu chuẩn có thể nhìn rõ ràng và khó bị mờ.

Điều 7. Yêu cầu an toàn đối với nguồn phóng xạ kín và thuốc phóng xạ

1. Các nguồn phóng xạ kín được sử dụng cho thiết bị xạ trị từ xa hoặc xạ trị áp sát suất liều cao phải tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế ISO 2919:2012 Radiation protection - Sealed radioactive sources - General requirements and classification hoặc tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6853:2001- An toàn bức xạ - Nguồn phóng xạ kín - Yêu cầu chung và phân loại và nếu tiếp tục sử dụng sau thời gian sử dụng được khuyến cáo bởi nhà sản xuất phải được kiểm tra rò rỉ phóng xạ để khẳng định nguồn vẫn còn nguyên vẹn như thiết kế.

2. Thuốc phóng xạ dùng trong y học hạt nhân phải được phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về dược, chỉ được sử dụng cho mục đích phòng bệnh, chữa bệnh, điều chỉnh chức năng cơ thể và phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế đã được thừa nhận đối với các thông số sau:

a) Độ tinh khiết hạt nhân phóng xạ (là phần trăm hoạt độ phóng xạ của nhân phóng xạ đánh dấu trong thuốc phóng xạ so với tổng hoạt độ của các nhân phóng xạ có trong thuốc phóng xạ);

b) Hoạt độ riêng (là hoạt độ phóng xạ trên một đơn vị khối lượng hợp chất đánh dấu của một hạt nhân phóng xạ cụ thể tính cho cả dạng nằm trong và không nằm trong hợp chất đánh dấu của hạt nhân phóng xạ đó);

c) Độ tinh khiết hóa phóng xạ (là phần trăm của nhân phóng xạ ở dạng liên kết hóa học mong muốn của hợp chất đánh dấu so với tổng nhân phóng xạ có trong thuốc phóng xạ, nghĩa là quan tâm đến nhân phóng xạ đã tách ra khỏi hợp chất đánh dấu);

d) Độ tinh khiết hóa học (là tỉ lệ của dạng hợp chất đánh dấu chính không quan tâm đến hoạt độ phóng xạ có trong đó so với toàn bộ chế phẩm thuốc phóng xạ. Chế phẩm thuốc phóng xạ là lượng chuẩn bị của thuốc phóng xạ sẵn sàng để dùng cho người bệnh);

đ) Độ pH;

e) Các thông số yêu cầu đối với thuốc theo quy định pháp luật về dược.

3. Tất cả các chế phẩm thuốc phóng xạ phải có dán nhãn ghi rõ các thông tin sau:

a) Đồng vị phóng xạ; dạng hóa học (tên thuốc và công thức hóa học);

b) Tổng hoạt độ phóng xạ của chế phẩm;

c) Ngày đo hoạt độ phóng xạ;

d) Kết quả đo độ tạp chất hóa phóng xạ;

đ) Tên, địa chỉ của nhà sản xuất và ngày sản xuất;

e) Ngày hết hạn sử dụng;

g) Số của lô hoặc mẻ sản xuất;

h) Thể tích của chế phẩm thuốc phóng xạ (trường hợp ở dạng dung dịch);

i) Các thông tin khác đối với nhãn thuốc theo quy định của pháp luật về dược.

Điều 8. Yêu cầu an toàn đối với thiết bị đo bức xạ, thiết bị và dụng cụ bảo vệ an toàn bức xạ

1. Cơ sở y tế có sử dụng thiết bị xạ trị từ xa, xạ trị áp sát phải trang bị thiết bị đo suất liều bức xạ. Cơ sở y tế sử dụng thuốc phóng xạ (cơ sở y học hạt nhân) phải trang bị thiết bị đo suất liều bức xạ, thiết bị đo nhiễm bẩn bề mặt có dải năng lượng đo phù hợp với loại bức xạ phát ra từ thiết bị bức xạ và nguồn phóng xạ sử dụng tại cơ sở để thường xuyên đo kiểm tra phông bức xạ môi trường, nhiễm bẩn phóng xạ và kiểm soát mức bức xạ khi đi vào khu vực có nguồn phóng xạ.

2. Cơ sở y học hạt nhân phải trang bị các thiết bị và dụng cụ bảo vệ an toàn bức xạ sau:

a) Tủ hút có thể tích và lưu lượng hút phù hợp để pha chế, phân liều thuốc phóng xạ;

b) Bàn để pha chế, phân liều thuốc phóng xạ có màn che chắn chì kết hợp với vật liệu che chắn bức xạ beta hình L và màn quan sát bằng kính chì;

c) Tay gắp, kẹp nguồn để thao tác với nguồn phóng xạ từ xa;

d) Bình đựng thuốc phóng xạ có che chắn chì và lớp vỏ bên ngoài chống vỡ;

đ) Khay được thiết kế đặc biệt để pha chế, phân liều thuốc phóng xạ dạng lỏng;

e) Xilanh có che chắn chì được thiết kế đặc biệt để sử dụng trong y học hạt nhân;

g) Ống hút (pippet) tự động dùng một lần;

h) Dụng cụ để xử lý chất phóng xạ bị đổ.

3. Cơ sở y tế sử dụng nguồn phóng xạ trong xạ trị áp sát phải trang bị các thiết bị và dụng cụ bảo vệ an toàn bức xạ sau:

a) Bàn để thao tác với nguồn phóng xạ có màn che chắn chì hình L và màn quan sát bằng kính chì;

b) Các dụng cụ gắp nguồn, kẹp nguồn có tay cầm dài;

c) Tủ đựng nguồn có các ngăn khác nhau để đựng nguồn có hoạt độ khác nhau;

d) Bình đựng nguồn để vận chuyển.

Điều 9. Kiểm định và hiệu chuẩn thiết bị bức xạ, thiết bị đo bức xạ

1. Cơ sở y tế phải thực hiện việc kiểm định đối với các thiết bị bức xạ được sử dụng tại cơ sở mình như sau:

a) Trước khi đưa vào sử dụng lần đầu tiên;

b) Định kỳ một năm một lần đối với thiết bị xạ trị, thiết bị chụp cắt lớp vi tính CT scanner, thiết bị X - quang tăng sáng truyền hình và định kỳ hai năm một lần đối với các thiết bị X - quang chẩn đoán trong y tế khác kể từ ngày đưa vào sử dụng;

c) Sau khi lắp đặt lại hoặc sửa chữa thiết bị;

d) Thiết bị xạ trị ngoài việc thực hiện kiểm định quy định tại các Điểm a, b và c Khoản này phải thực hiện kiểm tra chuẩn liều chiếu xạ theo tần suất do nhà sản xuất khuyến cáo.

2. Nếu kết quả kiểm định cho thấy các thông số vận hành liên quan đến an toàn của thiết bị bức xạ lệch khỏi giá trị cho phép, thiết bị phải hiệu chuẩn mới được cho phép tiếp tục sử dụng; việc kiểm tra, kiểm định phải được thực hiện theo quy trình do nhà sản xuất cung cấp hoặc theo tiêu chuẩn quốc gia tương ứng.

3. Thiết bị đo bức xạ (thiết bị đo suất liều bức xạ, thiết bị đo nhiễm bẩn bề mặt, máy đo chuẩn liều thuốc phóng xạ) phải được kiểm định ban đầu, sau khi sửa chữa và định kỳ hằng năm.

4. Việc kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị bức xạ và thiết bị đo bức xạ phải được thực hiện bởi tổ chức, cá nhân được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp đăng ký hoạt động dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn.

Điều 10. Phòng đặt thiết bị bức xạ, phòng làm việc với nguồn phóng xạ và thuốc phóng xạ, kho lưu giữ nguồn phóng xạ hoặc chất thải phóng xạ, phòng lưu người bệnh điều trị bằng phóng xạ

1. Phòng đặt thiết bị bức xạ, phòng làm việc với nguồn phóng xạ và thuốc phóng xạ, kho lưu giữ nguồn phóng xạ hoặc chất thải phóng xạ và phòng lưu người bệnh điều trị bằng phóng xạ không được đặt liền kề khoa sản, khoa nhi.

2. Phòng đặt thiết bị bức xạ phải bảo đảm kích thước theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.

3. Chiều dày bảo vệ của tường, sàn, trần, cửa ra vào phòng đặt thiết bị bức xạ, cửa quan sát của phòng điều khiển phải được tính toán thiết kế theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 19/2012/TT-BKHCN ngày 18/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về kiểm soát và bảo đảm an toàn trong chiếu xạ nghề nghiệp và chiếu xạ công chúng và phải bảo đảm mức liều bức xạ tiềm năng của môi trường làm việc trong thực tế (không tính phông bức xạ tự nhiên) như sau:

a) Trong phòng điều khiển hoặc nơi đặt tủ điều khiển của thiết bị xạ trị không vượt quá 20 mSv/năm;

b) Mọi vị trí bên ngoài phòng đặt thiết bị xạ trị nơi công chúng đi lại, nơi người bệnh ngồi chờ không vượt quá 1 mSv/năm;

c) Trong phòng điều khiển hoặc nơi đặt tủ điều khiển của thiết bị X - quang chẩn đoán trong y tế (trừ đối với thiết bị X - quang di động) không vượt quá 10 µSv/giờ;

d) Mọi vị trí bên ngoài phòng đặt thiết bị X - quang chẩn đoán trong y tế nơi công chúng đi lại, người bệnh ngồi chờ và các phòng làm việc lân cận không vượt quá 0,5 µSv/giờ.

Trường hợp phòng đặt thiết bị X - quang chẩn đoán trong y tế nằm trong khu dân cư, liền kề nhà ở hoặc nơi làm việc phải bảo đảm suất liều bức xạ ở tất cả các điểm đo bên ngoài phòng đặt thiết bị bằng phông bức xạ tự nhiên.

4. Thiết kế phòng xạ trị từ xa, xạ trị áp sát suất liều cao ngoài các yêu cầu về che chắn bức xạ phải có hệ thống khóa liên động cho cửa ra vào phòng để bảo đảm chỉ khởi động được thiết bị xạ trị khi cửa ra vào đã đóng hoàn toàn và tự động chấm dứt chiếu xạ khi cửa bị mở bất ngờ; có hệ thống đo cảnh báo mức bức xạ và ít nhất một hệ thống dừng chiếu xạ khẩn cấp được lắp đặt trong phòng.

5. Thiết kế của phòng xạ trị phải được Cục An toàn bức xạ và hạt nhân thẩm định, cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ trước khi xây dựng theo quy định tại Thông tư số 08/2010/TT-BKHCN ngày 22/7/2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về việc khai báo, cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ và cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ.

6. Cơ sở y học hạt nhân phải có phòng bảo quản và làm việc với thuốc phóng xạ (phân liều), phòng cho người bệnh uống hoặc tiêm thuốc phóng xạ, phòng lưu giữ chất thải phóng xạ, phòng vệ sinh riêng cho người bệnh đã dùng thuốc phóng xạ, phòng đặt thiết bị gamma camera, phòng lưu người bệnh nếu có điều trị người bệnh cường giáp hoặc ung thư tuyến giáp, khu vực tắm, rửa của nhân viên sau khi làm việc tiếp xúc với thuốc phóng xạ. Các phòng và khu vực này phải được thiết kế bảo vệ chống chiếu ngoài và chống nhiễm bẩn phóng xạ, cụ thể như sau:

a) Phải được tính toán thiết kế che chắn bức xạ sao cho suất liều bức xạ nơi công chúng đi lại, người bệnh ngồi chờ, các phòng làm việc lân cận không vượt quá 0,5 µSv/giờ;

b) Sàn và tường các phòng có nguy cơ bị nhiễm bẩn phóng xạ phải được phủ bằng vật liệu nhẵn, không thấm nước, dễ tẩy rửa;

c) Chậu rửa cho nhân viên sau khi thao tác với thuốc phóng xạ phải được lắp hệ thống vòi rửa tự động hoặc vòi rửa có cần gạt để mở nước bằng chân hoặc bằng khuỷu tay;

d) Toàn bộ nước nhiễm bẩn chất phóng xạ phải được thu gom bằng đường thoát nước riêng đưa vào bể xử lý chất thải phóng xạ lỏng.

