BỘ
QUỐC PHÒNG-BỘ Y TẾ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
05/2003/TTLT-BYT-BQP
|
Hà
Nội , ngày 29 tháng 4 năm 2003
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
CỦA BỘ Y TẾ - BỘ QUỐC PHÒNG SỐ 05/2003/TTLT-BYT-BQP NGÀY 29
THÁNG 4 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN VỀ CÔNG TÁC KẾT HỢP QUÂN, DÂN Y TRONG PHÒNG CHỐNG SỐT
RÉT
Thực hiện Chỉ thị số 09/CT ngày
19/4/1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về công tác
y tế quân đội;
Để phát huy tốt sức mạnh của y tế
nhân dân và y tế quân đội cho việc chăm sóc sức khỏe nhân dân và cán bộ chiến
sĩ quân đội trong công tác phòng chống sốt rét, liên Bộ Y tế - Bộ Quốc phòng
"Hướng dẫn về kết hợp quân, dân y trong phòng chống sốt rét" như sau:
I. NHỮNG VẤN
ĐỀ CHUNG
1. Phạm vi hướng dẫn:
Thông tư liên tịch này hướng dẫn
về kết hợp trong công tác phòng chống sốt rét của các đơn vị quân y và dân y
trong phạm vi cả nước.
Việc kết hợp quân, dân y phòng
chống các bệnh dịch khác và thu nhận người bị thương, bị bệnh vẫn được thực hiện
theo Thông tư liên Bộ Y tế - Quốc phòng số 09/TT-LB ngày 21 tháng 7 năm 1992.
2. Trong Thông tư liên tịch này
một số từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
- Quân y: Y tế quân đội.
- Dân y: Y tế nhà nước không bao
gồm y tế quân đội
- Y tế cơ sở: Y tế xã, bản, quân
y trung đoàn hoặc tương đương.
- Vật tư y tế: Bao gồm thuốc,
hóa chất, dụng cụ y tế... dùng cho việc chẩn đoán và điều trị người bị sốt rét,
phòng chống dịch và nguy cơ dịch sốt rét.
II. CỦNG CỐ VỀ
TỔ CHỨC
1. Ở tuyến Trung ương:
Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ
giữa Vụ Y tế dự phòng, các Vụ liên quan (Bộ Y tế), Dự án Quốc gia phòng chống sốt
rét (Viện Sốt rét ký sinh trùng - côn trùng Trung ương, Viện Sốt rét ký sinh
trùng - côn trùng Quy Nhơn, Phân viện Sốt rét ký sinh trùng - côn trùng thành
phố Hồ Chí Minh) với Cục Quân y và hệ thống dự phòng quân đội trong công tác chỉ
đạo và sử dụng các lực lượng dân y và quân y thực hiện các mục tiêu của Dự án
Quốc gia phòng chống sốt rét.
Thành lập Ban quân dân y Trung
ương gồm các thành phần: Bộ Y tế, Cục Quân y, Dự án Quốc gia phòng chống sốt
rét. Định kỳ 6 tháng họp một lần để kiểm điểm công việc và ấn định kế hoạch 6
tháng tiếp theo. Họp bất thường khi có nhiệm vụ đột xuất.
2. Ở tuyến tỉnh:
Tại những tỉnh có sốt rét lưu
hành, thành lập Ban quân dân y tỉnh, gồm các ủy viên sau:
+ Giám đốc Trung tâm Phòng chống
sốt rét tỉnh hoặc Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh
+ Chủ nhiệm Quân y Bộ chỉ huy
biên phòng tỉnh.
+ Đội trưởng Đội vệ sinh phòng dịch
quân khu, quân đoàn (nếu có đóng quân tại tỉnh).
3. Ở tuyến huyện, xã:
a) Tất cả các huyện thuộc vùng sốt
rét lưu hành, biên giới, vùng sâu, vùng xa nhất thiết phải thành lập Ban quân
dân y huyện gồm các thành phần: Trung tâm Y tế dự phòng huyện, Chủ nhiệm Quân y
của các đơn vị quân đội và quân y đồn biên phòng đóng quân trong địa bàn.
b) Riêng tuyến xã thuộc những
vùng trên nếu thấy cần thiết cũng có thể thành lập Ban quân dân y xã với các
thành phần quân và dân y tương tự.
