ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 711/KH-UBND
|
Bắc Kạn, ngày 23
tháng 10 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
PHÂN VÙNG DỊCH TỄ BỆNH KÝ SINH TRÙNG THƯỜNG GẶP TẠI TỈNH BẮC
KẠN GIAI ĐOẠN 2023-2025
I. CĂN CỨ
XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
1. Các văn bản chỉ đạo
- Luật Phòng chống bệnh truyền
nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;
- Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày
25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tăng cường
công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới;
- Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày
10/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm
sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030;
- Quyết định số 1744/QĐ-BYT
ngày 30/3/2021 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn giám sát và phòng chống ký sinh
trùng thường gặp tại Việt Nam;
- Quyết định số 1745/QĐ-BYT
ngày 30/3/2021 của Bộ Y tế ban hành kế hoạch phòng chống bệnh ký sinh trùng thường
gặp tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025;
- Quyết định số 5003/QĐ-BYT
ngày 29/10/2021 của Bộ Y tế ban hành kế hoạch phân vùng dịch tễ bệnh ký sinh
trùng thường gặp tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025;
- Kế hoạch số 242/KH-UBND ngày
18/4/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng chống các bệnh ký sinh trùng thường
gặp tại tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022-2025.
2. Thực trạng bệnh ký sinh
trùng thường gặp tại tỉnh Bắc Kạn
Mặc dù trong những năm gần đây,
tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và nguồn nước sạch tại các xã,
huyện trên toàn tỉnh tăng dần, tuy nhiên vẫn còn tình trạng một số người dân
nuôi gia súc thả rông; sử dụng phân tươi để trồng hoa màu, nuôi cá; thói quen
đi chân đất, ăn rau sống, gỏi cá, tiết canh, đồ tái, sống... nên nguy cơ lây
nhiễm của các bệnh ký sinh trùng giun, sán là rất cao. Nhóm bệnh ký sinh trùng
thường gặp tại tỉnh: Bệnh giun truyền qua đất (bệnh giun đũa, giun móc, giun
tóc); bệnh giun đường ruột khác (bệnh giun kim); bệnh sán lá truyền qua thức ăn
(sán lá gan nhỏ, sán lá gan lớn); bệnh giun, sán lây truyền từ động vật sang
người (sán dây/ấu trùng sán lợn, sán dây chó, bệnh ấu trùng giun đầu gai, ấu
trùng giun đũa chó mèo).
- Theo số liệu điều tra của Viện
Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương năm 2015, đối tượng trẻ em 24 -
60 tháng tuổi tại tỉnh Bắc Kạn nhiễm các loại giun là 14%.
- Năm 2019, đánh giá kiến thức,
thái độ, thực hành về bệnh ấu trùng sán dây lợn của người dân xã Thượng Giáo,
huyện Ba Bể, tỷ lệ người dân hiểu biết đúng về nguyên nhân, đường lây và các dấu
hiệu chính của bệnh sán dây/ấu trùng sán lợn khá cao (từ 64,25% đến 99,5%); tuy
nhiên tỷ lệ người dân biết về tác hại cũng như các biện pháp phòng chống sán
dây/ấu trùng sán lợn chỉ từ 43,5 đến 47,5%, đặc biệt tỷ lệ người dân có tìm hiểu
về bệnh sán dây/ấu trùng sán lợn rất thấp chỉ 15,5%.
- Năm 2020: Kết quả điều tra
giun sán tại xã Bằng Vân, Đức Vân (huyện Ngân Sơn) và xã Bằng Phúc, Phương Viên
(huyện Chợ Đồn) do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Viện Sốt rét
- Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương thực hiện cho thấy: Xét nghiệm phân tìm
trứng giun, sán: số trường hợp nhiễm giun đũa là 212/1.600 mẫu (chiếm 13,3%),
nhiễm giun móc 22/1.600 mẫu (chiếm 1,4%), nhiễm giun kim là 01/1.600 mẫu (chiếm
0,06%). Xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể tìm ấu trùng sán dây lợn, sán dây
chó: số trường hợp nhiễm sán dây chó là 03/260 mẫu (chiếm 1,2%), nhiễm phối hợp
sán dây chó và sán dây lợn là 01/260 mẫu (chiếm 0,4%).
