BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số: 16/2009/TT-BYT
|
Hà Nội, ngày 22
tháng 9 năm 2009
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG
DẪN VIỆC TIẾP NHẬN, CHĂM SÓC Y TẾ VÀ THỐNG KÊ, BÁO CÁO ĐỐI VỚI NGƯỜI BỆNH LÀ
NẠN NHÂN BẠO LỰC GIA ĐÌNH TẠI CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
Căn cứ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình
ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ quy
định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực
gia đình;
Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Bộ Y tế hướng dẫn việc tiếp nhận, chăm sóc y
tế và thống kê, báo cáo đối với người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình tại cơ
sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, tư nhân như sau:
ChươngI
TIẾP
NHẬN NGƯỜI BỆNH LÀ NẠN NHÂN BẠO LỰC GIA ĐÌNH
Điều 1. Tiếp nhận
người bệnh
Người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình được
tiếp nhận vào cấp cứu, khám và điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo
đúng quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
Điều 2. Sàng lọc phát
hiện nạn nhân bạo lực gia đình
1. Sàng lọc:
a) Khi người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh
tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong quá trình thăm khám, khai thác tiền
sử bệnh, thầy thuốc và nhân viên y tế cần hỏi thêm về bạo lực gia đình liên
quan đến tình trạng bệnh tật của người bệnh để phát hiện nạn nhân bạo lực gia
đình.
b) Thầy thuốc và nhân viên y tế tiến hành
sàng lọc về bạo lực gia đình đối với trường hợp người bệnh tai nạn thương tích,
tai nạn sinh hoạt; người bệnh có dấu hiệu của bạo lực gia đình; người bệnh là
nữ từ 15 tuổi trở lên.
2. Nguyên tắc sàng lọc:
a) Bảo đảm sự kín đáo và giữ bí mật thông tin
cá nhân của người bệnh.
b) Thăm khám tỉ mỉ và toàn diện để không bỏ
sót các tổn thương thể chất, tình dục, chấn thương tâm lý do hành vi bạo lực
gia đình gây ra.
c) Thầy thuốc và nhân viên y tế phải có thái
độ chu đáo, chia sẻ, thân thiện, không phán xét, thường xuyên động viên người
bệnh.
d) Bảo đảm sự an toàn của người bệnh tại cơ
sở khám bệnh, chữa bệnh.
3. Chú ý phát hiện các dấu hiệu, triệu chứng
bị xâm phạm về mặt thể chất, tinh thần và tình dục của người bệnh; xem xét mối
tương quan giữa tình trạng tổn thương và tiết lộ của người bệnh về nguyên nhân
gây nên tổn thương đó. Trường hợp người bệnh muốn che dấu việc bị bạo lực, thầy
thuốc và nhân viên y tế cần động viên để người bệnh tiết lộ.
4. Người bệnh được phỏng vấn khi không có các
thành viên trong gia đình để bảo đảm sự riêng tư, tính khách quan và an toàn
khi cung cấp thông tin. Nếu người bệnh được thành viên gia đình đi kèm, thầy
thuốc và nhân viên y tế cần tách riêng người bệnh khỏi thành viên gia đình khi
sàng lọc để thành viên đó không gây ảnh hưởng tới việc sàng lọc. Trường hợp người
bệnh cấp cứu không thể tự trả lời phỏng vấn, việc phỏng vấn được tiến hành sau
khi người bệnh đã được điều trị ổn định.
