ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2666/KH-UBND
|
Quảng Bình, ngày
22 tháng 12 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
KIỂM
SOÁT, QUẢN LÝ BỀN VỮNG DỊCH BỆNH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN
2023-2025
I. TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH
1. Trên thế giới
Đại dịch COVID-19 ghi nhận các ca bệnh đầu tiên cuối
tháng 12/2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc; sau đó dịch bệnh nhanh chóng lây lan và
bùng phát tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngày 30/1/2020, Tổ
chức Y tế thế giới tuyên bố COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng
gây quan ngại quốc tế (PHEIC) và đánh giá là đại dịch toàn thế giới ngày
11/3/2020. Ngày 05/5/2023, sau hơn 03 năm xảy ra đại dịch, Tổ chức Y tế thế giới
(WHO) xác nhận COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng
gây quan ngại quốc tế; tại thời điểm này thế giới ghi nhận trên 696 triệu trường
hợp mắc tại 231 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có trên 6,9 triệu trường hợp
tử vong. COVID-19 vẫn còn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu; vi rút SARS-CoV-2
chua biến mất hay bót nguy hiểm, vẫn đang biến đổi và có nguy cơ xuất hiện các
biến thể mới, gây ra các đợt gia tăng mới về số ca mắc và tử vong. WHO khuyến
cáo các quốc gia không được mất cảnh giác và bỏ qua các biện pháp phòng chống dịch.
WHO khẳng định, các quốc gia thành viên đã đến lúc chuyển sang giai đoạn quản
lý lâu dài dịch bệnh COVID-19.
WHO đã ban hành Chiến lược Chuẩn bị và ứng phó với
COVID-19 giai đoạn 2023-2025 với mục tiêu:
- Giảm và kiểm soát số ca mắc mới, nhất là ở nhóm
nguy cơ cao và dễ bị tổn thương;
- Phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị COVID-19 để giảm
tử vong, mắc bệnh và di chứng lâu dài;
- Hỗ trợ các quốc gia trong quá trình chuyển đổi từ
việc đáp ứng khẩn cấp sang quản lý bền vững, lồng ghép với các mối đe dọa khác
và mang tính dài hạn.
2. Tại Việt Nam
Trường hợp mắc bệnh đầu tiên ghi nhận tại Thành phố
Hồ Chí Minh ngày 23/01/2020. Tính đến nay, trải qua 02 giai đoạn chống dịch và
04 đợt bùng phát dịch, cả nước đã ghi nhận trên 11,6 triệu trường hợp mắc và
trên 43 nghìn trường hợp tử vong; 99,9% số mắc được ghi nhận trong giai đoạn
2020-2022.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng,
toàn quân và toàn dân đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các giải pháp
chống dịch phù hợp; dịch bệnh đã từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát
hiệu quả; góp phần quan trọng và tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế
- xã hội trên các lĩnh vực; được Nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh
giá cao.
Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3896/QĐ-BYT ngày
19/10/2023 điều chỉnh phân loại COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang
bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B có hiệu lực thi hành từ 20/10/2023. Ngày
19/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26/2023/QĐ-TTg sửa đổi
Phụ lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm
trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm
ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/01/2016 quy định điều kiện
công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm; có hiệu lực thi hành từ
20/10/2023.
