ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:3934/KH-UBND
|
Kon Tum, ngày 01
tháng 11 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN
KHAI CÁC TÌNH HUỐNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ Ở NGƯỜI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
KON TUM
Căn cứ Quyết định số
2099/QĐ-BYT ngày 29 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn
chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh Đậu mùa khỉ ở người; Quyết định số
2265/QĐ-BYT ngày 22 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn
tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ; Văn bản số 4849/BYT-DP ngày
19 tháng 8 năm 2024 của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng, chống bệnh Đậu mùa
khỉ; căn cứ tình hình bệnh[1];
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai các tình huống phòng, chống dịch
bệnh Đậu mùa khỉ ở người trên địa bàn tỉnh Kon Tum (Kế hoạch), như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung: Ngăn
chặn không để dịch bệnh Đậu mùa khỉ ở người xâm nhập vào địa bàn tỉnh; phát
hiện sớm trường hợp mắc bệnh đầu tiên, khoanh vùng, xử lý kịp thời không để
dịch bệnh lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong; triển khai
các hoạt động đáp ứng chống dịch kịp thời.
2. Mục tiêu cụ thể theo tình
huống dịch
a) Tình huống 1 - Chưa ghi
nhận trường hợp bệnh tại tỉnh: Kiểm soát dịch hiệu quả tại cửa khẩu, biên
giới và các trường hợp đi từ nơi khác về địa phương, ngăn chặn không để dịch
bệnh xâm nhập hoặc phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh Đậu mùa khỉ xâm nhập vào
địa bàn tỉnh từ vùng có dịch.
b) Tình huống 2 - Xuất hiện
các trường hợp bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh: Phát hiện sớm, khoanh vùng,
xử lý kịp thời triệt để ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng.
c) Tình huống 3 - Dịch bệnh
lây lan trong cộng đồng: Đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt
để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.
II. NỘI DUNG CHÍNH
1. Tình huống 1: Chưa ghi
nhận trường hợp bệnh tại tỉnh
a) Công tác chỉ đạo, kiểm tra
- Kịp thời chỉ đạo, tổ chức
thực hiện các nội dung phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ và hướng dẫn của ngành Y tế. Chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản đáp
ứng theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra
tại địa phương. Chỉ đạo triển khai các hoạt động tăng cường truyền thông phòng,
chống dịch bệnh, giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch tại các địa phương, đơn vị.
- Ngành Y tế luôn sẵn sàng
trong công tác dự phòng, đường dây nóng 24/24 giờ (công bố số điện thoại đường
dây nóng của ngành Y tế) tiếp nhận thông tin phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa
khỉ, tiếp nhận thông tin các trường hợp mắc, nghi ngờ mắc Đậu mùa khỉ; sẵn sàng
các khu vực cách ly y tế bệnh nhân mắc/nghi mắc Đậu mùa khỉ, có phương án tiếp
nhận, điều trị tại Bệnh viện tuyến tỉnh và các Trung tâm Y tế trên địa bàn. Báo
cáo kịp thời tình hình dịch bệnh.
- Tổ chức các đoàn kiểm tra,
giám sát, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch tại các địa phương.
b) Công tác truyền thông
- Sở Y tế kịp thời, chủ động
cung cấp thông tin đầy đủ chính xác tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh để
các cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao
nhận thức các tầng lớp Nhân dân, triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống
dịch bệnh Đậu mùa khỉ trên địa bàn.
- Xây dựng, thiết kế các thông
điệp truyền thông, khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh tại các cửa khẩu, các cơ
sở khám chữa bệnh và cộng đồng. Truyền tải các thông điệp, khuyến cáo phòng,
chống dịch bệnh tới các đoàn du lịch, người lao động tới các vùng có dịch; cung
cấp các tài liệu truyền thông tại Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, hướng dẫn những hành
khách tự theo dõi tình trạng sức khỏe và chủ động liên hệ với các đơn vị y tế
khi cần thiết.
- Theo dõi và quản lý các tin
đồn về tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý, cung cấp thông tin kịp thời,
phù hợp.
c) Công tác giám sát, dự
phòng
- Xây dựng quy trình giám sát,
phát hiện trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh Đậu mùa khỉ tại cửa khẩu; thường xuyên
giám sát chặt chẽ hành khách tại Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y và các cửa khẩu phụ,
thực hiện kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp sốt thông qua sử dụng
máy đo thân nhiệt từ xa, thông qua giám sát của kiểm dịch viên y tế hoặc nhận
thông tin từ người nhập cảnh chủ động khai báo (đặc biệt lưu ý các trường
hợp đến/ở/về từ vùng có ổ dịch Đậu mùa khỉ). Thường xuyên tổ chức đánh giá
nguy cơ để đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp.
