TỔNG
CỤC THỂ DỤC THÊ THAO - BỘ Y TẾ
*******
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******
|
Số:
637-TT/LB
|
Hà
Nội, ngày 02 tháng 11 năm 1977
|
THÔNG TƯ LIÊN BỘ
VỀ PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO VỆ SINH THỂ DỤC YÊU NƯỚC
I. Ý NGHĨA CUỘC
VẬN ĐỘNG
Sau ba mươi năm chiến tranh ác
liệt, nhân dân ta đã giành được thắng lợi trọn vẹn và vững chắc, cách mạng nước
ta chuyển sang một giai đoạn mới, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Do chiến
tranh kéo dài và do chủ nghĩa thực dân mới xô đẩy nhân dân ta trong vùng bị tạm
chiếm vào đời sống đồi trụy, sức khỏe nhân dân ta giảm sút nghiêm trọng. Các dịch,
bệnh nguy hiểm như dịch hạch, dịch tả vẫn còn xảy ra; các bệnh xã hội như sốt
rét, hoa liễu, phong, lao có tỷ lệ người mắc khá cao trong các vùng mới giải
phóng. Tuy nhiều tỉnh, thành phía Bắc đã xây dựng được một số đơn vị điển hình
về vệ sinh – thể dục và một số địa phương phía Nam trong hai năm qua đã bước đầu
phát động phong trào vệ sinh – thể dục, nhưng nói chung phong trào phát triển
chậm, nhất là ở vùng mới giải phóng.
Nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết
Đại hội lần thứ IV của Đảng, chỉ thị số 226, số 227 của Ban bí thư trung ương Đảng
để thực hiện khẩu hiệu: “Tất cả cho sản xuất, tất cả vì Tổ quốc giàu mạnh, vì hạnh
phúc của nhân dân”, trước mắt để thực hiện thắng lợi nghị quyết lần thứ 2 của
trung ương Đảng về nông nghiệp, một việc hết sức quan trọng và cấp bách phải
làm là phát động phong trào vệ sinh phòng bệnh và thể dục thể thao yêu nước, gọi
tắt là phong trào vệ sinh thể dục yêu nước sâu rộng trong cả nước nhằm bảo vệ
và tăng cường sức khỏe của nhân dân.
Tiến hành thắng lợi cuộc vận động
này chẳng những thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, sự quan
tâm chăm sóc của Đảng và Nhà nước ta đối với sức khỏe của nhân dân mà còn góp
phần thiết thực vào việc xây dựng con người mới phát triển toàn diện, xây dựng
nếp sống văn minh, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã
hội chủ nghĩa.
II. MỤC TIÊU
CUỘC VẬN ĐỘNG
Thực hiện vệ sinh phòng bệnh và
luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên là biện pháp chủ động và tích cực nhất
để bảo vệ và tăng cường sức khỏe, vì vậy cuộc vận động vệ sinh – thể dục yêu nước
phải liên tục, lâu dài , có tổ chức thành nền nếp, từng bước nâng cao chỉ tiêu
phấn đấu và phải nhằm mục tiêu chủ yếu vận động nhân dân ăn ở hợp vệ sinh, ngăn
chặn không để dịch bệnh lây lan, phát hiện ở đâu, dập tắt ngay ở đó. Đồng thời
vận động nhân dân, nhất là thanh niên, thiếu niên, học sinh rèn luyện thân thể
hàng ngày theo đúng phương pháp khoa học, hợp vệ sinh, hình thành nếp sống văn
minh lành mạnh.
III. NỘI DUNG
CUỘC VẬN ĐỘNG
Trong thời gian từ nay đến 1980
nội dung vận động là:
A. VỀ VỆ SINH PHÒNG BỆNH
a) Vận động nhân dân thực hiện
ba sạch, ba diệt.
1. Ba sạch:
- Ăn sạch: ăn chín, không ăn thức
ăn ôi thiu, không ăn thịt các vật chết.
- Uống sạch: uống nước đun sôi,
không pha nước lã, không uống nước lã.
- Ở sạch: nhà cửa gọn gàng,
thoáng khí, sạch sẽ. Có nước sạch dùng trong sinh hoạt, không tắm giặt bằng nước
ao tù, không phóng uế bừa bãi, có hố xí, hố tiểu hợp vệ sinh và thường xuyên bảo
quản sử dụng tốt.
