BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 903/TB-BYT
|
Hà
Nội, ngày 07 tháng 7 năm 2022
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PGS. TS. NGUYỄN THỊ LIÊN HƯƠNG, THỨ TRƯỞNG BỘ Y TẾ TẠI HỘI
NGHỊ TĂNG CƯỜNG TRIỂN KHAI TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG COVID-19 VÀ TĂNG CƯỜNG CÔNG
TÁC PHÒNG, CHỐNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT KHU VỰC MIỀN NAM
Ngày 13/6/2022 tại Viện Pasteur TP. Hồ
Chí Minh, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội nghị
tăng cường triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và tăng cường công tác
phòng, chống bệnh sốt xuất huyết khu vực miền Nam. Tham dự
Hội nghị có đại diện các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế: Cục Y tế dự phòng; Cục
Quản lý Khám, chữa bệnh; Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng; Viện Vệ sinh
dịch tễ Trung ương; Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh; Viện sốt rét - Ký sinh trùng
- Côn trùng TP. Hồ Chí Minh; Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh; Lãnh đạo Ủy
ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh; Lãnh đạo Sở Y tế; Lãnh đạo
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; các cán bộ phụ trách tiêm chủng mở rộng của 20 tỉnh,
thành phố khu vực miền Nam và các đơn vị có liên quan.
Sau khi nghe Viện Vệ sinh dịch tễ
Trung ương báo cáo tiến độ tiếp nhận, cung ứng và triển
khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên toàn quốc và khu vực miền Nam; Viện
Pasteur TP. Hồ Chí Minh báo cáo về tình hình tiếp nhận, triển khai tiêm vắc xin
phòng COVID-19 khu vực miền Nam và tình hình bệnh sốt xuất
huyết khu vực miền Nam; ý kiến phát biểu của các đơn vị dự họp; PGS.TS. Nguyễn
Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế kết luận như sau:
I. Việc triển khai
tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19
1. Tình hình triển
khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19
Đến hết ngày 12/6/2022, cả nước đã
triển khai tiêm được trên 223 triệu liều vắc xin phòng COVID-19. Các địa phương
đã hoàn thành việc tiêm chủng mũi 1, mũi 2 cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên với
tỷ lệ cao; tuy nhiên trên phạm vi toàn quốc, tỷ lệ tiêm mũi 3 (liều nhắc lại lần
1) cho người từ 18 tuổi trở lên mới đạt 64%; tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ
5 đến dưới 12 tuổi mới đạt 40% và 5,7%. Riêng đối với khu vực miền Nam, các tỷ
lệ này lần lượt là 58%, 50% và 7,4%.
Bộ Y tế ghi nhận những khó khăn, vướng
mắc của hầu hết các địa phương trong việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong thời
gian gần đây và sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với
địa phương để từng bước khắc phục, đẩy mạnh hơn nữa công tác tiêm chủng trong
tháng 6/2022 nhằm đạt được mục tiêu tiêm chủng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính
phủ.
2. Bộ Y tế giao
các đơn vị thực hiện
2.1. Cục Y tế dự phòng: Chủ trì, phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur tiếp tục tổ
chức các Đoàn kiểm tra, giám sát công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 để kịp thời nắm bắt tình hình, khó khăn của từng địa phương, từ đó
có hướng dẫn chuyên môn, hỗ trợ cần thiết.
2.2. Vụ Truyền thông và Thi đua,
khen thưởng
- Phối hợp với các cơ quan báo chí
tăng cường công tác truyền thông về lợi ích của việc tiêm mũi nhắc lại (mũi 3,
mũi 4) vắc xin phòng COVID-19 cho người thuộc đối tượng
tiêm chủng và tiêm liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
- Xây dựng các tài liệu truyền thông
về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 và tiêm
chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; cung cấp cho các
cơ quan báo chí và 63 tỉnh, thành phố thực hiện truyền thông.
2.3. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung
ương: Phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện
Pasteur tiến hành phân bổ và điều phối kịp thời vắc xin phòng COVID-19 giữa các
địa phương để đảm bảo tiến độ triển khai tiêm chủng và sử dụng hiệu quả vắc
xin.
2.4. Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh
- Chủ động điều phối vắc xin phòng
COVID-19 cho các tỉnh thuộc phân vùng quản lý để sử dụng hiệu quả vắc xin.
