Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 2580/QĐ-UBND 2020 phê duyệt Đề án phát triển thể thao quần chúng tỉnh Sơn La

Số hiệu: 2580/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La Người ký: Hoàng Quốc Khánh
Ngày ban hành: 26/11/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2580/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 26 tháng 11 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THỂ DỤC, THỂ THAO QUẦN CHÚNG TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Thể dục, thể thao sửa đổi ngày 14 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Quyết định số 2160/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 2588/TTr-SVHTT&DL ngày 23 tháng 11 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Phát triển thể dục, thể thao quần chúng tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2030”.

Điều 2. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Đề án đảm bảo hiệu quả theo mục tiêu đề ra.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hoàng Quốc Khánh

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN THỂ DỤC, THỂ THAO QUẦN CHÚNG TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2021 - 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2580/QĐ-UBND ngày 26/11/2020 của UBND tỉnh)

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN PHONG TRÀO THỂ DỤC, THỂ THAO TỈNH SƠN LA

I. TÌNH HÌNH CHUNG

Sơn La là một tỉnh miền núi, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Nhận thức của một số cấp ủy chính quyền địa phương và các đơn vị về thể dục, thể thao (TDTT) chưa đầy đủ. Phong trào TDTT vẫn còn mang tính tự phát, phát triển chưa đồng đều giữa các vùng, chỉ tập chung ở khu vực thị trấn, khu vực đông dân cư. Đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên thể dục, thể thao cấp huyện còn thiếu, cán bộ làm công tác văn hóa - xã hội tại các xã, phường, thị trấn trình độ chuyên môn về TDTT còn hạn chế. Công tác giáo dục thể chất trong các trường học còn nhiều bất cập. Cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của phong trào.

Sau khi Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 01 tháng 12 năm 2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo sự phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020 được ban hành; được sự quan tâm chỉ đạo, định hướng của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, phong trào TDTT tỉnh Sơn La đã có sự phát triển đáng kể. TDTT quần chúng tại xã, phường, thị trấn và các đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh được mở rộng và nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động. Chất lượng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được nâng cao, góp phần xây dựng con người phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể chất để phục vụ lao động sản xuất, công tác, học tập.

II. THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN

1. Thuận lợi

TDTT Sơn La nhận được sự lãnh đạo chỉ đạo kịp thời và sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thông qua việc ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết, các cơ chế chính sách, tạo điều kiện về hành lang pháp lý cho phát triển TDTT.

Nhận thức của các cấp, các ngành và người dân trong tỉnh về vai trò, vị trí của TDTT trong phát triển kinh tế - xã hội dần được nâng lên. Kết quả đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho TDTT tỉnh Sơn La từng bước phát triển.

Cán bộ, nhân dân, các đơn vị lực lượng vũ trang trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phong trào tập luyện, thi đấu TDTT dần trở thành thói quen hàng ngày của đông đảo cán bộ, nhân dân tham gia với nhiều hoạt động phong phú gắn với các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và xây dựng nông thôn mới.

2. Khó khăn

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong chỉ đạo và tổ chức phát triển phong trào TDTT quần chúng cũng còn rất nhiều khó khăn, hạn chế như:

- Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức trong điều hành, chỉ đạo, và tạo điều kiện cho phong trào TDTT quần chúng phát triển.

- Việc tuyển cán bộ mới gặp khó khăn nên lực lượng cán bộ TDTT ở cấp huyện, thành phố và cơ sở rất thiếu và yếu. Đội ngũ cán bộ TDTT ở cấp xã phường, thị trấn trình độ chuyên môn còn hạn chế làm ảnh hưởng đến phong trào hoạt động.

- Việc quy hoạch đất đai cho TDTT ở cơ sở còn chưa được quan tâm đúng mức. Trong quy hoạch xây dựng các khu dân cư, các công trình công cộng (trường học, khu vui chơi…), nhiều nơi đã có quy hoạch đất cho công trình TDTT nhưng chưa có kinh phí để đầu tư xây dựng. Cơ sở vật chất, sân bãi TDTT còn quá ít, chưa đáp ứng nhu cầu tập luyện của mọi người.

- Kinh phí đầu tư cho hoạt động TDTT hàng năm ở cấp cơ sở còn thấp, chưa hợp lý so với nhu cầu thực tiễn hoạt động. Việc triển khai chủ trương xã hội hoá TDTT còn chậm, không đồng đều, thiếu kinh nghiệm nên còn gặp nhiều khó khăn.

III. KẾT QUẢ CỤ THỂ

- Phong trào tập luyện TDTT quần chúng hàng năm tiếp tục phát triển, số người tự nguyện tập luyện TDTT ngày càng tăng. Phong trào tập luyện TDTT như: Đi bộ, chạy vì sức khoẻ, thể dục dưỡng sinh, bóng chuyền hơi, cầu lông, bơi lội, quần vợt, xe đạp…, ngày càng thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, công nhân, viên chức, người lao động tham gia tập luyện, tạo thành phong trào quần chúng rộng khắp trong mọi đối tượng và địa bàn từ thành thị đến vùng sâu.

Hiện nay tỉnh Sơn La gồm 12 huyện, thành phố và 204 xã, phường, thị trấn có 28% dân số luyện tập TDTT thường xuyên, 23% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao, 500 CLB thể thao quần chúng. (các chỉ tiêu trên không đạt so với Nghị quyết số 131/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2006 của HĐND tỉnh Sơn La về quy hoạch phát triển TDTT đến năm 2020 của tỉnh Sơn La).

- Hình thức tổ chức, nội dung tập luyện và thi đấu thể thao ngày càng phong phú, đa dạng và dần đi vào nề nếp với các hình thức nhóm tập, đội thể thao, câu lạc bộ TDTT theo phương thức tự quản, có tổ chức, có hướng dẫn, đã thúc đẩy phong trào phát triển theo hướng xã hội hoá trong các hoạt động TDTT, ngoài các môn ththao hiện đại như: Bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, quần vợt…, thì các môn thể thao dân tộc như đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, tung còn ... đã được quan tâm chỉ đạo và hưởng ứng của các địa phương, đơn vị.

- Các hoạt động thi đấu thể thao như các giải thi đấu thể thao cấp cơ sở, thi đấu giao hữu, các ngày hội văn hoá - thể thao được tổ chức gắn với các ngày lễ, tết, ngày truyền thống của địa phương được duy trì hàng năm đã tích cực góp phần nâng cao đời sống tinh thần, tạo không khí vui tươi phấn khởi, tăng cường tình đoàn kết các dân tộc trong cộng đồng dân cư. Bình quân mỗi xã tổ chức được từ 01 đến 02 cuộc thi đấu hàng năm.

