ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 22/KH-UBND
|
Hòa Bình, ngày 05 tháng 02 năm 2018
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÁT TRIỂN NGÀNH DƯỢC GIAI ĐOẠN
ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TỈNH HÒA BÌNH
Thực hiện Công văn số 7335/BYT-QLD
ngày 22/12/2017 của Bộ Y tế về việc xây dựng Kế hoạch và báo cáo tình hình
triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai
đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày
10/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển
ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết
định số 2614/QĐ-BYT ngày 16/7/2014 của Bộ Y tế về việc ban
hành “Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược
Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số
68/QĐ-TTg ngày 10/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ”;
Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban
hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến
năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, với các nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Quán triệt, triển khai cụ thể
hóa những nội dung cơ bản của Chiến lược quốc gia phát triển
ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa
bàn tỉnh, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng
cao sức khỏe nhân dân.
2. Xác định mục tiêu, nhiệm vụ trọng
tâm và giải pháp chủ yếu cho giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, cũng như những nhu cầu thực tế
đặt ra nhằm từng bước phát triển ngành dược của tỉnh.
3. Xác định rõ trách nhiệm đơn vị chủ
trì, đơn vị phối hợp thuộc các cấp, ngành và địa phương,
trong từng hoạt động cụ thể để hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược quốc
gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời
thuốc cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân tỉnh Hòa Bình; đáp ứng kịp
thời yêu cầu an ninh, quốc phòng, thiên tai, dịch bệnh và các nhu cầu khẩn cấp
khác. Đảm bảo thuốc được sử dụng an toàn, hiệu quả với giá hợp lý. Chú trọng
cung ứng thuốc cho đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, người nghèo, đồng
bào vùng khó khăn.
- Quan tâm phát triển sản xuất thuốc
dược liệu, thuốc cổ truyền đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, từng bước thay
thế thuốc nhập khẩu.
- Đẩy mạnh hoạt động Dược lâm sàng và
hoạt động cảnh giác dược trong bệnh viện nhằm đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an
toàn và hiệu quả.
2. Mục
tiêu cụ thể đến năm 2020
- 100% thuốc được cung ứng kịp thời
cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh.
- Tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất
trong nước/tổng số tiền sử dụng thuốc tại các cơ sở y tế, phấn đấu đến năm 2020
đạt các chỉ số sau:
+ Bệnh viện tuyến tỉnh đạt 70%;
+ Bệnh viện tuyến huyện đạt 80%.
- Tỷ lệ sử dụng vắc xin sản xuất
trong nước tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ đạt 30%.
- 100% cơ sở bán buôn thuốc đạt tiêu
chuẩn “Thực hành tốt phân phối thuốc”; 100% nhà thuốc, quầy thuốc đạt tiêu
chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc”; Trung tâm kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực
phẩm tỉnh đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc”; 100% bệnh
viện có kho thuốc đủ điều kiện bảo quản theo tiêu chuẩn
“Thực hành tốt bảo quản thuốc”, có phần mềm quản lý dược
đến tất cả các khoa lâm sàng.
- 80% bệnh viện tuyến tỉnh, 50% trung
tâm y tế tuyến huyện có Dược sỹ được đào tạo chuyên ngành dược lâm sàng.
- Đạt tỷ lệ 1,0 dược sỹ/vạn dân,
trong đó Dược sỹ lâm sàng chiếm 30%.
3. Mục tiêu định hướng đến năm 2030
- 100% cơ sở kiểm nghiệm, phân phối,
bảo quản thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt” (GPs); 100% các bệnh viện có bộ
phận dược lâm sàng và tổ chức hoạt động có hiệu quả; Bệnh viện Đa khoa tỉnh có
Dược sỹ trình độ Tiến sỹ, chuyên khoa II chuyên ngành Dược lâm sàng và là đầu
mối cho các hoạt động dược lâm sàng, thông tin thuốc.
- Quy hoạch và mở rộng vùng nuôi
trồng dược liệu, đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn dược liệu trong tỉnh.
