ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 90/KH-UBND
|
Hà Nội, ngày 06 tháng 05 năm 2016
|
KẾ HOẠCH
QUẢN
LÝ GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
Năm 2015, Hà Nội có tổng đàn gia súc,
gia cầm khoảng 167,2 nghìn con trâu bò, 1,55 triệu con lợn
và 25,4 triệu con gia cầm các loại; tổng sản lượng thịt
hơi các loại đạt 400,4 ngàn tấn, sản lượng sữa bò 34.990 tấn, trứng gia cầm
1.349 triệu quả. Sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm đã đáp ứng nhu cầu tiêu
dùng của nhân dân thủ đô. Năm 2016, dự tính nhu cầu tiêu dùng thịt hơi gia súc,
gia cầm của nhân dân Hà Nội khoảng 678.000 tấn. Dự báo nhu cầu thịt gia súc,
gia cầm của người dân Thủ đô đến năm 2020 khoảng 753.500 tấn.
Hiện tại, Hà Nội có 73 cơ sở, điểm giết
mổ đang hoạt động được kiểm soát; trong đó có 03 cơ sở giết mổ công nghiệp, 17
cơ sở bán công nghiệp và 04 cơ sở giết mổ tập trung thủ công, với tổng lượng thịt giết mổ khoảng 414 tấn thịt/ngày, đáp ứng khoảng
45,5% sản phẩm giết mổ có kiểm soát. Tuy nhiên, còn tồn tại khoảng gần 1.500 điểm
giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư, không đảm bảo vệ sinh thú y,
an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường.
Một số nguyên nhân về tồn tại, hạn chế
trong quản lý giết mổ, cụ thể:
- Các cơ sở giết mổ công nghiệp không
có nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, thiếu hệ thống phân phối sản phẩm, thiếu
sự hỗ trợ của chế biến sau giết mổ, chi phí giết mổ cao nên giảm tính cạnh
tranh.
- Quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán
chiếm đa số, thiếu các cơ sở giết mổ tập trung nên hiện tại còn tồn tại phương
thức giết mổ nhỏ lẻ.
- Sự vào cuộc của cấp chính quyền cơ
sở chưa quyết liệt, chưa tập trung triển khai Quy hoạch cơ sở giết mổ; chưa kiểm
tra thường xuyên, xử lý vi phạm trong quản lý giết mổ,
kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm.
- Chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt
động giết mổ, kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm chưa đồng bộ, chưa thật sự
phát huy hiệu quả.
Phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục
tồn tại, hạn chế trong quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, UBND Thành phố ban
hành “Kế hoạch Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội
giai đoạn 2016 - 2020”.
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
1. Mục tiêu
1.1. Mục tiêu chung
- Kiểm soát giết mổ, kinh doanh, chế
biến sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Nội. Ngăn chặn có hiệu quả dịch
bệnh nguy hiểm có thể lây lan sang người. Tạo điều kiện hỗ trợ phát triển chăn
nuôi tập trung.
- Đảm bảo cung cấp phần lớn lượng thịt
gia súc, gia cầm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô từ các cơ sở giết mổ, chế
biến tập trung đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.
Tiến tới chấm dứt hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, phân tán, manh
mún.
- Nâng cao nhận thức về an toàn thực
phẩm cho cộng đồng; tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất,
sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật; thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân.
- Gắn kết Quy hoạch vùng chăn nuôi với
Quy hoạch giết mổ để đảm bảo chủ động nguồn cung cấp cho
các cơ sở giết mổ, đồng thời quản lý được hoạt động giết mổ, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, vệ sinh
môi trường.
1.2. Mục tiêu cụ thể
Giai đoạn 1: Từ
năm 2016 - 2018
- Nâng tỷ lệ sản phẩm sau giết mổ của
các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp, thủ công đảm bảo vệ sinh thú y,
an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường đạt 60%.
- Giảm 60% số điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ
hiện tại vào năm 2018.
- Đảm bảo 50% số lượng sản phẩm gia
súc, gia cầm được vận chuyển bằng xe chuyên dụng đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn
thực phẩm.
- Quản lý các chợ kinh doanh sản phẩm
nhằm đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.
