ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 6680/KH-UBND
|
Lâm Đồng, ngày 07
tháng 8 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ PHÒNG, CHỐNG KHÁNG THUỐC GIAI ĐOẠN 2024-2030, TẦM
NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
Thực hiện Quyết định số 1121/QĐ-TTg ngày 25/9/2023
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc
tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây viết tắt là
Chiến lược), Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược
trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:
I. QUAN ĐIỂM
1. Sử dụng hợp lý, an toàn và có trách nhiệm thuốc
kháng vi sinh vật ở người, động vật, cây trồng là giải pháp cơ bản để giải quyết
vấn đề kháng thuốc.
2. Phòng, chống kháng thuốc là nhiệm vụ cấp bách,
thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm nòng cốt của ngành Y tế và ngành Nông
nghiệp.
3. Chủ động phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, kiểm soát
nhiễm khuẩn, nâng cao năng lực phòng ngừa, phát hiện, chẩn đoán, điều trị và
giám sát kháng thuốc, sử dụng, tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật ở người và động
vật.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc nhằm
làm chậm sự tiến triển kháng thuốc và ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của các
vi sinh vật kháng thuốc, bệnh truyền nhiễm; đồng thời, đảm bảo sự sẵn có, liên
tục các thuốc kháng vi sinh vật và sử dụng thuốc kháng vi sinh vật hợp lý để điều
trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm ở người và động vật, góp phần bảo vệ, chăm
sóc và nâng cao sức khỏe con người và động vật, bảo vệ môi trường và phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung.
2. Mục tiêu cụ thể và chỉ tiêu
đến năm 2030
a) Mục tiêu 1: Nâng cao nhận thức của các cấp chính
quyền địa phương và hiểu biết của nhân viên y tế, nhân viên thú y và người dân
về phòng, chống kháng thuốc.
- Chỉ tiêu 1: Ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược
quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2045
trên địa bàn tỉnh và cấp ngân sách theo Kế hoạch thực hiện Đề án trọng điểm của
từng ngành để triển khai thực hiện vào năm 2025, duy trì đến năm 2030.
- Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ hiểu biết đúng về phòng, chống
kháng thuốc ở người trưởng thành, bà mẹ đạt ít nhất là 50% vào năm 2025 và đạt
trên 60% vào năm 2030; ở nhân viên y tế, nhân viên thú y đạt ít nhất là 60% vào
năm 2025 và đạt trên 70% vào năm 2030.
b) Mục tiêu 2: Thiết lập và củng cố hệ thống giám
sát kháng thuốc để cảnh báo kịp thời về sự xuất hiện, lan truyền, mức độ và xu
hướng kháng thuốc của các vi sinh vật.
- Chỉ tiêu 1: 01 bệnh viện tuyến tỉnh tham gia hệ
thống giám sát quốc gia về kháng thuốc ở người vào năm 2025; ít nhất 02 bệnh viện
tuyến tỉnh tham gia hệ thống vào năm 2030 và triển khai giám sát kháng thuốc của
các vi sinh vật trong cộng đồng vào năm 2025 và tiếp tục mở rộng vào năm 2030.
- Chỉ tiêu 2: Ít nhất 90% cán bộ tham gia trong hệ
thống giám sát quốc gia về kháng thuốc trong lĩnh vực Y tế và Nông nghiệp được
tập huấn chuyên môn về kỹ thuật nuôi cấy, định danh và kháng sinh đồ và sử dụng,
quản lý dữ liệu giám sát kháng thuốc.
- Chỉ tiêu 3: Thực hiện báo cáo giám sát về kháng
thuốc đầy đủ (hằng năm) theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền.
c) Mục tiêu 3: Giảm sự lan truyền của vi sinh vật
và bệnh truyền nhiễm.
