Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 109/2016/NĐ-CP cấp chứng chỉ hành nghề người hành nghề cấp giấy phép hoạt động

Số hiệu: 109/2016/ND-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 01/07/2016 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 109/2016/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 2016

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ ĐỐI VỚI NGƯỜI HÀNH NGHỀ VÀ CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về:

a) Hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề;

b) Điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2. Nghị định này không điều chỉnh việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong quân đội.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân) thực hiện các hoạt động liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là người có chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh, hành nghề cơ hữu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà mình phụ trách và chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2. Bản sao hợp lệ là bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc bản sao có chữ ký đối với cá nhân hoặc có chữ ký và đóng dấu đối với tổ chức đã được đối chiếu với bản chính. Trường hợp giấy tờ do tổ chức nước ngoài cấp thì phải hợp pháp hóa lãnh sự và dịch ra tiếng Việt, bản dịch phải được chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

3. Người hành nghề cơ hữu là người đăng ký làm việc liên tục 8 giờ/ngày trong thời gian hoạt động mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã đăng ký hoặc người làm việc đầy đủ thời gian mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đăng ký hoạt động có thời gian ít hơn 8 giờ/ngày phù hợp với quy định của pháp luật về lao động.

4. Người làm việc một phần thời gian là người đăng ký làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng không đủ thời gian quy định tại khoản 3 Điều này.

Chương II

CẤP, CẤP LẠI CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ

Mục 1. HỒ SƠ, THỦ TỤC CẤP, CẤP LẠI CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ

Điều 4. Các trường hợp cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề

1. Việc cấp chứng chỉ hành nghề áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

a) Cấp lần đầu chứng chỉ hành nghề.

b) Cấp điều chỉnh chứng chỉ hành nghề khi có thay đổi nội dung trong chứng chỉ hành nghề, bao gồm:

- Bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề khi người hành nghề đề nghị thêm kỹ thuật chuyên môn thuộc chuyên khoa khác với phạm vi hoạt động chuyên môn đã được cấp trong chứng chỉ hành nghề;

- Thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề khi người hành nghề đề nghị thay đổi kỹ thuật chuyên môn thuộc chuyên khoa khác với phạm vi hoạt động chuyên môn đã được cấp trong chứng chỉ hành nghề;

- Thay đổi họ và tên, ngày tháng năm sinh trong chứng chỉ hành nghề.

2. Việc cấp lại chứng chỉ hành nghề áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

a) Chứng chỉ hành nghề bị thu hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật khám bệnh, chữa bệnh;

b) Chứng chỉ hành nghề bị mất hoặc hư hỏng.

Điều 5. Hồ sơ đề nghị cấp lần đầu chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam

1. Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo Mẫu 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Bản sao hợp lệ văn bằng chuyên môn phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, cụ thể như sau:

a) Văn bằng chuyên môn y;

b) Văn bằng cử nhân y khoa do nước ngoài cấp được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tương đương trình độ đại học nhưng phải kèm theo giấy chứng nhận đã qua đào tạo bổ sung theo ngành, chuyên ngành phù hợp với thời gian đào tạo ít nhất là 12 tháng tại cơ sở đào tạo hợp pháp của Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì được coi là tương đương với văn bằng bác sỹ và được cấp chứng chỉ hành nghề với chức danh là bác sỹ;

c) Văn bằng cử nhân hóa học, sinh học, dược sĩ trình độ đại học và phải kèm theo chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đào tạo chuyên ngành kỹ thuật y học về xét nghiệm với thời gian đào tạo ít nhất là 3 tháng hoặc văn bằng đào tạo sau đại học về chuyên khoa xét nghiệm;

d) Giấy chứng nhận là lương y hoặc giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền hoặc người có phương pháp chữa bệnh gia truyền do Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp.

Trường hợp mất các văn bằng chuyên môn trên thì phải có giấy chứng nhận tốt nghiệp hoặc bản sao hợp lệ giấy chứng nhận thay thế bằng tốt nghiệp do cơ sở đào tạo nơi đã cấp văn bằng chuyên môn đó cấp.

3. Giấy xác nhận quá trình thực hành theo Mẫu 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này hoặc bản sao hợp lệ các văn bằng tốt nghiệp bác sỹ nội trú, bác sỹ chuyên khoa I, bác sỹ chuyên khoa II, trừ trường hợp là lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc người có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

4. Giấy chứng nhận đủ sức khỏe do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại khoản 6 Điều 23khoản 5 Điều 25 Nghị định này cấp.

5. Phiếu lý lịch tư pháp.

6. Sơ yếu lý lịch tự thuật theo Mẫu 03 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này có xác nhận của thủ trưởng đơn vị nơi công tác đối với người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề đang làm việc trong cơ sở y tế tại thời điểm đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoặc sơ yếu lý lịch tự thuật có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú đối với những người xin cấp chứng chỉ hành nghề không làm việc cho cơ sở y tế nào tại thời điểm đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.

7. Hai ảnh màu 04 cm x 06 cm được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng, tính đến ngày nộp đơn.

Điều 6. Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh lần đầu đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài

1. Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo Mẫu 04 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Bản sao hợp lệ văn bằng chuyên môn y phù hợp với các đối tượng hành nghề quy định tại Điều 17 Luật khám bệnh, chữa bệnh.

3. Giấy xác nhận quá trình thực hành:

a) Trường hợp thực hành tại Việt Nam thực hiện theo Mẫu 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Trường hợp thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài thì trong giấy xác nhận quá trình thực hành của người có thẩm quyền của cơ sở đó phải bảo đảm các nội dung sau đây: Họ và tên người thực hành; ngày, tháng, năm sinh; địa chỉ cư trú; số hộ chiếu (ngày cấp, nơi cấp); văn bằng chuyên môn; năm tốt nghiệp; nơi thực hành; thời gian thực hành; nhận xét về năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của người thực hành đó.

4. Bản sao hợp lệ giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lao động của Việt Nam cấp.

5. Bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ sau đây:

a) Giấy chứng nhận biết tiếng Việt thành thạo đối với người nước ngoài đăng ký sử dụng tiếng Việt để khám bệnh, chữa bệnh;

b) Giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch của người phiên dịch phù hợp với ngôn ngữ mà người hành nghề đăng ký sử dụng để khám bệnh, chữa bệnh và hợp đồng lao động của người phiên dịch với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người hành nghề đó làm việc;

c) Đối với người nước ngoài đăng ký sử dụng ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ để khám bệnh, chữa bệnh:

- Giấy chứng nhận sử dụng thành thạo ngôn ngữ mà người hành nghề đăng ký sử dụng theo quy định tại Điều 17 Nghị định này để khám bệnh, chữa bệnh;

- Giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch của người phiên dịch ngôn ngữ mà người hành nghề đăng ký sử dụng để khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Điều 18 Nghị định này và hợp đồng lao động của người phiên dịch với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người hành nghề đó làm việc.

6. Giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế cấp hoặc giấy chứng nhận đủ sức khỏe do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nước ngoài cấp mà thời điểm cấp giấy chứng nhận sức khỏe tính đến ngày nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề không quá 12 tháng.

7. Lý lịch tư pháp (áp dụng đối với trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động).

8. Hai ảnh màu 04 cm x 06 cm được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng, tính đến ngày nộp đơn.

Điều 7. Hồ sơ đề nghị cấp điều chỉnh chứng chỉ hành nghề

1. Hồ sơ đề nghị cấp bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề theo Mẫu 05 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề đã được cấp;

c) Bản sao hợp lệ văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận chuyên môn phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn đề nghị bổ sung;

d) Giấy xác nhận quá trình thực hành theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định này phù hợp với văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận chuyên môn.

2. Hồ sơ đề nghị cấp thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn theo Mẫu 06 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao hợp lệ văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận chuyên môn phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn đề nghị thay đổi;

c) Bản gốc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp;

d) Giấy xác nhận quá trình thực hành quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định này;

đ) Hai ảnh màu 04 cm x 06 cm được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng, tính đến ngày nộp đơn.

3. Hồ sơ đề nghị thay đổi họ và tên, ngày tháng năm sinh trong chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:

a) Đơn đề nghị thay đổi họ và tên, ngày tháng năm sinh, theo Mẫu 07 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao hợp lệ giấy tờ chứng minh thay đổi họ và tên, ngày tháng năm sinh của người hành nghề;

c) Bản gốc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp;

d) Hai ảnh màu 04 cm x 06 cm, được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng, tính đến ngày nộp đơn.

Điều 8. Hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề

1. Hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề đối với người bị mất hoặc bị hư hỏng hoặc bị thu hồi chứng chỉ hành nghề theo quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều 29 Luật khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề theo Mẫu 08 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Hai ảnh màu 04 cm x 06 cm được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng, tính đến ngày nộp đơn.

2. Hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề trong trường hợp bị thu hồi theo quy định tại các điểm c, d, đ, e và g khoản 1 Điều 29 Luật khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề theo Mẫu 09 Phụ lục I đối với người Việt Nam hoặc theo Mẫu 10 Phụ lục I đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Giấy chứng nhận đã cập nhật kiến thức y khoa liên tục theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

c) Các giấy tờ quy định tại các khoản 2, 4, 5, 6 và 7 Điều 5 Nghị định này đối với người Việt Nam; các giấy tờ quy định tại các khoản 2, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 6 Nghị định này đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Điều 9. Nộp hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề

1. Việc nộp hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề theo quy định tại các điều 5, 6, 7 và 8 Nghị định này được thực hiện như sau:

a) Người đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề thuộc các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 26 Luật khám bệnh, chữa bệnh gửi 01 bộ hồ sơ về Bộ Y tế;

b) Người đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn quản lý của Sở Y tế, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này gửi 01 bộ hồ sơ về Sở Y tế.

2. Trường hợp người hành nghề đã được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp chứng chỉ hành nghề nhưng tại thời điểm đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề, người hành nghề thay đổi nơi làm việc thì nộp hồ sơ như sau:

a) Người hành nghề đang làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế nộp hồ sơ về Sở Y tế nơi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó đặt trụ sở;

b) Người hành nghề đang làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế nộp hồ sơ về Bộ Y tế.

3. Trường hợp người hành nghề không làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào tại thời điểm đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề thì nộp hồ sơ về Sở Y tế, nơi đăng ký thường trú để đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề.

Điều 10. Thủ tục cấp, cấp lại và quản lý chứng chỉ hành nghề

1. Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề, Bộ Y tế hoặc Sở Y tế (sau đây gọi tắt là cơ quan tiếp nhận hồ sơ) cấp cho người đề nghị Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này, cụ thể như sau:

a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ theo quy định thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi ngay cho người đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề Phiếu tiếp nhận hồ sơ;

b) Trường hợp hồ sơ gửi theo đường bưu điện thì trong thời hạn 02 ngày, tính từ thời điểm nhận được hồ sơ (tính theo dấu bưu điện đến), cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi Phiếu tiếp nhận cho người đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề;

2. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải tiến hành thẩm định hồ sơ và có biên bản thẩm định.

3. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày có biên bản thẩm định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề.

4. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ:

a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có biên bản thẩm định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản thông báo cho người đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề để hoàn chỉnh hồ sơ. Văn bản thông báo phải ghi cụ thể những tài liệu cần bổ sung, nội dung cần sửa đổi.

b) Khi nhận được văn bản yêu cầu hoàn chỉnh hồ sơ, người đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề phải sửa đổi, bổ sung theo đúng những nội dung đã được ghi trong văn bản và gửi hồ sơ bổ sung về cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi Phiếu tiếp nhận hồ sơ bổ sung cho người đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề.

c) Cơ quan tiếp nhận hồ sơ tiếp tục thực hiện thủ tục theo quy định tại các khoản 2, 3 và điểm a khoản 4 Điều này. Trường hợp hồ sơ bổ sung vẫn chưa hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ tiếp tục hướng dẫn người đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề hoàn thiện hồ sơ.

d) Trường hợp cơ quan tiếp nhận hồ sơ đã có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ mà trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản yêu cầu nhưng người đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề không bổ sung, sửa đổi hồ sơ thì phải thực hiện lại từ đầu hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề.

5. Quản lý chứng chỉ hành nghề:

a) Chứng chỉ hành nghề do Bộ trưởng Bộ Y tế cấp theo Mẫu 01 Phụ lục III, do Giám đốc Sở Y tế cấp theo Mẫu 02 Phụ lục III và Quyết định bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề do Bộ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế cấp theo Mẫu 03 Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Mã ký hiệu chứng chỉ hành nghề thực hiện theo Mẫu 04 Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này; phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề thực hiện theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Y tế.

b) Cơ quan tiếp nhận hồ sơ tự in chứng chỉ hành nghề để cấp theo mẫu quy định tại điểm a khoản này, bảo đảm tính liên tục của số chứng chỉ hành nghề trong quá trình cấp và mỗi người hành nghề chỉ có một số chứng chỉ hành nghề.

c) Sở Y tế tiếp tục sử dụng phôi chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế cấp đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2016.

Điều 11. Hội đồng tư vấn về cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề

1. Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế thành lập Hội đồng tư vấn về cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề (sau đây gọi tắt là Hội đồng tư vấn) theo quy định tại khoản 4 Điều 28 Luật khám bệnh, chữa bệnh.

2. Chủ tịch Hội đồng tư vấn có trách nhiệm chỉ đạo việc xây dựng quy chế hoạt động của Hội đồng tư vấn để trình Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

Mục 2. ĐĂNG KÝ HÀNH NGHỀ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Điều 12. Nguyên tắc đăng ký hành nghề

1. Người hành nghề chỉ được làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2. Người hành nghề chỉ được đăng ký làm người phụ trách một khoa của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Không được đồng thời làm người phụ trách từ hai khoa trở lên trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc đồng thời làm người phụ trách khoa của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.

3. Người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thể kiêm nhiệm phụ trách một khoa trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phải phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề đã được cấp.

4. Người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đăng ký làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài giờ.

5. Người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước không được đăng ký làm người đứng đầu của bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần vốn của Nhà nước.

6. Người hành nghề đã đăng ký làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đăng ký hành nghề ngoài giờ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.

7. Người hành nghề được đăng ký hành nghề tại một hoặc nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng không được đăng ký hành nghề cùng một thời gian tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau và tổng thời gian làm ngoài giờ không quá 200 giờ theo quy định của Bộ luật lao động. Người hành nghề phải bảo đảm hợp lý về thời gian đi lại giữa các địa điểm hành nghề đã đăng ký.

8. Người hành nghề đã đăng ký hành nghề ở một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh theo chế độ luân phiên người hành nghề, khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo hoặc thực hiện kỹ thuật chuyên môn theo hợp đồng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với nhau thì không phải đăng ký hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này.

Điều 13. Đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

1. Việc đăng ký hành nghề do người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lập theo Mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Nội dung đăng ký hành nghề:

a) Địa điểm hành nghề: Ghi rõ tên, địa chỉ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đăng ký hành nghề;

b) Thời gian hành nghề: Ghi cụ thể thời gian hành nghề: Giờ trong ngày, ngày trong tuần hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và bảo đảm hợp lý về thời gian đi lại giữa các địa điểm hành nghề của người hành nghề đã đăng ký quy định tại điểm a khoản này;

c) Chức danh, vị trí chuyên môn của người hành nghề: Danh sách người đăng ký hành nghề phải ghi rõ chức danh mà người hành nghề được phân công đảm nhiệm là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật hoặc người phụ trách khoa hoặc vị trí chuyên môn đảm nhiệm khác của người hành nghề.

3. Trường hợp danh sách đăng ký hành nghề của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có người hành nghề đang hành nghề tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thì việc đăng ký hành nghề của người hành nghề đó phải ghi rõ thời gian, địa điểm, vị trí chuyên môn của người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác đó.

Điều 14. Trình tự đăng ký hành nghề

1. Thời điểm đăng ký hành nghề:

a) Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề nghị cấp giấy phép hoạt động thì việc đăng ký hành nghề cho người hành nghề được thực hiện cùng thời điểm cơ sở đề nghị cấp giấy phép hoạt động;

b) Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động, nếu có thay đổi về nhân sự thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ khi thay đổi, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó phải thông báo đến cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận văn bản đăng ký hành nghề quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Tiếp nhận văn bản đăng ký hành nghề trong trường hợp thay đổi người hành nghề:

a) Bộ Y tế tiếp nhận việc đăng ký hành nghề của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế;

b) Sở Y tế tiếp nhận việc đăng ký hành nghề của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trụ sở đóng trên địa bàn quản lý, trừ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại điểm a khoản này.

Điều 15. Quản lý thông tin đăng ký hành nghề

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi cấp giấy phép hoạt động hoặc nhận được danh sách thay đổi về người hành nghề quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định này, Sở Y tế theo thẩm quyền tiếp nhận đăng ký người hành nghề quy định tại điểm b khoản 2 Điều 14 Nghị định này phải gửi danh sách người hành nghề về Bộ Y tế.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi cấp giấy phép hoạt động hoặc nhận được danh sách thay đổi về người hành nghề quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định này, Bộ Y tế theo thẩm quyền tiếp nhận đăng ký người hành nghề quy định tại điểm a khoản 2 Điều 14 Nghị định này về Sở Y tế nơi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có người đăng ký hành nghề đặt trụ sở.

3. Việc đăng tải danh sách đăng ký người hành nghề được thực hiện như sau:

a) Bộ Y tế đăng tải danh sách đăng ký người hành nghề trên toàn quốc với đầy đủ các thông tin quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế;

b) Sở Y tế đăng tải danh sách đăng ký người hành nghề với đầy đủ các thông tin quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này theo thẩm quyền tiếp nhận đăng ký người hành nghề quy định tại điểm b khoản 2 Điều 14 Nghị định này lên Trang thông tin điện tử của Sở Y tế.

Mục 3. THỰC HÀNH ĐỂ CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ

Điều 16. Tổ chức việc thực hành

1. Tiếp nhận người thực hành:

a) Người thực hành phải có đơn đề nghị thực hành theo Mẫu 01 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này và bản sao hợp lệ văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế gửi đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đăng ký thực hành;

b) Sau khi nhận được đơn đề nghị thực hành, nếu đồng ý tiếp nhận, người đứng đầu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm ký hợp đồng thực hành với người thực hành theo Mẫu 02 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Phân công người hướng dẫn thực hành:

Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ra quyết định phân công người hướng dẫn thực hành theo Mẫu 03 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này. Một người hướng dẫn thực hành chỉ được hướng dẫn tối đa là 5 người thực hành trong cùng một thời điểm.

3. Người hướng dẫn thực hành phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có chứng chỉ hành nghề;

b) Có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với văn bằng của người thực hành, có trình độ đào tạo tương đương hoặc cao hơn người thực hành và có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh liên tục từ 3 năm trở lên.

4. Trách nhiệm của người hướng dẫn thực hành:

a) Hướng dẫn thực hành khám bệnh, chữa bệnh cho người thực hành;

b) Nhận xét về kết quả thực hành và chịu trách nhiệm về nội dung nhận xét của mình;

c) Chịu trách nhiệm trong trường hợp người thực hành gây sai sót chuyên môn trong quá trình thực hành, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh do lỗi của người hướng dẫn thực hành.

5. Cấp giấy xác nhận quá trình thực hành: Sau khi có nhận xét bằng văn bản của người hướng dẫn thực hành đối với người thực hành, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp Giấy xác nhận quá trình thực hành theo Mẫu 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

Mục 4. TIÊU CHÍ ĐỂ CÔNG NHẬN BIẾT TIẾNG VIỆT THÀNH THẠO HOẶC SỬ DỤNG THÀNH THẠO NGÔN NGỮ KHÁC HOẶC ĐỦ TRÌNH ĐỘ PHIÊN DỊCH TRONG KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Điều 17. Tiêu chí để công nhận người hành nghề biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác trong khám bệnh, chữa bệnh

1. Người hành nghề được công nhận biết tiếng Việt thành thạo trong khám bệnh, chữa bệnh khi được cơ sở giáo dục quy định tại Điều 19 Nghị định này kiểm tra và công nhận, trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Trường hợp người hành nghề đăng ký ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ hoặc tiếng Việt để khám bệnh, chữa bệnh thì phải được cơ sở giáo dục quy định tại Điều 19 Nghị định này kiểm tra để công nhận người hành nghề thành thạo ngôn ngữ mà người hành nghề đăng ký sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh, trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Các trường hợp được công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác trong khám bệnh, chữa bệnh mà không phải qua kiểm tra khi người hành nghề có một trong các tiêu chí sau đây:

a) Có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp chuyên ngành y trở lên do cơ sở đào tạo hợp pháp của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp mà ngôn ngữ sử dụng trong quá trình đào tạo là tiếng Việt hoặc là ngôn ngữ mà người hành nghề đăng ký sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh;

b) Có chứng chỉ đã hoàn thành các khóa đào tạo chuyên ngành y với thời gian đào tạo tối thiểu từ 12 tháng trở lên mà ngôn ngữ sử dụng trong quá trình đào tạo là tiếng Việt hoặc là ngôn ngữ mà người hành nghề đăng ký sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh;

c) Có bằng tốt nghiệp trình độ đại học chuyên ngành tiếng Việt hoặc ngôn ngữ mà người hành nghề đăng ký sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở đào tạo hợp pháp của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp.

Các văn bằng, chứng chỉ quy định tại các điểm a, b khoản này phải được cấp trong thời gian không quá 05 năm, tính đến ngày nộp hồ sơ.

Điều 18. Tiêu chí để công nhận người đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh

1. Người được công nhận đủ trình độ phiên dịch ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh khi được cơ sở giáo dục quy định tại Điều 19 Nghị định này kiểm tra để công nhận, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Các trường hợp được công nhận mà không phải qua kiểm tra khi người phiên dịch có một trong các tiêu chí sau đây:

a) Có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành y trở lên do cơ sở đào tạo hợp pháp của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp mà ngôn ngữ sử dụng trong quá trình đào tạo là ngôn ngữ mà người phiên dịch đăng ký làm phiên dịch;

b) Có chứng chỉ đã hoàn thành các khóa đào tạo chuyên ngành y với thời gian đào tạo tối thiểu từ 12 tháng trở lên mà ngôn ngữ sử dụng trong quá trình đào tạo là ngôn ngữ mà người phiên dịch đăng ký làm phiên dịch;

c) Có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành y trở lên hoặc lương y và bằng tốt nghiệp đại học ngoại ngữ phù hợp với ngôn ngữ mà người phiên dịch đăng ký làm phiên dịch.

Các văn bằng, chứng chỉ quy định tại các điểm a và b khoản 2 Điều này phải được cấp trong thời gian không quá 05 năm, tính đến ngày nộp hồ sơ.

3. Một người phiên dịch chỉ được làm phiên dịch cho một người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại cùng một thời điểm mà người hành nghề đó đang khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh.

Điều 19. Điều kiện đối với cơ sở giáo dục được kiểm tra và công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh

Cơ sở giáo dục được kiểm tra và công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Là trường đại học chuyên ngành y của Việt Nam.

2. Có khoa hoặc bộ môn ngoại ngữ của một trong các ngôn ngữ sau đây: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

3. Có ngân hàng đề thi để kiểm tra và công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 20. Hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở giáo dục đủ điều kiện kiểm tra và công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh

1. Hồ sơ:

a) Bản sao hợp lệ các giấy tờ chứng minh việc thành lập và hoạt động của cơ sở giáo dục;

b) Giấy tờ chứng minh có khoa hoặc bộ môn ngoại ngữ quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định này và danh sách giảng viên làm việc toàn thời gian của khoa hoặc bộ môn ngoại ngữ;

c) Ngân hàng đề thi được sử dụng để kiểm tra, công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh của ít nhất một trong các ngôn ngữ: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

2. Trường hợp Cơ sở giáo dục đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện để kiểm tra, công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh đề nghị bổ sung thêm ngôn ngữ để kiểm tra, công nhận thì hồ sơ thực hiện theo quy định tại các điểm b và c khoản này.

3. Thủ tục:

a) Cơ sở giáo dục gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kiểm tra và công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi tắt là kiểm tra ngôn ngữ) theo quy định tại khoản 1 Điều này về Bộ Y tế;

b) Khi nhận được hồ sơ, Bộ Y tế gửi cho cơ sở giáo dục Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo Mẫu 01 Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này;

c) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ hợp lệ, Bộ Y tế phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kiểm tra ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh cho cơ sở giáo dục theo Mẫu 02 Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp từ chối thì phải có văn bản nêu rõ lý do;

d) Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời gian 5 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản thông báo cho cơ sở giáo dục nêu rõ những nội dung phải sửa đổi bổ sung để hoàn chỉnh hồ sơ.

đ) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ sửa đổi, bổ sung, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kiểm tra ngôn ngữ cho cơ sở giáo dục theo Mẫu 02 Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này; nếu không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

e) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kiểm tra ngôn ngữ cho cơ sở giáo dục, Bộ Y tế đăng tải công khai tên cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Điều 21. Hồ sơ, thủ tục đề nghị kiểm tra, công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh

1. Hồ sơ đề nghị kiểm tra và công nhận thành thạo ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:

a) Đơn đề nghị theo Mẫu 01 Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao hợp lệ giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hạn sử dụng;

c) Hai ảnh màu 04 cm x 06 cm được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.

2. Hồ sơ đề nghị công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:

a) Đơn đề nghị công nhận biết thành thạo tiếng Việt hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Mẫu 02 Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Các giấy tờ quy định tại các điểm b và c khoản 1 Điều này;

c) Bản sao hợp lệ văn bằng, chứng chỉ quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định này đối với trường hợp đề nghị công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác để khám bệnh, chữa bệnh; văn bằng, chứng chỉ quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định này đối với người đề nghị công nhận có đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh.