- Nâng cao năng lực, đẩy mạnh
giám sát dựa vào sự kiện (EBS) tại cộng đồng và tại các cơ sở khám, chữa bệnh (đặc
biệt là các cơ sở y tế chuyên khoa Da liễu và các cơ sở khám, chữa bệnh lây truyền
qua đường tình dục, chú trọng giám sát trên đối tượng nguy cơ cao gồm người
đồng giới và người có suy giảm miễn dịch). Điều tra dịch tễ, lấy mẫu chuyển
về Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên để xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh
nghi ngờ theo định nghĩa ca bệnh.
- Kiện toàn Đội đáp ứng nhanh
(RRT) các tuyến, Đội phản ứng nhanh ngoại viện; tổ chức thường trực phòng,
chống dịch tại các đơn vị y tế.
- Đảm bảo có sẵn quy trình
phòng, chống lây nhiễm tại các cơ sở y tế và sử dụng trang phục phòng hộ, đảm
bảo có đủ số lượng trang phục phòng hộ, dung dịch sát khuẩn, các trang thiết bị
thiết yếu, thuốc cho cán bộ y tế tham gia giám sát, phòng, chống dịch.
- Thường xuyên rà soát, cập
nhật các hướng dẫn kỹ thuật về giám sát, dự phòng xử lý ổ dịch theo tình hình
dịch; tổ chức diễn tập. Tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên tham gia công
tác phòng, chống dịch; cập nhật các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật trong giám
sát, phòng, chống dịch.
d) Công tác điều trị
- Các cơ sở khám, chữa bệnh
chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly, giường bệnh; sẵn sàng tổ chức
tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân. Thực hiện nghiêm công tác kiểm
soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa
bệnh.
- Xây dựng quy trình nội bộ
tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh Đậu mùa khỉ; xây dựng phương án hỗ trợ
tuyến dưới khi có dịch bệnh xảy ra hoặc trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức
tạp khó lường.
- Kiện toàn các Đội phản ứng
nhanh ngoại viện, sẵn sàng hỗ trợ địa phương cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi có
yêu cầu. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực trong chẩn đoán, điệu trị, chăm sóc
bệnh nhân cho cán bộ y tế điều trị.
đ) Công tác hậu cần: Rà
soát, chuẩn bị cơ sở vật chất, khu vực cách ly, trang thiết bị, nhân lực,
phương tiện, hóa chất, thuốc[2],
vật tư sẵn sàng phục vụ công tác giám sát, xử lý ổ dịch, thu dung, cấp cứu, xét
nghiệm, điều trị bệnh nhân.
e) Hợp tác quốc tế: Phối
hợp chặt chẽ với các nước bạn Lào, Campuchia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế để
trao đổi thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống.
2. Tình huống 2: Xuất hiện
các trường hợp bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh: Tiếp tục tổ chức triển khai
các hoạt động phòng, chống dịch như Tình huống 1, đồng thời tăng cường và bổ
sung các hoạt động sau:
a) Công tác chỉ đạo, kiểm tra
- Thành lập Ban Chỉ đạo chống
dịch các cấp, triển khai họp Ban Chỉ đạo định kỳ hoặc đột xuất (khi có yêu cầu)
về phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ. Tổ chức thường trực phòng, chống dịch
tại các cơ sở y tế (dự phòng và điều trị). Kích hoạt RRT. Theo dõi sát diễn
biến tình hình, đánh giá tình hình hằng ngày, tham mưu kịp thời Ban Chỉ đạo
chống dịch các cấp để chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch.
- Xây dựng, triển khai phương
án, giải pháp chống dịch phù hợp, tập trung và ưu tiên đối với các khu vực, địa
bàn nhiều nguy cơ. Huy động các Sở, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối
hợp với chính quyền địa phương các cấp quyết liệt tham gia phòng, chống dịch.
- Thực hiện quy chế phát ngôn
về tình hình dịch bệnh theo quy định.
b) Công tác giám sát, dự
phòng
- Tăng cường giám sát các
trường hợp nghi ngờ/có triệu chứng/có yếu tố dịch tễ liên quan, tăng cường lấy
mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên để xét nghiệm nhằm phát
hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý
triệt để ổ dịch khi xuất hiện trường hợp bệnh đầu tiên, không để lan rộng.
