ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BAN CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 09/TB-BCĐ
|
Hà
Nội, ngày 15 tháng 02
năm 2021
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ CHỦ TỊCH UBND THÀNH PHỐ CHỬ XUÂN DŨNG - TRƯỞNG BAN CHỈ
ĐẠO VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19 THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(tại Phiên họp số 90)
17h30 ngày 15/02/2021, tại trụ sở
UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thành
phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo Thành phố) đã tổ chức họp Phiên thứ 90 nghe các đơn vị
báo cáo về tình hình triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn
Thành phố. Dự họp tại điểm cầu Thành phố có Chủ tịch UBND Thành phố và các
thành viên Ban Chỉ đạo Thành phố. Tại điểm cầu địa phương có Giám đốc các bệnh
viện của Thành phố; Lãnh đạo UBND quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn,
các thành viên Ban Chỉ đạo quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.
Sau khi nghe Sở Y tế báo cáo công tác
phòng, chống dịch bệnh COVID- 19, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, ý
kiến phát biểu quán triệt của Chủ tịch UBND Thành phố, Phó Chủ tịch UBND Thành
phố Chử Xuân Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Thành phố chỉ đạo như sau:
I. Thông tin về tình hình dịch bệnh
và dự báo trong thời gian tới
1. Trên Thế giới
- Tình hình dịch bệnh trên Thế giới vẫn
đang diễn biến hết sức phức tạp. Lũy tích đến nay, Thế giới ghi nhận tổng số
109.365.327 ca mắc, 2.410.422 ca tử vong.
- Mỹ là quốc gia có số mắc cao nhất
thế giới với 28.258.163 ca mắc và 497.042 ca tử vong. Ấn Độ là quốc gia đứng thứ
hai thế giới về số mắc với 10.916.172 ca (155.764 ca tử vong). Tiếp theo là
Brazil với 9.834.513 ca mắc (239.245 ca tử vong).
- Tại Đông Nam
Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.217.468 ca mắc (33.183 ca tử
vong). Tiếp theo là Philippines với 549.176 ca mắc (11.515 ca tử vong).
2. Tại Việt Nam
- Theo nhận định của Bộ Y tế, ổ dịch
tại Hải Dương còn phức tạp, khó lường và có thể kéo dài. Ngoài các ổ dịch tại Hải
Dương, các tỉnh thành khác như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội vẫn ghi nhận thêm
các ca mắc mới.
- Từ ngày 13-15/02/2021, Việt Nam ghi
nhận thêm 87 ca mắc mới trong đó có 82 ca mắc mới ngoài cộng đồng tại 03 tỉnh,
thành phố (theo công bố của Bộ Y tế): Hải Dương (78), Thành
phố Hồ Chí Minh (2), Hà Nội (2).
- Lũy tích đợt 4 từ ngày 27/01/2021 đến
nay ghi nhận 678 ca mắc mới (các ca mắc đã được công bố chính thức) trong đó có
637 ca mắc ngoài cộng đồng tại 13 tỉnh, thành phố: Hải Dương (461), Quảng Ninh
(59), Thành phố Hồ Chí Minh (36), Hà Nội (32), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc
Ninh (5), Điện Biên (3), Bắc Giang (2), Hưng Yên (2), Hòa Bình (2), Hà Giang
(1), Hải Phòng (1). Ngoài ra còn một số địa phương có ca mắc mới nhưng chưa được
công bố chính thức.
- Lũy tích đến nay nước ta ghi nhận
2.229 ca mắc, 35 ca tử vong.
3. Tại
Hà Nội
Trong các ngày 13-15/02/2021 ghi nhận
05 ca mắc mới, các đơn vị y tế đã khẩn trương điều tra, khoanh vùng xử lý dịch,
phun khử trùng tại tất cả các địa điểm có liên quan tới ca bệnh. Lũy tích giai
đoạn 4 (từ ngày 27/01/2021 đến nay), ghi nhận 35 ca mắc ngoài cộng đồng, trong
đó:
- Số ca mắc theo quận, huyện: Nam Từ
Liêm (13); Cầu Giấy (5); Đông Anh (5); Mê Linh (5); Hai Bà
Trưng (2); Tây Hồ (2); Đống Đa (1); Ba Đình (1) và 01 trường hợp tại tỉnh Hưng
Yên được Bộ Y tế tính cho Hà Nội vì xét nghiệm tại Bệnh viện Phổi Trung ương.
- Số ca mắc theo ngày: Ngày 28/1 (2
trường hợp), ngày 30/1 (2 trường hợp), ngày 31/1 (11 trường hợp), ngày 1/2 (4
trường hợp), ngày 2/2 (1 trường hợp), ngày 3/2 (1 trường hợp), ngày 4/2 (1 trường
hợp), ngày 5/2 (1 trường hợp), ngày 7/2 (1 trường hợp), ngày 8/2 (2 trường hợp),
ngày 09/2 (2 trường hợp), ngày 11/2 (1 trường hợp), 12/2 (1 trường hợp), 14/2
(3 trường hợp), 15/2 (2 trường hợp).