3. Thủ tục kiểm tra và công nhận:

a) Người đề nghị công nhận gửi 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này tới cơ sở giáo dục quy định tại Điều 19 Nghị định này;

b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ sở giáo dục phải kiểm tra và cấp giấy chứng nhận theo Mẫu 03 Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này đối với các trường hợp quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 17, khoản 1 Điều 18. Kết quả kiểm tra phải được niêm yết công khai.

4. Thủ tục công nhận:

a) Người đề nghị công nhận gửi 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này tới cơ sở giáo dục quy định tại Điều 19 Nghị định này;

b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ sở giáo dục phải cấp giấy chứng nhận đối với các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 17, khoản 2 Điều 18 Nghị định này. Trường hợp không cấp giấy chứng nhận phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Chương III

ĐIỀU KIỆN, HỒ SƠ, THỦ TỤC CẤP, CẤP LẠI, ĐIỀU CHỈNH GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Mục 1. ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Điều 22. Hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập theo quy định của pháp luật và phải theo một trong các hình thức tổ chức sau đây:

1. Bệnh viện bao gồm bệnh viện đa khoa và bệnh viện chuyên khoa.

2. Bệnh xá thuộc lực lượng Công an nhân dân.

3. Phòng khám đa khoa.

4. Phòng khám chuyên khoa, bao gồm:

a) Phòng khám nội tổng hợp;

b) Phòng khám chuyên khoa thuộc hệ nội: Tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, nhi và chuyên khoa khác thuộc hệ nội;

c) Phòng khám tư vấn sức khỏe hoặc phòng tư vấn sức khỏe qua các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông;

d) Phòng khám chuyên khoa ngoại;

đ) Phòng khám chuyên khoa phụ sản;

e) Phòng khám chuyên khoa nam học;

g) Phòng khám chuyên khoa răng - hàm - mặt;

h) Phòng khám chuyên khoa tai - mũi - họng;

i) Phòng khám chuyên khoa mắt;

k) Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ;

l) Phòng khám chuyên khoa phục hồi chức năng;

m) Phòng khám chuyên khoa tâm thần;

n) Phòng khám chuyên khoa ung bướu;

o) Phòng khám chuyên khoa da liễu;

p) Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng;

q) Phòng khám hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy;

r) Phòng khám, điều trị HIV/AIDS;

s) Phòng khám, điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế thực hiện theo quy định tại Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;

t) Phòng khám chuyên khoa khác.

5. Phòng chẩn trị y học cổ truyền.

6. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình (hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình): Thực hiện thí điểm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

7. Phòng xét nghiệm.

8. Phòng khám chẩn đoán hình ảnh, Phòng X-Quang.

9. Cơ sở giám định y khoa, cơ sở giám định pháp y, cơ sở pháp y tâm thần có thực hiện khám bệnh, chữa bệnh thì phải tổ chức theo hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại khoản 3 Điều này. Cơ sở giám định pháp y tâm thần có thực hiện khám bệnh, chữa bệnh thì phải tổ chức theo một trong các hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại các khoản 1, 3 hoặc điểm m khoản 4 Điều này. Các cơ sở này phải đáp ứng điều kiện tương ứng với từng hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

10. Nhà hộ sinh.

11. Phòng khám, tư vấn và điều trị dự phòng.

12. Phòng khám, điều trị bệnh nghề nghiệp.

13. Cơ sở dịch vụ y tế bao gồm:

a) Cơ sở dịch vụ tiêm (chích), thay băng, đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp;

b) Cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại nhà;

c) Cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh trong nước và ra nước ngoài;

d) Cơ sở dịch vụ kính thuốc;

đ) Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ;

e) Cơ sở dịch vụ xoa bóp;

g) Cơ sở dịch vụ y tế khác.

14. Trạm y tế cấp xã, trạm xá.

15. Cơ sở y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải thực hiện theo một trong các hình thức tổ chức quy định tại khoản 3, điểm a khoản 4 hoặc khoản 14 Điều này và phải đáp ứng điều kiện quy định tương ứng với hình thức tổ chức đó.

16. Trung tâm y tế có chức năng khám bệnh, chữa bệnh thì cấp giấy phép hoạt động theo hình thức tổ chức tương đương với bệnh viện đa khoa hoặc phòng khám đa khoa.

17. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nếu thực hiện xét nghiệm HIV thì ngoài việc đáp ứng các quy định tại Nghị định này còn phải đáp ứng các quy định của Nghị định số 75/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ Quy định điều kiện thực hiện xét nghiệm HIV.

18. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nếu thực hiện tiêm chủng vắc xin thì ngoài việc đáp ứng các quy định tại Nghị định này còn phải đáp ứng các quy định của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ Quy định về hoạt động tiêm chủng.

19. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phòng xét nghiệm vi sinh vật, các mẫu bệnh phẩm có khả năng chứa vi sinh vật có nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm cho người thì ngoài việc đáp ứng các quy định tại Nghị định này còn phải đáp ứng các quy định của Nghị định số 103/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ Quy định về bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm.

Điều 23. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với bệnh viện

1. Quy mô bệnh viện:

a) Bệnh viện đa khoa phải có ít nhất là 30 giường bệnh;

b) Bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện y học cổ truyền phải có ít nhất 20 giường bệnh; riêng đối với bệnh viện chuyên khoa mắt sử dụng kỹ thuật cao phải có ít nhất là 10 giường bệnh.

2. Cơ sở vật chất:

a) Tùy theo quy mô bệnh viện đa khoa hoặc chuyên khoa, bệnh viện phải được thiết kế, xây dựng theo hình thức nhà hợp khối và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Bố trí các khoa, phòng, hành lang bảo đảm hoạt động chuyên môn theo mô hình tập trung, liên hoàn, khép kín trong phạm vi khuôn viên của bệnh viện; bảo đảm điều kiện vô trùng và các điều kiện vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật;

- Đối với bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa bảo đảm diện tích sàn xây dựng ít nhất là 50 m2/giường bệnh trở lên; chiều rộng mặt trước (mặt tiền) bệnh viện phải đạt ít nhất là 10 m.

b) Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, xử lý chất thải y tế, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật.

c) Bảo đảm có đủ điện, nước và các điều kiện khác để phục vụ chăm sóc người bệnh.

3. Thiết bị y tế:

a) Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của bệnh viện;

b) Có đủ phương tiện vận chuyển cấp cứu trong và ngoài bệnh viện. Trường hợp không có phương tiện cấp cứu ngoài bệnh viện, phải có hợp đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động và có phạm vi hoạt động chuyên môn về cung cấp dịch vụ cấp cứu hỗ trợ vận chuyển người bệnh.

4. Tổ chức:

a) Các khoa:

- Có ít nhất 02 trong 04 khoa nội, ngoại, sản, nhi đối với bệnh viện đa khoa hoặc một khoa lâm sàng phù hợp đối với bệnh viện chuyên khoa;

- Khoa khám bệnh: Có nơi tiếp đón người bệnh, phòng cấp cứu, lưu bệnh, phòng khám, phòng tiểu phẫu (nếu thực hiện tiểu phẫu);

- Khoa cận lâm sàng: Có ít nhất một phòng xét nghiệm và một phòng chẩn đoán hình ảnh. Riêng đối với bệnh viện chuyên khoa mắt nếu không có bộ phận chẩn đoán hình ảnh thì phải có hợp đồng hỗ trợ chuyên môn với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động có bộ phận chẩn đoán hình ảnh;

- Khoa dược;

- Các khoa, phòng chuyên môn khác trong bệnh viện phải phù hợp với quy mô, chức năng nhiệm vụ.

b) Có các phòng, bộ phận để thực hiện các chức năng về kế hoạch tổng hợp, tổ chức nhân sự, quản lý chất lượng, điều dưỡng, tài chính kế toán và các chức năng cần thiết khác.

5. Nhân sự:

a) Số lượng người hành nghề làm việc toàn thời gian (cơ hữu) trong từng khoa phải đạt tỷ lệ ít nhất là 50% trên tổng số người hành nghề trong khoa.

b) Số lượng người làm việc, cơ cấu, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

c) Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với ít nhất một trong các chuyên khoa mà bệnh viện đăng ký hoạt động;

- Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng. Việc phân công, bổ nhiệm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện phải được thể hiện bằng văn bản;

- Là người hành nghề cơ hữu tại bệnh viện.

d) Trưởng khoa lâm sàng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề phù hợp với chuyên khoa đó;

- Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh về chuyên khoa đó ít nhất là 54 tháng. Việc phân công, bổ nhiệm trưởng khoa phải được thể hiện bằng văn bản;

- Là người hành nghề cơ hữu tại bệnh viện.

đ) Trưởng các khoa cận lâm sàng (xét nghiệm, vi sinh, giải phẫu bệnh):

- Trưởng khoa xét nghiệm: Là bác sỹ hoặc kỹ thuật viên chuyên ngành xét nghiệm, cử nhân hóa học, sinh học, dược sĩ trình độ đại học trở lên, có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa xét nghiệm.

Kỹ thuật viên xét nghiệm có trình độ đại học được đọc và ký kết quả xét nghiệm. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có bác sỹ chuyên khoa xét nghiệm thì bác sỹ chỉ định xét nghiệm kết luận chẩn đoán.

- Trường hợp có khoa vi sinh riêng thì trưởng khoa vi sinh: Là bác sỹ hoặc kỹ thuật viên chuyên ngành xét nghiệm trình độ đại học trở lên, có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa vi sinh hoặc cử nhân hóa học, sinh học, dược sĩ trình độ đại học đối với người đã được tuyển dụng làm chuyên ngành xét nghiệm trước ngày Nghị định này có hiệu lực được cấp chứng chỉ hành nghề chuyên khoa vi sinh.

- Trường hợp có khoa giải phẫu bệnh riêng thì trưởng khoa giải phẫu bệnh: Là bác sỹ chuyên ngành giải phẫu bệnh hoặc bác sỹ có chứng chỉ đào tạo về giải phẫu bệnh và có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa giải phẫu bệnh.

- Có thời gian làm việc về chuyên khoa xét nghiệm hoặc vi sinh hoặc giải phẫu bệnh ít nhất là 54 tháng hoặc có thời gian hành nghề chuyên khoa xét nghiệm hoặc vi sinh hoặc giải phẫu bệnh ít nhất là 36 tháng, bao gồm cả thời gian học sau đại học về các chuyên khoa này, được tính từ ngày bắt đầu thực hiện công việc xét nghiệm, vi sinh, giải phẫu bệnh (xác định từ thời điểm ký kết hợp đồng lao động hoặc có quyết định tuyển dụng) đến ngày được phân công, bổ nhiệm làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của khoa xét nghiệm, vi sinh, giải phẫu bệnh.

- Là người hành nghề cơ hữu tại bệnh viện.

e) Trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh, trưởng khoa X-quang:

- Trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh phải là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh và có thời gian trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh về chẩn đoán hình ảnh ít nhất là 54 tháng hoặc có thời gian hành nghề chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh ít nhất là 36 tháng, bao gồm cả thời gian học sau đại học về các chuyên khoa này, được tính từ ngày bắt đầu thực hiện công việc chẩn đoán hình ảnh (xác định từ thời điểm ký kết hợp đồng lao động hoặc có quyết định tuyển dụng) đến ngày được phân công, bổ nhiệm làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của khoa;

- Trưởng khoa X-Quang phải là cử nhân X-Quang có trình độ đại học trở lên, có chứng chỉ hành nghề và có thời gian trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh về X-Quang ít nhất là 54 tháng hoặc có thời gian hành nghề chuyên khoa X-Quang ít nhất là 36 tháng, bao gồm cả thời gian học sau đại học về chuyên khoa này, được tính từ ngày bắt đầu thực hiện công việc X-Quang (xác định từ thời điểm ký kết hợp đồng lao động hoặc có quyết định tuyển dụng) đến ngày được phân công, bổ nhiệm làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của khoa. Cử nhân X-Quang có trình độ đại học được đọc và mô tả hình ảnh chẩn đoán nhưng không được kết luận chẩn đoán;

- Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có bác sỹ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh hoặc bác sỹ X-Quang thì bác sỹ chỉ định kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh kết luận chẩn đoán;

- Là người hành nghề cơ hữu tại bệnh viện.

g) Trưởng khoa Dược là người hành nghề cơ hữu tại bệnh viện và phải đáp ứng các quy định của pháp luật về dược;

h) Trưởng khoa khác không thuộc đối tượng cấp chứng chỉ hành nghề phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Tốt nghiệp đại học và có thời gian làm việc về chuyên khoa đó ít nhất là 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đại học đến ngày được phân công, bổ nhiệm làm trưởng khoa. Việc phân công, bổ nhiệm trưởng khoa phải được thể hiện bằng văn bản;

- Là người hành nghề cơ hữu tại bệnh viện.

i) Ngoài các đối tượng quy định tại các điểm c, d, đ, e, g và h khoản này, các đối tượng khác làm việc trong bệnh viện nếu thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và chỉ được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi công việc được phân công. Việc phân công phải được thể hiện bằng văn bản, phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề;

k) Có người phụ trách an toàn bức xạ (nếu cơ sở có sử dụng thiết bị bức xạ nguồn phóng xạ, thuốc phóng xạ sử dụng trong y tế và thiết bị sử dụng trong y học hạt nhân).

6. Bệnh viện thực hiện khám sức khỏe và cấp Giấy chứng nhận sức khỏe ngoài việc đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều này còn phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Điều kiện về nhân sự:

- Người kết luận kết quả khám sức khỏe: Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 (năm mươi tư) tháng và được người có thẩm quyền của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phân công thực hiện việc kết luận sức khỏe, ký giấy khám sức khỏe, Sổ khám sức khỏe định kỳ. Việc phân công phải được thể hiện bằng văn bản.

- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện khám sức khỏe cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người Việt Nam đi lao động theo hợp đồng ở nước ngoài, học tập ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là cơ sở khám sức khỏe có yếu tố nước ngoài), ngoài việc đáp ứng các điều kiện trên, phải đáp ứng thêm các điều kiện sau đây:

+ Người thực hiện khám lâm sàng, người kết luận kết quả khám sức khỏe phải là bác sỹ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sỹ y khoa hoặc bác sỹ nội trú trở lên;

+ Khi người được khám sức khỏe và người khám sức khỏe không cùng thành thạo một thứ tiếng thì phải có người phiên dịch. Người phiên dịch phải có giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Điều 18 Nghị định này;

b) Điều kiện về chuyên môn:

- Đối với cơ sở khám sức khỏe không có yếu tố nước ngoài: Có đủ các bộ phận khám lâm sàng gồm: Nội, nhi, ngoại, phụ sản, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, da liễu và cận lâm sàng gồm: phòng chụp X - quang và phòng xét nghiệm.

- Đối với cơ sở khám sức khỏe có yếu tố nước ngoài, ngoài việc đáp ứng các điều kiện trên còn phải thực hiện được các kỹ thuật cận lâm sàng sau đây:

+ Xét nghiệm máu: Công thức máu, nhóm máu ABO, nhóm máu Rh, tốc độ máu lắng, tỷ lệ huyết sắc tố, u rê máu;

+ Tìm ký sinh trùng sốt rét trong máu;

+ Xét nghiệm viêm gan A, B, C, E;

+ Xét nghiệm huyết thanh giang mai;

+ Xét nghiệm khẳng định tình trạng nhiễm HIV (HIV dương tính);

+ Thử phản ứng Mantoux;

+ Thử thai;

+ Xét nghiệm ma túy;

+ Xét nghiệm phân tìm ký sinh trùng;

+ Điện tâm đồ;

+ Điện não đồ;

+ Siêu âm;

+ Xét nghiệm chẩn đoán bệnh phong.

Trường hợp cơ sở chưa đủ điều kiện thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm khẳng định tình trạng nhiễm HIV (HIV dương tính), xét nghiệm chẩn đoán bệnh phong và đo điện não thì phải ký hợp đồng hỗ trợ chuyên môn với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giấy phép hoạt động và được phép thực hiện các kỹ thuật đó.

- Đối với cơ sở khám sức khỏe lái xe: Ngoài việc đáp ứng điều kiện như đối với cơ sở khám sức khỏe không có yếu tố nước ngoài, còn phải thực hiện được các kỹ thuật sau đây:

+ Điện não đồ (đo điện não);

+ Đo thị trường mắt;

+ Xét nghiệm xác định nồng độ cồn trong máu, nồng độ cồn trong hơi thở;

+ Xét nghiệm khẳng định sử dụng thuốc, ma túy và các chất hướng thần.

Trường hợp cơ sở khám sức khỏe lái xe chưa đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật đo điện não, đo thị trường mắt thì phải ký hợp đồng hỗ trợ chuyên môn với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giấy phép hoạt động và được phép thực hiện các kỹ thuật đó.

c) Điều kiện về trang thiết bị: có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với hoạt động chuyên môn và nội dung khám sức khỏe.

d) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện khám sức khỏe phải làm hồ sơ, thủ tục công bố cơ sở đủ điều kiện thực hiện khám sức khỏe theo quy định tại khoản 8 Điều 43khoản 4 và 5 Điều 44 Nghị định này sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động.

Điều 24. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với bệnh xá thuộc lực lượng Công an nhân dân

1. Quy mô

Bệnh xá phải có ít nhất là 10 giường bệnh trở lên.

2. Cơ sở vật chất

a) Có nơi tiếp đón người bệnh, phòng khám, phòng cấp cứu, phòng người bệnh, phòng xét nghiệm có diện tích đủ để triển khai các phương tiện, dụng cụ phục vụ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh;

b) Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, quản lý chất thải y tế, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật;

c) Bảo đảm có đủ điện, nước và các điều kiện khác để phục vụ cho chăm sóc người bệnh.

3. Thiết bị y tế

Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà bệnh xá đăng ký.

4. Tổ chức: Có ít nhất 02 chuyên khoa nội, ngoại, bao gồm phòng cấp cứu; phòng người bệnh; bộ phận cận lâm sàng.

5. Nhân sự:

a) Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của bệnh xá phải là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề phù hợp với một trong những chuyên khoa mà bệnh xá đăng ký hoạt động và có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng tại chuyên khoa đó;

b) Ngoài người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của bệnh xá, các đối tượng khác làm việc trong bệnh xá nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và chỉ được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi công việc được phân công. Việc phân công phải phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó.

Điều 25. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám đa khoa

1. Quy mô phòng khám đa khoa:

a) Phòng khám đa khoa phải đáp ứng ít nhất các điều kiện sau đây:

- Có ít nhất 02 trong 04 chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi;

- Có phòng cấp cứu, phòng tiểu phẫu (nếu thực hiện tiểu phẫu), phòng lưu người bệnh;

- Có bộ phận xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh.

b) Trường hợp phòng khám đa khoa đáp ứng đủ điều kiện của các cơ sở dịch vụ y tế quy định tại các Điều 33, 34, 35, 36, 37 và 38 Nghị định này thì phòng khám đa khoa được bổ sung quy mô và phạm vi hoạt động chuyên môn tương ứng.

2. Cơ sở vật chất:

a) Địa điểm cố định, tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình, bảo đảm đủ ánh sáng, có trần chống bụi, tường và nền nhà phải sử dụng các chất liệu dễ tẩy rửa, làm vệ sinh.

b) Có nơi tiếp đón, phòng cấp cứu, phòng lưu người bệnh, phòng khám chuyên khoa và phòng tiểu phẫu (nếu thực hiện tiểu phẫu). Các phòng khám trong phòng khám đa khoa phải đáp ứng các yêu cầu ít nhất về diện tích như sau:

- Phòng cấp cứu có diện tích ít nhất là 12 m2;

- Phòng lưu người bệnh có diện tích ít nhất là 15 m2; có ít nhất từ 02 giường lưu trở lên, nếu có từ 03 giường lưu trở lên thì diện tích phải bảo đảm ít nhất là 05 m2 trên một giường bệnh;

- Các phòng khám chuyên khoa và buồng tiểu phẫu có diện tích ít nhất là 10 m2.

c) Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, xử lý chất thải y tế, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật.

d) Bảo đảm có đủ điện, nước và các điều kiện khác để phục vụ chăm sóc người bệnh.

3. Thiết bị y tế:

a) Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà phòng khám đa khoa đăng ký;

b) Có hộp thuốc chống sốc và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa.

4. Nhân sự:

a) Số lượng bác sỹ khám bệnh, chữa bệnh hành nghề cơ hữu phải đạt tỷ lệ ít nhất là 50% trên tổng số bác sỹ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của phòng khám đa khoa.

b) Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám đa khoa phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề phù hợp với ít nhất một trong các chuyên khoa mà phòng khám đa khoa đăng ký;

- Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng. Việc phân công, bổ nhiệm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám đa khoa phải được thể hiện bằng văn bản;

- Là người hành nghề cơ hữu tại phòng khám đa khoa.

c) Số lượng người làm việc, cơ cấu, chức danh nghề nghiệp của phòng khám đa khoa thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Ngoài người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám đa khoa các đối tượng khác làm việc trong phòng khám đa khoa nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề, việc phân công phải phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó.

5. Đối với phòng khám đa khoa có thực hiện khám sức khỏe thì phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 6 Điều 23 Nghị định này.

6. Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình thực hiện theo quy định thí điểm của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Điều 26. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám chuyên khoa

1. Cơ sở vật chất:

a) Đáp ứng các điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 25 Nghị định này.

b) Phòng khám chuyên khoa phải có phòng khám bệnh, chữa bệnh có diện tích ít nhất là 10 m2 và nơi đón tiếp người bệnh (trừ Phòng khám tư vấn sức khỏe hoặc phòng tư vấn sức khỏe qua các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông). Riêng đối với phòng khám chuyên khoa ngoại, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ phải có thêm buồng lưu người bệnh có diện tích ít nhất là 12 m2; phòng khám phục hồi chức năng phải có thêm buồng phục hồi chức năng có diện tích ít nhất là 10 m2; Phòng khám, điều trị HIV/AIDS phải có diện tích ít nhất là 18 m2 (không bao gồm khu vực chờ khám), được chia thành hai buồng thực hiện chức năng khám bệnh và tư vấn cho người bệnh.

c) Ngoài quy định tại các điểm a và b khoản này, tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn đăng ký, phòng khám chuyên khoa phải đáp ứng thêm các điều kiện sau đây:

- Trường hợp thực hiện thủ thuật, bao gồm cả kỹ thuật cấy ghép răng (implant) thì phòng thủ thuật phải có diện tích ít nhất là 10 m2;

- Trường hợp thực hiện thăm dò chức năng thì phòng thăm dò chức năng phải có diện tích ít nhất là 10 m2;

- Trường hợp thực hiện việc khám phụ khoa hoặc khám các bệnh lây truyền qua đường tình dục thì phòng khám phải có diện tích ít nhất là 10 m2;

- Trường hợp thực hiện kỹ thuật kế hoạch hóa gia đình thì phòng thực hiện kỹ thuật kế hoạch hóa gia đình phải có diện tích ít nhất là 10 m2;

- Trường hợp thực hiện bó bột thì phòng bó bột phải có diện tích ít nhất là 10 m2;

- Trường hợp thực hiện vận động trị liệu thì phòng vận động trị liệu phải có diện tích ít nhất là 20 m2;

- Trường hợp phòng khám chuyên khoa răng - hàm - mặt có hơn 01 ghế răng thì phải bảo đảm diện tích cho mỗi ghế răng ít nhất là 5 m2;

- Trường hợp phòng khám chuyên khoa sử dụng thiết bị bức xạ (bao gồm cả thiết bị X-Quang chụp răng gắn liền với ghế răng) phải đáp ứng các quy định của pháp luật về an toàn bức xạ;

- Trường hợp phòng khám, điều trị HIV/AIDS có cấp phát thuốc kháng HIV (ARV) phải có nơi bảo quản và cấp phát thuốc kháng HIV (ARV) đáp ứng các điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

d) Phải bố trí khu vực tiệt trùng riêng biệt để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại.

đ) Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, xử lý chất thải y tế, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật; bảo đảm vô trùng đối với các phòng thực hiện thủ thuật.

e) Có đủ điện, nước và các điều kiện khác để phục vụ, chăm sóc người bệnh.

2. Thiết bị y tế:

a) Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà cơ sở đăng ký;

b) Có hộp thuốc chống sốc và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa;

c) Phòng khám tư vấn sức khỏe hoặc phòng tư vấn sức khỏe qua các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông không phải có thiết bị, dụng cụ y tế quy định tại điểm a và điểm b khoản này nhưng phải có đủ các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông, thiết bị phù hợp với phạm vi hoạt động đăng ký.

3. Nhân sự:

a) Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám chuyên khoa phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề phù hợp với chuyên khoa mà phòng khám đăng ký.

- Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng về chuyên khoa đó.

Ngoài ra, riêng đối với các phòng khám chuyên khoa dưới đây, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải đáp ứng các điều kiện như sau:

+ Phòng khám chuyên khoa Phục hồi chức năng: Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề về chuyên khoa vật lý trị liệu hoặc phục hồi chức năng;

+ Phòng khám, điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy: Là bác sỹ chuyên khoa tâm thần, bác sỹ đa khoa có chứng chỉ đào tạo về chuyên khoa tâm thần hoặc bác sỹ chuyên khoa y học cổ truyền có chứng chỉ đào tạo về hỗ trợ cai nghiện ma túy bằng phương pháp y học cổ truyền;

+ Phòng khám, điều trị HIV/AIDS: Là bác sỹ chuyên khoa truyền nhiễm hoặc bác sỹ đa khoa và có giấy chứng nhận đã đào tạo, tập huấn về điều trị HIV/AIDS;

+ Phòng khám dinh dưỡng: Là bác sỹ chuyên khoa dinh dưỡng hoặc bác sỹ đa khoa và có chứng chỉ đào tạo về chuyên khoa dinh dưỡng;

+ Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ: Là bác sỹ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình hoặc chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ;

+ Phòng khám chuyên khoa nam học: Là bác sỹ chuyên khoa nam học hoặc bác sỹ đa khoa và có chứng chỉ đào tạo về chuyên khoa nam học.

b) Ngoài người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám chuyên khoa, các đối tượng khác làm việc trong phòng khám chuyên khoa nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và được phân công công việc phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó.

