ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 167/KH-UBND
|
Bạc Liêu, ngày 03
tháng 11 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
PHỤC HỒI HOẠT ĐỘNG DU LỊCH DO TÁC ĐỘNG CỦA DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
BẠC LIÊU
Năm 2021, tiếp tục ảnh hưởng của dịch
Covid-19, ngành du lịch Bạc Liêu gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp du lịch
lâm vào tình trạng hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng hoạt động, các thị trường
khách đến địa phương giảm mạnh, tình trạng hủy tour lên đến
60% - 80%, cá biệt do thực hiện giãn cách xã hội có những tháng tỉnh hầu như
không đón khách du lịch; các cơ sở lưu trú công suất phòng đạt thấp, ước bình
quân đến tháng 9 chỉ đạt khoảng 30%; doanh thu khối nhà hàng, khách sạn giảm
đáng kể, các điểm tham quan và điểm đến đều bị thiệt hại và giảm sút so với
cùng kỳ, đặc biệt, những tháng gần đây ngành du lịch Bạc Liêu thiệt hại nghiêm
trọng do tạm thời ngừng hoạt động để tập trung cho công
tác phòng, chống dịch bệnh. Đến hết tháng 9 năm 2021, các chỉ tiêu của ngành du
lịch đạt thấp, cụ thể:
- Doanh thu du lịch - dịch vụ ước khoảng
965 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch năm (năm 2021 dự kiến đạt 3.200 tỷ đồng);
trong đó, doanh thu khối nhà hàng khách sạn khoảng 315 tỷ đồng, đạt
26% kế hoạch năm (năm 2021 dự kiến đạt 1.200 tỷ đồng).
- Đón tiếp được khoảng 1.150.000 lượt
khách, đạt 36% kế hoạch năm (năm 2021 dự kiến đạt 3.200.000 lượt); trong
đó, có 385.000 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú, đạt 25,6% kế hoạch năm (năm
2021 dự kiến đạt 1.500.000 lượt).
- Số lao động trực tiếp làm việc
trong các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cho tạm nghỉ, chấm
dứt hợp đồng lao động hoặc bố trí làm luân phiên khoảng hơn 1.000 người.
Mặc dù thời gian gần đây, tình hình dịch
Covid-19 phạm vi cả nước, khu vực và trên địa bàn tỉnh từng bước được kiểm
soát, có những tín hiệu lạc quan về sự phục hồi của ngành du lịch, nhưng nhìn chung những tháng cuối năm 2021 du lịch Bạc Liêu sẽ tiếp tục
gặp nhiều khó khăn, cần có những giải pháp cơ bản để từng bước mở cửa và phục hồi
ngành du lịch. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phục hồi
hoạt động du lịch do tác động của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, với
các nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Triển khai kịp thời chính sách, biện
pháp để kích cầu, phục hồi các hoạt động du lịch, lữ hành giai đoạn cuối năm
2021 và đầu năm 2022.
- Bảo đảm mục tiêu kép vừa phòng, chống
dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; kết hợp hài hòa giữa
phòng, chống dịch bệnh và hoạt động du lịch, lữ hành.
- Bảo đảm tính đồng bộ, khả thi và hiệu
quả của các chính sách, biện pháp kích cầu phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành.
- Phục hồi lượng khách du lịch do ảnh
hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, đảm bảo đạt được cao nhất
các chỉ tiêu kế hoạch phát triển đã đề ra; khuyến khích tạo điều kiện để người
dân, du khách đi tham quan du lịch tại Bạc Liêu; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp
hoạt động du lịch tăng nguồn khách hàng, vượt qua khó khăn.
- Xác định các sản phẩm du lịch đặc sắc,
hấp dẫn phục vụ du khách trong cả nước đến Bạc Liêu và đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, phát huy khai thác các giá trị tài nguyên du
lịch.
