ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 35/KH-UBND
|
Hà Nội, ngày 10
tháng 02 năm 2025
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN
KHAI CHIẾN DỊCH TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG, CHỐNG DỊCH SỞI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
HÀ NỘI NĂM 2025
Thực hiện Quyết định số
271/QĐ-BYT ngày 22/01/2025 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai
Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi năm 2025, Ủy ban nhân dân
Thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng,
chống dịch Sởi trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU
- Từ 95% trẻ từ đủ 6 tháng đến
dưới 9 tháng tuổi trên địa bàn thành phố Hà Nội được tiêm 01 mũi vắc xin phòng
bệnh Sởi.
- Đảm bảo an toàn, hiệu quả và
chất lượng tiêm chủng theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính
phủ quy định về hoạt động tiêm chủng; Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày
12/11/2018 về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu
tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế và các quy định của Bộ
Y tế về tiêm chủng.
II. ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN,
PHẠM VI, HÌNH THỨC TỔ CHỨC
1. Đối tượng
Trẻ em từ đủ 6 tháng đến dưới 9
tháng tuổi bao gồm cả trẻ vãng lai trên địa bàn thành phố Hà Nội.
2. Thời gian:
Năm 2025, dự kiến bắt đầu từ
tháng 02. Triển khai ngay, muộn nhất trong vòng 01 tháng sau khi vắc xin được
Bộ Y tế cung ứng. Tổ chức Chiến dịch cùng ngày hoặc khác ngày tiêm chủng thường
xuyên, tùy thuộc vào số đối tượng tiêm chủng và tình hình thực tế của địa
phương.
- Tháng 02/2025: triển khai
tiêm cho trẻ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi.
- Các tháng tiếp theo: triển
khai tiêm cho trẻ đủ 6 tháng tuổi và tiêm vét cho những trẻ từ 7 tháng đến dưới
9 tháng tuổi chưa được tiêm vắc xin.
3. Phạm vi triển khai: tại
100% xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã trên toàn Thành phố.
4. Hình thức
- Triển khai trên toàn Thành
phố (theo tiến độ cấp vắc xin của Bộ Y tế).
- Địa điểm tổ chức: các điểm
tiêm vắc xin thường xuyên của các xã, phường, thị trấn như: Trạm Y tế, Trung
tâm Y tế hoặc các điểm tiêm chủng cố định khác.
III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
1. Công tác chỉ đạo
- Các cấp từ thành phố đến
quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn, Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc
có liên quan xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc
xin phòng, chống dịch Sởi năm 2025 (sau đây gọi tắt là Chiến dịch).
- Thường xuyên theo dõi, nắm
bắt thông tin triển khai Chiến dịch trên địa bàn để kịp thời chỉ đạo đảm bảo
Chiến dịch diễn ra an toàn và hiệu quả.
2. Công tác tuyên truyền
- Tuyên truyền trước, trong và
sau khi triển khai Chiến dịch.
- Nội dung tuyên truyền: mục
đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, đối tượng, mục tiêu của Chiến dịch, hiệu quả và
tác dụng không mong muốn của vắc xin.
- Đa dạng hóa các hình thức
tuyên truyền: tuyên truyền qua báo chí, đài phát thanh, truyền hình của Trung
ương và Hà Nội; qua hệ thống đài truyền thanh quận, huyện, thị xã và xã,
phường, thị trấn. Nội dung và phương pháp tuyên truyền phong phú để mọi người
dân dễ tiếp nhận và hưởng ứng.
- Thông tin kịp thời, chính xác
tình hình triển khai Chiến dịch: đối tượng tiêm, thời gian, địa điểm tổ chức
tiêm chủng.
3. Công tác tập huấn
- Tập huấn về mục đích, nội
dung, cách thức tổ chức, giám sát Chiến dịch cho cán bộ tham gia công tác chỉ
đạo, giám sát.
- Tập huấn về xây dựng kế
hoạch, điều tra đối tượng, bảo quản, sử dụng vắc xin, tiêm chủng an toàn, phòng
chống phản vệ, giám sát phản ứng sau tiêm chủng, thống kê báo cáo cho cán bộ,
nhân viên y tế tuyến quận, huyện, thị xã.
4. Công tác tiếp nhận, bảo
quản, cấp phát vắc xin và vật tư tiêm chủng
- Vắc xin phải được bảo quản
trong dây chuyền lạnh đúng quy định.
- Đảm bảo đủ vắc xin và vật tư
tiêm chủng cho Chiến dịch.
- Việc tiếp nhận, bảo quản, cấp
phát vắc xin và vật tư tiêm chủng phải thực hiện theo đúng quy định tại Nghị
định 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm
chủng; Nghị định số 155/2018/NĐ- CP ngày 12/11/2018 về việc sửa đổi, bổ sung
một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý
nhà nước của Bộ Y tế và các quy định, hướng dẫn khác của Bộ Y tế về tiêm chủng.
5. Công tác điều tra đối
tượng: Đảm bảo 100% đối tượng trong diện tiêm chủng của Chiến dịch được lập
danh sách và thống kê theo quy định.
6. Tổ chức buổi tiêm chủng
- Căn cứ số đối tượng cần tiêm
trên địa bàn, các quận, huyện, thị xã tổng hợp báo cáo Sở Y tế.
- Thực hiện buổi tiêm chủng
theo đúng quy định tại Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ
quy định về hoạt động tiêm chủng; Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018
của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày
01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng và các hướng
dẫn khác của Bộ Y tế.