Điều 27. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với phòng chẩn trị y học cổ truyền

1. Cơ sở vật chất:

a) Đáp ứng các điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 25 Nghị định này.

b) Phòng chẩn trị có diện tích ít nhất là 10 m2 và có nơi đón tiếp người bệnh.

c) Tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn đăng ký, phòng chẩn trị y học cổ truyền phải đáp ứng thêm các điều kiện sau đây:

- Trường hợp có châm cứu, xoa bóp day ấn huyệt thì phải có buồng hoặc bố trí nơi kê giường châm cứu, xoa bóp day ấn huyệt có diện tích ít nhất là 05 m2 một giường bệnh;

- Trường hợp có xông hơi thuốc thì phải có buồng xông hơi có diện tích ít nhất là 02 m2 và phải kín nhưng đủ ánh sáng.

d) Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ (nếu sử dụng các thiết bị bức xạ), xử lý chất thải y tế, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật.

đ) Bảo đảm có đủ điện, nước và các điều kiện khác để phục vụ chăm sóc người bệnh.

2. Thiết bị y tế:

a) Nếu thực hiện việc khám bệnh, kê đơn, bốc thuốc:

- Có tủ thuốc, các vị thuốc được đựng trong ô kéo hoặc trong chai lọ thủy tinh hoặc nhựa trắng có nắp và ghi rõ tên vị thuốc ở bên ngoài;

- Có cân thuốc và phân chia các vị thuốc theo thang, giấy gói thuốc (không dùng giấy báo, giấy có chữ).

b) Trường hợp thực hiện việc châm cứu, xoa bóp, day ấn huyệt phải có ít nhất các thiết bị sau:

- Có giường châm cứu, xoa bóp, day ấn huyệt;

- Có đủ dụng cụ để châm cứu, xoa bóp, day ấn huyệt;

- Có đủ dụng cụ và hướng dẫn xử lý vượng châm.

c) Trường hợp có xông hơi thuốc: Phải có hệ thống tạo hơi thuốc, van điều chỉnh, có bảng hướng dẫn xông hơi và hệ thống chuông báo trong trường hợp khẩn cấp.

3. Nhân sự:

a) Người làm việc tại cơ sở nếu thực hiện khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và được phân công công việc phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó.

b) Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng chẩn trị y học cổ truyền phải là bác sỹ chuyên khoa y học cổ truyền hoặc y sỹ chuyên khoa y học cổ truyền hoặc là người có giấy chứng nhận là lương y do Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp hoặc người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền và phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền.

- Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền ít nhất là 54 tháng đối với bác sỹ chuyên khoa y học cổ truyền;

- Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền ít nhất là 48 tháng đối với y sỹ chuyên khoa y học cổ truyền;

- Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền ít nhất là 36 tháng đối với lương y hoặc người có bài thuốc gia truyền hoặc người có phương pháp chữa bệnh gia truyền;

- Là người hành nghề cơ hữu tại phòng chẩn trị y học cổ truyền.

Điều 28. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với phòng xét nghiệm

1. Cơ sở vật chất:

a) Đáp ứng các điều kiện theo quy định tại các điểm a, đ và e khoản 1 Điều 26 Nghị định này và các điều kiện sau đây tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn đăng ký:

- Trường hợp thực hiện một trong các xét nghiệm huyết học hoặc hóa sinh hoặc di truyền y học hoặc miễn dịch thì phòng xét nghiệm có diện tích ít nhất là 10 m2;

- Trường hợp thực hiện 02 hoặc 03 trong các xét nghiệm huyết học, hóa sinh, di truyền y học, miễn dịch thì phòng xét nghiệm có diện tích ít nhất là 15 m2;

- Trường hợp thực hiện cả 04 xét nghiệm huyết học, hóa sinh, di truyền y học thì phòng xét nghiệm có diện tích ít nhất là 20 m2;

- Trường hợp thực hiện giải phẫu bệnh và tế bào học thì phòng xét nghiệm phải có diện tích tối thiểu là 20 m2 và phải riêng biệt với các phòng xét nghiệm huyết học, hóa sinh, di truyền y học và các phòng xét nghiệm khác;

- Trường hợp thực hiện xét nghiệm vi sinh thì phòng xét nghiệm phải có diện tích ít nhất là 20 m2 và phải riêng biệt với các phòng xét nghiệm huyết học, hóa sinh, di truyền y học và các phòng xét nghiệm khác;

- Bề mặt tường của phòng xét nghiệm phải sử dụng vật liệu không thấm nước sát đến trần nhà;

- Bề mặt sàn của phòng xét nghiệm phải sử dụng vật liệu không thấm nước, bề mặt phẳng, không đọng nước;

- Bàn xét nghiệm phải sử dụng vật liệu không thấm nước, chống ăn mòn, có hệ thống chậu rửa, vòi nước sạch lắp ngay tại bàn;

- Có nơi chờ lấy bệnh phẩm, nơi nhận bệnh phẩm, nơi vệ sinh dụng cụ;

- Phòng xét nghiệm có thực hiện xét nghiệm vi sinh vật có nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm cho người thì phải đáp ứng các điều kiện quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm;

- Phòng xét nghiệm HIV phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS.

b) Bảo đảm xử lý chất thải y tế, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật.

c) Có đủ điện, nước và các điều kiện khác để phục vụ chăm sóc người bệnh.

2. Thiết bị y tế:

Có đủ thiết bị xét nghiệm, dụng cụ y tế để thực hiện được phạm vi hoạt động chuyên môn mà cơ sở đăng ký, trong đó ít nhất phải có đủ thiết bị để thực hiện được 01 trong 06 loại xét nghiệm vi sinh, hóa sinh, huyết học, miễn dịch, giải phẫu bệnh và tế bào học, di truyền y học.

3. Nhân sự:

a) Người làm việc tại cơ sở nếu thực hiện khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và được phân công công việc phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó.

b) Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng xét nghiệm phải đáp ứng các điều kiện như sau:

- Là bác sỹ hoặc kỹ thuật viên chuyên ngành xét nghiệm, trình độ đại học trở lên có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa xét nghiệm; hoặc cử nhân hóa học, sinh học, dược sĩ trình độ đại học đối với người đã được tuyển dụng làm chuyên ngành xét nghiệm trước ngày Nghị định này có hiệu lực và được cấp chứng chỉ hành nghề chuyên khoa xét nghiệm với chức danh là kỹ thuật viên.

- Có thời gian làm chuyên khoa xét nghiệm phù hợp ít nhất là 54 tháng hoặc thời gian hành nghề xét nghiệm ít nhất là 36 tháng, bao gồm cả thời gian học sau đại học về chuyên khoa xét nghiệm kể từ ngày bắt đầu thực hiện công việc xét nghiệm (xác định từ thời điểm ký kết hợp đồng lao động hoặc có quyết định tuyển dụng) đến ngày được phân công, bổ nhiệm làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng xét nghiệm.

- Là người hành nghề cơ hữu tại phòng xét nghiệm.

Điều 29. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám chẩn đoán hình ảnh, phòng X-Quang

1. Cơ sở vật chất:

a) Đáp ứng các điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 25 Nghị định này và các điều kiện sau đây tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn đăng ký:

- Đối với phòng siêu âm, phòng nội soi chẩn đoán phải được thiết kế độc lập, mỗi phòng có diện tích ít nhất là 10 m2;

- Đối với phòng nội soi tiêu hóa nếu thực hiện cả hai kỹ thuật nội soi tiêu hóa trên và nội soi tiêu hóa dưới thì phải có 02 phòng riêng biệt, mỗi phòng có diện tích ít nhất là 10 m2.

b) Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, xử lý chất thải y tế, chất thải nguy hại (nếu có), phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật.

c) Bảo đảm có đủ điện, nước và các điều kiện khác để phục vụ chăm sóc người bệnh.

2. Thiết bị y tế:

a) Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà cơ sở đăng ký;

b) Có thiết bị phòng hộ cá nhân theo quy định của pháp luật về an toàn bức xạ.

3. Nhân sự:

a) Người làm việc tại cơ sở nếu thực hiện khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và được phân công công việc phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó;

b) Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám chẩn đoán hình ảnh phải là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh và có thời gian trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh về chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh ít nhất là 54 tháng; là người hành nghề cơ hữu tại phòng khám chẩn đoán hình ảnh;

c) Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng X-Quang phải là bác sỹ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh hoặc cử nhân X-Quang trình độ đại học trở lên, có chứng chỉ hành nghề và có thời gian trực tiếp làm chuyên khoa X-Quang ít nhất là 54 tháng. Cử nhân X-Quang (trình độ đại học) được đọc và mô tả hình ảnh chẩn đoán nhưng không được kết luận chẩn đoán; là người hành nghề cơ hữu tại phòng X-Quang.

Điều 30. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với nhà hộ sinh

1. Cơ sở vật chất:

a) Đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a khoản 2 Điều 25 Nghị định này;

b) Các phòng chức năng phải được thiết kế liên hoàn, hợp lý để thuận tiện cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh;

c) Có các phòng khám thai, khám phụ khoa, kỹ thuật kế hoạch hóa gia đình, mỗi phòng phải có diện tích ít nhất là 10 m2; phòng đẻ phải có diện tích ít nhất là 16 m2, phải bố trí góc sơ sinh; phòng nằm của sản phụ có diện tích ít nhất là 10 m2. Trường hợp phòng nằm của sản phụ có từ 3 giường bệnh trở lên thì phải bảo đảm diện tích ít nhất cho một giường bệnh là 5 m2;

d) Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ (nếu có sử dụng các thiết bị bức xạ), xử lý chất thải y tế, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật;

đ) Bảo đảm có đủ điện, nước và các điều kiện khác để phục vụ chăm sóc người bệnh.

2. Thiết bị y tế:

a) Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà nhà hộ sinh đăng ký;

b) Có đủ phương tiện vận chuyển cấp cứu trong và ngoài nhà hộ sinh. Trường hợp không có phương tiện cấp cứu ngoài nhà hộ sinh thì phải có hợp đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động và được phép cung cấp dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh;

c) Có hộp thuốc chống sốc và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa.

3. Tổ chức, nhân sự:

a) Người làm việc tại nhà hộ sinh nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và được phân công công việc phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó.

b) Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của nhà hộ sinh phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Là bác sỹ chuyên khoa sản phụ khoa hoặc hộ sinh viên tốt nghiệp đại học có chứng chỉ hành nghề;

- Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh về sản phụ khoa ít nhất là 54 tháng;

- Là người hành nghề cơ hữu tại nhà hộ sinh.

4. Trường hợp nhà hộ sinh có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa nhi theo quy định tại Điều 26 Nghị định này và tiêm chủng vắc-xin theo quy định của pháp luật về tiêm chủng thì được bổ sung vào quy mô, phạm vi hoạt động chuyên môn của nhà hộ sinh.

Điều 31. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám, tư vấn và điều trị dự phòng

1. Quy mô:

Phòng khám, tư vấn và điều trị dự phòng có quy mô tương đương với phòng khám đa khoa hoặc phòng khám chuyên khoa tùy theo cơ sở pháp lý để thành lập các phòng khám này.

2. Cơ sở vật chất:

Trường hợp có quy mô tương đương với phòng khám đa khoa thì cơ sở vật chất phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định này. Trường hợp có quy mô tương đương với phòng khám chuyên khoa thì cơ sở vật chất phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định này.

3. Thiết bị y tế:

Đáp ứng các điều kiện về thiết bị y tế phù hợp với quy mô tương đương với phòng khám đa khoa quy định tại khoản 3 Điều 25 hoặc quy mô tương đương với phòng khám chuyên khoa quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định này.

4. Nhân sự:

a) Người làm việc tại cơ sở nếu thực hiện khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và được phân công công việc phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó;

b) Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của Phòng khám, tư vấn và điều trị dự phòng phải là bác sỹ đa khoa có chứng chỉ hành nghề hoặc bác sỹ chuyên khoa phù hợp có chứng chỉ hành nghề và có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng; là người hành nghề cơ hữu tại phòng khám.

5. Nếu phòng khám thực hiện tiêm chủng vắc-xin, sinh phẩm điều trị thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêm chủng.

Điều 32. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám, điều trị bệnh nghề nghiệp

1. Quy mô:

Phòng khám, điều trị bệnh nghề nghiệp có quy mô tương đương với phòng khám đa khoa hoặc phòng khám chuyên khoa tùy theo cơ sở pháp lý để thành lập các phòng khám này.

2. Cơ sở vật chất:

a) Trường hợp có quy mô tương đương với phòng khám đa khoa thì cơ sở vật chất phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định này. Trường hợp có quy mô tương đương với phòng khám chuyên khoa thì cơ sở vật chất phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định này;

b) Có ít nhất hai bộ phận xét nghiệm (sinh hóa, độc chất, vi sinh) và chẩn đoán hình ảnh.

3. Thiết bị y tế:

a) Trường hợp có quy mô tương đương với phòng khám đa khoa thì phải đáp ứng các điều kiện về thiết bị y tế quy định tại khoản 3 Điều 25 Nghị định này. Trường hợp có quy mô tương đương với phòng khám chuyên khoa thì phải đáp ứng các điều kiện về thiết bị y tế quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định này;

b) Đáp ứng các điều kiện về thiết bị y tế về xét nghiệm quy định tại khoản 2 Điều 28, điều kiện về thiết bị y tế về chẩn đoán hình ảnh quy định tại khoản 2 Điều 29 Nghị định này.

4. Nhân sự:

a) Người làm việc tại cơ sở nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ đào tạo về bệnh nghề nghiệp, phân công công việc phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó.

b) Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của Phòng khám, điều trị bệnh nghề nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Là bác sỹ chuyên khoa bệnh nghề nghiệp có chứng chỉ hành nghề hoặc bác sỹ đa khoa có chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ đào tạo về bệnh nghề nghiệp;

- Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp ít nhất là 54 tháng;

- Là người hành nghề cơ hữu tại phòng khám.

Điều 33. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở dịch vụ tiêm (chích), thay băng, đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp

1. Cơ sở vật chất:

a) Địa điểm cố định, có đủ ánh sáng, tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình;

b) Phòng tiêm (chích), thay băng phải có diện tích ít nhất là 10 m2;

c) Có đủ điện, nước và các điều kiện vệ sinh khác để phục vụ chăm sóc người bệnh.

2. Thiết bị y tế:

a) Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà cơ sở đã đăng ký;

b) Có hộp thuốc chống sốc.

3. Nhân sự:

a) Người làm việc tại cơ sở nếu thực hiện khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và phân công công việc phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó.

b) Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở dịch vụ tiêm (chích), thay băng, đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Là người tốt nghiệp trung cấp y trở lên có chứng chỉ hành nghề;

- Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh về tiêm (chích), thay băng, đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp ít nhất là 45 tháng.

- Là người hành nghề cơ hữu tại cơ sở.

Điều 34. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà

Các cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà cung cấp các dịch vụ như thay băng, cắt chỉ; vật lý trị liệu, phục hồi chức năng; chăm sóc mẹ và bé; lấy máu xét nghiệm, trả kết quả; chăm sóc người bệnh ung thư và các dịch vụ điều dưỡng khác tại nhà phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Thiết bị y tế:

Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà cơ sở dịch vụ đăng ký.

2. Nhân sự:

a) Người làm việc tại cơ sở nếu thực hiện khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và được phân công công việc phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó.

b) Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà phải là người tốt nghiệp trung cấp y trở lên có chứng chỉ hành nghề và có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 45 tháng.

- Là người hành nghề cơ hữu tại cơ sở.

Điều 35. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh

1. Cơ sở vật chất:

a) Địa điểm cố định, có đủ ánh sáng, tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình;

b) Bảo đảm có đủ điện, nước và các điều kiện vệ sinh khác để phục vụ chăm sóc người bệnh.

2. Thiết bị, phương tiện vận chuyển y tế:

a) Có đủ phương tiện vận chuyển cấp cứu với đầy đủ thiết bị, dụng cụ y tế;

b) Có hộp thuốc chống sốc và đủ thuốc cấp cứu bảo đảm an toàn và điều kiện vệ sinh cho người bệnh.

3. Nhân sự:

a) Người làm việc tại cơ sở nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và được phân công công việc phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó.

b) Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh trong nước và ra nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề;

- Có văn bằng chuyên môn hoặc chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đã được học về chuyên ngành hồi sức cấp cứu;

- Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng.

- Là người hành nghề cơ hữu tại cơ sở.

4. Có hợp đồng vận chuyển cấp cứu với công ty dịch vụ hàng không nếu cơ sở đăng ký vận chuyển người bệnh ra nước ngoài.

Điều 36. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở dịch vụ kính thuốc

1. Cơ sở vật chất:

a) Địa điểm cố định, có đủ ánh sáng, tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình;

b) Cơ sở có diện tích ít nhất là 15 m2;

c) Bảo đảm có đủ điện, nước và các điều kiện vệ sinh khác để phục vụ chăm sóc người bệnh.

2. Thiết bị y tế:

Có đủ dụng cụ, thiết bị y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà cơ sở đã đăng ký.

3. Nhân sự:

a) Người hành nghề tại cơ sở dịch vụ kính thuốc phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phạm vi hành nghề chuyên khoa mắt hoặc đo kiểm, chẩn đoán tật khúc xạ mắt và được phân công công việc phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó.

b) Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở dịch vụ kính thuốc:

- Trình độ trung cấp y trở lên được cấp chứng chỉ hành nghề về chuyên khoa mắt hoặc đo kiểm, chẩn đoán tật khúc xạ mắt;

- Có thời gian hành nghề chuyên khoa mắt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc đo kiểm, chẩn đoán tật khúc xạ mắt tại cơ sở dịch vụ kính thuốc ít nhất là 36 tháng.

- Là người hành nghề cơ hữu tại cơ sở dịch vụ kính thuốc;

Điều 37. Điều kiện hoạt động đối với cơ sở dịch vụ thẩm mỹ

1. Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chỉ được thực hiện các hoạt động xăm, phun, thêu trên da, không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Cơ sở vật chất:

- Có địa điểm cố định;

- Bảo đảm các điều kiện vệ sinh.

b) Thiết bị:

Có đủ thiết bị, dụng cụ, vật tư phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

c) Nhân sự:

Người thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp.

d) Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động nhưng phải có văn bản thông báo đủ điều kiện quy định tại điểm a, b và c khoản này gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở để quản lý trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày. Văn bản thông báo theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 38. Điều kiện hoạt động đối với cơ sở dịch vụ xoa bóp (massage)

1. Cơ sở vật chất:

a) Địa điểm cố định, có đủ ánh sáng, tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình.

b) Các phòng xoa bóp phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

- Mỗi phòng xoa bóp có chuông cấp cứu bố trí một chiều từ phòng xoa bóp tới phòng bác sỹ hoặc nơi đón tiếp khách hàng;

- Có bản quy trình kỹ thuật xoa bóp chữ to, dễ đọc dán hoặc treo trên tường phòng xoa bóp in trên khổ giấy A1.

c) Có buồng tắm hợp vệ sinh, bảo đảm có đủ điện, nước và các điều kiện vệ sinh khác để chăm sóc khách hàng.

2. Thiết bị:

a) Có giường xoa bóp hoặc ghế hoặc đệm phù hợp; ga trải giường, gối, khăn tắm phải bảo đảm vệ sinh;

b) Có giường khám bệnh, tủ thuốc cấp cứu, bàn làm việc và một số dụng cụ y tế (ống nghe, huyết áp, nhiệt kế, bơm kim tiêm) tại phòng trực của bác sỹ;

c) Có đủ thuốc cấp cứu thông thường.

3. Nhân sự:

a) Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở dịch vụ xoa bóp phải là bác sỹ hoặc y sỹ hoặc kỹ thuật viên thuộc một trong các chuyên ngành phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, y học cổ truyền hoặc có chứng chỉ đào tạo chuyên khoa phục hồi chức năng, vật lý trị liệu hoặc y học cổ truyền. Trường hợp có chỉ định thuốc thì người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải là bác sỹ các chuyên ngành phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, y học cổ truyền;

b) Người làm việc tại cơ sở nếu có thực hiện kỹ thuật xoa bóp thì phải có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đào tạo về xoa bóp do cơ sở đào tạo hợp pháp cấp.

Nhân viên thực hiện kỹ thuật xoa bóp phải mặc trang phục gọn, sạch, đẹp, có phù hiệu ghi rõ tên cơ sở, tên nhân viên, có ảnh 3 cm x 4 cm.

4. Cơ sở dịch vụ xoa bóp không thuộc loại hình phải cấp giấy phép hoạt động nhưng trong thời hạn 10 ngày, trước khi hoạt động phải có văn bản thông báo đủ điều kiện quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở để quản lý. Văn bản thông báo theo mẫu quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 39. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với trạm y tế cấp xã, trạm xá

1. Cơ sở vật chất:

a) Bảo đảm thiết kế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, xử lý chất thải y tế, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật;

c) Bảo đảm có đủ điện, nước và các điều kiện khác để phục vụ chăm sóc người bệnh.

2. Thiết bị y tế:

a) Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà cơ sở đăng ký;

b) Có hộp thuốc chống sốc.

3. Nhân sự:

a) Người chịu trách nhiệm chuyên môn phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Là bác sỹ hoặc y sỹ có chứng chỉ hành nghề;

- Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng đối với bác sỹ và 45 tháng đối với y sỹ.

b) Số lượng người hành nghề thuộc trạm y tế cấp xã phải đáp ứng định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước theo quy định của pháp luật.

c) Nhân viên y tế thôn, bản thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu theo sự phân công và chỉ đạo về chuyên môn của Trưởng Trạm y tế xã.

4. Đối với trường hợp Trạm y tế xã có thực hiện khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình thì phải thực hiện theo hướng dẫn thí điểm của Bộ trưởng Bộ Y tế

Điều 40. Phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Căn cứ vào hình thức tổ chức, điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Nghị định này, Bộ trưởng Bộ Y tế quy định phạm vi hoạt động chuyên môn đối với từng hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ hình thức tổ chức là cơ sở dịch vụ thẩm mỹ và cơ sở dịch vụ xoa bóp (massage).

Điều 41. Quy định về nội dung biển hiệu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau khi được cấp giấy phép hoạt động phải có biển hiệu theo quy định của pháp luật về biển hiệu, không sử dụng biểu tượng chữ thập đỏ trên biển hiệu và có đủ các thông tin cơ bản sau đây:

1. Tên đầy đủ của cơ sở, số giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

2. Địa chỉ của cơ sở ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; số điện thoại.

3. Thời gian làm việc hằng ngày.

Mục 2. THẨM QUYỀN, HỒ SƠ, THỦ TỤC CẤP, CẤP LẠI, ĐIỀU CHỈNH GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Điều 42. Thẩm quyền cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Bộ trưởng Bộ Y tế cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật khám bệnh, chữa bệnh.

2. Giám đốc Sở Y tế cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 43. Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động, thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, công bố cơ sở đủ điều kiện khám sức khỏe

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật khám bệnh, chữa bệnh, cụ thể như sau:

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động theo Mẫu 01 Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao hợp lệ quyết định thành lập hoặc văn bản có tên của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân hoặc giấy chứng nhận đầu tư đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài;

c) Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người phụ trách bộ phận chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

d) Danh sách đăng ký người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm đăng ký người hành nghề và người làm việc chuyên môn y tế tại cơ sở nhưng không thuộc diện phải cấp chứng chỉ hành nghề) theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;

đ) Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức và nhân sự của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Mẫu 02 Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định này;

e) Tài liệu chứng minh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức nhân sự phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của một trong các hình thức tổ chức quy định tại Mục 1 Chương III Nghị định này;

g) Điều lệ tổ chức và hoạt động đối với bệnh viện nhà nước thực hiện theo mẫu quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; đối với bệnh viện tư nhân thực hiện theo Mẫu 03 Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định này và phương án hoạt động ban đầu đối với bệnh viện;

h) Bản sao hợp lệ hợp đồng vận chuyển người bệnh đối với bệnh viện, nhà hộ sinh không có phương tiện vận chuyển cấp cứu ngoài cơ sở;

i) Danh mục chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề xuất trên cơ sở danh mục chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;

k) Đối với cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh: Bản sao hợp lệ hợp đồng hỗ trợ chuyên môn với bệnh viện. Trong trường hợp có cung cấp dịch vụ vận chuyển người bệnh ra nước ngoài cần có bản sao hợp lệ hợp đồng vận chuyển người bệnh với công ty dịch vụ hàng không.

2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi thay đổi hình thức tổ chức, chia tách, hợp nhất, sáp nhập thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi thay đổi địa điểm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép hoạt động theo Mẫu 04 Phụ lục XI;

b) Các giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này (nếu có sự thay đổi so với hồ sơ tại địa điểm trước đây).

4. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi thay đổi tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép hoạt động theo Mẫu 05 Phụ lục XI;

b) Các giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này (nếu có sự thay đổi so với hồ sơ trước đây).

5. Hồ sơ đề nghị điều chỉnh nội dung giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi thay đổi quy mô giường bệnh hoặc cơ cấu tổ chức hoặc phạm vi hoạt động chuyên môn thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 46 Luật khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:

a) Đơn đề nghị theo Mẫu 06 Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức và nhân sự tương ứng với quy mô hoặc phạm vi hoạt động chuyên môn dự kiến điều chỉnh theo Mẫu 02 Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định này.

6. Hồ sơ đề nghị thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

a) Đơn đề nghị theo Mẫu 07 Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Quyết định bãi nhiệm người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở trước đây;

c) Quyết định bổ nhiệm người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

d) Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của người được bổ nhiệm chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

đ) Hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng của người được bổ nhiệm chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

e) Giấy xác nhận quá trình đã hành nghề 36 tháng sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề theo Mẫu 10 Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định này;

g) Bản gốc Giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp.

7. Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị mất hoặc hư hỏng hoặc bị thu hồi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 48 Luật khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:

a) Đơn đề nghị theo Mẫu 08 Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản gốc giấy phép bị hư hỏng (nếu có).

8. Hồ sơ công bố đủ điều kiện thực hiện khám sức khỏe:

a) Văn bản công bố đủ điều kiện thực hiện khám sức khỏe theo Mẫu 01 Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao hợp lệ giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở;

c) Danh sách người tham gia khám sức khỏe theo Mẫu 02 Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định này;

d) Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức và nhân sự của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Mẫu 02 Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định này;

đ) Bản sao hợp lệ danh mục chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

e) Bản sao hợp lệ hợp đồng hỗ trợ chuyên môn của bệnh viện (nếu có).

Điều 44. Thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động, thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, công bố cơ sở đủ điều kiện khám sức khỏe

1. Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động, thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 43 Nghị định này, được lập thành 01 bộ và gửi tới cơ quan có thẩm quyền như sau:

a) Bộ Y tế đối với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế, bệnh viện tư nhân hoặc bệnh viện thuộc các bộ khác;

b) Sở Y tế đối với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn, trừ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại điểm a khoản này.

2. Trình tự xem xét việc đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động, thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện như sau:

a) Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động, Bộ Y tế hoặc Sở Y tế (sau đây gọi tắt là cơ quan tiếp nhận hồ sơ) thực hiện như sau:

- Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ thì sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận gửi ngay cho cơ sở đề nghị cấp giấy phép hoạt động Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại Mẫu 09 Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định này;

- Trường hợp hồ sơ gửi qua đường bưu điện thì trong thời hạn 03 ngày, tính từ thời điểm nhận được hồ sơ (tính theo dấu bưu điện đến), cơ quan tiếp nhận gửi cho cơ sở đề nghị cấp giấy phép hoạt động Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại Mẫu 09 Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Trường hợp hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải xem xét để cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động trong thời hạn 60 ngày đối với bệnh viện; 45 ngày đối với các hình thức tổ chức khám bệnh, chữa bệnh khác, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp không cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

c) Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động chưa hợp lệ thì thực hiện như sau:

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản thông báo cho cơ sở đề nghị cấp giấy phép hoạt động để hoàn chỉnh hồ sơ. Văn bản thông báo phải nêu cụ thể là bổ sung những tài liệu nào, nội dung nào cần sửa đổi;

- Khi nhận được văn bản yêu cầu hoàn chỉnh hồ sơ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động, thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải bổ sung, sửa đổi theo đúng những nội dung đã được ghi trong văn bản và gửi về cơ quan tiếp nhận hồ sơ;

- Sau 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung, sửa đổi, nếu cơ quan tiếp nhận hồ sơ không có văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì phải cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động trong thời gian quy định tại điểm b khoản này; nếu không cấp, cấp lại, điều chỉnh thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;

- Sau 60 ngày, kể từ ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản yêu cầu mà cơ sở đề nghị cấp giấy phép hoạt động không bổ sung, sửa đổi, hoặc bổ sung, sửa đổi hồ sơ nhưng không đạt yêu cầu thì phải thực hiện lại từ đầu thủ tục đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động.

3. Giấy phép hoạt động do Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp theo mẫu quy định tại Phụ lục XII. Số giấy phép hoạt động căn cứ theo bảng mã ký hiệu quy định tại Mẫu 04 Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

4. Thủ tục công bố đủ điều kiện thực hiện khám sức khỏe:

Trước khi thực hiện khám sức khỏe lần đầu, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải nộp hồ sơ công bố đủ điều kiện thực hiện khám sức khỏe theo quy định tại khoản 8 Điều 43 Nghị định này đến cơ quan quản lý nhà nước về y tế (nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện), cụ thể như sau:

a) Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế: Hồ sơ gửi về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế;

b) Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công an: hồ sơ gửi về Cục Y tế - Bộ Công an; đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Giao thông vận tải: hồ sơ gửi về Cục Y tế Giao thông vận tải - Bộ Giao thông vận tải;

c) Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại các điểm a và b khoản này): Hồ sơ gửi về Sở Y tế nơi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đặt trụ sở.

5. Trình tự giải quyết hồ sơ công bố cơ sở đủ điều kiện thực hiện khám sức khỏe:

a) Khi nhận được hồ sơ công bố đủ điều kiện thực hiện khám sức khỏe, cơ quan quản lý nhà nước về y tế quy định tại khoản 4 Điều này (sau đây gọi tắt là cơ quan tiếp nhận hồ sơ) gửi cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công bố đủ điều kiện thực hiện khám sức khỏe (sau đây gọi tắt là cơ sở công bố đủ điều kiện) Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo Mẫu 3 Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ theo quy định tại Khoản 8 Điều 43, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản gửi cho cơ sở công bố đủ điều kiện đề nghị bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Sau khi cơ sở công bố đủ điều kiện bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ tiếp tục gửi cho cơ sở công bố đủ điều kiện Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo Mẫu 3 Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ theo quy định tại khoản 8 Điều 43 cơ quan tiếp nhận hồ sơ không có văn bản đề nghị bổ sung, hoàn thiện hồ sơ thì trong sau 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ sở công bố đủ điều kiện được triển khai hoạt động khám sức khỏe theo đúng phạm vi chuyên môn đã công bố.

c) Trường hợp cơ sở đã công bố đủ điều kiện thực hiện khám sức khỏe có sự thay đổi về tên cơ sở, địa chỉ, điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự và phạm vi chuyên môn đã công bố, cơ sở này có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan đã tiếp nhận hồ sơ công bố.

Điều 45. Tổ chức thẩm định để cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Bộ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế thành lập đoàn thẩm định để cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo thẩm quyền.

2. Đoàn thẩm định thực hiện thẩm định theo thời hạn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 44 Nghị định này và phải có biên bản thẩm định theo mẫu quy định tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Nghị định này.

Biên bản thẩm định các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Y tế được làm thành 03 bản: 01 bản lưu tại Bộ Y tế, 01 bản lưu tại Sở Y tế nơi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đặt trụ sở, 01 bản lưu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thẩm định.

Biên bản thẩm định các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Giám đốc Sở Y tế được làm thành 02 bản; 01 bản lưu tại Sở Y tế, 01 bản lưu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thẩm định.

3. Quản lý giấy phép hoạt động:

a) Mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được cấp một giấy phép hoạt động. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có nhiều địa điểm hoạt động thì mỗi địa điểm đều phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 23 Nghị định này và được cấp một giấy phép hoạt động.

b) Bản sao hợp lệ giấy phép hoạt động và hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động được lưu tại cơ quan cấp giấy phép hoạt động.

c) Sau khi cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cơ quan đã cấp giấy phép hoạt động phải thực hiện các thủ tục sau đây:

- Bộ Y tế gửi văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Y tế nơi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động đặt trụ sở trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động;

- Sở Y tế gửi văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện) và phòng y tế cấp huyện nơi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động đặt trụ sở trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động;

- Bộ Y tế đăng tải danh sách cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động thuộc thẩm quyền lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Sở Y tế đăng tải danh sách cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động thuộc thẩm quyền lên Trang thông tin điện tử của Sở Y tế.

Chương IV

CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ, GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH TRỰC TUYẾN

Điều 46. Yêu cầu đối với hồ sơ đăng ký, đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề, cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trực tuyến

Hồ sơ đăng ký, đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề, cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trực tuyến (sau đây gọi tắt là hồ sơ đăng ký trực tuyến) được coi là hợp lệ khi đáp ứng các yêu cầu sau đây:

1. Có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ theo quy định và nội dung hồ sơ, giấy tờ đó được kê khai đầy đủ theo quy định như hồ sơ bằng bản giấy và được chuyển sang dạng văn bản điện tử. Tên văn bản điện tử phải được đặt tương ứng với tên loại giấy tờ trong hồ sơ bằng bản giấy.

2. Các thông tin đăng ký, đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề, cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh được nhập đầy đủ và chính xác theo thông tin trong các văn bản gốc.

Điều 47. Trình tự đăng ký trực tuyến

1. Cá nhân người nộp hồ sơ hoặc người đại diện theo pháp luật kê khai thông tin, tải văn bản điện tử, xác nhận nộp hồ sơ đăng ký trực tuyến bằng chữ ký số và thanh toán lệ phí theo quy trình trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế hoặc Trang thông tin điện tử của Sở Y tế.

Trường hợp không sử dụng chữ ký số để xác nhận hồ sơ, tổ chức, cá nhân đăng ký trực tuyến phải scan hồ sơ bản giấy gửi kèm lên hệ thống đăng ký về cơ quan tiếp nhận hồ sơ xem xét, đối chiếu.

2. Sau khi hoàn thành việc gửi hồ sơ đăng ký trực tuyến, cơ quan tiếp nhận hồ sơ trực tuyến gửi Phiếu tiếp nhận hồ sơ trực tuyến cho người nộp hồ sơ.

3. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký trực tuyến thực hiện các thủ tục hành chính tương ứng với các quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này.

4. Kết quả của thủ tục hành chính trực tuyến là văn bản có chữ ký của cơ quan hoặc là văn bản điện tử có chữ ký số tiếp nhận hồ sơ và có giá trị pháp lý như kết quả thủ tục hành chính giải quyết theo phương thức thông thường.

5. Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện việc cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề, cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trực tuyến.

Điều 48. Lưu trữ hồ sơ đăng ký trực tuyến

1. Trường hợp thực hiện đăng ký trực tuyến, cơ sở đăng ký phải lưu trữ hồ sơ đăng ký bằng bản giấy để có thể kiểm tra và xác thực khi cần thiết.

2. Trường hợp các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký quy định tại khoản 1 Điều này bị mất hoặc hư hỏng, thì cá nhân, tổ chức đăng ký, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thực hiện các thủ tục sau đây:

a) Cá nhân, tổ chức đăng ký phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ và hoàn chỉnh hồ sơ; thông báo bằng văn bản cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ sau khi đã hoàn chỉnh lại hồ sơ; chỉ được tiến hành cập nhật hồ sơ sau khi có sự đồng ý của cơ quan tiếp nhận hồ sơ;

b) Trong thời gian 60 ngày, kể từ ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ nhận được thông báo về việc mất hồ sơ, nếu cá nhân, tổ chức đăng ký không có văn bản thông báo đã hoàn chỉnh lại hồ sơ, thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm hủy bỏ các thông tin đã đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế hoặc Trang thông tin điện tử của Sở Y tế có liên quan đến chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đã cấp;

c) Thu hồi chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đã cấp;

d) Người hành nghề không được tiếp tục hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được tiếp tục hoạt động kể từ thời điểm cơ quan tiếp nhận hồ sơ hủy bỏ các thông tin theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 49. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

2. Điều 3 Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Các quy định trước đây trái với quy định tại Nghị định này đều bị bãi bỏ.

Điều 50. Điều khoản chuyển tiếp

1. Trường hợp tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề, cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thì thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

2. Các cá nhân, tổ chức đã thực hiện dịch vụ thẩm mỹ quy định tại khoản 1 Điều 37 và dịch vụ xoa bóp quy định tại Điều 38 Nghị định này, trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì phải bảo đảm đáp ứng đủ các điều kiện và thủ tục quy định tại Nghị định này.

3. Phòng khám, điều trị bệnh nghề nghiệp; phòng khám, điều trị HIV/AIDS; phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng; phòng khám hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy đang hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục hoạt động và phải hoàn thành thủ tục để được cấp giấy phép hoạt động trước ngày 30 tháng 6 năm 2017.

4. Cơ sở dịch vụ làm răng giả đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về hành nghề y, dược tư nhân trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực chỉ được cấp giấy phép hoạt động khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Cơ sở vật chất:

- Có địa điểm cố định;

- Bảo đảm các điều kiện về xử lý chất thải y tế, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật;

- Bảo đảm có đủ điện, nước và các điều kiện khác để phục vụ chăm sóc người bệnh;

- Phòng khám và lắp răng, hàm giả phải có diện tích ít nhất là 10 m2;

- Phòng làm răng, hàm giả phải có diện tích ít nhất là 10 m2; trường hợp không có phòng làm răng, hàm giả thì phải ký hợp đồng với cơ sở làm răng, hàm giả khác.

b) Thiết bị y tế: Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà cơ sở đăng ký.

c) Nhân lực: người chịu trách nhiệm chuyên môn là nha công đã hành nghề từ năm 1980 trở về trước (không cấp cho các đối tượng khác), có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã theo mẫu quy định tại Phụ lục XIV ban hành kèm theo Nghị định này, đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề hoặc giấy phép hoạt động cơ sở dịch vụ làm răng giả, phòng làm răng giả theo quy định của pháp luật về hành nghề y, dược tư nhân.

Điều 51. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (3b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

PHỤ LỤC I

(Kèm theo Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ)

1. Mẫu 01: Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh áp dụng đối với người Việt Nam.

2. Mẫu 02: Giấy xác nhận quá trình thực hành.

3. Mẫu 03: Sơ yếu lý lịch tự thuật.

4. Mẫu 04: Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề áp dụng đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

5. Mẫu 05: Đơn đề nghị cấp bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề.

6. Mẫu 06: Đơn đề nghị cấp thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

7. Mẫu 07: Đơn đề nghị thay đổi họ và tên, ngày tháng năm sinh trong chứng chỉ hành nghề.

8. Mẫu 08: Đơn đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề đối với trường hợp người hành nghề bị mất hoặc bị hư hỏng chứng chỉ hành nghề hoặc bị thu hồi chứng chỉ hành nghề theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 29 Luật khám bệnh, chữa bệnh.

9. Mẫu 09: Đơn đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề đối với trường hợp người hành nghề là người Việt Nam bị thu hồi chứng chỉ hành nghề theo quy định tại các điểm c, d, đ, e và g khoản 1 Điều 29 Luật khám bệnh, chữa bệnh.

10. Mẫu 10: Đơn đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề đối với trường hợp người hành nghề là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài bị thu hồi chứng chỉ hành nghề theo quy định tại các điểm c, d, đ, e và g khoản 1 Điều 29 Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Mẫu 01

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

……1…….., ngày.... tháng... năm 20....

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

Kính gửi: ..........................2............................

Họ và tên: ............................................................................................................................

Ngày, tháng, năm sinh: .......................................................................................................

Địa chỉ cư trú: ......................................................................................................................

Giấy chứng minh nhân dân/Số định danh cá nhân/Số hộ chiếu3:........................................

Ngày cấp ...................................................... Nơi cấp: ........................................................

Điện thoại: ...................................................... Email (nếu có): ...........................................

Văn bằng chuyên môn: 4 .....................................................................................................

Phạm vi hoạt động chuyên môn đề nghị cấp: .....................................................................

Tôi xin gửi kèm theo đơn này bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây5:

1.

Bản sao hợp lệ văn bằng chuyên môn

2.

Văn bản xác nhận quá trình thực hành

3.

Phiếu lý lịch tư pháp

4.

Sơ yếu lý lịch tự thuật

5.

Giấy chứng nhận sức khỏe

6.

Hai ảnh màu (nền trắng) 04 cm x 06 cm

Kính đề nghị quý cơ quan xem xét và cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho tôi./.

NGƯỜI LÀM ĐƠN
(Ký và ghi rõ họ, tên)

_______________

1 Địa danh.

2 Tên cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề.

3 Ghi một trong ba thông tin về số chứng minh nhân dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu còn hạn sử dụng.

4 Văn bằng chuyên môn ghi theo đối tượng quy định tại Điều 17 Luật khám bệnh, chữa bệnh hoặc giấy chứng nhận trình độ chuyên môn đối với lương y hoặc giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền hoặc phương pháp chữa bệnh gia truyền do Bộ Y tế cấp hoặc Sở Y tế cấp phù hợp để đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.

5 Đánh dấu X vào ô vuông tương ứng với những giấy tờ có trong hồ sơ.

Mẫu 02

………..1………..
………..2………..
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

Số: /GXNTH

……3…….., ngày.... tháng... năm 20....

GIẤY XÁC NHẬN QUÁ TRÌNH THỰC HÀNH

...............................2....................... xác nhận:

Ông/bà: ...............................................................................................................................

Ngày, tháng, năm sinh: .......................................................................................................

Địa chỉ cư trú: ......................................................................................................................

Giấy chứng minh nhân dân/Số định danh cá nhân/Số hộ chiếu4:........................................

Ngày cấp ...................................................... Nơi cấp: ........................................................

Văn bằng chuyên môn: ........................5............................. Năm tốt nghiệp: ………………

đã thực hành tại ...................................2................. do ........................6....................... hướng dẫn và đạt kết quả như sau:

1. Thời gian thực hành:8 ......................................................................................................

2. Năng lực chuyên môn: 9 ..................................................................................................

3. Đạo đức nghề nghiệp: 10 ..................................................................................................

GIÁM ĐỐC
(Ký ghi rõ họ, tên và đóng dấu)

_______________

1 Tên cơ quan chủ quản của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2 Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

3 Địa danh.

4 Ghi một trong ba thông tin về số chứng minh nhân dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu còn hạn sử dụng.

5 Ghi văn bằng theo đơn của người đăng ký thực hành.

6 Họ và tên người chịu trách nhiệm chính trong việc hướng dẫn thực hành.

8 Ghi cụ thể thời gian thực hành từ ngày .... tháng ...năm.... đến ngày.... tháng ....năm...

9 Nhận xét cụ thể về khả năng thực hiện các kỹ thuật chuyên môn theo chuyên khoa đăng ký thực hành.

10 Nhận xét cụ thể về giao tiếp, ứng xử của người đăng ký thực hành đối với đồng nghiệp và người bệnh.

Mẫu 03

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

Ảnh mầu
04 cm x 06 cm (có đóng dấu giáp lai của của cơ quan xác nhận lý lịch)

SƠ YẾU LÝ LỊCH

TỰ THUẬT

Họ và tên: .......................................................................... Nam, nữ:..................................

Sinh ngày …………… tháng …………………năm ..............................................................

Nơi ở đăng ký hộ khẩu thường trú hiện nay: ......................................................................

……………………………………………………………………………………………………….

……………………………………………………………………………………………………….

Giấy chứng minh nhân dân/Số định danh cá nhân/Số hộ chiếu1:.......................................

Ngày cấp ...................................................... Nơi cấp: .......................................................

Số điện thoại liên hệ: Nhà riêng …………….. ; Di động (nếu có) .......................................

Khi cần báo tin cho ai? ở đâu?: ..........................................................................................

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

Số hiệu: …………………………
Ký hiệu:.........................................

Họ và tên: .............................................................................................................................

Sinh ngày ………….tháng ……………….năm …..……..Tại:.................................................

Nguyên quán: .......................................................................................................................

..............................................................................................................................................

Nơi đăng ký thường trú hiện nay:.........................................................................................

..............................................................................................................................................

Dân tộc: ...................................................... Tôn giáo: ........................................................

Trình độ văn hóa: ..........................................Ngoại ngữ: ...................................................

Trình độ chuyên môn: ………………………... Loại hình đào tạo: .......................................

Chuyên ngành đào tạo:........................................................................................................

Nghề nghiệp: .......................................................................................................................

HOÀN CẢNH GIA ĐÌNH

Họ và tên bố: ...................................................... Tuổi………… Nghề nghiệp ………………

Họ và tên mẹ: ...................................................... Tuổi: ……… Nghề nghiệp ………………

..............................................................................................................................................

Họ và tên vợ hoặc chồng: ............................................................ Tuổi: .............................

Nghề nghiệp:........................................................................................................................

Nơi làm việc: .......................................................................................................................

Chỗ ở hiện nay: ..................................................................................................................

QUÁ TRÌNH ĐÀO TẠO CỦA BẢN THÂN

Từ tháng năm đến tháng năm

Chuyên ngành đào tạo

Tên cơ sở đào tạo

Văn bằng, chứng chỉ được cấp

QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC CỦA BẢN THÂN

Từ tháng năm đến tháng năm

Làm công tác gì?

Ở đâu?

Giữ chức vụ gì?

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Khen thưởng: ....................................................................................................................

Kỷ luật: ..............................................................................................................................

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan những lời khai trên là đúng sự thực, nếu sai tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật./.

Xác nhận của Thủ trưởng cơ quan/
Đơn vị công tác/
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường2

…….., ngày.... tháng... năm...
Người khai ký tên

_______________

1 Ghi một trong ba thông tin về số chứng minh nhân dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu còn hạn sử dụng.

2 Trường hợp tại thời điểm nộp hồ sơ người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề không làm việc tại cơ sở y tế nào thì cần được xác nhận bởi Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.

Mẫu 04

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

……1…….., ngày.... tháng... năm 20....

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

Kính gửi: ..........................2............................

Họ và tên: ............................................................................................................................

Ngày, tháng, năm sinh: .......................................................................................................

Địa chỉ cư trú: ......................................................................................................................

Hộ chiếu số3: ............................... Ngày cấp ............................... Nơi cấp: ........................

Điện thoại: ...................................................... Email (nếu có): ...........................................

Văn bằng chuyên môn: 4 .....................................................................................................

Phạm vi hoạt động chuyên môn đề nghị cấp: .....................................................................

Tôi xin gửi kèm theo đơn này bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây5:

1.

Bản sao hợp lệ văn bằng chuyên môn

2.

Giấy xác nhận quá trình thực hành

3.

Bản sao hợp lệ giấy phép lao động

4.

Bản sao giấy chứng nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc giấy chứng nhận sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh

5.

Giấy chứng nhận sức khỏe

6.

Hai ảnh màu (nền trắng) 04 cm x 06 cm

Kính đề nghị quý cơ quan xem xét và cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho tôi./.

NGƯỜI LÀM ĐƠN
(Ký và ghi rõ họ, tên)

_______________

1 Địa danh.

2 Tên cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề.

3 Hộ chiếu còn hạn sử dụng.

4 Văn bằng chuyên môn ghi theo đối tượng xin cấp chứng chỉ hành nghề quy định tại Điều 17 Luật khám bệnh, chữa bệnh hoặc các văn bằng chuyên môn khác.

5 Đánh dấu X vào ô vuông tương ứng với những giấy tờ có trong hồ sơ.

Mẫu 05

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

……1…….., ngày.... tháng... năm 20....

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Cấp bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

Kính gửi: ..........................2............................

Họ và tên: .............................................................................................................................

Ngày, tháng, năm sinh: ........................................................................................................

Địa chỉ cư trú: ......................................................................................................................

Giấy chứng minh nhân dân/Số định danh cá nhân/Số hộ chiếu3: .......................................

Ngày cấp ...................................................... Nơi cấp: ........................................................

Điện thoại: ...................................................... Email (nếu có): ...........................................

Văn bằng chuyên môn:...................................................... 4 ...............................................

Số chứng chỉ hành nghề:............................... Ngày cấp ............................... Nơi cấp ……

Phạm vi hoạt động chuyên môn đã được cấp: ...................................................................

Phạm vi hoạt động chuyên môn đề nghị bổ sung: ..............................................................

Tôi xin gửi kèm theo đơn này bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây4:

1.

Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp

2.

Bản sao hợp lệ văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận chuyên môn

3.

Giấy xác nhận quá trình thực hành

Kính đề nghị quý cơ quan xem xét và cấp bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho tôi./.

NGƯỜI LÀM ĐƠN
(Ký và ghi rõ họ, tên)

_______________

1 Địa danh.

2 Tên cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề.

3 Ghi một trong ba thông tin về số chứng minh nhân dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu còn hạn sử dụng.

4 Văn bằng chuyên môn ghi theo đối tượng xin cấp chứng chỉ hành nghề quy định tại Điều 17 Luật khám bệnh, chữa bệnh hoặc các văn bằng chuyên môn khác.

5 Đánh dấu X vào ô vuông tương ứng với những giấy tờ có trong hồ sơ.

Mẫu 06

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

……1…….., ngày.... tháng... năm 20....

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Cấp thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

Kính gửi: ..........................2............................

Họ và tên: .............................................................................................................................

Ngày, tháng, năm sinh: ........................................................................................................

Địa chỉ cư trú: ......................................................................................................................

Giấy chứng minh nhân dân/Số định danh cá nhân/Số hộ chiếu3: .......................................

Ngày cấp ...................................................... Nơi cấp: ........................................................

Điện thoại: ...................................................... Email (nếu có): ...........................................

Văn bằng chuyên môn:...................................................... 4 ...............................................

Số chứng chỉ hành nghề:............................... Ngày cấp ............................... Nơi cấp ……

Phạm vi hoạt động chuyên môn đã được cấp: ...................................................................

Phạm vi hoạt động chuyên môn đề nghị thay đổi: ..............................................................

Tôi xin gửi kèm theo đơn này bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây4:

1.

Bản sao hợp lệ văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận chuyên môn

2.

Giấy xác nhận quá trình thực hành

3.

Bản gốc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp

4.

Hai ảnh màu (nền trắng) 04 cm x 06 cm

Kính đề nghị quý cơ quan xem xét và cấp thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho tôi./.

NGƯỜI LÀM ĐƠN
(Ký và ghi rõ họ, tên)

_______________

1 Địa danh.

2 Tên cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề.

3 Ghi một trong ba thông tin về số chứng minh nhân dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu còn hạn sử dụng.

4 Văn bằng chuyên môn ghi theo đối tượng xin cấp chứng chỉ hành nghề quy định tại Điều 17 Luật khám bệnh, chữa bệnh hoặc các văn bằng chuyên môn khác.

5 Đánh dấu X vào ô vuông tương ứng với những giấy tờ có trong hồ sơ.

Mẫu 07

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

……1…….., ngày.... tháng... năm 20....

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Thay đổi họ và tên, ngày tháng năm sinh trong chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

Kính gửi: ..........................2............................

