ĐỀ ÁN
XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH PHÒNG KHÁM BÁC SĨ GIA ĐÌNH
TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2015-2020
I. CƠ SỞ VÀ SỰ
CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Thông tin
địa lý, kinh tế, xã hội
a) Vị trí địa
lý
An Giang là tỉnh ở miền Tây Nam
bộ, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, một phần nằm trong vùng tứ giác Long
Xuyên, có diện tích tự nhiên 3.536,76Km2, chiếm 1,068 % diện tích cả
nước. Phía Đông giáp tỉnh Đồng Tháp; Đông Nam giáp thành phố Cần Thơ; phía Tây
giáp tỉnh Kiên Giang; phía Tây Bắc giáp Campuchia với đường biên giới dài gần
96,6 km. An Giang cách thành phố Hồ Chí Minh 200km, cách TP Cần Thơ 60km, với 2
cửa khẩu quốc tế và 3 cửa khẩu quốc gia nên là cửa ngõ giao thương giữa vùng
đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh và các nước tiểu vùng sông Mekong như
Campuchia, Thái Lan và Lào.
b) Dân số
Dân số trung bình năm 2014 là
2.155.323 người, cao nhất trong các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long
với 12,3% dân số toàn vùng và đứng hàng thứ 4 trong cả nước, mật độ dân số là
630 người/km2, trong đó dân số thành thị chiếm 29,98%, nông thôn
chiếm 70,02%. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2014 là 0,08%.
Cơ cấu dân số theo độ tuổi của An
Giang từ 0 đến 14 tuổi là 20,08%, từ 15 đến 59 tuổi là 69,51%, trên 60 tuổi là
10,41%; Về giới tính nữ là 50,23%, nam là 49,77%.
c) Kinh tế
Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai
đoạn 2001-2005 của tỉnh An Giang đạt 8,96%/năm, giai đoạn 2006-2010 đạt
10,21%/năm, giai đoạn 2011-2013 chỉ đạt 6,48%/ năm, tuy nhiên đây là mức tăng
hợp lý trong tình hình kinh tế chung còn nhiều khó khăn.
Cơ cấu kinh tế của tỉnh từ năm
2001-2014 đã chuyển dịch theo hướng giảm dần khu vực I, tăng dần khu vực II và
khu vực III. Năm 2014, khu vực I (Nông-lâm nghiệp-thủy sản) chiếm 36,3%, khu
vực II (Công nghiệp-xây dựng) chiếm 13%, khu vực III (Dịch vụ) chiếm 48,28%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014
đạt: 950 triệu USD, trong đó các mặt hàng chủ yếu là gạo (240 triệu USD), thủy
sản đông lạnh (365 triệu USD), rau quả đông lạnh (13 triệu USD), hàng dệt, may
(90 triệu USD).
d) Văn hóa - xã hội
An Giang là tỉnh thuộc đồng bằng
sông Cửu Long, nơi tập trung sinh sống của nhiều dân tộc, có nền văn hóa riêng
in đậm bản sắc địa phương, được thể hiện rõ nét qua các di tích, tín ngưỡng,
phong tục, tập quán, lễ hội, ẩm thực của người dân An Giang.
Đa số sinh sống bằng nghề nông
nghiệp, việc làm không ổn định, chủ yếu theo thời vụ, không có nghề nghiệp chuyên
môn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 47%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là
33,5%. Đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là vùng nông thôn còn khó khăn.
Xóa đói giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo còn cao tốc độ giảm
nghèo bình quân là 1,4%/năm.
