NGHỊ QUYẾT
VỀ MỘT SỐ BIỆN
PHÁP, CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH THỰC HIỆN CÔNG TÁC DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH ĐẾN
NĂM 2010 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHOÁ XI - KỲ HỌP THỨ 14
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn
cứ Pháp lệnh Dân số ngày 09/01/2003;
Sau khi xem xét Tờ trình số
4463/TTr-UBND ngày 19/11/2008 của UBND tỉnh về một số chủ trương, biện pháp tiếp
tục đẩy mạnh thực hiện công tác dân số kế hoạch hoá gia đình đến năm 2010 và những
năm tiếp theo; Báo cáo thẩm tra số 31/BC-VHXH ngày 03/12/2008 của Ban Văn hoá -
Xã hội HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Thông qua một số biện pháp, cơ chế,
chính sách thực hiện công tác dân số kế hoạch hoá gia đình đến năm 2010 và những
năm tiếp theo với các nội dung sau:
I. Mục tiêu tổng
quát và chỉ tiêu chủ yếu:
1. Mục tiêu tổng quát:
Thực hiện mỗi cặp vợ chồng chỉ nên
sinh 1 hoặc 2 con, duy trì mức sinh thay thế một cách bền vững. Nâng cao chất
lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu công
nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần phát triển tỉnh Quảng Ninh văn minh, giàu đẹp.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu:
Tập
trung mọi nỗ lực để thực hiện các mục tiêu kế hoạch về dân số - kế hoạch hoá
gia đình đã đề ra đến năm 2010, trong đó tập trung thực hiện một số chỉ tiêu
chủ yếu sau:
a) Chỉ tiêu về quy mô dân số:
- Tiếp tục giảm sinh, thực hiện
bình quân hàng năm giảm 0,3%o.
- Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở
lên hàng năm 0,3%.
- Tăng tỷ lệ sử dụng các biện pháp
tránh thai hiện đại bình quân 0,5%/năm.
b) Chỉ tiêu về chất lượng dân số:
- Giảm tỷ số phá thai bình quân
hàng năm từ 10%-15%.
- Có 85% số người trong độ tuổi vị
thành niên, thanh niên trở lên có kiến thức và hiểu biết các vấn đề về chăm sóc
sức khoẻ sinh sản/kế hoạch hoá gia đình. Chú trọng giảm tỷ số phá thai và tỷ lệ
sinh trong độ tuổi vị thành niên.
- Tăng cường tuyên truyền, vận động
và tư vấn việc kiểm tra sức khoẻ trước hôn nhân, đến năm 2010: 20% các cặp nam
nữ được kiểm tra sức khoẻ trước khi kết hôn.
- Có 60% các cặp vợ chồng vô sinh
được tiếp nhận các hướng dẫn kiến thức về các dịch vụ liên quan.
- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em
dưới 5 tuổi xuống dưới 19%.
- Giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1
tuổi xuống dưới 17%o, trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 22%o.
- Giảm
tỷ lệ tử vong mẹ liên quan đến thai sản còn 25/100.000 ca sinh sống.
- Giảm số phụ nữ có con bị dị tật,
dị dạng bẩm sinh bình quân hàng năm 0,1%.
II. Những biện
pháp và cơ chế, chính sách:
1. Tăng cường chỉ đạo thực hiện
công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình của chính quyền, đoàn thể các cấp. Thường
xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện công tác dân số và kế hoạch hoá
gia đình của từng địa phương, đơn vị; khắc phục triệt để tư tưởng chủ quan, thoả
mãn, buông lỏng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Đưa công tác dân số và kế
hoạch hoá gia đình thành nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động của
các cấp chính quyền, đoàn thể, xem đây là một tiêu chuẩn để đánh giá mức độ
hoàn thành nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện
công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình ở các cấp với thành phần là các ban,
ngành, đoàn thể và dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Uỷ ban Nhân dân.
2. Tiếp tục củng cố, ổn định, kiện
toàn tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình các
cấp của tỉnh; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ làm
công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình các cấp, đặc biệt là mạng lưới cộng
tác viên dân số ở thôn, xóm, bản làng, khu phố.