Họ và tên: .............................................................................................................................

Địa chỉ cư trú: .......................................................................................................................

Giấy chứng minh nhân dân/Số định danh cá nhân/Số hộ chiếu3: ........................................

Ngày cấp ...................................................... Nơi cấp: .........................................................

Điện thoại: ...................................................... Email (nếu có): ............................................

Văn bằng chuyên môn:...................................................... 4 ................................................

Số chứng chỉ hành nghề:............................... Ngày cấp ............................... Nơi cấp …….

Nội dung trên chứng chỉ hành nghề đã được cấp: 4 ............................................................

Nội dung đề nghị thay đổi 5 ..................................................................................................

Tôi xin gửi kèm theo đơn này bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây6:

1.

Văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi họ và tên, ngày tháng năm sinh

2.

Bản gốc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp

3.

Hai ảnh màu (nền trắng) 04 cm x 06 cm

Kính đề nghị quý cơ quan xem xét và cấp thay đổi ngày tháng năm sinh trong chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho tôi./.

NGƯỜI LÀM ĐƠN
(Ký và ghi rõ họ, tên)

_______________

1 Địa danh.

2 Tên cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề.

3 Ghi một trong ba thông tin về số chứng minh nhân dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu còn hạn sử dụng.

4 Văn bằng chuyên môn ghi theo đối tượng xin cấp chứng chỉ hành nghề quy định tại Điều 17 Luật khám bệnh, chữa bệnh hoặc các văn bằng chuyên môn khác.

4 Ghi rõ những nội dung cần thay đổi đã được ghi trên chứng chỉ hành nghề (Họ và tên, Ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân, số định danh cá nhân, số hộ chiếu).

5 Ghi rõ những nội dung đề nghị thay đổi (Họ và tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân, số định danh cá nhân, số hộ chiếu).

6 Đánh dấu X vào ô vuông tương ứng với những giấy tờ có trong hồ sơ.

Mẫu 08

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

……1…….., ngày.... tháng... năm 20....

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Cấp lại chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

Kính gửi: ..........................2............................

Họ và tên: ............................................................................................................................

Ngày, tháng, năm sinh: .......................................................................................................

Địa chỉ cư trú: ......................................................................................................................

Giấy chứng minh nhân dân/Số định danh cá nhân/Số hộ chiếu3:........................................

Ngày cấp ...................................................... Nơi cấp: ........................................................

Điện thoại: ...................................................... Email (nếu có): ...........................................

Văn bằng chuyên môn: ...........................................4...........................................................

Số chứng chỉ hành nghề đã được cấp (nếu có): ................................................................

Ngày cấp: ...................................................... Nơi cấp: ......................................................

Lý do xin cấp lại 4:

1.

Do bị mất

2.

Do bị hư hỏng

3.

Do bị thu hồi

Tôi xin gửi kèm Đơn này 02 ảnh màu (nền trắng) 04 cm x 06 cm

Kính đề nghị quý cơ quan xem xét và cấp lại chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho tôi./.

NGƯỜI LÀM ĐƠN
(Ký và ghi rõ họ, tên)

_______________

1 Địa danh.

2 Tên cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề.

3 Ghi một trong ba thông tin về số chứng minh nhân dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu còn hạn sử dụng.

4 Văn bằng chuyên môn ghi theo đối tượng xin cấp chứng chỉ hành nghề quy định tại Điều 17 Luật khám bệnh, chữa bệnh hoặc các văn bằng chuyên môn khác.

4 Đánh dấu X vào ô vuông tương ứng với lý do đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề.

Mẫu 09

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

……1…….., ngày.... tháng... năm 20....

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Cấp lại chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

Kính gửi: ..........................2............................

Họ và tên: ............................................................................................................................

Ngày, tháng, năm sinh: .......................................................................................................

Địa chỉ cư trú: ......................................................................................................................

Giấy chứng minh nhân dân/Số định danh cá nhân/Số hộ chiếu3:........................................

Ngày cấp ...................................................... Nơi cấp: ........................................................

Điện thoại: ...................................................... Email (nếu có): ...........................................

Văn bằng chuyên môn: .........................................4............................................................

Số chứng chỉ hành nghề đã được cấp (nếu có): ................................................................

Ngày cấp: ...................................................... Nơi cấp: ......................................................

Lý do bị thu hồi chứng chỉ hành nghề: ......................................................4 .......................

Tôi xin gửi kèm theo đơn này bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây5:

1.

Bản sao hợp lệ văn bằng chuyên môn

2.

Phiếu lý lịch tư pháp

3.

Sơ yếu lý lịch tự thuật

4.

Giấy chứng nhận sức khỏe

5.

Giấy chứng nhận đã cập nhật kiến thức y khoa liên tục

6.

Hai ảnh màu (nền trắng) 04 cm x 06 cm

Kính đề nghị quý cơ quan xem xét và cấp lại chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho tôi./.

NGƯỜI LÀM ĐƠN
(Ký và ghi rõ họ, tên)

_______________

1 Địa danh.

2 Tên cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề.

3 Ghi một trong ba thông tin về số chứng minh nhân dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu còn hạn sử dụng

4 Văn bằng chuyên môn ghi theo đối tượng xin cấp chứng chỉ hành nghề quy định tại Điều 17 Luật khám bệnh, chữa bệnh hoặc giấy chứng nhận trình độ chuyên môn đối với lương y hoặc giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền hoặc phương pháp chữa bệnh gia truyền do Bộ Y tế cấp hoặc Sở Y tế cấp phù hợp để đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.

4 Lý do thu hồi chứng chỉ hành nghề ghi theo quy định tại một trong các điểm c, d, đ, e và g khoản 1 Điều 29 Luật khám bệnh, chữa bệnh.

5 Đánh dấu X vào ô vuông tương ứng với những giấy tờ có trong hồ sơ.

Mẫu 10

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

……1…….., ngày.... tháng... năm 20....

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Cấp lại chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

Kính gửi: ..........................2............................

Họ và tên: ............................................................................................................................

Ngày, tháng, năm sinh: .......................................................................................................

Địa chỉ cư trú: ......................................................................................................................

Hộ chiếu số3: ............................... Ngày cấp ............................... Nơi cấp: ........................

Điện thoại: ...................................................... Email (nếu có): ...........................................

Văn bằng chuyên môn: 4 .....................................................................................................

Số chứng chỉ hành nghề đã được cấp (nếu có): ................................................................

Ngày cấp: ...................................................... Nơi cấp: ......................................................

Lý do bị thu hồi chứng chỉ hành nghề: 5 .............................................................................

Tôi xin gửi kèm theo đơn này bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây6:

1.

Bản sao hợp lệ văn bằng chuyên môn

2.

Bản sao hợp lệ giấy phép lao động

3.

Bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ sau đây:

a)

Giấy chứng nhận biết tiếng Việt thành thạo;

b)

Giấy chứng nhận thành thạo ngôn ngữ khác và Giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch của người phiên dịch và hợp đồng lao động của người phiên dịch;

c)

Giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch của người phiên dịch và hợp đồng lao động của người phiên dịch đối với trường hợp đăng ký sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ để khám bệnh, chữa bệnh.

4.

Giấy chứng nhận sức khỏe

5.

Giấy chứng nhận đã cập nhật kiến thức y khoa liên tục

6.

Lý lịch tư pháp (áp dụng đối với trường hợp không thuộc diện cấp GPLĐ)

7.

Hai ảnh màu (nền trắng) 04 cm x 06 cm

Kính đề nghị quý cơ quan xem xét và cấp lại chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho tôi./.

NGƯỜI LÀM ĐƠN
(Ký và ghi rõ họ, tên)

_______________

1 Địa danh.

2 Tên cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề.

3 Hộ chiếu còn hạn sử dụng.

4 Văn bằng chuyên môn ghi theo đối tượng xin cấp chứng chỉ hành nghề quy định tại Điều 17 Luật khám bệnh, chữa bệnh hoặc giấy chứng nhận trình độ chuyên môn với lương y hoặc giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền hoặc phương pháp chữa bệnh gia truyền do Bộ Y tế cấp hoặc Sở Y tế cấp phù hợp đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.

5 Lý do thu hồi chứng chỉ hành nghề theo quy định tại một trong các điểm c, d, đ, e và g khoản 1 Điều 29 Luật khám bệnh, chữa bệnh.

6 Đánh dấu X vào ô vuông tương ứng với những giấy tờ có trong hồ sơ.

PHỤ LỤC II

MẪU PHIẾU TIẾP NHẬN HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ CẤP, CẤP LẠI CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
(Kèm theo Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ)

………..1………..
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

Số: /PTN-…2

……3…….., ngày.... tháng... năm 20....

PHIẾU TIẾP NHẬN

Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

Họ và tên: .............................................................................................................................

Địa chỉ cư trú: .......................................................................................................................

Điện thoại: ............................................................................................................................

Hình thức cấp chứng chỉ hành nghề4: Cấp lần đầu □ Cấp thay đổi nội dung □ Cấp lại □

Đã nhận hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bao gồm5:

1.

Đơn đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

2.

Bản sao hợp lệ văn bằng chuyên môn

3.

Văn bản xác nhận quá trình thực hành

4.

Phiếu lý lịch tư pháp

5.

Sơ yếu lý lịch tự thuật

6.

Giấy chứng nhận sức khỏe

7.

Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc giấy chứng nhận sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài)

8.

Bản sao hợp lệ giấy phép lao động (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài)

9.

Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề đã được cấp (đối với cấp bổ sung PVHĐ chuyên môn)

10.

Bản gốc chứng chỉ hành nghề đã được cấp (6)

11.

Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận cập nhật kiến thức y khoa liên tục

12.

Văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi ngày tháng năm sinh hoặc địa chỉ cư trú

13.

Hai ảnh màu (nền trắng) 04 cm x 06 cm

Ngày hẹn cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề: ......................................................

……3…….., ngày.... tháng... năm 20...
NGƯỜI TIẾP NHẬN HỒ SƠ
(Ký, ghi rõ chức danh, họ và tên)

Tiếp nhận hồ sơ bổ sung lần: ngày tháng năm Ký nhận

Tiếp nhận hồ sơ bổ sung lần: ngày tháng năm Ký nhận

Tiếp nhận hồ sơ bổ sung lần: ngày tháng năm Ký nhận

_______________

1 Tên cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề.

2 Chữ viết tắt tên cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề.

3 Địa danh.

4 Đánh dấu X vào nội dung đề nghị phù hợp.

5 Đánh dấu X vào ô vuông tương ứng với những giấy tờ có trong hồ sơ.

6 Đối với cấp thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn, ngày tháng năm sinh.

PHỤ LỤC III

(Kèm theo Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ)

1. Mẫu 01: Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của Bộ Y tế.

2. Mẫu 02: Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của Sở Y tế.

3. Mẫu 03: Quyết định bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh.

4. Mẫu 04: Mã ký hiệu phôi chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Mẫu 01

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ...1.../BYT-CCHN

CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Luật khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Xét đề nghị của ………………….2……………………………………,

Ảnh

04 cm x 06 cm (ảnh màu nền trắng)

CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
(Cấp lại lần thứ………….)3

Họ và tên: 4 …………………………………………………………………………………………

Ngày, tháng, năm sinh: ........................................................................................................

Giấy chứng minh nhân dân/Số định danh cá nhân/Số hộ chiếu 5: …………………………..

Ngày cấp: …………………………………….… Nơi cấp: ………………………………………

Địa chỉ cư trú: ………………………………….…………………………………………………..

Văn bằng chuyên môn: 6 …………………………………………………………………………

Phạm vi hoạt động chuyên môn:7 ………………………………………………………………

Hà Nội, ngày .... tháng .... năm 20....
BỘ TRƯỞNG 8...
(Ký, đóng dấu và ghi rõ họ tên)

_______________

1 Số chứng chỉ hành nghề.

2 Ghi rõ chức danh người đứng đầu của đơn vị được giao chức năng đầu mối cấp, cấp lại như: Cục trưởng Cục.., Trưởng phòng....

3 Áp dụng đối với trường hợp cấp lại chứng chỉ hành nghề.

4 Ghi rõ tên của người được cấp chứng chỉ hành nghề bằng chữ in hoa đậm; trường hợp là người nước ngoài phải ghi đúng theo tên trong hộ chiếu của người đó.

5 Ghi một trong ba thông tin về số chứng minh nhân dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu còn hạn sử dụng.

6 Ghi theo quy định tại Điều 17 Luật khám bệnh, chữa bệnh (Không ghi các chức danh học hàm, học vị, chức danh được phong tặng như: giáo sư, tiến sỹ, thầy thuốc ưu tú, anh hùng lao động...). Đối với người có văn bằng cử nhân y khoa do nước ngoài cấp ghi văn bằng chuyên môn là bác sỹ, đối với cử nhân sinh học, hóa học, dược sỹ trình độ đại học ghi văn bằng chuyên môn là kỹ thuật viên.

7 Ghi theo chuyên khoa hoặc đa khoa theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

8 Không có chữ ký tắt của đại diện đơn vị trình.

Mẫu 02

UBND TỈNH….1....
SỞ Y TẾ
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: …2…./…3….-CCHN

CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

GIÁM ĐỐC SỞ Y TẾ

Căn cứ Luật khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Xét đề nghị của ………………….4……………………………………,

Ảnh

04 cm x 06 cm (ảnh màu nền trắng)

CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
(Cấp lại lần thứ………….)5

Họ và tên: 6 …………………………………………………………………………………………………

Ngày, tháng, năm sinh: ..................................................................................................................

Giấy chứng minh nhân dân/Số định danh cá nhân/Số hộ chiếu 7: ………………………………..…

Ngày cấp: …………………………………….… Nơi cấp: ……………………………………………….

Địa chỉ cư trú: ………………………………….…………………………………………………………..

Văn bằng chuyên môn: 8 …………………………………………………………………………………

Phạm vi hoạt động chuyên môn:8 ………………………………………………………………………

……..10…, ngày .... tháng .... năm 20....
GIÁM ĐỐC11
(Ký, đóng dấu và ghi rõ họ tên)

_______________

1 Tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

2 Số chứng chỉ hành nghề.

3 Mã ký hiệu (tên viết tắt) của cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề ghi theo quy định tại Mẫu 04 Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số …/2016/NĐ-CP ngày……tháng…….năm 2016.

4 Ghi rõ chức danh người đứng đầu của đơn vị được giao chức năng đầu mối cấp, cấp lại như: Cục trưởng Cục.., Trưởng phòng....

5 Áp dụng đối với trường hợp cấp lại chứng chỉ hành nghề.

6 Ghi rõ tên của người được cấp chứng chỉ hành nghề bằng chữ in hoa đậm.

7 Ghi một trong ba thông tin về số chứng minh nhân dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu còn hạn sử dụng.

8 Ghi theo quy định tại Điều 17 Luật khám bệnh, chữa bệnh (Không ghi các chức danh học hàm, học vị, chức danh được phong tặng như: giáo sư, tiến sỹ, thầy thuốc ưu tú, anh hùng lao động...). Đối với người có văn bằng cử nhân y khoa do nước ngoài cấp ghi văn bằng chuyên môn là bác sỹ, đối với cử nhân sinh học, hóa học, dược sỹ trình độ đại học ghi văn bằng chuyên môn là kỹ thuật viên.

9 Ghi theo chuyên khoa hoặc đa khoa theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

10 Địa danh.

11 Không có chữ ký tắt của đại diện đơn vị trình.

Mẫu 03

BỘ Y TẾ (hoặc) UBND
…..1
SỞ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

Số:……/QĐ-….2

……3…….., ngày.... tháng... năm 20....

QUYẾT ĐỊNH

Về việc bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ (hoặc GIÁM ĐỐC SỞ Y TẾ)

Căn cứ Luật khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Xét đề nghị của ......................................................4 ......................................................,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh cho ông/bà

Họ và tên:5 .........................................................................................................................

Ngày, tháng, năm sinh ......................................................................................................

Giấy chứng minh nhân dân/Số định danh cá nhân/Số hộ chiếu6:.....................................

Ngày cấp ...................................................... Nơi cấp: .....................................................

Địa chỉ cư trú: ...................................................................................................................

Văn bằng chuyên môn: 7 ...................................................................................................

Số chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đã cấp: ................................................

Ngày cấp: ....../……. /20... Nơi cấp: ..................................................................................

Phạm vi hoạt động chuyên môn được bổ sung: 7 .............................................................

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Ông/bà có tên tại Điều 1 và ...8... chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

BỘ TRƯỞNG (hoặc GIÁM ĐỐC)
(Ký, đóng dấu và ghi rõ họ tên)

_______________

1 Tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

2 Chữ viết tắt tên của đơn vị trình.

3 Địa danh.

4 Ghi rõ chức danh người đứng đầu của đơn vị được giao chức năng đầu mối cấp, cấp lại như: Cục trưởng Cục.., Trưởng phòng....

5 Ghi rõ tên của người được bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn bằng chữ in hoa đậm; trường hợp là người nước ngoài phải ghi đúng theo tên trong hộ chiếu của người đó.

6 Ghi một trong ba thông tin về số chứng minh nhân dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu còn hạn sử dụng.

7 Ghi theo quy định tại Điều 17 Luật khám bệnh, chữa bệnh (Không ghi các chức danh học hàm, học vị, chức danh được phong tặng như: giáo sư, tiến sỹ, thầy thuốc ưu tú, anh hùng lao động...)

7 Ghi cụ thể chuyên khoa bổ sung hoặc thay đổi trong phạm vi hoạt động chuyên môn.

8 Ghi cụ thể các cá nhân, đơn vị có liên quan (nếu cần).

Mẫu 04

BẢNG MÃ KÝ HIỆU (TÊN VIẾT TẮT) CỦA CƠ QUAN CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ VÀ GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

STT

Tỉnh/Thành phố thuộc trung ương

Mã ký hiệu

STT

Tỉnh/Thành phố thuộc trung ương

Mã ký hiệu

1

Bộ Y tế

BYT

33

Khánh Hòa

KH

2

Hà Nội

HNO

34

Kiên Giang

KG

3

Hải Phòng

HP

35

Kon Tum

KT

4

Đà Nẵng

ĐNA

36

Lai Châu

LCH

5

Thành phố Hồ Chí Minh

HCM

37

Lâm Đồng

6

An Giang

AG

38

Lạng Sơn

LS

7

Bà Rịa Vũng Tàu

BRVT

39

Lào Cai

LCA

8

Bắc Giang

BG

40

Long An

LA

9

Bắc Kạn

BK

41

Nam Định

10

Bạc Liêu

BL

42

Nghệ An

NA

11

Bắc Ninh

BN

43

Ninh Bình

NB

12

Bến Tre

BTR

44

Ninh Thuận

NT

13

Bình Định

45

Phú Thọ

PT

14

Bình Dương

BD

46

Phú Yên

PY

15

Bình Phước

BP

47

Quảng Bình

QB

16

Bình Thuận

BTH

48

Quảng Nam

QNA

17

Cà Mau

CM

49

Quảng Ngãi

QNG

18

Cần Thơ

CT

50

Quảng Ninh

QNI

19

Cao Bằng

CB

51

Quảng Trị

QT

20

Đắk Lắk

ĐL

52

Sóc Trăng

ST

21

Đắk Nông

ĐNO

53

Sơn La

SL

22

Điện Biên

ĐB

54

Tây Ninh

TNI

23

Đồng Nai

ĐNAI

55

Thái Bình

TB

24

Đồng Tháp

ĐT

56

Thái Nguyên

TNG

25

Gia Lai

GL

57

Thanh Hóa

TH

26

Hà Giang

HAG

58

Thừa Thiên Huế

TTH

27

Hà Nam

HNA

59

Tiền Giang

TG

28

Hà Tĩnh

HT

60

Trà Vinh

TV

29

Hải Dương

HD

61

Tuyên Quang

TQ

30

Hậu Giang

HAUG

62

Vĩnh Long

VL

31

Hòa Bình

HB

63

Vĩnh Phúc

VP

32

Hưng Yên

HY

64

Yên Bái

YB

PHỤ LỤC IV

MẪU DANH SÁCH ĐĂNG KÝ NGƯỜI HÀNH NGHỀ TẠI CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
(Kèm theo Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

DANH SÁCH ĐĂNG KÝ NGƯỜI HÀNH NGHỀ
TẠI CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

1. Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: ..................................................................................

2. Địa chỉ: .............................................................................................................................

3. Thời gian hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:1 ...............................................

4. Danh sách đăng ký người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh:

STT

Họ và tên

Số chứng chỉ hành nghề

Phạm vi hoạt động chuyên môn

Thời gian đăng ký hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (ghi cụ thể thời gian làm việc)

Vị trí chuyên môn2

1

2

5. Danh sách đăng ký người làm việc3:

STT

Họ và tên

Văn bằng chuyên môn

Thời gian đăng ký làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (ghi cụ thể thời gian làm việc)

Vị trí làm việc4

1

2

….5….., ngày ….. tháng …… năm …….
Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
(Ký, đóng dấu và ghi rõ họ tên)

_______________

1 Ghi rõ từ mấy giờ đến mấy giờ trong ngày và mấy ngày trong tuần.

2 Ghi cụ thể chức danh, vị trí chuyên môn được phân công đảm nhiệm.

3 Ghi danh sách người tham gia khám bệnh chữa bệnh nhưng không thuộc diện cấp chứng chỉ hành nghề.

4 Ghi cụ thể chức danh, vị trí làm việc được phân công đảm nhiệm.

5 Địa danh.

PHỤ LỤC V

(Kèm theo Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ)

1. Mẫu 01: Đơn đề nghị thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2. Mẫu 02: Hợp đồng thực hành khám bệnh, chữa bệnh.

3. Mẫu 03: Quyết định tiếp nhận và phân công người hướng dẫn thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Mẫu 01

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

……1…….., ngày.... tháng... năm 20....

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Kính gửi: ............................2..........................

Họ và tên: ..............................................................................................................................

Ngày, tháng, năm sinh: .........................................................................................................

Giấy chứng minh nhân dân/Số định danh cá nhân/Số hộ chiếu3: ........................................

Ngày cấp ...................................................... Nơi cấp: .........................................................

Địa chỉ cư trú: .......................................................................................................................

Điện thoại: ...................................................... Email (nếu có): ............................................

Văn bằng chuyên môn: 4 .....................................................................................................

Chuyên khoa đăng ký thực hành: 5 .....................................................................................

Thời gian đăng ký thực hành: ..............................................................................................

Để có đủ điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, tôi đề nghị ………2……… cho phép và tạo điều kiện cho tôi được thực hành khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tôi xin cam kết sẽ thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc thực hành khám bệnh, chữa bệnh và các quy định khác có liên quan của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh./.

NGƯỜI LÀM ĐƠN
(Ký và ghi rõ họ, tên)

_______________

1 Địa danh.

2 Chức danh người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đề nghị đăng ký thực hành như: Giám đốc bệnh viện..., Trưởng phòng khám....

3 Ghi một trong ba thông tin về số chứng minh nhân dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu còn hạn sử dụng.

4 Ghi theo đối tượng xin cấp chứng chỉ hành nghề quy định tại Điều 17 Luật khám bệnh, chữa bệnh.

5 Người thực hành đăng ký phù hợp văn bằng chuyên môn được đào tạo.

Mẫu 02

………..1………..
………..2………..
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

Số: /HĐTH-…….3……..

……4…….., ngày.... tháng... năm 20....

HỢP ĐỒNG

THỰC HÀNH KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Căn cứ Bộ luật dân sự ngày 24 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Hôm nay, ngày ……… tháng …… năm …… tại .................5............... , chúng tôi gồm:

BÊN A:2 ..............................................................................................................................

Đại diện là ông/bà:6 .............................................................................................................

Chức vụ: .............................................................................................................................

............................................................................................................................................

Địa chỉ thường trú:...................................................... Điện thoại:......................................

BÊN B: 7 .............................................................................................................................

Ông/bà: ...............................................................................................................................

.............................................................................................................................................

Sinh ngày ……… tháng ……… năm ……… tại .................................................................

Văn bằng chuyên môn: 8 .....................................................................................................

Địa chỉ thường trú: ..............................................................................................................

Giấy chứng minh nhân dân/Số định danh cá nhân/Số hộ chiếu9:.......................................

Ngày cấp ...................................................... Nơi cấp: .......................................................

Thỏa thuận ký kết hợp đồng thực hành khám bệnh, chữa bệnh theo các điều khoản sau đây:

Điều 1. Thời gian, địa điểm và nội dung chuyên môn thực hành

1. Thời gian thực hành: Ông/bà…………. có văn bằng chuyên môn ………… được thực hành từ ngày ……… tháng ……… năm ……… đến ngày ……… tháng ……… năm ………

2. Địa điểm thực hành: 10 ......................................................................................................

3. Nội dung chuyên môn thực hành: 11 .................................................................................

Điều 2. Quyền và nghĩa vụ của Bên A

1. Bên A có quyền:

a) Bố trí người hướng dẫn thực hành để hướng dẫn người thực hành thực hành theo đúng các điều khoản ghi trong Hợp đồng.

b) Chấm dứt Hợp đồng thực hành hoặc các biện pháp xử lý khác nếu người thực hành vi phạm các thỏa thuận ghi trong Hợp đồng.

c) Thu kinh phí thực hành theo thỏa thuận với Bên B.

d) Các quyền khác (nếu có)

2. Bên A có nghĩa vụ:

a) Bảo đảm các điều kiện thuận lợi để người thực hành được thực hành theo đúng các thỏa thuận ghi trong Hợp đồng.

b) Bảo đảm quyền lợi của người thực hành theo quy định của pháp luật (nếu có).

c) Xác nhận quá trình thực hành theo đúng mẫu quy định tại Mẫu 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số ……./2016/NĐ-CP ngày … tháng … năm 2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

d) Các nghĩa vụ khác (nếu có).

