ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 132/KH-UBND
|
Quảng Ninh, ngày 09 tháng 5 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
TỔNG THỂ TỔ CHỨC CHĂM SÓC SỨC KHỎE, PHỤC
HỒI CHỨC NĂNG CHO NGƯỜI SAU MẮC COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
Trong thời gian qua,
cùng với số người mắc COVID-19 tăng cao, nhiều trường hợp sau mắc COVID-19 có
các triệu chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý, khả năng làm việc, lao động
và cuộc sống của người bệnh sau mắc Covid-19.
Căn cứ Nghị quyết số
38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình phòng, chống dịch
COVID-19;
Căn cứ Thông báo số
114/TB-VPCP ngày 15/4/2022 của Văn phòng Chính phủ về thông báo Kết luận của Thủ
tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp lần thứ 14 Ban chỉ đạo quốc gia
phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương;
Căn cứ Thông báo số
565-TB/TU ngày 13/4/2022 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về ý kiến chỉ đạo của Thường trực
Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19 tại Hội nghị ngày
12/4/2022;
Căn cứ Văn bản số
2055/BYT-KCB ngày 22/4/2022 của Bộ Y tế về việc khám bệnh, chữa bệnh cho người
dân sau khi mắc COVID-19;
Theo đề nghị của Sở Y
tế tại Tờ trình số 2527/TTr-SYT ngày 29/4/2022 về việc đề nghị phê duyệt Kế hoạch
tổng thể tổ chức chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người sau mắc
COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh;
Nhằm chăm lo, phục hồi
sức khỏe cho người sau mắc COVID-19, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tổng
thể tổ chức chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người sau mắc COVID-19
trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể như sau:
I.
THÔNG TIN CHUNG VỀ HẬU COVID-19
1. Định nghĩa:
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra định nghĩa chính thức về những triệu chứng
mà bệnh nhân thường gặp phải sau quá trình điều trị khỏi COVID-19 là Hội chứng
hậu COVID-19 (Post COVID-19 condition). Theo định nghĩa, “tình trạng hậu
COVID-19 xảy ra ở những người trước đó đã nhiễm bệnh và các triệu chứng gặp phải
kéo dài ít nhất 2 tháng kể từ lúc được xác định là khỏi bệnh và không thể giải
thích bằng chẩn đoán thay thế.”
2. Biểu hiện: Ở
bệnh nhân sau nhiễm COVID-19 có rất nhiều các triệu chứng làm ảnh hưởng đến sức
khỏe tinh thần và thể chất của người bệnh. Theo thống kê có khoảng từ 10-20%
người sau mắc COVID-19 có tình trạng bệnh lý sau khi khỏi bệnh. Bệnh do
SARS-CoV-2 gây ra có tác động, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, theo
đó, các rối loạn, ảnh hưởng sau khi khỏi bệnh (tình trạng bệnh lý hậu COVID-19)
cũng có biểu hiện ở đa cơ quan, thuộc nhiều chuyên khoa, chuyên ngành.
Các triệu chứng hậu
COVID rất đa dạng: có đến 203 triệu chứng khác nhau, có thể xuất hiện sau khi
COVID-19 đã hồi phục, hoặc tồn tại dai dẳng từ đầu, hoặc tái phát theo thời
gian. Triệu chứng phổ biến nhất bao gồm mệt mỏi, khó thở, đau cơ xương khớp, giảm
hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, suy giảm nhận thức, rối loạn giấc ngủ, ho, đau
ngực...
Nghiên cứu Quốc tế
khái quát về đặc điểm lâm sàng hậu COVID-19 (năm 2021) cho thấy, các triệu chứng
thường gặp nhất là[1]: Yếu
(41%), khó chịu chung (33%), mệt mỏi (58%), đau đầu (44%), suy giảm khả năng tập
trung (26%), khó thở (25%), rụng tóc (25%) và chất lượng cuộc sống bị giảm sút
khoảng 37% (18,4 đến 59,9%).
Không giống như một số
loại hội chứng hậu bệnh lý khác có xu hướng chỉ xảy ra ở những người đã bị bệnh
nặng, hậu COVID-19 có thể xảy ra với bất kỳ ai đã bị mắc COVID-19, ngay cả khi
bị bệnh nhẹ, hoặc thậm chí trong thời gian mắc bệnh họ không có triệu chứng thì
vẫn có thể bị “hậu COVID-19” với biểu hiện chức năng ở nhiều cơ quan:
+ Nhóm triệu chứng
toàn thân: Mệt mỏi, các triệu chứng sẽ nặng hơn sau các hoạt động thể lực hoặc
tinh thần; Đau cơ hay đau khớp; Thay đổi giọng nói và Sốt.
