ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3969/PA-UBND
|
Ninh
Thuận, ngày 28 tháng 08 năm 2024
|
PHƯƠNG ÁN
ỨNG PHÓ VỚI CÁC VỤ NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH
THUẬN
I. CĂN CỨ
PHÁP LÝ ĐỂ XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm
ngày 17/6/2010;
Căn cứ Chỉ thị số 17- CT/TW
ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về việc tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực
phẩm trong tình hình mới;
Căn cứ Nghị định số
15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của
Luật An toàn thực phẩm;
Căn cứ Quyết định số 20/QĐ-TTg
ngày 04/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia an toàn thực
phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030;
Căn cứ Chỉ thị số 17/CT-TTg
ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm
quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới;
Căn cứ Quyết định số
39/2006/QĐ-BYT ngày 13/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy chế
điều tra ngộ độc thực phẩm;
Căn cứ Quyết định số
3081/QĐ-BYT ngày 15/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy định chế
độ báo cáo và mẫu biểu báo cáo về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của
ngành y tế;
Căn cứ Kế hoạch số 178-KH/TU ngày
5/01/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày
21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới;
Căn cứ Quyết định số
1052/QĐ-UBND ngày 26/6/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định phân cấp
quản lý an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận;
Căn cứ Quyết định số
160/QĐ-UBND ngày 18/3/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định
phân công quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Để chủ động ứng phó, xử lý và
khắc phục kịp thời hậu quả các vụ ngộ độc thực phẩm, giảm thiểu đến mức thấp nhất
ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Phương
án ứng phó với các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:
II. MỤC
ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Chủ động ứng phó, cấp cứu, điều
tra, xử lý và khắc phục kịp thời hậu quả vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP), giảm thiểu
đến mức thấp nhất thiệt hại, hậu quả tác động đến sức khỏe do NĐTP gây ra trên
nguyên tắc nhanh chóng, cơ động, phối hợp, thống nhất trong chỉ đạo.
2. Yêu cầu
Công tác tổ chức triển khai thực
hiện cần phải có sự tham gia chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp,
các ngành; có sự phân công, tổ chức hợp lý, phối hợp nhịp nhàng trong công tác ứng
phó, xử lý khi xảy ra NĐTP.
III. ĐỐI TƯỢNG
VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG
Đối tượng áp dụng là các Sở,
ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh; UBND các huyện, thành phố; các tổ chức, cá nhân
sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức
ăn đường phố (sau đây gọi tắt là cơ sở thực phẩm); các tập thể, cá nhân và địa
phương liên quan đến vụ NĐTP.
Phạm vi áp dụng đối với tất cả
các vụ NĐTP xảy ra trên địa bàn tỉnh.
IV. NGUYÊN TẮC
THỰC HIỆN
1. Bảo đảm các nguyên tắc,
phương pháp, các bước điều tra NĐTP theo quy định tại Quyết định số
39/2006/QĐ-BYT ngày 13/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Triển khai nhanh chóng,
chính xác và hiệu quả các hoạt động điều tra và xử lý khi có NĐTP.
2. Vụ NĐTP ghi nhận xảy ra tại
địa bàn huyện, thành phố nào thì Ủy ban nhân dân huyện, thành phố đó chỉ đạo
các bộ phận liên quan tổ chức cấp cứu, điều tra và xử lý vụ NĐTP, cập nhật, ghi
nhận và báo cáo thông tin về NĐTP theo quy định.
Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ
sinh thực phẩm hỗ trợ các địa phương điều tra các trường hợp nghi NĐTP vào cấp
cứu, điều trị (hoặc được chuyển tuyến) tại các Bệnh viện tuyến tỉnh hoặc tình
huống các vụ NĐTP có số người mắc trên 30 người/vụ hoặc có trường hợp tử vong.
3. Điều tra NĐTP phải gắn với
việc lấy mẫu thực phẩm, mẫu bệnh phẩm liên quan đến vụ NĐTP; tất cả các mẫu thực
phẩm, mẫu bệnh phẩm liên quan nghi ngờ gây ra NĐTP đều được lấy và gửi ngay đến
phòng kiểm nghiệm kiểm tra các chỉ tiêu để tìm nguyên nhân gây ngộ độc.
