ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 95/QĐ-UBND
|
Điện Biên, ngày 05 tháng 02 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS TỈNH ĐIỆN BIÊN GIAI ĐOẠN 2015 - 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND
ban hành ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 608/QĐ-TTg
ngày 25/5/2012 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt chiến lược quốc gia
phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn
2030; Quyết định số 4548/QĐ-UBQG50, ngày 20/11/2012
của Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống
tệ nạn ma túy, mại dâm về việc phê duyệt 04 đề án thực hiện Chiến lược Quốc gia
phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế
tại Tờ trình số 65/TTr-SYT, ngày 21/01/2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch
Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Điện Biên giai đoạn 2015 - 2020.
Điều 2. Căn cứ Quyết định này, Sở Y tế chủ trì, phối hợp
với các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các đơn vị liên quan có trách nhiệm tổ
chức triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định hiện hành.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký ban hành.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Y tế (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh;
- L/đ UBND tỉnh;
- Các sở, ban,
ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã; thành
phố;
- TT PC HIV/AIDS tỉnh;
- Lưu: VT, TM1, TH1, NCNV,
VXLĐ, VXYT
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm Xuân Kôi
|
KẾ HOẠCH
PHÒNG,
CHỐNG HIV/AIDS TỈNH ĐIỆN BIÊN GIAI ĐOẠN 2015 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 95/QĐ-UBND ngày 05/02/2015 của UBND tỉnh Điện Biên)
Căn cứ Quyết định số 608/QĐ-TTg ngày 25/5/2012
của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; Quyết định số
4548/QĐ-UBQG50, ngày 20/11/2012 của Ủy ban Quốc gia phòng
chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm về việc phê duyệt 04 đề án thực
hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;
Tiếp theo Kế hoạch số 48/KH-UBND,
ngày 08/01/2015 của UBND tỉnh Điện Biên về việc thực hiện Đề án Bảo đảm tài
chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn
tỉnh Điện Biên;
UBND tỉnh Điện Biên xây dựng kế hoạch
Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Điện Biên giai đoạn 2015 - 2020, cụ thể như sau:
Phần I
SỰ CẦN THIẾT XÂY
DỰNG KẾ HOẠCH
I. Tình hình dịch HIV/AIDS
Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới
phía Tây Bắc của Tổ quốc, có diện tích 9.562,9 km2, có đường biên giới
quốc gia dài 400,861 km, trong đó: Tiếp giáp với CHDCND Lào 360 km, tiếp giáp với
Trung Quốc 40,861 km. Dân số năm 2014 khoảng 534.772 người,
tỉnh có 10 đơn vị hành chính: 8 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố, 130 xã, phường,
thị trấn. Tỉnh Điện Biên là tỉnh
nghèo, trên 90% ngân sách do Trung ương hỗ trợ; tỷ lệ hộ nghèo 31,49%; thu nhập
bình quân đầu người đạt 20,75 triệu đồng/người/năm (năm 2014).
Tình hình dịch HIV/AIDS: Ca nhiễm HIV
đầu tiên phát hiện tại Thành phố Điện Biên Phủ vào năm 1998, đến tháng
30/9/2014, lũy tích có 7.508 trường hợp, trong đó còn sống quản lý được 4.087
người. Lũy tích bệnh nhân AIDS 4.688 người (Trong đó còn sống 1.784 người; lũy
tích tử vong 2.904 người); tỷ lệ người nhiễm HIV còn sống trên dân số là 0,76%.
Dịch HIV/AIDS đã lan ra cộng đồng, đến nay 10/10 huyện, thị xã, thành phố và
107/130 xã, phường có người nhiễm HIV (Phụ lục 1 kèm theo). Trong năm
2014 phát hiện 326 người nhiễm HIV (giảm 36,1% so với cùng kỳ năm 2013; giảm
73,8% so với năm 2010 là thời kỳ đỉnh dịch).