- Chỉ tiêu 1: Tỷ lệ các bệnh viện thiết lập chỉ
tiêu và triển khai kế hoạch kiểm soát mức độ kháng thuốc của các vi khuẩn gây bệnh
thường gặp trong bệnh viện; đánh giá tuân thủ thực hành tốt về phòng ngừa và kiểm
soát nhiễm khuẩn và an toàn sinh học: Tuyến tỉnh đạt ít nhất 40% vào năm 2025
và trên 70% vào năm 2030; tuyến huyện đạt ít nhất 20% vào năm 2025 và trên 40%
vào năm 2030.
- Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ các bệnh viện thực hiện kỹ thuật
vi sinh để chẩn đoán, điều trị và giám sát kháng thuốc: Tuyến tỉnh đạt ít nhất
40% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030; tại tuyến huyện đạt ít nhất 15% vào năm
2025 và 30% vào năm 2030.
- Chỉ tiêu 3: Tỷ lệ các bệnh viện thực hiện việc triển
khai giám sát chủ động nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế và triển khai
các can thiệp làm giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn này trong bệnh viện: Tuyến tỉnh đạt ít
nhất 50% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030; tuyến huyện đạt ít nhất 20% vào năm
2025 và 40% vào năm 2030.
d) Mục tiêu 4: Sử dụng thuốc kháng vi sinh vật ở
người và động vật hợp lý, an toàn và có trách nhiệm.
- Chỉ tiêu 1: Tỷ lệ các bệnh viện từ tuyến huyện trở
lên triển khai chương trình quản lý sử dụng kháng sinh đạt ít nhất 30% vào năm
2025 và 50% vào năm 2030.
- Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ các cơ sở khám, chữa bệnh cho động
vật tuân thủ hướng dẫn sử dụng kháng sinh của cơ quan quản lý chuyên ngành thú
y đạt ít nhất 10% vào năm 2025 và trên 20% vào năm 2030.
- Chỉ tiêu 3: Vào năm 2025 thiết lập được hệ thống
giám sát sử dụng và tiêu thụ kháng sinh ở người và động vật trên địa bàn tỉnh
và tiếp tục mở rộng đến năm 2030.
3. Tầm nhìn đến năm 2045
Kiểm soát cơ bản tình trạng kháng thuốc trên địa
bàn tỉnh; có hệ thống giám sát kháng thuốc, sử dụng, tiêu thụ kháng sinh của tỉnh
hoạt động hiệu quả.
III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG
1. Về phối hợp hành động và
đáp ứng liên ngành để phòng, chống kháng thuốc
a) Tham gia xây dựng và triển khai Khung hành động
chung làm nền tảng cho sự hợp tác đa ngành, điều phối, triển khai, giám sát các
hành động theo trách nhiệm cụ thể của mỗi ngành.
b) Chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và triển khai kế hoạch
thực hiện Đề án trọng điểm của từng lĩnh vực Y tế, Nông nghiệp, Tài nguyên và
Môi trường, ... để giải quyết các nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc
trong các lĩnh vực tương ứng theo hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan.
c) Tổ chức thực hiện hiệu quả cơ chế phối hợp liên
ngành và chia sẻ thông tin về sự đề kháng, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi
sinh vật giữa các sở, ngành và các đối tác có liên quan trên địa bàn tỉnh.
d) Các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan chủ
động triển khai các giải pháp phòng, chống kháng thuốc trên cơ sở các mục tiêu,
nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch; lồng ghép vào các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển
kinh tế - xã hội của đơn vị, địa phương và ưu tiên phân bổ kinh phí hằng năm để
thực hiện. Chủ động áp dụng bộ chỉ số đánh giá và theo dõi việc triển khai Chiến
lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc đối với lĩnh vực Y tế, Nông nghiệp,
Tài nguyên và Môi trường.