4. Vụ NĐTP xảy ra tại cơ sở thực
phẩm thuộc tuyến nào quản lý thì theo phân công, phân cấp tuyến đó chịu trách
nhiệm kiểm tra các nội dung liên quan về nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc,
xử lý theo quy định, tránh chồng chéo.
5. Việc cung cấp thông tin và
phát ngôn với cơ quan báo chí, truyền thông về vụ NĐTP thực hiện theo quy định
của pháp luật đối với người được giao nhiệm vụ phát ngôn.
V. QUY TRÌNH
ĐIỀU TRA, XỬ LÝ TÌNH HUỐNG KHI CÓ NĐTP XẢY RA
1. Khai báo ngộ độc thực phẩm
Các tổ chức, cá nhân, hộ gia
đình, cán bộ y tế, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học...khi có nghi
ngờ hoặc phát hiện NĐTP, phải khai báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất, cụ thể:
- Trạm Y tế xã, phường, thị trấn.
- Trung tâm Y tế huyện, thành
phố.
- Văn phòng Hội đồng nhân dân
và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.
- Chi cục An toàn vệ sinh thực
phẩm tỉnh.
- Sở Y tế.
2. Tiếp nhận thông tin
a) Cán bộ, công chức, viên chức
tiếp nhận thông tin về NĐTP phải báo cáo ngay cho thủ trưởng đơn vị mình về nội
dung vụ việc để thông tin, phối hợp với đơn vị chức năng khắc phục hậu quả.
b) Thủ trưởng các đơn vị chức
năng khi tiếp nhận được thông tin về NĐTP phải khẩn trương xem xét về nội dung
khai báo để quyết định hoặc đề xuất với UBND cùng cấp, cơ quan chuyên môn cấp
trên trực tiếp về phương án chỉ đạo, xử lý vụ NĐTP phù hợp theo từng tình huống
được đưa ra trong Phương án này.
3. Tiếp nhận, sơ cấp cứu, vận
chuyển, điều trị bệnh nhân
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
tiếp nhận, cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bệnh, tăng cường kíp trực, sẵn
sàng huy động lực lượng, các đội cấp cứu ngoại viện, cấp cứu điều trị tại chỗ,
vận chuyển người bệnh với đầy đủ nhân lực, phương tiện, thuốc, hóa chất... sẵn
sàng phục vụ kịp thời khi có yêu cầu.
4. Tổ chức điều tra NĐTP
a) Đội điều tra, xử lý NĐTP tuyến
tỉnh, huyện:
- Theo thẩm quyền phân công,
phân cấp và thông tin ghi nhận ban đầu vụ NĐTP tiến hành phối hợp xác minh
thông tin, điều tra nguyên nhân vụ NĐTP theo trình tự quy định tại Điều 7, Điều
8 Quyết định số 39/2006/QĐ-BYT ngày 13/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm
liên quan đến trường hợp NĐTP để gửi kiểm nghiệm (khi cần thiết). Việc lấy mẫu
thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm đóng vai trò quan trọng để làm rõ nguyên
nhân của vụ ngộ độc. Phải tiến hành lấy mẫu nhanh chóng, kịp thời và thích hợp.
Căn cứ vào triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân bị NĐTP để có chỉ định các chỉ
tiêu xét nghiệm cho phù hợp.
b) Sở Y tế đề nghị Cục An toàn
thực phẩm - Bộ Y tế, các Viện khu vực, Viện chuyên ngành Trung ương hỗ trợ điều
tra, xác định nguyên nhân gây ra vụ NĐTP, khắc phục hậu quả vụ NĐTP nếu thấy cần
thiết.
5. Kết luận và báo cáo kết
quả điều tra vụ NĐTP
a) Sau khi tiến hành 11 bước điều
tra NĐTP, Đội điều tra NĐTP phải tổng hợp, phân tích, kết luận kết quả điều tra
theo những nội dung sau: Địa điểm, địa chỉ xảy ra vụ NĐTP; thời gian xảy ra vụ
NĐTP; loại hình xảy ra vụ NĐTP; số người mắc, số người tử vong liên quan đến vụ
NĐTP; bữa ăn nguyên nhân; thức ăn nguyên nhân; tác nhân gây NĐTP; nguyên nhân
NĐTP.