7. Phòng đặt thiết bị bức xạ, phòng làm việc với nguồn phóng xạ và thuốc phóng xạ, phòng lưu người bệnh uống thuốc phóng xạ trong y học hạt nhân hoặc cấy nguồn phóng xạ trong xạ trị áp sát, phòng điều khiển thiết bị xạ trị phải được phân loại là vùng kiểm soát và phải áp dụng các biện pháp sau:

a) Đặt ở phía trên cửa ra vào khu vực kiểm soát một biển cảnh báo bức xạ theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.

b) Lắp đèn báo hiệu tại các cửa ra vào phòng đặt thiết bị bức xạ, phòng cấy nguồn xạ trị áp sát, phòng pha chế thuốc phóng xạ và phải bảo đảm đèn báo hiệu phát sáng trong suốt thời gian đang tiến hành công việc bức xạ;

c) Gắn nội quy an toàn tại cửa ra vào khu vực kiểm soát;

d) Đối với phòng xạ trị từ xa, xạ trị áp sát suất liều cao, phòng lưu người bệnh uống thuốc phóng xạ hoặc cấy nguồn phóng xạ phải sử dụng các biện pháp ngăn chặn tiếp cận bổ sung gồm rào chắn, khóa cửa hoặc cử nhân viên giám sát trực tiếp.

8. Kho lưu giữ nguồn phóng xạ hoặc lưu giữ chất thải phóng xạ phải được thiết kế và áp dụng các biện pháp kiểm soát như sau:

a) Bảo đảm sao cho suất liều bức xạ ở mọi vị trí bên mặt ngoài tường kho không vượt quá 0,5 µSv/giờ;

b) Đặt biển cảnh báo bức xạ theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này tại cửa ra vào kho và tường bên ngoài nơi tiếp giáp với khu vực có người qua lại;

c) Áp dụng biện pháp giám sát, ngăn chặn người không có phận sự đi vào kho.

Điều 11. Lắp đặt thiết bị bức xạ

Việc lắp đặt thiết bị bức xạ phải bảo đảm các yêu cầu sau:

1. Mỗi phòng chỉ được lắp đặt một thiết bị bức xạ, trừ đối với thiết bị X - quang chẩn đoán trong y tế cho phép bố trí 02 thiết bị trong một phòng nhưng phải bảo đảm chỉ một thiết bị được vận hành tại một thời điểm.

2. Thiết bị bức xạ được lắp đặt phải bảo đảm khi sử dụng chùm tia chiếu không hướng vào tủ điều khiển, cửa ra vào, cửa sổ hoặc khu vực công chúng qua lại.

3. Tủ điều khiển thiết bị bức xạ phải đặt ngoài, sát phòng đặt thiết bị, phải có phương tiện quan sát người bệnh, có phương tiện thông tin giữa người điều khiển và người bệnh. Trường hợp thiết bị X - quang chẩn đoán làm việc ở điện áp nhỏ hơn 150 kV, tủ điều khiển được phép đặt trong phòng đặt thiết bị nhưng phải có bình phong chì che chắn bảo đảm mức bức xạ tại vị trí nhân viên đứng vận hành thiết bị nhỏ hơn 10 µSv/giờ.

Điều 12. Nội quy an toàn bức xạ và vận hành an toàn thiết bị bức xạ

1. Cơ sở y tế phải xây dựng quy trình làm việc với thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ, nội quy an toàn bức xạ bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Quy trình làm việc cần chỉ rõ các bước tiến hành công việc trong vận hành thiết bị bức xạ, làm việc với nguồn phóng xạ, làm việc trong khu vực có nguy cơ bị chiếu xạ hoặc nhiễm bẩn phóng xạ, chăm sóc người bệnh uống thuốc phóng xạ hoặc cấy nguồn phóng xạ; quy trình thao tác đối với từng thiết bị, phác đồ điều trị đối với từng loại bệnh;

b) Nội quy an toàn bức xạ phải chỉ rõ các yêu cầu bảo vệ an toàn bức xạ cho nhân viên bức xạ y tế, các nhân viên khác trong cơ sở y tế, người bệnh, người chăm sóc hoặc hỗ trợ người bệnh và công chúng.

2. Nhân viên vận hành thiết bị bức xạ phải thực hiện nghiêm các bước tiến hành công việc:

a) Kiểm tra an toàn thiết bị trước khi bắt đầu và sau khi kết thúc công việc;

b) Đóng cửa ra vào trong suốt quá trình vận hành thiết bị;

c) Tuân thủ quy trình vận hành thiết bị;

d) Chú ý những tín hiệu bất thường của thiết bị bức xạ và thiết bị kiểm tra để kịp thời phát hiện sự cố, ngăn ngừa tai nạn;

đ) Không được tháo bỏ các bộ phận hư hỏng trong hệ thống bảo vệ của thiết bị và nối tắt để vận hành, ví dụ nối tắt hệ thống khóa liên động cửa ra vào phòng xạ trị.

Điều 13. Sử dụng người lao động làm công việc bức xạ

1. Cơ sở y tế có trách nhiệm bố trí để nhân viên bức xạ y tế là nữ làm công việc không liên quan đến bức xạ trong thời gian họ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

2. Cơ sở y tế không được sử dụng người dưới 18 tuổi, người mắc bệnh cấm kỵ phóng xạ để vận hành các thiết bị bức xạ, làm việc với các nguồn phóng xạ, chăm sóc người bệnh được điều trị bằng các đồng vị phóng xạ hoặc phải làm việc trong khu vực tiềm ẩn nguy cơ bị chiếu xạ với mức liều lớn hơn 1 mSv/năm hoặc trong khu vực có nguy cơ bị nhiễm bẩn phóng xạ.

3. Cơ sở y tế có người học nghề, học viên, sinh viên thực tập vận hành các thiết bị bức xạ, làm việc với các nguồn phóng xạ, chăm sóc người bệnh được điều trị bằng nguồn phóng xạ hoặc thuốc phóng xạ, làm việc trong khu vực tiềm ẩn nguy cơ bị chiếu xạ với mức liều lớn hơn 1 mSv/năm hoặc trong khu vực có nguy cơ bị nhiễm bẩn phóng xạ có trách nhiệm:

a) Tổ chức huấn luyện cho các đối tượng nêu trên các yêu cầu cơ bản về an toàn bức xạ, các nội quy, quy định an toàn bức xạ của cơ sở;

b) Bố trí cán bộ chuyên môn hướng dẫn, theo dõi, giám sát trong quá trình làm việc;

c) Áp dụng các biện pháp kiểm soát liều để bảo đảm liều chiếu xạ của các đối tượng này không vượt quá giới hạn liều theo quy định tại Phụ lục I của Thông tư số 19/2012/TT-BKHCN ngày 18/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về kiểm soát và bảo đảm an toàn bức xạ trong chiếu xạ nghề nghiệp và chiếu xạ công chúng.

Điều 14. Đào tạo an toàn bức xạ

Cơ sở y tế có trách nhiệm đào tạo an toàn bức xạ cho nhân viên bức xạ y tế, cụ thể như sau:

1. Tổ chức đào tạo an toàn bức xạ cho nhân viên bức xạ y tế mới tuyển dụng theo chương trình đào tạo an toàn bức xạ cơ bản do Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.

2. Định kỳ ít nhất 03 năm một lần tổ chức đào tạo nhắc lại và bổ sung kiến thức chuyên sâu, thông tin mới về an toàn bức xạ cho các nhân viên bức xạ y tế.

3. Hằng năm, tổ chức huấn luyện cho các nhân viên bức xạ y tế về nội quy an toàn bức xạ, quy định của cơ sở liên quan đến bảo đảm an toàn bức xạ, quy trình ứng phó sự cố bức xạ hoặc phổ biến các quy định mới, các thông tin mới về bảo đảm an toàn bức xạ.

4. Bảo đảm việc đào tạo an toàn bức xạ quy định tại Khoản 1 và 2 Điều này được thực hiện bởi tổ chức, cá nhân có đăng ký hoạt động dịch vụ đào tạo an toàn bức xạ do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp.

5. Lập, cập nhật và lưu giữ hồ sơ đào tạo, huấn luyện an toàn bức xạ.

Điều 15. Kiểm xạ khu vực làm việc

1. Cơ sở y tế phải tiến hành đo kiểm xạ môi trường theo các quy định sau:

a) Đo kiểm xạ môi trường làm việc và xác lập các mức điều tra khi lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ;

b) Định kỳ hằng năm kiểm tra mức bức xạ tại các vị trí nhân viên bức xạ y tế làm việc, mức bức xạ môi trường tại các vị trí cửa ra vào và khu vực xung quanh các phòng đặt thiết bị bức xạ, nơi lưu giữ nguồn phóng xạ, chất thải phóng xạ;

c) Định kỳ hàng tháng kiểm tra mức nhiễm bẩn phóng xạ tại nơi làm việc và môi trường xung quanh đối với cơ sở y học hạt nhân sử dụng thuốc phóng xạ khám và điều trị bệnh;

d) So sánh kết quả đo kiểm xạ môi trường làm việc với các mức điều tra đã được xác lập và xác định nguyên nhân, áp dụng các biện pháp khắc phục trong trường hợp kết quả kiểm tra lớn hơn mức điều tra.

2. Cơ sở y tế phải lập, lưu giữ hồ sơ kết quả đo kiểm xạ môi trường làm việc và thông báo kết quả đo kiểm xạ môi trường làm việc cho nhân viên bức xạ y tế.

Điều 16. Theo dõi và đánh giá liều chiếu xạ

1. Cơ sở y tế phải thực hiện việc theo dõi và đánh giá liều chiếu xạ cá nhân cho các nhân viên bức xạ y tế, cụ thể như sau:

a) Trang bị liều kế cá nhân cho các nhân viên bức xạ y tế và thực hiện đo đánh giá liều chiếu xạ cá nhân cho nhân viên bức xạ y tế ít nhất 03 tháng một lần tại cơ sở được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp đăng ký hoạt động dịch vụ đo liều chiếu xạ cá nhân;

b) Đánh giá liều chiếu xạ cá nhân tổng cộng cho các nhân viên bức xạ y tế làm việc tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở (thuốc phóng xạ, vật thể bị nhiễm bẩn phóng xạ, chất thải phóng xạ), bằng tổng của liều chiếu ngoài (theo kết quả đánh giá bằng liều kế cá nhân) và liều chiếu trong (bằng cách đo đánh giá trực tiếp hoặc đánh giá dựa trên kết quả theo dõi phông bức xạ nơi làm việc, nồng độ phóng xạ trong không khí nơi làm việc, mức nhiễm bẩn phóng xạ nơi làm việc và thời gian làm việc, quy trình làm việc);

c) Cơ sở sử dụng thiết bị chụp X - quang can thiệp, phải trang bị cho mỗi người làm việc trực tiếp trong phòng đặt thiết bị (nhân viên vận hành thiết bị, bác sỹ, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên, hộ lý) 02 liều kế cá nhân, một liều kế đeo bên trong tạp dề cao su chì ở tầm bụng và một liều kế đeo bên ngoài tạp dề cao su chì ở tầm cổ để đánh giá chính xác liều chiếu xạ cá nhân cho các đối tượng này theo công thức:

Liều hiệu dụng = 0,5 HW + 0,025 HN

Trong đó, HW là kết quả đọc liều kế đeo bên trong tạp dề cao su chì

HN là kết quả đọc liều kế đeo bên ngoài tạp dề cao su chì

d) Nếu kết quả đo liều hiệu dụng do chiếu ngoài đối với nhân viên vận hành thiết bị X - quang chẩn đoán trong y tế và thiết bị xạ trị hoặc kết quả đánh giá liều hiệu dụng tổng cộng (bao gồm cả chiếu ngoài và chiếu trong) đối với nhân viên bức xạ y tế làm việc có tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở (thuốc phóng xạ, vật thể bị nhiễm bẩn phóng xạ, chất thải phóng xạ) lớn hơn mức điều tra đã được xác lập, phải tiến hành xem xét lại quy trình làm việc, các biện pháp bảo vệ bức xạ và có biện pháp khắc phục;

đ) Hướng dẫn và kiểm tra để bảo đảm nhân viên bức xạ y tế đeo liều kế cá nhân, bảo quản liều kế cá nhân khi không sử dụng theo đúng hướng dẫn của đơn vị cung cấp dịch vụ đo liều chiếu xạ cá nhân;

e) Trường hợp nhân viên bức xạ y tế làm mất liều kế cá nhân hoặc liều kế cá nhân bị hỏng phải trang bị ngay liều kế cá nhân mới và tiến hành đánh giá mức liều chiếu xạ của nhân viên đó trong khoảng thời gian làm việc không đeo liều kế dựa trên thời gian làm việc thực tế hoặc dựa theo mức liều thường phải chịu trong khoảng thời gian đó của các lần đo trước;

g) Thông báo kết quả đo liều chiếu xạ cá nhân cho nhân viên bức xạ y tế;

h) Lập, lưu giữ và quản lý hồ sơ liều chiếu xạ cá nhân cho nhân viên bức xạ y tế theo quy định tại Điều 17 Thông tư số 19/2012/TT-BKHCN ngày 08/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về kiểm soát và bảo đảm an toàn bức xạ trong chiếu xạ nghề nghiệp và chiếu xạ công chúng.