- Các nội dung phục hồi hoạt động du
lịch phải phù hợp với thực tế và xu thế, có tính khả thi, tạo sự đồng thuận của
các cấp, các ngành, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh; tập
trung nguồn lực của Nhà nước, của các doanh nghiệp để triển khai có hiệu quả
các nội dung Kế hoạch đề ra. Sản phẩm du lịch, dịch vụ, tour kích cầu, khuyến mại
phải đảm bảo chất lượng, có tính cạnh tranh, phát triển bền vững.
- Thu hút sự vào cuộc tích cực của
doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm khôi phục thị trường du lịch nội địa;
đảm bảo các quy định, điều kiện về an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho
khách hàng du lịch, người lao động và cộng đồng người dân địa phương.
- Đề cao trách nhiệm, sự phối hợp hiệu
quả giữa các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành
phố, Hiệp hội Du lịch tỉnh, các Doanh nghiệp du lịch và cộng
đồng trong việc xây dựng, triển khai chính sách, biện pháp kích cầu, phục hồi
du lịch, lữ hành trên địa bàn tỉnh.
III. KỊCH BẢN PHỤC HỒI DU LỊCH
Theo kịch bản những tháng cuối năm
2021 và đầu năm 2022, nếu tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động
du lịch nội địa được phép hoạt động trở lại, ngành du lịch và doanh nghiệp chuẩn
bị sẵn sàng kế hoạch kích cầu du lịch theo từng giai đoạn cụ thể trong năm
2022; phấn đấu đạt một số chỉ tiêu phát triển như sau:
* Chỉ tiêu phấn đấu trong quý
IV năm 2021, trọng tâm là tháng 11 và 12 (với kịch bản dịch
Covid-19 trên cả nước cơ bản được kiểm soát, các thị trường du lịch mục tiêu
quan trọng như Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Đông Nam Bộ khôi phục):
- Tổng thu du lịch - dịch vụ đạt khoảng
250 tỷ đồng; trong đó, doanh thu nhà hàng - khách sạn ước khoảng 100 tỷ đồng.
- Lượng khách du lịch đạt khoảng
300.000 lượt, trong đó có khoảng 100.000 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú.
Theo đó, tính chung cả năm 2021,
doanh thu du lịch - dịch vụ phấn đấu đạt khoảng 1.270 tỷ đồng, đạt 39,5% kế hoạch
năm; đón tiếp được khoảng 1.450.000 lượt khách đạt 45,3% kế hoạch năm.
* Chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2022
(với kịch bản từng bước khống chế và chấm dứt dịch Covid-19, hoạt động du lịch trở lại bình thường, các thị trường
mục tiêu được khôi phục):
- Doanh thu du lịch - dịch vụ đạt khoảng
3.000 tỷ đồng; trong đó, doanh thu nhà hàng - khách sạn đạt trên 1.100 tỷ đồng.
- Lượng khách du lịch đạt khoảng 3.300.000
lượt; trong đó, có khoảng 1.600.000 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú.
IV. NHIỆM VỤ, GIẢI
PHÁP PHỤC HỒI HOẠT ĐỘNG DU LỊCH
1. Nhóm nhiệm vụ,
giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch, trong đó tập
trung hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ tổ chức kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống
người lao động; hỗ trợ kích cầu và mở rộng thị trường du lịch
a) Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và
Du lịch:
- Phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh
và các ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên tổ chức gặp
gỡ, đối thoại giữa Lãnh đạo tỉnh với các Doanh nghiệp du lịch,
các nhà đầu tư để tìm giải pháp, cơ chế kích cầu du lịch, tháo gỡ khó khăn, hỗ
trợ doanh nghiệp, cơ sở du lịch sớm phục hồi hoạt động kinh doanh.
- Phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh
xây dựng các gói sản phẩm kích cầu với các ưu đãi và cam kết về chất lượng; hỗ
trợ doanh nghiệp tiếp cận, xúc tiến bán sản phẩm, kết nối lại và tiếp tục mở rộng
thị trường khách du lịch, trước mắt là kích cầu thị trường du lịch trọng điểm Thành
phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ, các tỉnh, thành
phố Đồng bằng sông Cửu Long để nắm bắt xu hướng du lịch của người dân sau khi dịch
Covid-19 được kiểm soát.
b) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi
nhánh tỉnh Bạc Liêu:
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi
nhánh tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn chủ
động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, rà soát, tổng hợp mức độ thiệt hại
của khách hàng đang vay vốn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch, nhất là các
ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống...