b) Báo cáo vụ NĐTP: Thực hiện
theo Quyết định số 3081/QĐ-BYT ngày 15/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Báo cáo ban đầu vụ NĐTP: Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo Trung tâm Y tế cập nhật diễn biến
tình hình vụ NĐTP từ báo cáo của các địa phương (xã, phường, thị trấn), chậm nhất
24 giờ kể từ khi xảy ra vụ ngộ độc báo cáo nhanh về Sở Y tế (thông qua Chi cục
An toàn vệ sinh thực phẩm) để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời
cập nhật báo cáo theo mẫu 3A ban hành kèm theo Quyết định số 3081/QĐ-BYT ngày
15/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Báo cáo kết thúc vụ NĐTP: Sau
khi vụ NĐTP kết thúc (chậm nhất 07 ngày làm việc kể từ thời gian mắc ca NĐTP cuối
cùng), Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo Trung tâm Y tế tổng hợp báo cáo
về Sở Y tế (thông qua Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm) theo mẫu số 3B ban
hành kèm theo Quyết định số 3081/QĐ-BYT ngày 15/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Chậm nhất 10 ngày làm việc kể từ thời gian mắc ca NĐTP cuối cùng, Sở Y tế báo
cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế theo quy định.
VI. CÔNG TÁC
CHUẨN BỊ ỨNG PHÓ VỚI NĐTP
1. Sở Y tế
a) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc
liên quan chuẩn bị các điều kiện cần thiết để hỗ trợ điều tra phân tích căn
nguyên, kết luận nguyên nhân gây NĐTP và tiến hành xử lý vụ NĐTP một cách phù hợp,
hiệu quả.
b) Chỉ đạo Đội điều tra, xử lý
ngộ độc thực phẩm tuyến tỉnh (thường trực là Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm):
thường xuyên kiện toàn và phân công các thành viên Đội Điều tra NĐTP, chuẩn bị
sẵn sàng phương tiện, dụng cụ thực hiện việc điều tra, xử lý NĐTP, lấy mẫu thực
phẩm, bệnh phẩm.
c) Chỉ đạo các Bệnh viện tuyến
tỉnh: Xây dựng Phương án thu dung cấp cứu, điều trị, vận chuyển người bệnh,
trong đó lưu ý chuẩn bị đầy đủ nhân lực, xe chuyên dùng vận chuyển người bệnh,
phương tiện, trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất đáp ứng việc cấp cứu, điều
trị người bệnh; chú ý phân loại người bị ngộ độc có triệu chứng nặng, trẻ em và
người già để ưu tiên điều trị, hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra tử vong; phối hợp
cung cấp mẫu bệnh phẩm khi có yêu cầu.
Căn cứ tính chất, quy mô vụ
NĐTP, Sở Y tế đề nghị Sở Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ
trợ phương tiện để kịp thời vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế cấp cứu.
2. Sở Giao thông vận tải, các
doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, các Khách sạn, Resort
liên quan,…: chuẩn bị phương án huy động phương tiện tham gia vận chuyển người
bệnh đến các cơ sở cấp cứu theo đề nghị từ Sở Y tế khi có tình huống xảy ra.
3. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố chỉ đạo các bộ phận phòng ban, đơn vị, địa phương liên quan chuẩn bị
đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, phương tiện và các điều kiện cần thiết để kịp
thời xử lý, ứng phó khi có NĐTP xảy ra trên địa bàn quản lý.
VII. CÁC
TÌNH HUỐNG VÀ PHƯƠNG ÁN ỨNG PHÓ KHI CÓ NĐTP XẢY RA
1. Tình huống
1: Vụ NĐTP có số người mắc dưới 30 người/vụ, không có trường hợp tử vong
a) Công tác chỉ đạo
Ban chỉ đạo liên ngành ATTP huyện,
thành phố có trách nhiệm:
- Huy động lực lượng Công an địa
phương hỗ trợ bảo đảm an ninh, trật tự tại nơi xảy ra vụ NĐTP và nơi cấp cứu,
điều trị bệnh nhân NĐTP (khi cần thiết).
- Chỉ đạo, huy động các nguồn lực
tích cực triển khai các hoạt động điều tra nguyên nhân, khắc phục hậu quả do
NĐTP gây ra.
- Tạm dừng hoạt động hoặc đề xuất
tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm gây
ra ngộ độc cho đến khi có kết quả điều tra nguyên nhân gây NĐTP.
- Hàng ngày, báo cáo UBND tỉnh
và Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh (Sở Y tế - Cơ quan thường trực) về diễn biến
vụ NĐTP trên địa bàn quản lý.