- Công tác giáo dục thể chất trong nhà trường được duy trì và phát triển tốt, thể hiện ở Hội khoẻ Phù Đổng từ cơ sở đến vòng chung kết cấp tỉnh ngày càng tăng trưởng về số lượng học sinh tham gia cũng như số môn tổ chức thi đấu. 100% trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện đầy đủ nội dung, chương trình môn học giáo dục thể chất theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 90% cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức các hoạt động TDTT thông qua giờ học ngoại khóa, các hoạt động ngoài giờ lên lớp; 98% học sinh được kiểm tra, đánh giá xếp loại thể lực theo độ tuổi (đạt chỉ tiêu).

Các ngành Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp và tổ chức tốt các hoạt động TDTT trong “Tháng hành động vì trẻ em” và hoạt động văn hóa, thể thao hè cho đối tượng học sinh. Đặc biệt là tổ chức thực hiện tốt kế hoạch phổ cập bơi cho trẻ em trong toàn tỉnh, các chương trình này đã thu hút được đông đảo học sinh đồng tình ủng hộ và mang lại hiệu quả thiết thực.

- Phong trào rèn luyện thân thể trong Lực lượng vũ trang được duy trì thường xuyên. Kết quả kiểm tra hàng năm: 90% chiến sĩ công an trong độ tuổi đạt tiêu chuẩn chiến sĩ Công an khoẻ và 95% chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo quy định (chưa đạt chỉ tiêu).

- Hoạt động TDTT trong công nhân, viên chức, người lao động được duy trì thường xuyên, thu hút ngày càng đông số công nhân viên chức, người lao động tham gia rèn luyện sức khoẻ, toàn tỉnh có trên 50% số công nhân viên chức, người lao động tập luyện thường xuyên. Hàng năm các ngành đã tổ chức hội thao công nhân viên chức, người lao động và đã thu hút đông đảo công đoàn các huyện, thành phố, đơn vị tham dự.

Qua Hội thao cấp tỉnh và việc tổ chức giao lưu, thi đấu ở cấp cơ sở đã gắn phong trào “Rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” với phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở trong công nhân viên chức, người lao động, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động TDTT trong công nhân viên chức, người lao động và tham dự hội thao ở các ngành, khu vực, toàn quốc đạt kết quả tốt.

- Hoạt động TDTT đối với người cao tuổi được duy trì thường xuyên, trong giai đoạn 2013 - 2020 đã thành lập mới được nhiều Câu lạc bộ TDTT cho người cao tuổi, thu hút đông đảo người cao tuổi tham gia sinh hoạt như: Câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh, câu lạc bộ bóng bàn, cầu lông, cờ tướng, bóng chuyền hơi. Đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 120 Câu lạc bộ người cao tuổi duy trì hoạt động thường xuyên trên địa bàn các huyện, thành phố. Đã tổ chức hướng dẫn phương pháp tập luyện thể dục thể thao dành cho người cao tuổi cho hơn 500 hội viên làm hạt nhân nòng cốt cho phong trào rèn luyện sức khỏe tại các Câu lạc bộ các cơ sở.

- Cơ sở vật chất, sân chơi, bãi tập, dụng cụ tập luyện thi đấu ở các bản, tổ, xã, phường, trong các trường phổ thông đã từng bước được quan tâm. Cấp uỷ, chính quyền các địa phương đã quan tâm lập quy hoạch, dành quỹ đất đế xây dựng sân thể thao. Qua thống kê, hiện nay tổng diện tích đất dành cho hoạt động thể dục thể thao là 43.550 ha, ngoài các công trình thể thao do tỉnh đầu tư; hiện có 150 sân bóng đá, gần 100 sân bóng chuyền của các xã, phường, thị trấn và khoảng 300 sân cầu lông tập trung ở các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học được xây dựng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.

- Về tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao tại tỉnh và tham gia các giải thể thao quần chúng khu vực và toàn quốc từ năm 2016 đến nay:

+ Năm 2016 tham gia 05 giải thể thao quần chúng khu vực và toàn quốc: Đạt 46 huy chương các loại, trong đó 13 huy chương vàng, 20 huy chương bạc, 13 huy chương đồng. Số giải tổ chức tại tỉnh 11 giải.

+ Năm 2017 tham gia 06 giải thể thao quần chúng khu vực và toàn quốc: Đạt 77 huy chương các loại, trong đó 33 huy chương vàng, 21 huy chương bạc, 23 huy chương đồng. Số giải tổ chức tại tỉnh 12 giải.

+ Năm 2018 tham gia 05 giải thể thao quần chúng khu vực và toàn quốc: Đạt 47 huy chương các loại, trong đó 08 huy chương vàng, 17 huy chương bạc, 22 huy chương đồng. Số giải tổ chức tại tỉnh 12 giải.

+ Năm 2019 tham gia 07 giải thể thao quần chúng khu vực và toàn quốc: Đạt 114 huy chương các loại, trong đó 36 huy chương vàng, 34 huy chương bạc, 44 huy chương đồng. Số giải tổ chức tại tỉnh 12 giải.

+ Ước năm 2020 tham gia 07 giải thể thao quần chúng khu vực và toàn quốc: Đạt 38 huy chương các loại, trong đó 08 huy chương vàng, 13 huy chương bạc, 17 huy chương đồng. Số giải tổ chức tại tỉnh 08 giải. (Phụ lục số 01).

- Về kinh phí được tỉnh cấp cho hoạt động phong trào TDTT quần chúng: Căn cứ Nghị quyết số 25/2012/NQ-HĐND ngày 19 tháng 9 năm 2012 của HĐND tỉnh về quy định chế độ đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao và chế độ chi tiêu tài chính đối với các giải thi đấu thể thao tỉnh Sơn La; Nghị quyết số 127/2015/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2015 của HĐND tỉnh về việc sửa đổi một số nội dung Điều 1 Nghị quyết số 25/2012/NQ-HĐND ngày 19 tháng 9 năm 2012 của HĐND tỉnh về quy định chế độ đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao và chế độ chi tiêu tài chính đối với các giải thi đấu thể thao tỉnh Sơn La; Quyết định số 1198/QĐ-UBND ngày 18 tháng 6 năm 2013 của UBND tỉnh về ban hành quy định mức thưởng đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao tỉnh Sơn La.