- Hình thành hệ thống các cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm an toàn trong nội thành, nội thị.
Giai đoạn 2: Từ năm 2019 - 2020
- Đến năm 2020, sản phẩm gia súc, gia
cầm sau giết mổ của các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp, thủ công đảm
bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường đạt
80%.
- Giảm 80% số điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ
hiện tại vào năm 2020.
- Đảm bảo 60% số lượng sản phẩm gia
súc, gia cầm được vận chuyển bằng xe chuyên dụng đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn
thực phẩm.
- Mở rộng hệ thống các cửa hàng
chuyên kinh doanh thực phẩm an toàn rộng khắp trong nội thành, nội thị.
2. Yêu cầu
- Tổ chức thực hiện Quy hoạch hệ thống
cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm đến năm 2020.
- Tuyên truyền phổ biến pháp luật,
các quy định về giết mổ gia súc, gia cầm đến người sản xuất kinh doanh, người
tiêu dùng và ban hành chính sách khuyến khích, thu hút các cá nhân, tổ chức đầu
tư vào lĩnh vực giết mổ.
- Thanh tra, kiểm tra hoạt động giết
mổ, kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm
gia súc, gia cầm. Xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ, sơ chế,
chế biến, kinh doanh vi phạm quy định.
II. KẾ HOẠCH VÀ GIẢI
PHÁP THỰC HIỆN
1. Kế hoạch thực
hiện Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn
các huyện, thị xã
a) Giai đoạn 2016 - 2018: xây dựng 7
cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp, bán công nghiệp. Trong đó, có 2 cơ sở giết
mổ công nghiệp gắn với chế biến sản phẩm và 5 cơ sở giết mổ tập trung bán công
nghiệp.
b) Giai đoạn 2019 - 2020: xây dựng 3
cơ sở giết mổ tập trung, bán công nghiệp.
c) Ngoài ra, các huyện, thị xã chủ động
xây dựng và đưa vào hoạt động 1 đến 2 cơ sở giết mổ tập trung đảm bảo vệ sinh
thú y, an toàn thực phẩm nhằm phục vụ tiêu thụ nội huyện và đưa các cơ sở giết
mổ nhỏ lẻ vào quản lý.
2. Giải pháp thực
hiện
2.1. Thông tin, tuyên truyền
- Xây dựng các chuyên đề phù hợp về
an toàn thực phẩm trong sản xuất, lưu thông, giết mổ, sơ chế, chế biến gia súc,
gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm, định kỳ tuyên truyền phổ biến pháp luật,
các chế độ, chính sách đối với người sản xuất kinh doanh và định hướng người
tiêu dùng.
- Công bố Quyết định số 5791/QĐ-UBND
ngày 12/12/2012 của UBND Thành phố, Quy hoạch xây dựng các cơ sở giết mổ của
UBND cấp huyện và Chính sách hỗ trợ giết mổ, kinh doanh, vận chuyển gia súc,
gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm theo tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an
toàn thực phẩm;
2.2. Tổ chức kiểm tra, kiểm soát
- Phối hợp các lực lượng liên ngành
Thành phố thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh gia súc,
gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm. Xử lý nghiêm các
cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh vi phạm
quy định về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.
- UBND quận, huyện, thị xã phối hợp với
các sở, ngành liên quan: kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh
doanh gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý.
- Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực
đội ngũ cán bộ quản lý hoạt động giết mổ, kinh doanh gia
súc, gia cầm. Đầu tư nguồn nhân lực, trang thiết bị và kinh phí cho công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y.
2.3. Công tác quản lý, chính sách thu
hút đầu tư
- UBND các huyện, thị xã căn cứ nội
dung Quy hoạch theo Quyết định số 5791/QĐ-UBND , ưu tiên bố trí quỹ đất công, quỹ
đất II dành cho quy hoạch xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung kết hợp với thực
hiện xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
- Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức thẩm
định trình UBND Thành phố ban hành danh mục và hướng dẫn cơ sở giết mổ đạt điều
kiện được hỗ trợ đầu tư theo Quyết định số 3410/QĐ-UBND ngày 30/7/2012 của UBND
Thành phố. Đơn giá chi phí giết mổ hàng năm giao Sở Tài
chính thẩm định báo cáo UBND Thành phố ban hành làm cơ sở để hỗ trợ.