5. Lập Phiếu sàng lọc và Phiếu ghi chép thông
tin nạn nhân bạo lực gia đình:
a) Thầy thuốc và nhân viên y tế ghi chép kết
quả vào Phiếu sàng lọc nạn nhân bạo lực gia đình theo mẫu quy định tại Phụ lục
số 1 ban hành kèm Thông tư này.
b) Trường hợp người bệnh tiết lộ hoặc xác
nhận là nạn nhân bạo lực gia đình, sau khi ghi Phiếu sàng lọc, thầy thuốc và
nhân viên y tế phải ghi chép các thông tin liên quan vào Phiếu ghi chép thông
tin nạn nhân bạo lực gia đình theo mẫu quy định tại Phụ lục số 2 ban hành kèm
Thông tư này.
c) Phiếu sàng lọc và Phiếu ghi chép thông tin
nạn nhân bạo lực gia đình được lưu tách riêng với hồ sơ bệnh án nhưng được đánh
mã số và ghi mã số đó trong hồ sơ bệnh án để phục vụ cho theo dõi người bệnh và
thống kê, báo cáo về bạo lực gia đình.
6. Thầy thuốc và nhân viên y tế thực hiện tư
vấn đối với người bệnh theo quy định tại Điều 5 Chương II của Thông tư này và
hướng dẫn, giải thích cho người bệnh về việc sàng lọc phát hiện nạn nhân bạo
lực gia đình, quyền được bảo vệ khi bị bạo lực gia đình để người bệnh hợp tác
với thầy thuốc và nhân viên y tế trong quá trình sàng lọc.
Điều 3. Phát hiện
hành vi bạo lực gia đình có dấu hiệu tội phạm
1. Trong quá trình tiếp nhận và chăm sóc y tế
cho người bệnh, nếu phát hiện hành vi bạo lực gia đình có dấu hiệu tội phạm,
ngay khi phát hiện, thầy thuốc và nhân viên y tế có trách nhiệm báo cáo người
đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
2. Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
có trách nhiệm trình báo bằng văn bản, điện thoại hoặc cử người trực tiếp đi
trình báo cho cơ quan công an nơi gần nhất về hành vi bạo lực gia đình có dấu
hiệu tội phạm và đề nghị cơ quan công an có biện pháp hỗ trợ, bảo đảm an toàn
cho nạn nhân bạo lực gia đình.
Chương II
CHĂM SÓC
Y TẾ ĐỐI VỚI NGƯỜI BỆNH LÀ NẠN NHÂN BẠO LỰC GIA ĐÌNH
Điều 4. Khám bệnh,
chữa bệnh cho người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình
1. Người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình
được khám bệnh, chữa bệnh theo quy định chung như đối với mọi người bệnh tại cơ
sở khám bệnh, chữa bệnh.
2. Yêu cầu khi khám đối với người bệnh là nạn
nhân bạo lực gia đình:
a) Thầy thuốc cần thăm hỏi đầy đủ người bệnh
về tiền sử bị bạo lực gia đình.
b) Khám toàn diện người bệnh để tránh bỏ sót
những tổn thương thể chất, tinh thần, tình dục liên quan đến bạo lực gia đình.
c) Đánh giá người bệnh đầy đủ theo các dấu
hiệu tổn thương về thể chất, tinh thần, tình dục và các dấu hiệu liên quan
khác. Trong đó, thầy thuốc cần chú ý đến các triệu chứng có thể nhận biết và
các dấu hiệu của bạo lực, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.
d) Ghi chép đầy đủ kết quả thăm khám, bảo đảm
không bỏ sót bất cứ thông tin cần thiết nào.
3. Yêu cầu khi điều trị đối với người bệnh là
nạn nhân bạo lực gia đình:
a) Bảo đảm những tổn thương thể chất và tinh
thần của người bệnh đều được điều trị đúng.
b) Trường hợp người bệnh bị cưỡng ép quan hệ
tình dục, người bệnh cần được tư vấn, cung cấp thuốc tránh thai khẩn cấp trong
thời gian sớm nhất. Trong điều kiện có thể, nạn nhân nữ nên được thầy thuốc nữ
điều trị. Nếu người bệnh có thai ngoài ý muốn, thầy thuốc cần tư vấn cho người
bệnh đến cơ sở y tế phù hợp nhận các tư vấn và lựa chọn về dịch vụ phá thai an
toàn.