3. Tại Quảng Bình
Trong năm 2020, Quảng Bình vẫn kiểm soát tốt dịch
COVID 19 và chưa ghi nhận ca bệnh. Năm 2021 Quảng Bình là một trong 05 tỉnh cuối
cùng trong cả nước có ca lây nhiễm COVID-19 trên địa bàn. Ngày 05/7/2021, Quảng
Bình ghi nhận trường hợp dương tính đầu tiên với SARS-CoV-2 về trên địa bàn tỉnh
sau nhập cảnh tại Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo. Ngày 20/7/2021, chùm ca bệnh đầu
tiên ghi nhận là 03 công dân nhập cảnh từ Nga, đã hoàn thành cách ly tập trung
21 ngày tại Khánh Hòa và tiếp tục theo dõi tại nhà ở Bãi Dinh, Dân Hoá, huyện
Minh Hoá. Sau đó tiếp tục ghi nhận các ca bệnh rải rác, chủ yếu là công dân nhập
cảnh, lái xe tại Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo và người từ vùng dịch về. Ngày
24/8/2021, sau 14 ngày không phát hiện ca bệnh trong cộng đồng, tỉnh Quảng Bình
đã xuất hiện ổ dịch mới liên quan đến chuỗi lây nhiễm Cảng cá Nhật Lệ với tốc độ
bùng phát lớn, lây lan nhanh, chủ yếu tập trung ở thành phố Đồng Hới, huyện Bố
Trạch; có hơn 1.500 ca dương tính trong vòng 4 tuần. Ngày 16/9/2021, xuất hiện ổ
dịch mới ở thị xã Ba Đồn. Từ ngày 15/9/2021 đến đầu tháng 10/2021, số lượng các
ca bệnh trong ngày đã có chiều hướng giảm và tập trung chủ yếu những vùng phong
tỏa. Các ổ dịch mới được khoanh vùng, xử lý kịp thời. UBND tỉnh đã ban hành Quyết
định chuyển trạng thái mới các mức độ phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Từ 01/10/2021, người dân từ vùng dịch về nhất là từ các tỉnh phía Nam gia tăng
nên tình hình dịch tiếp tục diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm mới tăng trở lại,
xuất hiện nhiều ổ dịch trên địa bàn tỉnh liên quan đến người về từ vùng dịch. Đến
tháng 10/2021, tỉnh Quảng Bình đã cơ bản kiểm soát dịch hiệu quả và chuyển hướng
sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID19 theo Nghị
quyết 128/NQ-CP. Trong năm 2021, toàn tỉnh có 3.715 ca mắc COVID -19, trong đó
3.331 ca đã khỏi bệnh, 461 ca đang điều trị, 07 ca tử vong. Trong năm 2022, số
ca mắc tăng nhanh từ tháng 1 và đạt đỉnh vào tháng 3, sau đó giảm dần từ tháng
4 đến tháng 6, có xu hướng tăng lại vào tháng 8 nhưng không đáng kể và sau đó
tiếp tục giảm đến hết năm. Năm 2022 toàn tỉnh có 128.627 ca COVID-19 trong đó tập
trung nhiều nhất tại thành phố Đồng Hới (27.339 ca), Bố Trạch (24.737 ca) và 75
ca tử vong. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.058 ca (giảm 99,2% so
với cùng kỳ năm 2022) và không có ca tử vong.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh
truyền nhiễm trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo. Trong bối cảnh toàn
cầu hóa ngày càng phát triển, các đại dịch nói chung đang tăng dần tần suất xuất
hiện. Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô
thị hóa... tạo thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan và
bùng phát. Quán triệt quan điểm thực hiện hiệu quả việc phòng bệnh từ sớm, từ
xa, để hạn chế dịch bệnh bùng phát và chuẩn bị sẵn sàng, chủ động ứng phó trong
trường hợp COVID-19 quay trở lại với các biến chủng nguy hiểm hoặc với các đại
dịch, các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh, thực hiện Quyết định số 3984/QĐ-BYT
ngày 29/10/2023 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững
dịch bệnh COVID-19 giai đoạn 2023-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban
hành Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh
Quảng Bình giai đoạn 2023-2025 như sau.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Bảo đảm kiểm soát hiệu quả, bền vững dịch COVID-19
để bảo vệ tối đa sức khỏe của người dân góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
2. Mục tiêu cụ thể
- Giảm số mắc COVID-19, nhất là ở nhóm nguy cơ cao
và dễ bị tổn thương.
- Giảm ca nặng và tử vong do COVID-19.
- Đảm bảo việc quản lý bệnh COVID-19 bền vững cùng
với các bệnh truyền nhiễm khác.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Công tác chỉ đạo, điều
hành
- Rà soát hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách
tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch; nhất là đầu tư
phát triển hệ thống y tế, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở.