III. TRIỂN
KHAI CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG SỐT RÉT
Tại những vùng sốt rét lưu hành
áp dụng thống nhất các biện pháp phòng chống sốt rét cho bộ đội và nhân dân như
sau:
1. Công tác phòng chống vectơ:
- Nằm màn.
- Tẩm màn bằng hóa chất xua diệt
muỗi. Phun tồn lưu hóa chất trên vách nhà ở, lán trại.
Trung tâm phòng chống sốt rét tỉnh
hoặc Trung tâm Y tế dự phòng, Đội Y tế dự phòng huyện chịu trách nhiệm chính về
chỉ đạo chuyên môn kỹ thuật như: hóa chất sử dụng, liều lượng chỉ định phun, tẩm
theo quy định của Dự án Quốc gia phòng chống sốt rét.
Tùy theo tình hình sốt rét ở mỗi
khu vực mà có các chỉ định: phun tồn lưu, tẩm màn hoặc cả hai và vào các thời
gian phù hợp.
Nên tổ chức phun, tẩm màn cho
các đơn vị bộ đội và nhân dân địa phương cùng một thời gian, một loại hóa chất
để dễ theo dõi, chỉ đạo.
Khi tổ chức các chiến dịch phun,
tẩm màn, điều trị cho bộ đội và nhân dân phải có sự phối hợp quân dân y thông
qua Ban quân dân y tỉnh, huyện, xã.
2. Công tác giám sát dịch tễ,
phát hiện và quản lý ca bệnh sốt rét:
Giám sát dịch tễ sốt rét, giám
sát nguồn bệnh, phát hiện và quản lý ca bệnh sốt rét là nhiệm vụ của các cơ sở
y tế quân y và dân y, nhưng trong quá trình thực hiện phải có sự phối hợp chi
viện lẫn nhau. Đặc biệt Quân y Bộ đội biên phòng và quân y các đơn vị ở vùng
sâu, vùng xa cần giúp dân y giám sát, quản lý ca bệnh sốt rét trên địa bàn và
trên các đối tượng giao lưu qua biên giới. Cần phát triển các điểm kính hiển vi
ở các đồn biên phòng (dân y địa phương hỗ trợ) và ở các xã vùng sâu, vùng xa.
Các điểm kính hiển vi của hệ thống dân y có thể xét nghiệm hoặc hỗ trợ vật tư
xét nghiệm cho y tế quân đội và ngược lại. Các phương pháp xét nghiệm, chẩn
đoán phải được thống nhất giữa các cơ sở y tế dân y và quân y theo quy định của
Bộ Y tế.
3. Công tác điều trị sốt rét: Việc
khám và điều trị bệnh sốt rét thông thường được thực hiện theo tuyến của quân y
hoặc dân y và theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Riêng những trường hợp sốt rét nặng,
sốt rét ác tính thì cơ sở y tế gần nhất (bất kể là quân y hay dân y) phải có
trách nhiệm cấp cứu điều trị.
Trường hợp cần chuyển lên tuyến
trên phải tuân theo các chỉ định và chống chỉ định tại hướng dẫn chẩn đoán và
điều trị sốt rét của Bộ Y tế.
Tại các vùng biên giới, vùng
sâu, vùng xa mà y tế địa phương còn yếu hoặc do cơ quan y tế địa phương yêu cầu
chi viện thì quân y đơn vị đóng quân trên địa bàn phải có trách nhiệm tham gia
khám bệnh và điều trị như một cơ sở y tế khu vực. Trong trường hợp này, vật tư
và kinh phí khám chữa bệnh cho dân do y tế địa phương đảm bảo.
Nơi có nhu cầu và có điều kiện
có thể thành lập trạm y tế hỗn hợp quân - dân y để phục vụ cho bộ đội và nhân
dân.