2. Trường hợp nhân viên bức xạ y tế đồng thời làm việc cho nhiều cơ sở y tế khác nhau, mỗi cơ sở y tế phải thực hiện việc theo dõi, đánh giá liều chiếu xạ cá nhân cho người đó theo quy định tại Khoản 1 Điều này một cách riêng biệt liên quan đến thực hiện công việc bức xạ tại cơ sở đó; Nhân viên bức xạ y tế phải bảo đảm tổng cộng liều chiếu xạ nghề nghiệp từ các công việc bức xạ tại tất cả cơ sở mà họ làm việc không vượt quá giới hạn liều nghề nghiệp đối với nhân viên bức xạ quy định tại Phụ lục I Thông tư số 19/2012/TT-BKHCN ngày 08/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về kiểm soát và bảo đảm an toàn bức xạ trong chiếu xạ nghề nghiệp và chiếu xạ công chúng.

Điều 17. Phương tiện bảo hộ cá nhân

Cơ sở y tế phải cung cấp đủ trang thiết bị bảo hộ cá nhân và thiết bị bảo vệ cho nhân viên bức xạ y tế, cụ thể:

1. Tạp dề cao su chì cho nhân viên vận hành thiết bị X - quang chụp răng toàn cảnh, thiết bị X - quang chụp sọ, thiết bị chiếu, chụp X - quang tổng hợp, thiết bị X - quang tăng sáng truyền hình, thiết bị chụp cắt lớp vi tính CT Scanner.

2. Tạp dề cao su chì, tấm cao su che tuyến giáp cho nhân viên vận hành thiết bị chụp X - quang di động.

3. Tạp dề cao su chì, tấm cao su chì che tuyến giáp, kính chì, găng tay cao su chì cho nhân viên vận hành thiết bị X - quang can thiệp, bác sỹ, nhân viên làm việc trong phòng đặt thiết bị X - quang chụp can thiệp và chụp mạch.

4. Quần áo bảo hộ lao động, găng tay, mũ trùm đầu, khẩu trang, giầy bảo hộ hoặc bao chân cho nhân viên bức xạ y tế làm việc tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở (thuốc phóng xạ, vật thể bị nhiễm bẩn phóng xạ, chất thải phóng xạ).

5. Bình phong chì che chắn cho nhân viên khi tiếp xúc với người bệnh lưu đã sử dụng thuốc phóng xạ hoặc đã cấy nguồn phóng xạ.

Điều 18. Khám sức khỏe cho nhân viên bức xạ y tế

1. Định kỳ hằng năm, cơ sở y tế phải tổ chức khám sức khỏe cho các nhân viên bức xạ y tế theo quy định tại Thông tư số 19/2011/TT-BYT ngày 06/6/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động, tổ chức khám bệnh nghề nghiệp.

2. Cơ sở y tế có trách nhiệm bố trí để nhân viên bức xạ y tế không bảo đảm yêu cầu về sức khỏe theo quy định chuyển làm công việc khác không tiếp xúc với bức xạ.

3. Cơ sở y tế phải lập, lưu giữ và quản lý hồ sơ khám sức khỏe của nhân viên bức xạ y tế theo quy định tại Điều 17 Thông tư số 19/2012/TT-BKHCN ngày 08/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về kiểm soát và bảo đảm an toàn bức xạ trong chiếu xạ nghề nghiệp và chiếu xạ công chúng.

Điều 19. Kiểm tra, giám sát nội bộ

1. Cơ sở y tế phải xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát nội bộ việc thực hiện các quy định, nội quy an toàn bức xạ, quy trình làm việc.

2. Cơ sở y tế phải bảo đảm để mọi thiếu sót trong công tác quản lý an toàn bức xạ phát hiện qua kiểm tra được xem xét và khắc phục.

3. Định kỳ hằng năm, cơ sở y tế phải tiến hành xem xét lại các nội dung liên quan đến quản lý an toàn bức xạ của cơ sở theo quy định tại Điều 18 Thông tư số 19/2012/TT-BKHCN ngày 08/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về kiểm soát và bảo đảm an toàn bức xạ trong chiếu xạ nghề nghiệp và chiếu xạ công chúng.

4. Kết quả kiểm tra, giám sát nội bộ phải được lập thành biên bản và lưu giữ trong hồ sơ an toàn bức xạ.

Điều 20. Kiểm soát chiếu xạ y tế

1. Bác sỹ điều trị là người chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn bức xạ cho người bệnh, có trách nhiệm:

a) Chỉ định chẩn đoán, điều trị cho người bệnh bằng bức xạ ion hóa chỉ khi chắc chắn lợi ích đem lại cho người bệnh là đáng kể so với tác hại mà họ phải chịu;

b) Khi có hai phương pháp chẩn đoán hoặc điều trị cùng đem lại kết quả như nhau thì không chỉ định phương pháp dùng bức xạ ion hóa;

c) Cần có xem xét đặc biệt khi chỉ định chẩn đoán, điều trị bằng bức xạ ion hóa đối với trẻ em, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai hoặc trong thời gian đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, cụ thể:

- Hỏi người bệnh và kiểm tra để chắc chắn họ không đang có thai hoặc không trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi (trong trường hợp chỉ định sử dụng thuốc phóng xạ) trước khi chỉ định chẩn đoán hoặc điều trị;

- Tránh chỉ định dùng bức xạ ion hóa để khám, chữa bệnh cho phụ nữ có thai hoặc nghi có thai hoặc đang trong thời gian đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi (trường hợp sử dụng thuốc phóng xạ) trừ khi có chỉ định lâm sàng bắt buộc. Trường hợp chỉ định lâm sàng là bắt buộc phải thông báo cho nhân viên y tế, nhân viên vận hành thiết bị biết để có biện pháp bảo vệ thích hợp cho người bệnh;

- Chỉ sử dụng thuốc phóng xạ để khám, chữa bệnh cho trẻ em khi có chỉ định lâm sàng bắt buộc và phải giảm hoạt độ phóng xạ được chỉ định.

d) Tham khảo thông tin các lần khám trước để tránh việc kiểm tra bổ sung nếu không cần thiết;

đ) Chỉ định mức chiếu xạ, liều lượng thuốc phóng xạ sử dụng ở mức tối thiểu nhưng đủ để đạt được mục đích khám chữa bệnh trên cơ sở các mức chỉ dẫn trong chiếu xạ y tế tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.

2. Các nhân viên y tế, nhân viên vận hành thiết bị bức xạ có trách nhiệm bảo đảm an toàn bức xạ cho người bệnh khi thực hiện công việc của mình như sau:

a) Bảo đảm mọi sự chiếu xạ y tế chỉ được thực hiện khi có chỉ định của bác sỹ điều trị và được thực hiện theo đúng chỉ định của bác sỹ điều trị;

b) Bảo đảm thiết bị được dùng là thích hợp.

3. Nhân viên vận hành thiết bị X - quang chẩn đoán y tế ngoài các yêu cầu trách nhiệm chung về bảo vệ người bệnh quy định tại Khoản 2 Điều này phải thực hiện các biện pháp để bảo vệ người bệnh như sau:

a) Phải bảo đảm việc chiếu chụp theo đúng quy trình vận hành thiết bị đã được thiết lập;

b) Sử dụng cơ cấu khu trú chùm tia một cách phù hợp để chỉ tạo ra liều chiếu tối thiểu trên người bệnh nhưng vẫn có chất lượng ảnh phù hợp với yêu cầu cho chẩn đoán trong chiếu chụp X - quang;

c) Không chiếu xạ vào các bộ phận cơ thể nhạy cảm phóng xạ của người bệnh như tuyến sinh dục, thủy tinh thể mắt, vú, tuyến giáp trạng và phải sử dụng các biện pháp che chắn thích hợp cho người bệnh khi không thể tránh được;

d) Tránh chiếu, chụp vùng bụng và vùng hố chậu của phụ nữ có thai hoặc nghi có thai trừ khi có lý do lâm sàng bắt buộc và cần áp dụng các biện pháp để hạn chế đến mức nhỏ nhất liều gây ra cho thai nhi khi phải làm như vậy;

đ) Không được cho người bệnh và người không có phận sự đứng chờ trong phòng chiếu, chụp X - quang khi đang thực hiện chiếu, chụp cho người bệnh khác.

4. Nhân viên y tế, nhân viên vận hành thiết bị xạ trị ngoài yêu cầu trách nhiệm chung cho bảo vệ người bệnh nêu tại Khoản 2 Điều này phải áp dụng biện pháp để liều chiếu xạ lên các mô lành ở mức thấp nhất có thể, phù hợp với mức liều cần thiết để đạt mục đích trong xạ trị.

5. Nhân viên y tế, kỹ thuật viên phân liều thuốc phóng xạ trong y học hạt nhân phải bảo đảm định liều thuốc phóng xạ chính xác theo chỉ định của bác sỹ.

6. Cơ sở y tế sử dụng thuốc phóng xạ để điều trị nếu có lưu người bệnh đã sử dụng thuốc phóng xạ phải bảo đảm mỗi phòng chỉ lưu một người bệnh. Trường hợp buộc phải bố trí nhiều người bệnh nằm chung phòng, phải sử dụng các bình phong chì di động để che chắn sao cho người bệnh này không bị ảnh hưởng chiếu xạ từ người bệnh kia.

7. Cơ sở y tế phải thiết lập chương trình bảo đảm chất lượng riêng cho chiếu xạ y tế bao gồm các nội dung:

a) Bảo đảm các thiết bị bức xạ, máy đo chuẩn liều thuốc phóng xạ phải được kiểm định, hiệu chuẩn theo đúng quy định tại Điều 9 của Thông tư liên tịch này;

b) Xác lập các thông số và điều kiện sử dụng thiết bị bức xạ tối ưu để dùng làm giá trị tham chiếu cho kiểm định, hiệu chuẩn.

8. Cơ sở y tế có trách nhiệm bảo đảm an toàn bức xạ cho người giúp đỡ, chăm sóc người bệnh đang chẩn đoán hoặc điều trị bằng bức xạ ion hóa bằng các biện pháp như sau:

a) Hướng dẫn các biện pháp cơ bản để bảo đảm an toàn bức xạ, quy trình an toàn trước khi để họ tham gia các công việc này;

b) Cung cấp trang thiết bị bảo hộ thích hợp để giảm liều chiếu xạ;

c) Kiểm soát để bảo đảm liều chiếu xạ các đối tượng này phải chịu trong khoảng thời gian chẩn đoán hoặc điều trị của người bệnh không vượt quá 5 mSv.

9. Cơ sở y tế phải tiến hành điều tra, áp dụng các biện pháp khắc phục và lập thành hồ sơ lưu giữ đối với các trường hợp chiếu xạ y tế sự cố gây ra hoặc có nguy cơ dẫn đến liều chiếu xạ trên người bệnh lớn hơn mức dự kiến.

Điều 21. Kiểm soát chiếu xạ công chúng

Cơ sở y tế phải thực hiện các yêu cầu sau để bảo đảm an toàn cho công chúng:

1. Có biện pháp kiểm soát để chỉ cho phép nhân viên bức xạ y tế cần thiết và những người được chỉ định giúp đỡ người bệnh được ở trong phòng khám, điều trị người bệnh trong thời gian chiếu xạ.

2. Có biện pháp ngăn chặn không để người không có phận sự đi vào khu vực phòng điều khiển thiết bị bức xạ, nơi có chất phóng xạ, phòng lưu người bệnh điều trị thuốc phóng xạ hoặc cấy nguồn phóng xạ.

3. Chỉ cho phép người bệnh điều trị thuốc phóng xạ được xuất viện về nhà khi mức hoạt độ phóng xạ được đánh giá còn trong người người bệnh không vượt quá 400 MBq.

4. Các khu vực xung quanh khu vực kiểm soát bao gồm các phòng làm việc, các lối đi lại, hành lang hoặc khu vệ sinh, khu vực có người qua lại khác được yêu cầu áp dụng các biện pháp bảo vệ như sau:

a) Kiểm soát mức bức xạ để bảo đảm không có sự thay đổi trong quá trình làm việc;

b) Sử dụng các dấu hiệu cảnh báo bức xạ (biển cảnh báo, đèn cảnh báo, tín hiệu cảnh báo) và các biện pháp hạn chế người đi vào các khu vực này.