- Năm 2021: Kết quả điều tra
giun, sán tại 02 xã Văn Lang và xã Sơn Thành, huyện Na Rì: tỷ lệ nhiễm giun
chung của 02 xã là 3,92%, trong đó tỷ lệ nhiễm giun móc là 3,19%, tỷ lệ nhiễm
giun tóc là 0,74%; không phát hiện trường hợp nào nhiễm giun đũa, sán lá, sán
dây.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung: Góp
phần làm giảm gánh nặng bệnh ký sinh trùng thường gặp tại tỉnh Bắc Kạn và nâng
cao sức khoẻ cộng đồng.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Mục tiêu 1:
Đánh giá mức độ lưu hành của nhóm bệnh ký sinh trùng như bệnh giun truyền
qua đất, bệnh giun đường ruột, bệnh sán lá gan truyền qua thức ăn, bệnh ký sinh
trùng truyền từ động vật sang người... và xây dựng được bản đồ dịch tễ của bệnh
và nhóm bệnh ký sinh trùng.
2.2. Mục tiêu 2: Đề
xuất biện pháp can thiệp và xây dựng kế hoạch phòng chống ký sinh trùng phù hợp
cho từng nhóm bệnh, từng vùng dịch tễ.
III. NỘI
DUNG
1. Tập huấn
về phân vùng dịch tễ ký sinh trùng
Tổ chức tập huấn, nâng cao
trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế tuyến huyện, thành phố về phân vùng dịch tễ
ký sinh trùng.
2. Thu thập
tài liệu, kết quả điều tra bệnh ký sinh trùng 2018 - 2022
- Tiến hành thu thập số liệu từ
các tài liệu liên quan như: báo cáo, đề tài nghiên cứu khoa học, các đợt điều
tra bệnh giun, sán tại địa phương do tuyến tỉnh và Trung ương thực hiện trong
giai đoạn 2018 - 2022.
- Thiết kế mẫu thu thập số liệu
giai đoạn 2018 - 2022 theo xã, huyện, tỉnh.
3. Điều tra
phân vùng dịch tễ ký sinh trùng
- Thực hiện các đợt điều tra
đánh giá tỉ lệ nhiễm giun, sán tại các địa phương (ưu tiên các vùng dịch tễ và
các đối tượng có nguy cơ cao).
- Tổng hợp số liệu từ các đội
điều tra, xử lý số liệu, đánh giá mức độ nguy cơ và xây dựng bản đồ phân vùng
cho tất cả các huyện, thành phố theo hướng dẫn kèm theo Quyết định số
5003/QĐ-BYT ngày 29/10/2021 của Bộ Y tế.
4. Xây dựng
kế hoạch phòng chống bệnh ký sinh trùng theo vùng dịch tễ
- Xây dựng kế hoạch phòng chống
bệnh ký sinh trùng theo vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng và triển khai các hoạt
động can thiệp phù hợp để phòng chống các bệnh ký sinh trùng đã có tại địa
phương.
- Đảm bảo kinh phí mua thuốc,
hóa chất, vật tư, sinh phẩm,... phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị cho từng
vùng dịch tễ.
5. Hoạt động
truyền thông phòng chống bệnh ký sinh trùng
- Phối hợp giữa các sở, ban,
ngành, đoàn thể để tổ chức các hoạt động truyền thông phòng chống bệnh giun,
sán tại cộng đồng cho người dân như: vận động các gia đình và người dân thực hiện
vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch, ăn uống hợp vệ sinh, cho trẻ uống thuốc tẩy giun
sán theo hướng dẫn, vận động những người có nguy cơ nhiễm giun, sán đến cơ sở y
tế để khám phát hiện sớm và được điều trị kịp thời.
- Phối hợp giữa y tế cơ sở và
trường học truyền thông về nguyên nhân, tác hại, các biện pháp phòng chống bệnh
giun, sán và lợi ích của việc tẩy giun định kỳ cho giáo viên, học sinh, phụ
huynh.
- Áp dụng đa dạng các hình thức
truyền thông để phù hợp với từng nhóm đối tượng như tờ rơi, áp phích, khẩu hiệu,
phát thanh,viết tin bài...
IV. CÁC BƯỚC
TIẾN HÀNH
1. Bước
1: Tổ chức tập huấn về phân vùng dịch tễ ký sinh trùng
Tuyến tỉnh xây dựng kế hoạch và
tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế tuyến huyện,
thành phố về phân vùng dịch tễ ký sinh trùng
2. Bước
2: Thu thập số liệu và điều tra phân vùng dịch tễ ký sinh trùng
2.1. Thành lập các đội điều
tra phân vùng dịch tễ ký sinh trùng của tỉnh, huyện, thành phố
- Tại tỉnh: Sở Y tế thành lập đội
phân vùng dịch tễ tuyến tỉnh.
