VĂN PHÒNG
CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 315/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày
22 tháng 11 năm 2021
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN TẠI BUỔI LÀM VIỆC CỦA THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỚI LÃNH
ĐẠO TỈNH BÌNH DƯƠNG VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 VÀ PHỤC HỒI PHÁT TRIỂN
KINH TẾ - XÃ HỘI
Chiều ngày 05 tháng 11 năm 2021, Thường trực
Chính phủ đã có buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về công
tác phòng, chống dịch COVID-19 và các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi phát triển
kinh tế, một số kiến nghị về khó khăn, vướng mắc. Phó Thủ tướng Thường trực
Chính phủ Phạm Bình Minh đã chủ trì buổi làm việc, cùng dự có Phó Thủ tướng
Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn;
đại diện lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ
quan: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu Tư, Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Nội vụ, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Y tế, Ngân hàng Nhà
nước Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Sau khi nghe báo cáo do đồng chí Võ Văn Minh, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương trình bày; phát biểu của Phó Thủ tướng
Chính phủ Lê Minh Khái, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi và lãnh đạo các Bộ, cơ
quan, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh kết luận như sau:
I. ĐÁNH
GIÁ CHUNG
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ghi nhận, biểu dương và đánh giá
cao tỉnh Bình Dương với những kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thực
hiện các nhiệm vụ kế hoạch năm 2021 theo các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ và
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11.
Thời gian qua, Bình Dương
là tâm dịch của đợt dịch bùng phát lần thứ tư, phải thực hiện giãn cách xã hội
và tăng cường giãn cách xã hội; kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nặng nề, sức khỏe,
tính mạng của nhân dân bị tác động lớn, nhiều nhà máy, doanh nghiệp dừng hoạt động,
người lao động thiếu việc làm. Tuy nhiên, với những nỗ lực, quyết tâm của Đảng
bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương, 10 tháng đầu năm 2021, tỉnh Bình
Dương đã đạt được nhiều kết quả tích cực: nhiều chỉ tiêu về phát triển kinh tế
- xã hội lũy kế 10 tháng năm 2021 của tỉnh vẫn tăng trưởng cao hơn so với cùng
kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,2%, thu hút đầu tư trong nước tăng 15,5%
và nước ngoài đạt 1,8 tỷ đô la Mỹ, tổng thu ngân sách 10 tháng cao hơn mức bình
quân của cả nước là 80,2% và đạt 89% dự toán, hoạt động xuất nhập khẩu đều tăng
cao so với cùng kỳ. Các chế độ, chính sách cho người có công, đối tượng xã hội,
người nghèo và công nhân lao động được triển khai thực hiện chu đáo, thực hiện
rà soát tổng thể về các vấn đề liên quan đến hộ nghèo, hộ cận nghèo để có giải
pháp hỗ trợ kịp thời. Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an
toàn xã hội ổn định, các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị
quan trọng được bảo vệ tuyệt đối; lực lượng công an, quân sự, dân quân tự vệ đã
phát huy vai trò tích cực trong tham gia phòng, chống dịch và hỗ trợ an sinh xã
hội cho nhân dân.
Công tác phòng, chống dịch
bệnh COVID-19 cũng đạt được những kết quả tích cực, đến nay, dịch bệnh cơ bản
đã được kiểm soát, số ca mắc mới, số bệnh nhân nhập viện có xu hướng giảm dần,
số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh, xuất viện tăng, vùng xanh được mở rộng,
vùng đỏ được thu hẹp, hoàn thành tiêm vắc xin mũi 1 cho toàn dân, bước đầu khôi
phục các hoạt động trong trạng thái bình thường mới và phục hồi phát triển kinh
tế.
Bên cạnh đó, Tỉnh vẫn còn
không ít khó khăn, vướng mắc cần có những giải pháp quyết liệt để đạt các mục
tiêu đã đề ra. Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tới nhiều hoạt động kinh tế - xã hội
phải ngưng trệ, hệ thống cơ sở y tế bị quá tải, nhân lực y tế phải chịu nhiều
áp lực, thách thức; việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đòi hỏi sự nỗ lực, phấn
đấu cao của các cấp, các ngành, cộng đồng và nhân dân trên địa bàn tỉnh; thực
hiện và giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch; bồi thường, giải
phóng mặt bằng nhiều dự án còn chậm tiến độ; thu ngân sách tiềm ẩn nhiều yếu tố
không ổn định, chi ngân sách gặp nhiều khó khăn.
II. MỤC
TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Tập trung nỗ lực cao nhất
cho phòng, chống dịch COVID-19; quyết liệt hành động, triển khai thực hiện hiệu
quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo phương châm nhạy bén, linh hoạt,
sáng tạo, bình tĩnh, kịp thời với mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe, tính
mạng của nhân dân là trên hết, trước hết; đẩy nhanh tiến độ bao phủ tiêm vắc
xin, chuẩn bị thuốc điều trị cần thiết, nâng cao năng lực y tế, nhất là công tác
điều trị và ở cơ sở; phấn đấu kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để tập trung khắc phục
hậu quả của dịch bệnh và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
2. Ưu tiên triển khai các
cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp;
nhanh chóng khôi phục thị trường lao động do bị tác động trực tiếp bởi dịch
COVID-19; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hoá thông suốt. Phối hợp với các Bộ,
ngành liên quan đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người
lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh
COVID-19.
3. Chủ động xây dựng các
phương án phục hồi sản xuất kinh doanh, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để phục
hồi khi dịch bệnh đã được kiểm soát. Đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn
chế việc ngừng hoạt động của các chuỗi sản xuất, kinh doanh tại các khu công
nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở dịch vụ và các hoạt động liên quan đến sinh kế
của người dân.