- Đạt tỷ lệ 2,0 dược sỹ/vạn dân,
trong đó dược sỹ lâm sàng chiếm 30%.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Về
cơ chế, chính sách
- Khuyến khích sản xuất và sử dụng
thuốc trong nước, áp dụng triệt để các tiêu chuẩn thực
hành tốt (GPs) trong công tác sản xuất, bảo quản, kinh doanh, kiểm nghiệm thuốc.
- Xây dựng chính sách nhằm thu hút và
khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia một
cách hiệu quả vào mạng lưới cung ứng thuốc và thực hiện nhiệm vụ công ích theo
đúng quy định của nhà nước.
- Có cơ chế chính sách tạo điều kiện
thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển hệ thống chuỗi nhà thuốc đạt tiêu
chuẩn GPP.
- Hoàn thiện chính sách thúc đẩy việc
nghiên cứu, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, cung ứng thuốc thiết yếu, bảo đảm
cho người dân có điều kiện tiếp cận, lựa chọn, sử dụng thuốc
an toàn, hiệu quả với giá hợp lý; Xây dựng quy hoạch vùng nuôi trồng dược liệu
theo tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái thuốc
- GACP”.
- Tổ chức thực hiện tốt các chính
sách ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước, từ nguồn ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế; Tiếp tục hoàn
thiện và triển khai tiêu chuẩn thực hành tốt kê đơn thuốc, thực hành tốt nhà
thuốc và các chính sách liên quan đến hoạt động cảnh giác dược, thông tin,
quảng cáo thuốc.
2. Đào tạo và phát triển nguồn
nhân lực dược
- Chủ động đào tạo nguồn nhân lực
dược đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Dược. Tập trung chủ yếu đào tạo Dược sỹ
đại học, trên đại học và Dược sỹ lâm sàng; phấn đấu đến năm 2020, đạt tỷ lệ 01
Dược sỹ đại học/vạn dân.
- Phối hợp với Trường Đại học Dược Hà
Nội đào tạo Dược sỹ chuyên ngành dược lâm sàng và đào tạo cấp chứng chỉ dược
lâm sàng cho các Dược sỹ đang công tác tại các đơn vị có giường bệnh. Phấn đấu
đến năm 2020, 100% bệnh viện có đủ Dược sỹ đáp ứng đủ trình độ chuyên môn thực
hiện công tác dược lâm sàng.
3. Cung ứng và sử dụng thuốc
- Củng cố mạng lưới phân phối thuốc
từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn, đều đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn GPs
đảm bảo cho mọi người dân đều được tiếp cận với dịch vụ cung ứng thuốc chất
lượng, hợp lý. Phấn đấu đến năm 2020, 100% các cơ sở bán lẻ thuốc (trong đó
có cả các tủ thuốc ở trạm y tế) có cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ
chuyên môn đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn GPP.
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân
xây dựng chuỗi nhà thuốc đạt chuẩn GPP; xây dựng cơ sở bán lẻ thuốc tại các
vùng nông thôn có ít địa điểm bán thuốc.
- Chủ động, kịp
thời cung cấp các thông tin về năng lực sản xuất, chất lượng thuốc (tương
đương sinh học, tương đương điều trị, hiệu
quả điều trị, hiệu quả phòng bệnh....) cũng như việc
sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả và hợp lý của thuốc sản xuất trong nước đến các
cơ sở y tế, cơ sở bán thuốc, cơ sở tiêm vác xin dịch vụ và người dân.
- Tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền
việc sử dụng thuốc sản xuất trong nước. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng
thuốc sản xuất trong nước/tổng số tiền sử dụng thuốc tại bệnh viện tuyến tỉnh
đạt 70% và bệnh viện tuyến huyện đạt 80%.
- Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát
việc tư vấn và kê đơn thuốc cho người bệnh nhằm hạn chế kê đơn tràn lan, không đúng mục đích.
- Tổ chức triển khai có hiệu quả cuộc
vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”.
- Phát huy vai trò của Hội đồng Thuốc
và Điều trị, đơn vị thông tin thuốc: thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn,
hội thảo của các đơn vị tuyến trên cho các đơn vị tuyến dưới, áp dụng công nghệ
thông tin vào quản lý kho, cấp phát thuốc tại tất cả các đơn vị.