Điều 22. Ứng phó sự cố bức xạ

1. Cơ sở y tế sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ phải lập và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ cấp cơ sở theo quy định tại Thông tư số 24/2012/TT-BKHCN ngày 04/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn lập và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân cấp cơ sở và cấp tỉnh và các yêu cầu cụ thể quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

2. Cơ sở y tế sử dụng thiết bị chiếu chụp X - quang chẩn đoán y tế phải xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ với các yêu cầu cụ thể như sau:

a) Quy định và kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh xảy ra các sự cố sau:

- Để người không có phận sự ở trong phòng đặt thiết bị khi máy đang phát tia;

- Nhân viên vận hành đặt nhầm chế độ chiếu, chụp, thực hiện chiếu chụp sai so với chỉ định của bác sỹ, chiếu chụp nhầm người bệnh;

- Thiết bị hỏng gây ra chiếu xạ không đúng với dự định và phải chiếu chụp lại.

b) Quy định về việc điều tra đánh giá liều chiếu xạ và theo dõi tình trạng sức khỏe đối với người bệnh chụp X - quang can thiệp khi xảy ra sự cố chiếu quá liều đáng kể so với mức liều dự kiến theo chỉ định; điều tra đánh giá liều chiếu xạ và theo dõi tình trạng sức khỏe đối với nhân viên bức xạ y tế trong các tình huống bị chiếu xạ vượt quá mức giới hạn liều quy định;

c) Quy định trách nhiệm báo cáo khi xảy ra các sự cố nêu tại Điểm a và trong các trường hợp chiếu quá liều nêu tại Điểm b của Khoản này;

d) Quy định về lập và lưu giữ hồ sơ đối với các trường hợp sự cố xảy ra.

3. Cơ sở y tế sử dụng thuốc phóng xạ để chẩn đoán, điều trị phải xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ với các yêu cầu cụ thể như sau:

a) Quy định các biện pháp để tránh xảy ra các sự cố và quy trình ứng phó trong các trường hợp xảy ra sự cố sau:

- Mất thuốc phóng xạ;

- Đổ thuốc phóng xạ gây nhiễm bẩn;

- Để người không có phận sự ở trong phòng phân liều thuốc phóng xạ khi đang làm việc;

- Sử dụng nhầm liều, nhầm loại thuốc phóng xạ, nhầm người bệnh, chuẩn liều thuốc phóng xạ sai;

- Cháy nổ phòng lưu giữ thuốc phóng xạ, kho lưu giữ thuốc phóng xạ, chất thải phóng xạ;

- Vỡ, rò rỉ bể lưu giữ, xử lý‎ chất thải phóng xạ lỏng.

b) Quy định về việc điều tra đánh giá liều hấp thụ và theo dõi tình trạng sức khỏe đối với người bệnh bị cho uống hoặc tiêm thuốc phóng xạ nhầm hoặc sai so với chỉ định của bác sỹ có khả năng gây ra liều chiếu xạ đối với người bệnh lớn hơn đáng kể so với mức liều dự kiến; điều tra đánh giá liều chiếu xạ và theo dõi tình trạng sức khỏe đối với nhân viên bức xạ y tế trong các tình huống bị chiếu xạ vượt quá mức giới hạn liều quy định; điều tra đánh giá mức độ ảnh hưởng đến công chúng và môi trường trong các trường hợp sự cố;

c) Quy định trách nhiệm báo cáo khi xảy ra các sự cố nêu tại Điểm a và trong các trường hợp chiếu quá liều nêu tại Điểm b của Khoản này;

d) Quy định về lập và lưu giữ hồ sơ đối với các trường hợp sự cố xảy ra;

đ) Quy định về việc diễn tập ứng phó sự cố.

4. Cơ sở y tế sử dụng thiết bị xạ trị, nguồn phóng xạ kín để xạ trị phải xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ với các yêu cầu cụ thể như sau:

a) Quy định các biện pháp để tránh xảy ra các sự cố và quy trình ứng phó trong trường hợp xảy ra các sự cố sau:

- Mất nguồn phóng xạ;

- Nguồn phóng xạ bị tắc không đưa trở về được vị trí bảo vệ và các sự cố liên quan đến hỏng thiết bị khác;

- Nguồn bị rò rỉ, bị phá vỡ gây nhiễm bẩn phóng xạ;

- Cháy, nổ phòng đặt thiết bị xạ trị, kho lưu giữ nguồn phóng xạ;

- Người không có phận sự ở trong phòng xạ trị trong thời gian xạ trị người bệnh;

- Các sự cố chiếu xạ đối với người bệnh: chiếu xạ nhầm người bệnh, chiếu xạ nhầm mô, lập kế hoạch điều trị sai, mức liều chiếu xạ thực tế lớn hơn mức chỉ định.

b) Quy định về việc điều tra đánh giá liều, phân bố liều trên cơ thể người bệnh và theo dõi tình trạng sức khỏe của người bệnh trong trường hợp sự cố chiếu xạ đối với người bệnh; điều tra đánh giá liều chiếu xạ và theo dõi tình trạng sức khỏe đối với nhân viên bức xạ y tế trong các tình huống bị chiếu xạ vượt quá mức giới hạn liều quy định; điều tra đánh giá mức độ ảnh hưởng đến công chúng và môi trường trong các trường hợp sự cố;

c) Quy định trách nhiệm báo cáo khi xảy ra các sự cố nêu tại Điểm a và trong các trường hợp sự cố chiếu xạ nêu tại Điểm b của Khoản này;

d) Quy định về lập và lưu giữ hồ sơ đối với các trường hợp sự cố xảy ra;

đ) Quy định về việc diễn tập ứng phó sự cố.

Điều 23. Quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ kín đã qua sử dụng

1. Chất thải phóng xạ sinh ra từ các hoạt động sử dụng chất phóng xạ trong cơ sở y tế (gồm nước thải bị nhiễm bẩn phóng xạ từ phòng pha chế, phân liều thuốc phóng xạ; nước rửa chai lọ, dụng cụ làm việc với thuốc phóng xạ; nước thải nhà vệ sinh dùng cho người bệnh đã sử dụng thuốc phóng xạ; giấy, khăn lau nhiễm bẩn phóng xạ; xilanh, kim tiêm thuốc phóng xạ thải bỏ; bao bì, chai lọ đựng thuốc phóng xạ thải bỏ; quần áo, giầy dép nhiễm bẩn chất phóng xạ và các vật thể nhiễm bẩn phóng xạ khác được thải bỏ) phải được thu gom, lưu giữ, xử lý và thải bỏ theo quy định về quản lý chất thải phóng xạ của Bộ Khoa học và Công nghệ.

2. Chất thải phóng xạ rắn (gồm giấy, khăn lau nhiễm bẩn phóng xạ; xilanh, kim tiêm thuốc phóng xạ thải bỏ; bao bì, chai lọ đựng thuốc phóng xạ thải bỏ; quần áo, giầy dép nhiễm bẩn chất phóng xạ và các vật thể nhiễm bẩn phóng xạ khác được thải bỏ) ngoài việc quản lý an toàn theo quy định nêu tại Khoản 1 Điều này phải được quản lý theo quy định tại Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành quy chế quản lý chất thải y tế.

3. Các nguồn phóng xạ kín đã qua sử dụng (gồm nguồn phóng xạ đã hết hạn sử dụng từ thiết bị xạ trị từ xa dùng nguồn phóng xạ, nguồn phóng xạ không còn sử dụng trong xạ trị áp sát và các nguồn phóng xạ kín khác dùng cho chuẩn thiết bị, nghiên cứu không còn sử dụng) phải được quản lý, lưu giữ theo quy định về quản lý nguồn phóng xạ kín đã qua sử dụng của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Điều 24. Hồ sơ an toàn bức xạ

Cơ sở y tế có trách nhiệm lập, lưu giữ và quản lý các hồ sơ liên quan về an toàn bức xạ theo quy định tại Điều 17 Thông tư số 19/2012/TT-BKHCN ngày 08/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về kiểm soát và bảo đảm an toàn bức xạ trong chiếu xạ nghề nghiệp và chiếu xạ công chúng.

Chương III

TRÁCH NHIỆM BẢO ĐẢM AN TOÀN BỨC XẠ

Điều 25. Trách nhiệm của cơ sở y tế và người đứng đầu cơ sở y tế

1. Cơ sở y tế sử dụng thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ, thuốc phóng xạ phải tuân thủ các yêu cầu bảo đảm an toàn bức xạ quy định tại Thông tư liên tịch này và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khác có liên quan.

2. Cơ sở y tế có sử dụng thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ, thuốc phóng xạ chỉ được thực hiện hoạt động bức xạ y tế sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ.

3. Người đứng đầu cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm cao nhất trong việc bảo đảm an toàn bức xạ cho nhân viên bức xạ y tế, nhân viên khác trong cơ sở y tế, công chúng và môi trường xung quanh với các trách nhiệm cụ thể như sau:

a) Nắm vững và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn bức xạ, các yêu cầu bảo đảm an toàn bức xạ quy định tại Thông tư liên tịch này;

b) Tuyên bố chính sách về bảo đảm an toàn bức xạ của cơ sở, khẳng định cam kết đối với công tác bảo đảm an toàn và tạo các điều kiện ưu tiên cho việc triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn bức xạ;

c) Bổ nhiệm người phụ trách an toàn; quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của người phụ trách an toàn; cung cấp đủ các điều kiện về thời gian và tài chính để người phụ trách an toàn có thể hoàn thành trách nhiệm của mình;

d) Tạo điều kiện cho đoàn thanh tra, thanh tra viên thi hành nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về an toàn bức xạ và hạt nhân; cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết khi được yêu cầu;

e) Bố trí công việc khác phù hợp, không liên quan đến bức xạ cho nhân viên bức xạ y tế nữ có thai khi nhận được thông báo bằng văn bản của nhân viên bức xạ.

Điều 26. Trách nhiệm của người phụ trách an toàn

1. Người phụ trách an toàn phải là người trực tiếp tiến hành công việc bức xạ, có chuyên môn nghiệp vụ, được đào tạo nắm vững các quy định về bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế, các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ và được Cục An toàn bức xạ và hạt nhân - Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ.

2. Người phụ trách an toàn có trách nhiệm giúp người đứng đầu cơ sở y tế thực hiện quy định pháp luật và các yêu cầu quy định tại Thông tư liên tịch này về bảo đảm an toàn bức xạ, bao gồm:

a) Triển khai áp dụng các biện pháp kỹ thuật và kiểm soát hành chính nhằm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn cho nhân viên và an toàn cho công chúng phù hợp với công việc bức xạ đang tiến hành của cơ sở;

b) Thực hiện yêu cầu về khai báo, cấp giấy phép và gia hạn giấy phép theo quy định của pháp luật;

c) Chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ sở và cùng người đứng đầu cơ sở chịu trách nhiệm pháp luật khi để xảy ra sự cố bức xạ hoặc vi phạm các quy định pháp luật;

d) Kiến nghị với người đứng đầu cơ sở y tế để bố trí công việc khác phù hợp, không liên quan đến bức xạ cho nhân viên bức xạ y tế nữ có thai khi nhận được thông báo bằng văn bản.

3. Người phụ trách an toàn được quyền dừng công việc bức xạ đang tiến hành khi phát hiện có dấu hiệu hoặc nguy cơ gây mất an toàn.

Điều 27. Trách nhiệm của nhân viên bức xạ y tế

1. Nhân viên bức xạ y tế phải được đào tạo và được cơ quan có thẩm quyền cấp bằng hoặc chứng chỉ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công việc bức xạ đang làm.

2. Nhân viên bức xạ y tế có trách nhiệm:

a) Tham gia huấn luyện, đào tạo về an toàn bức xạ theo yêu cầu của người phụ trách an toàn;

b) Chỉ tham gia tiến hành công việc bức xạ hoặc làm các công việc có nguy cơ bị chiếu xạ khi đã được đào tạo, huấn luyện nắm vững các yêu cầu, quy định pháp luật về bảo đảm an toàn bức xạ, các biện pháp bảo vệ bức xạ và chỉ được vận hành thiết bị bức xạ, thiết bị sử dụng trong y học hạt nhân nếu có thẻ an toàn lao động;

c) Thực hiện nghiêm các nội quy, quy trình làm việc, chỉ dẫn an toàn bức xạ của đơn vị;

d) Sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, liều kế cá nhân, thiết bị kiểm tra bức xạ, trang thiết bị thao tác với nguồn phóng xạ theo đúng hướng dẫn;

đ) Phối hợp, cộng tác với người phụ trách an toàn để thực hiện nghiêm các quy định về khám sức khỏe định kỳ hằng năm, đo đánh giá liều cá nhân theo quy định;

e) Báo cáo ngay cho người phụ trách an toàn hoặc người đứng đầu cơ sở y tế các hiện tượng bất thường về an toàn bức xạ, khi phát hiện mất nguồn phóng xạ và tham gia khắc phục sự cố bức xạ khi được yêu cầu.