- Tại các huyện, thành phố (gọi
chung là huyện): Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn thành lập đội phân vùng dịch tễ tuyến
huyện.
2.2. Thiết kế các biểu mẫu
thu thập số liệu
Sở Y tế chỉ đạo thiết kế biểu mẫu
và cung cấp cho các tuyến để thực hiện.
2.3. Thu thập số liệu ký
sinh trùng giai đoạn 2018-2022
Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn thu
thập số liệu từ các tài liệu liên quan như: báo cáo, đề tài nghiên cứu khoa học,
các đợt điều tra bệnh giun, sán tại địa phương do tuyến tỉnh và Trung ương thực
hiện trong giai đoạn 2018-2022 theo các biểu mẫu.
2.4. Tổ chức điều tra
phân vùng dịch tễ ký sinh trùng
2.4.1. Đơn vị phân vùng:
Phân vùng theo cấp huyện.
2.4.2. Địa điểm phân vùng
- Tổ chức thực hiện điều tra
phân vùng dịch tễ ký sinh trùng tại tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
- Tại mỗi huyện, thành phố chọn
02 đại diện: 01 thị trấn và 01 xã (riêng thành phố Bắc Kạn chọn 01 phường và 01
xã).
- Tại mỗi đơn vị cấp xã chọn ngẫu
nhiên 03 thôn/tổ (gọi chung là thôn); tại mỗi thôn chọn ngẫu nhiên 25-30 hộ gia
đình; tại mỗi hộ gia đình được chọn 2-3 người trong hộ để xét nghiệm.
Lộ trình thực hiện dự kiến như
sau:
STT
|
Địa điểm
|
Thời gian
|
Năm 2023
|
Năm 2024
|
Năm 2025
|
1
|
Huyện Ba Bể
|
|
x
|
|
2
|
Huyện Bạch Thông
|
|
|
x
|
3
|
Huyện Chợ Đồn
|
|
x
|
|
4
|
Huyện Chợ Mới
|
|
|
x
|
5
|
Huyện Na Rì
|
|
x
|
|
6
|
Huyện Ngân Sơn
|
x
|
|
|
7
|
Huyện Pác Nặm
|
x
|
|
|
8
|
Thành phố Bắc Kạn
|
|
|
x
|
|
Tổng
|
02
|
03
|
03
|
2.4.3. Đối tượng điều tra
a) Đối tượng xét nghiệm
- Cỡ mẫu: 200 mẫu/xã
- Là người từ 02 tuổi trở lên đến
65 tuổi.
b) Đối tượng phỏng vấn:
- Số lượng: 150 người/xã
- Là người từ 16 tuổi trở lên
2.4.4. Các bệnh ký sinh
trùng được sử dụng để phân vùng tại tỉnh
Căn cứ theo hướng dẫn tại Quyết định số 5003/QĐ-BYT
ngày 29/10/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành kế hoạch phân vùng dịch tễ bệnh ký
sinh trùng thường gặp tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời, dựa trên đặc
điểm dịch tễ, sinh cảnh và điều kiện nguồn lực thực tế (kinh phí, nhân lực,
khả năng xét nghiệm, chẩn đoán,...) tiến hành lựa chọn 07 loại bệnh cần ưu
tiên đánh giá trong giai đoạn 2023-2025 như sau:
- Bệnh giun truyền qua đất: Bệnh
giun đũa; bệnh giun tóc; bệnh giun móc.
- Bệnh giun đường ruột khác: Bệnh
giun kim.
- Các bệnh ký sinh trùng truyền
từ động vật sang người: Bệnh ấu trùng sán dây chó Echinococus; bệnh ấu trùng
sán lợn; bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo.
2.4.5. Các kỹ thuật xét
nghiệm
- Xét nghiệm phân bằng kỹ thuật
Kato-Katz, nếu có nghi ngờ giun kim thì dùng kỹ thuật giấy bóng kính để khẳng định.
- Kỹ thuật ELISA xét nghiệm
phát hiện kháng thể kháng ký sinh trùng.
- Phỏng vấn các đối tượng bằng
bộ câu hỏi KAP để xác định yếu tố liên quan đến nhiễm ký sinh trùng.
2.4.6. Tiến hành điều tra
phân vùng.
a) Đội phân vùng dịch tễ tuyến
tỉnh chịu trách nhiệm:
- Đầu mối liên hệ và phối hợp với
Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương thực hiện các hoạt động điều
tra phân vùng dịch tễ trên địa bàn tỉnh khi có yêu cầu.