- Tiếp tục thực hiện giám sát
chặt chẽ hành khách tại cửa khẩu, tiếp tục duy trì kiểm tra sàng lọc nhằm phát
hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu thông qua sử dụng máy đo thân nhiệt
từ xa.
- Đẩy mạnh giám sát dựa vào sự
kiện tại các cơ sở khám, chữa bệnh và cộng đồng, tổ chức điều tra phát hiện ổ
dịch, khoanh vùng, xử lý triệt để không để bùng phát dịch trong cộng đồng.
- Tổ chức quản lý, theo dõi
tình trạng sức khỏe của tất cả những người có tiếp xúc gần với trường hợp mắc
bệnh xác định theo đúng quy định.
- Thường xuyên cập nhật, đánh
giá rút kinh nghiệm và cập nhật các tài liệu chuyên môn trong giám sát, chẩn
đoán, xử lý ổ dịch để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với
đặc điểm dịch bệnh. Hằng tuần tổ chức đánh giá nguy cơ và đề xuất các biện pháp
can thiệp phù hợp.
- Tổ chức thường trực phòng,
chống dịch 24/24 giờ tại các đơn vị y tế; cử các Đội đáp ứng nhanh hỗ trợ các
địa phương xử lý ổ dịch.
c) Công tác điều trị
- Triển khai thu dung, cách ly,
điều trị, quản lý ca bệnh theo quy định của Bộ Y tế; thực hiện tiếp nhận bệnh
nhân theo phân tuyến điều trị, những bệnh nhân đầu tiên được điều trị tại các
bệnh viện tuyến cuối, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong.
- Tổ chức thường trực cấp cứu,
thu dung, điều trị tại các đơn vị khám, chữa bệnh; triển khai các Đội phản ứng nhanh
ngoại viện để kịp thời hỗ trợ và điều trị tại chổ ở nơi xảy ra dịch.
- Thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm
các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, bệnh nhân nặng, tử vong nghi do mắc bệnh Đậu
mùa khỉ.
- Thực hiện nghiêm việc kiểm
soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa
bệnh theo quy định. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ đảm bảo an toàn cho
nhân viên y tế trực tiếp tham gia khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân, không để
xảy ra hiện tượng lây nhiễm sang cán bộ y tế. Đảm bảo an toàn cho người nhà và
cộng đồng theo quy định; đặc biệt lưu ý đối với đối tượng có nguy cơ cao, dễ bị
tổn thương.
- Cập nhật quy trình nội bộ
tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh Đậu mùa khỉ phù hợp với thực tế tại cơ
sở; tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác chẩn đoán, điều trị, kiểm
thảo tử vong (nếu có), cập nhật phác đồ chẩn đoán, điều trị bệnh nhân và
phòng lây nhiễm phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.
- Chuẩn bị phương án mở rộng cơ
sở điều trị, huy động nguồn lực bệnh viện, kế hoạch thu dung điều trị để kịp
thời ứng phó khi dịch bệnh bùng phát lan rộng.
- Báo cáo kịp thời các trường
hợp mắc bệnh, tử vong tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định của
Bộ Y tế tại Thông tư số 54/2015/TT- BYT và Quyết định số 3044/QĐ-BYT ngày 09
tháng 11 năm 2022 của Bộ Y tế.
d) Công tác truyền thông
- Cập nhật tình hình dịch bệnh,
đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng
trên địa bàn tỉnh, thông tin với các tổ chức quốc tế để không ảnh hưởng đến các
hoạt động kinh tế, xã hội, giao lưu quốc tế, du lịch, không gây hoang mang
trong Nhân dân.
- Cập nhật, bổ sung các thông
điệp truyền thông, các tài liệu truyền thông, khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh
cho phù hợp với các đối tượng nguy cơ và phổ biến trên các phương tiện thông
tin đại chúng, mạng xã hội.
- Đẩy mạnh truyền thông, khuyến
cáo phòng, chống dịch bệnh tại các cửa khẩu; các cơ sở khám, chữa bệnh và cộng đồng.
Thực hiện việc tương tác mạnh mẽ với người dân qua mạng xã hội, giao lưu trực
tuyến để kịp thời truyền tải các thông điệp phòng, chống dịch bệnh.
- Phối hợp quản lý các tin đồn
về tình hình dịch, ngăn chặn kịp thời thông tin sai, không chính xác về tình
hình dịch gây hoang mang trong cộng đồng.