4. Công tác phòng chống dịch sốt
rét: Phòng chống dịch sốt rét là nhiệm vụ y tế của cả quân y và dân y. Quân y
và dân y phải thường xuyên quan hệ chặt chẽ, thông báo cho nhau tình hình dịch
bệnh sốt rét của các cơ quan đơn vị trên địa bàn do mình quản lý.
Khi có nguy cơ đe dọa dịch sốt
rét, y tế địa phương và quân y các đơn vị đóng quân trên địa bàn phải báo cáo
ngay lên y tế cấp trên của cả hai bên và Ban quân dân y bằng phương tiện nhanh
nhất, đồng thời tổ chức họp bàn với nhau lập kế hoạch phòng chống dịch.
Khi có dịch sốt rét xảy ra phải
thực hiện nghiêm chế độ báo cáo dịch khẩn cấp và nhanh chóng thành lập Ban chỉ
đạo chống dịch triển khai kế hoạch phòng chống, không để thành dịch lớn, kéo
dài và lan rộng. Kết quả phòng chống dịch được báo cáo theo quy định lên y tế cấp
trên, Vụ Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Viện Sốt rét ký sinh trùng - côn trùng Trung
ương, Viện Sốt rét ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn, Phân viện Sốt rét ký
sinh trùng - côn trùng thành phố Hồ Chí Minh, Cục Quân y.
Tùy theo đặc điểm, quy mô của vụ
dịch hoặc nhận được sự yêu cầu hỗ trợ của Ban quân dân y sở tại, Bộ Y tế, Viện
Sốt rét ký sinh trung và côn trùng Trung ương, Viện Sốt rét Ký sinh trùng và
côn trùng Quy Nhơn, Phân viện Sốt rét ký sinh trùng và côn trùng thành phố Hồ
Chí Minh và Cục Quân y có trách nhiệm tổ chức điều động các tổ (đội) cơ động chống
dịch của dân y và quân y ở tuyến sau đến chi viện tăng cường.
Trong trường hợp các đơn vị quân
y cần các phương tiện cấp cứu, điều trị, thuốc, hóa chất phun tẩm phòng chống
vectơ mà phía quân y do điều kiện khách quan chưa kịp chuẩn bị thì cơ quan y tế
dân y phải có trách nhiệm hỗ trợ giúp đỡ và ngược lại.
Với những Dự án trọng điểm nhà
nước (xây dựng các tuyến đường, các công trình thủy điện...) nếu lực lượng tham
gia thi công bao gồm cả lực lượng quân đội và dân sự thì lực lượng y tế hai bên
đều phải có trách nhiệm phối hợp, thống nhất bàn kế hoạch phòng chống sốt rét,
hỗ trợ nhau về phương tiện, vật tư y tế... khi có yêu cầu
IV. VỀ ĐÀO TẠO,
GIÁO DỤC TRUYỀN THÔNG PHÒNG CHỐNG SỐT RÉT
Hàng năm, đại diện y tế quân đội
được mời tham dự các hội nghị tổng kết công tác, giao ban phòng chống sốt rét định
kỳ do cơ quan y tế dân y các cấp tổ chức. Ngược lại, trong điều kiện cho phép,
cơ quan y tế dân y có thể được mời tham dự hội nghị của phía Quân y.
Viện, Phân viện, Trung tâm Phòng
chống sốt rét tỉnh hoặc Trung tâm y tế dự phòng, huyện có trách nhiệm hỗ trợ
đào tạo, bổ túc cán bộ chuyên môn cho lực lượng y tế quân đội, Bộ đội biên
phòng. Lực lượng này sau khi xuất ngũ có thể được ưu tiên sử dụng làm cán bộ y
tế cơ sở tham gia công tác phòng chống sốt rét.
Các lớp tập huấn phòng chống sốt
rét do hệ thống chuyên khoa các cấp dân y tổ chức cần mời các học viên là y tế
quân đội tham gia tùy theo đối tượng và hỗ trợ cung cấp cho y tế quân đội các
tài liệu, vật liệu phục vụ cho công tác đào tạo nghiệp vụ cán bộ quân y phòng
chống sốt rét.