Tình hình nghiện ma túy: Theo số liệu
thống kê, rà soát của Công an tỉnh tính đến ngày 15/6/2014
toàn tỉnh hiện có 9.555 người nghiện ma túy có hồ sơ quản
lý, tăng 1.886 người so với năm 2013. Trong đó: Nam 9.035 người, nữ 520 người;
độ tuổi dưới 16 tuổi: 06 người, 16-18 tuổi: 56 người, trên 18-30 tuổi: 2.681
người, trên 30 tuổi trở lên: 6.812 người; 488 người có việc làm ổn định, 5.061
người có việc làm nhưng không ổn định, 4.006 người không
có việc làm; 17 học sinh, sinh viên, 91 cán bộ, 32 công nhân, 8.925 nông dân,
thành phần khác 490 người; hình thức sử dụng: Hút, hít:
5.077 người, chích 3.173 người, uống 122 người, khác 1.183 người (Phụ lục 2 kèm theo).
Tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm tiêm chích ma
túy năm 2013 là 30%, giảm 26% so với năm 2009 (nguồn IBBS vòng II năm 2009 và
IBBS vòng III năm 2013). Tiêm chích ma túy đã gây hậu quả nghiêm trọng về kinh
tế - xã hội và trật tự an toàn xã hội và làm gia tăng lây
nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.
II. Kết quả công tác phòng chống
dịch HIV/AIDS
Giai đoạn từ năm 2011 đến nay, các cấp
ủy Đảng, chính quyền tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo, triển khai
đồng bộ, quyết liệt công tác phòng, chống HIV/AIDS. Được sự
quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của Chính phủ, Bộ Y tế và các Tổ chức Quốc tế, tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh
các hoạt động phòng chống HIV/AIDS và đạt được nhiều kết
quả quan trọng. Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Sở Y tế đã ban hành các Chỉ thị, văn bản,
đề án, kế hoạch chỉ đạo đồng bộ toàn diện công tác phòng,
chống HIV/AIDS.
Chương trình phòng chống HIV/AIDS có sự tham gia chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị và cộng
đồng. Sở Y tế đã thành lập hệ thống dịch vụ phòng chống HIV/AIDS
tương đối đồng bộ, toàn diện bao gồm: 08 phòng khám ngoại trú;
09 phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện; 10 cơ sở điều trị dự phòng lây truyền mẹ
con; 05 cơ sở điều trị Methadone; triển khai can thiệp giảm tác hại trên địa
bàn 100 xã, phường. Triển khai lồng ghép các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS với hệ
thống y tế công lập để đảm bảo tính bền vững.
Ngành Y tế đã phối hợp với các ban
ngành, đoàn thể thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông thay đổi hành vi
dự phòng lây nhiễm HIV. Từ năm 2011 đến tháng 10/2014 thực hiện 539 buổi truyền
thông cho 40.474 lượt người. Cấp 6.690 tạp chí phòng chống HIV/AIDS; 73.865 tài
liệu truyền thông. Tăng cường hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông
tin đại chúng.
Đẩy mạnh công tác chăm sóc, điều trị
cho bệnh nhân HIV/AIDS. Hiện nay có
8/10 huyện có phòng khám điều trị HIV/AIDS; điều trị ARV cho 2.350 bệnh nhân;
điều trị dự phòng Lao bằng INH cho 2.713 bệnh nhân. Điều trị dự phòng
Cotrimoxazol cho 5.138 bệnh nhân; chăm sóc tại nhà cho
5.938 người. Triển khai thành công mô hình thí điểm điều trị 2.0 tại 12 xã, phường
thuộc 04 huyện. Chương trình chăm sóc, điều trị HIV/AIDS góp
phần nâng cao sức khỏe của người nhiễm HIV/AIDS, giảm tử
vong, hạn chế lây nhiễm HIV cho cộng đồng.
Hiện nay tỉnh đã thành lập 05 cơ sở
điều trị Methadone; đang quản lý, điều trị
cho 1.438 bệnh nhân; đa số bệnh nhân tuân thủ tốt việc điều trị. Sau 02 năm điều
trị, chỉ có 01/1.000 trường hợp nhiễm HIV, chiếm tỷ lệ
0,1%; kết quả trên khẳng định Chương trình điều trị Methadone đem lại hiệu quả rất cao về dự phòng lây nhiễm HIV.
