ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 12540/KH-UBND
|
Khánh Hòa, ngày 15 tháng 12 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
VỀ
VIỆC DỰ TRỮ VẮC XIN, HÓA CHẤT CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT
Căn cứ Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng
5 năm 2016; Thông tư số 09/2021/TT-BNNPTNT ngày 12 tháng 8 năm 2021 sửa đổi, bổ
sung một số điều của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016 của
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch
bệnh động vật trên cạn.
Căn cứ tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn cả
nước và tỉnh Khánh Hòa; trên cơ sở báo cáo, đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn tại Công văn số 4826/SNN-NVTH ngày 08 tháng 12 năm 2022, Ủy ban
nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch dự trữ vắc xin, hóa chất chống dịch bệnh động vật
với các nội dung sau:
I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG KẾ
HOẠCH DỰ TRỮ VẮC XIN, HÓA CHẤT CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT
Căn cứ quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn tại 02 Thông tư nêu trên, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lở mồm
long móng, cúm gia cầm và viêm da nổi cục trâu, bò là những bệnh bắt buộc phải
tổ chức tiêm phòng khẩn cấp khi có ổ dịch xảy ra.
Khi có ổ dịch động vật xảy ra, phải tổ chức tiêm
phòng cho gia súc, gia cầm khỏe mạnh tại các thôn, ấp nơi xảy ra dịch; đồng thời
tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch theo hướng từ ngoài vào trong đối với gia
súc, gia cầm mẫn cảm tại các thôn, ấp chưa có dịch trong cùng xã và các xã tiếp
giáp xung quanh xã có dịch, vì vậy việc xây dựng Kế hoạch dự trữ vắc xin cho
công tác chống dịch bệnh động vật là cần thiết.
Bên cạnh việc tiêm phòng, công tác tiêu độc khử
trùng khu vực có dịch và các vùng lân cận cũng phải triển khai, đồng thời việc
xử lý gia súc, gia cầm mắc bệnh chết do dịch bệnh đòi hỏi phải có hóa chất sát
trùng. Vì vậy, để triển khai công tác chống dịch bệnh động vật hiệu quả, bên cạnh
việc dự trữ vắc xin cần dự trữ cả hóa chất sát trùng.
II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
1. Mục tiêu
- Chủ động nguồn vắc xin tiêm phòng, hóa chất khử
trùng môi trường chống dịch khẩn cấp khi xảy ra dịch bệnh ở vật nuôi.
- Xử lý, dập tắt nhanh các ổ dịch bệnh động vật khi
mới xuất hiện theo quy định, không để dịch lây lan ra diện rộng.
2. Yêu cầu
- Sử dụng vắc xin, hóa chất phục vụ công tác chống
dịch khẩn cấp khi xảy ra theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
- Tùy thuộc vào mức độ, quy mô ổ dịch, xác định số
lượng vắc xin, hóa chất cần dự trữ để phục vụ công tác chống
dịch, tránh lãng phí.
III. NỘI DUNG
1. Chủng loại, số lượng vắc xin, hóa chất dự trữ
chống dịch bệnh động vật
a) Chủng loại, số lượng vắc xin:
- Về chủng loại vắc xin:
+ Vắc xin lở mồm long móng trâu, bò: sử dụng vắc
xin phòng bệnh do vi rút lở mồm long móng type O và A gây ra;
+ Vắc xin cúm gia cầm: sử dụng vắc xin có hiệu lực
bảo hộ đối với vi rút cúm gia cầm (A/H5N1, A/H5N6);
+ Vắc xin viêm da nổi cục trâu, bò: sử dụng vắc xin
phòng được bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.
- Về số lượng vắc xin:
+ Vắc xin lở mồm long móng trâu, bò: 21.150 liều.
+ Vắc xin cúm gia cầm: 488.000 liều.
+ Vắc xin viêm da nổi cục trâu, bò: 10.000 liều.
b) Loại, số lượng hóa chất:
- Hóa chất tiêu độc khử trùng chống dịch bệnh động
vật là loại thuốc sát trùng có phổ diệt khuẩn rộng: diệt được tất cả các loài
vi rút, vi khuẩn, Mycoplasma, nấm gây bệnh... có thể phun trực tiếp vào nơi
nuôi nhốt động vật.
- Số lượng hóa chất dự trữ:
2.000 lít.
2. Đối tượng, phạm vi sử dụng vắc xin, hóa chất
dự trữ
a) Đối tượng, phạm vi sử dụng vắc xin: sử dụng tiêm
phòng cho gia súc, gia cầm khỏe mạnh tại các thôn, ấp nơi xảy ra dịch; đồng thời
tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch theo hướng từ ngoài vào trong đối với gia
súc, gia cầm mẫn cảm tại các thôn, ấp chưa có dịch trong cùng xã và các xã tiếp
giáp xung quanh xã có dịch trên cơ sở quyết định công bố dịch của Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh hoặc cấp huyện.
b) Đối tượng, phạm vi sử dụng hóa chất khử trùng:
- Tiêu độc khử trùng chuồng trại, hố chôn, phương
tiện qua lại chốt kiểm dịch và các chợ buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm
gia súc, gia cầm tươi sống tại vùng có dịch, vùng bị dịch uy hiếp theo quy định.