để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn,
giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi theo quy định.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thông tin,
Thể thao và Du lịch, Sở Công Thương, Hiệp hội Du lịch tỉnh, Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức tín dụng đẩy mạnh thực hiện các chương
trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; nắm bắt thông tin tình hình khó khăn
doanh nghiệp và kịp thời tháo gỡ, đặc biệt là các thủ tục về tín dụng, tạo điều
kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận và cập nhật các chính sách hỗ trợ mới của
Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
c) Cục Thuế tỉnh:
- Chủ động triển khai đầy đủ, kịp thời
các chính sách thuế liên quan trực tiếp đến người nộp thuế trên địa bàn tỉnh Bạc
Liêu, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; cung cấp, hướng dẫn doanh
nghiệp tận tình các thủ tục hành chính thuế đảm bảo đúng mẫu biểu theo quy định
và hỗ trợ doanh nghiệp để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về miễn,
giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp,
thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất và các loại thuế khác; tham mưu Ủy ban
nhân dân tỉnh các giải pháp tuyên truyền về chính sách hỗ trợ thuế đảm bảo phù
hợp với từng thời điểm, tùy theo tình hình thực tế diễn biến dịch bệnh và hoạt
động kinh doanh của các doanh nghiệp.
- Theo dõi và chủ động nghiên cứu, đề
xuất Ủy ban nhân dân tỉnh để kiến nghị Chính phủ về chính sách miễn, giảm, gia
hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, xem đây
là sự kiện bất khả kháng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất,
kinh doanh của doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp du lịch để có
chính sách hỗ trợ kịp thời.
d) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
Chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa,
Thông tin, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố và các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát, cập nhật, đánh
giá tình hình khó khăn của doanh nghiệp du lịch, người lao động trong lĩnh vực
du lịch, thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định.
đ) Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh Bạc
Liêu:
Phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh,
các Doanh nghiệp du lịch nghiên cứu và tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp
du lịch trong tiếp cận nguồn vốn đầu tư xây dựng, cải tạo, phát triển kết cấu hạ
tầng lĩnh vực du lịch theo đúng quy định về quản lý và cho vay từ nguồn vốn của
quỹ.
2. Nhóm nhiệm vụ,
giải pháp đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch nhằm đáp ứng
yêu cầu mở cửa và phục hồi ngành du lịch
a) Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và
Du lịch:
- Khẩn trương phối hợp với các ngành
có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện
pháp đảm bảo an toàn tại các điểm đến, cơ sở dịch vụ du lịch, nâng cao năng lực
y tế, kỹ năng phòng, chống dịch bệnh, tổ chức thực hiện tốt quy định 5K theo
khuyến cáo của cơ quan y tế trong phòng, chống dịch
Covid-19.
- Khẩn trương xây dựng và triển khai
Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động
du lịch.
- Tạo điều kiện đối với khách nội địa
có chứng nhận tiêm chủng vắc-xin theo quy định được thuận lợi đi du lịch.
- Thực hiện tốt công tác đảm bảo môi
trường du lịch, tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng dịch
vụ, chấn chỉnh môi trường hoạt động kinh doanh du lịch đảm bảo văn minh, trật tự,
an ninh, an toàn và thân thiện với khách du lịch, quan tâm đến lợi ích của các
bên trong khai thác và phát triển các điểm du lịch của tỉnh.