- Theo dõi và nắm chắc tình hình phân
bổ, sử dụng vắc xin tại các tỉnh, thành phố thuộc phân vùng quản lý để kịp thời
đôn đốc địa phương tiếp nhận vắc xin và triển khai tiêm chủng.
- Tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám
sát, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho địa phương trong quá trình triển khai tiêm
chủng.
2.5. Đề nghị Ủy ban nhân dân, Sở Y
tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 20 tỉnh, thành phố khu vực miền Nam
- Sở Y tế khẩn trương tham mưu cho Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt các giải pháp, tăng cường chỉ
đạo, giao chỉ tiêu tiêm chủng cho các quận, huyện.
- Thực hiện “Đi từng ngõ, gõ từng
nhà, rà từng đối tượng” đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, tăng tỷ
lệ bao phủ vắc xin cho người dân.
- Bộ Y tế chịu trách nhiệm phân bổ đủ
vắc xin cho các tỉnh, thành phố để triển khai tiêm chủng; Các tỉnh, thành phố cần
thực hiện tiêm vắc xin cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế
và chịu trách nhiệm nếu để sót đối tượng cần tiêm chủng và dư thừa vắc xin.
- Đối với những địa phương tập trung
nhiều khu công nghiệp, nhà máy, khu khu chế xuất phải tăng cường tiêm mũi 3,
mũi 4 cho người lao động bằng việc triển khai đồng thời nhiều biện pháp như: Tổ
chức các chiến dịch truyền thông, vận động tiêm chủng đối với người lao động; gặp
gỡ, vận động và đề nghị lãnh đạo nhà máy, xí nghiệp phối hợp trong việc vận động
người lao động của đơn vị mình tham gia tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe của người
lao động và ổn định sản xuất cho doanh nghiệp; tổ chức nhiều hơn các điểm tiêm
lưu động tại khu công nghiệp, nhà máy, khu khu chế xuất...
- Phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục
trong việc tuyên truyền, vận động và tổ chức tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới
12 tuổi; tổ chức các điểm tiêm tại trường học đảm bảo an toàn, khoa học.
- Tổ chức tiêm chủng tại các cơ sở
khám chữa bệnh cho những người có nhu cầu, những người còn tâm lý e ngại về phản
ứng sau tiêm để tăng sự đồng thuận và tỷ lệ tiêm chủng.
II. Công tác phòng
chống bệnh sốt xuất huyết
1. Tình hình sốt
xuất huyết tại Việt Nam
Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay cả
nước đã ghi nhận hơn 50.000 trường hợp mắc, 29 trường hợp tử vong. So với cùng
kỳ năm 2021, số mắc tăng 74,9%, tử vong tăng 24 trường hợp.
Số mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng cao trong các tuần gần đây, trong đó khu
vực miền Nam chiến hơn 80% số mắc và 100% số tử vong của cả nước.
2. Bộ Y tế giao
các đơn vị thực hiện
Công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh,
truyền thông trong phòng, chống sốt xuất huyết bước đầu đã đem lại hiệu quả nhưng trước nguy cơ số mắc và tử vong do sốt xuất huyết liên tục gia tăng
các tuần gần đây, để tăng cường hơn nữa hiệu quả của công
tác phòng, chống sốt xuất huyết thời gian tới nhằm hạn chế tối đa số mắc và tử
vong, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, Bộ Y tế giao
các đơn vị triển khai thực hiện:
2.1. Cục Y tế dự phòng
- Phối hợp với Viện Pasteur TP. Hồ
Chí Minh xem xét, trình ban hành Quyết định thành lập Ban Chuyên môn Kỹ thuật
phòng, chống sốt xuất huyết khu vực phía Nam theo đề xuất của Viện Pasteur TP.
Hồ Chí Minh.
- Phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài
chính nghiên cứu, giải quyết đề xuất về cấp kinh phí phòng chống dịch của Viện
Pasteur TP. Hồ Chí Minh và hướng dẫn mức chi hoạt động phòng chống dịch sốt xuất
huyết cho các địa phương.
- Nghiên cứu, giải quyết đề xuất nhu
cầu hỗ trợ khẩn cấp trang thiết bị, hóa chất phòng, chống sốt xuất huyết cho
các địa phương khu vực phía Nam.
- Theo dõi và chỉ đạo kịp thời các địa
phương, đơn vị trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết.