- Bố trí các đội cấp cứu lưu
động tại các điểm tiêm chủng để xử lý kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm
chủng.
7. Công tác kiểm tra, giám
sát, báo cáo
- Tổ chức kiểm tra, giám sát
công tác chuẩn bị, triển khai Chiến dịch.
- Thực hiện chế độ báo cáo đúng
quy định.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế (cơ quan
thường trực)
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân
Thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng,
chống dịch Sởi trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025.
- Phối hợp, kiểm tra công tác
tổ chức Chiến dịch tại các quận, huyện, thị xã trước, trong và sau chiến dịch.
- Chỉ đạo các đơn vị trong
ngành thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn trong công tác tổ chức thực hiện
Chiến dịch: điều tra đối tượng, cung ứng và bảo quản vắc xin, vật tư tiêm
chủng, tổ chức tiêm, giám sát và xử trí phản ứng sau tiêm, thống kê báo cáo
theo quy định…
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông và các Sở, ngành, đoàn thể trong hoạt động tuyên truyền, khuyến khích
người dân đưa con em đi tiêm chủng phòng bệnh.
- Tổng hợp báo cáo tình hình
triển khai Chiến dịch về Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân Thành phố.
2. Ủy ban nhân dân các quận,
huyện, thị xã
- Xây dựng Kế hoạch triển khai
Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi năm 2025 trên địa bàn.
- Huy động các ban, ngành, đoàn
thể tham gia công tác truyền thông, tuyên truyền vận động cho Chiến dịch.
- Chỉ đạo các xã, phường, thị
trấn tổ chức điều tra, rà soát đối tượng để tổ chức Chiến dịch.
- Tăng cường công tác kiểm tra,
giám sát trước, trong và sau Chiến dịch.
- Bố trí kinh phí cho triển
khai Chiến dịch.
- Tổng hợp báo cáo kết quả về
Ủy ban nhân dân Thành phố (qua Sở Y tế).
3. Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội
- Chỉ đạo các đơn vị trong
ngành phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế địa phương trong việc xây dựng kế hoạch
và triển khai thực hiện Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi,
đặc biệt tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội có nuôi dưỡng trẻ từ đủ 6 tháng đến
dưới 9 tháng tuổi.
- Phối hợp với ngành Y tế trong
công tác tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của chiến dịch cho người nuôi dưỡng, cán
bộ phụ trách tại các trung tâm bảo trợ xã hội có nuôi dưỡng trẻ từ đủ 6 tháng
đến dưới 9 tháng tuổi; phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát trước, trong và sau
khi triển khai Chiến dịch.
4. Sở Thông tin và Truyền
thông:
Phối hợp với Sở Y tế xây dựng
phóng sự tuyên truyền về Chiến dịch, cung cấp thông tin, hướng dẫn các cơ quan
báo chí Thành phố, cơ quan báo chí Trung ương, địa phương phối hợp và chỉ đạo
hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền về lợi ích, ý nghĩa của việc tiêm chủng
vắc xin phòng chống dịch Sởi, thời gian, địa điểm triển khai để người dân biết
và đưa trẻ đi tiêm phòng.
5. Sở Tài chính:
Kịp thời tham mưu, báo cáo Ủy
ban nhân dân Thành phố bố trí kinh phí cho triển khai Chiến dịch theo quy định.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam Thành phố, các tổ chức, đoàn thể cấp thành phố
- Phối hợp với ngành Y tế và
các Sở, ngành Thành phố trong chỉ đạo tổ chức, kiểm tra giám sát việc triển
khai Chiến dịch.
- Tổ chức tuyên truyền nâng cao
nhận thức của cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa
và lợi ích của Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi trên địa bàn.
V. KINH PHÍ
- Bộ Y tế hỗ trợ cung ứng vắc
xin Sởi cho Chiến dịch.
- Ủy ban nhân dân Thành phố bố
trí kinh phí để phục vụ các hoạt động triển khai Chiến dịch cấp Thành phố.
- Ủy ban nhân dân các quận,
huyện, thị xã bố trí kinh phí cho các hoạt động triển khai tại địa phương: hội
thảo, tập huấn tuyến quận, huyện, thị xã, truyền thông, huy động cộng đồng, hỗ
trợ điều tra đối tượng tại cộng đồng và tại các trường Mầm non, Mẫu giáo, vận chuyển
và bảo quản vắc xin, vật tư tiêm chủng, chi hỗ trợ cán bộ y tế tiêm vắc xin,
kiểm tra giám sát… và các hoạt động khác theo quy định.
Ủy ban nhân dân Thành phố đề
nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các Sở, ban, ngành, đoàn
thể, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng nhiệm vụ, tổ chức
triển khai thực hiện các nội dung Kế hoạch, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban
nhân dân Thành phố (qua Sở Y tế để tổng hợp)./.
Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Đồng chí Bí thư Thành ủy; (để b/cáo)
- Các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy; (để b/cáo)
- Chủ tịch UBND Thành phố; (để b/cáo)
- Thường trực HĐND Thành phố; (để b/cáo)
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố; (để b/cáo)
- Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố HN;
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- Các Sở, ban, ngành Thành phố;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Đài PT&THHN, Báo: HNM, KT&ĐT, ANTĐ, TTXVN-Phân xã HN;
- VPUB: CVP, PCVP; Phòng KGVX, KTTH, TH;
- Lưu: VT, KGVX.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Vũ Thu Hà
|