Các cơ quan y tế quân và dân y
có trách nhiệm xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền phòng chống sốt rét
đến từng cán bộ chiến sĩ và người dân địa phương những hiểu biết về bệnh sốt
rét và cách phòng chống. Các cơ sở dân y có trách nhiệm cung cấp vật liệu tuyên
truyền (tranh, áp phích, tờ rơi, băng nghe nhìn...) cho các đơn vị quân y để
làm công tác giáo dục tuyên truyền phòng chống sốt rét.
V. VỀ XÂY DỰNG
KẾ HOẠCH VÀ BẢO ĐẢM VẬT TƯ - KINH PHÍ
Các đơn vị quân khu, quân đoàn
quân chủng, binh chủng, bộ đội biên phòng hàng năm xây dựng kế hoạch chi tiết
các nhu cầu hoạt động chuyên môn, kỹ thuật, vật tư bảo đảm cho công tác phòng
chống sốt rét gửi về Cục Quân y. Cục Quân y có nhiệm vụ tổng hợp báo cáo bằng
văn bản với Bộ Y tế (Vụ Y tế dự phòng, Dự án Quốc gia phòng chống sốt rét).
Từng năm Dự án Quốc gia phòng chống
sốt rét (Bộ Y tế) căn cứ vào dự trù vật tư, kinh phí của Cục Quân y, Phòng Quân
y Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và tính chất đặc thù của hoạt động quân sự để đảm
bảo cho phù hợp. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm bảo đảm một phần vật tư kinh phí
cho công tác phòng chống sốt rét của quân đội. Khi có nhu cầu đột xuất có thể hỗ
trợ thêm từ Dự án Quốc gia phòng chống sét rét.
Khi có dịch sét rét xảy ra, dịch
thuộc phạm vi bên nào thì vật tư, kinh phí do bên đó đảm nhiệm. Quân y và dân y
tùy theo khả năng của mình mà hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình chống dịch.
Trường hợp phía dân y yêu cầu
quân y cử lực lượng tham gia giúp dân phòng chống dịch sốt rét. Vật tư, kinh
phí để triển khai được thực hiện theo hai phương thức:
+ Với quy mô dịch nhỏ: Dân y và
quân y ở cùng địa phương cùng bàn bạc phối hợp, hỗ trợ nhau giải quyết.
+ Với quy mô dịch lớn: Bộ Y tế
(Dự án Quốc gia phòng chống sốt rét) bảo đảm.
VI. VỀ CHẾ ĐỘ
BÁO CÁO
1. Giám đốc Sở Y tế báo cáo kết
quả công tác kết hợp quân dân y với Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế trong các
báo cáo định kỳ.
2. Chủ nhiệm quân y tỉnh báo cáo
kết quả công tác kết hợp quân dân y với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và Phòng quân y
quân khu trong các báo cáo định kỳ.
3. Ban Quân dân y tỉnh báo cáo 6
tháng và hàng năm với Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Y tế, Bộ quốc phòng (Cục Quân y)
và Phòng quân y quân khu.
4. Cục Quân y có trách nhiệm chỉ
đạo hệ thống quân y toàn quân triển khai thực hiện các mục tiêu của Dự án Quốc
gia phòng chống sốt rét theo kế hoạch được ký kết và tổng hợp toàn bộ các hoạt
động phòng chối sốt rét trong quân đội báo cáo 6 tháng và cả năm với Bộ Y tế (Dự
án Quốc gia phòng phòng sốt rét).
VII. HIỆU LỰC
THI HÀNH
1. Thông tư liên tịch này có hiệu
lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế các quy định và
hướng dẫn trước đây trái với những hướng dẫn trong Thông tư liên tịch này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu
có vướng mắc hoặc cần bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế thì các đơn vị,
địa phương phản ánh về Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng để nghiên cứu giải quyết.
Nguyễn
Văn Được
(Đã
ký)
|
Nguyễn
Văn Thưởng
(Đã
ký)
|