- Kiểm tra, xử lý nghiêm để đảm bảo
việc tuân thủ các quy định an toàn phòng chống dịch bệnh tại các điểm đến, các
doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh; thực hiện kiểm tra, giám sát
đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, thực hiện đúng cam kết về giá và chất lượng của
chương trình kích cầu du lịch; kịp thời phối hợp với các ngành, địa phương xử
lý các vấn đề phát sinh liên quan.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông
tin đảm bảo du lịch an toàn đối với điểm đến, cơ sở cung ứng dịch vụ và khách
du lịch; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả ứng dụng “Du lịch Việt Nam
an toàn”, hệ thống đăng ký và khai báo an toàn Covid-19 (www.safe.tourism.com.vn).
b) Công an tỉnh:
- Tăng cường công tác tuyên truyền,
hướng dẫn và tổ chức kiểm tra, thực hiện công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an
toàn xã hội, bảo vệ nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước, trật tự an toàn giao thông,
phòng chống cháy, nổ tại các khu, điểm du lịch; việc đăng ký lưu trú của khách
du lịch ở các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh và xử lý
theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật.
- Phối hợp với các ngành có liên
quan, các địa phương xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đến quyền và lợi ích của
du khách, hỗ trợ, hướng dẫn khách du lịch xử lý thủ tục theo quy định đối với
các trường hợp thất lạc giấy tờ cá nhân, tài sản và các vướng mắc khác trong thời
gian lưu trú tại địa phương; phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng buôn bán mất trật tự,
ăn xin, chèo kéo khách du lịch... tại các khu, điểm du lịch, góp phần đảm bảo
môi trường du lịch thân thiện, an toàn cho du khách.
- Cập nhật và phổ biến quy trình du lịch
an toàn, các chính sách mới liên quan đến hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh nhằm tạo
điều thuận lợi cho du khách đến địa phương tham quan, du lịch, nhất là du khách
nước ngoài.
c) Sở Y tế:
- Hướng dẫn các doanh nghiệp kinh
doanh du lịch, dịch vụ du lịch các quy định của pháp luật liên quan đến đảm bảo
an toàn và phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động kinh doanh du lịch.
- Ưu tiên triển khai nhanh, hiệu quả
chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người lao động tại các cơ sở lưu trú
du lịch, khu, điểm du lịch, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành
trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thông tin,
Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan trong công tác xử lý các tình huống
sự cố, tai nạn, có biểu hiện nhiễm bệnh của du khách quá trình tham gia các hoạt
động du lịch trên địa bàn tỉnh.
d) Sở Giao thông vận tải:
- Căn cứ vào diễn biến của dịch
Covid-19 và các chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống dịch
kịp thời tổ chức hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận
chuyển khách du lịch của các doanh nghiệp lữ hành, các đoàn khách ngoài tỉnh
vào địa bàn tỉnh, lưu ý vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch nhưng không làm
phát sinh các thủ tục hành chính theo tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải.
- Chỉ đạo các đơn vị vận chuyển trên
địa bàn tỉnh tích cực tham gia chương trình kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch,
chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo tiện nghi, an ninh, an toàn văn
minh, lịch sự.
- Đảm bảo tổ chức chất lượng, hiệu quả
mạng lưới phương tiện công cộng kết nối các điểm du lịch
trên địa bàn tỉnh.
đ) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố:
- Tăng cường phối hợp với các ngành
chức năng thực hiện công tác quản lý điểm đến, các hoạt động kinh doanh du lịch;
tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về du lịch, tạo cảnh quan, sắp xếp
trật tự giao thông, mỹ quan tại các khu, điểm, cơ sở du lịch; đảm
bảo môi trường hoạt động du lịch trên địa bàn sạch đẹp, an ninh, an toàn, văn
minh; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, nhất là tại
các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.
- Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm
tra, giám sát, xử lý nghiêm đối với các đơn vị để xảy ra tình trạng mất trật tự,
an ninh, an toàn cho khách du lịch, người ăn xin chèo kéo, cướp giật, lừa đảo
khách du lịch.
- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu
quả Quyết định số 169/QĐ-UBND ngày 15/6/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành
Quy chế phối hợp quản lý điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
3. Nhóm nhiệm vụ
giải pháp tăng cường hoạt động truyền thông, xúc tiến và quảng bá du lịch
a) Sở Văn hóa,
Thông tin, Thể thao và Du lịch:
- Triển khai chiến dịch truyền thông
kích cầu du lịch với thông điệp “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch
Bạc Liêu an toàn hấp dẫn”.
- Truyền thông giới thiệu, mở cửa điểm
đến, quy trình du lịch an toàn; cập nhật thông tin các chương trình du lịch mới, có ưu đãi; đa dạng các kênh, hình thức truyền thông,
quảng bá du lịch: Qua các trang web, mạng xã hội, các sự kiện du lịch trực tuyến;
đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá các sản phẩm kích cầu du lịch trên các ấn phẩm,
trang website và các phương tiện thông tin đại chúng (báo
chí, phát thanh, truyền hình, trang thông
tin điện tử...), đặc biệt là phối hợp với các đơn vị
như Vietravel, Saigontourist, Vietnam Airlines, Vietjet... tăng cường quảng bá du lịch Bạc Liêu đến với du khách sử dụng dịch vụ của
các đơn vị này.
- Trong tháng 11-12 năm 2021, phối hợp
với Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long
tổ chức một số đoàn Famtrip, Presstrip (gồm các doanh nghiệp lữ hành, báo
chí, truyền hình...) của Thành phố Hồ Chí Minh và các thị trường trọng điểm
khách du lịch đến khảo sát, quảng bá và tổ chức hội thảo về sản phẩm kích cầu
du lịch nội địa trên địa bàn tỉnh.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp
với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Đồng bằng Sông
Cửu Long triển khai hiệu quả Chươmg trình Liên kết hợp tác phát triển du lịch,
đặc biệt là đăng cai tổ chức một số sự kiện nằm trong Chương trình liên kết tại
tỉnh Bạc Liêu.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển
khai ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Vietravel, Saigontourist, Vietnam
Airlines để tranh thủ nguồn lực thực hiện công tác quảng bá, liên kết hợp tác
phát triển du lịch.
- Phối hợp với các ngành có liên quan
tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện tổ chức
sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu lần thứ II năm 2022 gắn với Lễ hội Dạ cổ
hoài lang nhân kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Bạc Liêu (1997 - 2022), dự kiến tổ
chức vào cuối năm 2022, trong đó tập trung các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu
tư, thương mại, liên kết hợp tác phát triển du lịch.
- Tổ chức giới thiệu, quảng bá các sản
phẩm kích cầu du lịch nội địa tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội;
các hoạt động trong Chương trình kết liên kết hợp tác phát
triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu
Long; Lễ hội Bánh Dân gian Bam Bộ tại thành phố Cần Thơ trong khuôn khổ
Festival Đờn ca tài tử Nam Bộ lần thứ III; Ngày hội Du lịch
Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 17... và các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch,
thương mại khác trong khu vực và trên cả nước.
- Tổ chức từ 02 - 03 chuyến xúc tiến
du lịch tại các thị trường trọng điểm (Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh,
thành phố Đồng bằng sông Cửu Long; khu vực
Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ...).
- Phát triển hệ sinh thái du lịch
thông minh, các ứng dụng di động tiện lợi hỗ trợ khách du lịch; hỗ trợ doanh
nghiệp du lịch kết nối, giới thiệu, bán sản phẩm thuận lợi hơn trên môi trường mạng (hội chợ, diễn đàn giới thiệu điểm đến, kết nối
doanh nghiệp trực tuyến...), khai thác có hiệu quả ứng dụng thông minh thông qua QR Code để quảng
bá, giới thiệu du lịch Bạc Liêu.
b) Sở Công Thương:
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thông tin,
Thể thao và Du lịch trong công tác tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm kích cầu
du lịch tại các sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại do Sở Công Thương tổ chức
hoặc tham gia.
- Tăng cường phối hợp với các đơn vị
liên quan trong công tác kiểm tra, chống buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng
kém chất lượng, xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt tại các điểm kinh doanh các
sản phẩm phục vụ khách du lịch đến tham quan, mua sắm, đảm bảo quyền lợi của
khách du lịch.