Triển khai can thiệp giảm tác hại
trên địa bàn 106/130 xã, phường; trong 04 năm 2011- 2014 đã tiếp cận 310.397 lượt
người tiêm chích ma túy. Cấp miễn phí 7.567.426 bơm kim
tiêm (BKT) và 735.081 bao cao su (BCS); bán tiếp thị xã hội 32.500 bao cao su.
Độ bao phủ của chương trình can thiệp giảm tác hại đạt 73,1%; Trung bình 01 người
tiêm chích ma túy nhận được 2,2 BKT/ngày. Đến năm 2013 đã khống chế được tỷ lệ
nhiễm HIV trong nhóm tiêm chích ma túy là 30% (giảm 26% so
với năm 2009 - Nguồn IBBS 2009 và 2013); đã khống chế được
tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm bán dâm là 11% (giảm 9% so với
năm 2009 - Nguồn nghiên cứu khoa học cấp tỉnh năm 2009 và 2013);
Đẩy mạnh hoạt động dự phòng lây truyền
HIV từ mẹ sang con; từ năm 2011- 2014 đã xét nghiệm cho 32.582 phụ nữ mang thai
(PNMT) trên địa bàn tỉnh; năm 2012 tỷ lệ xét nghiệm sàng lọc HIV cho phụ nữ
mang thai đạt 74,4%; năm 2014 đạt 80%; quản lý và điều trị cho 100% PNMT nhiễm
HIV, khống chế được tỷ lệ nhiễm HIV từ mẹ truyền sang con dưới 2% (Đạt tiêu chuẩn
loại trừ nhiễm HIV từ mẹ truyền sang con, theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới).
Trên địa bàn tỉnh
đã triển khai 10 phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện, thực hiện đúng qui trình của
Bộ Y tế. Từ năm 2011-2014, thực hiện tư vấn xét nghiệm HIV cho 44.481 lượt người.
Thực hiện 9.473 mẫu giám sát phát hiện HIV. Thực hiện 7.650 mẫu giám sát trọng
điểm, thực hiện 11.865 mẫu xét nghiệm CD4; 166 mẫu xét nghiệm PCR. Năm 2014 quản
lý 88,6% người nhiễm HIV còn sống trên địa bàn tỉnh. 100% huyện, thị xã, thành
phố đã thực hiện công tác theo dõi, đánh giá tình hình dịch HIV/AIDS.
Duy trì hoạt động của 11 nhóm tự lực
và câu lạc bộ phòng chống HIV/AIDS, 03 nhóm Hoa hướng dương có 242 phụ nữ nhiễm
HIV tham gia. Mức độ phân biệt, kỳ thị, đối xử với người
nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh. Hàng năm tổ chức tốt tháng Hành
động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS; thực hiện tốt phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.
Triển khai có hiệu quả các dự án FHI;
dự án Quĩ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS; dự án Hà Lan - Việt Nam. Hợp tác có hiệu
quả với các Tổ chức quốc tế như: WHO, UNAIDS, FHI, UNODC; MCNV, SCMS, PSI, CDC...
Đào tạo 7.544 lượt cán bộ về phòng chống
HIV/AIDS; thực hiện tốt công tác kiểm tra, hỗ trợ kỹ thuật. Sở Y tế đã tăng cường
hợp tác quốc tế để huy động nguồn lực cho phòng chống
HIV/AIDS.
Tăng cường hợp tác phòng, chống
HIV/AIDS qua khu vực biên giới với tỉnh Phong Sa Ly, nước cộng hòa Dân chủ nhân
dân Lào.
Giai đoạn 2011-2014, tỉnh đã cơ bản
thực hiện thành công các mục tiêu của Đề án phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn
2011 - 2015.
Khó khăn và thách thức: Điện Biên là
tỉnh miền núi, giao thông đi lại khó khăn; hầu hết người nhiễm HIV/AIDS, người
nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh là người nghèo, không có
nghề nghiệp ổn định nên gặp khó khăn về nhận thức và trong tiếp cận điều trị
HIV/AIDS, điều trị Methadone.