+ Nhóm triệu chứng cơ
quan hô hấp, tim mạch: Khó thở hoặc cảm giác hụt hơi; Ho kéo dài; Đau ngực.
+ Nhóm triệu chứng
tâm thần kinh và nội tiết: Đau đầu, chóng mặt; suy giảm trí nhớ, giảm khả năng
tập trung tư tưởng và rối loạn giấc ngủ; Mất vị giác hoặc rối loạn cảm giác vị
giác, khứu giác; Trầm cảm hoặc lo âu...
+ Triệu chứng tiêu
hóa: đau dạ dày, tiêu chảy, rối loạn chức năng đại tràng.
- Do là vấn đề sức khỏe
mới phát sinh, nên hiện nay, y học trên thế giới và tại Việt Nam chưa có các
nghiên cứu và hiểu biết đầy đủ, toàn diện về đại dịch COVID-19 cũng như những ảnh
hưởng của nó đối với sức khỏe con người, đặc biệt là tình trạng hậu COVID-19.
- Hiện nay, việc điều
trị hậu COVID -19 là điều trị không đặc hiệu, có nghĩa là điều trị triệu chứng,
chăm sóc và phục hồi chức năng. Các triệu chứng hậu COVID-19 đa dạng, dai dẳng
và kéo dài ảnh hưởng đến quá trình hồi phục và chất lượng cuộc sống của bệnh
nhân.
II.
MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
Nhằm chủ động đáp ứng với vấn đề sức khỏe mới phát sinh do đại dịch COVID-19
gây ra; tổ chức hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức
năng kịp thời tình trạng bệnh lý xuất hiện ở những người có tiền sử nhiễm
SASR-CoV-2, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người sau mắc COVID-19
cả về thể chất, tinh thần, giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe và các chức năng
sinh hoạt hàng ngày.
2. Yêu cầu:
- Việc tổ chức triển
khai công tác chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng đối với người bệnh hậu
COVID-19 đòi hỏi (1) có sự tham gia vào cuộc của các Sở, Ngành, địa phương,
đoàn thể, các cơ quan, doanh nghiệp trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ người
dân; (2) sự tham gia phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa, chuyên ngành và giữa
các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến xã trên địa bàn, để đáp ứng với biểu hiện
bệnh lý đa dạng thuộc nhiều chuyên khoa, chuyên ngành do hậu COVID-19 gây ra.
- Công tác tuyên truyền
và tổ chức chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng đối với người bệnh hậu
COVID-19 đảm bảo (1) phù hợp với hướng dẫn chuyên môn, quy định hiện hành của Bộ
Y tế, (2) không gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng quá mức làm ảnh hưởng đến sức
khỏe, kinh tế của người dân.
- Các nội dung nhiệm
vụ, giải pháp và công tác tổ chức thực hiện chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức
năng cho người sau mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, phải đảm bảo phù
hợp với điều kiện nguồn lực của tỉnh, của các cơ quan, doanh nghiệp và kinh tế
của người dân. Đặc biệt phải phù hợp với điều kiện số lượng, năng lực chuyên
môn trong khám, chữa bệnh đối với các bệnh lý do hậu COVID-19 gây ra của đội
ngũ cán bộ y tế trên địa bàn hiện nay; hạn chế gây dàn trải nhân lực của các cơ
quan, đơn vị nói chung, lực lượng y tế nói riêng, trong điều kiện phải tăng cường
tập trung cho nhiều nhiệm vụ cấp bách trong phòng, chống dịch và chăm sóc sức
khỏe nhân dân hiện nay.
- Hoạt động khám bệnh,
chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người bệnh (người lớn và trẻ em) khi mắc và
sau mắc COVID-19 phải được triển khai sớm, bám sát theo các hướng dẫn chuyên
môn do Bộ Y tế đã ban hành, như Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, trong
đó có hướng dẫn phục hồi chức năng cho người bệnh COVID-19 sau ra viện, chăm
sóc sức khỏe tâm thần; Hướng dẫn Phục hồi chức năng bệnh Viêm đường hô hấp cấp
tính do SARS-CoV-2,...
III.