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Lồng ghép hoạt động xúc tiến du lịch
trong quá trình tham mưu tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư, các sự kiện đầu tư
trong nước và ngoài nước.
- Tiếp tục tham mưu các giải pháp nhằm
tạo môi trường thuận lợi cho việc thu hút và triển khai các dự án du lịch, nhất
là các nhà đầu tư chiến lược có nhiều kinh nghiệm và tiềm lực kinh tế tạo bước
đột phá cho du lịch tỉnh.
- Kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi
cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch như: Khu văn
hóa đa năng ngoài công lập Công tử Bạc Liêu; tiểu dự án Đầu tư xây dựng Điện
gió kết hợp du lịch sinh thái thuộc dự án Nhà máy điện gió Hòa Bình I; dự án đầu
tư xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, kết hợp với biện
pháp bảo tồn Vườn chim Bạc Liêu; dự án Khu văn hóa đa năng Thiên Phúc (thị
xã Giá Rai)...;
đánh giá hiệu quả việc triển khai đề án bảo tồn nhãn cổ để khai thác phục vụ du
lịch, nghiên cứu, đề xuất các biện pháp khả thi để xây dựng khu du lịch Vườn
nhãn trở thành khu du lịch sinh thái trọng điểm của tỉnh. Thu hút đầu tư khu du
lịch sinh thái gắn với tham quan điện gió; các dự án xây dựng khu quần thể sân
golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp ven biển; tiếp tục trùng
tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa gắn với tổ chức các dịch vụ du lịch để
thu hút khách du lịch.
d) Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh,
Báo Bạc Liêu:
Phối hợp với Sở Văn hóa, Thông tin,
Thể thao và Du lịch tăng cường mở các chuyên trang, chuyên mục giới thiệu về du
lịch Bạc Liêu, đặc biệt là truyền thông các giải pháp kích cầu du lịch với
thông điệp “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Bạc Liêu an toàn hấp
dẫn”.
đ) Hiệp hội Du lịch tỉnh:
- Vận động các doanh nghiệp thành
viên tích cực hưởng ứng, đăng ký tham gia chương trình phục hồi hoạt động du lịch
trên địa bàn tỉnh, xây dựng các gói sản phẩm kích cầu với các ưu đãi và cam kết
về chất lượng.
- Định hướng, tổ chức các chương
trình khảo sát, xây dựng sản phẩm kích cầu, chương trình tuyên truyền, quảng bá
và liên kết tour, tuyến với các địa phương.
- Chủ động thông tin và truyền tải tới
các Hiệp hội, các tổ chức là đối tác trên cả nước để tạo hiệu ứng đến đông đảo
nhân dân và du khách.
4. Củng cố, phát
triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường
a) Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và
Du lịch:
- Tập trung tham mưu Ủy ban nhân dân
tỉnh triển khai các nội dung liên quan đến định hướng phát triển sản phẩm du lịch
theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 17/12/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ
tỉnh (khóa XV) về tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2025, định
hướng đến năm 2030, Chương trình hành động về phát triển
du lịch tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025. Trước mắt, phối hợp với các ngành,
địa phương triển khai quy hoạch hệ thống du lịch, đẩy mạnh rà soát, đánh giá
các tài nguyên du lịch để sớm xây dựng Đề án phát triển sản phẩm du lịch Bạc
Liêu, trong đó định hướng phát triển các loại hình sản phẩm du lịch bền vững,
du lịch an toàn, du lịch gắn với thiên nhiên và bảo vệ sức khỏe.