Điều 3. Quyền và nghĩa vụ của Bên B

1. Bên B có quyền:

a) Được thực hành khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc người bệnh dưới sự giám sát của người hướng dẫn thực hành.

b) Được cung cấp các phương tiện, thiết bị bảo hộ trong quá trình thực hành: 12

c) Được hưởng các quyền lợi theo quy định của pháp luật (nếu có).

d) Được cấp giấy xác nhận quá trình thực hành.

đ) Các quyền khác (nếu có).

2. Bên B có nghĩa vụ:

a) Chấp hành nội quy, quy chế chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

b) Hoàn thành những nhiệm vụ đã cam kết trong hợp đồng thực hành.

c) Nộp kinh phí thực hành đầy đủ theo thỏa thuận với Bên A.

d) Các nghĩa vụ khác (nếu có).

Điều 4. Điều khoản thi hành

1. Hợp đồng này có hiệu lực kể từ ngày ký và sẽ hết hiệu lực khi kết thúc thời gian thực hành và các bên đã hoàn thành các nghĩa vụ của Hợp đồng.

2. Hai bên cam kết thực hiện đúng những điều khoản nêu trên, bên nào vi phạm bên đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trong quá trình thực hiện Hợp đồng, nếu xảy ra tranh chấp thì hai bên cùng nhau thương lượng giải quyết, nếu không thống nhất thì đưa ra Tòa án để giải quyết.

3. Hợp đồng này làm thành hai bản có giá trị pháp lý như nhau, mỗi bên giữ một bản./.

BÊN A
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

BÊN B
(Ký, ghi rõ họ tên)

_______________

1 Tên cơ quan chủ quản của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2 Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

3 Chữ viết tắt tên của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

4 Địa danh.

5 Địa điểm ký kết hợp đồng.

6 Ghi rõ họ, tên của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

7 Họ và tên người đăng ký thực hành.

8 Ghi theo đối tượng xin cấp chứng chỉ hành nghề quy định tại Điều 17 Luật khám bệnh, chữa bệnh.

9 Ghi một trong ba thông tin về số chứng minh nhân dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu còn hạn sử dụng.

10 Ghi rõ tên khoa/bộ phận chuyên môn nơi thực hành.

11 Ghi cụ thể nhiệm vụ chuyên môn của người đề nghị thực hành.

12 Ghi cụ thể các phương tiện, thiết bị bảo hộ trang bị cho người thực hành.

Mẫu 03

………..1………..
………..2………..
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

Số: /QĐ-…….3……..

……4…….., ngày.... tháng... năm 20....

QUYẾT ĐỊNH

Về việc tiếp nhận và phân công người hướng dẫn thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Căn cứ ...................................................... 5 ......................................................;

Căn cứ Điều 24 Luật khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Xét đơn đề nghị của ...................................................... 6 .................................................,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Tiếp nhận ông/bà…….7.......... , sinh ngày...tháng....năm ........, có văn bằng chuyên môn .................................... được thực hành tại khoa/bộ phận chuyên môn …………… trong thời gian từ ngày....tháng... năm ……… đến ngày....tháng... năm ……………

Điều 2. Phân công ông/bà ................8..................... , chứng chỉ hành nghề số:….....9……… chịu trách nhiệm chính để hướng dẫn thực hành cho ông/bà .....................7.................... trong thời gian quy định tại Điều 1 Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Các ông/bà có tên tại Điều 1, Điều 2 và ....10.... chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

GIÁM ĐỐC
(Ký và ghi rõ họ tên)

_______________

1 Tên cơ quan chủ quản của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2 Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

3 Chữ viết tắt tên của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

4 Địa danh.

5 Căn cứ văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của cơ sở.

6 Ghi rõ chức danh của người đứng đầu đơn vị hoặc bộ phận được giao đầu mối về đào tạo thực hành.

7 Ghi rõ họ tên người đăng ký thực hành.

8 Ghi rõ họ tên của người hướng dẫn thực hành chính.

9 Ghi rõ trình độ đào tạo, trình độ chuyên môn theo văn bằng của người hướng dẫn thực hành chính.

10 Ghi cụ thể các cá nhân, đơn vị có liên quan (nếu cần).

PHỤ LỤC VI

(Kèm theo Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ)

1. Mẫu 01: Phiếu tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở giáo dục đủ điều kiện kiểm tra và công nhận biết Tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh.

2. Mẫu 02: Giấy chứng nhận đủ điều kiện kiểm tra ngôn ngữ cho cơ sở giáo dục.

Mẫu 01

BỘ Y TẾ
……..1……..
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

Số: /PTN-…..2

……3…….., ngày.... tháng... năm 20....

PHIẾU TIẾP NHẬN

Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở giáo dục đủ điều kiện kiểm tra và công nhận biết Tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh

Tên cơ sở giáo dục: .............................................................................................................

Địa điểm: 4 ............................................................................................................................

Điện thoại: ............................... Số Fax ........................... Email (nếu có): ..........................

Hồ sơ đã tiếp nhận bao gồm các giấy tờ sau:5

1. Bản sao hợp lệ Quyết định thành lập đối với cơ sở giáo dục

2. Bản sao hợp lệ Quyết định thành lập khoa hoặc bộ môn ngoại ngữ

3. Danh sách giảng viên làm việc toàn thời gian của khoa hoặc bộ môn ngoại ngữ

4. Ngân hàng đề thi (bằng tài liệu in hoặc đĩa CD hoặc DVD hoặc USB)

Ngày hẹn trả kết quả: ...................................................................................................................

…….., ngày.... tháng... năm 20...
NGƯỜI TIẾP NHẬN HỒ SƠ
(Ký, ghi rõ chức danh, họ và tên)

Tiếp nhận hồ sơ bổ sung lần: ngày tháng năm Ký nhận

Tiếp nhận hồ sơ bổ sung lần: ngày tháng năm Ký nhận

Tiếp nhận hồ sơ bổ sung lần: ngày tháng năm Ký nhận

_______________

1 Tên đơn vị được giao đầu mối tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận.

2 Chữ viết tắt tên đơn vị được giao đầu mối tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận.

3 Địa danh.

4 Địa chỉ cụ thể của cơ sở giáo dục.

5 Đánh dấu X vào ô vuông tương ứng với những giấy tờ có trong hồ sơ.

Mẫu 02

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: /GCN-BYT

GIẤY CHỨNG NHẬN

Cơ sở đủ điều kiện kiểm tra ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Luật khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Xét đề nghị của .........................1............................. ,

CHỨNG NHẬN

Tên cơ sở: 2 ......................................................................................................................

Địa chỉ:3 ............................................................................................................................

Đủ điều kiện kiểm tra và công nhận ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh: ……4…….

Hà Nội, ngày ... tháng ... năm 20....
…………..5………
(Ký ghi rõ họ tên và đóng dấu)

_______________

1 Chức vụ của người đứng đầu đơn vị tiếp nhận việc công nhận cơ sở đủ điều kiện kiểm tra ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh.

2 Ghi rõ tên của cơ sở giáo dục được công nhận bằng chữ in hoa đậm đứng.

3 Ghi rõ địa chỉ của cơ sở giáo dục.

4 Ghi rõ các ngôn ngữ được kiểm tra và công nhận.

5 Bộ trưởng hoặc người được Bộ trưởng ủy quyền (không có chữ ký tắt của đại diện đơn vị trình)

PHỤ LỤC VII

(Kèm theo Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ)

1. Mẫu 01: Đơn đề nghị kiểm tra và công nhận ngôn ngữ

2. Mẫu 02: Đơn đề nghị công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh.

3. Mẫu 03: Giấy chứng nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc giấy chứng nhận sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh.

Mẫu 01

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

……1…….., ngày.... tháng... năm 20....

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Kiểm tra và công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh

Kính gửi: Ban Giám hiệu Trường ............................2..........................

Họ và tên: ............................................................................................................................

Ngày, tháng, năm sinh: .......................................................................................................

Địa chỉ thường trú:3 .............................................................................................................

Điện thoại: ...................................................... Email (nếu có): ...........................................

Giấy chứng minh nhân dân/Số định danh cá nhân/Số hộ chiếu 4:.......................................

Ngày cấp ...................................................... Nơi cấp: ........................................................

Kính đề nghị Ban Giám hiệu Trường ………..2…………….………….:5

- Kiểm tra và công nhận biết tiếng Việt thành thạo

- Kiểm tra và công nhận sử dụng thành thạo ngôn ngữ ………6……

- Kiểm tra và công nhận đủ trình độ phiên dịch ngôn ngữ ...…6……

Giấy tờ kèm theo:5

- Bản sao hợp lệ chứng minh nhân dân/thẻ căn cước/hộ chiếu

- Hai ảnh màu (nền trắng) 4 cm x 6 cm

NGƯỜI LÀM ĐƠN
(Ký và ghi rõ họ, tên)

_______________

1 Địa danh.

2 Tên trường kiểm tra biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh.

3 Ghi rõ địa chỉ theo nơi đăng ký thường trú.

4 Ghi một trong ba thông tin về số chứng minh nhân dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu còn hạn sử dụng.

5 Đánh dấu X vào ô vuông tương ứng với nội dung đề nghị.

6 Ghi cụ thể ngôn ngữ đề nghị kiểm tra và công nhận.

5 Đánh dấu X vào ô vuông tương ứng với các giấy tờ gửi kèm theo đơn.

Mẫu 02

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

……1…….., ngày.... tháng... năm 20....

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh

Kính gửi: Ban Giám hiệu Trường ...........................2...........................

Họ và tên: .............................................................................................................................

Ngày, tháng, năm sinh: ........................................................................................................

Địa chỉ thường trú:3 ..............................................................................................................

Điện thoại: ...................................................... Email (nếu có): ............................................

Giấy chứng minh nhân dân/Số định danh cá nhân/Số hộ chiếu 4:........................................

Ngày cấp ...................................................... Nơi cấp: .........................................................

Kính đề nghị Ban Giám hiệu Trường 2 ......................................................: 5

- Công nhận biết tiếng Việt thành thạo

- Công nhận sử dụng thành thạo ngôn ngữ ……….. 5 ……..

- Công nhận đủ trình độ phiên dịch ngôn ngữ ……….. 6 ……..

Giấy tờ kèm theo: 7

- Bản sao hợp lệ chứng minh nhân dân/thẻ căn cước/hộ chiếu

- Bản sao hợp lệ văn bằng chứng chỉ

- Hai ảnh màu (nền trắng) 4 cm x 6 cm

NGƯỜI LÀM ĐƠN
(Ký và ghi rõ họ, tên)

_______________

1 Địa danh.

2 Tên trường kiểm tra hoặc công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh.

3 Ghi rõ địa chỉ theo nơi đăng ký thường trú.

4 Ghi một trong ba thông tin về số chứng minh nhân dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu còn hạn sử dụng.

5 Đánh dấu X vào ô vuông tương ứng với nội dung đề nghị.

6 Ghi cụ thể ngôn ngữ đề nghị kiểm tra và công nhận.

7 Đánh dấu X vào ô vuông tương ứng với các giấy tờ gửi kèm theo đơn.

Mẫu 03

………..1………..
………..2………..
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

Số: /GCN-…3

……4…….., ngày.... tháng... năm 20....

Ảnh

03cm x 04cm

GIẤY CHỨNG NHẬN

Cơ sở .......................................2...................................................................

Cấp cho ông/bà: ......

......................... 5 .......................................................

Ngày, tháng, năm sinh: ..................................................................................

Giấy chứng minh nhân dân/Số định danh cá nhân/Số hộ chiếu 6: ................................. Ngày cấp ..................... Nơi cấp: ...............................

Đủ trình độ ...................... 7 ............................ trong khám bệnh, chữa bệnh.

HIỆU TRƯỞNG
(Ký tên và đóng dấu)

_______________

1 Tên cơ quan chủ quản của cơ sở giáo dục thực hiện việc công nhận.

2 Tên cơ sở giáo dục thực hiện việc công nhận.

3 Chữ viết tắt tên của cơ sở giáo dục thực hiện việc công nhận.

4 Địa danh.

5 Ghi đầy đủ họ và tên bằng chữ in hoa, đậm, đứng.

6 Ghi một trong ba thông tin về số chứng minh nhân dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu còn hạn sử dụng.

7 Ghi rõ một trong các trường hợp sau đây: biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (Ví dụ: đủ trình độ phiên dịch từ tiếng Hàn Quốc sang tiếng Việt hoặc đủ trình độ phiên dịch từ tiếng Hàn Quốc, tiếng Anh sang tiếng Việt).

PHỤ LỤC VIII

MẪU VĂN BẢN THÔNG BÁO ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ SỞ DỊCH VỤ THẨM MỸ
(Kèm theo Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ)

…..1……
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

……2…….., ngày.... tháng... năm 20....

THÔNG BÁO ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG
CỦA CƠ SỞ DỊCH VỤ THẨM MỸ

Kính gửi: 3......................................................

I. THÔNG TIN CHUNG VỀ CƠ SỞ:

1. Tên cơ sở: .......................................................................................................................

2. Địa chỉ: .............................................................................................................................

3. Điện thoại: ............................... Số Fax: ............................... Email:................................

II. NHÂN SỰ CỦA CƠ SỞ:

STT

Họ và tên

Cơ sở cấp chứng nhận, chứng chỉ hành nghề xăm, phun, thêu 4

Cơ sở chứng nhận đã được tập huấn về phòng, chống lây nhiễm các bệnh qua đường máu, dịch sinh học 5

1

2

...

III. THIẾT BỊ CỦA CƠ SỞ:

STT

Tên thiết bị

Ký hiệu thiết bị (MODEL)

Nguồn gốc xuất xứ

Số lượng

Tình trạng sử dụng

1

2

IV. THỜI GIAN BẮT ĐẦU HOẠT ĐỘNG: ngày ……… tháng ……… năm ………

V. PHẠM VI HOẠT ĐỘNG ĐĂNG KÝ: .............................................6..........................................

NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ SỞ
(Ký, ghi rõ họ tên)

_______________

1 Tên cơ sở dịch vụ thẩm mỹ.

2 Địa danh.

3 Sở Y tế nơi cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hoạt động.

4 Đối với người có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo về phun, xăm, thêu trên da.

5 Đối với người có giấy chứng nhận đã được tập huấn về phòng, chống lây nhiễm các bệnh qua đường máu, dịch sinh học.

6 Ghi cụ thể các dịch vụ thẩm mỹ của cơ sở trừ các dịch vụ được quy định tại khoản 2 Điều 38 Nghị định số ...../2016/NĐ-CP ngày … tháng … năm 2016.

PHỤ LỤC IX

MẪU VĂN BẢN THÔNG BÁO ĐỦ ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ SỞ DỊCH VỤ XOA BÓP
(Kèm theo Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ)

………..1………..
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

……2…….., ngày.... tháng... năm 20....

THÔNG BÁO ĐỦ ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG
CỦA CƠ SỞ DỊCH VỤ XOA BÓP (MASSAGE)

Kính gửi: 3......................................................

I. THÔNG TIN CHUNG VỀ CƠ SỞ:

1. Tên cơ sở xoa bóp (massage): .......................................................................................

2. Địa chỉ: .............................................................................................................................

3. Điện thoại: ..................................Số Fax: ............................... Email: .............................

4. Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở:

- Họ và tên: ..........................................................................................................................

- Văn bằng chuyên môn:4 ....................................................................................................

II. DANH SÁCH NHÂN VIÊN THỰC HIỆN KỸ THUẬT XOA BÓP TẠI CƠ SỞ:

STT

Họ và tên nhân viên thực hiện kỹ thuật xoa bóp

Thời gian đăng ký làm việc tại cơ sở

1

2

...

III. DỤNG CỤ Y TẾ CỦA CƠ SỞ:

STT

Tên dụng cụ y tế5

Số lượng

Tình trạng sử dụng

1

2

IV. THỜI GIAN BẮT ĐẦU HOẠT ĐỘNG: ngày ... tháng ... năm ...

NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ SỞ
(Ký, ghi rõ họ tên)

_______________

1 Tên cơ sở dịch vụ xoa bóp.

2 Địa danh.

3 Sở Y tế nơi cơ sở dịch vụ xoa bóp hoạt động.

4 Ghi cụ thể văn bằng, chứng chỉ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 39 Nghị định số ......./2016/NĐ-CP ngày … tháng … năm 2016.

5 Liệt kê theo điểm b khoản 2 Điều 39 Nghị định số ...../2016/NĐ-CP ngày … tháng … năm 2016.

PHỤ LỤC X

(Kèm theo Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ)

1. Mẫu 01: Văn bản công bố cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện thực hiện khám sức khỏe.

2. Mẫu 02: Danh sách người thực hiện khám sức khỏe.

3. Mẫu 03: Phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện thực hiện khám sức khỏe.

Mẫu 01

………..1………..
………..2………..
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

Số: /VBCB-……3……..

……4…….., ngày.... tháng... năm 20....

VĂN BẢN CÔNG BỐ

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện thực hiện khám sức khỏe

Kính gửi: ...................................................... 5 ......................................................

Tên cơ sở nộp hồ sơ: ..........................................................................................................

Địa điểm: .................................................................... 6 ......................................................

Điện thoại: ...................................................... Email (nếu có): ...........................................

Công bố đủ điều kiện thực hiện khám sức khỏe và gửi kèm theo văn bản này 01 bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau đây:7

1. Bản sao hợp lệ Giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

2. Danh sách người tham gia khám sức khỏe

3. Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức và nhân sự của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

4. Báo cáo về phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở KSK

5. Các hợp đồng hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật hợp pháp đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư này.

GIÁM ĐỐC
(Ký, ghi rõ họ, tên và đóng dấu)

_______________

1 Tên cơ quan chủ quản của cơ sở khám sức khỏe

2 Tên của cơ sở khám sức khỏe

3 Chữ viết tắt tên cơ sở khám sức khỏe

4 Địa danh.

5 Tên cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại Khoản 4 Điều 45 Nghị định số ........./2016/NĐ-CP ngày … tháng … năm 2016

6 Địa chỉ cụ thể của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

7 Đánh dấu X vào ô vuông tương ứng với những giấy tờ có trong hồ sơ.

Mẫu 02

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

DANH SÁCH NGƯỜI THỰC HIỆN KHÁM SỨC KHỎE

1. Tên cơ sở khám sức khỏe: ..............................................................................................

2. Địa chỉ: .............................................................................................................................

3. Thời gian hoạt động của cơ sở khám sức khỏe: 1 ...........................................................

4. Danh sách người thực hiện khám sức khỏe:

STT

Họ và tên

Số chứng chỉ hành nghề

Phạm vi hoạt động chuyên môn

Vị trí chuyên môn2

1

2

……3….., ngày.... tháng... năm...
Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám sức khỏe
(Ký, đóng dấu và ghi rõ họ tên)

_______________

1 Ghi rõ từ mấy giờ đến mấy giờ trong ngày và mấy ngày trong tuần.

2 Ghi cụ thể chức danh, vị trí chuyên môn được phân công đảm nhiệm.

3 Địa danh.

Mẫu 03

………..1………..
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

Số: /PTN-……2……..

……3…….., ngày.... tháng... năm 20....

PHIẾU TIẾP NHẬN

Hồ sơ công bố cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện thực hiện khám sức khỏe

Họ và tên: ...........................................................................................................................

Chức vụ: .............................................................................................................................

Đơn vị công tác: .................................................................................................................

Đã tiếp nhận hồ sơ công bố cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe của ………….4……………. bao gồm:

1. ...................................................... 5 ......................................................

2. ......................................................... ......................................................

3. ......................................................... ......................................................

4. ......................................................... ......................................................

5. ......................................................... ......................................................

.....................................................................................................................

…….., ngày.... tháng... năm 20...
NGƯỜI TIẾP NHẬN HỒ SƠ
(Ký, ghi rõ chức danh, họ và tên)

Tiếp nhận hồ sơ bổ sung lần: ngày tháng năm Ký nhận

Tiếp nhận hồ sơ bổ sung lần: ngày tháng năm Ký nhận

Tiếp nhận hồ sơ bổ sung lần: ngày tháng năm Ký nhận

_______________

1 Tên cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2 Chữ viết tắt tên cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

3 Địa danh.

4 Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động.

5 Liệt kê đầy đủ các giấy tờ có trong hồ sơ.

PHỤ LỤC XI

(Kèm theo Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ)

1. Mẫu 01: Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2. Mẫu 02: Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức và nhân sự của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

3. Mẫu 03: Điều lệ tổ chức và hoạt động của bệnh viện tư nhân.

4. Mẫu 04: Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi thay đổi địa điểm.

5. Mẫu 05: Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động khi thay đổi tên đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

6. Mẫu 06: Đơn đề nghị điều chỉnh nội dung giấy phép hoạt động do thay đổi quy mô, cơ cấu tổ chức hoặc phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

7. Mẫu 07: Đơn đề nghị thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

8. Mẫu 08: Đơn đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động do bị mất hoặc hư hỏng hoặc bị thu hồi.

9. Mẫu 09: Phiếu tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

10. Mẫu 10: Giấy xác nhận quá trình hành nghề.

Mẫu 01

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

……1…….., ngày.... tháng... năm 20....

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Kính gửi: ........................2..............................

Tên cơ sở đề nghị cấp giấy phép hoạt động: ......................................................................

Địa điểm:3 ............................................................................................................................

Điện thoại: ............................... Số Fax: ............................... Email (nếu có): .....................

Thời gian làm việc hằng ngày: ............................................................................................

(Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh) gửi kèm theo đơn này 01 bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây4:

1. Bản sao hợp lệ văn bản về việc thành lập đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh5:

- Bản sao hợp lệ quyết định thành lập hoặc văn bản có tên của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước

- Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân

- Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đầu tư đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài

2. Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật, người phụ trách bộ phận chuyên môn

3. Danh sách đăng ký người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

4. Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức và nhân sự của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

5. Tài liệu chứng minh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất và điều kiện vệ sinh môi trường phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn quy định tại một trong các Điều 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40 của Nghị định này.

6. Điều lệ tổ chức và hoạt động đối với bệnh viện

7. Bản sao hợp lệ hợp đồng vận chuyển người bệnh đối với trường hợp bệnh viện không có phương tiện vận chuyển cấp cứu ngoài bệnh viện

8. Danh mục chuyên môn kỹ thuật và phân tuyến kỹ thuật dự kiến

9. Bản sao hợp lệ hợp đồng hỗ trợ chuyên môn đối với cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh

10. Bản sao hợp lệ hợp đồng vận chuyển người bệnh với công ty dịch vụ hàng không trong trường hợp có cung cấp dịch vụ vận chuyển người bệnh ra nước ngoài

Kính đề nghị quý cơ quan xem xét và cấp giấy phép hoạt động.

GIÁM ĐỐC
(Ký, đóng dấu và ghi rõ họ tên)

_______________

1 Địa danh.

2 Tên cơ quan cấp giấy phép hoạt động.

3 Địa chỉ cụ thể của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

4 Đánh dấu X vào ô vuông tương ứng với những giấy tờ có trong hồ sơ.

5 Đánh dấu X vào ô vuông tương ứng với những giấy tờ tương ứng với hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Mẫu 02

BẢN KÊ KHAI CƠ SỞ VẬT CHẤT, THIẾT BỊ Y TẾ, TỔ CHỨC VÀ NHÂN SỰ CỦA CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

I. THÔNG TIN CHUNG:

1. Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

2. Địa chỉ:

Điện thoại: ............................... Số Fax: ....................... Email: ............................................

3. Quy mô:…………….. giường bệnh

II. T CHC:

1. Hình thức tổ chức1:

2. Cơ cấu tổ chức2:

III. NHÂN S:

1. Danh sách trưởng khoa, phụ trách phòng, bộ phận chuyên môn:

STT

Họ và tên

Số chứng chỉ hành nghề đã được cấp

Phạm vi hoạt động chuyên môn

Thời gian đăng ký làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (ghi cụ thể thời gian làm việc)

Tên khoa, phòng, bộ phận chuyên môn

Vị trí, chức danh được bổ nhiệm

1

2

...

2. Danh sách người hành nghề:

STT

Họ và tên

Số chứng chỉ hành nghề đã được cấp

Phạm vi hoạt động chuyên môn

Thời gian đăng ký làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (ghi cụ thể thời gian làm việc)

Vị trí chuyên môn

1

2

3. Danh sách người làm việc:

STT

Họ và tên

Văn bằng chuyên môn

Thời gian đăng ký làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (ghi cụ thể thời gian làm việc)

Vị trí làm việc3

1

2

...

IV. THIẾT BỊ Y T:

STT

Tên thiết bị

Ký hiệu (MODEL)

Hãng sản xuất

Xuất xứ

Năm sản xuất

Số lượng

Tình trạng sử dụng (%)

Ghi chú

1

2

3

V. CƠ SỞ VẬT CHẤT:

1. Tổng diện tích mặt bằng:

2. Tổng diện tích xây dựng: ....................... diện tích ......... m2/giường bệnh

3. Kết cấu xây dựng nhà:

4. Diện tích xây dựng trung bình cho 01 giường bệnh (đối với bệnh viện):

5. Diện tích các khoa, phòng, buồng kỹ thuật chuyên môn, xét nghiệm, buồng bệnh:

6. Bố trí các khoa/chuyên khoa, phòng (liệt kê cụ thể):

7. Các điều kiện vệ sinh môi trường:

a) Xử lý nước thải:

b) Xử lý rác y tế, rác sinh hoạt:

8. An toàn bức xạ:

9. Hệ thống phụ trợ:

a) Phòng cháy chữa cháy:

b) Khí y tế:

c) Máy phát điện:

d) Thông tin liên lạc:

10. Cơ sở vật chất khác (nếu có):

GIÁM ĐỐC
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)

_______________

1 Ghi cụ thể tên hình thức tổ chức theo quy định tại Điều 22 Nghị định số ..../2016/NĐ-CP ngày … tháng … năm 2016

2 Ghi rõ tên các khoa (khoa lâm sàng, khoa cận lâm sàng), phòng, bộ phận chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

3 Ghi cụ thể chức danh, vị trí làm việc được phân công đảm nhiệm.

Mẫu 03

………..1………..
………..2………..
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

……3…….., ngày.... tháng... năm 20....