- Giai đoạn 2016 - 2020, ngành Văn hóa, Thể thao & Du lịch được tỉnh cấp kinh phí cho hoạt động phong trào TDTT quần chúng, số tiền: 14.477.515.000 đồng.

Trong đó:

- Năm 2016: 767.515.000 đồng.

- Năm 2017: 2.650.000.000 đồng.

- Năm 2018: 3.260.000.000 đồng.

- Năm 2019: 4.000.000.000 đồng.

- Năm 2020: 3.800.000.000 đồng.

Với nguồn kinh phí được cấp hàng năm, ngành văn hóa, Thể thao & Du lịch đã chủ động bám sát các chủ trương, chính sách của nhà nước để triển khai tổ chức phát triển toàn diện sự nghiệp thể dục thể thao. Phong trào TDTT quần chúng đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng trên địa bàn toàn tỉnh, thể hiện số lượng huy chương đạt giải năm sau cao hơn năm trước.

- Công tác xã hội hoá thể dục, thể thao:

Công tác xã hội hoá hoạt động TDTT của tỉnh đã có chuyển biến tích cực, các Câu lạc bộ TDTT ngày càng tăng, hoạt động với nhiều hình thức phong phú đa dạng trên nguyên tắc tự nguyện, hội viên đóng góp kinh phí và tự túc trang sắm dụng cụ tập luyện hàng năm ước khoảng gần 5 tỷ đồng.

Mỗi năm có hàng chục hội thao, giải thể thao quần chúng có sự đóng góp của các tổ chức và các cá nhân; từ những hội thao đơn lẻ, ít môn, ít nội dung thi đấu, ít vận động viên tham gia, đến nay đã nâng lên thành những hội thao, các giải thể thao truyền thống được tổ chức từ cơ sở, kinh phí hàng tỷ đồng do các đơn vị huy động từ nguồn xã hội hóa.

Tại các xã, phường, thị trấn, bản, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, trường học cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân đã tự nguyện đóng góp kinh phí và tổ chức lao động để xây dựng nhà văn hoá - thể thao, sân tập luyện đơn giản. Các cơ quan, đơn vị trên cơ sở phát triển các Câu lạc bộ TDTT đã tự đầu tư xây dựng 20 nhà tập thể thao đơn giản, 20 sân tenis, 40 sân bóng đá mi ni, hàng chục bể bơi mi ni và hàng trăm sân cầu lông, sân bóng chuyền với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng.

IV. HẠN CHẾ, TỒN TẠI VÀ NGUYÊN NHÂN

1. Hạn chế tồn tại

- Phong trào TDTT quần chúng phát triển chưa đồng đều giữa các vùng, mới chỉ phát triển mạnh ở khu đô thị và các xã, thị trấn có điều kiện kinh tế phát triển. Một số hoạt động TDTT còn mang tính hình thức, hiệu quả còn thấp. Một số địa phương phong trào tập luyện và thi đấu ththao còn mang tính tự phát, chưa thường xuyên.

- Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia các hoạt động TDTT chưa thường xuyên và hiệu quả chưa cao; công tác kiểm tra, đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm còn nhiều hạn chế.

- Đội ngũ cán bộ TDTT ở cấp huyện, thành phố còn mỏng, nên việc hướng dẫn phong trào TDTT quần chúng mới chỉ tập trung ở vùng thị trấn, khu dân cư chưa đến được các vùng sâu, vùng xa nên giữa các vùng có sự chênh lệch lớn.

- Cơ sở vật chất, sân bãi TDTT còn thiếu chưa đáp ứng nhu cầu tập luyện của phong trào. Việc quy hoạch đất đai cho TDTT ở cơ sở còn chưa được quan tâm đúng mức.

- Kinh phí đầu tư cho hoạt động TDTT cấp cơ sở còn thấp, chưa hợp lý so với thực tế hoạt động.

- Việc triển khai chủ trương xã hội hoá TDTT còn chậm, không đồng đều, thiếu kinh nghiệm nên còn gặp nhiều khó khăn.

- Các thiết chế về thể dục thể thao đã được các cấp quan tâm đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng được nhu cầu tập luyện và thi đấu của đông đảo quần chúng nhân dân. Tuy nhiên nhiều công trình mới chỉ đáp ứng phục vụ cho hoạt động phong trào và tập trung ở những môn phổ thông, cơ sở vật chất rất hạn chế cho công tác huấn luyện đào tạo. Một số công trình trọng điểm của tỉnh, của huyện chưa được đầu tư xây dựng hoặc hiệu quả sử dụng chưa cao.

- Đối với cấp xã việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các thiết chế văn hóa- thể thao chưa đồng bộ, chưa đạt chuẩn theo quy định, đại đa số các địa phương chưa đủ khả năng về tài chính để đầu tư xây dựng các công trình thể dục, thể thao, phương tiện trang thiết bị chưa đảm bảo về mặt kỹ thuật; chưa quan tâm quy hoạch quỹ đất dành cho việc đầu tư các thiết chế văn hóa - thể thao, nguồn vốn giành cho đầu tư các thiết chế văn hóa - thể thao còn hạn chế.

2. Nguyên nhân

- Một số cấp ủy Đảng, chính quyền cấp huyện, xã các đơn vị chưa nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tác dụng của công tác TDTT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chưa thực sự coi công tác TDTT là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm phát huy nhân tố con người, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên chưa có sự quan tâm đầu tư đúng mức.

- Cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển TDTT ở cơ sở còn thiếu, một số chính sách, quy định hiện hành không còn phù hợp; việc đầu tư kinh phí cho sự nghiệp TDTT nói chung, và cấp xã nói riêng còn thấp, cơ sở vật chất, sân bãi tập luyện còn thiếu và lạc hậu.

- Đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn của phòng Văn hoá – Thông tin, Trung tâm truyền thông văn hoá của các huyện, thành phố chưa được bổ sung, kiện toàn cả về số lượng và chất lượng.

- Đa số các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì vậy việc huy động nguồn vốn để xây dựng các công trình thể thao, hoặc tài trợ cho các hoạt động thể thao còn nhiều hạn chế.

Phần thứ hai

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN THỂ DỤC, THỂ THAO QUẦN CHÚNG TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

I. MỤC TIÊU

1. Phấn đấu đến năm 2030 số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 35% dân số; 30% số hộ gia đình đạt gia đình thể thao.