Ba việc làm cụ thể:
- Làm hố xí: ở nông thôn, mỗi
gia đình có một hố xí hai ngăn đúng quy cách; ở thành phố, thị xã, thị trấn,
nhà nào cũng có hố xí riêng, hợp vệ sinh, những nơi công cộng xây dựng hố xí tự
hoại hoặc nửa tự hoại và có người chuyên làm vệ sinh. Hố xí loại nào và ở đâu
cũng phải giữ gìn và sử dụng tốt, không để bốc mùi hôi thối, không để có dòi,
phải ủ kỹ, không dùng phân tươi, tức là diệt ruồi tận gốc.
- Làm giếng nước và nhà tắm: ở
nông thôn, vận động nhân dân từ 1 đến 3 gia đình đào và xây một giếng để có đủ
nước sạch dùng trong ăn uống, tắm giặt; mỗi gia đình có một nhà tắm. Ở thành phố,
thị xã, thị trấn, phải có đủ nước máy bảo đảm vệ sinh cho nhân dân dùng.
- Tổ chức tổng vệ sinh hàng tuần
trong cơ quan, xí nghiệp, công, nông, lâm trường, trường học, đơn vị bộ đội, đường
phố, bản làng và các nơi công cộng: chợ, bến tàu xe v.v… gây thành nếp sống văn
mình, sạch đẹp.
2. Ba diệt:
- Diệt muỗi: Thả cá vào bể nước,
rải dầu vào cống rãnh để diệt bọ gậy, khơi cống rãnh không để nước ứ đọng, phun
thuốc diệt muỗi, nằm màn chống muỗi đốt.
- Diệt ruồi: Dùng vỉ, bẫy, thuốc
diệt ruồi, diệt dòi ở hố xí không cho sinh ra ruồi bằng biện pháp thông dụng hoặc
bằng hóa chất nếu có.
- Diệt chuột: Dùng bẫy thường
xuyên diệt chuột, hoặc bằng hóa chất.
Ngoài ra, cần diệt bọ chét ở các
ổ dịch hạch.
b) Vận động nhân dân tiêm và uống
thuốc phòng các bệnh dịch đúng thời gian, đúng đối tượng, đúng kỹ thuật, đạt ít
nhất 70%, ở nơi có dịch phải đạt 90 – 100% diện cần tiêm và uống thuốc phòng. Đặc
biệt coi trọng việc phòng và chống bệnh sốt rét và các bệnh xã hội có tính phổ
biến.
c) Ra sức tuyên truyền vận động
làm cho những người mắc bệnh hoa liễu, lao, phong… tự giác xin chữa bệnh. Dựa
vào nhân dân, phát hiện những người có bệnh, thuyết phục họ chữa cho khỏi bệnh,
chú ý các trại cải tạo, trại phục hồi nhân phẩm.
B. VỀ THỂ DỤC THỂ THAO
a) Vận động nhân dân luyện tập
thể dục hàng ngày, trong đó chú ý đối tượng chủ yếu là thanh niên, thiếu niên,
học sinh.
Ở các trường phổ thông, đại học
và trung học chuyên nghiệp: 100% học sinh tập thể dục trước giờ và giữa giờ học.
Ở các lớp mẫu giáo, vỡ lòng cả
phổ thông cấp I: tổ chức hướng dẫn các trò chơi vận động vui khỏe, hợp với lứa
tuổi.
Trong các lực lượng vũ trang: 100%
cán bộ, chiến sĩ rèn luyện thân thể hàng ngày.
Ở các xí nghiệp: 100% công nhân
tập thể dục chống mệt mỏi giữa giờ sản xuất.
Ở các cơ quan, công, nông, lâm
trường, khu kinh tế mới, xã, hợp tác xã và đường phố: 50% nhân dân tập thể dục.
Riêng thanh niên thực hiện 100% tập thể dục.