- Gắn Quy hoạch các cơ sở giết mổ với
Quy hoạch nâng cấp, xây dựng khu bán thực phẩm tại các chợ truyền thống, chợ đầu
mối kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm; hình thành hệ thống các cửa
hàng kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm sạch. Quản lý nguồn gốc gia súc, gia
cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm.
- Tuyên truyền vận
động các hộ giết mổ nhỏ lẻ vào các
khu giết mổ tập trung theo quy hoạch, tiến tới xóa bỏ giết mổ nhỏ lẻ không đảm
bảo vệ môi trường, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
2.4. Hỗ trợ chi phí cho các cơ sở giết
mổ
a) Hỗ trợ đầu tư mới: Các cơ giết mổ
gia súc, gia cầm đáp ứng đủ các điều kiện quy định sẽ được hỗ trợ chi phí theo
Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến
khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
b) Hỗ trợ sau giết mổ: Các cơ sở giết
mổ gia súc, gia cầm đáp ứng đủ các điều kiện theo Quyết định số 3410/QĐ-UBND ngày
30/7/2012 của UBND Thành phố được thực hiện hỗ trợ chi phí giết mổ theo Điều 7,
Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 06/7/2012 của UBND Thành phố ban hành “Quy định
thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng
hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội”.
III. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
Sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp của
UBND Thành phố. Hàng năm giao Sở Nông nghiệp và PTNT căn cứ kế hoạch xây dựng kế
hoạch và dự toán chi tiết gửi Sở Tài chính thẩm định, báo cáo UBND Thành phố
phê duyệt.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và PTNT
a) Phân công 01 lãnh đạo phụ trách phối
hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã triển khai “Kế
hoạch Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà
Nội giai đoạn 2016 - 2020”.
b) Chủ trì, phối hợp các sở, ngành
liên quan và UBND các huyện, thị xã: Tham mưu, đề xuất UBND Thành phố ban hành
điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế
nhằm hỗ trợ khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế
biến, bảo quản sản phẩm gia súc trên địa bàn Hà Nội. Thẩm định đánh giá cơ sở
giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp trình UBND Thành phố ban hành danh mục cơ
sở giết mổ đủ điều kiện về vệ sinh
thú y, môi trường và an toàn thực phẩm được hỗ trợ theo các quy định. Chỉ đạo
các cơ quan, đơn vị chuyên môn phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường hoạt động các chốt kiểm dịch động
vật liên ngành kiểm soát gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm
trong vận chuyển, lưu thông. Xây dựng các chuyên đề phù hợp về an toàn thực phẩm
trong sản xuất, lưu thông, giết mổ, sơ chế, chế biến gia súc, gia cầm và các sản
phẩm gia súc, gia cầm để định kỳ tuyên truyền nhằm phổ biến pháp luật, các chế
độ, chính sách đối với người sản xuất kinh doanh, định hướng
người tiêu dùng. Tổ chức tham quan, trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý giết
mổ của các tỉnh, thành phố.
2. Sở Công thương:
Dự báo nhu cầu của thị trường, phối hợp với các đơn vị liên quan quảng bá sản phẩm, khai thác và mở rộng thị
trường đối với các sản phẩm gia súc, gia cầm qua giết mổ, chế biến tập trung,
công nghiệp. Chỉ đạo Chi cục Quản lý Thị trường phối hợp với các đơn vị chức
năng kiểm tra và xử lý vi phạm của các cơ sở giết mổ gia
súc, gia cầm tập trung và các sản phẩm gia súc, gia cầm lưu thông trên thị trường
đảm bảo đúng pháp luật theo lộ trình quản lý, kiểm soát. Thực hiện quy hoạch
phát triển, cải tạo, nâng cấp các chợ buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia
súc, gia cầm đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y. Kiểm tra, thanh tra, xử lý những
vi phạm của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh, buôn bán gia súc, gia cầm và các
sản phẩm gia súc, gia cầm.