2. Hàng năm duy trì tổ chức 14 đến 15 giải thể thao cấp tỉnh, 01 giải thể thao tổ chức tại cụm các xã; Tham gia 07 đến 08 giải thể thao quần chúng khu vực và toàn quốc. Mở 01 lớp tập huấn bồi dưỡng cán bộ quản lý Nhà nước về lĩnh vực thể dục thể thao tổ chức theo cụm các huyện, thành phố; 01 lớp tập huấn kỹ năng phòng chống đuối nước cho đối tượng thanh thiếu niên, nhi đồng tại các huyện, thành phố. Tổ chức Đại hội TDTT từ cơ sở đến tỉnh theo chu kỳ 4 năm/lần.

3. Tiếp tục duy trì 100% trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện đầy đủ nội dung, chương trình môn học giáo dục thể chất theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; trên 95% cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức các hoạt động TDTT thông qua giờ học ngoại khóa, các hoạt động ngoài giờ lên lớp; 98% học sinh các trường phổ thông được kiểm tra đánh giá và xếp loại thể lực theo độ tuổi và 97% sinh viên học sinh các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề hoàn thành chương trình giáo dục thể chất theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Đối với lực lượng vũ trang 100% cán bộ chiến sĩ tham gia tập luyện TDTT thường xuyên (95% chiến sĩ trong độ tuổi đạt chiến sĩ công an khỏe; 97 % chiến sĩ trong lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo quy định); 70% đơn vị có phong trào thể thao mạnh.

5. Phấn đấu 80 - 90% số cán bộ hướng dẫn viên, cộng tác viên cấp xã, phường trên địa bàn tỉnh được bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ về TDTT.

6. Đối với công chức, viên chức, công nhân lao động phấn đấu mỗi người tự chọn cho mình ít nhất một môn thể thao phù hợp để tập luyện thường xuyên (Phụ lục số 03).

7. Xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động TDTT.

7.1. Cấp tỉnh: Tiếp tục xây dựng Khu liên hợp Trung tâm TDTT tại phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La.

7.2. Cấp huyện: 12/12 huyện, thành phố có nhà tập luyện và thi đấu TDTT, có mặt bằng sân vận động, trong đó có 8/12 sân triển khai xây dựng tường rào, bậc ngồi.

7.3. Cấp xã, phường, thôn, bản: 100% xã, phường, thị trấn, thôn, bản được quy hoạch quỹ đất để xây dựng sân tập, nhà tập TDTT. Xây dựng khu thể thao cho 70% xã theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

7.4. Bộ CHQS tỉnh, Bộ CHBĐBP tỉnh, Công an tỉnh có nhà tập luyện và thi đấu thể thao đa năng để tổ chức Hội thao TDTT hàng năm của các đơn vị và tập huấn đội tuyển tham gia hội thao, các giải thể thao do cấp trên tổ chức.

II. NHIỆM VỤ

1. Xây dựng và phát triển thể dục, thể thao cho mọi người

1.1. Xây dựng và phát triển TDTT quần chúng

- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu đô thị văn minh.

- Mở rộng, phát triển đa dạng các nội dung, hình thức tập luyện TDTT, giúp người dân tự lựa chọn cho mình một môn thể thao phù hợp để rèn luyện hàng ngày.

- Tận dụng các khu công cộng, công viên, một số vị trí thích hợp ở Quảng trường ở khu vực thành phố và các huyện để lắp đặt các thiết bị tập thể lực công cộng nhằm khuyến khích nhân dân tham gia tập luyện tập thể lực hàng ngày nâng cao sức khỏe cộng đồng.

- Phát triển mạnh mẽ phong trào TDTT quần chúng cả về số lượng và chất lượng, nhất là trong lực lượng thanh thiếu niên, học sinh; lấy trường học làm địa bàn trọng điểm để làm nguồn tuyển chọn tài năng thể thao, lấy thành tích thể thao làm hạt nhân tác động trở lại cho sự phát triển phong trào.

- Khai thác, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian; Từng bước đưa các môn này vào nội dung hoạt động của các lễ hội truyền thống, Ngày hội văn hóa thể thao, Đại hội thể dục, thể thao ở xã, phường, thị trấn nhằm đẩy mạnh phong trào TDTT nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

- Nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ quản lý, huấn luyện viên, giáo viên TDTT; Từng bước xây dựng và hoàn thiện đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT. Thành lập các Câu lạc bộ TDTT đơn môn, đa môn phù hợp với lứa tuổi, hoàn cảnh và nhu cầu tập luyện của các đối tượng cư trú trên địa bàn.

- Kiện toàn hệ thống các Câu lạc bộ sức khỏe dành cho người cao tuổi, người khuyết tật, người lao động tại các đơn vị. Động viên, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi tập luyện TDTT để khôi phục sức khỏe, nâng cao tuổi thọ; phát triển ngày càng nhiều câu lạc bộ, nhóm tập luyện TDTT của người cao tuổi, các câu lạc bộ sức khỏe ngoài trời. Duy trì hàng năm tổ chức 2 đến 4 giải thể thao người cao tuổi từ cơ sở đến tỉnh.

- Đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước; Tiếp tục rà soát, đánh giá và kiện toàn mô hình tổ chức ngành TDTT từ tỉnh đến cơ sở. Thống nhất mô hình tổ chức TDTT ở cấp huyện, thành phố; bố trí cộng tác viên về TDTT cho các xã, phường, thị trấn.

1.2. Phát triển giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học

- Tăng cường chất lượng dạy và học thể dục chính khóa

+ Cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng kết hợp TDTT với hoạt động vui chơi giải trí, chú trọng nhu cầu tập luyện TDTT tự chọn của học sinh.

+ Đến năm 2030: 100% các trường mầm non, các cơ sở giáo dục phổ thông có đủ giáo viên chuyên trách giảng dạy môn thể dục.

+) Đến năm 2030: 99% học sinh được kiểm tra, đánh giá xếp loại thể lực theo độ tuổi.

+) Các trường học xây mới phải đảm bảo có khu phục vụ việc dạy và học môn thể dục, khu tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao cho học sinh đúng theo tiêu chuẩn trong Thông tư quy định công nhận trường chuẩn quốc gia.

- Phát triển hoạt động thể dục, thể thao ngoại khóa:

+ 100% các trường phổ thông tham gia các giải thể thao hàng năm dành cho đối tượng học sinh các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và Hội khỏe Phù Đổng do thành phố, huyện, tổ phức theo chu kỳ 04 năm/lần (theo Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc).