2. Thông tin chung về hoạt động
hệ thống y tế tỉnh An Giang
a) Hệ thống y tế công lập:
Đến cuối năm 2014, mạng lưới khám
chữa bệnh An Giang gồm có 15 cơ sở công lập với quy mô 3.485 giường bệnh, trong
đó tuyến tỉnh có 05 bệnh viện (03 bệnh viện đa khoa, 01 bệnh viện Tim mạch, 01
bệnh viện Mắt-TMH-RHM) với 2.015 giường bệnh, tuyến huyện có 10 bệnh viện với
1.220 giường bệnh, 11 phòng khám đa khoa khu vực với 250 giường bệnh và 156
trạm y tế xã với 1.560 giường lưu tạm thời. Đến ngày 31/12/2014 số giường bệnh
công lập đạt 16,16 giường bệnh/vạn dân (không tính giường bệnh của trạm y tế
xã). Với hệ thống cơ sở y tế khá hoàn chỉnh có đội ngũ cán bộ y tế có trình độ
chuyên môn khá. Các cơ sở điều trị đã tập trung đầu tư trang thiết bị và triển
khai các dịch vụ cận lâm sàng kỹ thuật cao như: chụp cắt lớp, nội soi chẩn
đoán, siêu âm tim màu, sinh hóa máu, nước tiểu, xét nghiệm Elisa, ion đồ…Các
phẫu thuật cơ bản được triển khai khá tốt tại Bệnh viện đa khoa trung tâm An
Giang và Bệnh viện đa khoa khu vực Châu Đốc, kỹ thuật tim mạch can thiệp đã
triển khai hiệu quả tại Bệnh viện tim mạch An Giang. Một số bệnh viện huyện đảm
bảo cơ bản nhiệm vụ theo phân tuyến điều trị, thực hiện tốt cấp cứu, khám chữa
bệnh, từng bước phát triển kỹ thuật nâng cao chất lượng, các phòng khám đa khoa
khu vực và trạm y tế xã cũng đã làm tốt chức năng khám phân loại và điều trị
bệnh thông thường.
b) Hệ thống y tế ngoài công lập
An Giang là một trong số các tỉnh
phát triển bệnh viện ngoài công lập khá tốt, hiện có 4 bệnh viện tư nhân với
420 giường bệnh (trong đó có 01 bệnh viện phụ sản 20 giường), ngoài ra còn có
1.221 các loại hình cơ sở khám chữa bệnh tư nhân hoạt động trên địa bàn tỉnh,
loại hình cung cấp dịch vụ đa dạng, bước đầu khẳng định những đóng góp hữu ích
đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh, đáp ứng được nhu
cầu tiếp cận các dịch vụ y tế, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người
dân địa phương.
c) Hoạt động khám chữa bệnh
Tổng số giường bệnh công lập là
3.485, tổng số giường bệnh ngoài công lập là 420. Công suất sử dụng giường bệnh
chung năm 2014 là: 106,27 %.
Thực hiện chỉ tiêu khám chữa bệnh
tăng dần qua các năm, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2014, tổng số lần khám
bệnh là 10.725.724 lần, tăng 2.269.287 lần so với năm 2013 (năm 2013 là
8.456.437 lần) bình quân số lần khám/người dân là 4,4 lần, Số bệnh nhân điều
trị nội trú là 273.405 người; tổng số ngày điều trị nội trú là 1.499.198 ngày,
tỷ lệ điều trị khỏi ra viện là 80%, tỷ lệ tử vong chung tại bệnh viện là: 0,3%.
Tổng số điều trị ngoại trú là 10.452.319 lượt.
d) Nguồn nhân lực y tế
Tính đến tháng 12/2014, nhân lực y
tế công lập toàn tỉnh có 8.181 cán bộ, tỷ lệ cán bộ y tế /10.000 dân là 37,96
(toàn quốc là 31/10.000 dân), trong đó 982 bác sỹ (bao gồm: 02 tiến sỹ, 40 thạc
sỹ, 48 bác sỹ CK2, 385 bác sỹ CK1, 507 bác sỹ), bình quân đạt 4,56 bác sỹ công
lập/10.000 dân (toàn quốc là 7,46/10.000 dân). Dược sỹ đại học và trên đại học
có 113 người (03 thạc sỹ, 01 dược sỹ CK2, 33 dược sỹ CK1, 76 dược sỹ đại học),
bình quân đạt 0,52 dược sỹ đại học/10.000 dân (toàn quốc là 1,92 dược sỹ/10.000
dân). Y tá có 1.676 người, trong đó có 156 y tá đại học và cao đẳng (cử nhân
điều dưỡng). Nữ hộ sinh có 691, trong đó có 11 đại học. Kỹ thuật viên là 181,
đại học là 25 người.
- Cán bộ y tế có trình độ đại học
và trên đại học: 1.611 (23,67%)
- Cán bộ y tế có trình độ cao
đẳng, trung học : 4.032 (59,24%)
- Cán bộ y tế có trình độ sơ học :
279 (4,1%)
- Cán bộ khác : 884 (12,99%)
Ngoài ra, tính cả hệ thống y tế
ngoài công lập, đến cuối năm 2014 tỉnh An Giang có 1.122 bác sỹ (tỷ lệ bác
sỹ/10.000 dân: 5,20, trong đó y tế công lập: 4,54, y tế ngoài công lập: 0,65),
dược sỹ đại học có 158 người (tỷ lệ DSĐH/10.000 dân là 0,73, trong đó y tế công
lập: 0,52, y tế ngoài công lập: 0,21).