3. Nhân viên bức xạ y tế nữ khi có thai phải thông báo bằng văn bản cho người phụ trách an toàn, người đứng đầu cơ sở để được bố trí công việc khác không liên quan đến bức xạ.

Điều 28. Trách nhiệm cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong ngành y tế

1. Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế làm đầu mối phối hợp với các đơn vị có liên quan chỉ đạo, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn bức xạ đối với các cơ sở y tế trong cả nước.

2. Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện các quy định bảo đảm an toàn bức xạ của các cơ sở y tế trên địa bàn quản lý. Cục Quân y - Bộ Quốc phòng có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện các quy định bảo đảm an toàn bức xạ của các cơ sở quân y trong toàn quân.

Điều 29. Trách nhiệm cơ quan quản lý an toàn bức xạ, hạt nhân

1. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân - Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm quản lý an toàn bức xạ đối với các cơ sở y tế trong cả nước, bao gồm:

a) Tiếp nhận khai báo về thiết bị chứa nguồn phóng xạ chụp chẩn đoán, thiết bị xạ trị và nguồn phóng xạ kín, thuốc phóng xạ;

b) Thẩm định an toàn, cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ đối với các hoạt động sử dụng thiết bị chứa nguồn phóng xạ chụp chẩn đoán; vận hành thiết bị xạ trị; lưu giữ, sử dụng nguồn phóng xạ, thuốc phóng xạ; xử lý, lưu giữ nguồn phóng xạ kín đã qua sử dụng; xây dựng, thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động cơ sở xạ trị; chấm dứt hoạt động cơ sở xạ trị và cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ theo thẩm quyền;

c) Thanh tra việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế và xử lý đối với các vi phạm.

2. Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quản lý an toàn bức xạ đối với các cơ sở y tế hoạt động trên địa bàn quản lý, bao gồm:

a) Tiếp nhận khai báo về thiết bị X - quang chẩn đoán trong y tế;

b) Thẩm định an toàn, cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ sử dụng thiết bị X - quang chẩn đoán trong y tế và cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ cho người phụ trách an toàn của cơ sở y tế theo thẩm quyền;

c) Thanh tra việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế đối với các cơ sở y tế hoạt động trên địa bàn quản lý và xử lý đối với các vi phạm;

d) Phối hợp với Cục Quân y - Bộ Quốc phòng trong thẩm định an toàn, cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ và thanh tra, kiểm tra đối với việc sử dụng thiết bị X - quang chẩn đoán trong y tế tại các cơ sở quân y trên địa bàn quản lý.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 30. Áp dụng các văn bản viện dẫn

Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn được viện dẫn tại Thông tư liên tịch này sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Điều 31. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 7 năm 2014.

2. Thông tư liên tịch số 2237/1999/TTLT-BKHCNMT-BYT ngày 28 tháng 12 năm 1999 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Bộ Y tế hướng dẫn việc thực hiện an toàn bức xạ trong y tế hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế để xem xét giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG




Lê Quang Cường

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THỨ TRƯỞNG




Trần Quốc Khánh

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, CQ ngang Bộ, CQ thuộc Chính phủ;
- Toà án NDTC; Viện KSNDTC;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Sở KH&CN, Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc TW;
-
Các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN, Bộ Y tế;
-
Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo, Cổng TTĐTCP;
-
Cổng thông tin điện tử Bộ KH&CN; Bộ Y tế;
- Lưu: Bộ KH&CN (VT, ATBXHN), Bộ YT (VT, KHCN, KCB, PC)

PHỤ LỤC I

KÍCH THƯỚC PHÒNG ĐẶT THIẾT BỊ BỨC XẠ
(Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Y tế)

TT

Loại phòng

Diện tích sử dụng tối thiểu (m2)

Kích thước tối thiểu một chiều (m)

I

PHÒNG ĐẶT THIẾT BỊ X - QUANG CHẨN ĐOÁN TRONG Y TẾ

1

Phòng đặt thiết bị X - quang chụp vú

12

3,5

2

Phòng đặt thiết bị chiếu, chụp X - quang tổng hợp không có bàn người bệnh

12

3,5

3

Phòng đặt thiết bị X quang chụp răng toàn cảnh, thiết bị chụp sọ

14

3,5

4

Phòng đặt thiết bị chiếu, chụp X - quang tổng hợp có bàn người bệnh

14

3,5

5

Phòng chụp X - quang tổng hợp sử dụng bàn người bệnh lật nghiêng được

20

3,5

6

Phòng đặt thiết bị chụp cắt lớp vi tính CT scanner

28

4

7

Phòng chụp X - quang có bơm thuốc cản quang để chụp mạch và tim.

36

5,5

II

THIẾT BỊ XẠ TRỊ

1

Thiết bị xạ trị từ xa

30

4

2

Thiết bị dao gamma

30

4

3

Thiết bị xạ trị áp sát suất liều cao

30

4

Ghi chú: Thiết bị bức xạ không được nêu trong Phụ lục này, không có yêu cầu quy định đối với kích thước phòng đặt thiết bị.

PHỤ LỤC II

BIỂN CẢNH BÁO BỨC XẠ
(Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BKHCN – BYT ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Y tế)

Biển báo có hình tam giác đều (kích thước tỷ lệ ghi trên hình vẽ)

D - Đường kính vòng tròn giữa ba cạnh. Vòng tròn, ba cạnh và khung viền có mầu đen trên nền vàng. Chữ ghi trong ô ghi chú có mầu đen trên nền trắng (ghi rõ: tia X hay phóng xạ)

PHỤ LỤC III

MỨC CHỈ DẪN TRONG CHIẾU XẠ Y TẾ

(Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Y tế)

Bảng 1. Mức chỉ dẫn liều đối với chụp X quang chẩn đoán

Kiểu chụp

Liều xâm nhập bề mặt

trong 1 lần chụp* (mGy)

Chụp sọ:

- Chụp từ phía trước ra phía sau:      AP

- Chụp từ phía sau ra phía trước:      PA

- Chụp nghiêng:                                 Lat

5

5

3

Chụp ngực:             

                                                          PA/AP

                                                          Lat

0,4

1,5

Chụp cột sống vùng ngực:

                                                         AP/PA

                                                         Lat

7

20

Chụp bụng:                                      AP

10

Chụp cột sống thắt lưng:

                                                        AP

                                                        Lat

Chụp đốt sống cùng:                       LSJ

10

30

40

Chụp khung chậu:                          AP

10

Chú thích: * Đo trong không khí với tia tán xạ ngược. Giá trị này áp dụng đối với tổ hợp phim - bìa tăng quang thông thường tốc độ 200. Với tổ hợp phim - bìa tăng quang có tốc độ cao (400-600) giá trị này sẽ giảm khoảng 2 - 3 lần.

Mức chỉ dẫn liều đối với chụp X quang vú*

Liều mô trung bình trên một lần chụp

- Không sử dụng lưới chống tán xạ: 1 mGy

- Sử dụng lưới chống tán xạ: 3 mGy

*Chiều dày vú ép là 45 mm và thiết bị chụp X quang vú sử dụng bia Mo, phin lọc Mo

Bảng 2. Mức chỉ dẫn liều đối với chụp cắt lớp vi tính CT Sanner

Kiểu chụp

Liều trung bình cho một lần chụp với nhiều lát cắt (mGy)

Chụp sọ

Chụp cột sống

Chụp ổ bụng

60

25

40

Bảng 3. Hoạt độ phóng xạ trong y học hạt nhân

TT

Phép kiểm tra

Hạt nhân phóng xạ

Dạng hóa chất

Hoạt độ lớn nhất thường dùng cho  một phép kiểm tra (MBq)

1

Xương

1.1

Xạ hình xương

Tc – 99 m

Phosphonat và phosphat hợp chất

600

1.2

Xạ hình cắt lớp đơn photon

Tc – 99 m

Phosphonat và phosphat hợp chất

800

1.3

Xạ hình tủy xương

Tc – 99 m

Keo đánh dấu

400

2

Não

2.1

Xạ hình não (tĩnh)

Tc – 99 m

TcO4-

600

Tc – 99 m

Dietylen triamin acid pentaacetic (DTPA), gluconat và glucoheptonat

600

2.2

Chụp SPECT não

Tc – 99 m

TcO4-

600

Tc – 99 m

Dietylen triamin acid pentaacetic (DTPA), gluconat và glucoheptonat.

600

Tc – 99m

Exametazin

600

2.3

Lưu thông máu não

Xe – 133

Trong dung dịch natri clorua đẳng trương.

400

Tc – 99 m

Hexametyl propylene amin oxym (HM-PAO).

600

2.4

Chụp hệ tiết niệu

In - 111

DTPA

40

3

Tuyến lệ

Lưu thông tuyến lệ

Tc-99 m

TcO4-

4

Tc-99 m

Chất keo đánh dấu

4

4

Tuyến giáp

4.1

Chụp hình tuyến giáp

Tc-99 m

TcO4-

200

I – 123

I

20

4.2

Di căn tuyến giáp (sau cắt bỏ)

I-131

I

400

4.3

Chụp hình tuyến cận giáp

TI-201

Taliclorua

80

5

Phổi

5.1

Chụp hình lưu thông khí phổi (Lung ventilation imaging)

Kr – 81 m

Tc – 99 m

Khí

DTPA sol khí

6000

185

5.2

Nghiên cứu lưu thông khí phổi (Lung ventilation studies)

Xe – 133

Xe – 127

Khí

Khí

400

200

5.3

Chụp hình hệ mạch máu phổi

(Lung perfusion imaging)

Kr – 81 m

Tc – 99 m

Dung dịch nước Albumin của người

(macroagregate hoặc microsphere)

6000

185

5.4

Chụp hình hệ mạch máu phổi (chụp ven) (Lung perfusion imaging with venography)

Tc – 99 m

(macroagregate hoặc microsphere)

185

5.5

Nghiên cứu hệ mạch máu phổi (Lung perfusion studies)

Xe – 133


Xe – 127

Dung dịch đẳng trương

Dung dịch clorua đẳng trương

200


200

5.6

Chụp hình phổi (SPECT)

Tc – 99

Macroaggregated albumin (MAA)

200

6

Gan và lách

6.1

Chụp hình gan và lách

Tc – 99 m

Chất keo đánh dấu

185

6.2

Chụp hình chức năng hệ bài tiết mật

Tc – 99 m

Irninodiaxetat và dung môi tương đương

185

6.3

Chụp hình lách

Tc – 99 m

Tế bào hồng cầu biến tính được đánh dấu

185

6.4

Chụp hình gan (SPECT)

Tc – 99 m

Chất keo đánh dấu

370

7

Hệ tim mạch

7.1

Nghiên cứu lưu lượng máu hệ tim mạch

Tc – 99 m

Tc – 99 m

Tc – 99 m

TcO4- DTPA

Macroaggregated globulin 3

800

800

400

7.2

Chụp hình máu ở buồng tim

Tc-99 m

Phức hợp albumin của người

370

7.3

Chụp hình cơ tim/nghiên cứu thử

Tc-99 m

Phức hợp alumin của người

800

7.4

Chụp hình hệ tim mạch/nghiên cứu thử

Tc-99 m

Tế bào hồng cầu lành được đánh dấu

800

7.5

Chụp hình cơ tim

Tc- 99m

Phosponat và phosphate hợp chất

600

7.6

Chụp hình cơ tim (SPECT)