2. Về chính sách, pháp luật,
quy định chuyên môn
a) Thực hiện các chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn về phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, kiểm
soát nhiễm khuẩn, chẩn đoán và điều trị, sử dụng thuốc kháng vi sinh vật, an toàn
sinh học trong Y tế, Nông nghiệp theo đúng quy định của cấp có thẩm quyền.
b) Thực hiện các chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn về thực hành chăn nuôi, nuôi trồng thủy
sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; quản lý, xử lý chất thải của các cơ sở khám
bệnh, chữa bệnh, cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cơ sở chế biến thực phẩm
để kiểm soát dư lượng kháng sinh và các vi sinh vật kháng thuốc theo đúng quy định.
c) Thực hiện các chính sách, pháp luật nhằm quản lý
và xử lý nếu sử dụng hoặc bán thuốc kháng vi sinh vật không có đơn thuốc; các
cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kê đơn kháng sinh sai mục đích hoặc lạm dụng
kháng sinh trong điều trị người bệnh, không tuân thủ theo hướng dẫn chẩn đoán
và điều trị của Bộ Y tế.
3. Về thông tin, truyền thông
và vận động xã hội
a) Truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức của
Nhân dân về các nguyên nhân gây kháng thuốc, hậu quả của kháng thuốc và các biện
pháp phòng, chống kháng thuốc; thực hiện cam kết của cá nhân và xã hội đối với
thay đổi hành vi để sử dụng thuốc kháng vi sinh vật có trách nhiệm, ngừng lạm dụng
và sử dụng thuốc kháng vi sinh vật sai mục đích, thúc đẩy các hành vi lành mạnh
để ngăn ngừa nhiễm trùng và sự lây lan của chúng; trong đó, chú ý nhân viên y tế,
thú y, người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phụ nữ, học sinh, sinh viên.
b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, vận động các cấp,
các ngành, đoàn thể, nhân viên y tế, thú y và người dân thực hiện các chủ trương,
chính sách, pháp luật, các hướng dẫn, khuyến cáo về phòng, chống kháng thuốc
thông qua mạng lưới thông tin truyền thông các cấp, các ngành, lĩnh vực từ tỉnh
đến huyện, xã.
c) Nhân bản và cung cấp các chương trình, tài liệu
truyền thông về phòng chống kháng thuốc phù hợp với phương thức truyền thông và
các nhóm đối tượng; trong đó, chú trọng xây dựng các thông điệp chủ chốt, thông
điệp mới về kháng thuốc để tác động mạnh mẽ tới xã hội.
IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Giải pháp để tăng cường hệ
thống giám sát kháng thuốc, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật ở người,
động vật, môi trường và thương mại
a) Thiết lập hệ thống giám sát kháng thuốc ở người,
động vật và tại cộng đồng; giám sát sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật
để làm bằng chứng xây dựng, điều chỉnh hướng dẫn và các hoạt động can thiệp kịp
thời ở cấp cơ sở.
b) Tổ chức thực hiện nghiêm các hướng dẫn chuyên
môn về phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm, sử dụng kháng
sinh hợp lý, an toàn; sử dụng thuốc kháng vi sinh vật lựa chọn ưu tiên trong
chăm sóc sức khỏe con người; kiểm soát nhiễm khuẩn, giám sát sự đề kháng, sử dụng
và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật.
c) Tham gia thiết lập và duy trì cơ sở dữ liệu về
kháng thuốc, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng sinh của vi sinh vật ở người, động
vật và môi trường.
d) Phổ biến các tiêu chuẩn, hướng dẫn quốc gia liên
quan đến giám sát kháng thuốc và thống nhất thực hiện trong lĩnh vực y tế và
thú y đến các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương trong toàn tỉnh.
đ) Phát triển công tác dược lâm sàng, triển khai
chương trình quản lý sử dụng kháng sinh, quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo
đơn.
e) Thực hiện giám sát bán thuốc kháng sinh theo đơn
tại các cơ sở bán lẻ thuốc.