đ) Công tác hậu cần
- Chỉ đạo, rà soát, chuẩn bị
đầy đủ cơ sở vật chất cho việc dự phòng, cách ly, điều trị; xử lý ổ dịch; chuẩn
bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc, trang bị phòng hộ cho nhân viên Y tế và cán bộ
làm nhiệm vụ chống dịch, đảm bảo đủ kinh phí, nhân lực cho công tác phòng,
chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ: Dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ
sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh
phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ. Thực hiện chính sách cho cán bộ, nhân viên y tế
theo đúng quy định.
- Xây dựng kế hoạch dự trữ, bổ
sung thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác chống dịch trong trường hợp
dịch lan rộng, kéo dài.
e) Hợp tác quốc tế: tiếp
tục thực hiện các nội dung như tình huống 1.
3. Tình huống 3: Dịch bệnh
lây lan trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh: Tiếp tục tổ chức triển khai các
hoạt động phòng, chống dịch như tình huống 2, đồng thời tăng cường và bổ sung
các hoạt động sau:
a) Công tác chỉ đạo, kiểm tra
- Tăng cường hoạt động của Ban
Chỉ đạo chống dịch các cấp; tổ chức trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình
dịch và biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Sở Y tế theo dõi sát
diễn biến, đánh giá tình hình dịch hằng ngày; báo cáo, tham mưu kịp thời cho Ủy
ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo chống dịch tỉnh triển khai các biện pháp phòng,
chống dịch. Tổ chức thường trực chống dịch 24/24 giờ để chỉ đạo, huy động nguồn
lực, triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
- Tiếp tục rà soát, đánh giá
khả năng đáp ứng của địa phương để chủ động hỗ trợ các địa phương. Huy động,
vận động toàn lực lượng xã hội tham gia các hoạt động đáp ứng dịch bệnh.
- Tổ chức các đoàn kiểm tra,
giám sát, hướng dẫn tại các địa phương và đánh giá việc triển khai công tác
phòng, chống dịch của các địa phương. Thường xuyên đánh giá hiệu quả các biện
pháp đáp ứng để điều chỉnh phương án phù hợp với tình hình thực tế.
b) Công tác giám sát, dự
phòng
- Triển khai các biện pháp
khoanh vùng, xử lý ổ dịch triệt để. Tổ chức giám sát trường hợp bệnh, điều tra
và theo dõi chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc. Tăng cường giám sát các chùm ca
bệnh có yếu tố dịch tễ liên quan. Tăng cường giám sát, xét nghiệm để xác định
sự lưu hành, biến đổi, mức độ lây lan của dịch bệnh.
- Duy trì việc giám sát tại cửa
khẩu để giảm nguy cơ các trường hợp mắc bệnh nhập cảnh hoặc xuất cảnh. Đẩy mạnh
công tác giám sát dựa vào sự kiện, kịp thời xác minh, tổ chức điều tra phát
hiện ổ dịch, khoanh vùng, xử lý sớm các ổ dịch trong cộng đồng.
- Tổ chức đánh giá nguy cơ để
triển khai các biện pháp đáp ứng phù hợp và hiệu quả. Thường trực phòng, chống
dịch 24/24 giờ tại các đơn vị y tế từ tỉnh đến địa phương. Huy động tối đa lực
lượng nhân viên y tế, sinh viên y khoa tham gia chống dịch.
c) Công tác điều trị
- Thực hiện phân loại người
bệnh theo mức độ nặng nhẹ để điều trị tại các tuyến phù hợp. Tổ chức thường
trực cấp cứu, thu dung, điều trị tại các đơn vị khám, chữa bệnh; các Đội phản
ứng nhanh ngoại viện, sẵn sàng hỗ trợ địa phương cấp cứu, điều trị bệnh nhân
khi có yêu cầu. Tập trung tối đa nguồn lực và chuyên môn kỹ thuật để điều trị
bệnh nhân để hạn chế tối đa trường hợp tử vong.
- Các bệnh viện chủ động triển
khai kế hoạch mở rộng thu dung, điều trị bệnh nhân, điều phối các khoa lâm sàng
và các bộ phận hỗ trợ tham gia công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân Đậu mùa
khỉ.
- Huy động nguồn nhân lực, vật
lực (trang thiết bị, thuốc, vật tư…) cho các đơn vị điều trị bệnh nhân.
Hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, điều động nhân lực tập trung cho địa phương có tình
hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
- Thực hiện nghiêm việc tổ chức
cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây nhiễm chéo tại các bệnh viện
theo quy định. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cho các cán bộ y tế trực
tiếp tham gia khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân, không để xảy ra hiện tượng
lây nhiễm sang cán bộ y tế.