Tc- 99m

Isonitril

600

TI – 201

Tc- 99m

Tc- 99m

Taliclorua

Phosphonat và

Phosphat hợp chất

Isonitril

100

800

600

8

Dạ dày, hệ tiêu hóa

8.1

Chụp dạ dày và tuyến nước bọt

Tc- 99m

TcO4-

185

8.2

Chụp hình túi thừa Meckel

Tc- 99m

TcO4-

400

8.3

Chảy máu ruột non

Tc- 99m

Tc- 99m

Chất keo đánh dấu

Tế bào hồng cầu lành đánh dấu

400

400

8.4

Lưu thông  thực quản

Tc-99m

Tc-99m

Keo đánh dấu

Hợp chất không hấp thụ

40

40

8.5

Chụp hình dạ dày rỗng

Tc-99m


In-111


In-113 m

Hợp chất không hấp thụ

Hợp chất không hấp thụ

Hợp chất không hấp thụ

185


12


12

9

Thận, hệ thống tiết niệu và thượng thận

9.1

Chụp hình thận

Tc-99m

Acid dimercaptosucsinic

185

9.2

Chụp hình thận/thận đồ

Tc-99m


Tc-99m


I-123

DTPA, gluconat và Glucoheptonat

Macroaggregated globulin 3

O-iodohippurat

370


185


20

9.3

Chụp hình tuyến thượng thận

Se - 75

Selenorcholesterol

8

10

Một số phép kiểm tra khác

10.1

Chụp hình áp xe và các khối u

Ga - 67

xitrat

300

Tl - 201

cloriua

100

10.2

Chụp hình khối u

Tc - 99 m

Acid dimercaptosuccinic

600

10.3

Chụp hình khối u thần kinh

I - 123

Meta-iodo-benzyl guanidin

400

I - 131

Meta-iodo-benzyl guanidin

40

10.4

Chụp hình hệ bạch mạch

Tc - 99 m

Chất keo đánh dấu

80

10.5

Chụp hình áp xe

Tc - 99 m

Nghiên cứu kiểm tra tế bào bạch cầu đánh dấu

600

In - 111

Tế bào bạch cầu đánh giá

40

10.6

Chụp hình chẩn đoán tắc mạch

In - 111

Tiêu huyết cầu đánh dấu

40

MINISTRY OF SCIENCE AND TECHNOLOGY AND MINISTRY OF HEALTH
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT

Hanoi, June 09, 2014

 

JOINT CIRCULAR

ON MEDICAL RADIATION SAFETY

Pursuant to the Law on Atomic Energy dated June 03, 2008;

Pursuant to the Government's Decree No. 07/2010/NĐ-CP dated January 25, 2010 on guidelines for the Law on Atomic Energy;

Pursuant to the Government's Decree No. 20/2013/NĐ-CP dated February 26 2013 defining the functions, tasks, entitlements and organizational structure of the Ministry of Science and Technology;

Pursuant to the Government's Decree No. 63/2012/NĐ-CP dated August 31, 2012 defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Health;

The Minister of Science and Technology and the Minister of Health promulgate a Joint Circular on medical radiation safety.

Chapter I

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 1. Scope and regulated entities

1. This Circular provides for radiation safety requirements applied to radiological equipment, radiation sources, radiopharmaceuticals used for healthcare, and equipment used for nuclear medicine; requirements applied to radiological equipment rooms, rooms for working with radiation sources and radiopharmaceuticals; rooms for patients treated with radiation (using radiopharmaceuticals or radioactive implants), and storage of radiation sources or radioactive waste; requirements applied to installation and operation of radiological equipment; control of occupational exposure, public exposure, and medical exposure; requirements for radiation emergency response, responsibility of relevant entities for assurance of radiation safety in healthcare.

2. This Circular is applied to medical examination and treatment facilities, research institutions, training institutions, defensive medicine facilities, and medicine testing facilities (hereinafter referred to as medical facilities) that use radiological equipment, radiation sources, radiopharmaceuticals, and nuclear medicine equipment.

3. This Circular does not apply to manufacture of radiopharmaceuticals with cyclotron.

Article 2. Interpretation of terms

In this Circular, the terms below are construed as follows:

1. Medical exposure means the impact of ionizing irradiation on:

a) Patients during diagnosis or treatment;

b) Persons undergoing health assessment;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Volunteers who help, take care of patients (which means this is not their profession) who are diagnosed or treated with ionizing irradiation.

2. Recommended medical exposure limits mean the recommended values of dose, dose rate, or activity used as reference for controlling medical exposure and while doing actual works. If these values are significantly higher or lower than the recommended value, reassessment is necessary to achieve a reasonable level of medical exposure.

3. Head of medical facility means the owner or owner’s legal representative or the owner’s authorized representative who manages the medical facility.

4. Radiological workers are doctors, nurses, pharmacists, engineers, technicians, midwives at the medical facility who directly works with radiological equipment of closed, open radiation sources, or take care of patients treated with radioactive isotopes, or work in areas with potential exposure with a dose rate exceeding 1 mSv per year, or work areas susceptible to radioactive contamination.

5. Radiological equipment includes equipment that emits x-ray or contains radiation sources used for medical diagnosis and treatment, including: diagnostic x-ray devices, diagnostic imaging devices using radiation sources, radiotherapy equipment.

6. Diagnostic x-ray equipment means equipment that emits x-ray used for diagnostic imaging, including x-ray equipment for dental imaging (including full-mouth dental imaging equipment, skull imaging equipment, and intraoral dental imaging equipment), mammography equipment, mobile x-ray equipment; x-ray equipment for measurement of bone density, multipurpose x-ray imaging equipment, fluoroscopic TV x-ray system, CT scanner, vein imaging and vascular and interventional radiology system.

7. Radiotherapy equipment means equipment that emits ionizing irradiation used for cancer treatment, including radiotherapy x-ray equipment, linear particle accelerator, teletherapy (external beam radiotherapy) equipment using radiation sources, contact high dose rate (HDR) brachytherapy equipment, gamma knife.

8. Nuclear medicine equipment includes gamma camera, SPECT, SPECT/CT, PET, PET/CT, radiopharmaceutical dose meter, bodily activity recorder (kidney radioactivity meters, radiation density gauge).

Article 3. General rules for assurance of medical radiation safety

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The diagnosis or treatment using ionizing irradiation has considerably great benefits for patients than the harms they suffer;

b) Exposure incurred by radiological workers and the public must not exceed the limits; Exposure incurred by patients must not exceed prescribed levels;

c) Exposure incurred by patients, radiological workers, and the public, and the number of exposed persons must be kept as low as reasonably possible.

2. Only conduct medical examination, treatment, scientific research, training, defensive medicine works, and drug testing using radiological equipment, radiation sources, or radiopharmaceuticals after a competent authority issues a license to do radiological works.

Chapter II

MEDICAL RADIATION SAFETY REQUIREMENTS

Article 4. General safety requirements applied to radiological equipment and nuclear medicine equipment

1. Radiological equipment used for diagnosis, treatment, and nuclear medicine equipment must have quality certificates for types or models which certifies their conformance with safety requirements of International Electrotechnical Commission (IEC), International Standardization Organization (ISO), or equivalent Vietnam’s Standards.

2. There are documents attached to the equipment, including specifications, operation, maintenance, and safety manual. The manual must be translated into Vietnamese.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. The radiological equipment must have a mechanism to control the radiation beam, clearly and reliably indicate that whether the beam is off or on.

5. Radiological equipment must have a mechanism to contain the beam in order to ensure that the beam is aimed at only the patients that need diagnosis or treatment.

6. The radiation field emitted to serve diagnosis or treatment must be even in the region. The unevenness of the radiation field must be specified by the manufacturer.

Article 5. Safety requirements applied to diagnostic x-ray equipment

Apart from regulations in Article 4 of this Circular, diagnostic x-ray equipment must satisfy the following requirements:

1. The level of leaked radiation of the x-ray tube must not exceed 1 mGy/hour at the distance of 1 m from the x-ray tube cover over an area not exceeding 100 cm2 in all working modes of the equipment as recommended by the manufacturer.

2. The fixed filtration value of x-ray tube must be written on the box (expressed as mm Al).

3. There is a system for checking beam dimension using light sources, except for intraoral dental imaging and mammography equipment.

4. Values of voltage (kV), tube current (mA), duration (s), or generating constant (mAs) must be displayed on the control panel when switching to working mode and while during the imaging process.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. X-ray scanning equipment must have the automatic exposure control unit or beam control button that only allows beam emission if the button is pressed and held tightly.

7. Mobile x-ray equipment must have a cable long enough that the distance between the equipment and the x-ray tube is at least 02 m. For other radiological equipment, the minimum distance is 3 m.

8. Interventional radiology equipment must have rubber lead covers at the patient’s table to prevent radiations from affecting the operator. There must be a ceiling-hanged cover system used for protecting the operator’s eyes and thyroid gland while monitoring the patient. The minimum thickness of rubber lead covers is 0.5 mm of equivalent lead.

Article 6. Safety requirements applied to radiotherapy equipment

Apart from the requirements in Article 4 of this Circular, radiotherapy equipment must satisfy the following requirements:

1. Irradiation may be stopped from the control panel and can only be resumed at the control panel; Protection mode is automatically activated upon blackout until the equipment is turned on from the control panel.

2. Radiotherapy equipment using radiation sources must have at least 02 control mechanisms that automatically activates protection mode and stops irradiation upon accident.

3. Teletherapy equipment using radiation sources and HDR brachytherapy equipment must allow the operator to manually activate protection mode in an emergency. Gamma knives must allow the operator to manually close the window to block the source in an emergency.

4. The box radiation sources of teletherapy equipment using radiation sources and containers of radiation sources of HDR brachytherapy equipment must have clear radiation warning symbol.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Sealed radiation sources used for teletherapy or HDR brachytherapy equipment must comply with ISO 2919:2012 Radiation protection - Sealed radioactive sources - General requirements and classification or Vietnam’s Standards 6853:2001. If they are still used after the expiration of useful life recommended by the manufacturer, radiation leak must be checked to assure that the sources are still as designed.

2. Radiopharmaceuticals used in nuclear medicine must be permitted for free sale as prescribed by regulations of law on pharmacy, may only be used for prevention, treatment of diseases, regulation of bodily functions, and the following factors must comply with recognized international standards:

a) Purity of radionuclides (ratio of radioactivity of tracer radionuclides in radiopharmaceuticals to total activity of radionuclides therein);

b) Specific activity (activity of a unit of mass of tracer of a specific radionuclide, whether inside the tracer of such radionuclide or not);

c) Radiochemical purity (proportion of radionuclides in the desired form of chemical connection of the tracer to the total amount of radionuclides in the radiopharmaceutical, which means radionuclides separated from the tracer);

d) Chemical purity (ratio of main tracer, regardless of its activity, to the radiopharmaceutical; Radiopharmaceutical means a prepared amount that is ready to be used for the patient);

dd) pH;

e) Other parameters of drugs prescribed by regulations of law on pharmacy.

3. All radiopharmaceuticals must have labels that contain the following information:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Total radioactivity of the preparation;

c) Activity measuring date;

d) Result of radiochemical impurity measurement;

dd) Manufacturer’s name, address, and manufacturing date;

e) Expiration date;

g) Batch number;

h) Volume of radiopharmaceuticals (those in solutions);

i) Other information on drug labels prescribed by regulations of law on pharmacy.

Article 8. Safety requirements applied to radiation measuring equipment, radiation protection equipment and apparatus

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Nuclear medicine facilities must have the following radiation protection equipment and apparatus:

a) Fume hood with volume and flow rate suitable for preparation, division of radiopharmaceuticals;

b) Tables for preparation, division of radiopharmaceuticals with lead sheets combined with L-shape radiation shielding materials and lead glass window;

c) Clamps for working with radiation sources from a distance;

d) Radiopharmaceutical containers with lead covers and protective outer shells;

dd) Trays specially designed for preparing, dividing liquid radiopharmaceuticals;

e) Cylinders with lead covers specially designed for used in nuclear medicine;

g)  Disposable automatic pipette;

h) Tools for handling spilled radioactive substances.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Tables with L-shape lead shields and lead glass windows for working with radiation sources;

b) Clamps with long handles;

c) Source cabinet with separate compartments to store sources with different activity;

d) Source bottle for transport.

Article 9. Inspection, calibration of radiological equipment and radiation meters

1. Medical facilities must inspect radiological equipment used in within their facilities:

a) before the equipment is used for the first time;

b) every year (for radiotherapy equipment, CT scanners, fluoroscopic TV x-ray system) and every two year (for other diagnostic x-ray devices) from the day on which they are put into operation;

c) after the equipment is reinstalled or repaired;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. If the inspection result shows that safety parameters of radiological equipment deviate from permissible values, the equipment must be calibrated before being permitted for use. Inspection and calibration must be carried out according to the procedures provided by manufacturers or an equivalent Vietnam’s Standard.

3. Radiation meters (dose rate meter, surface contamination meters, radiopharmaceutical dosimeter) must be inspected before being put into operation, after repair, and annually.

4. Radiological equipment and radiation meters must be inspected and calibrated by entities licensed by the Ministry of Science and Technology to provide inspection and/or calibration services.