- Sẵn sàng phương án triển khai
các hoạt động ứng phó với tình huống có số người bị NĐTP tăng cao hơn 30 người
hoặc có trường hợp tử vong.
b) Các bước tiến hành
- Bước 1: Tiếp nhận thông tin
và tổ chức cấp cứu người bị NĐTP
Ủy ban nhân dân huyện, thành phố
căn cứ chức năng nhiệm vụ và nguyên tắc thực hiện tại Phương án này chỉ đạo Đội
điều tra NĐTP, cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện khi tiếp nhận thông tin về vụ
NĐTP cần nắm bắt và khai thác các thông tin quy định tại khoản 2 Điều 5 Chương
II Quyết định số 39/2006/QĐ- BYT ngày 13/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế, kịp thời
báo cáo với lãnh đạo quản lý trực tiếp để chỉ đạo tổ chức cấp cứu, điều tra, xử
lý vụ NĐTP; huy động lực lượng Công an địa phương hỗ trợ bảo đảm an ninh, trật
tự tại nơi xảy ra vụ NĐTP và nơi cấp cứu, điều trị bệnh nhân NĐTP (khi cần thiết);
huy động phương tiện, nguồn lực tại chỗ để vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế
để cấp cứu kịp thời.
- Bước 2: Điều tra, xác minh
thông tin vụ NĐTP
Đội điều tra, xử lý NĐTP tuyến
huyện: theo thẩm quyền phân công, phân cấp và thông tin ghi nhận ban đầu vụ
NĐTP (ghi nhận trên địa bàn các huyện, thành phố) tiến hành xác minh thông tin,
điều tra nguyên nhân vụ NĐTP theo trình tự quy định tại Điều 7, Điều 8 Quyết định
số 39/2006/QĐ-BYT ngày 13/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Lấy mẫu thực phẩm, bệnh
phẩm liên quan đến trường hợp NĐTP để gửi kiểm nghiệm (khi cần thiết).
Đối với các trường hợp nghi
NĐTP vào cấp cứu, điều trị (hoặc được chuyển tuyến) tại các Bệnh viện tuyến tỉnh
thì Đội điều tra, xử lý NĐTP tuyến tỉnh hỗ trợ điều tra, xác minh thông tin vụ
NĐTP theo trình tự quy định tại Điều 7, Điều 8 Quyết định số 39/2006/QĐ-BYT
ngày 13/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Tiến hành truy xuất nguồn gốc
và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý hoặc đề
nghị Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương theo chức
năng, nhiệm vụ được phân công, phân cấp chỉ đạo đơn vị trực thuộc phối hợp với
cơ quan liên quan tại địa phương điều tra, phân tích căn nguyên gây ngộ độc.
- Bước 3: Báo cáo ban đầu vụ
NĐTP
Ủy ban nhân dân huyện, thành phố
chỉ đạo Trung tâm Y tế cập nhật diễn biến tình hình vụ NĐTP từ báo cáo của các
địa phương (xã, phường, thị trấn), chậm nhất 24 giờ kể từ khi xảy ra vụ ngộ độc
báo cáo nhanh về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời cập
nhật báo cáo theo mẫu 3A ban hành kèm theo Quyết định số 3081/QĐ-BYT ngày
15/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
c) Kết luận vụ NĐTP, báo cáo kết
thúc vụ NĐTP:
- Sau khi đã tiến hành điều tra
NĐTP, Đội điều tra ngộ độc thực phẩm của địa bàn xảy ra NĐTP phải tổng hợp, phân
tích, kết luận kết quả điều tra theo những nội dung sau: Địa điểm, địa chỉ xảy
ra vụ NĐTP; thời gian xảy ra vụ NĐTP; loại hình xảy ra vụ NĐTP; số người mắc, số
người tử vong liên quan đến vụ NĐTP; bữa ăn nguyên nhân; thức ăn nguyên nhân;
tác nhân gây NĐTP; nguyên nhân NĐTP.
- Báo cáo kết thúc vụ NĐTP: Sau
khi vụ NĐTP kết thúc (chậm nhất 07 ngày làm việc kể từ thời gian mắc ca NĐTP cuối
cùng), Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo Trung tâm Y tế tổng hợp báo cáo
về Sở Y tế (thông qua Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm) theo mẫu số 3B ban
hành kèm theo Quyết định số 3081/QĐ-BYT ngày 15/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Chậm nhất 10 ngày làm việc kể từ thời gian mắc ca NĐTP cuối cùng, Sở Y tế báo
cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế theo quy định.