e) Quy hoạch mạng lưới khám
chữa bệnh An Giang đến năm 2020
Quy hoạch mạng lưới khám chữa bệnh
nhằm sắp xếp lại toàn bộ hệ thống, từng bước đầu tư tăng giường bệnh, đầu tư
chiều sâu, đa dạng hoá dịch vụ khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng phục vụ;
phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ giường bệnh (không tính Trạm Y tế xã đạt 18,4 trong
đó giường bệnh công lập đạt 16,41 giường/10.000 dân, giường bệnh ngoài công
lập: 1,99 giường/10.000 dân) .
Đầu tư nâng cấp đồng bộ hệ thống
khám chữa bệnh, phù hợp với nhu cầu từng vùng và khả năng kinh tế xã hội. Phân
tuyến chuyên môn kỹ thuật chặt chẽ. Sử dụng có hiệu quả và khai thác hết công
suất các thiết bị y tế trong chẩn đoán và điều trị. Tiếp tục đẩy mạnh và tăng
cường hoạt động chăm sóc người bệnh toàn diện, phục hồi chức năng và phòng ngừa
các di chứng bệnh tật, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Nâng cấp các bệnh viện một cách
toàn diện, đặc biệt là về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ.
Phát triển chuyên khoa sâu ở tuyến tỉnh và và y tế phổ cập ở tuyến cơ sở. Nâng
cao năng lực của các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện để đủ khả năng giải
quyết cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Tuyến tỉnh: Đầu tư xây dựng mới bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh 600 giường theo
hướng phát triển các chuyên khoa sâu về nội, ngoại khoa (dự kiến hoàn thành
02/09/2015). Đầu tư trang thiết bị hiện đại, quy hoạch đào tạo bố trí sắp xếp
đội ngũ cán bộ hợp lý nâng bệnh viện tỉnh trở thành trung tâm kỹ thuật cao nhất
của tỉnh.
Đầu tư xây dựng bệnh viện đa khoa
khu vực Châu Đốc mới quy mô 400 giường bệnh.
Thành lập và xây dựng mới bệnh
viện Lao & bệnh phổi 100 giường ở địa điểm mới vừa đảm bảo chức năng điều
trị chuyên khoa vừa quản lý dự án chống lao.
Thành lập và xây dựng mới bệnh
viện Tâm thần 100 giường ở địa điểm mới vừa thực hiện chức năng điều trị vừa
quản lý dự án Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng.
Tranh thủ các nguồn đầu tư xây
dựng bệnh viện Y học cổ truyền 50 giường.
Đầu tư phát triển bệnh viện Tim
mạch tỉnh thành Trung tâm kỹ thuật cao, từng bước thực hiện các kỹ thuật can
thiệp tiến đến phẫu thuật tim mạch.
Tiếp tục đầu tư phát triển bệnh
viện Mắt - Tai mũi họng - Răng hàm mặt theo hướng chuyên khoa sâu, kỹ thuật cao.
Thành lập bệnh viện chuyên khoa
Sản - Nhi 600 giường (giai đoạn 2015-2017: 300 giường, giai đoạn 2018-2020: 300
giường) trên cơ sở đầu tư nâng cấp cơ sở bệnh viện đa khoa trung tâm hiện nay.
3. Thông tin
về mạng lưới bác sĩ gia đình tại An Giang
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh An
Giang có 12 bác sĩ chuyên khoa cấp I Y học gia đình và hiện có 36 bác sĩ đang
theo học chuyên khoa cấp I Y học gia đình đến tháng 7/2015 sẽ tốt nghiệp, lực
lượng bác sĩ này phân bố đều ở các huyện trong tỉnh. Đây là cơ sở thuận lợi để
An Giang triển khai có hiệu quả mô hình phòng khám bác sĩ gia đình.
4. Sự cần
thiết và cấp bách
Bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa
thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu
dài và bền vững với người bệnh, là những thầy thuốc gắn với dân và gần dân
nhất. Bác sĩ gia đình là bác sĩ hướng về gia đình, biết rõ từng người bệnh
trong hoàn cảnh và gia đình của họ, xem xét vấn đề sức khỏe của người bệnh trong
hoàn cảnh của cộng đồng và lối sống của người đó trong cộng đồng.