NỘI DUNG NHIỆM VỤ
1. Đẩy mạnh truyền
thông nâng cao nhận thức của cộng đồng để người dân hiểu đúng, không có tâm lý
hoang mang, lo lắng quá mức về hội chứng hậu COVID-19; giúp người dân có ý thức
chủ động phát hiện và tiếp cận sớm với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa
bệnh và phục hồi chức năng khi có biểu hiện bệnh lý hậu COVID-19.
2. Lồng ghép hoạt động
chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng hậu COVID-19, tại
tất cả các cơ sở y tế, tất cả các tuyên, từ cơ bản đến chuyên sâu, đảm bảo phù
hợp với chức năng nhiệm vụ, phân tuyến chuyên môn, điều kiện cơ sở vật chất, số
lượng và trình độ chuyên môn của cán bộ y tế, giúp người dân được tiếp cận với
dịch vụ chăm sóc sức khỏe thuận lợi ngay khi có nhu cầu, phù hợp với tình trạng,
mức độ, biểu hiện bệnh lý của từng người bệnh, hạn chế quá tải hệ thống y tế.
3. Nâng cao năng lực
chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng đối với người có
tình trạng hậu COVID-19, đảm bảo phù hợp với tình trạng, mức độ bệnh, năng lực
chuyên môn của cơ sở y tế thông qua đào tạo, tập huấn, hợp tác chuyên môn trong
và ngoài tỉnh, ứng dụng kỹ thuật và nghiên cứu khoa học.
4. Triển khai các giải
pháp chăm lo sức khỏe cộng đồng, đặc biệt quan tâm chăm lo hỗ trợ các đối tượng
bảo vệ trọng điểm, người cao tuổi, có bệnh lý nên, người mắc COVID-19 thuộc hộ
nghèo, cận nghèo, người neo đơn, đối tượng bảo trợ xã hội...
IV.
GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1.
Công tác truyền thông
- Tổ chức biên soạn
và ban hành Tài liệu Hướng dẫn cung cấp thông tin cơ bản những điều cần biết về
tình trạng sức khỏe hậu COVID-19, các Clip trực quan, các tờ rơi hướng dẫn tập
thở, tập luyện thể lực, liệu pháp tâm lý phù hợp lứa tuổi và tình trạng người bệnh
theo Hướng dẫn Phục hồi chức năng bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do SARS-CoV-2
(COVID-19) ban hành kèm theo Quyết định số 1719/QĐ-BYT ngày 15/4/2020 của Bộ
trưởng Bộ Y tế liên quan các bệnh lý hậu COVID-19 phục vụ công tác tuyên truyền,
phổ biến kiến thức và cung cấp thông tin cho người dân.
- Khuyến cáo người
dân không sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không được cấp phép
lưu hành sản phẩm hay các bài thuốc truyền miệng hoặc theo các nguồn tin không
chính thống để chữa bệnh.
- Một số nội dung truyền
thông khác phải dựa trên các khuyến cáo, hướng dẫn, bằng chứng khoa học tin cậy
trong nước và quốc tế.
- Triển khai hoạt động
tuyên truyền, hướng dẫn trên các hạ tầng phù hợp của Trung tâm truyền thông tỉnh
và các Sở, Ngành, địa phương, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong tự
theo dõi, chăm sóc sức khỏe, chủ động phát hiện dấu hiệu bất thường về sức khỏe
và đến cơ sở y tế để được thăm khám, tầm soát, điều trị sớm khi có dấu hiệu bệnh
lý của tình trạng hậu COVID-19.
- Duy trì vận hành và
nâng cao hiệu quả hoạt động của các hệ thống tổng đài 18009214 hoặc 1022 sẵn có
của tỉnh, cùng hệ thống đường dây nóng của các cơ sở y tế, đảm bảo sẵn sàng tiếp
nhận hướng dẫn, tư vấn chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng liên quan đến tình
trạng hậu COVID-19 cho người bệnh, người nhà người bệnh và nhân dân trên địa
bàn 24/24 giờ.
2.
Lồng ghép hoạt động chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức
năng hậu COVID-19
2.1. Chăm sóc sức
khỏe, phục hồi chức năng người bệnh hậu COVID-19 tại cộng đồng
Trung tâm Y tế huyện,
thị xã, thành phố là đầu mối, chịu trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo các Trạm y tế
tổ chức triển khai hoạt động: (1) Tư vấn, truyền thông giáo dục sức khỏe;
(2) Hướng dẫn, hỗ trợ người bệnh có tình trạng hậu COVID-19 tự chăm sóc
sức khỏe, thực hiện liệu pháp tâm lý, tập phục hồi chức năng tại nhà; (3)
Thực hiện khám bệnh, điều trị phục hồi chức năng sớm di chứng hậu COVID-19 hoặc
phát hiện, chuyển tuyến kịp thời cho những trường hợp có dấu hiệu chuyển nặng.