2. Tình huống
2: Vụ NĐTP có số người mắc trên 30 người/vụ hoặc có trường hợp tử vong
a) Ủy ban nhân dân huyện, thành
phố: Thực hiện các nội dung chỉ đạo, các bước tiến hành như tình huống 1 đã nêu
ở trên; Thực hiện công tác báo cáo theo quy định.
b) Sở Y tế hỗ trợ địa phương thực
hiện các nội dung như sau:
- Công tác cấp cứu, điều trị
người bị NĐTP: Chỉ đạo Bệnh viện tuyến tỉnh gần nơi xảy ra NĐTP điều động Đội cấp
cứu cơ động xuống hiện trường để phối hợp với lực lượng của Trung tâm Y tế cấp
cứu, điều trị người bệnh tại chỗ; Chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tiếp
nhận, cấp cứu điều trị người bệnh; Huy động phương tiện, nhân lực trong và
ngoài ngành triển khai kịp thời công tác vận chuyển cấp cứu cho người bị ngộ độc.
- Công tác điều tra, xác minh
thông tin vụ NĐTP: Chỉ đạo Đội điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm tuyến tỉnh trực
tiếp đến hiện trường để hỗ trợ, phối hợp Đội điều tra NĐTP huyện, thành phố điều
tra, xử lý vụ NĐTP; lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm liên quan đến trường hợp NĐTP
để gửi kiểm nghiệm (khi cần thiết); tham gia hỗ trợ chỉ định chỉ tiêu xét nghiệm,
gửi mẫu kiểm nghiệm tới các Viện khu vực, Viện chuyên ngành Trung ương.
Trong trường hợp cần thiết, Sở
Y tế đề nghị Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, các Viện khu vực, Viện chuyên
ngành Trung ương hỗ trợ điều tra, xác định nguyên nhân gây ra vụ NĐTP, cũng như
công tác khắc phục hậu quả vụ NĐTP.
- Trường hợp có tử vong, Sở Y tế
chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Giám định Y khoa - Pháp y phối
hợp với cơ quan Công an tiến hành điều tra khi giải phẫu bệnh lý, lấy dịch
trong đường tiêu hóa, máu, tim, phổi của những người bị tử vong để xét nghiệm
xác định nguyên nhân tử vong.
- Công tác truy xuất nguồn gốc
thực phẩm: Tiến hành truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc
lĩnh vực được phân công quản lý hoặc đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Sở Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, phân cấp chỉ đạo
đơn vị trực thuộc phối hợp với cơ quan liên quan tại địa phương điều tra, phân
tích căn nguyên gây ngộ độc.
VIII. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
a) Chủ động phối hợp các Sở,
ban, ngành thuộc tỉnh và địa phương tham mưu các biện pháp, giải pháp nhằm kịp
thời ngăn chặn NĐTP xảy ra.
b) Thường xuyên tuyên truyền,
hướng dẫn các cơ sở thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện tốt các quy định
bảo đảm ATTP, thông tin kịp thời với cơ quan chức năng khi có nghi ngờ NĐTP xảy
ra do sử dụng thực phẩm của đơn vị mình cung cấp; xây dựng phương án sẵn sàng ứng
phó khi xảy ra NĐTP tại đơn vị để chủ động trong mọi tình huống, hạn chế đến mức
thấp nhất ảnh hưởng tính mạng, sức khỏe người lao động và hoạt động sản xuất,
kinh doanh; bố trí địa điểm đáp ứng cơ bản những yêu cầu về tiếp nhận, cấp cứu,
điều trị người bệnh tại chỗ cho ngành Y tế khi cần thiết (hội trường, phân xưởng
sản xuất…).
c) Kiện toàn Đội điều tra NĐTP
tuyến tỉnh; ban hành quy chế phối hợp trong điều tra, xử lý NĐTP; chỉ đạo các
đơn vị trực thuộc có phương án cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị NĐTP; phối
hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các
cơ quan, đơn vị liên quan điều tra, xử lý, khắc phục NĐTP; truy xuất nguồn gốc
đối với sản phẩm thực phẩm gây NĐTP theo lĩnh vực được phân công quản lý.
d) Tham mưu UBND tỉnh thành lập
Bệnh viện dã chiến (khi cần thiết).