Mô hình bác sĩ gia đình đã phát
triển và nhân rộng ở nhiều nước trên thế giới từ Thế kỷ XX. Năm 1960, Y học gia
đình ra đời ở Mỹ, Anh và một số nước, đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức
khỏe của cộng đồng với sự chuyển đổi mô hình bệnh tật trên toàn cầu. Năm 1995,
có 56 nước đã phát triển và áp dụng chương trình đào tạo Y học gia đình. Hiệp
hội Bác sĩ gia đình toàn cầu (WONCA) đã được thành lập năm 1972 và đến nay đã
có gần 100 quốc gia thành viên. Hiện nay, mô hình bác sĩ gia đình đã được phát
triển rộng rãi không chỉ ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Australia,
Canada mà cả ở các nước đang phát triển như Philippines, Malaysia, đặc biệt Cu
Ba là quốc gia được coi là một hình mẫu về phát triển mô hình bác sĩ gia đình ở
các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam, từ ngàn năm nay nhân
dân ta có một mạng lưới y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe một cách tự phát. Các
ông lang, bà mụ, bà đỡ, các phòng chẩn trị y học cổ truyền, thầy thuốc tư…đã hình
thành mạng lưới chăm sóc sức khỏe gần nhất với người dân tại cộng đồng.
Năm 1998, Dự án phát triển đào tạo
bác sĩ gia đình tại Việt Nam với sự tài trợ bởi quĩ CMB (China Medical Board of
New York) được Bộ Y tế phê duyệt. Dự án triển khai đào tạo chuyên ngành Y học
gia đình tại các trường: Đại học Y Hà Nội, Đại học Y - Dược Thành phố Hồ Chí
Minh, Đại học Y Thái Nguyên.
Tháng 3 năm 2000, Bộ Y tế chính
thức công nhận chuyên ngành Y học gia đình và cho phép đào tạo bác sĩ chuyên
khoa cấp I Y học gia đình. Hiện nay các cấp đào tạo Y học gia đình tại Việt Nam
gồm có: 2 đơn vị học trình Y học gia đình cho bác sĩ đa khoa 6 năm tại trường
đại học chuyên ngành y, chuyên khoa định hướng, chuyên khoa cấp I và cao học.
Hoạt động bác sĩ gia đình ở nước ta
hiện nay là mô hình mới, chưa được quan tâm đầu tư tương xứng, chưa có chức
danh bác sĩ gia đình ở các cơ sở y tế, hoạt động còn tản mạn, nhiều hạn chế,
bất cập, chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý và hiệu quả chưa cao. Hoạt động bác sĩ
gia đình đã bước đầu được tổ chức thí điểm tại một số thành phố lớn như Hà Nội,
Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh,
Cần Thơ với các mô hình khác nhau: Trung tâm bác sĩ gia đình, phòng khám bác sĩ
gia đình là cơ sở thực hành của các trường đại học chuyên ngành y, phòng khám
bác sĩ gia đình tư nhân, trạm y tế có hoạt động bác sĩ gia đình.
Năm 2003, thực hiện Pháp lệnh hành
nghề y, dược tư nhân, mạng lưới y tế tư nhân đã chính thức hình thành, đóng góp
một phần quan trọng trong việc chăm sóc ban đầu tại cộng đồng, cung cấp dịch vụ
khám bệnh, chữa bệnh cho người dân thuận lợi, dễ dàng ngay tại cộng đồng, góp
phần chia sẻ nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh với hệ thống khám bệnh, chữa bệnh
công lập. Tuy nhiên, cho tới nay hầu hết phòng khám tư nhân chưa được tham gia
khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó việc khám bệnh, chữa bệnh của
các phòng khám tư nhân mới chỉ đáp ứng tức thời nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh
của người dân mà chưa có theo dõi điều trị bệnh một cách toàn diện, liên tục,
chưa tham gia vào hệ thống chuyển tuyến người bệnh, vì vậy hiệu quả chưa cao và
chưa góp đóng góp nhiều vào việc giảm tải bệnh viện. Nếu các phòng khám tư nhân
tham gia hoạt động theo nguyên tắc phòng khám bác sĩ gia đình thì hiệu quả chăm
sóc sức khỏe nhân dân sẽ cao hơn và sẽ góp phần giảm quá tải bệnh viện tốt hơn.
Hiện nay, mô hình bệnh tật ở nước
ta là mô hình bệnh tật kép, các bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng vẫn ở mức khá
cao, trong khi nhóm các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích tăng nhanh dẫn
đến nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng; việc sàng lọc, theo
dõi, quản lý, điều trị bệnh mạn tính tại cộng đồng là hết sức cần thiết, đòi
hỏi việc nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở ngày càng trở nên cấp bách.