4. Dự báo trong thời gian tới
Hiện nay tình hình dịch bệnh trên Thế
giới vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc và tử vong còn ở mức cao. Tại Việt Nam,
theo nhận định của Bộ Y tế, tình hình diễn biến dịch ở Hải Dương còn phức tạp,
khó lường và có thể kéo dài, đã bắt đầu xuất hiện ca bệnh trong các khu phong tỏa.
Tại Hà Nội vẫn ghi nhận thêm ca bệnh ở
ngoài cộng đồng, trong đó có ca chưa xác định chính xác được nguồn lây nhiễm.
Nguy cơ về dịch bệnh bùng phát vẫn ở mức cao, đặc biệt là tại nơi có các khu, cụm
công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, công sở có mật độ người làm việc cao, khi người
lao động từ các tỉnh, thành trở lại Hà Nội làm việc. Bên cạnh đó là các trường
hợp người bệnh từ các tỉnh lên Hà Nội khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến
Trung ương cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc dịch bệnh và lây lan.
Vì vậy, theo nhận định trong thời gian tới, Hà Nội là nơi có nguy cơ bùng phát
dịch bệnh cao, số ca lây nhiễm COVID-19 mới vẫn có thể được
ghi nhận hàng ngày.
II. Nhiệm vụ trong
thời gian tới
UBND Thành phố giao các Sở, ban,
ngành; UBND các quận, huyện, thị xã chủ động triển khai ngay các biện pháp
phòng, chống dịch bệnh theo các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Thành ủy, UBND
Thành phố và Thông báo Kết luận của Trưởng Ban chỉ đạo.
Trong đó, cụ thể UBND Thành phố giao:
1. Các quận, huyện, thị xã
- Chủ động phối hợp Trung tâm Kiểm
soát bệnh tật Thành phố, khi có ca nhiễm bệnh trên địa bàn, cần xác định ngay
nguồn lây bệnh, truy vết các trường hợp F1, F2, F3, khoanh
vùng nhanh, cách ly triệt để và kịp thời lấy mẫu xét nghiệm. Nếu chậm trễ việc
này, nguy cơ dịch bệnh lan rộng trên địa bàn Thành phố sẽ rất cao.
- Tuyên truyền, yêu cầu người dân thực
hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
Trường hợp không thực hiện xử phạt nghiêm theo quy định, thông báo đến nơi làm
việc và sinh sống.
- Thực hiện nghiêm việc khai báo y tế
đối với các trường hợp từ nơi khác trở về Hà Nội sống và
làm việc sau nghỉ Tết, đặc biệt là các trường hợp trở về từ địa phương có ổ dịch.
Đối với tất cả các trường hợp trở về Hà Nội từ tỉnh Hải Dương, cần phải khai
báo y tế theo mẫu in trên giấy, hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết, thường
xuyên theo dõi sức khỏe và được các tổ dân phố và tổ giám sát COVID-19 cộng đồng
theo dõi; đối với các trường hợp đã từng đi, đến, về từ
huyện Cẩm Giàng từ ngày 15/01/2021 cần lấy ngay mẫu xét
nghiệm SARS-CoV-2 và giám sát sức khỏe theo quy định.
- Bắt đầu từ 00h00
ngày 16/02/2021: Tạm dừng mở cửa đón khách tại các khu di tích,
cơ sở tôn giáo; tạm dừng hoạt động đối với các quán ăn, uống
đường phố, trà đá vỉa hè và quán cà phê đến khi có chỉ đạo mới của UBND Thành
phố.
- Đối với nhà hàng ăn phục vụ trong
nhà, yêu cầu thực hiện công tác vệ sinh khử khuẩn, thực hiện giãn cách tối thiểu
2m giữa người với người hoặc giữ khoảng cách tối thiểu 1m và có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến
khích bán hàng mang về nhà (theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch
UBND Thành phố tại Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 03/02/2021); trường hợp không đáp
ứng đầy đủ việc phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu, cho dừng hoạt động theo thẩm
quyền.
- Thường xuyên kiểm tra việc đóng cửa các quán game, internet, bar, karaoke, club... theo
đúng chỉ đạo của UBND Thành phố.
- Tiếp tục thực hiện tốt phương châm
“4 tại chỗ”; sẵn sàng nhân lực, vật lực cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy
ra. Tất cả các trường hợp từ nơi khác đến địa phương, đặc
biệt là từ các tỉnh, thành phố đang có ổ dịch đều phải được quản lý chặt chẽ về
y tế.
2. Sở Y tế
- Dừng hoạt động cơ sở y tế không thực
hiện quy định khám sàng lọc COVID-19 khi khám bệnh, đặc biệt đối với người nước
ngoài. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định an toàn
phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của các cơ sở khám chữa bệnh, kiên quyết xử lý
cơ sở không đảm bảo an toàn.
- Trao đổi với đơn vị chuyên môn của
Bộ Y tế thống nhất quy trình sau cách ly để thống nhất triển khai trên địa bàn
Thành phố, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm cho người dân và chính quyền.