+ Xây dựng hệ thống các lớp năng khiếu thể thao, câu lạc bộ TDTT trong trường học, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lớp vận động viên kế cận cho vận động viên thành tích cao tỉnh Sơn La.

+ Hoàn thiện hệ thống thi đấu TDTT cấp huyện, thành phố đến cấp tỉnh hàng năm cho các đối tượng học sinh, sinh viên.

+ Tổ chức dạy học bơi và phòng chống đuối nước cho học sinh trung học sơ sở, tiểu học. Phấn đấu đến năm 2030, 50% trường phổ thông đưa chương trình phổ cập bơi vào chương trình hoạt động TDTT ngoại khóa.

1.3. Phát triển thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang

- Thực hiện tốt công tác huấn luyện thể lực trong lực lượng vũ trang, nhằm nâng cao trình độ thể lực, tăng cường sức khỏe góp phần nâng cao ý chí chiến đấu, giáo dục đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật và phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Kết hợp chặt chẽ phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” với “Xây dựng đơn vị huấn luyện thể lực và hoạt động thể dục, thể thao giỏi”.

- Kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thể lực trong độ tuổi quy định cho 100% cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang, phấn đấu 97% chiến sỹ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo quy định, 95% số chiến sĩ công an đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể.

1.4. Phát triển thể dục, thể thao trong công nhân, viên chức, người lao động.

Để thúc đẩy phong trào TDTT trong công nhân, viên chức, người lao động phát triển, lãnh đạo, tổ chức đoàn thể các đơn vị cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, động viên, khuyến khích cán bộ, viên chức, người lao động tham gia tập luyện TDTT.

Thường xuyên củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Câu lạc bộ thể thao trong các cơ quan, đơn vị. Liên đoàn Lao động các cấp duy trì việc tổ chức các giải thể thao, trong công nhân, viên chức, lao động nhằm thu hút và nâng cao chất lượng thi đấu, tăng cường tình đoàn kết, nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân, viên chức, lao động. Phấn đấu tỷ lệ trên 65% công nhân, viên chức, người lao động tập luyện TDTT thường xuyên và các cơ quan, đơn vị có sân bãi luyện tập TDTT.

2. Xây dựng tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của tổ chức thể dục thể thao cơ sở

- Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống tổ chức bộ máy của ngành TDTT, đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức các hoạt động TDTT ở cơ sở.

- Xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng các câu lạc bộ, đội thể thao ở xã, phường, thị trấn trên cơ sở phù hợp phát triển phong trào và điều kiện thực tế của địa phương làm nòng cốt cho hoạt động TDTT.

- Khuyến khích công tác xã hội hoá TDTT, phát triển các cơ sở tập luyện, dịch vụ TDTT ngoài công lập theo quy định để tạo thêm cơ sở vật chất, nguồn kinh phí cho hoạt động TDTT ở cơ sở.

3. Xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên cơ sở

- Cán bộ phụ trách công tác Văn hóa - Xã hội ở các xã, phường, thị trấn được bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn sâu, để tổ chức và hướng dẫn các hoạt động TDTT ở cơ sở tại đơn vị.

- Hàng năm mở 01 lớp bồi dưỡng chuyên môn cho các hướng dẫn viên, trọng tài các môn thể thao ở địa phương, cơ sở và trong các câu lạc bộ, các điểm tập để hình thành lực lượng cộng tác viên TDTT ở cơ sở.

4. Xây dựng và phát triển mạng lưới cơ sở vật chất thể dục thể thao

- Đến năm 2030 đạt được chỉ tiêu đất dành cho hoạt động TDTT bình quân là 5m2/người.

- Đầu tư xây dựng và sử dụng có hiệu quả các nhà Văn hóa - khu thể thao thôn, xã theo quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Nhà Văn hóa - Khu thể thao thôn, xã tại Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 08 tháng 3 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Đầu tư xây dựng và sử dụng có hiệu quả các công trình TDTT cấp huyện, thành phố theo quy định tiêu chí của Trung tâm Thể thao quận, huyện, thị xã tại Thông tư số 11/2010/TT-BVHTTDL ngày 22 tháng 12 năm 2010; Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22 tháng 12 năm 2010.

- Tiếp tục nâng cấp và xây mới các công trình TDTT của tỉnh đạt tầm cấp khu vực theo hướng hiện đại; quản lý và sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư đảm bảo đáp ứng cho nhu cầu đào tạo vận động viên thành tích cao và phục vụ cho việc tập luyện và đăng cai tổ chức các giải thể thao cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc.

5. Thực hiện xã hội hóa thể dục thể thao

- Có cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất, sân bãi, dụng cụ phục vụ các hoạt động thể thao quần chúng. Thành lập các câu lạc bộ TDTT chuyên nghiệp và tổ chức các giải thi đấu thể thao.

- Phát triển hệ thống Liên đoàn, Hiệp hội TDTT; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các Liên đoàn, Hiệp hội thể dục, thể thao; Chuyển giao từng bước các hoạt động tác nghiệp trong lĩnh vực TDTT cho các Liên đoàn, Hiệp hội TDTT. Trên cơ sở Liên đoàn các môn Thể thao tỉnh thành lập các liên đoàn, hiệp hội và Ban vận động thành lập Liên đoàn, tối thiểu 30% các môn thể thao của tỉnh có Liên đoàn. Tiến tới triển khai mô hình đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao theo mô hình cung ứng dịch vụ tại các cơ sở đào tạo công lập cũng như ngoài công lập. Tiến tới năm 2030 các môn thể thao của tỉnh đảm bảo đặt dưới sự điều hành về mặt chuyên môn của các Liên đoàn thể thao theo kế hoạch và điều tiết của cơ quan quản lý Nhà nước về thể dục thể thao địa phương.

III. GIẢI PHÁP

1. Cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT trong những năm tiếp theo, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, dành kinh phí và quỹ đất cho công tác thể dục, thể thao; Triển khai thực hiện tốt Chương trình sức khỏe Việt Nam và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030.