3. Sở Tài chính:
Chủ trì, phối hợp
với các sở, ngành liên quan bố trí kinh phí thực hiện Quy hoạch giết mổ và
chương trình mục tiêu quốc gia về an toàn thực phẩm. Tổng hợp kế hoạch đầu tư các dự án đầu tư giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập
trung sử dụng vốn sự nghiệp. Bố trí kinh phí thực hiện chính sách khuyến khích
đầu tư phát triển các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy định.
Thẩm định chi phí giết mổ gia súc, gia cầm hàng năm do Sở Nông nghiệp và PTNT
xây dựng, trình UBND Thành phố.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Chủ trì, phối hợp
với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp kế
hoạch đầu tư sử dụng vốn sự nghiệp của các dự
án đầu tư giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung đúng quy định; hướng dẫn
các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch ngân sách hỗ trợ các dự án đầu tư giết mổ,
chế biến gia súc, gia cầm tập trung theo quy định hiện hành; hướng dẫn các nhà
đầu tư về thủ tục, trình tự và thẩm định tiếp nhận dự án đầu tư.
5. Sở Y tế:
Chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở xây dựng
và thực hiện lộ trình kiểm tra, kiểm soát sử dụng sản phẩm có nguồn gốc. Phối hợp
với các sở, ngành thực hiện quản lý Nhà nước về chất lượng vệ sinh an toàn thực
phẩm đối với hoạt động giết mổ, chế biến, vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm.
6. Các sở, ngành và các tổ chức
chính trị xã hội liên quan:
Căn cứ nhiệm vụ của từng đơn vị, xây
dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch giết mổ; tổ chức vận động
tuyên truyền nhân dân tự giác chấp hành trong hoạt động giết mổ, kinh doanh sản
phẩm gia súc, gia cầm theo quy định.
7. Các tổ chức, cá nhân tham gia
hoạt động giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm và
các sản phẩm gia súc, gia cầm:
Chịu trách nhiệm trước pháp luật,
UBND Thành phố, UBND cấp huyện về hiệu quả đầu tư của các dự án xây dựng, cải tạo,
nâng cấp cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung và cơ sở giết mổ, bảo
quản, chế biến. Tuân thủ các quy định của pháp luật, của chính quyền trong hoạt
động kinh doanh, giết mổ, sơ chế, chế biến gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia
súc, gia cầm đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y, và vệ sinh môi trường.
8. UBND các quận, huyện, thị xã:
Phân công lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo
công tác triển khai thực hiện Quy hoạch các cơ sở giết mổ trên địa bàn, quản lý
giết mổ, kinh doanh, vận chuyển đảm bảo an toàn thực phẩm; xây dựng kế hoạch
đóng cửa cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo vệ sinh thú y, môi trường
và an toàn thực phẩm. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thẩm định
và giám sát việc xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn. Chỉ
đạo các đơn vị chức năng trực thuộc, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường sự
phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh gia
súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm; xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ,
sơ chế, chế biến, kinh doanh vi phạm các quy định về vệ sinh thú y, vệ sinh an
toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Tuyên truyền phổ biến
đến người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng các chuyên đề phù hợp về an toàn
thực phẩm trong sản xuất, lưu thông, giết mổ, sơ chế, chế biến gia súc, gia cầm.
UBND thành phố giao Chủ tịch UBND các
quận, huyện, thị xã; Giám đốc Sở, ban, ngành và các tổ chức cá nhân có liên
quan nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn
vướng mắc, báo cáo UBND Thành phố (qua Sở Nông nghiệp và PTNT) để tổng hợp, xem
xét và giải quyết kịp thời./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và
PTNT; (để báo cáo)
- TT Thành ủy, TT HĐND Thành phố;
(để báo cáo)
- Đ/c Chủ tịch UBND Thành phố;
(để báo cáo)
- Các đ/c PCT UBND Thành phố;
- Các Sở: Nông nghiệp và PTNT,
Tài chính, KH và ĐT, Công thương, Y tế, TN và MT;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- CVP, các PCVP, phòng
TKBT, KT(x.quang,túy), TH;
- Lưu: VT, KT(h.hùng).
14272
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Sửu
|