Hệ thống tổ chức, nhân lực phòng chống HIV/AIDS còn mỏng; từ năm 2014 kinh phí đầu tư cho
phòng chống HIV/AIDS
cắt giảm mạnh, là tỉnh nghèo, nên kinh phí đầu tư cho chương trình phòng chống
HIV/AIDS rất hạn chế. Nếu không được đầu tư thỏa đáng, dịch HIV/AIDS có nguy cơ
bùng phát trở lại, gây hậu quả rất nặng nề lâu dài đối với sự phát triển của giống
nòi, kinh tế - xã hội và an ninh trật tự.
III. Sự cần thiết xây dựng Kế hoạch
phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2015-2020
Dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đang
diễn biến phức tạp, đã lan ra cộng đồng, đến nay 10/10 huyện, thị xã, thành phố
và 107/130 xã, phường có người nhiễm HIV. Dịch đã và đang
gây ra hậu quả lớn làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng gánh nặng ngân
sách đầu tư cho các vấn đề xã hội, tác động tiêu cực đến công tác xóa đói giảm
nghèo của tỉnh. Cùng với tệ nạn ma túy, dịch HIV/AIDS làm
gia tăng các loại tội phạm hình sự, gây rối trật tự trị an xã hội, làm tăng số
trẻ mồ côi, trẻ suy dinh dưỡng, gia tăng tình trạng thất nghiệp, làm suy giảm
chất lượng giống nòi.
Để tăng cường hiệu quả các hoạt động
phòng, chống ma túy, mại dâm và HIV/AIDS, góp phần thực hiện thành công các chỉ
tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh
trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020; thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về
phòng, chống HIV/AIDS mà Việt Nam đã cam kết
với quốc tế, việc xây dựng kế hoạch phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2015 - 2020
trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết.
Phần II
KẾ HOẠCH PHÒNG
CHỐNG HIV/AIDS GIAI ĐOẠN 2015-2020
I. Cơ sở pháp lý
1. Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây
ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)
được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/6/2006;
2. Chỉ thị số 54-CT/TW/2005 của Ban
Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường phòng, chống HIV/AIDS
trong tình hình mới;
3. Nghị định số 108/2007/NĐ-CP của
Chính phủ Qui định chi tiết một số điều của Luật phòng chống HIV/AIDS;
4. Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày
15/11/2012 của Chính phủ qui định về điều trị nghiện các chất dạng
thuốc phiện bằng thuốc thay thế;
5. Quyết định số 608/QĐ-TTg ngày
25/5/2012 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt chiến lược quốc gia phòng,
chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;
6. Quyết định số 1202/QĐ-TTg, ngày
31/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt chương
trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2012-2015;
7. Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày
20/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu bệnh
nhân điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc
Methadone năm 2014 và 2015.
8. Quyết định số 4548/QĐ-UBQG50 ngày
20/11/2012 của Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng
chống tệ nạn ma túy, mại dâm về việc phê duyệt 04 đề án thực
hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;
9. Thông tư liên tịch số 163/2012/TTLT-BTC-BYT, ngày 08/10/2012 của liên Bộ Tài chính, Bộ Y tế quy định
quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục
tiêu Quốc gia phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2012-2015;
10. Công văn số 7028/BYT-AIDS, ngày
17/10/2012 của Bộ Y tế về việc triển khai chiến lược Quốc gia phòng, chống
HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;
11. Thông tư số 12/2013/TT-BYT, ngày 12/4/2013 của Bộ Y tế về hướng dẫn chi tiết thi hành một số
điều của Nghị định số 96/2012/NĐ-CP, ngày 15/11/2012 của Chính phủ quy định về
điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;
12. Chỉ thị số 44-CT/TU ngày 08/9/2010 của Tỉnh ủy Điện Biên về việc Tăng cường lãnh đạo công
tác Phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm trên địa bàn tỉnh Điện
Biên trong tình hình mới;
13. Quyết định số 937/QĐ-UBND ngày
30/7/2010 của UBND tỉnh Điện Biên về việc phê duyệt chương
trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tỉnh Điện
Biên;
14. Kế hoạch số
48/KH-UBND, ngày 08/01/2015 của UBND tỉnh Điện Biên về việc thực hiện Đề án Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn
2015-2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
II. Mục tiêu
1. Mục tiêu chung
Đến năm 2020, khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%, giảm tác động xấu của dịch HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an
ninh trên địa bàn tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
- Trên 80% người dân từ 15 đến 49 tuổi
có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS; trên 80% người dân không
kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV;
- Giảm 80% số trường hợp nhiễm mới
HIV trong nhóm nghiện chích ma túy so với năm 2010;
- Giảm 80% số trường hợp nhiễm mới
HIV do lây truyền HIV qua đường tình dục so với năm 2010;
- Trên 80% phụ nữ mang thai được xét
nghiệm và nhận kết quả xét nghiệm HIV; 100% phụ nữ mang
thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền mẹ con; giảm tỷ lệ lây truyền
HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%.