- Thường xuyên cập nhật, đánh
giá rút kinh nghiệm trong công tác chẩn đoán điều trị, chăm sóc để kịp thời
điều chỉnh các hướng dẫn chẩn đoán điều trị phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.
d) Công tác truyền thông
- Đẩy mạnh công tác truyền
thông, tuyên truyền hướng dẫn người dân nhận thức đầy đủ về dịch Đậu mùa khỉ,
nâng cao ý thức của người dân về thực hiện các khuyến cáo, biện pháp dự phòng
nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Tổ chức tuyên truyền trực tiếp hướng dẫn
người dân tại vùng ổ dịch về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
- Thường xuyên cập nhật các
thông tin, sửa đổi các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng, chống dịch
phù hợp với các đối tượng nguy cơ và phổ biến trên các phương tiện thông tin
đại chúng, mạng xã hội.
- Hằng ngày, cung cấp thông tin
về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống trên Trang thông tin điện
tử của Sở Y tế và các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
- Liên tục theo dõi và quản lý
các tin đồn về tình hình dịch bệnh, ngăn chặn và xử lý kịp thời các thông tin
sai, không chính xác về tình hình dịch gây hoang mang trong cộng đồng.
- Ngành Y tế duy trì hoạt động
đường dây nóng của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các bệnh viện tuyến
tỉnh, huyện.
đ) Công tác hậu cần, hợp tác
quốc tế: tiếp tục thực hiện các nội dung như tình huống 2.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với các địa
phương, đơn vị liên quan kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo công tác
phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh; tổ chức họp định kỳ, họp đột
xuất (khi cần thiết), nắm bắt thông tin về diễn biến của dịch để có chỉ đạo kịp
thời.
- Phối hợp với Công an tỉnh, Bộ
Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các cơ quan liên quan thực hiện giám sát chặt
chẽ khách nhập cảnh từ các vùng đang có dịch, hạn chế đến mức tối đa bệnh Đậu
mùa khỉ xâm nhập vào địa bàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương
liên quan giám sát phát hiện sớm các trường hợp bệnh tại cộng đồng.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và
Đầu tư, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan trong việc đề xuất cho Ủy ban
nhân dân tỉnh đảm bảo nguồn lực để triển khai kịp thời, hiệu quả và theo đúng
quy định các hoạt động phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Sở Thông tin và
Truyền thông, các cơ quan báo chí địa phương và các đơn vị liên quan đẩy mạnh
các hoạt động truyền thông phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân để
bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng; tuyên truyền, hướng dẫn
người dân thực hiện khai báo, các biện pháp phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ khi
phát hiện.
- Chỉ đạo các đơn vị trong
ngành Y tế triển khai hiệu quả hoạt động giám sát thường xuyên, giám sát trọng
điểm, giám sát dựa vào sự kiện và triển khai các biện pháp đáp ứng với bệnh Đậu
mùa khỉ; chủ động theo dõi, giám sát tại cửa khẩu, tại cộng đồng và trong các
cơ sở y tế, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh, kịp thời và xử lý triệt để các ổ
dịch, không để lây lan rộng, bùng phát kéo dài tại cộng đồng.
- Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa
bệnh trên địa bàn chuẩn bị các khu cách ly, khu điều trị khi phát hiện ca bệnh
nghi ngờ, ca mắc bệnh Đậu mùa khỉ; thực hiện tốt công tác thu dung điều trị
bệnh nhân kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong và kiểm
soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế và đảm bảo
thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực đáp ứng yêu cầu
phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ.
- Củng cố, kiện toàn và tổ chức
tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của các lực lượng phòng,
chống bệnh Đậu mùa khỉ.
- Đảm bảo đầy đủ trang thiết
bị, thuốc, vật tư, hóa chất… phục vụ phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ tại các cơ
sở y tế công lập của tỉnh theo đúng quy định.
- Tổ chức kiểm tra, đánh giá hiệu
quả công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ của các đơn vị tại địa phương; tổ
chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện công tác phòng,
chống bệnh Đậu mùa khỉ và việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác
phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ. Báo cáo công tác phòng, chống dịch theo đúng quy
định.
2. Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố
- Chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo
phòng, chống dịch bệnh ở người cấp huyện, xã; duy trì hoạt động của đội chống
dịch để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn. Ban hành Kế
hoạch phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ ở người trên địa bàn và tổ chức triển
khai hoạt động theo Kế hoạch và chỉ đạo cấp thẩm quyền theo đúng quy định.