Điều 5. Tư vấn chăm
sóc sức khỏe
1. Nội dung tư vấn:
a) Cung cấp thông tin cơ bản để nâng cao nhận
thức của người bệnh về bạo lực gia đình.
b) Tư vấn cho người bệnh về cách chăm sóc,
phục hồi sức khỏe và phòng bệnh.
c) Tư vấn tâm lý cho người bệnh.
d) Giới thiệu người bệnh đến các cơ sở trợ
giúp nạn nhân bạo lực gia đình hoặc các cơ quan, tổ chức có liên quan như công
an, chính quyền cơ sở, các tổ chức hội, đoàn thể để được trợ giúp.
đ) Thông báo về các quyền và lợi ích hợp pháp
dành cho người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
sẵn có như cung cấp nơi tạm lánh; miễn giảm chi phí khám bệnh, chữa bệnh (nếu
có); chế độ bảo hiểm y tế; cấp giấy xác nhận việc khám và điều trị nạn nhân bạo
lực gia đình.
2. Cách thức tư vấn:
a) Thầy thuốc và nhân viên y tế trực tiếp tư
vấn cho người bệnh.
b) Cung cấp các tài liệu thông tin, tuyên
truyền dưới dạng tập tin ngắn, tờ rơi, các cuốn sách nhỏ, tranh ảnh, đoạn phim
ngắn về bạo lực gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; các quyền, lợi ích hợp
pháp và các thông tin hỗ trợ khác dành cho người bệnh.
c) Thầy thuốc và nhân viên y tế đưa ra các
phương án, giúp người bệnh lựa chọn và để người bệnh tự quyết định với thái độ
thân thiện, không phán xét.
Điều 6. Bố trí nơi
tạm lánh
1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước,
tùy theo khả năng và điều kiện thực tế, bố trí cho người bệnh là nạn nhân bạo
lực gia đình tạm lánh tại cơ sở trong thời gian không quá 01 ngày theo yêu cầu
của nạn nhân. Khuyến khích cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân bố trí nơi tạm
lánh cho người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình.
2. Bố trí giường nằm, quần áo, chăn màn cho
nạn nhân như người bệnh được điều trị nội trú.
3. Trong thời gian tạm lánh, nếu nạn nhân
không có người thân thích hỗ trợ, không thể tự lo ăn uống, cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh hỗ trợ ăn uống cho nạn nhân theo khả năng và điều kiện thực tế của cơ
sở.
4. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm
thông báo và phối hợp với cơ quan công an, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở
hoạt động hoặc nơi xảy ra bạo lực gia đình bảo đảm an toàn cho thầy thuốc, nhân
viên y tế và nạn nhân bạo lực gia đình trong thời gian điều trị tại cơ sở khám
bệnh, chữa bệnh; thông báo và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra
bạo lực gia đìnhhỗ trợ khẩn cấp các nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân bạo lực gia
đình trong trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo
lực gia đình.
5. Trường hợp đã hết thời hạn tạm lánh nhưng
nạn nhân bạo lực gia đình vẫn cần được hỗ trợ nơi tạm lánh, tùy theo khả năng
và điều kiện thực tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xem xét lựa chọn một trong các
trường hợp sau:
a) Tiếp tục bố trí cho nạn nhân bạo lực gia
đình tạm lánh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
b) Có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã
nơi cơ sở hoạt động hoặc nơi xảy ra bạo lực gia đình tiếp nhận và tổ chức bố
trí nơi tạm lánh cho nạn nhân tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình
phù hợp theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
c) Liên hệ, đề nghị các cơ sở trợ giúp nạn
nhân bạo lực gia đình tiếp nhận và bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân tại cơ sở
phù hợp.
Điều 7. Chi phí khám
và điều trị cho người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình
1. Chi phí cho việc khám và điều trị đối với
nạn nhân bạo lực gia đình do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả đối với người có bảo
hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
2. Chi phí khám và điều trị tại cơ sở khám
bệnh, chữa bệnh cho nạn nhân bạo lực gia đình không có bảo hiểm y tế do nạn
nhân tự chi trả. Khuyến khích các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xem xét miễn giảm
chi phí khám và điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho nạn nhân bạo lực
gia đình có hoàn cảnh khó khăn không có khả năng tự chi trả.