đ) Công khai số điện thoại đường
dây nóng trên trang thông tin điện tử để tiếp nhận thông tin về các vụ NĐTP
trên địa bàn. Thiếp lập hệ thống kết nối Lãnh đạo và cán bộ chuyên môn để liên
lạc giữa các tuyến trong công tác ứng phó khi có NĐTP xảy ra.
e) Đầu mối cập nhật thông tin,
thực hiện các báo cáo NĐTP kịp thời theo quy định.
2. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Sở Công Thương
a) Khi xảy ra NĐTP do các sản
phẩm thuộc trách nhiệm ngành quản lý, có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị, bộ phận
liên quan cung cấp đầy đủ hồ sơ thông tin liên quan tới nguồn gốc thực phẩm
nghi ngờ gây ngộ độc; phối hợp với Sở Y tế điều tra nguyên nhân và chủ trì
trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được
phân công quản lý.
b) Công khai số điện thoại đường
dây nóng trên trang thông tin điện tử để tiếp nhận thông tin về các vụ NĐTP
trên địa bàn.
c) Hướng dẫn các doanh nghiệp
thuộc thẩm quyền quản lý (có tổ chức bếp ăn tập thể cho công nhân, người lao động)
triển khai các nhiệm vụ sau:
- Thông tin kịp thời với cơ
quan chức năng tại địa phương khi có NĐTP xảy ra.
- Xây dựng phương án sẵn sàng ứng
phó NĐTP tại đơn vị để chủ động trong mọi tình huống, hạn chế đến mức thấp nhất
ảnh hưởng tính mạng, sức khỏe người lao động và hoạt động sản xuất, kinh doanh;
- Bố trí địa điểm đáp ứng cơ bản
những yêu cầu về tiếp nhận, cấp cứu, điều trị người bệnh tại chỗ cho ngành Y tế
khi cần thiết (hội trường, phân xưởng sản xuất…).
- Phối hợp với ngành Y tế hỗ trợ
phương tiện để vận chuyển bệnh nhân NĐTP đi cấp cứu kịp thời.
3. Sở Giao thông vận tải: Chuẩn
bị phương án huy động các phương tiện để tham gia vận chuyển người bệnh đi cấp
cứu theo đề nghị từ Sở Y tế khi có tình huống xảy ra.
4. Công an tỉnh
a) Hỗ trợ bảo đảm an ninh, trật
tự tại nơi điều trị người bệnh, nơi xảy ra vụ NĐTP có quy mô lớn và diễn biến
phức tạp.
b) Trực tiếp phối hợp xác minh,
điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các vụ NĐTP có dấu hiệu tội
phạm, tử vong.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chỉ đạo Ban Giám hiệu các trường
học thông tin kịp thời khi có NĐTP xảy ra tại các trường học trên địa bàn quản
lý; phối hợp với Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc vận
chuyển người bệnh đi cấp cứu, điều trị; phối hợp cơ quan chức năng truy xuất
nguồn gốc và cung cấp các hồ sơ liên quan đến NĐTP.
6. Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch
a) Phối hợp với các ngành chức
năng của tỉnh khi có yêu cầu trong việc kiểm tra công tác ATTP tại cơ sở kinh
doanh lưu trú có hoạt động kinh doanh ăn uống, phục vụ khách và tại các sự kiện
văn hóa, thể thao, du lịch do tỉnh tổ chức.
b) Chỉ đạo các khách sạn,
resort, các cơ sở lưu trú du lịch, các điểm có hoạt động du lịch, lễ hội, các sự
kiện văn hóa, thể thao chuẩn bị phương án huy động các phương tiện tại chỗ để
tham gia vận chuyển người bệnh đi cấp cứu theo đề nghị từ Sở Y tế khi có tình
huống xảy ra; bố trí khu vực để tiếp nhận, cấp cứu tạm thời trước khi vận chuyển
đến cơ sở y tế.