Cụ thể:
(1) Đối với người bệnh
mắc COVID-19 mới được xuất viện: người bệnh được tư vấn, hướng dẫn thực hiện tự
theo dõi sức khỏe, chủ động phát hiện dấu hiệu, triệu chứng tình trạng hậu
COVID-19; được hướng dẫn các biện pháp chăm sóc sức khỏe, tự luyện tập, phục hồi
chức năng để sớm bình phục và trở lại công việc, sinh hoạt thường ngày.
(2) Đối với người có
triệu chứng bệnh lý hậu COVID-19 mức độ nhẹ điều trị tại nhà: Trạm y tế thực hiện
cung cấp tài liệu (Clip trực quan, tờ rơi hoặc cung cấp địa chỉ truy cập trang
thông tin điện tử,...) để người bệnh và gia đình tự nghiên cứu, tìm hiểu kiến
thức liên quan đến tình trạng hậu COVID-19, đồng thời được cán bộ y tế hướng dẫn
thực hiện các biện pháp phục hồi chức năng, hỗ trợ tâm lý phù hợp với tình trạng,
mức độ bệnh lý và được thăm khám, điều trị, chuyển tuyến khi phát hiện có tình
trạng hậu COVID-19.
(3) Người mắc
COVID-19 sau khi khỏi bệnh tiếp tục giữ liên hệ và được trạm y tế, cơ sở y tế địa
phương hỗ trợ hướng dẫn theo dõi, phát hiện và chăm sóc sức khỏe khi có biểu hiện
bệnh lý hậu COVID-19. Những trường hợp đã được xác định mắc bệnh lý hậu
COVID-19, được hướng dẫn để chủ động đi khám, chữa bệnh hoặc định kỳ đi kiểm
tra, đánh giá lại tình trạng sức khỏe hậu COVID-19. Trường hợp tình trạng sức
khỏe không cải thiện, người bệnh được chuyển đến cơ sở y tế có chuyên khoa phù
hợp để được thăm khám, điều trị.
2.2. Khám, chữa
bệnh và phục hồi chức năng tại cơ sở khám, chữa bệnh
- Triển khai khám bệnh,
chữa bệnh và phục hồi chức năng cho người bệnh khi mắc và sau mắc COVID-19 theo
đúng các hướng dẫn chuyên môn do Bộ Y tế đã ban hành. Tổ chức lồng ghép hoạt động
khám bệnh, chữa bệnh cho người có dấu hiệu, triệu chứng hậu COVID-19 nói riêng
và khám bệnh, chữa bệnh nói chung (không yêu cầu tổ chức phòng, khám riêng,
khoa điều trị riêng), đảm bảo phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, số lượng
bác sĩ, năng lực và phạm vi chuyên môn của từng cơ sở; không làm phát sinh thêm
tổ chức, bộ máy, tận dụng nguồn nhân lực sẵn có.
- Triển khai thực hiện
Phục hồi chức năng sớm cho người bệnh COVID-19 đang điều trị tại đơn vị và người
có bệnh lý hậu COVID-19 nhằm cải thiện chức năng hô hấp và các chức năng khác,
ngăn chặn sự suy giảm về thể chất và tinh thần, tăng cường khả năng lao động...
- Ngành Y tế tiếp tục
duy trì triển khai phòng khám, tư vấn sức khỏe hậu COVID-19 riêng tại các bệnh
viện tuyến cuối của tỉnh: Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Bệnh viện đa
khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Sản Nhi và Bệnh viện Phổi Quảng Ninh;
tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động của các phòng khám hậu COVID-19 để làm cơ sở
chỉ đạo nhân rộng hoặc thực hiện lồng ghép với hoạt động khám bệnh, chữa bệnh
chung.
- Bên cạnh việc tổ chức
khám, tư vấn trực tiếp, các đơn vị y tế tiếp tục phối hợp với Sở Thông tin và
Truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông duy trì tư vấn chăm sóc sức khỏe, phục
hồi chức năng liên quan đến tình trạng hậu COVID-19 cho người bệnh, người nhà
người bệnh sau ra viện qua hệ thống tổng đài 18009214 của Viettel và tổng đài
1022 của VNPT.