ĐIỀU LỆ

Tổ chức và hoạt động của bệnh viện tư nhân

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Địa vị pháp lý

Điều 2. Tên giao dịch, địa điểm hành nghề

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động chuyên môn

Điều 4. Các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội của Bệnh viện

Chương II

MỤC TIÊU, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ PHẠM VI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN

Điều 5. Mục tiêu

Điều 6. Chức năng, nhiệm vụ

Điều 7. Phạm vi hoạt động chuyên môn

Chương III

QUY MÔ, TỔ CHỨC, NHÂN SỰ

Điều 8. Quy mô bệnh viện

Điều 9. Cơ cấu tổ chức

1. Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên đối với bệnh viện.

2. Giám đốc, các Phó Giám đốc bệnh viện.

3. Các Hội đồng trong bệnh viện.

4. Các phòng chức năng.

5. Các khoa, bộ phận chuyên môn.

Điều 10. Nhân sự

Điều 11. Nhiệm vụ quyền hạn Giám đốc, các Phó Giám đốc bệnh viện

Điều 12. Nhiệm vụ quyền hạn của các trưởng khoa, phòng bệnh viện

Điều 13. Mối quan hệ giữa Chủ tịch Hội đồng quản trị/Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty với người phụ trách chuyên môn bệnh viện (Giám đốc bệnh viện)

Điều 14. Quyền lợi của người lao động

Chương IV

TÀI CHÍNH CỦA BỆNH VIỆN

Điều 15. Vốn đầu tư ban đầu

Điều 16. Chế độ tài chính của bệnh viện

Điều 17. Quản lý tài sản, thiết bị

Chương V

MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 18. Chính quyền địa phương, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các cơ quan có liên quan khác

1. Mối quan hệ công tác với chính quyền địa phương

2. Mối quan hệ công tác với Bộ Y tế, Sở Y tế

3. Mối quan hệ công tác với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trên địa bàn.

GIÁM ĐỐC
(Ký, ghi rõ họ tên)

_______________

1 Tên Công ty.

2 Tên cơ sở khám bệnh chữa bệnh.

3 Địa danh.

Mẫu 04

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

……1…….., ngày.... tháng... năm 20....

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi thay đổi địa điểm

Kính gửi: .....................2.................................

Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: .............................................................................................

Địa điểm của cơ sở khám bệnh chữa bệnh trước đây: ..............................................................

Địa điểm của cơ sở khám bệnh chữa bệnh đề nghị chuyển đến: .............................................

Điện thoại: ...................................................... Email (nếu có): ...................................................

Thời gian làm việc hằng ngày: .....................................................................................................

Đề nghị được cấp giấy phép hoạt động do thay đổi địa điểm hoạt động.

(Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc công ty) gửi kèm theo đơn này 01 bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây3:

1. Bản gốc giấy phép hoạt động đã được cấp

2. Bản sao hợp lệ văn bản về việc thành lập đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh4:

- Bản sao hợp lệ quyết định thành lập hoặc văn bản có tên của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước

- Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân

- Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đầu tư đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài

3. Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật, người phụ trách bộ phận chuyên môn

4. Danh sách đăng ký người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

5. Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức và nhân sự của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

6. Tài liệu chứng minh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất và điều kiện vệ sinh môi trường phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn quy định tại một trong các Điều 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40 của Nghị định này.

7. Điều lệ tổ chức và hoạt động đối với bệnh viện

8. Bản sao hợp lệ hợp đồng vận chuyển người bệnh đối với trường hợp bệnh viện không có phương tiện vận chuyển cấp cứu ngoài bệnh viện

9. Danh mục chuyên môn kỹ thuật và phân tuyến kỹ thuật dự kiến

10. Bản sao hợp lệ hợp đồng hỗ trợ chuyên môn đối với cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh

11. Bản sao hợp lệ hợp đồng vận chuyển người bệnh với công ty dịch vụ hàng không trong trường hợp có cung cấp dịch vụ vận chuyển người bệnh ra nước ngoài

Kính đề nghị quý cơ quan xem xét và cấp lại giấy phép hoạt động.

GIÁM ĐỐC
(Ký, đóng dấu và ghi rõ họ tên)

_______________

1 Địa danh.

2 Cơ quan cấp giấy phép hoạt động.

3 Đánh dấu X vào ô vuông tương ứng với những giấy tờ có trong hồ sơ.

4 Đánh dấu X vào ô vuông tương ứng với những giấy tờ tương ứng với hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Mẫu 05

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

……1…….., ngày.... tháng... năm 20....

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Cấp giấy phép hoạt động khi thay đổi tên đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Kính gửi: .......................2...............................

Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp trước đây: ..............................................

Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề nghị thay đổi: ..........................................................

Địa điểm: ...................................................... 3 ...................................................................

Điện thoại: ...................................................... Email (nếu có): ..........................................

Đề nghị được cấp giấy phép hoạt động do thay đổi tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Hồ sơ bao gồm4:

1. Bản sao hợp lệ văn bản về việc thành lập đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh5:

- Bản sao hợp lệ quyết định thành lập hoặc văn bản có tên của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước

- Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân

- Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đầu tư đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài

2. Đổi tên trong Điều lệ tổ chức và hoạt động đối với bệnh viện.

3. Bản sao hợp lệ hợp đồng với công ty dịch vụ hàng không để vận chuyển người bệnh đối với cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người ra nước ngoài.

4. Bản sao hợp lệ hợp đồng vận chuyển người bệnh đối với bệnh viện không có phương tiện vận chuyển cấp cứu.

5. Hồ sơ pháp lý của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đổi theo tên mới.

Kính đề nghị quý cơ quan xem xét và cấp lại giấy phép hoạt động.

GIÁM ĐỐC
(Ký, đóng dấu và ghi rõ họ tên)

_______________

1 Địa danh.

2 Cơ quan cấp giấy phép hoạt động.

3 Địa chỉ hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

4 Đánh dấu X vào ô vuông tương ứng với những giấy tờ có trong hồ sơ.

5 Đánh dấu X vào ô vuông tương ứng với những giấy tờ tương ứng với hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Mẫu 06

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

……1…….., ngày.... tháng... năm 20....

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Điều chỉnh nội dung giấy phép hoạt động do thay đổi quy mô giường bệnh hoặc cơ cấu tổ chức hoặc phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Kính gửi: ............................2..........................

Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: .....................................................................................

Địa điểm: ......................................................3 .....................................................................

Điện thoại: ...................................................... Email (nếu có): ...........................................

Đề nghị điều chỉnh giấy phép hoạt động vì: 4

Thay đổi quy mô giường bệnh

Thay đổi cơ cấu tổ chức

Thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn.

Hồ sơ bao gồm:5

1. Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức và nhân sự bổ sung của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

2. Hợp đồng mua thiết bị y tế bổ sung

3. Hồ sơ nhân sự bổ sung của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

4. Phạm vi hoạt động chuyên môn dự kiến

GIÁM ĐỐC
(Ký, đóng dấu và ghi rõ họ tên)

_______________

1 Địa danh.

2 Cơ quan cấp giấy phép hoạt động.

3 Địa chỉ hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

4 Đánh dấu X vào nội dung đề nghị phù hợp.

5 Đánh dấu X vào ô vuông tương ứng với những giấy tờ có trong hồ sơ.

Mẫu 07

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

……1…….., ngày.... tháng... năm 20....

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Kính gửi: .........................2...............................

Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: ...................................................................................

Địa điểm: ................................3..........................................................................................

Điện thoại: ...................................................... Email (nếu có): .........................................

Đề nghị điều chỉnh Giấy phép hoạt động vì thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật (CMKT) của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

Hồ sơ bao gồm: 4

1. Quyết định bãi nhiệm người chịu trách nhiệm CMKT trước đây

2. Quyết định bổ nhiệm người chịu trách nhiệm CMKT mới

3. Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm CMKT mới

4. Hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng người chịu trách nhiệm CMKT mới

5. Giấy xác nhận quá trình thực hành hoặc tài liệu chứng minh quá trình thực hành của người chịu trách nhiệm CMKT mới

6. Bản gốc Giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp

GIÁM ĐỐC
(Ký, đóng dấu và ghi rõ họ tên)

_______________

1 Địa danh.

2 Cơ quan cấp giấy phép hoạt động.

3 Địa chỉ hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

4 Đánh dấu X vào ô vuông tương ứng với những giấy tờ có trong hồ sơ.

Mẫu 08

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

……1…….., ngày.... tháng... năm 20....

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Cấp lại giấy phép hoạt động do bị mất hoặc hư hỏng hoặc bị thu hồi

Kính gửi: ........................2..............................

Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: .....................................................................................

Địa điểm: ......................................................3 .....................................................................

Điện thoại:...................................................... Email (nếu có): ............................................

Giấy phép hoạt động số: ..................................Ngày cấp: ………… Nơi cấp ………………

Đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động vì lý do:4

- Bị mất

- Bị hư hỏng

- Bị thu hồi theo điểm a khoản 1 Điều 48 Luật khám bệnh, chữa bệnh

Tôi xin gửi kèm theo Đơn này:

- Bản gốc Giấy phép bị hư hỏng (nếu có)

Kính đề nghị quý cơ quan xem xét và cấp lại giấy phép hoạt động.

GIÁM ĐỐC
(Ký, đóng dấu và ghi rõ họ tên)

_______________

1 Địa danh.

2 Cơ quan cấp giấy phép hoạt động.

3 Địa chỉ hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

4 Đánh dấu X vào lý do đề nghị cấp lại.

Mẫu 09

………..1………..
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

Số: /PTN-……2……

……3…….., ngày.... tháng... năm 20....

PHIẾU TIẾP NHẬN

Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Họ và tên: .............................................................................................................................

Chức vụ: ...............................................................................................................................

Đơn vị công tác: ...................................................................................................................

Đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động của ……4…. bao gồm:

1. ……………………………………… 5………………………………………………………..…

2. ……………………………………………………………………………………………………

3. ……………………………………………………………………………………………………

4. ……………………………………………………………………………………………………

5. ……………………………………………………………………………………………………

…. ……………………………………………………………………………………………………

Ngày hẹn cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động: ....................................................

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………….., ngày.... tháng... năm 20...
NGƯỜI TIẾP NHẬN HỒ SƠ
(Ký, ghi rõ chức danh họ và tên)

Tiếp nhận hồ sơ bổ sung lần: ngày tháng năm Ký nhận

Tiếp nhận hồ sơ bổ sung lần: ngày tháng năm Ký nhận

Tiếp nhận hồ sơ bổ sung lần: ngày tháng năm Ký nhận

_______________

1 Tên cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2 Chữ viết tắt tên cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

3 Địa danh.

4 Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động.

5 Liệt kê đầy đủ các giấy tờ có trong hồ sơ.

Mẫu 10

………..1………..
………..2………..
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

Số: /GXNTH

……3…….., ngày.... tháng... năm 20....

GIẤY XÁC NHẬN QUÁ TRÌNH HÀNH NGHỀ

.........................2............................. xác nhận:

Ông/bà: ................................................................................................................................

Ngày, tháng, năm sinh: ........................................................................................................

Địa chỉ cư trú: ......................................................................................................................

Giấy chứng minh nhân dân/Hộ chiếu số4: ...........................................................................

Ngày cấp: ...................................................... Nơi cấp: .......................................................

Văn bằng chuyên môn: .....................5............Năm tốt nghiệp: ............................... đã hành nghề tại ……………………..6……………………….. và đạt kết quả như sau:

1. Thời gian hành nghề:7 .....................................................................................................

2. Năng lực chuyên môn: 8 ..................................................................................................

3. Đạo đức nghề nghiệp:9 ....................................................................................................

GIÁM ĐỐC
(Ký, đóng dấu và ghi rõ họ tên)

_______________

1 Tên cơ quan chủ quản của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2 Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

3 Địa danh.

4 Hộ chiếu còn hạn sử dụng.

5 Ghi văn bằng của người hành nghề.

6 Ghi cụ thể tên khoa phòng làm việc.

7 Ghi cụ thể thời gian hành nghề từ ngày .... tháng ... năm.... đến ngày .... tháng .... năm...

8 Nhận xét cụ thể về khả năng thực hiện các kỹ thuật chuyên môn theo chuyên khoa mà người hành nghề làm việc.

9 Nhận xét cụ thể về giao tiếp, ứng xử của người hành nghề đối với đồng nghiệp và người bệnh.

PHỤ LỤC XII

MẪU GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
(Kèm theo Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ)

……..1……..
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ….2/…3 ….-GPHĐ

GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
............................4..........................

Căn cứ Luật khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Xét đề nghị của ......................................................5 ......................................................

CẤP PHÉP HOẠT ĐỘNG KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: ......................................................6 ...............................

Tên người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật: ................................................................

Số chứng chỉ hành nghề: ……………. Ngày cấp: …………….Nơi cấp:……………………… 7

Hình thức tổ chức: ......................................................8 ...........................................................

Địa điểm hành nghề: ...................................................... 9 ......................................................

Phạm vi hoạt động chuyên môn: Thực hiện kỹ thuật chuyên môn được Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế phê duyệt ban hành kèm theo giấy phép hoạt động.

Thời gian làm việc hằng ngày: .......................................................................................................

……10….., ngày.... tháng... năm 20...
CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Ký ghi rõ họ, tên và đóng dấu)

_______________

1 Tên cơ quan cấp giấy phép hoạt động (Bộ Y tế/ Sở Y tế).

2 Số giấy phép hoạt động.

3 Chữ viết tắt theo mã ký hiệu quy định tại Mẫu 04 Phụ lục III.

4 Chức danh của người có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động.

5 Ghi rõ chức danh người đứng đầu của đơn vị được giao chức năng đầu mối cấp, cấp lại như: Cục trưởng Cục.., Trưởng phòng ...

6 Ghi bằng chữ in hoa, cỡ chữ 14.

7 Áp dụng đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 25, 26, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40 Nghị định số ....../2016/NĐ-CP ngày ……… tháng ……… năm 2016

8 Ghi theo đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động.

9 Địa chỉ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

10 Địa danh.

PHỤ LỤC XIII

MẪU BIÊN BẢN THẨM ĐỊNH CẤP PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
(Kèm theo Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ)

………..1………..
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

……2…….., ngày.... tháng... năm 20....

BIÊN BẢN THẨM ĐỊNH

Cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

I. THÔNG TIN VỀ CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

1. Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: ...................................................................................

2. Địa chỉ: ..............................................................................................................................

3. Điện thoại:.............................................................Email (nếu có): ...................................

4. Fax: ..................................................................................................................................

II. THÀNH PHẦN THAM GIA

1. Thành phần đoàn thẩm định:

2. Đại diện cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thẩm định:

III. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Căn cứ Luật khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;

- Căn cứ Nghị định số /2016/NĐ-CP ngày tháng năm 2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

- Các văn bản khác có liên quan …….

IV. NỘI DUNG THẨM ĐỊNH

1. Hồ sơ pháp lý:

Liệt kê đầy đủ các giấy tờ có liên quan đến cơ sở vật chất, nhân sự, thiết bị y tế.

Nhận xét:

............................................................................................................................................

2. Tổ chức bộ máy:

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có quy mô... được tổ chức như sau:

a) Bộ phận quản lý:

- Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên (nếu có);

- Ban giám đốc (nếu có);

- Các phòng Kế hoạch tổng hợp, điều dưỡng, tài chính... (nếu có).

b) Bộ phận chuyên môn: Bao gồm các khoa/phòng chuyên khoa theo các hình thức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Nhận xét:

………………………………………………………………………………………………………

3. Nhân sự:

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có tổng số nhân viên, trong đó nhân viên làm công việc chuyên môn

(Thạc sỹ; BSCKII; BS và BSCKI; dược sỹ đại học, dược sỹ trung học; điều dưỡng và kỹ thuật viên), nhân viên khác.

STT

Chức danh

Khoa khám bệnh

Khoa …………

Khoa cận lâm sàng

Khoa dược

1

Thạc sĩ

2

BSCKII

Tổng số

STT

Chức danh

Hợp đồng làm việc thường xuyên (toàn thời gian)

Hợp đồng làm việc không thường xuyên (một phần thời gian)

Tổng số

1

Thạc sĩ

…..

Tổng số

Nhận xét:

………………………………………………………………………………………………………

5. Cơ sở vật chất:

a) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gồm số lượng nhà, số tầng hoặc số phòng với tổng diện tích sử dụng là: ... m2, bố trí như sau:

Nhà A (01):

Tầng 1: Diện tích………. m2, gồm:

Tầng 2: Diện tích ……… m2, gồm:

......................................................

Nhà …….. (…):

......................................................

- Hệ thống điện:

- Hệ thống cấp nước:

- Hệ thống thông tin liên lạc:

- Hệ thống phòng cháy chữa cháy:

b) Điều kiện vệ sinh môi trường:

- Hệ thống xử lý nước thải:

- Hệ thống thoát nước:

- Xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải y tế:

Nhận xét:

......................................................

6. Thiết bị y tế:

Liệt kê các thiết bị y tế

Nhận xét:

......................................................

7. Phạm vi hoạt động chuyên môn và danh mục kỹ thuật chuyên môn:

8. Bảng giá dịch vụ y tế dự kiến.

V. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

1. Kết luận.

2. Kiến nghị (nếu có).

3. Ý kiến không đồng ý với kết luận hoặc kiến nghị của Đoàn thẩm định (nếu có).

Chữ ký của các thành viên đoàn thẩm định và đại diện cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thẩm định.

_______________

1 Tên cơ quan tiến hành thẩm định

2 Địa danh.

PHỤ LỤC XIV

MẪU GIẤY XÁC NHẬN CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ ĐỐI VỚI THỢ TRỒNG RĂNG
(Kèm theo Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ)

………..1………..
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

Số: /GXN

……2…….., ngày.... tháng... năm 20....

GIẤY XÁC NHẬN

..............................3........................ xác nhận:

Ông/bà:.................................................................................................................................

Ngày, tháng, năm sinh: ........................................................................................................

Địa chỉ thường trú: 4..............................................................................................................

Giấy chứng minh nhân dân/Số định danh cá nhân/Số hộ chiếu 5:.......................................

Ngày cấp ...................................................... Nơi cấp: ........................................................

Đã làm thợ trồng răng (nha công) từ năm 1980 trở về trước trên địa bàn xã ……1………… (kèm theo giấy tờ liên quan chứng minh việc làm nha công thực tế tại đó6).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
(XÃ/PHƯỜNG/THỊ TRẤN)
CHỦ TỊCH

(Ký ghi rõ họ, tên và đóng dấu)

_______________

1 Tên xã, phường, thị trấn.

2 Địa danh.

3 Đại diện Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

4 Ghi rõ địa chỉ theo nơi đăng ký thường trú.

5 Ghi một trong ba thông tin về số chứng minh nhân dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu còn hạn sử dụng.

6 Giấy cho phép hành nghề hoặc nộp thuế ... (đơn không cấp giấy xác nhận khi không có các giấy tờ này)

THE GOVERNMENT
---------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
--------------

No. 109/2016/ND-CP

Ha Noi, July 01, 2016

 

DECREE

ON ISSUANCE OF PRACTICE CERTIFICATES TO HEALTHCARE PRACTITIONERS AND OPERATION LICENSES TO HEALTHCARE FACILITIES

Pursuant to the Law of Government organization dated June 19, 2015;

Pursuant to the Law on investment dated November 26, 2014;

Pursuant to the Law on Medical examination and treatment dated November 23, 2009;

At the request of the Minister of Health;

The Government hereby promulgates the Decree on issuance of practice certificates to healthcare practitioners and operation licenses to healthcare facilities.

Chapter I

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 1. Scope of regulation

1. This Decree provides for:

a) Composition of applications and procedures for issuance and reissuance of practice certificates to healthcare practitioners;

b) Requirements, composition of applications and procedures for issuance, reissuance and modification of operation licenses for healthcare facilities.

2. This Decree does not cover the issuance of practice certificates to healthcare practitioners and operation licenses to healthcare facilities serving the military.

Article 2. Regulated entities

This Decree applies to Vietnamese and foreign agencies, organizations and individuals located in Vietnam (hereinafter referred to as organizations and individuals) that carrying out activities relevant to healthcare provision in Vietnam.

Article 3. Interpretation of terms

1. A chief physician of a healthcare facility is the one having a practice certificate as prescribed in the Law on Medical examination and treatment who works full-time at the healthcare facility in an appropriate scope of practice and takes legal responsibility for all the professional activities of the healthcare facility.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. A full-time healthcare practitioner means a person working consecutively 8 hours per day within the time registered by his/her healthcare facility or working during the whole medical facility’s working time if it is less than 8 hours per day.

4. A part-time healthcare practitioner means the one working at a healthcare facility whose working time is less then that prescribed in clause 3 of this Article.

Chapter II

ISSUANCE AND REISSUANCE OF PRACTICE CERTIFICATES

Section 1. COMPOSITION OF APPLICATIONS AND PROCEDURES FOR ISSUANCE AND REISSUANCE OF PRACTICE CERTIFICATES

Article 4. Cases eligible for issuance and/or reissuance of practice certificates

1. Procedures for issuance of a practice certificate apply to the following cases:

a) Initial issuance of a practice certificate.

b) Issuance of a modified practice certificate in case of change in contents of an issued practice certificate, including:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Change in practice scope on the practice certificate when the practitioner applies for change in the practice scope of a speciality different from the expertise scope specified in the practice certificate;

- Change in name or date of birth on the practice certificate.

2. Procedures for reissuance of practice certificates apply to the following cases:

a) The practice certificate is revoked according to regulations on clause 1 Article 29 of the Law on Medical examination and treatment;

b) The practice certificate is lost or damaged.

Article 5. Composition of an application for the practice certificate applicable to Vietnamese citizens

1. The Form No. 01 in Annex I enclosed with this Decree.

2. A valid copy of qualifications suitable for the practice scope applying for the practice certificate. To be specific:

a) A medical degree;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) A bachelor’s degree in chemistry, biology or pharmacy of university level enclosed with a certificate of completion of a medical training in testing which lasts at least 3 months or a certificate of post-graduated education in testing;

d) A certificate of traditional medicine practitioner or a certificate of owner of herbal remedies or treatment methods issued by the Minister of Health or the Director of a Department of Health.

If any of such qualification is lost, a certificate of graduation or a valid copy of the replacing document of the certificate of graduation issued by the issuer of such qualification shall be presented.

3. The form No. 02 in Annex I enclosed with this Decree or valid copies of qualifications of resident physician, level I medical specialist, level II medical specialist, excluding traditional medicine practitioners or owner of herbal remedies or treatment methods.

4. A certificate of health issued by a healthcare facility specified in clause 6 Article 23 and clause 5 Article 25 of this Decree.

5. A criminal record.

6. The form No. 03 in the Annex I enclosed with this Decree which is verified by the head of his/her office, applicable to applicants working at medical facilities by the time of application submission, or by People’s Committee of the commune where he/she resides, applicable to applicants not working for any healthcare facilities by the time of application submission.

7. 2 4x6 photos having white background which was made within 06 months before the date of submission.

Article 6. Composition of an application for an initial practice certificate applicable to foreigners and overseas Vietnamese citizens

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Valid copies of qualifications suitable for professions specified in Article 17 of the Law on Medical examination and treatment.

3. A certificate of completion of internship:

a) The form No. 02 in Annex I enclosed with this Decree, applicable to internship performed in Vietnam;

b) If the internship is performed overseas, the certificate of completion of practice issued by a competent person shall contain the following information: full name of the intern; date of birth; resident address; passport number (date of issue, place of issue); qualifications; year of graduation; place of internship; time of internship; assessment of his/her professional capacity and professional ethics.

4. A valid copy of work permit issued by a Vietnamese labor-affair authority.

5. A valid copy of any of the following documents:

a) A certificate of proficiency in Vietnamese, applicable to foreigners registering to use Vietnamese when providing healthcare services;

b) A certificate of translators qualified for translation in healthcare suitable for the language the practitioner registered to use when providing healthcare services and a labor contract of the translator with the healthcare facility where he/she is working;

c) Regarding foreigners registering to use their native languages when providing healthcare services:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- A certificate of translators qualified for translation in healthcare suitable for the language the practitioner registered to use when providing healthcare services as prescribed in Article 18 of this Decree and a labor contract of the translator with the healthcare facility where he/she is working.

6. A certificate of health suitable for providing healthcare services issued by an eligible healthcare facility or a certificate of health issued by a foreign healthcare facility within 12 months from the date of application submission.

7. A criminal record (applicable to persons not subject to issuance of work permits).

8. 2 4x6 photos having white background which was made within 06 months before the date of submission.

Article 7. Composition of applications for modification of practice certificates

1. An application for supplementation to the practice scope on the practice certificate shall include:

a) The form No. 05 in Annex I enclosed with this Decree;

b) A valid copy of the issued practice certificate;

c) A valid copy of qualifications suitable for the practice scope to be modified;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. An application for change in the practice scope on the practice certificate shall include:

a) The form No. 06 in Annex I enclosed with this Decree;

b) A valid copy of qualifications suitable for the practice scope to be modified;

c) The original of the issued practice certificate;

d) A certificate of completion of internship specified in clause 3 Article 5 of this Decree;

dd) 2 4x6 photos having white background which was made within 06 months before the date of submission.

3. An application for change in name and/or date of birth on the practice certificate shall include:

a) The form No. 07 in Annex I enclosed with this Decree;

b) A valid copy of documents proving the change in name and/or date of birth of the practitioner;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) 2 4x6 photos having white background which was made within 06 months before the date of submission.

Article 8. Composition of applications for reissuance of practice certificates

1. An application for reissuance of a practice certificate which is lost or damaged or revoked according to regulations in points a and b clause 1 Article 29 of the Law on Medical examination and treatment shall include:

a) The Form No. 08 in Annex I enclosed with this Decree;

b) 2 4x6 photos having white background which was made within 06 months before the date of submission.