- Tổ chức thực hiện các hoạt động
phân vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng, điều tra và đánh giá các yếu tố nguy cơ
nhiễm ký sinh trùng.
- Trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn
và hỗ trợ các đội phân vùng dịch tễ tuyến huyện thực hiện hoạt động phân vùng dịch
tễ bệnh ký sinh trùng đồng thời thống kê, báo cáo kết quả theo quy định.
- Tổng hợp kết quả điều tra
toàn tỉnh.
b) Đội phân vùng dịch tễ tuyến
huyện chịu trách nhiệm:
- Triển khai hoạt động phân
vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng trên địa bàn theo hướng dẫn của tỉnh.
- Phối hợp với tuyến Trung ương,
tuyến tỉnh tiến hành các hoạt động điều tra phân vùng dịch tễ bệnh ký sinh
trùng trên địa bàn huyện.
- Chỉ đạo Trạm Y tế tuyến xã phối
hợp tiến hành các hoạt động phân vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng và các hoạt động
phòng chống bệnh ký sinh trùng sau phân vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng. Tổ chức
các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn và vận động nhân dân thực hiện các biện
pháp phòng chống bệnh ký sinh trùng.
- Thực hiện báo cáo kết quả hoạt
động phân vùng tại địa phương mình gửi lên tuyến trên theo quy định.
2.4.7. Phân vùng và xây dựng
bản đồ phân vùng
a) Chỉ số đánh giá
- Sử dụng chỉ số tỉ lệ nhiễm bệnh
ký sinh trùng và các chỉ số về yếu tố liên quan để phân loại các vùng dịch tễ.
- Cách tính chỉ số, phương pháp
phân tích và xử lý số liệu, phương pháp vẽ bản đồ phân vùng theo hướng dẫn tại
Quyết định số 5003/QĐ-BYT ngày 29/10/2021 của Bộ Y tế.
b) Xây dựng bản đồ phân vùng
- Nhập số liệu của từng xã, tổ
chức đánh giá mức độ nguy cơ và xây dựng bản đồ phân vùng cho tất cả các huyện,
thành phố theo hướng dẫn tại Quyết định số 5003/QĐ-BYT ngày 29/10/2021 của Bộ Y
tế.
- Các vùng dịch tễ bệnh ký sinh
trùng, gồm có: Vùng không lưu hành bệnh; vùng có nguy cơ với bệnh ký sinh
trùng; vùng lưu hành bệnh nhẹ; vùng lưu hành bệnh vừa; vùng lưu hành bệnh nặng.
3. Bước
3: Tổng hợp số liệu và báo cáo kết quả điều tra phân vùng dịch tễ bệnh ký sinh
trùng tại tỉnh
4. Bước
4: Xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh ký sinh trùng theo vùng dịch tễ
Căn cứ kết quả điều tra đánh
giá và phân vùng dịch tễ của từng địa phương, tiến hành xây dựng kế hoạch phòng
chống bệnh ký sinh trùng và đề xuất các giải pháp can thiệp phù hợp với từng
vùng dịch tễ, đảm bảo nhu cầu thuốc, hóa chất, vật tư, sinh phẩm, kinh phí...
phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị các bệnh ký sinh trùng.
5. Bước
5: Tăng cường truyền thông phòng chống bệnh ký sinh trùng
- Đẩy mạnh truyền thông giáo dục
sức khỏe phòng chống ký sinh trùng tới cộng đồng bằng các phương tiện thông tin
thích hợp, đặc biệt truyền thông giáo dục sức khỏe trực tiếp cho đối tượng đích
nhằm nâng cao nhận thức và tăng cường thực hành phòng chống của người dân, cộng
đồng và của xã hội.
- Tăng cường phối hợp giữa các
cơ quan, đơn vị, trường học để đạt hiệu quả cao hơn trong công tác truyền thông
phòng chống bệnh ký sinh trùng.
IV. KINH
PHÍ THỰC HIỆN
- Sử dụng nguồn kinh phí địa
phương thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số hằng năm.
- Tổng kinh phí dự kiến khoảng
361.000.000 đồng (Ba trăm sáu mươi mốt triệu đồng).
V. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ban, ngành, đoàn thể liên quan và các địa phương triển khai có hiệu quả kế hoạch
phân vùng dịch tễ các bệnh ký sinh trùng thường gặp tại tỉnh Bắc Kạn giai đoạn
2023 - 2025; chỉ đạo, hướng dẫn theo thẩm quyền và kiểm tra, giám sát công tác
phân vùng dịch tễ các bệnh ký sinh trùng thường gặp trên địa bàn và báo cáo kết
quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế theo quy định.