- Xây dựng cơ chế phối hợp với các
Khoa Dược của Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai cơ sở 2 trên địa bàn tỉnh nhầm đẩy mạnh hoạt động dược lâm sàng, thông tin thuốc, theo dõi “phản ứng
có hại của thuốc - ADR” và hướng dẫn sử dụng.
- Tăng cường hoạt động thông tin
thuốc, dược lâm sàng tại các cơ sở y tế. Cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời
các thông tin về thuốc cho cán bộ y tế và người bệnh. Củng cố hoạt động tư vấn
về thuốc cho người sử dụng tại các điểm bán thuốc. Duy trì đều đặn công tác
thông tin về thuốc qua các hoạt động hội thảo, tập huấn, nghiên cứu khoa học.
4. Thanh tra, kiểm tra và hoàn
thiện tổ chức
- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám
sát chất lượng thuốc, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, xuất khẩu,
nhập khẩu, lưu thông, phân phối, cung ứng thuốc giả, thuốc
kém chất lượng trên thị trường và các hành vi gian lận trong kinh doanh; Xây
dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc trên địa bàn, nhất là các đầu
mối cung ứng thuốc, các vị thuốc y học cổ truyền.
- Thực hiện các biện pháp quản lý giá
thuốc, tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm kiểm soát, bình ổn giá thuốc.
- Tiếp tục tổ chức đấu thầu tập trung
thuốc, vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm, vị thuốc cổ truyền
hàng năm nhằm lựa chọn các nhà cung ứng thuốc có năng lực, uy tín, đảm bảo cung
ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm, vị thuốc cổ truyền
cho nhu cầu sử dụng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập với giá hợp lý
theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Xây dựng lộ trình đầu tư nâng cấp
cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm tỉnh theo các tiêu chuẩn ISO 17025 và tiêu
chuẩn “Thực hành tốt kiểm nghiệm thuốc” (GLP), đồng thời có cơ chế phối hợp
giữa các đơn vị trong ngành đảm bảo sử dụng hiệu quả các
trang thiết bị hiện có.
5. Sản xuất thuốc
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân
đầu tư vào các hoạt động: sản xuất, nghiên cứu, chuyển giao, tiếp nhận và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, tiếp thị, quảng bá
thương hiệu các sản phẩm nguyên liệu hóa dược, dược liệu, các thuốc thành phẩm
và các hoạt động khác nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa dược, công
nghiệp bào chế thuốc tại tỉnh Hòa Bình.
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học quản lý,
các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến trong việc xây dựng và phát triển hệ thống
lưu thông, phân phối và cung ứng thuốc.
6. Phát triển thuốc y học cổ truyền
- Tiếp tục triển khai thực hiện chính
sách quốc gia về y dược học cổ truyền. Củng cố hệ thống tổ chức y dược học cổ
truyền từ tỉnh đến cơ sở, đẩy mạnh phát triển đông dược và dược liệu; các văn
bản hướng dẫn quy trình kỹ thuật điều trị bằng y học cổ truyền và quy trình
điều trị kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại đối với một số bệnh mà y
học cổ truyền có khả năng điều trị đạt kết quả tốt. Tiêu chuẩn hóa thuốc bán
thành phẩm và thuốc thành phẩm y học cổ truyền.
- Quy hoạch và phát triển vùng nuôi
trồng cây, con làm thuốc, bảo hộ bảo tồn nguồn gen và phát triển những loài
dược liệu quý hiếm trên cơ sở tăng cường đầu tư kỹ thuật, công nghệ tiên tiến,
kết hợp với kinh nghiệm truyền thống. Nghiên cứu, mở rộng việc nuôi trồng các
cây con làm thuốc có hiệu quả cao và phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh.
- Khuyến khích và ưu tiên các dự án nuôi trồng, chế biến dược liệu đạt nguyên tắc, tiêu
chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái thuốc (GACP-WHO) theo khuyến cáo của
Tổ chức Y tế Thế giới. Xây dựng và đề xuất các chính sách ưu đãi đối với công
tác nuôi trồng và chế biến dược liệu.