- Đối với những trường
hợp bệnh nhân COVID-19 phải điều trị tại cơ sở y tế trước khi ra viện:
+ Chủ động thực hiện
đánh giá toàn diện chức năng của người bệnh trước khi ra viện để tư vấn, dự
phòng biến chứng và có hướng chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng phù hợp. Đặc
biệt chú ý đối tượng bảo vệ trọng điểm (người cao tuổi, có bệnh lý nền, trẻ em,
phụ nữ có thai và cho con bú 3 tháng đầu).
+ Đối với người bệnh
nặng hoặc nguy kịch, khi ra viện: Cơ sở y tế đánh giá về tổn thương chức năng
phổi của người bệnh và đưa ra phương án phục hồi chức năng tổng thể gồm tập vận
động, tập thở, tâm lý trị liệu, dinh dưỡng theo từng trường hợp.
+ Với những người bệnh
có tổn thương phổi ảnh hưởng tới chức năng hô hấp hoặc có suy giảm chức năng vận
động cần hẹn tái khám sau 1 tháng, sau đó căn cứ vào quá trình hồi phục có thể
hẹn tái khám sau 1 đến 3 tháng.
+ Với những người bệnh
có các bệnh lý nền về hô hấp như Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản,
viêm phổi kẽ, ung thư phổi... kết hợp tái khám và PHCN ở những lần người bệnh đến
tái khám điều trị các bệnh lý nền.
3.
Nâng cao năng lực của các cơ sở y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe, khám bệnh,
chữa bệnh và phục hồi chức năng đối với người có tình trạng hậu COVID-19
- Chủ động nghiên cứu,
sưu tầm, cập nhật kiến thức, hướng dẫn trong nước, nước ngoài để xây dựng
Chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội
ngũ cán bộ quản lý, nhân viên y tế của các cơ sở y tế các địa phương về tầm
soát, phát hiện sớm, đánh giá nguy cơ, tư vấn, điều trị liệu pháp tâm lý, phục
hồi chức năng tại nhà cho người có tình trạng hậu COVID-19.
- Căn cứ chức năng,
nhiệm vụ, các đơn vị khám, chữa bệnh chủ động sưu tầm, nghiên cứu tài liệu, cập
nhật kiến thức, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, để sẵn sàng tổ chức triển
khai khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người có biểu hiện bệnh lý của
tình trạng hậu COVID-19 thuộc các chuyên khoa, chuyên ngành của đơn vị.
- Tăng cường sự phối
hợp, hợp tác giữa các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn và hợp tác với đơn vị
tuyến Trung ương trong công tác hỗ trợ tư vấn, khám, chữa bệnh, hội chẩn, chuyển
tuyến cho người bệnh hậu COVID-19; đẩy mạnh công tác trao đổi, cập nhật kiến thức
chuyên môn trong chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng tình trạng hậu COVID-19
giữa các đơn vị.
- Tích cực nghiên cứu,
ứng dụng tiến bộ, thành tựu khoa học kỹ thuật và áp dụng các kỹ thuật khám bệnh,
chữa bệnh tiên tiến trong công tác chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho
người có bệnh lý hậu COVID-19.
- Triển khai kết hợp
các chuyên khoa, chuyên ngành; kết hợp phương pháp điều trị Y học cổ truyền và
Y học hiện đại trong hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh và phục hồi chức
năng cho người bệnh hậu COVID-19, đảm bảo toàn diện về cả thể chất và tinh thần.
- Khuyến khích triển
khai các nghiên cứu khoa học, xác định mô hình bệnh tật của người dân hậu
COVID-19 trên địa bàn Tỉnh làm cơ sở để liên tục cải tiến và cập nhật nội dung
điều trị.
- Các bệnh viện đa
khoa, Trung tâm y tế đã được công bố đủ điều kiện tổ chức khám sức khỏe theo
quy định, thường xuyên quan tâm triển khai các giải pháp duy trì, củng cố, đảm
bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng, số lượng
đội ngũ y bác sĩ đảm bảo sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ khám sức khỏe
theo yêu cầu của người dân và người lao động thuộc các cơ quan, doanh nghiệp
trên địa bàn.