Trên cơ sở phong trào đó tích cực
xây dựng các câu lạc bộ sức khỏe thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia luyện tập
thể dục hàng ngày để phòng bệnh, chữa bệnh, nâng cao sức khỏe.
b) Cần tổ chức việc thực hiện tập
các môn dễ, phổ cập, chạy, bơi và một số môn thể thao được quần chúng ưa thích:
bóng bàn, bóng chuyền, bóng đá, bơi thuyền, vật, võ v.v… Từ đó thực hiện chế độ
rèn luyện thân thể theo tiêu chuẩn trước hết trong lứa tuổi thanh niên, thiếu
niên. Phải chú ý vệ sinh môi trường và vệ sinh trong tập luyện thể dục thể
thao. Dụng cụ thể dục thể thao phải phù hợp với lứa tuổi, tầm vóc và sức khỏe từng
đối tượng.
c) Các cơ sở điều trị (bệnh viện,
bệnh xá) và các cơ sở điều dưỡng đều có khoa hoặc tổ thể dục chữa bệnh.
d) Hai ngành y tế và thể dục thể
thao cùng xây dựng một trung tâm thể dục phòng bệnh và chữa bệnh, trước mắt tổ
chức thi điểm dùng phương pháp thể dục phòng và chống một số bệnh thường mắc
trong học sinh (cong, vẹo cột sống, suy giảm thị lực…) và trong công nhân ở các
cơ sở sản xuất có chất độc hại hoặc lao động nặng nhọc (viêm phế quản, đau
lưng, đau các khớp xương, suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể)…
IV. BIỆN PHÁP
TIẾN HÀNH CUỘC VẬN ĐỘNG
A. VỀ TỔ CHỨC BAN CHỈ ĐẠO
Thành lập Ban chỉ đạo cuộc vận động
từ trung ương đến địa phương để tổ chức, chỉ đạo thực hiện phong trào vệ sinh
thể dục yêu nước.
1. Ở trung ương: Bộ Y tế và Tổng
cục thể dục thể thao cử ra Ban thường trực gồm một số đại biểu của hai ngành để
chỉ đạo thực hiện phong trào vệ sinh – thể dục yêu nước trong cả nước.
2. Ở tỉnh và thành phố: thành lập
Ban vệ sinh – thể dục tỉnh hoặc thành phố gồm có:
- Trưởng ban: đồng chí phó chủ tịch
hoặc đồng chí ủy viên Ủy ban nhân dân phụ trách văn xã;
- Các ủy viên: các đồng chí phụ
trách các ngành, các đoàn thể (y tế, thể dục thể thao, giáo dục, liên hiệp công
đoàn, thanh niên, phụ nữ);
- Ban thường trực gồm: đồng chí
Trưởng ban và hai đồng chí phụ trách hai ngành y tế, thể dục thể thao.
3. Ở quận và huyện cũng như ở tỉnh
và thành phố.
4. Ở phường, xã, tiểu khu: đồng
chí phó chủ tịch phụ trách văn xã làm trưởng ban; các đồng chí phụ trách y tế
xã, đại diện ban giám hiệu trường học, đoàn thanh niên, xã đội và cán bộ thể dục
thể thao làm ủy viên.
Ban chỉ đạo các cấp phải định kỳ
sinh hoạt, xây dựng chương trình hoạt động với những kế hoạch và biện pháp cụ
thể, thiết thực, trình cấp ủy Đảng và chính quyền thông qua rồi căn cứ vào đó
mà tổ chức chỉ đạo thực hiện. Hàng tháng kiểm điểm công tác, đánh giá tình hình
phong trào, kịp thời phát huy ưu điểm, khắc phục thiếu sót và báo cáo lên cấp
trên của mình; sáu tháng sơ kết, cuối năm tổng kết, rút ra những bài học bổ ích
để đẩy mạnh cuộc vận động đạt kết quả tốt hơn.
B. VỀ ĐÀO TẠO CÁN BỘ VỆ SINH –
THỂ DỤC
Dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng
và chính quyền, hai ngành y tế và thể dục thể thao có chương trình giảng dạy y
học thể dục thể thao và thể dục chữa bệnh trong các trường đào tạo cán bộ y tế
và cán bộ thể dục thể thao. Hai ngành tranh thủ sự phối hợp, giúp đỡ các ngành
và các đoàn thể hữu quan, cấp tốc mở các lớp ngắn ngày đào tạo hàng loạt cán bộ
vệ sinh – thể dục và hướng dẫn viên thể dục và thể dục chữa bệnh, lấy đoàn viên
thanh niên và giáo viên trẻ tuổi làm nòng cốt, kịp thời cung cấp cho phong
trào.