- Trong trường hợp đặc biệt, khi có động vật mắc bệnh,
chết, có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm (chưa đủ điều kiện công bố dịch), Ủy
ban nhân dân cấp huyện có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn xuất hóa chất dự trữ để tổ chức tiêu độc khử trùng
theo yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
3. Phương thức dự trữ, quản lý và sử dụng vắc
xin, hóa chất chống dịch
a) Phương thức dự trữ vắc xin, hóa chất: giao Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức
mua và bảo quản vắc xin, hóa chất dự trữ theo quy định; bảo đảm đáp ứng kịp thời
yêu cầu huy động, sử dụng hàng dự trữ chống dịch.
b) Phương thức quản lý và sử dụng vắc xin, hóa chất:
- Khi có dịch xảy ra: Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tùy theo mức độ, quy mô ổ dịch và nhu cầu vắc
xin, hóa chất của huyện, thị xã, thành phố có dịch mà quyết
định phân bổ cho các địa phương để kịp thời tiêm phòng bao vây, khử trùng tiêu
độc ổ dịch và chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y xuất cấp, giao vắc xin, hóa chất
dự trữ kịp thời, an toàn, đúng mục đích, đối tượng theo
quy định.
- Trường hợp số vắc xin, hóa chất dự trữ sử dụng trong năm không hết hoặc trong năm không có dịch xảy
ra: Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo
Chi cục Chăn nuôi và Thú y xuất vắc xin, hóa chất dự trữ và phân bổ cho các địa
phương để tiêm phòng và khử trùng tiêu độc định kỳ trong đợt tiêm phòng năm kế
tiếp và hoàn trả lại đúng số lượng, chủng loại vắc xin, hóa chất dự trữ chống dịch từ nguồn Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật hàng
năm để tránh trường hợp vắc xin, hóa chất dự trữ hết hạn sử dụng.
4. Kinh phí mua vắc xin, hóa chất dự trữ chống dịch
- Tổng kinh phí: 1.483.099.000 đồng (Một tỷ, bốn
trăm tám mươi ba triệu, không trăm chín mươi chín nghìn đồng), cụ thể:
TT
|
Nội dung
|
ĐVT
|
Số lượng
|
Đơn giá
|
Thành tiền
|
Cơ sở áp dụng
|
1
|
Vắc xin lở mồm long móng trâu, bò
|
Liều
|
21.150
|
27.300
|
577.395.000
|
Theo báo giá
|
2
|
Vắc xin cúm gia cầm
|
Liều
|
488.000
|
483
|
235.704.000
|
|
3
|
Vắc xin viêm da nổi cục trâu, bò
|
Liều
|
10.000
|
35.000
|
350.000.000
|
|
4
|
Hóa chất khử trùng
|
Lít
|
2.000
|
160.000
|
320.000.000
|
|
|
Cộng:
|
|
|
|
1.483.099.000
|
|
Nguồn kinh phí: kinh phí ngân sách tỉnh cấp (sử dụng
từ nguồn kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật hàng năm).
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông Nghiệp và Phát
triển nông thôn
- Tổ chức mua, bảo quản, chuyển đổi số lượng vắc
xin, hóa chất dự trữ chống dịch và chịu trách nhiệm thanh quyết toán theo quy định.
- Trên cơ sở quy mô ổ dịch và nhu cầu vắc xin, hóa
chất của huyện, thị xã, thành phố có dịch; Chi cục Chăn nuôi và Thú y thẩm định
đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp huyện, tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn phân bổ kịp thời cho các địa phương thực hiện chống
dịch theo quy định.
- Hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp
chống dịch khẩn cấp; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực phục vụ tốt công tác chống
dịch đúng quy định, không để dịch lây lan.
- Hàng năm, tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình kết quả sử dụng vắc xin, hóa
chất dự trữ chống dịch và xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt
kinh phí mua bổ sung đủ số lượng vắc xin, hóa chất dự trữ.
2. Sở Tài chính
Căn cứ dự toán Kế hoạch dự trữ vắc xin, hóa chất chống
dịch bệnh động vật thuộc kinh phí chi cho công tác phòng chống dịch bệnh do Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập cùng thời điểm xây dựng dự toán hàng
năm, Sở Tài chính tổng hợp dự toán kinh phí theo thứ tự ưu tiên, phát sinh hợp
lý phù hợp với tình hình thực tế trên cơ sở định mức chi tiêu tài chính và khả năng cân đối ngân sách tham mưu cấp thẩm quyền bố trí
kinh phí phòng chống dịch theo quy định.
3. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố
- Khi có dịch xảy ra, chủ động triển khai các biện
pháp chống dịch khẩn cấp theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày
31 tháng 5 năm 2016 để dịch không lây lan ra diện rộng. Khi đủ điều kiện công bố
dịch thì phải công bố dịch theo Luật Thú y.
- Xây dựng kế hoạch và triển khai chống dịch khẩn cấp
khi có dịch xảy ra; đăng ký nhu cầu vắc xin, hóa chất gửi Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn; chỉ đạo đơn vị có chức năng tiếp nhận vắc xin, hóa chất từ
Chi cục Chăn nuôi và Thú y và phân bổ cho các xã, phường, thị trấn trong vùng
có dịch, vùng bị dịch uy hiếp để thực hiện công tác chống dịch.
- Chỉ đạo các cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân
xã, phường, thị trấn triển khai các biện pháp chống dịch và báo cáo kết quả
theo quy định.
Yêu cầu các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch Dự trữ vắc
xin, hóa chất chống dịch bệnh động vật đúng theo quy định; định kỳ hoặc đột xuất
theo yêu cầu báo cáo tình hình, kết quả triển khai về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân
dân tỉnh./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đinh Văn Thiệu
|