- Trên 80% người nhiễm HIV/AIDS được
điều trị thuốc kháng vi rút HIV.
- 100% các huyện, thị xã, thành phố
và 80% xã, phường, thị trấn triển khai can thiệp giảm tác hại vào năm 2015 và
duy trì tỷ lệ này đến năm 2020. Tăng tỷ lệ thường xuyên sử dụng bơm kim tiêm sạch
trong nhóm tiêm chích ma túy lên 85%.
- 60% người nghiện ma túy được điều
trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
- 80% đối tượng có hành vi nguy cơ
cao (người sử dụng ma túy, người bán dâm) nhận được dịch tư vấn xét nghiệm HIV.
- 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp huyện trở lên triển
khai hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV.
- 100% UBND các
cấp có kế hoạch, bố trí ngân sách, ban hành văn bản chỉ
đạo và báo cáo hàng năm về công tác phòng, chống HIV/AIDS.
- 100% các cơ quan thông tin đại
chúng trên địa bàn tỉnh thực hiện hoạt động truyền thông
phòng, chống HIV/AIDS theo hướng dẫn
của Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Y tế.
- Trên 80% các cơ quan, doanh nghiệp phối hợp với tổ chức đoàn thể triển khai hoạt động
phòng, chống HIV/AIDS cho công chức, viên chức và người
lao động tại nơi làm việc.
- 100% đơn vị
theo dõi đánh giá thực hiện công tác theo dõi và đánh giá về tình hình dịch,
các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- 100% cán bộ làm việc trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS được đào tạo kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS.
Phần III
NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG
VÀ NGÂN SÁCH
I. Nội dung hoạt
động
1. Chương trình thông tin giáo dục
truyền thông thay đổi hành vi
- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy
Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp đối với công tác
thông tin, truyền thông, giáo dục phòng, chống HIV/AIDS. Đẩy mạnh các hoạt động
phối hợp liên ngành, huy động cộng đồng tổ chức tham gia các hoạt động thông
tin, truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS.
- Triển khai đồng
bộ các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống
HIV/AIDS; tăng cường truyền thông về các chương trình can thiệp giảm tác hại;
chăm sóc và điều trị; dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tư vấn xét nghiệm
tự nguyện; điều trị thay thế nghiện
các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.
- Sản xuất tài liệu truyền thông:
Băng rôn tuyên truyền, tờ rơi, sách bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc.
- Tổ chức các chiến dịch truyền thông
nhân Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS; Tháng
cao điểm dự phòng lây truyền mẹ con.
2. Chương trình can thiệp giảm tác
hại cho nhóm nguy cơ cao
- Xây dựng mạng lưới giáo dục viên đồng
đẳng, triển khai hoạt động can thiệp giảm tác hại trong nhóm nghiện ma túy và
người bán dâm.
- Cung cấp, hướng dẫn sử dụng bơm kim
tiêm sạch và bao cao su. Duy trì hoạt động phân phát miễn phí bơm kim tiêm sạch,
bao cao su thông qua giáo dục viên đồng đẳng; lực lượng y
tá thôn, bản; các cơ sở y tế; hộp bơm kim tiêm cố định. Tổ chức thu gom và tiêu
hủy bơm kim tiêm đã qua sử dụng.