3. Bộ Tư lệnh Thủ đô
- Thực hiện tốt công tác cách ly tập
trung theo quy định, phối hợp, hỗ trợ địa phương thực hiện
tốt phương án “4 tại chỗ”. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc ngoài thẩm quyền
giải quyết cần kịp thời báo cáo Bộ Quốc phòng, UBND Thành phố để giải quyết.
- Thống nhất Sở Y tế và quận, huyện,
thị xã nghiên cứu xây dựng quy trình phối hợp trong việc
tiếp nhận, bàn giao... đối với các trường hợp cách ly tập trung theo quy định.
4. Công an thành phố Hà Nội
Chỉ đạo công an các quận, huyện, thị
xã chủ động phối hợp với địa phương trong công tác triển
khai phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt là công tác khai báo y tế cho người từ
nơi khác trở về Hà Nội sau nghỉ Tết.
5. Sở Du lịch
Chỉ đạo các khách sạn, cơ sở lưu trú
chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng địa phương yêu cầu các trường hợp
hết thời gian cách ly tập trung về ở khách sạn, cơ sở lưu trú phải tuân thủ theo
dõi sức khỏe tiếp 14 ngày và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo
Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước
theo chức năng nhiệm vụ được giao, đặc biệt là công tác giảng dạy trong thời gian học sinh học online theo chỉ đạo của UBND Thành phố tại
văn bản số 160/UBND-KGVX ngày 15/02/2021.
7. Sở Văn hóa và Thể thao
Tiếp tục thực hiện tốt công tác quản
lý và tổ chức lễ hội, đặc biệt là trong thời gian UBND
Thành phố chỉ đạo tạm thời dừng mở cửa đón khách đối với các khu di tích, cơ sở
tôn giáo để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, xử phạt theo quy định, đồng thời công khai phê bình những địa
phương, cơ sở, tổ chức, cá nhân vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
8. Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì, phối hợp các cơ quan báo chí
Trung ương và Thành phố, các quận, huyện, thị xã tăng cường hơn nữa công tác
thông tin tuyên truyền để người dân tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống
dịch bệnh theo quy định. Đặc biệt đối với các trường hợp đến
từ các địa phương có ổ dịch như đã nêu trên.
9. Sở Giao thông vận tải
Tiếp tục chỉ đạo các bến xe, nhà xe
thực hiện nghiêm việc vận chuyển hành khách sau nghỉ Tết,
đặc biệt đối với các tuyến xe liên tỉnh, đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của
Trung ương và Thành phố về công tác phòng, chống dịch bệnh. Đối với các trường
hợp vi phạm cần xử phạt nghiêm theo quy định, thông tin công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
10. Ban Quản lý các Khu công nghiệp
và Chế xuất Hà Nội
Xây dựng kế hoạch chi tiết và thực hiện
tốt công tác phòng, chống dịch bệnh khi đón công nhân trở lại làm việc tại các
khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố. Chủ động phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh
tật Thành phố để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên đối
với nơi có nguy cơ cao để có phương án ứng phó hiệu quả khi cần thiết.
11. Cụm Cảng hàng không miền Bắc
Rà soát tất cả các khâu, quy trình trong việc phòng, chống dịch bệnh tại đơn vị, đảm bảo luôn chủ động trong
mọi tình huống dịch bệnh.
12. Các Sở, ban, ngành Thành phố;
UBND các quận, huyện, thị xã
Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo
của Trung ương và Thành phố về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Đảm bảo tất cả các ban chỉ đạo từ cấp Thành phố đến cơ sở đều
phải được vận hành thông suốt, ứng phó kịp thời mọi tình huống dịch bệnh có thể
xảy ra. Tuyệt đối không được chủ quan lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh
tại cơ quan đơn vị.
Giao Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo
Thành phố theo dõi, đôn đốc, báo cáo Ban Chỉ đạo Thành phố
kết quả thực hiện các nội dung kết luận trên./.
Nơi nhận:
- BCĐ Quốc gia phòng, chống
dịch;
- Đồng chí Bí thư Thành ủy; (để báo cáo)
- Các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy; (để báo cáo)
- Ban Thường vụ Thành ủy; (để báo cáo)
- Chủ tịch UBND Thành phố; (để báo cáo)
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố; (để báo cáo)
- BCĐ phòng, chống dịch Thành phố;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội;
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- Ban Dân vận Thành ủy;
- Văn phòng Thành ủy;
- Văn phòng HĐND Thành phố;
- Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố;
- Cục Quản lý Thị trường Thành phố;
- Các Sở, ngành Thành phố;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Đài PTTH Hà Nội; Báo: Hànộimới, Kinh tế&Đô thị;
- VPUB: CVP; các PCVP;
Phòng: KGVX, TKBT, TH;
- Lưu:VT, KGVXDg.
|
TL.
TRƯỞNG BAN
CHÁNH VĂN PHÒNG
Vũ Đăng Định
|