Xuất phát từ thực tiễn bước đầu
tiếp cận mô hình bác sĩ gia đình ở nước ta và kinh nghiệm ở các nước trên thế
giới cho thấy nếu phát triển mô hình bác sĩ gia đình sẽ góp phần nâng cao chất
lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh
tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, Sở Y tế
xây dựng Đề án: “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai
đoạn 2015-2020”.
5. Cơ sở pháp
lý để đầu tư:
- Luật Khám bệnh, chữa bệnh số
40/2009/QH12 của Quốc hội ngày 23 tháng 11 năm 2009;
- Luật Bảo hiểm y tế số
25/2008/QH12 của Quốc hội ngày 14 tháng 11 năm 2008;
- Luật Sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Bảo hiểm Y tế số 46/2014/QH13 của Quốc hội ngày 13 tháng 6 năm
2014;
- Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày
27 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một
số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh;
- Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 09
tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh
viện giai đoạn 2013-2020;
- Quyết định số 935/QĐ-BYT ngày
09 tháng 01 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Đề án Bác sĩ Gia đình giai
đoạn 2013-2020;
- Thông tư số 41/2011/TT-BYT
ngày 14 tháng 11 năm 2011 về việc hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với
người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Thông tư số 43/2013/TT-BYT
ngày 11 tháng 12 năm 2913 của Bộ Y tế Quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn
kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Thông báo số 382/TB-BYT ngày
24 tháng 5 năm 2013 của Bộ Y tế về Ý kiến kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Viết
Tiến tại buổi làm việc với Ủy ban nhân dân và Sở Y tế tỉnh An Giang;
- Công văn số 9140/BYT-KCB ngày
13 tháng 11 năm 2014 của Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Thông tư số
16/2014/TT-BYT;
- Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày
14/2/2012 của Ban chấp hành Đảng Bộ tỉnh về phát triển sự nghiệp y tế, nâng cao
hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2015;
- Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày
27/3/2012 của UBND tỉnh An Giang về việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày
14/2/2012 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang về phát triển sự nghiệp y tế,
nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2015;
- Chương trình công tác năm số
20/CTr-UBND ngày 19/01/2015 của UBND tỉnh An Giang về việc giao Sở Y tế xây
dựng đề án thực hiện mô hình bác sỹ gia đình trên địa bàn tỉnh.
- Căn cứ vào thực trạng, mô hình
bệnh tật và nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân của tỉnh An
Giang.
II. QUAN ĐIỂM,
NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG CỦA BÁC SĨ GIA ĐÌNH VÀ MỤC TIÊU, PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN
1. Quan điểm, nguyên tắc hoạt
động
Y học gia đình là một chuyên ngành
y học cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục cho từng cá nhân
và gia đình. Đây là chuyên ngành rộng, lồng ghép giữa y học lâm sàng với sinh
học và khoa học hành vi.
Bác sĩ gia đình là bác sĩ chuyên
khoa y học gia đình, được đào tạo để hành nghề tại tuyến khám bệnh, chữa bệnh
ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú, có nhiệm vụ chăm sóc đầu tiên và liên
tục cho người bệnh cũng như người khỏe theo những nguyên tắc đặc thù.
Bác sĩ gia đình hoạt động trên
nguyên tắc liên tục, toàn diện, phối hợp, theo hướng dự phòng, dựa vào cộng
đồng và gia đình.
Chức năng bác sĩ gia đình: Chăm
sóc ban đầu cho người dân tại cộng đồng theo hướng dự phòng.
Hoạt động của bác sĩ gia đình:
Cung ứng dịch vụ chăm sóc toàn diện, lồng ghép, liên tục và toàn diện cho cá
nhân, gia đình và cộng đồng, duy trì mối quan hệ tin cậy và lâu dài với người
bệnh; tham vấn, vận động lối sống lành mạnh, loại bỏ các hành vi nguy cơ đối
với bệnh tật nhằm nâng cao năng lực của cá nhân, nhóm và cộng đồng trong việc
tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe.
2. Mục tiêu, nhiệm vụ
a) Mục tiêu chung:
Xây dựng và phát triển mô hình
phòng khám bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế Việt Nam nhằm cung cấp dịch vụ
chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục và thuận lợi cho cá nhân, gia
đình và cộng đồng, góp phần giảm quá tải bệnh viện.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Giai đoạn 2015: Xây dựng đề án
thí điểm mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Xây dựng và ban hành các quy định
về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và các quy định liên quan khác đến hoạt
động của phòng khám bác sĩ gia đình. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về Y
học gia đình, trước mắt đào tạo đủ nhân lực y học gia đình cho các phòng khám
bác sỹ gia đình của Đề án.