- Thiết lập mạng lưới
tư vấn từ xa (Telehealth) để hướng dẫn người dân cách phát hiện sớm,
chăm sóc và điều trị tại nhà với các trường hợp mắc bệnh lý hậu COVID-19; hướng
dẫn cách theo dõi sức khỏe, các dấu hiệu bệnh chuyển nặng, các biến chứng khác
của bệnh để can thiệp kịp thời.
4.
Triển khai các giải pháp chăm lo sức khỏe người lao động và các đối tượng bảo vệ
trọng điểm
4.1. Với đối tượng
nguy cơ cao và trọng điểm:
- Tiếp tục triển khai
đầy đủ các nội dung quản lý, bảo vệ người mắc thuộc nhóm người nguy cơ cao và
trọng điểm trong dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo Kế hoạch
số 63/KH-UBND ngày 03/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
- Ngành y tế tiếp tục
triển khai các biện pháp phát hiện sớm và quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm
(bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và
hen phế quản...) tại Trạm Y tế xã, phường, thị trấn và tại các cơ sở y tế theo
quy định, Hướng dẫn điều trị, quản lý một số bệnh không lây nhiễm trong dịch
COVID-19 ban hành tại Quyết định số 1886/QĐ-BYT ngày 27/4/2020 của Bộ Y tế. Hướng
dẫn, tư vấn cho người mắc bệnh không lây nhiễm bảo đảm chế độ ăn uống, vận động
thể lực, tuân thủ điều trị và tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe tại nhà; chủ động
đi khám, chữa bệnh theo định kỳ hoặc khi có dấu hiệu bất thường.
- Tăng cường tuyên
truyền, thông tin đầy đủ cho người dân về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng
COVID-19. Rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ theo
hướng dẫn của Bộ Y tế đảm bảo không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ cao, đối tượng
bảo vệ trọng điểm.
- Thực hiện tốt công
tác chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội như:
người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, người cao tuổi theo quy định của
pháp luật. Lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe đầy đủ đối với người khuyết tật,
người cao tuổi trên địa bàn theo quy định.
- Riêng đối tượng người
cao tuổi, hàng năm, các địa phương quan tâm bố trí đủ ngân sách và phối hợp với
bệnh viện, Trung tâm y tế để tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi.
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm quản lý, hỗ trợ việc đưa
người bệnh người cao tuổi cô đơn bị bệnh nặng không thể tự đi khám bệnh tới cơ
sở y tế khi có đề nghị của trạm y tế.
4.2. Đối với
người lao động và đơn vị sử dụng lao động
- Các cơ quan, tổ chức,
doanh nghiệp sử dụng lao động trên địa bàn tích cực triển khai hoạt động tuyên
truyền góp phần nâng cao ý thức của người lao động nói chung, người lao động có
tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 nói riêng, tự theo dõi sức khỏe, chủ động phát hiện dấu
hiệu bất thường về sức khỏe và đến cơ sở y tế để được thăm khám, tầm soát, điều
trị sớm khi có dấu hiệu bệnh lý.
- Thực hiện nghiêm
túc chế độ chính sách và quan tâm chăm lo đời sống, chăm lo sức khỏe, phòng ngừa
bệnh tật cho người lao động; bố trí kinh phí và thực hiện lồng ghép với khám sức
khỏe định kỳ hàng năm (tối thiểu 01 lần/năm) đối với người lao động để tầm
soát, phát hiện sớm nguy cơ sức khỏe nói chung, bệnh lý hậu COVID-19 nói riêng.
- Thường xuyên triển
khai hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về
an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ quan, doanh nghiệp sử dụng lao động trên địa
bàn; việc thực hiện các chế độ chính sách cho người mắc COVID-19 và người có biểu
hiện hậu COVID-19.
V.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1.
Ngành Y tế
- Sở Y tế chỉ đạo
Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ trì, phối hợp với Trung tâm Truyền thông
tỉnh và các cơ sở khám, chữa bệnh liên quan (1) thu thập, cập nhật thông tin,
tài liệu hướng dẫn chuyên môn, tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh
và phục hồi chức năng đối với người bệnh hậu COVID-19; (2) biên soạn, xây dựng
và phát hành các ấn phẩm như: Clip, tờ rơi,... hướng dẫn Phục hồi chức năng bệnh
viêm đường hô hấp cấp tính do SARS-CoV-2 để cung cấp cho các địa phương, đơn vị
in ấn hoặc đăng tải trên website, fanpage, zalo OA hoặc phát trên phương tiện
truyền thông đại chúng,... để hướng dẫn cho người dân nói chung, người có tình
trạng bệnh lý hậu COVID-19 nói riêng.