- Khẩn trương củng cố, nâng cao chất
lượng và phát huy hiệu quả của các sản phẩm du lịch đã được Hiệp hội Du lịch Đồng
bằng sông Cửu Long công nhận là Điểm du lịch tiêu biểu đưa vào kết nối tour/tuyến
du lịch với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, cũng như các sản phẩm du lịch
là thế mạnh của Bạc Liêu. Trong đó, trọng tâm trước mắt là:
+ Tiếp tục phát huy giá trị của nghệ
thuật Đờn ca tài tử gắn với Điểm du lịch Khu lưu niệm nghệ
thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, sản phẩm du lịch OCOP 04 sao, đặc biệt là tập trung phát triển các
hoạt động trải nghiệm, hoạt động về đêm phục vụ du khách;
+ Phát huy các giá trị về giai thoại
Công tử Bạc Liêu gắn với Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Công tử Bạc Liêu, tiếp
tục xây dựng các chương trình nghệ thuật sân khấu hóa về cuộc đời Công tử Bạc
Liêu, tạo điều kiện và đôn đốc chủ đầu tư sớm triển khai đầu tư Khu Văn hóa đa
năng Công tử Bạc Liêu, làm điểm nhấn cho du khách tham quan trải nghiệm và thưởng
thức;
+ Phát huy công năng Quảng trường Hùng Vương và các công trình nghệ thuật, văn hóa xung quanh, đặc
biệt là tiếp tục xây dựng các chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Trung tâm triển
lãm nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu (Nhà hát 03 nón lá) trở thành điểm
đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch vào ban đêm;
+ Phối hợp với các cơ sở tôn giáo,
tín ngưỡng hoàn thiện các dịch vụ, điều kiện phục vụ khách du du lịch, chấn chỉnh
tình hình mua bán, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, đảm bảo mỹ quan…,
đặc biệt là những cơ sở thu hút đông du khách tham quan, hành
hương như: Quán âm Phật đài, Nhà thờ Tắc Sậy, Chùa Hưng Thiện, Chùa Xiêm Cán,
Thiền viện Trúc Lâm...
- Hỗ trợ đầu tư phát triển sản phẩm
du lịch mới, đáp ứng nhu cầu thay đổi đa dạng của thị trường, sản phẩm dịch vụ
du lịch ban đêm, du lịch gắn với ẩm thực, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái,
du lịch nông nghiệp... Khuyến khích doanh nghiệp nâng cao hiệu quả liên kết, hợp
tác xây dựng các chuỗi sản phẩm, dịch vụ có tính hỗ trợ cho nhau; làm mới, bổ
sung giá trị gia tăng cho các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ. Tập trung trọng điểm
tại 03 địa phương có tài nguyên du lịch phù hợp, đáp ứng các điều kiện xây dựng
sản phẩm kích cầu, phục hồi du lịch (thành phố Bạc Liêu, thị xã Giá
Rai và huyện Vĩnh Lợi).
- Phát động các doanh nghiệp kinh
doanh dịch vụ lữ hành, lưu trú, vận chuyển, điểm tham quan, vui chơi, mua sắm,
ăn uống... đăng ký xây dựng tour du lịch kích cầu tạo nên sự đa dạng, phong phú
về sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách, đặc biệt chú trọng đến nhu
cầu chi tiêu, xu hướng tiêu dùng của khách du lịch nội địa.
- Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, liên
kết phát triển sản phẩm du lịch giữa tỉnh Bạc Liêu với Thành phố Hồ Chí Minh,
các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt phát triển 02 tuyến du lịch
kết nối từ Thành phố Hồ Chí Minh đã được định hình thời gian qua, gồm: Tuyến Những
nẻo đường phù sa (Thành phố Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang - Vĩnh Long -
Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau); tuyến Non nước hữu
tình (Thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang
- Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng/Cần Thơ - Bạc Liêu - Cà Mau).
b) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố:
Tập trung nguồn lực xây dựng và thực
hiện các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch về phát triển du lịch trên địa
bàn; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, chủ
khu, điểm du lịch trên địa bàn kịp thời củng cố, nâng cấp, đầu tư mới các sản
phẩm du lịch, đặc biệt là đầu tư các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nông
nghiệp để hình thành các tuyến du lịch mới.