Article 10. Rooms for placing radiological equipment, working with radiation sources and radiopharmaceuticals; storage of radiation sources or radioactive waste, rooms for patients treated with radiation

1. Rooms for placing radiological equipment, working with radiation sources and radiopharmaceuticals; storage of radiation sources or radioactive waste, rooms for patients treated with radiation must not be positioned next to the obstetrics ward or pediatrics ward.

2. The dimensions of rooms for placing radiological equipment must comply with Appendix I enclosed herewith.

3. The thickness of the walls, ceiling, floor, doors of the radiological equipment room, monitoring windows of the control room must be designed in accordance with Article 7 of Circular No. 19/2012/TT-BKHCN and ensure that potential dose of the working environment (not including natural background radiation):

a) does not exceed 20 mSv/year in the control room or where the control panel of the radiotherapy equipment is place;

a) does not exceed 1 mSv/year at any position outside the radiotherapy equipment room where the public and patients are present;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) does not exceed 0.5 mSv/hour at any position outside the diagnostic x-ray system room where the people and patients are present.

Any diagnostic x-ray room located within a residential area, adjacent to residential houses or workplaces must ensure that radiation dose at any position outside the room is equal to natural background radiation.

4. Apart from radiation shielding requirements, the design of teletherapy and HDR brachytherapy rooms must have interlocking system which only allows radiotherapy equipment to start up after the door is closed and automatically terminates radiation if the door is suddenly opened; There must be a radiation warning system and at least an emergency radiation termination system in the room.

5. The design of a radiotherapy room must be assessed and licensed by the Department of radiation and nuclear safety before its construction as prescribed in Circular No. 08/2010/TT-BKHCN dated July 22, 2010 of the Minister of Science and Technology.

6. Every nuclear medicine facility must have rooms for preserving for storing and working with radiopharmaceuticals (dose packaging), rooms where radiopharmaceuticals are administered (taken orally or injected), rooms for storage of radioactive waste, bathrooms reserved for patients using radiopharmaceuticals, gamma camera rooms,  rooms for hyperthyroidism or thyroid gland cancer patients; bathrooms for workers after working with radiopharmaceuticals. These rooms and areas must be protected from external radiation and radioactive contamination as follows:

a) Radiation shielding must be so designed that dose rate where the people, patients are present an in adjacent rooms does not exceed 0.5 µSv per hour;

b) The floor and walls of rooms at risk of radioactive contamination must be covered with smooth, watertight, and cleanable materials;

c) Wash-basins for workers who work with radiopharmaceuticals must have automatic faucets or faucets with foot-operated or elbow-operated handles;

d) All contaminated water must be collected by separate drainage system and discharged into a reservoir where liquid radioactive wastes are treated.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) A radiation warning sign is place above the door to the controlled area according to Appendix II enclosed herewith.

b) There are signal lights at doors of the radiological equipment room, brachytherapy room, radiopharmaceutical preparation room, which are on throughout the process of radiation works;

c) Rules and regulations are placed at the door to the controlled area;

d) In the teletherapy room, HDR brachytherapy room, room for patients treated with radiopharmaceuticals or radioactive implants, additional contact prevention measures must be taken such as installing fences, locking doors, or assigning supervisors.

8. Design of warehouse of radiation sources or radioactive waste must comply with the following regulations:

a) Dose rate at any position on the outer side of the wall does not exceed 0.5 µSv/hour;

b) Radiation warning signs (in Appendix II enclosed herewith) are put up at the door to the warehouse and on the walls adjacent to public area;

c) Measures must be taken to prevent unauthorized persons from entering the warehouse.

Article 11. Installation of radiological equipment

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Only one piece of radiological equipment may be installed in a room. 02 diagnostic x-ray systems may be installed in one room. However, only one of them may be operated at a time.

2. Radiological equipment must be so installed that the beam is not aimed towards the control panel, door, windows, or public areas.

3. The control panel of the radiological equipment must be placed outside and adjacent to the equipment room. There must be a patient monitoring system and means of communications between the operator and the patient. In case of diagnostic x-ray system working at a voltage smaller than 150 kV, the control panel may be placed in the same room as the system, provided there are lead shields to ensure that the dose rate at the operator’s position is smaller than 10 µSv/hour.

Article 12. Internal regulation on radiation safety and safe operation of radiological equipment

1. Every medical facility must establish procedures for working with radiological equipment, radiation sources, radiation safety regulations which satisfy the following requirements:

a) The procedures must specify the steps for operating radiological equipment, working with radiation sources, working in areas likely to be irradiated or contaminated, taking care of patients treated with radiopharmaceuticals or radioactive implants; operating procedures for each device, and treatment regimen of each disease;

b) Radiation safety regulations must point out radiation protection for radiological workers and other employees of the medical facility, patients, caretakers, and the public.

2. Radiological equipment operators must follow the steps blow:

a) Check the equipment safety before and after work;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Adhere to operation procedures;

d) Pay attention to unusual signs of the radiological equipment and inspecting devices in order to promptly discover problems and prevent accidents;

dd) Do not remove broken parts of the protection system or short-circuit to operate the equipment i.e. short-circuiting the interlocking system of radiotherapy room.

Article 13. Employment of radiological workers

1. Medical facility must assign other tasks to female radiological workers during their pregnancy or while they are raising children under 12.

2. Medical facilities must not employ people under 18, people having radiation sickness to operate radiological equipment, work with radiation sources, take care of patients treated with radioactive isotopes, work in areas at risk of irradiation at over 1 mSv/year or in areas at risk of radioactive contamination.

3. Medical facilities having apprentices, learners, students who practice operating radiological equipment, working with radiation sources, taking care of patients treated with radiation sources or radiopharmaceuticals, work in areas at risk of irradiation at over 1 mSv/year or in areas at risk of radioactive contamination have the responsibility to:

a) Provide training in basic radiation safety, radiation safety regulations for them;

b) Assign specialists to instructs them and monitor their works;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 14. Radiation safety training

Medical facilities are responsible for providing radiation safety training for their radiological worker, particularly:

1. Provide radiation safety training for new radiological worker according to the basic radiation safety training program prescribed by the Ministry of Science and Technology.

2. Provide periodic retraining, refresher courses, new information about radiation safety for radiological worker at least every 03 years.

3. Provide training for radiological worker on radiation safety regulations, radiation emergency response procedures, or new regulations, information about radiation safety.

4. Ensure that radiation safety training mentioned in Clause 1 and Clause 2 of this Article is provided entities licensed to provide radiation safety training by the Ministry of Science and Technology.

5. Make, update, and retain radiation safety training documents.

Article 15. Radiation monitoring at workplaces

1. Medical facility must carry out environmental radiation monitoring as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Carry out annual inspection of radiation level at radiological workers’ positions, environmental radiation level at doors and surrounding areas of radiological equipment rooms, radiation sources and radioactive waste storage;

c) Carry out monthly inspection of radioactive contamination at the workplace and surroundings if the nuclear medicine facility uses radiopharmaceuticals for diagnosis and treatment of diseases;

d) Compare results of workplace radiation monitoring with established limits; determine causes and take remedial measures if the results exceeds the limits.

2. The medical facility must make and keep documents about workplace radiation monitoring and inform radiological worker of the radiation monitoring results.

Article 16. Monitoring and assessment of exposure

1. Medical facilities must monitor and assess individual exposure incurred their radiological worker, particularly:

a) Provide personal dosimeters for radiological worker and measure exposure incurred by radiological worker at least every 03 months at facilities licensed to provide exposure measurement services by the Ministry of Science and Technology;

b) Assessment of total individual exposure incurred by radiological workers directly working with open radiation sources (radiopharmaceuticals, contaminated objects, radioactive waste), which equals (=) to external exposure (according to personal dosimeters) and internal exposure (by direct measurement or assessment of workplace background radiation, workplace air activity concentration, level of workplace radioactive contamination, working time, and working procedures);

c) Facilities using interventional radiology equipment must provide each person who works in the equipment room (operators, doctors, technicians, nurses) 02 personal dosimeters, one to be worn inside the lead rubber apron at abdomen-height, and one outside the apron at neck-height in order to accurately assess individual exposure they incur using the following formula:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Where HW is the value given by the dosimeter inside the apron.

HN is the value given by the dosimeter outside the apron.

d) If the value effective dose caused by external exposure incurred by operators of diagnostic x-ray equipment and radiotherapy equipment or value to total effective dose (including both external and internal exposure) incurred by radiological workers directly working with open radiation sources (radiopharmaceuticals, contaminated objects, radioactive waste) exceeds the set limits, it is required to reconsider the working procedures, radiation protection measures, and remedial measures;

dd) Provide instructions and carry out inspections to ensure that radiological workers wear personal dosimeters while working and protect them properly as instructed by the provider of individual exposure measurement services;

e) If a radiological worker loses his/her personal dosimeter or a personal dosimeter is broken, it must be immediately replaced by a new one and assess exposure incurred by that worker throughout the period of working without a dosimeter according to the practical working time or usual exposure incurred in the previous times;

g) Inform radiological worker of their individual exposure;

h) Make, retain, and manage documents about individual exposure incurred by radiological workers according to Article 17 of Circular No. 19/2012/TT-BKHCN.

2. In case a radiological worker simultaneously works for multiple medical facilities, each of them must separately monitor and assess individual exposure incurred by such person as prescribed in Clause 1 of this Article. The person must ensure that total occupational exposure he/she incurs at all facilities they work for does not exceed the limits in Appendix I of Circular No. 19/2012/TT-BKHCN.

Article 17. Personal protective equipment

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Lead rubber aprons for operator of full-mouth dental imaging systems, skull imaging systems, multipurpose x-ray systems, fluoroscopic TV x-ray system, CT scanners.

2. lead rubber apron, rubber cover for thyroid gland for operators of mobile x-ray systems.

3. Lead rubber aprons, rubber cover for thyroid gland, lead glass, lead rubber gloves for operators of interventional radiology systems, doctors, workers in vascular and interventional radiology room.

4. Protective clothing, gloves, goods, facemasks, protective boots or foot covers for radiological workers who work with open radiation sources (radiopharmaceuticals, contaminated objects, radioactive waste).

5. Protective lead shields for workers who work with patients that are treated with radiopharmaceuticals or radioactive implants.

Article 18. Health check-ups for radiological workers

1. Every year, the medical facility must provide health check-ups for radiological worker in accordance with Circular No. 19/2011/TT-BYT dated June 06, 2011.

2. The medical facility must give other jobs that do not involve radiation to radiological workers who have health issues.

3. The medical facility must make, retain, and manage health profiles of radiological workers in accordance with Article 17 of Circular No. 19/2012/TT-BKHCN dated November 08, 2012.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The medical facility must plan and carry out internal inspection of adherence to radiation safety regulations and working procedures.

2. All shortcomings in the process of radiation safety management must be found during the inspection and dealt with.

3. Every year, the medical facility must review the radiation safety management process as prescribed in Article 18 of Circular No. 19/2012/TT-BKHCN dated November 08, 2012.

4. The internal inspection result must be recorded in writing and filed away in radiation safety documents.

Article 20. Medical exposure control

1. The treating physician is the person responsible for radiation safety of his/her patients and is obliged to:

a) Only resort to ionizing irradiation for diagnosis or treatment it is certain that benefits for patients considerably outweigh the harms they incur.

b) Do not use ionizing irradiation if there is another diagnosis or treatment method that has the same result;

c) It is necessary to exercise caution when using ionizing irradiation for children, women of child-bearing age, pregnant women, or women with children under 12 months. To be specific:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Avoid using ionizing irradiation on pregnant women or c) It is necessary to exercise caution when using ionizing irradiation for children, women of child-bearing age, pregnant women, women showing signs of pregnancy, or women with children younger than 12-month old. To be specific: Responsible health workers and equipment operators must be notified to provide the patient with proper protection;

- Only use radiopharmaceuticals for children if compulsory and the activity must be reduced.

d) Refer to information about previous examinations to avoid unnecessary examination;

dd) Decide the level of irradiation radiopharmaceuticals as low as possible but still effective according to instructions in Appendix III enclosed herewith.

2. Health workers, operators of radiological equipment must provide radiation protection for patients while doing their tasks as follows:

a) Ensure that medical irradiation is only used when it is ordered by the treating physician, and used in accordance with the order;

b) Ensure that the equipment used is suitable.