- Chỉ đạo Bệnh viện
Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí, Trung tâm y tế than KV Mạo Khê, các cơ sở khám,
chữa bệnh và phục hồi chức năng trên địa bàn:
+ Chủ động sưu tầm,
nghiên cứu tài liệu, cập nhật kiến thức về chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh,
phục hồi chức năng cho người có biểu hiện bệnh lý của tình trạng hậu COVID-19 từ
các nguồn cung cấp thông tin chính thống để áp dụng nâng cao chất lượng khám,
chữa bệnh của đơn vị; đồng thời chịu trách nhiệm làm đầu mối tổ chức tập huấn,
hướng dẫn cho đơn vị y tế khác về công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh
và phục hồi chức năng hậu COVID-19 đối với lĩnh vực thuộc phạm vi chuyên môn của
đơn vị.
+ Chuẩn bị các điều
kiện cần thiết, đảm bảo thu dung, điều trị, phục hồi chức năng cho người có tình
trạng bệnh lý hậu COVID-19 thuộc phạm vi chuyên môn của đơn vị. Quan tâm kết hợp
y học hiện đại và y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh
và phục hồi chức năng cho bệnh nhân hậu COVID-19.
+ Quan tâm rà soát, củng
cố các điều kiện đáp ứng yêu cầu tổ chức thực hiện khám sức khỏe định kỳ, khám
tầm soát phát hiện nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung, tình trạng bệnh lý
hậu COVID-19 nói riêng cho người lao động và nhân dân khi có nhu cầu; phối hợp
tiếp nhận khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe cho người bệnh do cơ sở y tế khác giới
thiệu/chuyển tuyến đến.
+ Phối hợp chặt chẽ với
các cơ sở y tế, các thầy thuốc, chuyên gia trong tỉnh, ngoài tỉnh và nước
ngoài; tăng cường hội chẩn, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn
liên quan lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức
năng cho bệnh nhân hậu COVID-19.
+ Trung tâm y tế huyện,
thị xã, thành phố là đầu mối, chịu trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo các Trạm y tế
tổ chức triển khai hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe và triển khai hoạt
động chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng đối với người có bệnh lý hậu
COVID-19 tại cộng đồng.
2.
Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Truyền thông tỉnh
Chủ trì, phối hợp với
Ngành Y tế tăng cường truyền thông; xây dựng các tin, bài, chương trình,...
tuyên truyền, hướng dẫn, định hướng cho người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
về hậu COVID-19; không để xảy ra tâm lý hoang mang, lo lắng quá mức về hội chứng
hậu COVID-19.
- Phối hợp với Ngành
Y tế biên soạn, xây dựng và phát hành các ấn phẩm như: Clip, tờ rơi,... hướng dẫn
Phục hồi chức năng bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do SARS-CoV-2 để cung cấp
cho các địa phương, đơn vị in ấn hoặc đăng tải trên website, fanpage hoặc phát
trên phương tiện truyền thông đại chúng,... để hướng dẫn cho người dân.
- Sở Thông tin và
Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị viễn thông tiếp tục
duy trì nâng cao chất lượng kết nối kênh tổng đài đường dây nóng phục vụ quản
lý, hỗ trợ người mắc COVID-19 sẵn có trước đó, để kết hợp tiếp nhận, tư vấn, giải
đáp, hướng dẫn chăm sóc, phục hồi chức năng đối với người bệnh có tình trạng bệnh
lý do hậu COVID-19 gây ra.
3.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội
- Chỉ đạo Phòng Lao động
- Thương binh và Xã hội các địa phương: (1) chủ động, tích cực tham mưu
cho chính quyền địa phương quan tâm triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ
trợ, chăm lo, bảo vệ các đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người khuyết
tật, trẻ em,.... theo quy định của pháp luật; (2) tham mưu hỗ trợ kịp thời
cho các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội là người mắc COVID-19 hoặc người có
bệnh lý hậu COVID-19 có hoàn cảnh, điều kiện kinh tế khó khăn như trẻ em có
hoàn cảnh đặc biệt, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi neo đơn,...
đảm bảo các đối tượng bảo trợ xã hội được tiếp cận dịch vụ y tế, khám, chữa bệnh,
phục hồi chức năng sớm phù hợp với tình trạng, mức độ bệnh.