- Căn cứ diễn biến thực tế tình hình dịch bệnh, thực
hiện việc công bố dịch và công bố hết dịch theo Luật phòng, chống bệnh truyền
nhiễm; xem xét kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các cấp, phù hợp
với việc đáp ứng tình hình dịch bệnh tại địa phương.
- UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng Kế hoạch
Kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn giai đoạn
2023-2025.
- Xây dựng, triển khai Kế hoạch sử dụng vắc xin
phòng COVID-19 phù hợp theo đối tượng, lịch tiêm chủng và lồng ghép tiêm chủng
vắc xin phòng chống COVID-19 vào chương trình tiêm chủng thường xuyên theo hướng
dẫn Bộ Y tế.
- Thực hiện chính sách liên quan đến thanh toán chi
phí khám chữa bệnh COVID-19 khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B.
- Chỉ đạo, hướng dẫn việc giải quyết những ảnh hưởng
do COVID-19 trong việc thực hiện các dịch vụ y tế cơ bản như: công tác tiêm chủng
mở rộng, công tác dinh dưỡng, phòng chống các bệnh không lây nhiễm và các biểu
hiện hậu COVID-19,...
2. Công tác chuyên môn
2.1. Công tác giám sát
- Chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh
trên thế giới, trong nước, trong tỉnh, cung cấp kịp thời các thông tin về tình
hình dịch bệnh.
- Lồng ghép giám sát COVID-19 vào hệ thống giám sát
tác nhân gây bệnh đường hô hấp, bao gồm giám sát trọng điểm hội chứng Cúm
(ILI), giám sát viêm phổi nặng do vi rút (SVP), giám sát đặc điểm di truyền của
vi rút SARS-CoV-2 để theo dõi các biến thể của vi rút.
- Thực hiện đánh giá nguy cơ định kỳ và đột xuất,
triển khai ngay các đáp ứng trong phòng, chống dịch tương ứng với các mức nguy
cơ.
- Rà soát, sửa đổi, cập nhật hướng dẫn giám sát và
phòng, chống COVID- 19 phù hợp tình hình dịch.
2.2. Công tác điều trị
- Bảo đảm năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại
các cơ sở khám, chữa bệnh.
- Tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn,
phòng lây nhiễm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong các cơ sở y tế, chú trọng
bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người mắc bệnh
nền, người cao tuổi, người bệnh hồi sức tích cực, thân nhân tạo...).:
- Triển khai các hoạt động về quản lý, chăm sóc, điều
trị và hỗ trợ người mắc có nguy cơ chuyển nặng ngay tại cộng đồng; theo dõi và
kịp thời điều trị các biến chứng sau khi mắc COVID-19.
- Tổ chức phổ biến về Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị
COVID-19, Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám chữa
bệnh; tiếp tục theo dõi, rà soát, sửa đổi, cập nhật phù hợp với tình hình mới.
- Thống kê, điều chỉnh nhu cầu trang thiết bị y tế,
hồi sức, bao gồm máy móc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu,
phương tiện phòng hộ cá nhân, ô xy y tế,... phục vụ cho phòng, chống dịch
COVID-19 phù hợp với tình hình mới.
2.3. Tiêm vắc xin
- Xây dựng và triển khai kế hoạch sử dụng vắc xin
phòng chống COVID-19 phù hợp theo đối tượng, lịch tiêm chủng. Ưu tiên tiêm chủng
nhóm nguy cơ cao.
- Lồng ghép tiêm vắc xin COVID-19 vào buổi tiêm chủng
thường xuyên tại các cơ sở y tế hoặc tổ chức tiêm chủng chiến dịch phù hợp với
tình hình dịch thực tế tại địa phương.
2.4. Dự phòng cá nhân
- Khuyến khích thực hiện 2K (Khẩu trang - Khử khuẩn).
Khuyến khích đeo khẩu trang tại nơi đông người, trên các phương tiện giao thông
công cộng; tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo hướng dẫn hiện hành của
Bộ Y tế.
- Thường xuyên vệ sinh tay bằng xà phòng với nước sạch
hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường, đặc biệt sau khi tiếp xúc với bề mặt
nghi nhiễm, ho, hắt hơi.