3. Apart from responsibility for patients’ safety prescribed in Clause 2 of this Article, operators of diagnostic x-ray equipment must take the following measure to protect patients:

a) Ensure that the imaging complies with the established operating procedures;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Do not irradiate radiation-sensitive parts of the patient’s body such as the gonads, crystalline lens, breasts, thyroid gland; use proper shielding if this is unavoidable;

d) Avoid radiographing the abdomen area and pelvic area of pregnant women or women showing signs of pregnancy unless is mandatory because of clinical reasons. In this case, the exposure incurred by the fetus must be minimized;

dd) Do not allow patients and unauthorized persons stand inside the x-ray room while another patient is being radiographed.

4. Apart from responsibility for patients’ safety prescribed in Clause 2 of this Article, Health workers, and operators of radiotherapy equipment must take measures to that the level of exposure incurred by healthy tissues is minimized but still effective.

5. Health workers, technicians who package radiopharmaceuticals must ensure accurate quantity of radiopharmaceuticals as ordered by physicians.

6. If a medical facility retains patients that use radiopharmaceuticals, only one patient is permitted in a room. If a room must contain multiple patients, movable lead shields must be used to ensure that one patient is not affected by irradiation of the other.

7. Each medical facility must establish a separate medical exposure quality assurance which the following contents:

a) Radiological equipment, radiopharmaceutical dosimeters are inspected and calibrated in accordance with Article 9 of this Circular;

b) Parameters and optimal conditions of radiological equipment are used as reference value for inspection and calibration.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Instruct basic measures for ensuring radiation safety and safety procedures before allow them to participate in these tasks;

b) Provide proper protective equipment to reduce exposure;

c) Ensure that the exposure they incur over the period of diagnosis or treatment of the patient does not exceed 5 mSv.

9. The medical facility must carry out investigations, take remedial measures, and record the cases of accidental medical exposure that leads to or threatens to lead to higher exposure incurred by patients than expected.

Article 21. Control of public exposure

The medical facility must take the following measures to ensure safety for the public:

1. Only allow responsible for radiological workers and persons appointed to help the patients to stay in the examination or treatment room during the irradiation period.

2. Measures must be taken to prevent unauthorized persons from entering the radiological equipment control room, radioactive substance areas, rooms for patient treated with radiopharmaceuticals or radioactive implants.

3. Only discharge a patient treated with radiopharmaceuticals after the activity of radiation that remains in his/her body does not exceed 400 MBq.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Control the radiation level to ensure there is no change during the operation;

b) Place radiation warning signs, lights, signals, and take measures to restrict people from entering these areas.

Article 22. Radiation emergency response

1. Every medical facility that uses radiation sources and radiological equipment must make and approve internal radiation emergency response plan as prescribed in Circular No. 24/2012/TT-BKHCN dated December 04, 2012 of the Minister of Science and Technology and regulations in Clauses 2, 3, and 4 of this Article.

2. Every medical facility using diagnostic x-ray equipment must establish a radiation emergency response plan which contains:

a) Regulations about implementation of measures to:

- Prevent unauthorized persons from staying in the equipment room while the equipment is irradiating;

- Prevent operators from setting wrong imaging modes or operating the equipment against the doctor’s order or mistaking patients;

- Prevent malfunctioned equipment from working which leads to repeated irradiation.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Regulations on responsibility to report in the events mentioned in Point a and in the cases of overexposure mentioned in Point b of this Clause;

d) Regulations on making and retaining documents in the event of emergency.

3. Every medical facility using radiopharmaceuticals for diagnostic and/or treatment must establish a radiation emergency response plan which contains:

a) Measures for prevention of accidents and response procedures in the event of the following emergencies:

- Loss of radiopharmaceuticals;

- Spilled radiopharmaceuticals that cause contamination;

- Unauthorized persons staying in radiopharmaceutical packing room during the working process;

- Use of incorrect dose, type of radiopharmaceuticals, on incorrect patients, or incorrect dose calibration of radiopharmaceuticals;

- Fire in the storage of radiopharmaceuticals or radioactive waste;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Regulations on assessment of absorbed dose and monitoring of health status of patients who take or are given radiopharmaceuticals incorrectly and at risk of overexposure; assessment of exposure and health status of radiological worker in the event of overexposure; assessment of impact on the public and the environment in case of emergencies;

c) Regulations on responsibility to report in the events mentioned in Point a and in the cases of overexposure mentioned in Point b of this Clause;

d) Regulations on making and retaining documents in the event of emergency;

dd) Regulations on emergency response drills.

4. Every medical facility using radiotherapy equipment and/or sealed radiation sources must establish a radiation emergency response plan which contains:

a) Measures for prevention of accidents and response procedures in the event of the following emergencies:

- Loss of radiation sources;

- Radiation sources are stuck and cannot be taken to the protection position; other accidents related to equipment breakdown;

- Leaking or broken sources that cause contamination;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Unauthorized persons staying in the radiotherapy room during radiotherapy process;

- irradiation accidents: wrong patients, wrong tissues, wrong treatment plan, overexposure.

b) Regulations on assessment of dose and distribution of dose in the patient’s body, monitoring of patients’ health status in case of irradiation accident; assessment of exposure and monitoring of radiological workers’ health status in case of overexposure; investigation and assessment of impact to the public and the environment in case of emergencies;

c) Regulations on responsibility to report in the event of emergencies mentioned in Point a and in the event of irradiation accidents mentioned in Point b of this Clause;

d) Regulations on making and retaining documents in the event of emergency;

dd) Regulations on emergency response drills.

Article 23. Management of spent sealed radiation sources and radioactive waste

1. Radioactive wastes produced from the use of radioactive substances in the medical facility (including contaminated wastewater from the preparation room, water for rinsing bottles and tools for working with radiopharmaceuticals; wastewater from restrooms for patients using radiopharmaceuticals; contaminated papers, towels; discarded tubular needles of radiopharmaceuticals; discarded packages, bottles of radiopharmaceuticals; contaminated clothing, footwear, and other items that are discarded) must be collected, stored, treated, and discarded in accordance with regulations on radioactive waste management promulgated by the Ministry of Science and Technology.

2. Apart from the tasks in Clause 1 of this Article, solid radioactive waste (contaminated papers, towels; discarded tubular needles of radiopharmaceuticals; discarded packages, bottles of radiopharmaceuticals; contaminated clothing, footwear, and other items that are discarded) must be managed in accordance with Decision No. 43/2007/QĐ-BYT dated November 30, 2007 on management of medical waste.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 24. Radiation safety documents

Medical facilities are responsible for making, retaining, and managing documents about radiation safety as prescribed in Article 17 of Circular No. 19/2012/TT-BKHCN dated November 08, 2012 of the Minister of Science and Technology.

Chapter III

RESPONSIBILITY FOR ASSURANCE OF RADIATION SAFETY

Article 25. Responsibility of medical facilities and heads of medical facilities

1. Medical facilities using radiological equipment, radiation sources, and/or radiopharmaceuticals must comply with regulations on radiation safety in this Circular and relevant legislative documents.

2. Medical facilities using radiological equipment, radiation sources, and/or radiopharmaceuticals may only do radiological works after being granted licenses for radiological works by a competent agency.

3. The head of the medical facility has to take the highest responsibility for assurance of radiation safety for radiological workers, other employees of the medical facility, the public, and the surrounding. To be specific:

a) Grasp and comply with regulations of law on radiation safety and radiation safety requirements in this Circular;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Appoint safety officers, specify their tasks, duties, and power; enable them to fulfill their duties in terms of time and finance;

d) Enable inspectorates and inspector to carry out inspection of nuclear and radiation safety; provide sufficient information on request;

e) Assign other tasks that do not involve working with radiation to pregnant female radiological workers when receiving their written notifications.

Article 26. Responsibility of safety officers

1. A safety officer must be a person who directly does the radiological works, has professional knowledge, and grasp regulations on medical radiation safety, regulations of law on radiation safety, radiation source security, and are issued with a certificate of radiological worker by Vietnam Agency for Radiation and Nuclear Safety or the Department of Science and Technology of the province.

2. The safety officer has the responsibility to assist the head of the medical facility in implementation of regulations of law and requirements of this Circular in terms of radiation safety, including:

a) Application of technical and financial measures to ensure safe working condition for employees and the public, which suit the radiological works carried out at the facility;

b) Comply with request for information provision, license issuance, and license renewal as prescribed by law;

c) Take responsibility to the head of the facility and take joint responsibility with the head when a radiation emergency or violation occurs;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The safety officer is entitled to suspend any radiological works when finding a sigh or risk of danger.

Article 27. Responsibility of radiological workers

1. Radiological worker must be trained and have radiology certificates issued by competent authorities which are suitable for their radiological works.

2. Responsibility of radiological workers:

a) Participate in training courses on radiation safety at the request of the safety officer;

b) Only do radiological works or works that that involve exposure after having been trained in and grasped regulations of law on radiation safety, radiation protection measures, and only operate radiological equipment, nuclear medicine equipment if having occupational safety cards;

c) Comply with working regulations and procedures as well as radiation safety instructions of the facility;

d) Use personal safety equipment, personal dosimeters, radiation testers, and equipment for working with radiation sources as instructed;

dd) Cooperate with the safety officer to comply with regulations on annual health checkups and personal dose measurement;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Female radiological workers who are pregnant must inform the safety officer or head of the medical facility in writing in order to be given other tasks that do not involve radiation.

Article 28. Responsibility of health authorities

1. Medical examination and Treatment Administration –Ministry of Health shall cooperate with relevant units in instructing radiation safety works in medical facilities nationwide.

2. Services of Health of provinces are responsible for supervising, monitoring implementation of regulations on radiation safety in local medical facilities. Army Medical Department - Ministry of National Defense are responsible for supervising, monitoring implementation of regulations on radiation safety in army medical facilities.

Article 29. Responsibility of nuclear and radiation safety authorities

1. Vietnam Agency for Radiation and Nuclear Safety –Ministry of Science and Technology has the responsibility for management of radiation safety in medical facilities nationwide, including:

a) Receive information about containers of radiation sources for diagnostic imaging, radiotherapy equipment, sealed radiation sources, and radiopharmaceuticals;

b) Carry out safety inspection, issue licenses to do radiological works with regard to use of containers of radiation sources for diagnostic imaging, operation of radiotherapy equipment; retention, use of radiation sources and radiopharmaceuticals; treatment, retention of used sealed radiation sources, change of scale and scope of radiotherapy facilities, shutdown of radiotherapy facilities; and issuance of radiological worker certificates;

c) Carry out inspection of adherence to regulations of law on medical radiation safety; take actions against violations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Receive information about diagnostic x-ray systems;

b) Carry out safety inspection, issue licenses to do radiological works with regard to use of diagnostic x-ray systems and issuance of radiological worker certificates for safety officers of medical facilities;

c) Carry out inspection of adherence to regulations of law on medical radiation safety in local medical facilities; take actions against violations;

d) Cooperate with Army Medical Department – Ministry of National Defense Carry out safety inspection, issue licenses to do radiological works with regard to use of diagnostic x-ray systems in local army medical facilities.

Chapter IV

IMPLEMENTATION

Article 30. Application of reference

If any of the legislative documents, technical regulations, or standards referred to in this Circular is amended, supplemented, or replaced, the newer one shall apply.

Article 31. Effect

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Joint Circular No. 2237/1999/TTLT-BKHCNMT-BYT dated December 28, 1999 of the Ministry of Science and Technology and the Ministry of Health on medical radiation safety is annulled from the effective date of this Circular.

Difficulties that arise during the implementation of this Circular should be reported to the Ministry of Science and Technology and the Ministry of Health for consideration./.

 

PP MINISTER OF THE MINISTRY OF HEALTH
DEPUTY MINISTER




Le Quang Cuong

PP MINISTER OF THE MINISTRY OF SCIENCE AND TECHNOLOGY
DEPUTY MINISTER




Tran Quoc Khanh

 

APPENDIX I

DIMENSIONS OF RADIOLOGICAL EQUIPMENT ROOMS

No

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Minimum usable area (m2)

Minimum dimension of a side (m)

I

PHÒNG ĐẶT THIẾT BỊ X - QUANG CHẨN ĐOÁN TRONG Y TẾ

1

Mammography room

12

3.5

2

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

12

3.5

3

Room for comprehensive dental imaging, skull imaging

14

3.5

4

Multipurpose x-ray room with patient’s bed

14

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5

Multipurpose x-ray room with electrical bed for patients

20

3.5

6

CT scanner room

28

4

7

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

36

5.5

II

Radiotherapy equipment

1

Teletherapy equipment

30

4

2

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

30

4

3

HDR brachytherapy equipment

30

4

Note: Dimensions of rooms for radiological equipment not mentioned in this Appendix are not regulated.

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT ngày 09/06/2014 về bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Bộ Y tế ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


63.291

DMCA.com Protection Status
IP: 14.224.193.9
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!