5. Nhóm giải pháp
nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch
a) Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và
Du lịch:
- Tăng cường tổ chức đào tạo, bồi dưỡng
nâng cao nghiệp vụ quản lý điều hành, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ nguồn
nhân lực du lịch nhằm tái cấu trúc, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động trong
ngành du lịch tỉnh, giữ chân lực lượng này trong điều kiện
bị tác động bởi dịch Covid-19.
- Tổ chức tham gia các khóa đào tạo bồi
dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, nhân viên ngành du lịch; khuyến khích các
doanh nghiệp quan tâm đào tạo nhân lực của đơn vị.
- Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo kiến thức, quy tắc ứng xử du lịch cho người dân các địa bàn
hoạt động du lịch; tập trung đào tạo kỹ năng cộng đồng làm du lịch cho các đối
tượng có liên quan.
- Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp
kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch, các hiệp hội nghề nghiệp tự tổ chức nâng
cao nghiệp vụ cho các thành viên, hội viên và người lao động của đơn vị.
b) Trường Đại học Bạc Liêu, Trường
Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu:
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thông tin,
Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh và các Doanh nghiệp rà soát lại chất
lượng và nhu cầu lao động trong lĩnh vực du lịch trên địa
bàn tỉnh để định hướng hỗ trợ, cũng như tư vấn giới thiệu việc làm cho sinh
viên, kịp thời bổ sung nguồn nhân lực cho các cơ sở du lịch trên địa bàn tỉnh thiếu hụt do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
- Nghiên cứu sớm triển khai đào tạo
các chuyên ngành Du lịch, chuẩn hóa chương trình đạo tạo gắn với kỹ năng thực
tiễn để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp du lịch. Trước mắt, tăng cường hợp
tác với các cơ sở đào tạo có uy tín để liên kết mở các khóa chuyên đề, khóa đào
tạo ngắn hạn chuyên ngành du lịch và tiến hành chiêu sinh những sinh viên năm
cuối có chuyên ngành gần, phù hợp có nguyện vọng làm việc trong lĩnh vực du lịch
tham gia học.
c) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố:
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của
cộng đồng dân cư, đặc biệt là dân cư tại các khu vực có lợi thế phát triển du lịch
hiểu về lợi ích và vai trò của du lịch.
- Tuyên truyền, giáo dục kiến thức về
văn minh thương mại, văn minh và an toàn du lịch cho các cơ sở kinh doanh du lịch
để nâng cao phong cách ứng xử phù hợp với các hoạt động du
lịch, kỹ năng dịch vụ, đón tiếp khách du lịch, đặc biệt là phù hợp trong tình
hình mới do tác động của dịch Covid-19.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ
vào nội dung Kế hoạch và nhiệm vụ được giao, đề nghị các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh
và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu, các tổ chức, đơn vị
có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện,
các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố và các đơn vị được phân công kịp thời báo cáo tiến độ triển khai
và những khó khăn, vướng mắc gửi Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch để
tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Giao Sở
Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch và
các Sở, Ngành có liên quan tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh nguồn vốn và
kinh phí tổ chức thực hiện theo từng nhiệm vụ cụ thể của Kế hoạch.
3. Giao Sở
Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban
nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện và
báo cáo kịp thời để chỉ đạo khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình
thực hiện.
Trên đây là Kế hoạch phục hồi hoạt động
du lịch do tác động của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu./.
Nơi nhận:
- Bộ VHTTDL (để báo cáo);
- Tổng cục Du lịch (để
báo cáo);
- Thường trực TU, HĐND tỉnh (để báo cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh (để chỉ
đạo);
- Các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh;
- Hiệp hội Du lịch ĐBSCL;
- Báo Bạc Liêu, Đài PT-TH tỉnh;
- CVP, PCVP Xuân Phượng;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Trường ĐHBL, Trường CĐ KT-KT Bạc Liêu;
- Hiệp hội Du lịch tỉnh và các doanh nghiệp du lịch
trên địa bàn tỉnh (giao Sở
VHTTTTDL phát hành);
- Lưu: VT (Q - 22).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Cao Xuân Thu Vân
|