BỘ
Y TẾ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
488/QĐ-BYT
|
Hà Nội,
ngày 09 tháng 02 năm
2015
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG VÀ THÍ ĐIỂM PHƯƠNG THỨC CHI TRẢ CHI PHÍ KHÁM
CHỮA BỆNH THEO NHÓM CHẨN ĐOÁN LIÊN QUAN (DRG)
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày
31/08/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 105/2014/NĐ-CP
ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
của Luật bảo hiểm y tế và các thông tư hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế;
Căn cứ Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày
15/10/2012 của Chính phủ quy định về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với
các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám, chữa bệnh của các cơ sở
khám bệnh, chữa bệnh công lập;
Căn cứ ý kiến thống nhất của Bộ Tài
chính tại công văn số 8610/BTC-HCSN ngày 27/6/2014 và của Bảo hiểm xã hội Việt
Nam tại công văn số 2722/BHXH-CSYT ngày 25/7/2014 về việc góp ý Đề án xây dựng
và thí điểm phương thức chi trả theo DRG;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế
hoạch - Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án xây dựng
và thí điểm phương thức chi trả chi phí khám chữa bệnh theo nhóm chẩn đoán liên
quan (DRG) với một số nội dung chính như sau:
1. Mục tiêu chung:
Xây dựng và triển khai thí điểm phương
thức chi trả chi phí khám chữa bệnh theo DRG trên phạm vi một số tỉnh lựa chọn,
hoàn thiện phương thức chi trả theo DRG để hướng tới áp dụng phương thức này
trên toàn quốc, đáp ứng các mục tiêu chăm sóc sức khỏe và tiến tới bảo hiểm y
tế toàn dân.
2. Mục tiêu cụ thể:
Mục tiêu 1: Xây dựng và thí điểm phương thức chi trả theo
DRG cho toàn bộ các bệnh và nhóm bệnh của Việt Nam, bao gồm xây dựng hệ thống
phân nhóm, mã hóa các dịch vụ kỹ thuật theo ICD, chi phí và giá của mỗi DRG.
Mục tiêu 2: Xây dựng hệ thống tổ chức thí điểm triển khai DRG, trong đó có xây dựng
đơn vị tính toán DRG tại Trung ương và địa phương để thu thập dữ liệu, phân
loại bệnh, tính toán, kiểm soát chi phí, ứng dụng CNTT và đào tạo cán bộ.
Mục tiêu 3: Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng vào hệ thống chi trả
của cơ sở khám chữa bệnh.
3. Phạm vi, đối tượng áp dụng và thời
gian thí điểm:
- Năm 2015: Thu thập dữ liệu, tính toán
chi phí DRG cho toàn bộ các bệnh và nhóm bệnh tại tỉnh Ninh Bình.
- Năm 2016: Áp dụng phương thức chi trả
theo DRG cho các cơ sở khám chữa bệnh của tỉnh Ninh Bình.
- Năm 2017: Đánh giá kết quả sau 1 năm
triển khai thí điểm, tiếp tục duy trì tỉnh đã triển khai và chuẩn bị triển khai
cho 4 tỉnh: Hà Nam, Quảng Bình, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu.
- Năm 2018-2019: Áp dụng phương thức chi
trả theo DRG cho các cơ sở khám chữa bệnh của 5 tỉnh (4 tỉnh mở rộng và 1 tỉnh
tiếp tục thực hiện).
- Năm 2020: Đánh giá kết quả sau triển khai thí điểm Đề án và đề xuất việc áp dụng rộng rãi
4. Nội dung của đề án:
- Xây dựng mô hình hệ thống tổ chức và
triển khai thực hiện theo DRG
- Đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ
chuyên môn, quản lý
- Giám sát, hỗ trợ
- Đánh giá tác động
5. Kết quả đầu ra:
- Xây dựng phương
thức chi trả theo DRG phù hợp với Việt Nam và đưa vào áp dụng
- Thí điểm phương thức chi trả theo DRG
được tiến hành theo đúng kế hoạch
- Phương án thí điểm được đánh giá về
tính hiệu quả, khả thi và bền vững dựa trên các tiêu chí bao
gồm: Kiểm soát chi phí và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài
lòng của người bệnh; Kiểm soát được các tác động không mong muốn, đặc biệt là
việc kiểm soát chuyển tuyến hợp lý; Giảm tải ở cơ sở y tế tuyến trên.
- Hạn chế và kiểm soát những điểm yếu
có tác động tiêu cực đến hệ thống thanh toán chi phí khám chữa bệnh.
- Đề xuất được phương án thực hiện chi
trả chi phí khám chữa bệnh theo DRG để đưa vào Thông tư hướng dẫn.
6. Nguồn kinh phí triển khai thực hiện
Đề án:
Từ ngân sách nhà nước, dự toán chi thường
xuyên của các cơ quan liên quan và các nguồn huy động khác theo quy định của
pháp luật.
7. Tổ chức thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Bộ Y tế
- Đơn vị trực tiếp thực hiện thí điểm:
Các cơ sở khám chữa bệnh thuộc các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam,
Quảng Bình, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Các đơn vị phối hợp chính: Bộ Y tế (Vụ
Kế hoạch - Tài chính, Vụ Bảo hiểm y
tế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh); Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Viện Chiến
lược và Chính sách y tế, Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội 5 tỉnh
tham gia thí điểm, các chuyên gia trong nước, quốc tế và đơn vị liên quan.
- Đề án được
thực hiện theo các nội dung hoạt động đã được phê duyệt dưới sự chỉ đạo, giám
sát của Ban chỉ đạo Đề án, Ban soạn thảo xây dựng và triển khai thực hiện Đề
án, Ban điều hành Đề án tuyến tỉnh. Các Ban này được thành lập ở trung ương và địa phương.
8. Các nội dung khác được trình bày chi
tiết trong Đề án kèm theo.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban
hành.
Điều 3. Các ông, bà Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng các
Vụ: Kế hoạch - Tài chính, Bảo hiểm y tế, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh,
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Quảng Bình, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng
Tàu và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- TT Phạm Lê Tuấn (để chỉ đạo thực hiện);
- TT Nguyễn Thị Xuyên (để chỉ đạo thực hiện);
- Bộ Tài chính (để phối hợp);
- BHXHVN (để phối hợp);
- UBND tỉnh: Ninh Bình, Hà Nam, Quảng Bình, Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu;
- BHXH tỉnh: Ninh Bình; Hà Nam, Quảng Bình, Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu;
- Lưu: VT, KH-TC7.
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Kim Tiến
|