- Chỉ đạo các đơn vị chuyên
môn, cơ quan, ban, ngành và các địa phương quyết liệt sẵn sàng ứng phó với các
tình huống phòng, chống dịch, hạn chế thấp nhất tử vong; thường xuyên kiểm tra,
giám sát công tác chuẩn bị và triển khai các hoạt động phòng, chống dịch; tăng
cường hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ trên địa bàn.
- Chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ cơ sở
vật chất cho việc dự phòng, cách ly, điều trị; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc,
trang bị phòng hộ cho Nhân dân; bảo đảm đủ kinh phí (theo phân cấp), nhân lực
cho công tác phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ: Dự phòng, cách ly,
điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, dụng cụ phòng hộ theo
yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ.Hỗ trợ kịp thời kinh phí
triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ trên địa bàn theo đúng
quy định.
- Chỉ đạo Trung tâm Y tế cấp
huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, theo
dõi chặt chẽ các trường hợp tự theo dõi sức khỏe tại địa phương; hỗ trợ người
dân khử khuẩn và xử lý môi trường ổ dịch (nếu có xảy ra; ngành Y tế hướng
dẫn chuyên môn kỹ thuật).
3. Sở Thông tin và Truyền
thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum, Cổng thông tin điện tử
tỉnh
- Sở Thông tin và Truyền thông
phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí,
truyền thông tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng,
hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở về công tác phòng, chống dịch bệnh Đậu
mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
- Đăng tải các bản tin về tình
hình dịch chính xác, kịp thời và các biện pháp để người dân chủ động phòng,
chống dịch, không hoang mang lo lắng, phối hợp với ngành Y tế phòng, chống dịch
hiệu quả.
4. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn: Triển khai thực hiện có hiệu quả và hướng dẫn các đơn vị,
địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng, chống bệnh Đậu mùa
khỉ ở động vật; tăng cường công tác phối hợp, chia sẽ thông tin về tình hình
dịch bệnh giữa ngành Y tế với ngành Thú y và các địa phương.
5. Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch: Chỉ đạo các vị trực thuộc tham gia giám sát dịch, hướng dẫn các
đơn vị lữ hành theo dõi khách du lịch, khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc
bệnh Đậu mùa khỉ phải kịp thời báo cáo cơ quan y tế gần nhất để có sự hỗ trợ và
triển khai các biện pháp xử lý kịp thời.
6. Công an tỉnh
- Phối hợp bảo đảm an ninh tại
khu vực cửa khẩu trong thời gian dịch bệnh. Cung cấp thông tin về người nước
ngoài đang lưu trú trên địa bàn tỉnh (trong trường hợp dịch bệnh Đậu mùa khỉ
xảy ra trên địa bàn tỉnh). Chỉ đạo lực lượng công an địa phương đảm bảo an
ninh trật tự và hỗ trợ ngành Y tế, chính quyền địa phương trong việc cách ly,
quản lý tự theo dõi sức khỏe và điều tra, truy vết các trường hợp tiếp xúc gần
với ca bệnh Đậu mùa khỉ.
- Tổ chức xác minh và xử lý
nghiêm các trường hợp tung tin không đúng về tình hình dịch bệnh, gây hoang
mang trong cộng đồng, ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân. Phối hợp với các lực
lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, đấu tranh xử lý các đối tượng có hành vi
buôn lậu, đầu cơ, găm hàng, không niêm yết giá, bán giá cao hoặc sản xuất kinh
doanh hàng giả, hàng nhái nhằm trục lợi đối với các mặt hàng, vật tư y tế phục
vụ phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ (nếu có).
7. Ban Quản lý Cửa khẩu Quốc
tế Bờ Y: Chỉ đạo các bộ phận liên quan phối hợp với ngành Y tế để đảm bảo
việc thực hiện giám sát, phát hiện trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh Đậu mùa khỉ tại
Cửa khẩu.
8. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên
phòng tỉnh
- Phối hợp với ngành Y tế thực
hiện việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch tại Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y và các
cửa khẩu phụ, các lối mở; chia sẻ các thông tin về hành khách nhập cảnh qua cửa
khẩu biên giới đường bộ với ngành Y tế (qua khoa Kiểm dịch Y tế Quốc tế thuộc
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật), nhất là thông tin hành khách nhập cảnh đến
từ vùng có ổ dịch Đậu mùa khỉ.
