ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BAN CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
313/TB-BCĐ
|
Hà Nội, ngày 31
tháng 3 năm 2020
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA CHỦ TỊCH UBND THÀNH PHỐ NGUYỄN ĐỨC CHUNG, TRƯỞNG
BAN CHỈ ĐẠO VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(tại
phiên họp số 27)
09h30 ngày 30/3/2020, tại trụ sở UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban Chỉ
đạo chủ trì cuộc họp về công tác phòng, chống dịch bệnh
COVID-19, thành phố Hà Nội. Tham dự cuộc họp có các đồng chí thành
viên Ban Chỉ đạo Thành phố, Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai;
tại điểm cầu các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn có Lãnh đạo UBND
và các thành viên Ban Chỉ đạo quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.
Sau khi nghe Sở Y tế báo cáo công tác
phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp,
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận chỉ đạo
như sau:
I. Thông tin về tình hình dịch bệnh
1. Thế giới: Dịch bệnh vẫn diễn ra vô
cùng phức tạp, trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ có người lây nhiễm; Mỹ vẫn
đứng đầu Thế giới về số ca bệnh dương tính, chuyên gia dự báo số người lây
nhiễm có thể lên hàng triệu trên thế giới trong thời gian ngắn nữa; Trung Quốc xuất hiện ca lây nhiễm mới tái nhiễm tại Vũ Hán và nguồn lây nhiễm từ các
nước vào.
- Hiện tại vẫn chưa tìm ra thuốc điều
trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, chưa xác định được thời gian chấm dứt dịch
bệnh trên thế giới. Bệnh dịch ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế xã hội của các quốc
gia, đặc biệt ngành y tế của một số nước
do dịch bệnh hoành hành (như Ý, Tây Ban Nha...), đã có số
nhân viên y tế nhiễm bệnh quá nhiều (Tổng số nhân viên y
tế Tây Ban Nha lây nhiễm chiếm trên 10% ca nhiễm).
2. Việt Nam: Đang trong giai đoạn
nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm ra cộng đồng. Đã có 25/63 tỉnh/thành có người nhiễm
dịch bệnh. Trong đó, Hà Nội có số ca nhiễm được phát hiện
ở cộng đồng nhiều nhất cả nước.
3. Hà Nội: Giai đoạn 1 cơ bản thành
công, nhưng vào giai đoạn 2, ca nhiễm đầu tiên, ổ dịch đầu tiên được phát hiện
trên địa bàn Thành phố, đến nay, tình hình dịch bệnh đang trở lên phức tạp và
nghiêm trọng. Nguy hiểm nhất là đã hình thành ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, có
phát hiện các ca bệnh dương tính lây nhiễm do có tiếp xúc trực tiếp với người
bệnh (F1, F2) đang sinh sống và làm việc trên địa bàn
Thành phố.
II. Nhiệm vụ cụ thể trong thời
gian tới
Trước tình hình nêu trên, Thành phố
xác định giai đoạn này cần phải tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, cần quán
triệt quan điểm hành động “quyết liệt, chính xác, nhanh chóng, dứt khoát”. Cụ
thể, Ban Chỉ đạo Thành phố yêu cầu:
1. UBND các quận, huyện, thị xã
- Thực hiện triệt để các chỉ đạo của
Ban Chỉ đạo Thành phố tại Thông báo số 293/TB-BCĐ ngày
28/3/2020 và của UBND Thành phố tại các công điện số: 01/CĐ-UBND hồi 19 giờ 00
ngày 28/3/2020, 02/CĐ-UBND hồi 22 giờ 00 ngày 28/3/2020, 03/CĐ-UBND hồi 22 giờ
00 ngày 29/3/2020.
- Cử cán bộ hàng giờ kịp thời cập
nhật thông tin lên ứng dụng Hà Nội SmartCity, đồng thời khai thác thông qua
công cụ này. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng, khai báo thông tin, báo
cáo, kiến nghị thông qua ứng dụng. Đây là một kênh thông tin, tương tác, nhanh
chóng giúp người dân và chính quyền Thành phố trao đổi thông tin trên cơ sở
minh bạch, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Trường hợp vướng mắc, khó khăn về
kỹ thuật, liên hệ Văn phòng UBND Thành phố để được hướng dẫn.
- Tất cả các trường hợp có liên quan
các yếu tố tại Bệnh viện Bạch Mai đã được xác minh áp dụng
cách ly tại nhà, khi nhận được thông tin do chính người đang cách ly hoặc cộng
đồng cung cấp, các đội phản ứng nhanh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành
phố và các quận, huyện, thị xã phải khẩn trương liên hệ, nắm rõ các biểu hiện
của bệnh lý (có ghi chép cụ thể), lấy mẫu bệnh phẩm và gửi đến Trung tâm Kiểm
soát bệnh tật Thành phố để xét nghiệm kịp thời.
- Tổng hợp thông tin từ xã, phường,
thị trấn những trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai
báo cáo Ban Chỉ đạo Thành phố trước 16h00 hàng ngày thông
qua Sở Y tế (cơ quan Thường trực) để tổng hợp báo cáo
Thành phố.