7. Sở Thông tin và Truyền
thông
a) Phối hợp với Sở Y tế, các cơ
quan, đơn vị có liên quan cung cấp thông tin kịp thời trên các phương tiện
thông tin đại chúng về tình hình diễn biến NĐTP, các khuyến cáo phòng, chống
NĐTP để người dân không hoang mang, lo lắng và biết cách bảo vệ bản thân, gia
đình.
b) Chỉ đạo xử lý thông tin sai
sự thật, thông tin xấu, độc trên không gian mạng; phối hợp với các cơ quan, đơn
vị, địa phương tăng cường công tác theo dõi, xử lý các hành vi cung cấp, đăng tải,
chia sẻ thông tin vi phạm trên mạng xã hội về tình hình NĐTP.
8. Sở Tài chính: Phối hợp
với Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố
trí kinh phí triển khai thực hiện công tác đảm bảo ATTP từ dự toán hàng năm và
trong khả năng cân đối của ngân sách.
9. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham
mưu cân đối, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các hoạt động bảo đảm ATTP.
10. Ban Quản lý và các doanh
nghiệp trong Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh
a) Ban Quản lý các khu công
nghiệp phối hợp với Sở Y tế trong công tác: tuyên truyền thực hiện tốt các quy
định bảo đảm ATTP đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; phối hợp ứng
phó khi xảy ra NĐTP tại doanh nghiệp để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng
tính mạng, sức khỏe người lao động và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
b) Các doanh nghiệp trong khu
công nghiệp xây dựng phương án huy động các phương tiện tại chỗ để tham gia vận
chuyển người bệnh đi cấp cứu theo đề nghị từ Sở Y tế khi có tình huống xảy ra
và bố trí khu vực để tiếp nhận, cấp cứu tạm thời trước khi vận chuyển đến cơ sở
y tế.
11. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố
a) Thường xuyên kiện toàn Đội
điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm của tuyến huyện, tuyến xã; phối hợp và phân
công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể cho các thành viên trong Đội điều tra, xử lý
ngộ độc thực phẩm.
b) Công khai số điện thoại đường
dây nóng trên trang thông tin điện tử UBND các huyện, thành phố để tiếp nhận
thông tin về các vụ NĐTP trên địa bàn.
c) Chỉ đạo các đơn vị y tế trên
địa bàn quản lý chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương
tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc
xảy ra.
d) Huy động lực lượng Công an,
Quân đội địa phương hỗ trợ bảo đảm an ninh, trật tự tại nơi xảy ra vụ NĐTP và
nơi cấp cứu, điều trị bệnh nhân NĐTP.
đ) Thực hiện cập nhật tình hình
NĐTP và báo cáo NĐTP theo quy định.
e) Chỉ đạo các đơn vị liên quan
tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý (cơ sở dịch vụ
ăn uống, các bếp ăn tập thể) triển khai các nhiệm vụ sau:
- Thông tin kịp thời với cơ
quan chức năng tại địa phương khi có NĐTP xảy ra.
- Xây dựng phương án sẵn sàng ứng
phó NĐTP tại đơn vị để chủ động trong mọi tình huống, hạn chế đến mức thấp nhất
ảnh hưởng tính mạng, sức khỏe người lao động và hoạt động sản xuất, kinh doanh;
- Bố trí địa điểm đáp ứng cơ bản
những yêu cầu về tiếp nhận, cấp cứu, điều trị người bệnh tại chỗ cho ngành Y tế
khi cần thiết (hội trường, phân xưởng sản xuất…).
- Phối hợp với ngành Y tế hỗ trợ
phương tiện để vận chuyển bệnh nhân NĐTP đi cấp cứu kịp thời.
12. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh: Chỉ đạo các tổ
chức thành viên tích cực, chủ động phối hợp với ngành y tế và chính quyền các cấp
thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức và thực hành để thực
hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống NĐTP; phát huy vai trò, trách nhiệm của
mỗi người dân trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe của bản thân, gia đình và
cộng đồng.
Trong quá trình thực hiện, nếu
có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị báo cáo bằng văn bản về Ủy ban nhân
dân tỉnh (thông qua Sở Y tế) để có hướng giải quyết kịp thời./.
Nơi nhận:
- Bộ Y tế (b/c);
- Cục ATTP - Bộ Y tế;
- Viện Pasteur Nha Trang;
- TT.Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh và các đoàn thể;
- Ban VHXH, KTNS HĐND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh;
- Báo Ninh Thuận;
- Đài PTTH tỉnh;
- UBND huyện, thành phố;
- Chi cục ATVSTP;
- VPUB: LĐ, KTTH;
- Lưu: VT, VXNV. NNN
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Huyền
|