2. Triển khai tốt Kế hoạch “Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân giai đoạn 2020 - 2030” gắn với hưởng ứng cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” qua đó để tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng của luyện tập TDTT trong việc bảo vệ, nâng cao sức khoẻ, nâng cao chất lượng cuộc sống nhằm kêu gọi mọi người tích cực luyện tập TDTT, đồng thời mỗi người có trách nhiệm là hạt nhân vận động gia đình, người thân, bạn bè lựa chọn cho mình một hình thức tập luyện TDTT phù hợp với điều kiện sức khỏe để tập luyện hàng ngày. 

3. Tiếp tục xây dựng chương trình phối hợp giữa ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang trong việc chỉ đạo, xây dựng và phát triển phong trào TDTT giai đoạn 2021 - 2025. Đẩy mạnh công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động TDTT trong khối nông dân, công nhân viên chức, lao động, phụ nữ, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang, người cao tuổi, người khuyết tật.

4. Xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở. Phấn đấu 50% xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao; 65% trở lên các thôn, bản có nhà văn hóa, khu thể thao; Các địa phương triển khai các hoạt động TDTT đều khắp giữa các vùng thành thị, nông thôn, vùng miền núi, biên giới. Chú trọng ưu tiên đầu tư các nguồn lực phát triển TDTT ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc và đẩy mạnh triển khai chương trình bơi an toàn phòng chống đuổi nước cho trẻ em.

5. Củng cố và hoàn thiện hệ thống thi đấu các giải thể thao, từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn các giải thi đấu thể thao hàng năm từ cấp xã, huyện lên cấp tỉnh theo hướng ổn định và ngày càng đa dạng hoá về nội dung và hình thức tổ chức, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động TDTT, hội thi, giải thi đấu thể thao hàng năm gắn với các hoạt động kỷ niệm, lễ hội truyền thống, sự kiện chính trị của các đơn vị, địa phương và khuyến khích mọi đối tượng nhân dân tích cực tập luyện và tham gia thi đấu.

6. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thể dục, thể thao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển ngành TDTT trong giai đoạn hiện nay. Hàng năm mở 02 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác TDTT cơ sở cho công chức, viên chức, huấn luyện viên, cộng tác viên thể thao cơ sở.

7. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa TDTT. Có chính sách ưu đãi hỗ trợ về vốn, cho thuê đất, mặt bằng để xây dựng các cơ sở dịch vụ TDTT. Khuyến khích thành lập các câu lạc bộ tập luyện các môn TDTT tại các cơ sở xã, phường, thị trấn.

- Huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp vật chất, kinh phí xây dựng nhà, sân tập thể thao tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị. Tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình phối hợp hoạt động, đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao trong mọi tầng lớp nhân dân.

- Vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư các nguồn lực cho phát triển TDTT, đặc biệt là xã hội hóa một phần trong công tác tổ chức một số giải thi đấu truyền thống như: Giải Marathon quần chúng Quốc tế tại Mộc Châu, Giải Cầu lông các Câu lạc bộ, Giải đua xe đạp phong trào…

8. Tổ chức tốt công tác thi đua, khen thưởng.

Phát động phong trào thi đua tiên tiến và lồng ghép các chỉ tiêu về TDTT vào tiêu chuẩn công nhận đơn vị, tổ, bản văn hoá hàng năm. Tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá và báo cáo cơ quan quản lý TDTT cấp huyện, thành phố về kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển TDTT quần chúng ở cơ sở, làm căn cứ để biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích đối với việc phát triển phong trào thể thao ở cơ sở.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Kinh phí thực hiện đề án (Phụ lục số 04)

1.1. Tổng dự toán kinh phí thực hiện Đề án là: 66.100 triệu đồng, gồm các nội dung:

+

Kinh phí tổ chức các giải thể thao cấp tỉnh:

26.488 triệu đồng

+

Kinh phí tổ chức Đại hội TDTT cấp tỉnh:

11.850 triệu đồng

+

Kinh phí tham gia các giải quần chúng khu vực và toàn quốc:

24.716 triệu đồng

+

Kinh phí tập huấn bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực TDTT cho cán bộ TDTT cơ sở:

350 triệu đồng

+

Kinh phí tổ chức tháng hoạt động TDTT cho mọi người và ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân:

990 triệu đồng

+

Kinh phí mở lớp tập huấn kỹ năng phòng chống đuối nước cho thanh thiếu niên trên địa bàn toàn tỉnh:

500 triệu đồng

+

Kinh phí tổ chức giải thể thao cụm xã:

1.020 triệu đồng

+

Kinh phí Sơ kết 5 năm thực hiện Đề án:

79 triệu đồng

+

Kinh phí Tổng kết 10 năm thực hiện Đề án:

147 triệu đồng

1.2. Dự kiến kinh phí hàng năm

Năm 2021: 5.700 triệu đồng

Năm 2026: 8.800 triệu đồng

Năm 2022: 8.800 triệu đồng

Năm 2027: 6.000 triệu đồng

Năm 2023: 6.000 triệu đồng

Năm 2028: 4.900 triệu đồng

Năm 2024: 4.900 triệu đồng

Năm 2029: 6.000 triệu đồng

Năm 2025: 6.100 triệu đồng

Năm 2030: 8.900 triệu đồng

2. Quản lý và sử dụng kinh phí

2. 1. Nguồn kinh phí thực hiện Đề án

- Ngân sách tỉnh.

- Huy động nguồn kinh phí xã hội hóa các tổ chức, cá nhân (nếu có).

2.2. Lập dự toán và chi trả

- Đối với cấp huyện, thành phố do các huyện, thành phố lập dự toán hàng năm từ nguồn ngân sách huyện, thành phố.

- Đối với cấp tỉnh do Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh lập dự toán kinh phí hàng năm gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, trình các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định trong dự toán ngân sách hàng năm của tỉnh.

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Tham mưu cho UBND tỉnh trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện, hoàn thành mục tiêu, nội dung của Đề án.

- Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện Đề án và phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch hàng năm trình UBND tỉnh phê duyệt, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện. Tổ chức sơ kết, tổng kết Đề án và tổng hợp tình hình thực hiện Đề án báo cáo UBND tỉnh.

- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức thực hiện Đề án; chỉ đạo phòng Văn hóa - Thông tin tham mưu cho UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm.

- Chủ trì phối hp với Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng hướng dẫn áp dụng các chính sách hiện hành về tổ chức bộ máy, về quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành và đầu tư xây dựng các công trình thể dục, thể thao; phối hợp với Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư, thống nhất dự toán kinh phí đầu tư cho việc tổ chức thực hiện Đề án.

- Chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức đoàn thể chỉ đạo, tổ chức trin khai các hoạt động TDTT trên địa bàn tỉnh theo nội dung, chỉ tiêu của Đề án.

- Quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh cấp cho việc tổ chức thực hiện Chưong trình và đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho hướng dẫn viên TDTT các xã, phường, thị trấn theo chế độ quy định.

- Hướng dẫn thực hiện các nội dung, tiêu chuẩn làng, bản văn hoá - thể thao, gia đình văn hoá - thể thao ở cơ sở.

- Phối hợp, gắn kết chặt chẽ cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân ththeo gương Bác Hồ vĩ đại” với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở cơ sở.

- Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuyên truyền - cổ động về phong trào TDTT.

2. Các sở, ban, ngành, cơ quan thuộc UBND tỉnh

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành, tạo điều kiện và phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

2.1. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nội vụ rà soát bố trí đủ giáo viên giáo dục thể chất cho các trường, đảm bảo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo, tổ chức Hội khỏe Phù Đổng các cấp; tổ chức các giải thi đấu thể thao cho đối tượng học sinh cấp tỉnh; chỉ đạo, giám sát việc thực hiện kiểm tra đánh giá tiêu chuẩn rèn luyện thân thể cho học sinh trong các nhà trường; tổ chức đánh giá đơn vị tiên tiến xuất sắc về TDTT quần chúng khối trường học.

- Xây dựng cơ chế chính sách đãi ngộ đối với giáo viên TDTT.

- Chỉ đạo công tác xây dựng, cải tạo trường học đảm bảo yêu cầu có khu giáo dục thể chất theo quy định.

2.2. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Triển khai Kế hoạch và phát triển phong trào luyện tập TDTT cho đối tượng trẻ em và người khuyết tật, người cao tuổi. Phối hợp tổ chức các giải thể thao dành cho trẻ em và người khuyết tật, người cao tuổi.

2.3. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

- Phát động phong trào tập luyện và tham gia các hoạt động TDTT trong cán bộ, chiến sĩ.

- Duy trì công tác rèn luyện thân thể bắt buộc trong lực lượng vũ trang; Trong chương trình huấn luyện có chương trình huấn luyện cụ thể từ Cục công tác Đảng và công tác chính trị Bộ Công an, Cục Quân huấn quy định. Các đơn vị xây dựng kế hoạch huấn luyện thể lực phù hợp với từng đối tượng.

- Hàng năm, căn cứ Mệnh lệnh huấn luyện chiến đấu của cấp trên, kế hoạch tổ chức các hoạt động TDTT của UBND tỉnh, các đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức Hội thao cấp cơ sở, tuyển chọn vận động viên tham gia các giải thể thao cấp tỉnh, cấp bộ, cấp quân khu và toàn lực lượng.

2.4. Sở Thông tin và Truyền thông

Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan báo, đài xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp mọi người nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về ý nghĩa, tác dụng của tập luyện TDTT.

Tuyên truyền, quảng bá về các hoạt động tập luyện và thi đấu các môn thể thao quần chúng tới đông đảo nhân dân.

2.5. Liên đoàn Lao động tỉnh

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện để công nhân, viên chức người lao động tham gia tập luyện và thi đấu các giải thể thao nhằm thúc đẩy phong trào TDTT trong công nhân, viên chức, người lao động. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ thể thao trong các cơ quan, đơn vị.

Tiếp tục xây dựng và thực hiện chương trình phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc chỉ đạo, xây dựng và phát triển phong trào, đẩy mạnh các hoạt động thể thao cho công nhân, viên chức, người lao động giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn tiếp theo.

2.6. UBND các huyện, thành phố

- Căn cứ Đề án của tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch phát triển phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn, thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra hàng năm và cả giai đoạn.

- Chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo thực hiện Kế hoạch phát triển thể dục, thể thao trên địa bàn; quy hoạch đất cho hoạt động thể dục, thể thao; Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng sân bãi, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ phục vụ luyện tập, thi đấu TDTT; Đẩy mạnh phong trào luyện tập TDTT trong nhân dân. Tổ chức tốt việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến công tác TDTT.

- Kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý nhà nước về TDTT ở địa phương từ cấp xã, phường, thị trấn tới cấp huyện, thành phố. Bố trí cán bộ chuyên trách Văn hoá - Xã hội đảm bảo trình độ chuyên môn của chức danh đảm nhiệm theo quy định.

- Xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng các câu lạc bộ, đội thể thao ở xã, phường, thị trấn trên cơ sở phù hợp phát triển phong trào và điều kiện thực tế của địa phương làm nòng cốt cho hoạt động TDTT ở cơ sở./.

 

PHỤ LỤC SỐ 01

SỐ LIỆU CÁC CHỈ TIÊU CƠ BẢN THỂ DỤC THỂ THAO QUẦN CHÚNG TỪ NĂM 2016 ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2580/QĐ-UBND ngày 26/11/2020 của UBND tỉnh)

STT

Nội dung

Đơn vị tính

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Ước thực hiện năm 2020

1

Số người tập luyện TDTT thường xuyên

%

26

27

27,5

28

28,5

2

Gia đình thể thao

%

21

22

22,5

23

23,5

3

Số câu lạc bộ TDTT

CLB

465

475

485

500

500

4

Số trường học thực hiện giáo dục thể chất

%

98

98

100

100

100

5

Số trường thực hiện ngoại khóa

%

87

87,5

90

90

90

6

Số chiến sĩ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể

%

94,5

95

95

95

95,2

7

Số cuộc thi đấu cấp tỉnh

Cuộc

11

12

12

12

8

8

Số cuộc tham gia thi đấu các giải khu vực và toàn quốc

Cuộc

5

6

5

7

7

9

Số Huy chương đạt được

HC

46

77

47

114

28

-

Huy chương vàng

13

33

8

36

8

-

Huy chương bạc

20

21

17

34

13

-

Huy chương đồng

13

23

22

44

7

 

PHỤ LỤC SỐ 02

HIỆN TRẠNG CƠ SỞ VẬT CHẤT, ĐẤT ĐAI NGÀNH THỂ DỤC - THỂ THAO TỈNH SƠN LA ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2580/QĐ-UBND ngày 26/11/2020 của UBND tỉnh)

STT

Tên công trình, địa điểm, ngành quản lý

Số lượng công trình

Địa điểm khu đất

Diện tích hiện trạng (ha)

A

Công trình ngành TDTT quản lý

 

 