- Chủ tịch UBND các phường, xã, thị
trấn chủ động quyết định việc làm rõ, xác minh, cách ly các trường hợp tại cộng
đồng theo quy định.
- Chủ tịch UBND quận Đống Đa, Hai Bà
Trưng phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai tổ chức việc cung
cấp lương thực, thực phẩm của các cơ sở cung ứng theo yêu cầu của Bệnh viện và
chỉ đạo của Bộ Y tế. Bệnh viện Bạch Mai chịu trách nhiệm kiểm tra đảm bảo an toàn
tuyệt đối toàn bộ việc cung cấp này.
2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam thành phố Hà Nội và Mặt trận Tổ quốc các quận, huyện, thị xã tổ chức
tuyên truyền, vận động các đoàn thể chính trị cùng chung tay tiếp sức. Đồng
thời, tổ chức tiếp nhận sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân cho công tác phòng,
chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt là quan tâm tới các hộ
nghèo, người nghèo đang phải khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai và các bệnh
viện khác trên địa bàn Thành phố.
3. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành
phố và Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã:
- Khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm toàn
bộ những trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai; kịp thời báo cáo kết quả
cho Sở Y tế và cập nhật dữ liệu vào hệ thống để phục vụ cho công tác quản lý;
khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm 3.092 trường hợp nhập cảnh về Việt Nam từ trước
0h00 ngày 14, 18, 21/3/2020 cho đến nay; Cán bộ lấy mẫu
phải kịp thời lấy mẫu xét nghiệm khi UBND các quận, huyện, thị xã yêu cầu.
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành
phố khẩn trương tiếp nhận test xét nghiệm nhanh do Tập đoàn Vingroup tài trợ;
cập nhật các phương pháp cách làm, lấy mẫu, quy trình xét nghiệm do Bộ Y tế
hướng dẫn để tập huấn hướng dẫn cho nhân viên y tế của Trung tâm và tổ chức
hướng dẫn nhân viên các Trạm Y tế và các Bệnh viện về việc xét nghiệm nhanh;
chuẩn bị 10 tổ công tác (bao gồm Công an, quân đội, nhân viên y tế) để tổ chức
ngay việc lấy mẫu xét nghiệm tại một số phường xung quanh Bệnh viện Bạch Mai và
một số điểm đã có bệnh nhân dương tính lây nhiễm chéo trên địa bàn Thành phố,
nhằm sớm phát hiện ca lây nhiễm ra cộng đồng. Từ đó có đánh giá tình hình dịch
bệnh trên địa bàn Thành phố.
- Cung cấp các que để lấy mẫu bệnh
phẩm xét nghiệm cho các quận, huyện, thị xã.
- Giao cho UBND các quận liên hệ thuê
các Lều để test nhanh để tổ chức lấy mẫu xét nghiệm xung quanh bệnh viện Bạch
Mai các trường hợp đang tạm trú tại các phường xung quanh Bệnh viện Bạch Mai.
4. Công an Thành phố bố trí 10 xe bán
tải cấp cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố để phục vụ việc lấy mẫu xét
nghiệm. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố chuẩn bị đủ các thiết bị bảo hộ
để phục vụ người tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm và các lái xe.
5. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội
- Tiếp tục tổ chức tốt các cơ sở cách
ly tập trung trên địa bàn Thành phố.
- Chủ động nhập kịp thời dữ liệu các
trường hợp đã được cách ly để theo dõi tiếp tục cách ly tại địa phương sau khi
hết thời gian cách ly tập trung.
- Báo cáo Bộ Quốc phòng chuẩn bị các
điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, hậu cần để tiếp nhận và quản lý tất cả các
trường hợp (F1) trên địa bàn Thành phố (tại Thạch Thất);
chịu trách nhiệm đón các trường hợp (F1) tại các Bệnh viện
và quận, huyện, thị xã khi có yêu cầu; trường hợp (F1)
chưa được xét nghiệm thì phải bố trí tại phòng cách ly theo hướng dẫn của ngành
y tế, nếu trường hợp xét nghiệm âm tính thì bố trí phù hợp với cơ sở vật chất
tại cơ sở cách ly.
6. Giao Sở Y tế
- Để giảm tải tại các cơ sở y tế, cần
chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc trên địa bàn Thành phố không tổ chức cho
người thân thăm hỏi bệnh nhân đang nằm điều trị nội trú, chỉ để 01 người nhà
chăm sóc tại Bệnh viện. Yêu cầu các Khoa Dinh dưỡng tại các bệnh viện tổ chức
nấu ăn phải đảm bảo an toàn thực phẩm, xác định rõ nguồn gốc thực phẩm cung cấp
cho các bệnh viện. Nhân viên tại các khoa dinh dưỡng phải đủ, đúng tiêu chuẩn về
sức khỏe và trình độ do Bộ Y tế đã quy định.