- Giai đoạn 2016-2017: Chuẩn bị
nhân lực và cơ sở. Thẩm định cấp phép các điểm phòng khám. Triển khai hệ thống
phần mềm quản lý tổng thể.
- Giai đoạn 2018-2019: Xây dựng
được mô hình phòng khám bác sĩ gia đình: Xác định phạm vi, quy mô, chức năng và
nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình. Đánh giá kết quả thực hiện thí điểm mô
hình phòng khám bác sĩ gia đình, hoàn thiện được mô hình chuẩn phòng khám bác
sĩ gia đình.
- Giai đoạn 2020: Trên cơ sở kết
quả giai đoạn thí điểm và mô hình chuẩn phòng khám bác sĩ gia đình triển khai
nhân rộng phòng khám bác sĩ gia đình trên toàn tỉnh.
c). Phạm vi của đề án và đối
tượng hoạt động
- Phòng khám bác sĩ gia đình tại
khoa khám bệnh của các bệnh viện, thuộc sự quản lý của bệnh viện.
- Phòng khám bác sĩ gia đình phối
hợp, lồng ghép chức năng trạm y tế xã.
- Phòng khám bác sĩ gia đình tư
nhân.
Do có 3 mô hình hoạt động khác
nhau và mô hình bác sĩ gia đình bước đầu thí điểm tại một số thành phố lớn như
Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí
Minh, Cần Thơ cũng được tổ chức các mô hình khác nhau tùy vào thực tế địa
phương. Vì vậy, An Giang chọn mô hình Phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân để
thực hiện.
III. CÁC HOẠT
ĐỘNG CƠ BẢN CỦA ĐỀ ÁN
1. Giai đoạn 2015
Xây dựng đề án thí điểm mô hình
phòng khám bác sĩ gia đình. Chuẩn bị nhân lực và cơ sở. Xây dựng và ban hành
các quy định về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, cơ chế thanh quyêt toán với
BHYT và các quy định liên quan khác đến hoạt động của phòng khám bác sĩ gia
đình:
- Nghiên cứu các mô hình ở TP. HCM
và địa phương khác
- Đề xuất mô hình ưu thế, khả thi
cho An Giang, từ đó xây dựng khung đề án mô hình phòng khám bác sĩ gia đình của
tỉnh An Giang
- Xác định phạm vi, quy mô, chức
năng và nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình
- Cơ chế quản lý của ngành đối với
phòng khám bác sĩ gia đình
- Bổ sung các quy định về giá dịch
vụ y tế thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám bác sĩ gia đình
- Quy định phương thức chi trả bảo
hiểm y tế đối với các dịch vụ y tế thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng
khám bác sĩ gia đình
- Bổ sung danh mục thuốc, trang
thiết bị y tế thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám bác sĩ gia đình
- Các quy định liên quan khác đến
hoạt động của phòng khám bác sĩ gia đình.
- Tổ chức đào tạo, tập huấn ngắn
hạn cho người hành nghề tại các phòng khám bác sĩ gia đình thuộc mô hình thí
điểm.
- Tăng cường công tác đào tạo liên
tục và đào tạo sau đại học chuyên ngành y học gia đình.
- Cấp chứng chỉ hành nghề y học
gia đình.
- Thẩm định và cấp phép hoạt động.
2. Giai đoạn 2016-2017
Chuẩn bị nhân lực và cơ sở. Tăng
cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về Y học gia đình, trước mắt
đào tạo đủ nhân lực y học gia đình cho các phòng khám bác sỹ gia đình của Đề án:
- Liên kết với các trường Đại học
Y dược TP HCM, Cần Thơ cùng xây dựng chương trình đào tạo thực hành bác sĩ gia
đình theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh để thực hiện việc cấp chứng
chỉ hành nghề.
- Cấp chứng chỉ hành nghề y học
gia đình.
- Thẩm định và cấp phép hoạt động.
- Tổ chức truyền thông về mô hình,
lợi ích, năng lực, khả năng cung ứng dịch vụ y tế của các phòng khám bác sĩ gia
đình.
- Thực hiện truyền thông thuyết
phục người dân sử dụng các dịch vụ y tế do phòng khám bác sĩ gia đình cung cấp .