- Chủ trì, phối hợp với
các Sở, Ngành liên quan tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định
của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ quan, doanh nghiệp sử dụng
lao động trên địa bàn.
4.
Liên đoàn Lao động tỉnh; Ban Quản lý khu kinh tế
- Tích cực phối hợp với
các Sở, ngành, địa phương triển khai hoạt động tuyên truyền, vận động: (1)
Các cơ quan, doanh nghiệp sử dụng lao động trên địa bàn quan tâm thực hiện đầy
đủ trách nhiệm đối với người lao động và thường xuyên chăm lo sức khỏe, phòng
ngừa bệnh tật cho người lao động; (2) Tuyên truyền cho người lao động chủ động
phát hiện và tiếp cận sớm với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khi có biểu hiện bệnh
lý sau khi mắc COVID-19; đồng thời hiểu đúng, không có tâm lý hoang mang, lo lắng
quá mức về hội chứng hậu COVID-19.
- Chủ động tổ chức kiểm
tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao
động tại các cơ quan, doanh nghiệp sử dụng lao động trên địa bàn; đảm bảo các
đơn vị sử dụng lao động thực hiện nghiêm chế độ chính sách, quan tâm chăm lo sức
khỏe cho người lao động.
5.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19/ Ủy ban nhân dân các địa phương
- Chỉ đạo và triển
khai công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, để người
dân chủ động phát hiện và tiếp cận sớm với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám,
chữa bệnh và phục hồi chức năng khi có biểu hiện bệnh lý hậu COVID-19; đồng thời
hiểu đúng, không có tâm lý hoang mang, lo lắng quá mức về hội chứng hậu
COVID-19.
- Quản lý danh sách
người dân mắc COVID-19 trên địa bàn, từ đó lập kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho
nhóm có nguy cơ và nhóm chưa có nguy cơ mắc bệnh lý hậu COVID-19 để đưa vào
chương trình dự phòng, tầm soát, can thiệp.
- Phối hợp với các Sở,
Ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp
sử dụng lao động. Đảm bảo người lao động được chăm lo sức khỏe, phòng ngừa bệnh
tật và được khám sức khỏe định kỳ theo quy định, để tầm soát, phát hiện sớm
nguy cơ sức khỏe nói chung, bệnh lý hậu COVID-19 nói riêng.
- Tiếp tục triển khai
đầy đủ các nội dung quản lý, bảo vệ người mắc thuộc nhóm người nguy cơ cao và
trọng điểm trong dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo Kế hoạch
số 63/KH-UBND ngày 03/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
- Tiếp tục, thường
xuyên tổ chức rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ
theo hướng dẫn của Bộ Y tế đảm bảo không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ cao, đối
tượng bảo vệ trọng điểm.
- Chỉ đạo thực hiện tốt
công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội
như: người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, người cao tuổi theo quy định của
pháp luật. Bố trí đủ ngân sách và phối hợp với bệnh viện, Trung tâm y tế trên địa
bàn để tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi theo quy định.
6.
Các Sở, Ngành thuộc tỉnh; Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam và các cơ quan,
doanh nghiệp sử dụng lao động
- Tăng cường công tác
chăm lo sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật cho người lao động tại cơ quan, doanh
nghiệp, đơn vị thuộc quản lý. Trong đó, yêu cầu tích cực tuyên truyền cho người
lao động nói chung, người lao động có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 nói riêng, chủ động
theo dõi, phát hiện và tiếp cận sớm với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khi có biểu
hiện bệnh lý; không để có tâm lý hoang mang, lo lắng quá mức về hội chứng hậu
COVID-19.
- Thường xuyên tự kiểm
tra, giám sát và quan tâm đảm bảo các điều kiện lao động theo quy định của pháp
luật về an toàn, vệ sinh lao động tại cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị thuộc quản
lý; bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho 100% người
lao động theo quy định (tối thiểu 01 lần/năm).
Trên đây là nội dung
Kế hoạch tổ chức chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người sau mắc
COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Yêu cầu các Sở, Ngành, địa phương và các
đơn vị nghiên cứu triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ Y tế, VP Chính phủ (báo cáo);
- BCD PCD COVID-19 tỉnh (báo cáo);
- UBMTTQ tỉnh, các TC CT-XH tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các H, TX, TP;
- Các cơ sở Y tế trên địa bàn;
- Tập đoàn TKS VN;
- Các CQ, DN trên địa bàn;
- Lưu: VT, VX5.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thị Hạnh
|