2. Giải pháp về nhân lực
a) Thực hiện cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân
lực về hồi sức tích cực, truyền nhiễm, vi sinh, dược sỹ lâm sàng, kiểm soát nhiễm
khuẩn, thú y về công tác tại địa phương.
b) Chỉ đạo, tổ chức cập nhật nội dung về phòng, chống
kháng thuốc trong các chương trình giảng dạy, đào tạo của khối các trường đào tạo
về sức khỏe ở người và động vật tại địa phương.
c) Tập huấn nâng cao năng lực cho bác sỹ, vi sinh,
dược sỹ, điều dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn, nhân viên thú y và các nhân viên
liên quan về phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị bệnh truyền nhiễm, sử dụng kháng
sinh hợp lý, an toàn; sử dụng thuốc kháng vi sinh vật lựa chọn ưu tiên trong
chăm sóc sức khỏe con người; giám sát sự đề kháng, sử dụng và tiêu thụ thuốc
kháng vi sinh vật.
3. Giải pháp về tài chính
Kinh phí thực hiện Kế hoạch/Chiến lược bao gồm ngân
sách Nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn kinh phí hợp pháp
khác; trong đó, ngân sách Nhà nước giữ vai trò chủ đạo và thực hiện cơ chế phù
hợp thu hút các nguồn lực của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, kể cả các tổ chức
quốc tế.
4. Giải pháp về nghiên cứu khoa
học
a) Tham gia hoặc thực hiện các nghiên cứu đánh giá
sử dụng thuốc, kháng thuốc, đặc biệt là nghiên cứu về vi khuẩn đa kháng thuốc
và triển khai các can thiệp thúc đẩy sử dụng kháng sinh hợp lý.
b) Tiếp tục ưu tiên và hỗ trợ hoạt động nghiên cứu
khoa học về các bệnh truyền nhiễm ở người, động vật, thủy sản; đồng thời, thúc
đẩy các mối quan hệ đối tác giữa các cơ sở nghiên cứu, bệnh viện, trường đại học
với địa phương.
c) Khuyến khích, củng cố và tạo các mối quan hệ với
các đối tác hỗ trợ nghiên cứu khoa học về phát triển thuốc kháng vi sinh vật,
chất kháng khuẩn có nguồn gốc từ dược liệu truyền thống và các phương pháp chẩn
đoán mới.
d) Tăng cường nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao và
thực hiện các kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm,
xét nghiệm vi sinh, quản lý chất lượng xét nghiệm vi sinh tại các bệnh viện, cơ
sở y tế dự phòng, cơ sở xét nghiệm và điều trị bệnh động vật, thủy sản.
đ) Phối hợp, tổ chức triển khai khảo sát thu thập dữ
liệu ban đầu về phòng, chống kháng thuốc trước năm 2025 và khảo sát cuối kỳ vào
năm 2030 để làm căn cứ đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch.
5. Giải pháp về tăng cường hợp
tác
Tăng cường hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong
nước và quốc tế để nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống bệnh
truyền nhiễm, sử dụng thuốc hợp lý điều trị bệnh cho người và động vật, chống
nhiễm khuẩn bệnh viện, kiểm tra chất lượng xét nghiệm vi sinh, kháng thuốc nhằm
hỗ trợ, thúc đẩy triển khai thực hiện Kế hoạch.
V. THỰC HIỆN CÁC ĐỀ ÁN TRỌNG ĐIỂM
1. Đề án về nâng cao nhận thức của cộng đồng, tăng
cường Hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc, sử dụng và tiêu thụ thuốc
kháng vi sinh vật, tăng cường quản lý sử dụng kháng sinh trong y tế giai đoạn
2024-2030 do Bộ Y tế xây dựng và triển khai.
2. Đề án về nâng cao nhận thức của cộng đồng, tăng
cường Hệ thống giám sát quốc gia về sự kháng thuốc, sử dụng và tiêu thụ thuốc
kháng vi sinh vật, tăng cường quản lý sử dụng kháng sinh trong thú y giai đoạn
2024-2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và triển khai.