- Phân cấp quản lý, triển khai
thực hiện.
- Thực hiện thí điểm mô hình phòng
khám bác sĩ gia đình mỗi huyện 1-3 mô hình điểm (Phòng khám bác sĩ gia đình tại
khoa khám bệnh của bệnh viện đa khoa; phòng khám bác sĩ gia đình lồng ghép với
trạm y tế xã, phường, thị trấn; phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân theo cụm dân
cư). Bảo đảm bảo mật các thông tin về sức khỏe của người bệnh.
3. Giai đoạn 2018-2019
Xây dựng được mô hình phòng khám
bác sĩ gia đình: Xác định phạm vi, quy mô, chức năng và nhiệm vụ của phòng khám
bác sĩ gia đình. Đánh giá kết quả thực hiện thí điểm mô hình phòng khám bác sĩ
gia đình, hoàn thiện được mô hình chuẩn phòng khám bác sĩ gia đình.
- Tăng cường công tác đào tạo liên
tục và đào tạo sau đại học chuyên ngành y học gia đình.
- Giải quyết vướng mắc, đề xuất
kịp thời việc sửa đổi, bổ sung các quy định về mô hình và hoạt động của phòng
khám bác sĩ gia đình phù hợp với thực tế.
- Đánh giá kết quả thực hiện thí
điểm, rút kinh nghiệm.
- Hoàn thiện được mô hình chuẩn
phòng khám bác sĩ gia đình.
4. Giai đoạn 2020
Trên cơ sở kết quả giai đoạn thí
điểm và mô hình chuẩn phòng khám bác sĩ gia đình triển khai nhân rộng phòng
khám bác sĩ gia đình trên toàn tỉnh theo quy mô đào tạo.
IV. KINH PHÍ
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Kinh phí chung
Tổng kinh phí cho đề án là
3.512.055.080; trong đó kinh phí từ ngân sách nhà nước của ngành là 560.055.080
và kinh phí từ đơn vị và cá nhân là 2.952.000.000. Kinh phí chung bao gồm:
- Kinh phí nghiên cứu, đánh giá;
xây dựng chính sách liên quan hoạt động của bác sĩ gia đình; xây dựng tài liệu
chuyên môn.
- Kinh phí đào tạo: Đào tạo liên
tục và đào tạo chính quy.
- Kinh phí thẩm định, cấp phép.
- Kinh phí truyền thông.
- Kinh phí giám sát, đánh giá tổng
kết.
- Kinh phí triển khai phần mềm
quản lý hệ thống.
- Kinh phí để triển khai các hoạt
động khác nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu của Đề án.
2. Kinh phí cụ thể:
a) Giai đoạn 2015 (kinh phí từ
ngân sách của ngành là 53.765.080 và kinh phí từ đơn vị và cá nhân là
1.280.000.000)
- Tổ chức nhóm đi nghiên cứu mô hình
tại Tp Huế (01 đợt/07 người), Tp Hồ Chí Minh (01 đợt/07 người), Tp Cần Thơ (01 đợt/07
người).
- Tổ chức hội thảo đánh giá chọn
mô hình thí điểm (01 đợt/45 người).
- Tổ chức họp giữa Sở Y tế, Sở Tài
chính, Bảo hiểm xã hội thống nhất giá dịch vụ, phương thức chi trả BHYT thuộc
phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám bác sĩ gia đình (05 buổi họp).
- Đào tạo ngắn hạn 03 tháng, kinh
phí do cá nhân tự túc (50 học viên).
- Đào tạo sau đại học, kinh phí do
đơn vị và cá nhân tự chi trả theo học phí của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ (36
học viên).
b) Giai đoạn 2016-2017 (kinh
phí từ ngân sách của ngành là 504.000.000 và kinh phí từ đơn vị và cá nhân là
172.000.000)
- Thẩm định cấp phép phòng khám
bác sĩ gia đình cá nhân do cá nhân tự túc.
- Thẩm định cấp phép phòng khám
bác sĩ gia đình tại các bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế, trạm y tế (30-40
điểm phòng khám).
- Truyền thông trên đài truyền
hình, tổ chức nhóm (01 lần/tháng * 12 tháng).
- Triển khai hệ thống phần mềm
quản lý: kết hợp VNPT An Giang thuê máy chủ, chi phí phần mềm, máy vi tính +
máy in cho 30-40 điểm phòng khám.
c) Giai đoạn 2018-2019 (kinh
phí từ ngân sách của ngành là 2.290.000 và kinh phí từ đơn vị và cá nhân là
1.500.000.000)
- Đào tạo sau đại học, kinh phí do
đơn vị và cá nhân tự chi trả theo học phí của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ (50
học viên).