2.2. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh
- Phối hợp với Cục Quản lý Dược
nghiên cứu, giải quyết vấn đề cung ứng dịch truyền cao phân tử điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.
- Phân tích các trường hợp tử vong do
sốt xuất huyết trên toàn quốc để rút kinh nghiệm trong công tác điều trị sốt xuất
huyết thời gian tới.
- Tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế
làm công tác điều trị, chỉ đạo các Bệnh viện tuyến cuối tăng cường tập huấn
theo phân công chỉ đạo tuyến và hỗ trợ các đơn vị điều trị tuyến dưới nâng cao
trình độ chuyên môn để tiếp nhận và thu dung điều trị theo phân tuyến.
- Phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ
em để chỉ đạo và phối hợp với các Bệnh viện tuyến cuối xây dựng bổ sung hướng dẫn
chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết trên bà mẹ mang thai.
2.3. Vụ Truyền thông và Thi đua,
khen thưởng
- Phối hợp với Cục Y tế dự phòng và
các đơn vị liên quan tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức người
dân về phòng bệnh sốt xuất huyết.
- Phối hợp với các cơ quan truyền
thông, báo đài để truyền thông rộng rãi thông điệp truyền thông phòng, chống dịch
bệnh sốt xuất huyết.
2.4. Vụ Kế hoạch - Tài chính: Tham mưu Lãnh đạo Bộ hướng
dẫn các địa phương thực hiện định mức chi cho các hoạt động phòng, chống sốt xuất
huyết trước ngày 05/7/2022.
2.5. Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện
Pasteur, Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng:
Thành lập các đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra, hỗ trợ các địa phương, đặc
biệt là điểm nóng ghi nhận số mắc và tử vong cao; Phân tích, đánh giá tình
hình, tham mưu Bộ Y tế về công tác chỉ đạo phòng, chống dịch; tổ chức tập huấn
về giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt lăng
quăng/bọ gậy, xử lý ổ dịch cho các địa phương.
2.6. Đề nghị Ủy ban nhân dân, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 20 tỉnh, thành phố
khu vực miền Nam
- Sở Y tế khẩn trương tham mưu Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố vào cuộc, chỉ đạo trực tiếp công tác phòng, chống sốt
xuất huyết, phân công cụ thể cho các đơn vị liên quan, chủ động kinh phí địa
phương cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết, nhất là khi Chương trình mục
tiêu Y tế - Dân số đã kết thúc từ năm 2020.
- Sở Y tế chỉ đạo triển khai các hoạt
động phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn, tổ chức kiểm tra giám sát công
tác phòng chống dịch, chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
(công lập và ngoài công lập) thực hiện nghiêm túc công tác thu dung, điều trị bệnh
nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế, xây dựng kế hoạch phân tuyến điều trị phù hợp
với thực tế tại địa phương, tránh quá tải bệnh viện, kịp thời rút kinh nghiệm
trong điều trị để hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
- Các tỉnh, thành phố rà soát trang thiết
bị, thuốc, dịch truyền phục vụ công tác điều trị người bệnh sốt xuất huyết, đặc
biệt là dịch truyền cao phân tử và báo cáo Bộ Y tế để xem xét giải quyết. Đảm bảo
sẵn sàng vật tư, hoá chất, thuốc, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch.
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh,
thành phố tập trung vào các hoạt động giảm mắc như như truyền thông, giám sát xử
lý ổ dịch, chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy tại cộng đồng,
chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi chủ động.
- Các tỉnh, thành
phố tập trung triển khai các hoạt động truyền thông vận động
người dân tích cực, chủ động tham gia phòng, chống sốt xuất huyết, cao điểm
ngay trong tháng 6 - 7/2022, hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết lần
thứ 12.
Văn phòng Bộ thông báo để các đơn vị
biết và triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thứ trưởng Đỗ Xuân
Tuyên (để báo cáo);
- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương (để báo cáo);
- Đ/c Chánh Văn phòng Bộ (để báo cáo);
- Các đơn vị dự họp (để triển khai thực hiện);
- Các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại khu vực phía Nam;
- Lưu: VT, VPB1.
|
TL. BỘ TRƯỞNG
KT. CHÁNH VĂN PHÒNG BỘ
PHÓ CHÁNH VĂN PHÒNG BỘ
Vũ Thị Kim Anh
|