- Định kỳ giám sát, đánh giá, hỗ trợ
kỹ thuật cho tuyến huyện, xã triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại.
- Triển khai có hiệu quả chương trình
điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh.
3. Chương trình giám sát, theo dõi
và đánh giá
- Kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt
động của hệ thống giám sát, theo dõi đánh giá chương trình phòng, chống
HIV/AIDS từ tỉnh đến huyện, xã.
- Tăng cường giám sát, quản lý người
nhiễm HIV. Ứng dụng các phần mềm quản lý người nhiễm
HIV/AIDS và tư vấn xét nghiệm HIV. Thực hiện tốt công tác giám sát trọng điểm
và giám sát phát hiện.
- Triển khai có hiệu quả chương trình
tư vấn, xét nghiệm tự nguyện; đảm bảo đến năm 2020, 100% số huyện có phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện đạt chuẩn của Bộ Y tế.
4. Chương trình chăm sóc và điều
trị HIV/AIDS
- Mở rộng dịch vụ điều trị, chăm sóc
HIV/AIDS tại các cơ sở y tế, các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục và Lao động xã hội và Trại giam. Tiếp tục mở rộng các dịch vụ điều
trị ARV tại tuyến xã, phường, thị trấn. Duy trì mạng lưới chăm sóc hỗ trợ người
nhiễm HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng.
- Tăng cường xét nghiệm và điều trị
lao cho bệnh nhân nhiễm HIV. Triển khai mở rộng điều trị dự phòng Lao cho người
nhiễm HIV/AIDS.
- Tăng cường quản lý, điều trị cho
các đối tượng mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Thiết lập hệ thống cung ứng thuốc
ARV, thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội.
5. Chương trình dự phòng lây truyền
HIV/AIDS từ mẹ sang con
- Đẩy mạnh các
hoạt động về tư vấn và xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai. Triển khai mở rộng
các dịch vụ xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại tuyến xã, phường,
thị trấn.
- Chuyển tiếp các thai phụ nhiễm HIV đến điều trị tại các cơ sở điều trị dự phòng lây
truyền từ mẹ sang con. Chuyển tiếp các sản phụ nhiễm HIV, trẻ em sinh ra từ mẹ
nhiễm HIV tới các phòng khám ngoại trú để được tiếp tục theo dõi, chăm sóc, điều
trị.
- Đẩy mạnh hoạt động giám sát, hỗ trợ
kỹ thuật cho các huyện, thị xã, thành phố về chương trình dự phòng lây truyền
HIV từ mẹ sang con.
6. Chương trình nâng cao năng lực và hợp tác quốc tế
- Tiếp tục xây dựng hệ thống dịch vụ phòng
chống HIV/AIDS. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bổ sung thiết bị cho các đơn
vị tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS.
- Tăng cường công tác đào tạo, nâng
cao năng lực quản lý và chuyên môn cho cán bộ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh; cán bộ chuyên trách phòng chống HIV/AIDS các huyện, thị xã, thành
phố. Tổ chức đào tạo và đào tạo lại cho 100% cán bộ y tế tham gia các dịch vụ dự
phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.
- Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế
trong phòng chống HIV/AIDS.
- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về
lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS
II. Kinh phí phòng, chống
HIV/AIDS giai đoạn 2015 - 2020
Tổng nhu cầu kinh phí để thực hiện kế
hoạch phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2015 -2020: 410.241 triệu đồng (Phụ lục
2,3,4 kèm theo)
Phần IV
NHÓM GIẢI PHÁP
THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
1. Nhóm giải pháp về chính trị, xã
hội
- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy
Đảng và chính quyền các cấp, tiếp tục tổ chức quán triệt
và nghiêm túc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS.
- Vận động các tổ chức chính trị - xã
hội, tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, mạng lưới người nhiễm HIV tham
gia phòng, chống HIV/AIDS.
2. Nhóm giải pháp về dự phòng lây
nhiễm HIV
- Nâng cao chất lượng công tác thông
tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS.
- Nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn,
xét nghiệm HIV và các hoạt động can thiệp giảm tác hại, dự
phòng lây nhiễm HIV cho nhóm người có nguy cơ cao dễ bị lây nhiễm HIV; triển
khai có hiệu quả chương trình điều trị Methadone.
3. Nhóm giải pháp về chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV
- Mở rộng dịch vụ
điều trị bằng thuốc kháng virus HIV, điều trị nhiễm trùng cơ hội, điều trị lao
cho người nhiễm HIV/AIDS; điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Triển
khai mở rộng dịch vụ điều trị ARV tại tuyến xã, phường, thị trấn.
- Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ vật chất, tinh thần cho người nhiễm HIV và gia đình có người nhiễm bệnh
giúp người nhiễm HIV ổn định cuộc sống, hòa nhập và được chăm sóc tại gia đình và cộng đồng.
5. Nhóm giải pháp về giám sát dịch HIV/AIDS, theo dõi và đánh giá
- Củng cố và kiện toàn hệ thống giám
sát, theo dõi và đánh giá chương trình phòng, chống
HIV/AIDS. Nâng cao tính chính xác của số liệu giám sát dịch HIV/AIDS, số
liệu đánh giá chương trình phòng chống HIV/AIDS.
- Thường xuyên phân tích, đánh giá tình hình dịch HIV/AIDS, đánh giá hiệu quả các hoạt động phòng chống
HIV/AIDS.
6. Nhóm giải pháp về nguồn tài
chính
- Huy động nguồn lực cho chương trình
phòng, chống HIV/AIDS từ các nguồn của Trung ương, địa phương, các cơ quan, tổ
chức, doanh nghiệp trong, ngoài nước và nhân dân để đảm bảo nguồn lực cho việc
thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch; tăng dần tỷ
trọng bảo hiểm y tế chi trả cho các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS, đẩy mạnh xã hội
hóa các dịch vụ (điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc
Methadone; tiếp thị bao cao su; bơm kim tiêm...)
- Tăng cường công tác quản lý, điều
phối các nguồn lực đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS.
7. Nhóm giải pháp về nguồn nhân lực
- Thực hiện tốt công tác quy hoạch và
phát triển nguồn nhân lực cho hệ thống HIV/AIDS. Nâng cao năng lực cán bộ làm
công tác phòng, chống HIV/AIDS; chú trọng đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ
về phòng chống HIV/AIDS cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã và y tế thôn bản;
- Nâng cao năng lực cho cán bộ các sở,
ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, mạng lưới người nhiễm HIV, nhóm
tự lực, câu lạc bộ trong cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS;tăng cường bồi dưỡng, đào tạo người nhiễm HIV về
kỹ năng chăm sóc, tư vấn để tham gia hỗ trợ công tác điều trị cho bệnh nhân.
8. Nhóm giải pháp về hợp tác quốc
tế
Tăng cường hợp tác, triển khai các hoạt
động phòng chống HIV/AIDS qua khu vực biên giới với tỉnh Phong Sa Ly nước Cộng
hòa dân chủ nhân dân Lào. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng chống HIV/AIDS.
9. Nhóm giải pháp về chế độ chính
sách
Thường xuyên cập nhật và thực hiện
nghiêm các văn bản, chế độ, chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về chế
độ chính sách trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Phần V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Chỉ đạo phòng chống tệ nạn
xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tỉnh
Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động
của Ban Chỉ đạo các cấp; tổ chức triển khai, giám sát, đánh giá việc thực hiện
các văn bản chỉ đạo của trung ương và của tỉnh về công tác Phòng, chống
HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh từ năm 2015 đến năm 2020, định
kỳ báo cáo Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh.
- Hàng năm tham
mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo lồng ghép có hiệu quả các nguồn
lực, chương trình, dự án để bổ sung kinh phí cho chương trình phòng, chống
HIV/AIDS.
2. Sở Y tế
- Hướng dẫn triển khai thực hiện kế
hoạch phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến
năm 2020. Tổ chức kiểm tra, theo dõi, giám sát; định kỳ, đột xuất tổ chức sơ kết,
tổng kết đánh giá kết quả hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Định kỳ báo cáo kết quả phòng chống
HIV/AIDS với Bộ Y tế và UBND tỉnh
theo quy định.