7. Giao Văn phòng UBND Thành phố
Vận hành hiệu quả ứng dụng Hà Nội
SmartCity phục vụ chính quyền và người dân; cử cán bộ chuyên trách sẵn sàng
24/24/7 để hướng dẫn, giải đáp cho người sử dụng khi có yêu cầu; chủ động liên
hệ Bộ Tư lệnh Thủ đô để hướng dẫn nhập dữ liệu các trường hợp đã được cách ly
tập trung.
8. Thành phố khuyến cáo
- Bệnh nhân điều trị nội trú, ngoại
trú, người chăm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, người thăm bệnh nhân, học sinh,
sinh viên của các Trường Đại học Y, Cao đẳng, Trung học, người tiếp xúc Bác sỹ,
điều dưỡng đi chữa bệnh, trường hợp tiếp xúc người nhà, người thân bệnh nhân đã
đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 10/3/2020 đến 28/3/2020 đều phải tự cách ly tại
nhà, theo dõi sức khỏe, thông tin đến các cơ sở y tế trên địa bàn để khai báo y
tế và được lấy xét nghiệm miễn phí.
- Các cửa hàng cung ứng dịch vụ trên
địa bàn Thành phố và các Công ty dịch vụ không thiết yếu nên cho nhân viên nghỉ
và làm việc tại nhà hoặc làm việc qua online để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm
dịch bệnh tại cộng đồng.
III. Liên quan Bệnh viện Bạch Mai
Trước diễn biến phức tạp nêu trên của
Bệnh viện Bạch Mai, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố chia sẻ những khó khăn mà
Bệnh viện đang gặp phải. Thành phố Hà Nội sẽ đồng hành, ủng hộ Bệnh viện quyết
tâm sớm dập dịch. Trước mắt, Thành phố có một số ý kiến sau:
1. Về các đề xuất của Bệnh viện tại
cuộc họp
- Về đề xuất của Bệnh viện tổ chức
cách ly cho các nhân viên y tế của Bệnh viện tại khách sạn Mường Thanh, Thành
phố hoàn toàn đồng tình. Giao Bộ Tư lệnh Thủ đô thực hiện đưa đón.
- Giao Công an thành phố Hà Nội chỉ
đạo Công an quận Đống Đa tổ chức hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Bệnh
viện Bạch Mai đưa suất ăn vào bệnh viện, bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho
y bác sỹ và người dân đang cách ly trong bệnh viện, việc này cần phải tổ chức
thực hiện ngay.
- Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật
Thành phố hỗ trợ cho Bệnh viện Bạch Mai phương tiện và thiết bị xét nghiệm cho
toàn bộ các y bác sĩ, các bệnh nhân theo yêu cầu của Bệnh viện Bạch Mai, ngay
từ ngày 31/3/2020.
2. Đề nghị Bệnh viện Bạch Mai
- Báo cáo xin ý kiến Bộ Y tế xử lý
các trường hợp tử vong do các bệnh lý khác, cần chủ động thông tin với dư luận
(khi cần) nhằm không để các đối tượng lợi dụng thông tin gây hoang mang trong
dư luận.
- Xin ý kiến Bộ Y tế về việc Bệnh
viện phải có người phát ngôn công bố, công khai để tránh việc bị các đối tượng
lợi dụng, đưa thông tin không chính xác làm cho người dân hoang mang.
- Chịu trách nhiệm toàn bộ về việc xử
lý dịch tễ đối với các trường hợp tử vong do bệnh lý khác trong Bệnh viện theo
đúng quy định.
- Tăng cường tuyên truyền động viên
Bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên y tế trong Bệnh viện yên tâm
công tác.
- Phối hợp các Bệnh viện Trung ương
và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố kiểm tra lại các trường hợp đã lấy
mẫu xét nghiệm. Nếu sau khi lấy mẫu xét nghiệm mà vẫn đi làm và có tiếp xúc
trong môi trường ở các khoa tại Bệnh viện từ ngày 19/3 đến 28/3/2020 cần thận
trọng cho kiểm tra lại nhằm tránh để lọt và sót.
Giao Tổ thư ký theo dõi, đôn đốc, báo
cáo Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thành phố Hà Nội
tình hình, kết quả thực hiện các nội dung kết luận trên./.
Nơi nhận:
- BCĐ Quốc gia phòng
chống dịch; (để báo cáo)
- Đồng chí Bí thư Thành ủy; (để báo cáo)
- Thường trực Thành ủy; (để báo
cáo)
- Ban Thường vụ Thành ủy; (để báo cáo)
- Chủ tịch UBND Thành phố; (để báo cáo)
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành
phố; (để báo cáo)
- BCĐ phòng, chống dịch Thành phố;
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- Ban Dân vận Thành ủy;
- Văn phòng Thành ủy;
- Văn phòng HĐND Thành phố;
- Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố;
- Cục Quản lý Thị trường Thành phố;
- Các Sở, ngành Thành phố;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Bệnh viện Bạch Mai;
- Đài PTTH Hà Nội; Báo: Hà nội mới, Kinh tế&Đô thị;
- VPUB: CVP; PCVP Đ.H. Giang;
Phòng: KGVX, KT, TKBT;
- Lưu: VT, KGVXDg.
|
TL. TRƯỞNG BAN
CHÁNH VĂN PHÒNG
Vũ Đăng Định
|