3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
vận động, giáo dục trong toàn xã hội về dân số và kế hoạch hoá gia đình với những
hình thức và nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng, tập trung vào các đối tượng
người nghèo, khó khăn, bị thiệt thòi và ở những vùng đông dân, vùng có mức sinh
cao, vùng có tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên cao. Huy động toàn xã hội tham gia
công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình. Nâng cao trách nhiệm và tăng cường sự
phối hợp của các cấp, các ngành, đoàn thể nhân dân, đồng thời huy động các tổ
chức xã hội và các thành phần kinh tế tích cực tham gia công tác này. Tạo điều
kiện và môi trường thuận lợi cho mỗi gia đình, mỗi người dân tự nguyện thực hiện
chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình.
4. Nâng cao chất lượng dịch vụ
chăm sóc sức khoẻ sinh sản/ kế hoạch hoá gia đình; đa dạng hoá, cải thiện và
nâng cao chất lượng các loại hình cung cấp dịch vụ sức khoẻ sinh sản/ kế hoạch
hoá gia đình, lựa chọn và triển khai các mô hình cung ứng dịch vụ thích hợp với
từng địa phương, tập trung vào các địa bàn miền núi, dân tộc, hải đảo nơi có mức
sinh cao.
5. Tiếp tục thực hiện và mở rộng
các mô hình, giải pháp nâng cao chất lượng dân số nhằm giảm thiểu các trẻ sinh
ra bị dị tật, bệnh bẩm sinh; giảm tình trạng vị thành niên, thanh niên quan hệ
tình dục trước hôn nhân, nạo phá thai và mắc các bệnh lây truyền qua đường tình
dục do thiếu kiến thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên/thanh niên;
ngăn chặn tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh; tuyên truyền, vận động kiểm
tra sức khoẻ của các cặp vợ chồng trước khi kết hôn; thực hiện tốt việc chăm
sóc người già, người nghèo, người bị thiệt thòi, tàn tật trong tỉnh.
6. Tiếp
tục đưa kết quả thực hiện các mục tiêu dân số và kế hoạch hoá gia đình là một
trong những tiêu chí đánh giá thi đua khen thưởng. Trong quá trình tổ chức thực
hiện, cần biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân thực hiện tốt
chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, đồng thời xử lý nghiêm những đối tượng
vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình theo quy định.
7. Về chính sách và đầu tư nguồn lực:
a) Về chính sách: tiếp tục thực hiện
có hiệu quả các chính sách về dân số - kế hoạch hoá gia đình đã được ban hành để
đảm bảo quy mô dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.
b) Về nguồn lực đầu tư:
- Thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng
kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia dân số - kế hoạch hoá gia
đình giai đoạn 2006 -2010 do Trung ương phân bổ theo kế hoạch hàng năm đảm bảo
theo quy định.
- Ngoài nguồn ngân sách Trung ương
phân bổ có mục tiêu theo kế hoạch, hàng năm ngân sách tỉnh bố trí thêm để thực
hiện công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình với mức bình quân là 3.000 đồng/một
người dân, ước tính khoảng 3.300 triệu đồng/năm, trong đó ưu tiên đầu tư cho
các vùng đông dân có mức sinh cao, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Hàng năm, các cấp chính quyền cơ sở trực thuộc tỉnh cần quan tâm chỉ đạo thực
hiện tốt công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình, trong đó bố trí nguồn lực đầu
tư thích hợp cho công tác này; Đồng thời tích cực vận động sự đóng góp của các
cá nhân và các tổ chức trong và ngoài tỉnh, các tổ chức nước ngoài đầu tư cho
lĩnh vực dân số - kế hoạch hoá gia đình nhằm huy động tối đa các nguồn lực đầu
tư.
III. Tổ chức thực
hiện:
Hội đồng Nhân dân tỉnh giao:
- Uỷ ban Nhân dân tỉnh triển khai
thực hiện Nghị quyết này.
- Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh,
các Ban và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng
Nhân dân tỉnh Quảng Ninh khoá XI kỳ họp thứ 14 thông qua ngày 12/12/2008 và có
hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.