- Định kỳ vệ sinh bề mặt nơi ở, sinh hoạt, làm việc.
- Khuyến cáo những trường hợp nghi mắc bệnh/mắc bệnh
nhẹ hạn chế tiếp xúc với người khác, tự cách ly.
3. Công tác truyền thông
- Cập nhật thông tin thường xuyên về tình hình dịch
bệnh COVID-19 trên thế giới, Việt Nam, địa bàn tỉnh cho người dân biết, không
hoang mang, lo lắng nhưng cũng không chủ quan, lơ là.
- Truyền thông nguy cơ và các biện pháp phòng, chống
dịch bệnh để người dân hiểu và biết cách tự chủ động thực hiện phòng bệnh cho
mình và người xung quanh.
- Truyền thông tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ
theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Định hướng cơ quan thông tin, báo chí trong các hoạt
động truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 của ngành y tế.
4. Tập huấn
- Tập huấn về hướng dẫn giám sát phòng, chống dịch
COVID-19.
- Tập huấn về Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị
COVID-19, Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám chữa
bệnh.
- Triển khai các nhóm chuyên gia hỗ trợ các địa
phương trong việc hướng dẫn chỉ đạo chuyên môn kỹ thuật.
5. Công nghệ thông tin
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, báo
cáo, thống kê ca bệnh, xét nghiệm, tiêm vắc xin; tư vấn, điều trị, đào tạo từ
xa và chia sẻ thông tin về giám sát dịch bệnh, tiêm vắc xin, xét nghiệm, điều
trị, phục vụ phòng, chống dịch.
- Triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư, tài khoản định
danh điện tử trong công tác quản lý ca bệnh.
6. Nghiên cứu khoa học
- Thường xuyên cập nhật các kiến thức nghiên cứu
khoa học về dịch tễ học, giám sát sự tiến hóa, biến chủng của tác nhân gây bệnh
để phục vụ công tác phòng và điều trị dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
- Triển khai nghiên cứu các vấn đề sức khỏe liên
quan đến COVID-19 và các vấn đề do hậu COVID-19 gây ra.
- Khảo sát năng lực ứng phó dịch COVID-19 đối với
các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và trường học.
7. Công tác hậu cần
- Bảo đảm đáp ứng đủ thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất,
sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phù hợp với tình hình dịch.
- Thực hiện việc phê duyệt, cấp phép lưu hành các
loại vắc xin, thuốc kháng vi rút, sinh phẩm chẩn đoán để phục vụ kịp thời công
tác phòng chống dịch.
- Có phương án đảm bảo cơ số giường bệnh, giường điều
trị tích cực, khu vực điều trị COVID-19 tại các tuyến huyện, tỉnh.
- Nghiên cứu, xây dựng và đề xuất các chính sách về
xã hội hóa trong phòng, chống dịch.
- Xây dựng, đề xuất các chế độ chính sách đãi ngộ
phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở, người trực tiếp
tham gia công tác phòng, chống dịch.
8. Phương án đảm bảo công tác y
tế trong tình huống dịch COVID-19 có biến chủng mới nguy hiểm, bùng phát mạnh
trên diện rộng
Trong trường hợp dịch COVID-19 có biến thể mới nguy
hiểm, bùng phát trên diện rộng thì thực hiện theo Phương án đảm bảo công tác y
tế trong tình huống dịch COVID-19 có biến chủng mới nguy hiểm, bùng phát mạnh
trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế tại Phụ lục kèm theo.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
- Cơ quan thường trực phòng, chống dịch của tỉnh;
tham mưu các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Làm đầu mối triển
khai kế hoạch, dự trù kinh phí phòng, chống dịch bệnh ở người trên địa bàn tỉnh,
điều phối hoạt động liên ngành; đồng thời theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực
hiện kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế.