3. Đề án giám sát kháng thuốc trong môi trường giai
đoạn 2024-2030 do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và triển khai.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên
quan và địa phương triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch; tổng hợp,
tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổng kết, đánh giá việc thực hiện và ban hành các
văn bản chỉ đạo hoặc điều chỉnh Kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế của địa
phương và theo các văn bản hướng dẫn hiện hành.
- Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đảm bảo
đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp có
liên quan đến ngành Y tế tại Kế hoạch.
- Xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện Đề án về
nâng cao nhận thức của cộng đồng, tăng cường Hệ thống giám sát quốc gia về
kháng thuốc, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật, tăng cường quản lý sử
dụng kháng sinh trong y tế giai đoạn 2024-2030 hoặc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
thực hiện Đề án theo quy định (sau khi Bộ Y tế ban hành).
- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ
thực hiện Kế hoạch; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền;
định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh
theo quy định hoặc tham mưu, đề xuất đối với các nội dung vượt thẩm quyền (nếu
có).
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan
và địa phương triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các mục tiêu,
chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp có liên quan đến ngành Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn tại Kế hoạch; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ
đạo thực hiện hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thực hiện Kế
hoạch.
- Xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện Đề án về
nâng cao nhận thức của cộng đồng, tăng cường Hệ thống giám sát quốc gia về sự
kháng thuốc, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật, tăng cường quản lý sử
dụng kháng sinh trong thú y giai đoạn 2024-2030 hoặc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
thực hiện Đề án theo quy định (sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
ban hành).
- Phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan
tuyên truyền, phổ biến về hướng dẫn sử dụng kháng sinh cho người chăn nuôi,
nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh; tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ việc
buôn bán, sử dụng thuốc kháng sinh tại các các cơ sở buôn bán thuốc thú y, các
cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Kịp thời giải quyết các
khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất đối với các nội dung
vượt thẩm quyền (nếu có).
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan
và địa phương triển khai thực hiện tốt các nội dung của Kế hoạch thuộc lĩnh vực
quản lý; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện
hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thực hiện Kế hoạch.
- Xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện Đề án
giám sát kháng thuốc trong môi trường giai đoạn 2024-2030 hoặc tham mưu Ủy ban
nhân dân tỉnh thực hiện Đề án theo quy định (sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường
ban hành). Kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền hoặc
tham mưu, đề xuất đối với các nội dung vượt thẩm quyền (nếu có).
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở
Tài chính: Tham mưu cấp có thẩm quyền cân đối, bố trí kinh phí thực hiện
hiệu quả các nội dung phòng, chống kháng thuốc trên địa bàn tỉnh phù hợp với khả
năng ngân sách địa phương và theo quy định phân cấp ngân sách Nhà nước hiện
hành.
5. Sở Thông tin và Truyền
thông: Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, ... hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thông tin
đại chúng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động truyền thông,
giáo dục thay đổi nhận thức và hành vi về phòng, chống kháng thuốc, sử dụng hợp
lý, an toàn các thuốc kháng vi sinh vật.
6. Các sở, ban, ngành liên
quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: căn cứ chức năng, nhiệm vụ
được giao và nội dung Kế hoạch này, có trách nhiệm tổ chức và phối hợp thực hiện
tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch và các Đề án trọng điểm của
Chiến lược trên địa bàn tỉnh; định kỳ đánh giá, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch,
báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Y tế) theo quy định.
7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp:
Chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, người dân có trách nhiệm
tham gia phòng, chống kháng thuốc, sử dụng các thuốc kháng vi sinh vật hợp lý
theo đúng quy định chuyên môn, tổ chức phản biện chính sách và giám sát hoạt động
phòng, chống kháng thuốc.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nội dung Kế hoạch
này theo lĩnh vực quản lý. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc,
yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Sở Y tế để tổng
hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- CT các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- UBND các huyện, thành phố;
- LĐVP;
- Lưu: VT, VX3, NN, MT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm S
|