4. Tăng cường phân cấp,
phân quyền, gắn với cá thể hóa trách nhiệm và tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy
mạnh cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, bảo đảm thực
chất, hiệu quả, tránh lãng phí thời gian, nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi
cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
5. Thúc đẩy giải ngân đầu
tư công. Rà soát, ưu tiên tập trung vốn cho các dự án có thể hoàn thành nhanh,
đưa vào sử dụng, chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư từ dự án chậm giải
ngân sang dự án có khả năng giải ngân nhanh, kiên quyết cắt giảm những dự án
không hiệu quả. Đối với các dự án hạ tầng, cần chủ động khai thác quỹ đất hiện
có và giá trị gia tăng của quỹ đất khi có các dự án hạ tầng.
III.
CÁC KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về cơ chế chính sách đặc
thù đối với vốn giải phóng mặt bằng cho các dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4,
cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành qua địa bàn tỉnh Bình
Dương:
- Về bổ sung chi phí đền
bù giải phóng mặt bằng một lần theo mặt cắt ngang hoàn chỉnh và xây dựng đường
song hành vào chi phí của dự án triển khai theo hình thức đối tác công tư
(PPP): giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với
các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan xem xét kiến nghị của tỉnh Bình Dương
trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện các thủ tục lập dự án đầu tư, trình cấp
có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
- Về tăng tỷ lệ điều tiết:
giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất về tăng tỷ lệ điều tiết để lại trong quá
trình xây dựng dự toán năm 2023 và áp dụng cho cả giai đoạn 2023-2025, báo cáo
cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Về cơ chế hỗ trợ nguồn vốn
từ ngân sách Trung ương: đề nghị Tỉnh đề xuất cụ thể, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế
hoạch và Đầu tư để xem xét, xử lý theo quy định, trường hợp vượt thẩm quyền,
báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Về sử dụng nguồn cải
cách tiền lương: đề nghị Tỉnh thực hiện theo các quy định tại Nghị quyết số
16/2021/QH15 ngày 27 tháng 7 năm 2021 và Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28
tháng 7 năm 2021 của Quốc hội.
- Về dư nợ của việc phát
hành trái phiếu chính quyền địa phương; việc huy động, vay vốn đầu tư từ các
nguồn phù hợp vượt hạn mức bội chi ngân sách địa phương: đề nghị Tỉnh thực hiện
theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước.
- Về hỗ trợ lãi suất cho
vay tín dụng cho các dự án: giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng
nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đề
xuất chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay, phương án phát hành trái phiếu chính
quyền địa phương, các hình thức hỗ trợ phù hợp nhất để các địa phương thực hiện
công tác giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư các dự án theo quy định của
pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Về việc thực hiện Dự án
Tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT.746,
ĐT.747, ĐT.743 theo loại Hợp đồng hỗn hợp (kết hợp giữa hợp đồng O&M và hợp
đồng BOT):
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư
tiếp tục hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương thực hiện Dự án theo đúng
quy định của Luật PPP.
3. Về kiến nghị nâng độ
tĩnh không của cầu Bình Triệu 1 trên sông Sài Gòn:
Đồng ý về chủ trương. Ủy
ban nhân dân tỉnh Bình Dương làm việc thống nhất với Ủy ban nhân dân Thành phố
Hồ Chí Minh để triển khai các thủ tục đầu tư nâng cấp tĩnh không cầu Bình Triệu
1 theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
4. Về kiến nghị sử dụng,
chuyển mục đích đất của doanh nghiệp cổ phần hóa (chuyển đổi đất trồng cây cao
su do Tập đoàn Cao su Việt Nam quản lý sang phát triển các khu công nghiệp):
Đề
nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương thực hiện việc chuyển mục đích đất, điều
chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng
Chính phủ tại Công văn số 159/TTg-CN ngày 04 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng
Chính phủ về việc Đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp
trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
5. Về đề nghị hỗ trợ vốn
ưu đãi để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội:
Giao Ngân hàng nhà nước Việt
Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng
nghiên cứu, đề xuất nội dung liên quan đến gói tín dụng hỗ trợ trong Chương
trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình
Dương phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, bổ sung quỹ đất các khu công nghiệp để
quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân
thuê; các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp
thuê vào Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm của địa
phương.
6. Về chuyển đổi mục đích
sử dụng đất trồng lúa tại khu vực quy hoạch Cảng An Tây:
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình
Dương lập hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm
định theo quy định.
Giao Bộ Tài nguyên và Môi
trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ
sơ, trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định của pháp luật.
7. Về bổ sung biên chế cho
tỉnh Bình Dương (thêm 512 biên chế công chức và 2.754 biên chế sự nghiệp cho
ngành y tế và giáo dục đào tạo):
Đồng ý về nguyên tắc, giao
Bộ Nội vụ rà soát, tổng hợp kiến nghị của tỉnh Bình Dương và các cơ quan, địa
phương trong quá trình hoàn thiện đề xuất biên chế giai đoạn 2022-2026, bảo đảm
nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Văn phòng Chính phủ thông
báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương và các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan
biết, thực hiện.
(Thông báo này thay thế
Thông báo số 313/TB-VPCP ngày 19/11/2021)./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng
Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan: GTVT, KHĐT, NNPTNT, NV, TC, TNMT, XD, YT, NHNNVN;
- Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Dương;
- Thành ủy, HĐND, UBND TP Hồ Chí Minh;
- VPCP: BTCN, các PCN,
Trợ lý, Thư ký của TTgCP,
Trợ lý, Thư ký của các PTTgCP,
TGĐ Cổng TTĐTCP,
các Cục, Vụ: CN, ĐMDN, KTTH,
KGVX, NN, TCCV, TKBT, TH;
- Lưu: Văn thư, QHĐP (2b).NQ
|
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
Trần Văn Sơn
|