- Cập nhật diễn biến tình hình
ký sinh trùng, đánh giá các yếu tố nguy cơ và hướng dẫn thực hiện hoặc đề xuất với
Ủy ban nhân dân tỉnh theo thẩm quyền các biện pháp triển khai hoạt động phân
vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài
chính xây dựng kế hoạch, kinh phí để thực hiện hàng năm các hoạt động phân vùng
dịch tễ bệnh ký sinh trùng theo kế hoạch.
- Chỉ đạo, phân công đơn vị trực
thuộc làm đầu mối tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động phân vùng dịch tễ
bệnh ký sinh trùng theo các hướng dẫn của Bộ Y tế; đề xuất, thực hiện việc phân
vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng có thể nhanh hơn kế hoạch và có tính toàn diện
cho địa phương khi có điều kiện; tổ chức thực hiện hoạt động phân vùng dịch tễ
bệnh ký sinh trùng, điều tra và đánh giá các yếu tố nguy cơ, lập bản đồ dịch tễ
bệnh ký sinh trùng. Thực hiện tổng hợp, báo cáo số liệu bệnh ký sinh trùng theo
quy định.
- Hướng dẫn, giám sát, hỗ trợ kỹ
thuật và tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến triển khai thực hiện các hoạt động
phân vùng bệnh ký sinh trùng; triển khai giám sát tình hình ký sinh trùng tại
các vùng trọng điểm, vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng; triển khai hoạt động phân
vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; phối hợp
cùng tuyến trung ương, tuyến tỉnh tiến hành các hoạt động điều tra phân vùng dịch
tễ bệnh ký sinh trùng trên địa bàn huyện, thành phố.
2. Sở Tài
chính
Phối hợp với Sở Y tế, căn cứ khả
năng ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác để tham mưu cân đối, bố trí
kinh phí đảm bảo cho công tác phân vùng dịch tễ các bệnh ký sinh trùng thường gặp
tại tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2023 - 2025 và hướng dẫn việc sử dụng, thanh quyết
toán kinh phí đảm bảo đúng quy định.
3. Sở
Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn, Báo Bắc Kạn
Tiếp tục phối hợp với ngành Y tế
và các ngành liên quan tuyên truyền về phương pháp phòng, chống các bệnh ký sinh
trùng, đặc biệt là các vùng lưu hành bệnh để người dân biết, phối hợp thực hiện.
4. Sở
Giáo dục và Đào tạo
- Phối hợp với Sở Y tế và các địa
phương chỉ đạo, triển khai các hoạt động phân vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng,
đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống bệnh ký sinh trùng tại các trường mầm
non, tiểu học trên địa bàn.
- Hướng dẫn học sinh, giáo
viên, phụ huynh các biện pháp phòng bệnh, phát hiện sớm các trường hợp bệnh để
thông báo cho gia đình và cơ quan y tế xử lý kịp thời. Đưa nội dung giáo dục sức
khoẻ và kiến thức phòng chống bệnh ký sinh trùng như: ăn chín, uống sôi, rửa
tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, vệ sinh trường lớp và lợi
ích, hiệu quả của việc uống thuốc tẩy giun... vào các buổi học ngoại khoá. Tổ
chức các hoạt động tìm hiểu về một số bệnh ký sinh trùng thường gặp, cách phòng
tránh trong trường học...
5. UBND
các huyện, thành phố
- Chỉ đạo, xây dựng và tổ chức
triển khai kế hoạch phân vùng dịch tễ các bệnh ký sinh trùng thường gặp trên địa
bàn giai đoạn 2023-2025.
- Đảm bảo kinh phí thực hiện
các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của cấp huyện theo kế hoạch.
- Các huyện, thành phố thuộc
vùng lưu hành bệnh ký sinh trùng tổ chức triển khai các biện pháp can thiệp
theo kế hoạch và hướng dẫn của Sở Y tế.
Trên đây là kế hoạch phân vùng
dịch tễ bệnh ký sinh trùng thường gặp tại tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2023-2025, các
đơn vị, địa phương triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
Gửi bản điện tử:
- Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế;
- Viện SR-KST-CT Trung ương;
- CT, PCT UBND tỉnh (Ô. Hưng);
- Các Sở: Y tế, Tài chính, GD&ĐT, TT&TT;
- Báo BK, Đài PT&TH BK, Cổng TTĐT tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- LĐVP (Ô. Minh);
- Lưu: VT, VXNV (V).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm Duy Hưng
|