- Nâng cao năng lực, chất lượng khám
bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại các cơ sở y tế. Tăng cường khai thác, sử dụng các phương pháp khám chữa bệnh bằng thuốc y
học cổ truyền trong công tác phòng bệnh và chữa bệnh.
- Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất,
trang thiết bị của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh nhằm đáp ứng được chức năng đầu ngành trong chỉ đạo phát triển y học cổ truyền. Khuyến khích các
tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập các loại hình khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền theo quy định của pháp luật.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối
hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành
Dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh. Theo dõi, giám
sát, kiểm tra việc thực hiện và định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực
hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế.
- Tuyên truyền, cung cấp nội dung
thông tin, tuyên truyền về các chính sách phát triển ngành dược cho các cơ quan
thông tin truyền thông.
- Tăng cường công tác quản lý nhà
nước trong lĩnh vực thuốc chữa bệnh, đảm bảo chất lượng thuốc, công khai, minh
bạch trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, cấp phát thuốc; quản lý bình ổn giá
thuốc trên địa bàn.
- Tổ chức triển khai có hiệu quả cuộc
vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành
có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành cơ chế, chính sách, huy
động các nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất thuốc, phát
triển vùng nuôi trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh; thu hút đầu tư và tạo điều
kiện thuận lợi, hướng dẫn các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất thuốc.
3. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có
liên quan cân đối, bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp y tế hằng năm để thực
hiện kế hoạch theo đúng quy định; hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đúng
quy định hiện hành.
4. Bảo hiểm xã hội tỉnh
Phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế
hoạch và tổ chức triển khai có hiệu quả công tác đấu thầu, thanh quyết toán
thuốc cho người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
Phối hợp với Sở Y tế triển khai thực
hiện quy hoạch các vùng nuôi, trồng dược liệu; hướng dẫn, kiểm soát chặt chẽ
việc sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi.
6. Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp với Sở Y tế, hướng dẫn, chỉ
đạo các cơ quan thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh
thực hiện tuyên truyền, phổ biến Kế hoạch triển khai thực
hiện chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn
đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; thực hiện quản lý nhà
nước kiểm soát thông tin trong lĩnh vực quảng cáo thuốc chữa bệnh trên báo chí và các xuất bản phẩm theo quy định.
7. Đài Phát thanh và Truyền hình
tỉnh, Báo Hòa Bình
Xây dựng chuyên trang, chuyên mục,
tin bài, bố trí thời lượng, thời điểm hợp lý, tăng cường thông tin, tuyên
truyền, phổ biến các chính sách phát triển ngành dược.
8. Sở Khoa học và Công nghệ
Tạo điều kiện thuận lợi cho ngành y
tế trong việc lập các dự án chi tiết về đổi mới công nghệ, nghiên cứu khoa học
theo kế hoạch hằng năm.
9. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố.
Căn cứ Kế hoạch thực hiện Chiến lược
quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
của tỉnh, chủ động xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động của địa phương; ưu
tiên về quỹ đất sạch cho xây dựng các nhà máy, khu công nghiệp dược, ưu tiên bố
trí giao đất cho các dự án phát triển dược liệu. Áp dụng cơ chế, chính sách phù
hợp với điều kiện thực tế nhằm khuyến khích phát triển ngành Dược địa phương
trong giai đoạn mới.
Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể
của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị
có liên quan, phối hợp triển khai thực hiện. Định kỳ 06 tháng, hằng năm và 05
năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình, kết quả thực hiện
(qua Sở Y tế để tổng hợp)./.
Nơi nhận:
- Bộ Y tế (để
B/c);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch
UBND tỉnh;
- Các Sở: Y tế, KH&ĐT, Tài
chính, NN&PTNT, KH&CN, TT&TT;
- Bảo hiểm
xã hội tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Chánh VP/UBND tỉnh;
- Phó Chánh VP/UBND tỉnh Phạm
Anh Quý;
- Lưu: VT,
KGVX (T°30b).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Bùi Văn Cửu
|