- Hướng dẫn kiện toàn tổ chức bộ máy
phòng chống HIV/AIDS; chỉ đạo triển khai lồng ghép các dịch
vụ phòng, chống HIV/AIDS trong hệ thống y tế.
- Chỉ đạo các đơn vị ngành y tế sử dụng
hiệu quả, hợp lý các nguồn kinh phí đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng các nguồn kinh phí đầu tư cho
phòng chống HIV/AIDS.
- Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh
thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế. Hướng dẫn các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS thực hiện việc thu phí điều trị của bệnh
nhân theo các quy định hiện hành.
3. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Kế
hoạch và Đầu tư phân bổ kinh phí cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Hướng
dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán các nguồn
kinh phí đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Tăng cường huy động kinh phí đầu tư cơ
sở vật chất, các điều kiện cần thiết cho hệ thống phòng, chống HIV/AIDS trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Giám sát, kiểm tra việc lồng ghép các chỉ tiêu
phòng, chống HIV/AIDS vào chương trình phát triển kinh tế
xã hội của tỉnh.
5. Bảo hiểm xã hội tỉnh
Phối hợp với ngành y tế đảm bảo thanh
toán các chi phí liên quan đến điều trị bệnh cho những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành.
6. Sở Nội vụ
Chủ trì, phối hợp với ngành y tế tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định thành lập các cơ
sở cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS; bổ sung biên chế và thực hiện các chế độ, chính sách trong công tác phòng
chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.
7. Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tổ chức
điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho người nghiện ma túy và điều trị ARV cho người nhiễm HIV/AIDS
trong các Trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội của tỉnh.
- Phối hợp với các ngành, đơn vị liên
quan xây dựng các chính sách bảo trợ xã hội đối với người nhiễm HIV/AIDS trình
các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hỗ trợ người nghiện chích ma túy, người bán
dâm tái hòa nhập cộng đồng và tiếp cận các nguồn hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo; vay vốn; học nghề, tìm việc làm.
8. Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các sở,
ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thường
xuyên tuyên truyền, phổ biến công tác phòng, chống HIV/AIDS; định kỳ thông tin
về tình hình dịch và các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đang triển khai trên địa
bàn tỉnh; đẩy mạnh hoạt động truyền
thông trong tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tháng hành động
quốc gia phòng, chống HIV/AIDS.
9. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chủ trì, phối hợp
với Sở Y tế triển khai các nội dung hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; xây dựng kế hoạch huy động
nguồn kinh phí triển khai các nội dung hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong các cơ sở giáo dục và đào tạo và sử dụng
có hiệu quả nguồn kinh phí huy động.
10. Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tỉnh
Trên cơ sở kế hoạch do UBND tỉnh phê duyệt, chủ động xây dựng và triển khai thực
hiện kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS theo chức năng, nhiệm
vụ được giao và đặc thù của ngành, cơ quan, đơn vị. Phối hợp
chỉ đạo và tổ chức kiểm tra, đôn đốc thực hiện Kế hoạch.
11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các thành viên
Tăng cường tuyên truyền, vận động các
các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các đơn vị liên quan tích cực
tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Triển khai lồng ghép chương trình phòng chống HIV/AIDS với các chương trình hành động của cơ quan,
đơn vị.
12. UBND các huyện, thị xã, thành
phố
- Triển khai kế hoạch kế hoạch phòng,
chống HIV/AIDS giai đoạn 2015-2020 theo chức năng nhiệm vụ và địa bàn quản lý.
- Chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện, các
phòng, ban chức năng và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện nội dung của kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố. Tổ chức
kiểm tra, giám sát các hoạt động
phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch triển khai mở rộng chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng
thuốc Methadone trên địa bàn; chủ động đầu tư kinh phí cho hoạt động phòng, chống
HIV/AIDS. Định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả phòng chống HIV/AIDS
về UBND tỉnh theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch Phòng, chống
HIV/AIDS tỉnh Điện Biên giai đoạn 2015-2020./.