- Tổ chức hội thảo đánh giá mô
hình thí điểm.
- Tổ chức tổng kết.
d) Giai đoạn 2020
- Nhân rộng mô hình.
3. Nguồn kinh phí
Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà
nước; ngoài ra được hỗ trợ từ các nguồn huy động khác, chủ yếu từ cá nhân các
điểm triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình.
V. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Y tế
- Là đơn vị thường trực chỉ đạo,
tổ chức thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia
đình.
- Xây dựng, trình cấp có thẩm
quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định chuyên môn về hoạt
động của phòng khám bác sĩ gia đình.
- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra,
giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy định chuyên môn đối
với các phòng khám bác sĩ gia đình.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị
liên quan xây dựng các quy định về chi trả bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ y
tế thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám bác sĩ gia đình.
- Chủ trì, phối hợp với các các
trường Đại học Y dược xây dựng, thẩm định chương trình, tài liệu đào tạo và chỉ
đạo việc tổ chức đào tạo liên tục và đào tạo chính quy về y học gia đình ở các
cấp độ khác nhau.
- Tổ chức cấp, thu hồi chứng chỉ
hành nghề bác sĩ gia đình; thẩm định và cấp phép và thu hồi giấy phép hoạt động
các phòng khám bác sĩ gia đình theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và
các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật.
- Làm đầu mối, phối hợp với các cơ
quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức kiểm tra, đánh
giá tiến độ thực hiện Đề án, định kỳ báo cáo 6 tháng, hằng năm và báo cáo đột
xuất để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện
Đề án.
2. Bảo hiểm Xã hội Tỉnh:
- Phối hợp với Sở Y tế và xin ý
kiến của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để xây dựng các quy định về quản lý thẻ bảo
hiểm y tế, cách thức cung cấp dịch vụ, thuốc thiết yếu và phương pháp chi trả
bảo hiểm y tế đối với dịch vụ y tế thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng
khám bác sĩ gia đình.
- Phối hợp Sở Y tế tiến hành giám
sát và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện
Đề án.
3. Sở Tài chính:
Phối hợp với Sở Y tế các cơ quan,
đơn vị có liên quan xây dựng, bổ sung, hướng dẫn thực hiện các quy định về giá
dịch vụ khám, chữa bệnh thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám bác
sĩ gia đình.
4. Sở Kế hoạch – Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị
liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách nhận hỗ trợ từ các nguồn kinh phí từ
ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, nguồn vốn ODA và các nguồn vốn huy
động khác liên quan đến mô hình tổ chức và hoạt động y học gia đình.
5. Sở Nội vụ:
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị
liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn nhân lực cho
chuyên ngành y học gia đình và các chế độ, chính sách khác liên quan đến mô
hình tổ chức và hoạt động y học gia đình.
6. Đài Phát thanh Truyền hình:
Chỉ đạo các cơ quan truyền thông
đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân,
tạo lòng tin và sự ủng hộ của người dân đối với phòng khám bác sĩ gia đình.
7. Phòng khám bác sĩ gia đình
- Thực hiện đúng các quy định về
mô hình phòng khám bác sĩ gia đình của Đề án và các quy định của pháp luật có
liên quan.
- Có trách nhiệm báo cáo định kỳ 6
tháng, hằng năm và đột xuất với Sở Y tế và Phòng y tế tuyến huyện về hoạt động
của phòng khám.
VI. HIỆU QUẢ
KINH TẾ - XÃ HỘI
Mô hình phòng khám bác sĩ gia đình
khi được hình thành và phát triển sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám
bệnh, chữa bệnh ban đầu, giúp người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên
tục và phòng bệnh chủ động, tích cực. Theo các nghiên cứu gần đây cho thấy,
phòng khám bác sĩ gia đình có thể giúp sàng lọc giải quyết được phần lớn các
bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tình trạng quá tải
tại các bệnh viện.
Hoạt động bác sĩ gia đình sẽ giảm
bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan và
tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho bệnh nhân, kinh phí bảo hiểm y tế, mang
lại hiệu quả kinh tế cho người bệnh, gia đình và xã hội; tăng sự hợp tác phối
hợp điều trị giữa người bệnh và nhân viên y tế, giảm đi những vấn đề bức xúc
của xã hội./.