- Thường xuyên cập nhật, tổng hợp tình hình dịch, tổ
chức đánh giá, xác định nguy cơ dịch, tham mưu triển khai các đáp ứng trong
phòng, chống dịch phù hợp.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện việc công
bố dịch, công bố hết dịch theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
- Rà soát, cập nhật Hướng dẫn giám sát và phòng, chống
COVID-19 và Hướng dẫn điều trị COVID-19. Hướng dẫn phân luồng bệnh nhân, sàng lọc,
xử trí, cách ly, điều trị COVID-19 theo hướng dẫn hiện hành.
- Chỉ đạo và phối hợp với các đơn vị liên quan
trong giám sát, phân tích, dự báo tình hình dịch bệnh. Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh theo dõi diễn biến tình hình nhập viện, chuyển biến nặng, tử vong của
bệnh nhân COVID- 19 nhập viện để dự báo và kịp thời tham mưu công tác phòng, chống
dịch bệnh.
- Triển khai tiêm vắc xin COVID-19 theo hướng dẫn của
Bộ Y tế.
- Chỉ đạo, triển khai tập huấn cho cán bộ y tế các
tuyến về công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh, điều trị bệnh.
- Chỉ đạo các đơn vị y tế chủ động dự trù, chuẩn bị
đầy đủ thuốc, thiết bị vật tư y tế cho công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh,
công tác điều trị bệnh (hồi sức cấp cứu, phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc điều
trị và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh
nhân).
- Thực hiện thông tin, truyền thông tình hình dịch
bệnh, đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi kiến thức hành vi trong cộng đồng dân cư để
cộng đồng cùng tích cực, chủ động tham gia phòng, chống dịch để bảo vệ sức khỏe
cho bản thân và cộng đồng.
- Cập nhật các văn bản hướng dẫn phòng, chống dịch
trong các cơ sở giáo dục, cơ sở lao động, khu công nghiệp; an toàn vệ sinh lao
động cho cán bộ y tế trong trường hợp cần thiết. Khảo sát năng lực ứng phó dịch
COVID-19 đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, cụm công nghiệp
và cơ sở giáo dục.
- Rà soát, đề xuất việc tiếp tục áp dụng hoặc không
tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong chức năng, nhiệm
vụ được giao.
2. Sở Thông tin và Truyền
thông
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan, đơn
vị có liên quan hướng dẫn các cơ quan báo chí của tỉnh, Cổng Thông tin điện tử
tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh; triển khai
công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức và phù hợp với nhiều đối
tượng.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo thông
tin liên lạc phục vụ thông suốt trong các tình huống dịch.
3. Sở Văn hóa và Thể thao
- Xây dựng kế hoạch và các phương án của ngành
trong phòng, chống dịch bệnh. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các cơ sở thuộc
quyền quản lý:
- Phối hợp với ngành y tế đảm bảo công tác phòng chống
dịch tại các khu vực tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao.
4. Sở Du lịch
- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở lưu trú du lịch;
doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành; các điểm du lịch... tổ chức thực hiện
các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
- Phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc
trưng dụng cơ sở lưu trú du lịch làm bệnh viện dã chiến hoặc khu cách ly điều
trị khi có tình huống đại dịch.
5. Sở Xây dựng
- Thông báo đến chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng
trên địa bàn tỉnh, chủ động làm việc, yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện nghiêm
túc quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
6. Sở Công Thương
Chỉ đạo Phòng Kinh tế/ Kinh tế và Hạ tầng các huyện,
thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, Ban Quản lý chợ; các siêu thị, trung tâm
thương mại trên địa bàn tỉnh xây dựng phương án tổ chức hệ thống lưu động phân
phối, mua bán hàng nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm trong tình huống đại dịch
xảy ra.
7. Cục Quản lý thị trường
- Kiểm tra, kiểm soát khâu lưu thông, phân phối gia
súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.
- Kiểm soát thị trường khi giá cả các mặt hàng thay
thế thịt gia súc, gia cầm tăng đột biến khi có các tình huống dịch.
8. Sở Tài chính
Tổng hợp, cân đối kinh phí chi thường xuyên theo khả
năng ngân sách để tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện
kế hoạch theo quy định của pháp luật.
9. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị, địa phương liên
quan trong công tác xây dựng Kế hoạch phòng chống COVID-19 theo tình huống dịch,
phù hợp theo các quy định hiện hành.
10. Sở Giao thông vận tải
- Xây dựng kế hoạch và các phương án của ngành trong
phòng, chống dịch bệnh.
- Điều động các phương tiện vận tải phối hợp tham
gia các phương án của Sở Y tế, Sở Công thương và các sở, ban, ngành khác liên
quan trong tình huống đại dịch xảy ra.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành
khách, xe buýt phối hợp với các đơn vị y tế tuyên truyền những thông điệp về
phòng, chống dịch bệnh trên các phương tiện vận tải công cộng.
- Chỉ đạo thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường
tại các bến xe, bến tàu, bến cảng.
11. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Xây dựng kế hoạch và các phương án của ngành
trong phòng, chống dịch bệnh.
- Chỉ đạo các trường học triển khai thực hiện công
tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống dịch bệnh cho giáo viên và
học sinh; triển khai các hoạt động phòng chống dịch trong nhà trường; khuyến
khích học sinh tham gia vào các hoạt động phòng, chống dịch tại cộng đồng;
thông báo kịp thời cho cơ quan y tế về các trường hợp mắc bệnh xảy ra trong trường
học. Các trường có tổ chức bữa ăn cho học sinh nội trú, bán trú phải thực hiện
nghiêm túc các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Chỉ đạo các trường học thực hiện theo các tình huống
dịch như: cho học sinh tại vùng dịch tạm thời nghỉ học, sau khi dịch an toàn tổ
chức giảng dạy thêm để bảo đảm chương trình. Trong thời gian xảy ra dịch, học
sinh phải được áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch.
- Phối hợp với Sở Y tế trong trưng dụng trường học
để triển khai bệnh viện dã chiến, khu cách ly điều trị khi cần thiết.
12. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy
quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
- Xây dựng kế hoạch và các phương án của ngành
trong phòng, chống dịch bệnh và tham gia phòng, chống dịch.
- Phối hợp với Sở Y tế xây dựng phương án kết hợp
quân dân y trong các tình huống dịch.
- Phối hợp với ngành y tế tổ chức các biện pháp chống
dịch, cách ly bệnh nhân, trường hợp đặc biệt phải áp dụng các biện pháp cưỡng
chế, bắt buộc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết qua đó bảo
vệ sức khỏe cho cộng đồng.
13. Báo Quảng Bình, Đài Phát
thanh và Truyền hình Quảng Bình
- Phối hợp với Sở Y tế xây dựng chuyên trang,
chuyên mục về sức khỏe định kỳ trên báo, đài.
- Tổ chức tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh theo
đề nghị của cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của tỉnh.
14. UBND các huyện, thị xã,
thành phố
- Quán triệt công tác phòng, chống dịch bệnh ở người
là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, Chính quyền và các Đoàn thể tại địa phương.
- Tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống
dịch, thường xuyên tổ chức đánh giá tình hình dịch bệnh tại địa phương, đề ra
những biện pháp phù hợp nhằm ứng phó kịp thời với tình hình diễn biến dịch.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người
dân tích cực tham gia phòng, chống dịch tại địa phương. Nội dung tuyên truyền cần
tập trung vào việc thông tin diễn biến tình hình dịch trên địa bàn, cách phòng
chống, phát hiện bệnh và trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác phòng, chống
dịch bệnh.
- Thường xuyên báo cáo tình hình dịch về UBND tỉnh
(thông qua Sở Y tế) để theo dõi, chỉ đạo kịp thời.
Trên đây là Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch
bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2023-2025, yêu cầu các cơ
quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện; trong quá trình thực hiện
nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo về Sở Y tế (cơ quan thường trực) để tổng hợp
trình UBND tỉnh xem xét giải quyết./.
Nơi nhận:
- Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế;
- CT, các PCT UBNDT tỉnh;
- UB MTTQVN tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Các cơ quan TW đóng trên địa bàn;
- UBND huyện, TX, TP;
- Lưu: VT, NCVX.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hồ An Phong
|