3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thể tiếp
nhận các khoản kinh phí hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp
luật để trợ giúp cho nạn nhân bạo lực gia đình tại các cơ sở khám bệnh, chữa
bệnh.
Điều 8. Xác nhận việc
khám và điều trị cho người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình
1. Nạn nhân bạo lực gia đình được cơ sở khám
bệnh, chữa bệnh xác nhận việc khám và điều trị nếu nạn nhân có đơn yêu cầu.
2. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã tiếp nhận và
chăm sóc y tế cho nạn nhân bạo lực gia đình có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận
việc khám và điều trị người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình theo mẫu quy định
tại Phụ lục số 3 ban hành kèm Thông tư này.
Chương III
THỐNG KÊ,
BÁO CÁO CÁC TRƯỜNG HỢP NGƯỜI BỆNH LÀ NẠN NHÂN BAO LỰC GIA ĐÌNH TẠI CƠ SỞ KHÁM
BỆNH, CHỮA BỆNH
Điều 9. Quy định
chung về thống kê, báo cáo
1. Biểu mẫu thống kê, báo cáo các trường hợp
người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình áp dụng cho các cơ sở khám bệnh, chữa
bệnh trong toàn quốc được thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục số 4 ban hành
kèm Thông tư này.
2. Việc công bố và lưu trữ số liệu thống kê
các trường hợp người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình thực hiện theo đúng quy
định của pháp luật hiện hành.
3. Hình thức báo cáo:
a) Báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm.
b) Báo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà
nước có thẩm quyền.
4. Hệ thống báo cáo:
a) Tuyến trung ương: Bộ Y tế (Cục Quản lý
Khám, chữa bệnh).
b) Tuyến tỉnh và tương đương: Sở Y tế, Y tế bộ,
ngành.
c) Tuyến huyện: Bệnh viện huyện hoặc Trung
tâm y tế huyện có chức năng khám, chữa bệnh.
d) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn
quốc.
Điều 10. Trách nhiệm
thống kê, báo cáo
1. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh:
a) Xây dựng, chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động
thống kê, báo cáo các trường hợp người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình trong
toàn quốc.
b) Tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá
công tác thống kê, báo cáo các trường hợp người bệnh là nạn nhân bạo lực gia
đình trong toàn quốc.
c) Tổng hợp, thu thập, xử lý số liệu thống
kê, báo cáo các trường hợp người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình của các cơ
sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ và trong toàn quốc.
2. Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương:
a) Hướng dẫn, tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh
giá công tác thống kê, báo cáo các trường hợp người bệnh là nạn nhân bạo lực
gia đình tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở địa phương.
b) Tổng hợp, thu thập, xử lý số liệu thống
kê, báo cáo các trường hợp người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình tại các cơ
sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc địa phương;
3. Y tế các Bộ, ngành chịu trách nhiệm
tổng hợp, thu thập, xử lý số liệu thống kê, báo cáo các trường hợp người bệnh
là nạn nhân bạo lực gia đình tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ,
ngành.
4. Bệnh viện huyện (Trung tâm y tế huyện có
chức năng khám, chữa bệnh) chịu trách nhiệm thu thập, xử lý, tổng hợp và quản
lý toàn bộ số liệu thống kê, báo cáo các trường hợp người bệnh là nạn nhân bạo
lực gia đình tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc huyện.
5. Trạm y tế xã chịu trách nhiệm tổ chức thực
hiện chế độ ghi chép ban đầu và thống kê, báo cáo các trường hợp người bệnh là
nạn nhân bạo lực gia đình tại Trạm.
6. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn
quốc có trách nhiệm thống kê, báo cáo các trường hợp người bệnh là nạn nhân bạo
lực gia đình tại cơ sở.
Chương IV
TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
Điều 11. Trách nhiệm
của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
1. Tổ chức thực hiện việc tiếp nhận và chăm
sóc y tế đối với người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình theo quy định tại
Thông tư này.
2. Bố trí nơi tạm lánh cho người bệnh là nạn
nhân bạo lực gia đình theo quy định của Thông tư này.
3. Tổ chức trưng bày, cung cấp các tài liệu,
thông tin về bạo lực gia đình và các dịch vụ sẵn có để trợ giúp và chăm sóc y
tế cho người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
do mình phụ trách.
4. Xây dựng, hướng dẫn chi tiết về quy trình
tiếp nhận, chăm sóc y tế và ứng xử phù hợp với người bệnh là nạn nhân bạo lực
gia đình để áp dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do mình phụ trách trên cơ sở
hướng dẫn của Thông tư này.
5. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về
tiếp nhận, chăm sóc y tế và tư vấn cho người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình
cho tất cả các thầy thuốc, nhân viên y tế của cơ sở do mình phụ trách.
6. Xây dựng và duy trì các mối liên hệ với
các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia
đình và các tổ chức hội, đoàn thể tại địa bàn để kịp thời phối hợp hỗ trợ, bảo
vệ người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình.
7. Lưu trữ tư liệu từng trường hợp bạo lực
gia đình; tổ chức thống kê, báo cáo các trường hợp người bệnh là nạn nhân bạo
lực gia đình theo quy định.
Điều 12. Quyền, trách
nhiệm của thầy thuốc, nhân viên y tế
1. Thầy thuốc và nhân viên y tế được pháp
luật bảo vệ trong quá trình thực hiện chăm sóc y tế và hỗ trợ người bệnh là nạn
nhân bạo lực gia đình tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
2. Thầy thuốc và nhân viên y tế có trách
nhiệm:
a) Thực hiện đúng quy định của Thông tư này
trong quá trình tiếp nhận, chăm sóc y tế cho người bệnh là nạn nhân bạo lực gia
đình tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
b) Giữ bí mật thông tin cá nhân về người bệnh
là nạn nhân bạo lực gia đình.
c) Thực hiện ứng xử phù hợp với người bệnh là
nạn nhân bạo lực gia đình với thái độ đồng cảm, thân thiện, động viên và không
phán xét.
d) Tham gia các lớp tập huấn phù hợp về bạo
lực gia đình.
đ) Theo dõi và đánh giá về sự an toàn trước
mắt của người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình, con cái họ và dự báo hệ quả
liên quan về sức khỏe khi thực hiện kiểm tra sàng lọc.
Điều 13. Kinh phí
thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình
Hàng năm, căn cứ vào chương trình, kế hoạch
về phòng, chống bạo lực gia đình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trên,
cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dự toán kinh phí cho công tác phòng, chống bạo lực
gia đình của cơ sở mình theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Trách nhiệm
tổ chức thực hiện
1. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chủ trì, phối
hợp với Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em và các Vụ, Cục có liên quan chỉ đạo, hướng
dẫn, kiểm tra các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về việc tiếp nhận, chăm sóc y tế
đối với người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính tổng hợp và hướng dẫn các cơ sở
khám bệnh, chữa bệnh thực hiện thống kê, báo cáo về các trường hợp người bệnh
là nạn nhân bạo lực gia đình.
2. Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương, Y tế các bộ, ngành có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
của địa phương, bộ, ngành thực hiện đúng các quy định của Thông tư này.
Chương V
ĐIỀU
KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Hiệu lực thi
hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45
ngày, kể từ ngày ký ban hành.
Điều 16. Trách nhiệm
thi hành
Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên
quan có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện Thông
tư cho các đối tượng biết và thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng
mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Y tế để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù
hợp./.
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Quốc Triệu
|
FILE ĐƯỢC
ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|