Cán bộ y tế và hội viên chữ thập
đỏ phải biết hướng dẫn các bài thể dục thông thường, cán bộ thể dục thể thao phải
biết vận động thực hiện vệ sinh phòng bệnh.
Cơ quan y tế và cơ quan thể dục
thể thao phải gương mẫu về vệ sinh phòng bệnh và thể dục thể thao. Nhà trường
phải tiến hành thực hiện tốt và truyền bá tốt cả vệ sinh và thể dục. Giáo viên
học sinh phải làm nòng cốt cho phong trào. Bộ đội đóng quân ở đâu phải tích cực
góp phần xây dựng phong trào vệ sinh – thể dục yêu nước ở đấy.
C. XÂY DỰNG VÀ NHÂN ĐIỂN HÌNH
TIÊN TIẾN VỀ VỆ SINH – THỂ DỤC
Dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng
và chính quyền hai ngành y tế và thể dục thể thao phải phối hợp chặt chẽ để chọn
điểm, xây dựng điển hình tiên tiến chung của hai ngành về vệ sinh – thể dục, tổng
kết kinh nghiệm và nhân ra diện. Riêng đơn vị tiên tiến về y tế phải đạt tiêu
chuẩn khá về thể dục thể thao; đơn vị tiên tiến về thể dục thể thao phải đạt
tiêu chuẩn khá về vệ sinh, phòng bệnh. Hai ngành đều phải coi đây là biện pháp
quan trọng để nhanh chóng mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào vệ sinh –
thể dục yêu nước. Không nên ngành nào làm riêng ngành ấy, càng không được tách
vệ sinh phòng bệnh khỏi thể dục thể thao hoặc tách thể dục thể thao khỏi vệ
sinh phòng bệnh.
D. VỀ TUYÊN TRUYỀN VẬN ĐỘNG
Thông qua các cơ quan thông tin
báo chí và các hình thức nói chuyện, triển lãm, chiếu phim, nhất là dùng người
tốt, việc tốt thuyết phục làm cho toàn dân cùng hiểu rõ lợi ích của phong trào
vệ sinh – thể dục yêu nước từ đó hăng hái tham gia và tự giác thực hiện. Báo Sức
khỏe và báo Thể dục thể thao phải tuyên truyền cả vệ sinh và thể dục thể thao,
đồng thời chống thói quen ăn ở thiếu vệ sinh và cách tập luyện thể dục thể thao
thiếu khoa học.
Đ. VỀ THI ĐUA
Từ nay đến năm 1980 phấn đấu thực
hiện ở cơ sở: đạt từ 25% đến 30% số xã, phường, tiểu khu, cơ quan, công, nông,
lâm trường, xí nghiệp, trường học trở thành đơn vị tiên tiến về vệ sinh – thể dục.
Ở mỗi tỉnh, thành phố có từ 1 đến
2 huyện hoặc thị xã, quận, khu phố đạt tiên tiến về vệ sinh – thể dục.
Tổ chức thi đua giữa các địa
phương, các đơn vị, các cơ sở từng thời gian có sơ kết, tổng kết nơi nào đạt thành
tích xuất sắc sẽ được khen thưởng xứng đáng.
Nhận được thông tư này, các Sở,
Ty y tế và Sở, Ty thể dục thể thao phải phối hợp tổ chức học tập cho cán bộ của
hai ngành quán triệt mục đích ý nghĩa và nội dung cuộc vận động; xây dựng kế hoạch
triển khai cuộc vận động và xây dựng tổ chức các Ban vệ sinh – thể dục từ tỉnh
đến huyện; xã, khu phố, coi đó là một trọng tâm chỉ đạo chung của hai ngành
trong công tác phục vụ sức khỏe của nhân dân, xây dựng con người mới và nếp sống
văn minh, lành mạnh.
QUYỀN
TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC THỂ DỤC
THỂ THAO
Lê Đức Chính
|
KT.
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG
BÁC SĨ
Nguyễn Tăng Ẩm
|