- Chỉ đạo việc kiểm soát chặt
chẽ người qua lại tại các đường mòn, lối mở dọc biên giới; chia sẻ kịp thời
thông tin người từ vùng có ổ dịch Đậu mùa khỉ vào tỉnh qua các đường mòn, lối
mở dọc biên giới cho ngành Y tế (qua Giám đốc Trung tâm Y tế các huyện,
thành phố trên địa bàn).
9. Sở Ngoại vụ: Phối hợp
với các cơ quan, đơn vị quản lý người nước ngoài lưu trú trên địa bàn tỉnh và
bố trí phiên dịch viên để phối hợp với ngành Y tế trong các trường hợp cần
thiết; thông báo cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong trường hợp phải
cách ly y tế theo quy định công dân nước ngoài mắc bệnh tại tỉnh.
10. Sở Giáo dục và Đào tạo,
Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, Trường Cao đẳng Kon Tum: Phổ biến
thông tin về tình hình dịch, các biện pháp phòng, chống dịch tới học sinh, sinh
viên, học viên trên địa bàn tỉnh Kon Tum; phối hợp với ngành Y tế trong các
hoạt động phòng, chống dịch khi có yêu cầu.
11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các tổ chức
chính trị - xã hội tỉnh
Chỉ đạo, phối hợp với ngành Y
tế và chính quyền các cấp phổ biến, thực hiện tuyên truyền, vận động nâng cao
nhận thức của Nhân dân để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch
bệnh Đậu mùa khỉ; phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc
bảo vệ và nâng cao sức khỏe của mình và cộng đồng. Tham gia các đoàn kiểm tra
liên ngành về công tác phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ tại các địa phương.
Căn cứ các nhiệm vụ, nội dung
tại Kế hoạch, yêu cầu các Sở, ban ngành, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai
thực hiện. Kế hoạch sẽ được cập nhật, điều chỉnh thường xuyên, kịp thời để phù
hợp với chỉ đạo của Trung ương, tình hình diễn biến và quá trình triển khai
công tác phòng, chống dịch thực tế trên địa bàn tỉnh./.
Nơi nhận:
- Bộ Y tế (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh Y Ngọc;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Ban Dân vận Tỉnh ủy;
- Các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- Các Sở: Y tế; Thông tin và Truyền thông; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ngoại vụ; Giáo dục và Đào tạo;
- Công an tỉnh;
- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh;
- Ban Quản lý Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Báo Kon Tum;
- Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum;
- Trường Cao đẳng Kon Tum;
- UBND các huyện, thành phố;
- VP UBND tỉnh: CVP, PCVPTrà Thanh Trí;
- Lưu: VT, NNTN, CTTĐT, KGVX.PTP
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Y Ngọc
|
PHỤ LỤC
ĐẶC
ĐIỂM CHUNG VÀ TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ
(Kèm theo Kế hoạch số:3934/KH-UBND ngày 01 tháng 11 năm 2024 của Ủy ban nhân
dân tỉnh Kon Tum)
I. ĐẶC ĐIỂM CHUNG
Đậu mùa khỉ (mpox) là bệnh
truyền nhiễm cấp tính do vi rút đậu mùa khỉ gây ra, có khả năng gây dịch. Bệnh
được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên
cứu, do đó có tên là bệnh Đậu mùa khỉ. Trường hợp bệnh đầu tiên ở người được
ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Công Gô, kể từ đó bệnh Đậu mùa khỉ ở
người trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi.
Vi rút gây bệnh Đậu mùa khỉ là
một loại vi rút DNA sợi đôi, hiện có 2 nhánh vi rút gồm nhánh Trung Phi và
nhánh Tây Phi, trong đó nhánh Trung Phi thường gây bệnh nặng hơn và có khả năng
lây lan nhanh hơn. Một số loài cảm nhiễm với vi rút Đậu mùa khỉ gồm sóc dây,
sóc cây, chuột túi Gambian, động vật linh trưởng và một số loại khác. Tuy
nhiên, hiện vẫn chưa xác định được chính xác ổ chứa.
Bệnh Đậu mùa khỉ lây truyền từ
động vật sang người, lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp gần,
lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn lớn của
đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Sự
lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc
gần trong và sau khi sinh.
Bệnh Đậu mùa khỉ có thời gian ủ
bệnh thường từ 6-13 ngày, nhưng có thể dao động từ 5-21 ngày. Biểu hiện triệu
chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như
bệnh Đậu mùa, các triệu chứng thường thấy là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng,
sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước
xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn
tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Bệnh có thể tự khỏi trong
vòng 2-3 tuần, nhưng cũng có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới
(WHO), tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh theo thống kê trước đây dao động từ 0-11% nói
chung và cao hơn ở trẻ nhỏ. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa
Kỳ), tỷ lệ tử vong của bệnh Đậu mùa khỉ liên quan đến nhóm vi rút Đậu mùa khỉ
nhánh Tây Phi là 1%, và có thể cao hơn ở những người bị suy giảm miễn dịch.
II. TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH
1. Trên thế giới[3]
Trong năm 2024, đặc biệt trong
2 tháng gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ghi nhận sự gia tăng cao bất thường
số trường hợp mắc bệnh Đậu mùa khỉ (mpox) tại Cộng hòa Dân chủ Công Gô. Từ đầu
năm đến nay, nước này đã nghi nhận khoảng 15.600 trường hợp mắc, trong đó có
trên 537 trường hợp tử vong; vi rút mpox nhánh Ib (Clade Ib) đang là nhánh trội
trong đợt dịch tại nước này, bước đầu ghi nhận có một số đặc điểm dịch tễ của
bệnh khác biệt so với các đặc điểm dịch tễ trong vụ dịch trước đó xảy trong năm
2022-2024 tại khu vực châu Âu và một số quốc gia khác như các trường hợp mắc
trẻ hơn (khoảng 50% ở độ tuổi dưới 15 tuổi, khoảng 39% trẻ dưới 5 tuổi), có sự
lây truyền qua nhóm mại dâm nữ (7,5%) và có sự lây nhiễm trong các thành viên
trong hộ gia đình. Ngoài ra, 04 nước giáp với Cộng hòa Dân chủ Công Gô
(Burundi, Kenya, Rwanda and Uganda) đã lần đầu ghi nhận các trường hợp mắc mpox
có yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch bệnh mpox đang xảy ra tại Cộng hòa Dân chủ
Công Gô. Hai nước khác ngoài khu vực châu Phi (Thụy Điển, Pakistan) cũng ghi
nhận trường hợp mắc mpox nhánh Ib. Trước diễn biến của dịch mpox lần này và
nguy cơ lây lan sang các quốc gia khác, WHO đã công bố tình trạng khẩn cấp về
sức khỏe cộng đồng quốc tế (PHEIC) đối với dịch bệnh mpox ngày 14/8/2024.
2. Tại Việt Nam[4]: Từ đầu năm 2024 đến
nay đã ghi nhận 49 trường hợp mắc bệnh Đậu mùa khỉ. Các ca bệnh đều là nam,
tuổi trung bình là 32 (nhỏ nhất là 18 tuổi và lớn nhất là 53 tuổi). 84% ca bệnh
tự nhận bản thân thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới; 55% bệnh nhân là
người sống chung với HIV và 7% đang điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV.
3. Tại tỉnh Kon Tum: Đến
nay chưa ghi nhận ca mắc bệnh Đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp
của tình hình dịch bệnh Đậu mùa khỉ ở người trên thế giới, tỉnh Kon Tum cần chủ
động, tăng cường giám sát nhằm phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh Đậu mùa khỉ
đầu tiên để xử lý kịp thời, triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng; góp phần bảo
vệ tính mạng, sức khỏe người dân theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.
4. Nhận định, dự báo
Hiện nay, tại tỉnh Kon Tum chưa
ghi nhận trường hợp mắc bệnh Đậu mùa khỉ. Mặc dù vậy, dự báo thời gian tới,
nguy cơ xuất hiện các ca bệnh, ổ dịch Đậu mùa khỉ rải rác trên địa bàn tỉnh là
hoàn toàn có thể xảy ra, lý do:
- Do bệnh dịch đã xuất hiện ở
nhiều quốc gia, sự giao lưu đi lại sẽ có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam và các
nước trên thế giới; đặc biệt là Kon Tum có cửa khẩu Quốc tế Bờ Y và có đường
biên giới chung với Lào và Campuchia.
- Từ tháng 4/2022, Việt Nam nói
chung và tỉnh Kon Tum nói riêng không còn áp dụng tờ khai y tế đối với hành khách
nhập cảnh, vì vậy hành khách nhập cảnh vào địa bàn tỉnh thuận lợi, trong đó có
các quốc gia đã ghi nhận ca bệnh Đậu mùa khỉ.
- Hiện tại, Việt Nam cũng đã có
sự xuất hiện của bệnh Đậu mùa khỉ. Nguy cơ bệnh có thể xâm nhập vào tỉnh ta
thông qua giao thương, đi lại rất nhanh, rất thuận lợi của người dân tỉnh ta và
các tỉnh khác trong nước./.