30.006

I

Công trình cấp tỉnh

 

 

6.198

1

Sân vận động tỉnh: (gồm các hạng mục)

1

Phường Chiềng Sinh

3.939

-

Sân bóng đá, các sân thể thao và đường chạy; Khán đài A, B

1

 

 

2

Sân vận động 3/2: (gồm các hạng mục)

1

Tổ 8, phường Quyết Thắng

2.259

-

Nhà tập thể thao

1

 

 

-

Sân bóng đá và đường chạy

1

 

 

-

Nhà ở vận động viên

1

 

 

-

Sân Tenis

2

 

 

II

Công trình cấp huyện, thành phố

 

 

23.808

1

Sân vận động

10

 Trung tâm các huyện, thành phố

18.240

2

Nhà tập và thi đấu thể thao

11

 

5.578

3

Bể bơi

1

 

0,01

B

Công trình các cơ quan, đơn vị khác quản lý

 

 

432.392

I

Công trình xã, phường

 

 

244.182

1

Sân bóng đá

150

Trung tâm các xã

225

2

Sân bóng chuyền

100

 

3,44

3

Sân thể thao cụm xã

33

Các cụm xã

13,65

4

Nhà Văn hoá - Thể thao xã

188

Trung tâm các xã

2.092

II

Công trình các trường học

198

 

180,32

1

Trường phổ thông

 

 

 

-

Sân thể thao các trường trong tỉnh

609

 

178,6

2

Trường chuyên nghiệp dạy nghề

 

 

 

-

Nhà tập thể thao Trường Cao đẳng Sư phạm

1

 

0,06

-

Sân thể thao các trường

2

 

1,5

3

Trường Dân tộc nội trú

 

 

 

-

Nhà tập trường Dân tộc nội trú Mộc Châu

1

 

0,06

III

Công trình thể thao cơ quan, doanh nghiệp

 

 

7,89

1

Nhà tập thể thao

18

Các cơ quan, doanh nghiệp

1,08

-

Nhà tập thể thao Nhà thiếu nhi tỉnh, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh

2

 

0,12

2

Sân Tenis cơ quan

21

 

3,36

3

Sân cầu lông các cơ quan, đơn vị

300

 

3

4

Bể bơi

33

 

0,33

 

PHỤ LỤC SỐ 03

CHỈ TIÊU XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THỂ DỤC - THỂ THAO QUẦN CHÚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2580/QĐ-UBND ngày 26/11/2020 của UBND tỉnh)

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Đến năm 2030

1

Tỷ lệ người tập thể dục, thể thao thường xuyên

%

28,1

28,2

28,3

28,4

28,5

29,5

2

Tỷ lệ gia đình đạt gia đình thể thao

%

23,1

23,2

23,3

23,4

23,5

25

3

Số Câu lạc bộ TDTT

CLB

510

520

530

540

550

600

4

Số trường học thực hiện giáo dục thể chất

%

100

100

100

100

100

100

5

Số trường học thực hiện ngoại khoá

%

90,5

90,8

91,2

91,5

91,8

94

6

Số chiến sĩ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể

%

95,4

95,6

95,8

96

96,2

97,5

7

Số cuộc thi đấu cấp tỉnh

Cuộc

14

15

14

14

14

15

8

Số cuộc tham gia thi đấu khu vực và toàn quốc

Cuộc

8

7

8

7

8

8

9

Số Huy chương đạt được

HC

58

40

60

59

72

80

-

Huy chương vàng

18

10

20

17

22

25

-

Huy chương bạc

20

15

20

20

25

25

-

Huy chương đồng

20

15

20

22

25

30

 

PHỤ LỤC SỐ 04

KHÁI TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THỂ DỤC THỂ THAO QUẦN CHÚNG TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2021 – 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2580/QĐ-UBND ngày 26/11/2020 của UBND tỉnh)

Đơn vị tính: Triệu đồng

STT

Nội dung

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Năm 2026

Năm 2027

Năm 2028

Năm 2029

Năm 2030

Tổng cộng

5.700

8.800

6.000

4.900

6.100

8.800

6.000

4.900

6.000

8.900

66.100

1

Kinh phí tổ chức các giải thi đấu thể thao cấp tỉnh (13 - 14 giải/năm)

2.414

2.592

2.714

2.714

2.735

2.592

2.714

2.714

2.714

2.545

26.488

2

Kinh phí tổ chức Đại hội thể dục thể thao (4 năm/lần)

 

3.950

 

 

 

3.950

 

 

 

3.950

11.850

3

Kinh phí tham gia thi đấu các giải thể thao quần chúng khu vực và toàn quốc (7 - 8 giải/ năm)

3.000

1.972

3.000

1.900

3.000

1.972

3.000

1.900

3.000

1.972

24.716

4

Kinh phí tham gia các giải thể thao theo Đề án “Tổ chức định kỳ ngày hội, giao lưu, liên hoan Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng Đồng bào dân tộc các dân tộc thiểu số khu vực và toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trình UBND tỉnh chủ trương tham gia và đề nghị bổ sung kinh phí thực hiện).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5

Kinh phí mở Hội nghị tập huấn bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực TDTT tổ chức theo cụm các huyện (01 lớp/ năm)

35

35

35

35

35

35

35

35

35

35

350

6

Kinh phí tổ chức tháng hoạt động TDTT cho mọi người và ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân (01 cuộc/năm)

99

99

99

99

99

99

99

99

99

99

990

7

Kinh phí mở lớp tập huấn lỹ năng phòng chống đuổi nước cho đối tượng thanh thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn cụm huyện (01 lớp/năm)

50

50

50

50

50

50

50

50

50

50

500

8

Kinh phí tổ chức giải thể thao cụm các xã, khảo sát lựa chọn 2 môn cá nhân 1 môn tập thể: Đẩy gậy, kéo co tung còn, tu lu, bóng đá, bóng chuyền … (01 giải/năm)

102

102

102

102

102

102

102

102

102

102

1.020

9

Kinh phí sơ kết 5 năm thực hiện Đề án phát triển TDTT quần chúng tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2030.

 

 

 

 

79

 

 

 

 

 

79

10

Kinh phí tổng kết thực hiện Đề án phát triển TDTT quần chúng tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2030.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

147

147

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 2580/QĐ-UBND ngày 26/11/2020 về phê duyệt Đề án phát triển thể dục, thể thao quần chúng tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2030

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


905

DMCA.com Protection Status
IP: 3.128.79.88
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!