2. An application for reissuance of a practice certificate which is revoked according to regulations in points c, d, dd e and g clause 1 Article 29 of the Law on Medical examination and treatment shall include:

a) The form No. 09 in Annex I, applicable to Vietnamese citizens or the form No. 10 in Annex I, applicable to foreigners or overseas Vietnamese citizens, enclosed with this Decree;

b) A certificate of consecutive updating of medical knowledge according to regulations of the Minister of Health;

c) Papers and documents specified in clauses 2, 4, 5, 6 and 7 Article 5 of this Decree, applicable to Vietnamese citizens; papers and documents specified in clauses 2, 4, 5, 6, 7 and 8 Article 6 of this Decree, applicable to foreigners and overseas Vietnamese citizens.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The submission of an application for issuance/reissuance of a practice certificate specified in Articles 5, 6, 7 and 8 of this Decree shall be carried out as follows:

a) The applicant for issuance/reissuance of a practice certificate of cases specified in points a, b and c clause 1 Article 26 of the Law on Medical examination and treatment shall send 01 set of application to the Ministry of Health;

b) The applicant for issuance/reissuance of a practice certificate who is working at a healthcare facility under the management of the Department of Health, excluding cases specified in point a of this clause shall send 01 set of application to the Department of Health.

2. If the practitioner having a practice certificate issued by the Ministry of Health or the Department of Health changes his/her workplace, the application for issuance/reissuance of a practice certificate shall be submitted as follows:

a) Any practitioner working at a healthcare facility under the management of the Department of Health shall send the application to the Department of Health of the province where such healthcare facility is located;

b) Any practitioner working at a healthcare facility under the management of the Ministry of Health shall send the application to the Ministry of Health.

3. If the healthcare practitioner is not working for a healthcare facility by the time of application for issuance/reissuance of the practice certificate, the application shall be sent to the Department of Health of the province where he/she registers the permanent residence.

Article 10. Procedures for issuance/reissuance and management of practice certificates

1. After receiving an application for issuance/reissuance of a practice certificate, the Ministry of Health or the Department of Health (hereinafter referred to as application-receiving authority) shall issue an application receipt note using the form specified in Annex II enclosed with this Decree. To be specific:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) If the application is sent by post, then within 02 days from the day on which the application is received (pursuant to the coming postmark), the application-receiving authority shall send the receipt note to the applicant;

2. Within 20 days from the date written on the Receipt note, the application-receiving authority shall conduct the inspection of the application and make an appraisal record).

3. If the application is satisfactory, within 10 working days from the day on which the appraisal record is issued, the application-receiving authority shall issue/reissue the practice certificate.

4. Regarding unsatisfactory applications:

a) Within 05 working days from the day on which the appraisal record is issued, the application-receiving authority shall send the applicant a written notification containing a request for completion of the application. Such notification must specify the documents subject to supplementation and those subject to modification.

b) After receiving the request for completion of the application, the applicant shall comply with the request and send the revised application to the application-receiving authority. The application-receiving authority shall send the Receipt note for the revised application to the applicant.

c) The application-receiving authority shall continue the procedures as prescribed in clauses 2 and 3 and point a clause 4 of this Article. If the revised application is still unsatisfactory, the application-receiving authority shall continue guiding the applicant on the completion of the application.

d) If the applicant fails to make supplementation or modification of the application within 60 days from the day on which the application-receiving authority’s request for completion of the application is received, the procedures for issuance/reissuance of the practice certificate shall be re-conducted.

5. Management of practice certificates:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Application-receiving authorities shall themselves print the samples of practice certificates using the form specified in point a of this clause, ensure the continuity of numbers of the practice certificates during the issuance and ensure that each practitioner is issued with no more than one practice certificate.

c) Departments of Health shall use the samples of practice certificates issued by the Ministry of Health until December 31, 2016.

Article 11. Advisory councils for issuance/reissuance of practice certificates

1. The Minister of Health or the Director of the Department of Health shall establish an advisory council for issuance/reissuance of practice certificates (hereinafter referred to as Advisory council) according to regulations in clause 4 Article 28 of the Law on Medical examination and treatment.

2. The Chairperson of the Advisory council shall direct the establishment and sending of the operation regulation for the Advisory council to the Minister of Health or the Director of the Department of Health for approval and implementation.

Section 2. REGISTRATION OF HEALTHCARE PRACTICE

Article 12. Rules for registration of healthcare practice

1. A healthcare practitioner shall work as a chief physician of only one healthcare facility.

2. A healthcare practitioner shall register to work as a person taking charge of only one department of one healthcare facility. A healthcare practitioner must not take charge of more than one department of one or multiple healthcare facilities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. A healthcare practitioner working at a healthcare facility may register to being a chief physician of a healthcare facility which operates overtime.

5. A healthcare practitioner working at a state-owned healthcare facility must not register to be the head of a private hospital or a healthcare facility established and operated according to the Law on Enterprise or the Law on Cooperatives unless he/she is appointed by a competent authority to participate in the management and/or direction of a state-owned healthcare facility.

6. Any healthcare practitioner having registered to work as a chief physician of a healthcare facility may register to work overtime at another healthcare facility.

7. Any healthcare practitioner may register to work at one or multiple healthcare facilities, provided that he/she does not register to work in a period of time at multiple healthcare facilities and the total amount of overtime work does not exceed 200 hours as prescribed in the Labor Code. The healthcare practitioner must ensure the reasonability of the travel between the registered places of practice.

8. If a healthcare practitioner having registered to work at a healthcare facility carries out healthcare activities in an alternate mode between humanitarian healthcare and healthcare on contract between healthcare facilities, he/she is not required to registered to practice at such facilities.

Article 13. Registration of healthcare practice

1. The registration of practice shall be carried out by the chief physician of the healthcare facility using the form specified in Annex IV enclosed with this Decree.

2. Contents of practice registration:

a) Place of practice: name and address of the healthcare facility for practice;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Titles and professional positions of the practitioner: the List of persons registering practice must contain their titles (chief physicians or other positions).

3. If a practitioner on the abovementioned list is practicing at another healthcare facility, his/her registration of practice must contain time, location and his/her professional position at such facility.

Article 14. Procedures for registration of healthcare practice

1. Time of practice registration:

a) Regarding healthcare facilities applying for operation licenses, the registration of practice for practitioners shall be carried out at the time of application for operation licenses;

b) Regarding healthcare facilities having operation licenses which have changes in staff members, within 10 working days from the day on which the change is made, the chief physician working for such healthcare facilities shall notify the authority receiving the application for practice registration specified in clause 2 of this Article.

2. Receipt of application for practice registration in case of change in practitioners:

a) The Ministry of Health is responsible for receiving applications for practice registration from healthcare facilities affiliated to the Ministry of Health;

b) Departments of Health are responsible for receiving applications for practice registration of healthcare facilities located in the areas under their management, excluding healthcare facilities specified in point a of this clause.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Within 05 working days from the day on which the operation license or the updated list of practitioners specified in clause 1 Article 14 of this Decree is received, the Department of Health shall, within their competence, receive the application for practice registration specified in point b clause 2 Article 14 of this Decree and send the list of practitioners to the Ministry of Health.

2. Within 05 working days from the day on which the operation license or the updated list of practitioners specified in clause 1 Article 14 of this Decree is received, the Ministry of Health shall, within their competence, receive the application for practice registration specified in point a clause 2 Article 14 of this Decree and send such application and list to the Department of Health where the healthcare facility is headquartered.

3. Publication of list of applicants:

a) The Ministry of Health shall post the list of applicants which fully contains the information specified in Annex IV enclosed with this Decree on its website;

b) Departments of Health shall post the list of applicants which fully contains the information specified in Annex IV enclosed with this Decree according to their registration-receiving competence provided for in point b clause 2 Article 14 of this Decree on their websites.

Section 3. PRACTICE FOR ISSUANCE OF PRACTICE CERTIFICATE

Article 16. Organization of internship

1. Acceptance of intern:

a) The intern shall send an application for practice using the form No. 01 of Annex V enclosed with this Decree and valid copies of healthcare-related qualifications to the healthcare facility where he/she registered the internship;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Assignment of internship instructors:

Head of the healthcare facility shall issue a decision on assignment of practice instructors using the form No. 03 in Annex V enclosed with this Decree. An intern instructor may provide instruction for no more than 5 interns at once.

3. Any internship instructors shall satisfy the following requirements:

a) Having a practice certificate;

b) Having practice scope suitable for the qualification of the intern, having training level equivalent to or higher than that of the intern and having practiced healthcare for at least 3 consecutive years.

4. Responsibilities of internship instructors:

a) Provide interns with guidance on healthcare internship;

b) Assess the internship results and take responsibility for their assessment;

c) Take responsibility in case the intern makes professional mistake during the internship process that affects the patient's health and such mistake is caused due to the instructor's fault.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Section 4. CRITERIA FOR RECOGNITION OF PROFICIENCY IN VIETNAMESE OR ANOTHER LANGUAGE OR ELIGIBILITY FOR MAKING TRANSLATION IN HEALTHCARE

Article 17. Criteria for recognition of proficiency in Vietnamese or another language or eligibility for making translation in healthcare

1. A practitioner shall be recognized being proficient in Vietnamese used in healthcare if he/she has been tested and recognized by an educational institution specified in Article 19 of this Decree, excluding cases specified in clause 3 of this Article.

2. If the practitioner registers a non-native language or Vietnamese as the language to be used in healthcare activities, he/she shall be tested and recognized by an educational institution specified in Article 19 of this Decree to be proficient in the registered language, excluding cases specified in clause 3 of this Article.

3. A practitioner shall be eligible for being recognition proficient in Vietnamese or another language in healthcare if he/she has any of the following qualifications:

a) A medical degree of intermediate level or higher level issued by a Vietnamese or foreign lawful training institution with the training program conducted in Vietnamese or the language which the practitioner registers to use in healthcare;

b) A certificate of completion of a medical training course which lasts at least 12 months and is conducted in Vietnamese or the language which the practitioner registers to use in healthcare;

c) A university degree in Vietnamese or the language the practitioner registers to use in healthcare issued by a Vietnamese or foreign lawful training institution.

Qualifications specified in points a and b of this clause shall be issued within 05 years before the date of application submission.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. A practitioner shall be recognized being eligible for making translation in healthcare if he/she has been tested and recognized by an educational institution specified in Article 19 of this Decree, excluding cases specified in clause 2 of this Article.

2. A translator may be recognized eligible for making translation if he/she has any of the following qualifications:

a) A medical degree of intermediate level or higher level issued by a Vietnamese or foreign lawful training institution with the training program conducted in Vietnamese or the language which the translator registers to make translation in;

b) A certificate of completion of a medical training course which lasts at least 12 months and is conducted in Vietnamese or the language which the translator registers to make translation in;

c) A medical degree of intermediate level or higher level or a certificate of traditional medicine practitioner and a university degree of foreign language suitable for the language the translator registers to make translation in.

Qualifications specified in points a and b clause 2 of this Article shall be issued within 05 years before the date of application submission.

3. A person shall works as the translator of only one healthcare practitioner who is providing healthcare for a patient at a time.

Article 19. Requirements for educational institutions entitled to examine and recognize the proficiency in Vietnamese or another language or eligibility for making translation in healthcare

An educational institution shall be entitled to examine and recognize the proficiency in Vietnamese or another language or eligibility for making translation in healthcare if it fully satisfy the following requirements:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Having a foreign language faculty or subject in any of the following languages: English, French, Russian, Chinese, Japanese and Korean.

3. Having a bank of exam questions for testing and recognizing proficiency in Vietnamese or good command of another language or qualification for translation in healthcare.

Article 20. Composition of application and procedures for issuance of the certificate of educational institution eligible for examining and recognizing the proficiency in Vietnamese or another language or eligibility for making translation in healthcare

1. Composition of an application:

a) Valid copies of documents proving the establishment and operation of the educational institution;

b) Documents proving that the educational institution has the foreign-language faculty or subject specified in clause 2 Article 19 of this Decree and the list of lecturers working full-time for the faculty or the subject;

c) A bank of exam questions for testing and recognizing proficiency in Vietnamese or good command of another language or qualification for translation in healthcare of at least one of the languages: English, French, Russian, Chinese, Japanese and Korean.

2. If an educational institution which has the certificate of eligibility for examining and recognizing the proficiency in Vietnamese or another language or eligibility for making translation in healthcare applies for addition to languages for examination and recognition, then the application shall be conformable to regulations in points b and c of this clause.

3. Procedures:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) After receiving the application, the Ministry of Health shall give the educational institution a receipt note using the form No. 01 in the Annex enclosed with this Decree;

c) Within 15 days from the day on which the application is received, if it is satisfactory, the Ministry of Health shall issue a certificate of eligibility for examining language in healthcare to the educational institution using the form No. 02 in Annex VI enclosed with this Decree. If the application is rejected, an explanation shall be made;

d) If the application is unsatisfactory, within 5 working days from the date written on the application receipt note, the application-receiving authority shall send a written notification to the educational institution containing the instruction for completion.

dd) Within 15 days from the day on which the revised application is received, the application-receiving authority shall issue the educational institution with a Certificate of eligibility for examining language using the form No. 02 in Annex VI enclosed with this Decree; if the application is rejected, a written response containing explanation shall be sent.

e) Within 10 days from the date of issue of the Certificate of eligibility for examining language, the Ministry of Health shall post the name of the educational institution issued with the certificate on its website.

Article 21. Composition of and procedures for application for examination and recognition of the proficiency in Vietnamese or another language or eligibility for making translation in healthcare

1. An application for examination and recognition of proficiency in a language in healthcare shall include:

a) The form No. 01 in Annex VII enclosed with this Decree;

b) A valid copy of the effective ID card or passport;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. An application for recognition of proficiency in Vietnamese or another language or eligibility for making translation in healthcare shall include:

a) The form No. 02 in Annex VII enclosed with this Decree;

b) Documents specified in points b and c clause 1 of this Article;

c) Valid copies of qualifications specified in clause 3 Article 17 of this Decree, applicable to application for recognition of proficiency in Vietnamese or another language in healthcare, or qualifications specified in clause 2 Article 18 of this Decree, applicable to application for recognition of eligibility for making translation in healthcare.

3. Procedures for examination and recognition:

a) The applicant shall send 01 set of application specified in clause 1 of this Article to an educational institution specified in Article 19 of this Decree;

b) Within 30 days from the day on which the satisfactory application is received, the educational institution shall conduct examination and issue the certificate using the form No. 03 in Annex VII enclosed with this Decree to persons specified in clauses 1 and 2 Article 17 and clause 1 Article 18. Results of examination shall be published.

4. Recognition procedures:

a) The applicant shall send 01 set of application specified in clause 2 of this Article to an educational institution specified in Article 19 of this Decree;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter III

REQUIREMENTS, COMPOSITION OF APPLICATIONS AND PROCEDURES FOR ISSUANCE, REISSUANCE AND MODIFICATION OF OPERATION LICENSE FOR HEALTHCARE FACILITIES

Section 1. REQUIREMENTS FOR ISSUANCE OF OPERATION LICENSES TO HEALTHCARE FACILITIES

Article 22. Organization of healthcare facilities

Any healthcare facility shall be established according to law and organized in any of the following forms:

1. Hospital, including general hospital and specialized hospital.

2. Infirmaries of people’s public security forces.

3. Polyclinic.

4. Specialized clinic, including:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Specialized clinic for internal medicine: cardiology, respiratory medicine, gastroenterology, pediatrics and other specialities in internal medicine;

c) Clinic providing healthcare consultancy or clinic providing healthcare consultancy using information technology and telecommunications;

d) General surgery clinic;

dd) Antenatal clinic;

e) Clinic of andrology;

g) Clinic of odonto-stomatology;

h) Clinic of otolaryngology;

i) Clinic of ophthalmology;

k) Clinic of cosmetology;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

m) Clinic of psychiatry;

n) Clinic of oncology;

o) Clinic of dermatology;

p) Clinic of dietetics;

q) Clinic of drug rehabilitation;

r) Clinic of HIV/AIDS treatment;

s) Clinic of opioid replacement therapy conformable to the Decree No. 90/2016/ND-CP dated July 01, 2016 by the Government;

t) Other specialized clinics.

5. Traditional medicine facility.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7. Laboratory.

8. Image diagnosis clinic, X-ray room.

9. Medical assessment facility, forensic examination facility and mental forensics examination facility providing healthcare shall be organized as a healthcare facility specified in clause 3 of this Article. Forensic psychiatric assessment facility providing healthcare shall be organized as a healthcare facility specified in clause 1 and 3 or point m clause 4 of this Article. Such facilities shall satisfy the applicable requirements.

10. Maternity ward.

11. Preventive care clinic.

12. Clinic of occupational diseases.

13. Medical service providers, including:

a) Injection, dressing change, pulse counting and temperature and blood pressure measurement service provider;

b) Home healthcare service provider;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Optical glasses service provider;

dd) Cosmetological service provider;

e) Massage service provider;

g) Other healthcare service providers.

15. Any medical facility affiliated to an agency, unit or organization which conducts healthcare must be operated in a form specified in clause 3, point a clause 4 or clause 14 of this Article and must comply with the requirements applied to such form of organization.

16. Any medical center having a function of conducting medical examination and treatment shall be issued with an license to operate in form of a general hospital or a polyclinic.

17. If the healthcare facility conducts HIV examination, apart from provisions of this Decree, it must satisfy the provisions of the Decree No. 75/2016/ND-CP date July 01, 2016 by the Government.

18. If the healthcare facility provides inoculation, apart from provisions of this Decree, it must satisfy the provisions of the Decree No. 104/2016/ND-CP dated July 01 by the Government.

19. If the healthcare facility has a laboratory for testing microorganisms and pathology specimens likely to contain microorganisms which poses a risk of transmitting infectious diseases to human, apart from the provisions of this Decree, it must satisfy the provisions of the Decree No. 103/2016/ND-CP dated July 01, 2016 by the Government.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Scale of hospitals:

a) A general hospital must have at least 30 patient beds;

b) A specialized or traditional hospital must have at least 20 patient beds. Particularly, a high-tech ophthalmologic hospital must have at least 10 patient beds.

2. Facilities:

a) Depending on the scale of the hospital, general or specialized hospital, it shall be designed and built into a block building which satisfies the following conditions:

- Departments, rooms and hallways are arranged conveniently for technique expertise under the interconnected and self-contained complex model within the hospital premises; ensure aseptic and environmental sanitation conditions prescribed by law;

- A minimum construction floor area of 50 m2 per patient bed is ensure, the hospital façade is at least 10 m wide.

b) Satisfying the conditions of radiation safety, hospital waste management and fire and explosion prevention according to law.

c) Ensuring the sufficiency of electricity and water supply and other conditions for patient care.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Having sufficient medical equipment and instruments suitable to the practice scope of the hospital;

b) Having sufficient vehicles for internal and external emergency transportation Hospitals having no vehicles for external emergency transportation must have transportation contracts signed with healthcare facilities having operation licenses and providing services of emergency transportation.

4. Organization:

a) Departments:

- There shall be at least 2 of the 4 departments of internal medicine, surgery, obstetrics and pediatrics, applicable to general hospitals, or an appropriate clinical department, applicable to specialized hospital;

- The medical examination department shall have a place for patient reception, emergency and patient stay rooms, consulting rooms and minor surgery rooms (if any minor surgery is carried out);

- The subclinical department shall have at least one unit for testing and one unit for image diagnosis. Particularly, any ophthalmologic hospital having no image diagnosis unit must have a contract concluded with a healthcare facility having an operation license and image diagnosis unit;

- Pharmaceutical department;

- Other specialized departments and sections which must be suitable for the scale, functions and tasks of the hospital.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Personnel:

a) The number of full-time (tenured) practitioners in each department must account for at least 50% of the total number of practitioners in such department.

b) The number of staff members and title structures and standards shall comply with regulations prescribed by the Minister of Health.

c) Any chief physician of a hospital shall satisfy the following conditions:

- Being a doctor with a practice certificate with practice scope suitable for at least one of medical speciality registered by the hospital;

- Having worked as a healthcare practitioner for at least 54 months. The assignment and appointment of the chief physician of the hospital shall be performed in writing;

- Working on a full-time basis at the hospital.

d) The head of the clinical department must satisfy the following conditions:

- Being a doctor with a practice certificate suitable for the speciality;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Working on a full-time basis at the hospital.

dd) Requirements for heads of subclinical departments:

- Head of the laboratory department: being a doctor or a physician specialized in testing or a chemical or biological bachelor or a pharmacist with a degree of university or higher level and a practice certificate for testing.

A testing physician with a university degree is qualified for read and append his/her signature on the testing results. If the healthcare facility does not have a doctor specialized in testing, the doctor requesting the testing shall make the diagnosis conclusion.

- Requirements for the head of the department of microbiology (applicable to hospitals having departments of microbiology): being a doctor or a physician having a university degree and a practice certificate specialized in microbiology, or a bachelor’s degree in chemistry, biology or pharmacy of university or higher level, applicable to persons employed to conduct medical test before the effective date of this Decree and issued with a certificate of practice in microbiology.

- Requirements for the head of the department ofsurgery (applicable to hospitals having departments of surgery): being a doctor specialized in surgery or having a certificate of training in surgery and practice certificate specialized in surgery.

- Having worked for a suitable laboratory department or a department of microbiology or a department of surgery for at least 54 months or having worked as a practitioner specialized in testing or microorganism or surgery for at least 36 months, including the period of post-graduation study in such specialities, from the day on which his/her job relevant to testing, microorganism or surgery starts (determined from the time on which the labor contract is signed or the recruitment decision is issued) to the day on which he/she is assigned or appointed to be the chief physician of the department.

- Working on a full-time basis in the hospital.

e) Requirements for heads of departments of image diagnosis or X-ray departments:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- The lead of an X-ray department must be a doctor having a university or higher level degree, a practice certificate and having conducted medical examination and treatment involving X-ray for at least 54 months or having practiced X-ray speciality for at least 36 months, including the period of post-graduation study in such speciality, from the day on which his/her job relevant to X-ray (determined from the time on which the labor contract is signed or the recruitment decision is issued) to the day on which he/she is assigned or appointed to be the chief physician of the department. An X-ray bachelor (of university level) may read and describe the diagnosis images but must not make diagnosis conclusions;

- If the healthcare facility does not have a doctor specialized in image diagnosis or X-ray doctor, the doctor requesting the image diagnosis shall make the diagnosis conclusion;

- Working on a full-time basis in the hospital.

g) The lead of the Pharmaceutical department must be a person working full-time at the hospital and must satisfy law provisions on pharmacy;

h) Leads of other departments who are not required practice certificates must fulfill the following conditions:

- Having a university degree and having worked in such speciality for at least 36 months from the day on which the degree is issued to the day on which he/she is assigned/appointed to be the department's lead. The assignment and appointment of the head of a department shall be carried out in writing;

- Working on a full-time basis in the hospital.

i) Apart from entities specified in points c, d, dd, e, g and h of this clause, any other entity working at the hospital who conducts medical examination and treatment must have a practice certificate and must conduct medical examination and treatment within the assigned scope of task. The assignment must be made in writing and conform with the practice scope written on the practice certificate;

k) There must be persons taking charge of radiation safety (if the facility uses radiological equipment with radiation sources, radiopharmaceuticals used in healthcare and equipment used in radiological medicine).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Personnel:

- A person in charge of making check-up conclusions must be a doctor having a healthcare practice certificate and having conducted medical examination and treatment for at least 54 months and assigned by a competent person of the healthcare facility to make check-up conclusions, append signatures on health certificates and periodic health check records. The assignment shall be carried out in writing.

- Apart for the abovementioned conditions, any healthcare facility conducting check-up for foreigners or overseas Vietnamese citizens and Vietnamese citizens working overseas on contract or studying abroad (hereinafter referred to as health-check facility involving foreign elements) must satisfy the following requirements:

+ The persons conducting clinic examination and persons making check-up conclusions must be level I medical specialists or masters of medicine or resident physicians or persons with higher educational level;

+ If the persons providing check-up and persons receiving check-up are not proficient in the same language, a translator is required. The translator must have a certificate of eligibility for making translation in healthcare activities as prescribed in Article 18 of this Decree;

b) Professional requirements:

- For health-check facilities without foreign elements: having sufficient clinic departments, including rooms for internal medicine, pediatrics, surgery, obstetrics, optics, otorhinolaryngology, odontostomatology and dermatology and subclinical departments, including X-ray rooms and laboratories.

- For healthcare facilities involving foreign elements, apart from the abovementioned conditions, the following subclinical techniques must be carried out:

+ Blood testing: blood formula, ABO blood type, Rh blood type, rate of blood sedimentation, hemoglobin rate and rate of uremia;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

+ Testing for A, B, C and E hepatitis;

+ Serological test for syphilis;

+ HIV test;

+ Mantoux reaction test;

+ Pregnancy test;

+ Drug test;

+ Fecal screening for parasites;

+ Electrocardiogram measurement;

+ Electroencephalography measurement;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

+ Diagnostic tests for leprosy.

If the facility is not eligible for carrying out an HIV test, a diagnostic tests for leprosy and an EEG measurement, it must conclude a professional support contract with a healthcare facility having an operation license and eligible for performing such technique.

- For healthcare facility performing driver health check, apart from the requirements applied to healthcare facilities without foreign element, the following subclinical techniques must be carried out:

+ EEG measurement;

+ Visual-field measurement;

+ Testing for determination of blood alcohol concentration and breath alcohol concentration;

+ Drug tests and psychotropic substance tests.

If the facility performing driver health check is not eligible for conducting an EEG measurement or a visual-field measurement, it must conclude a professional support contract with a healthcare facility having an operation license and eligible for performing such technique.

c) Facilities: having medical equipment and instruments suitable for the professional activities and the check-up contents.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 24. Requirements for issuance of operation licenses to infirmaries affiliated to People’s Police force

1. Scale:

The infirmary must have at least 10 patient beds.

2. Facilities:

a) Having places for patient reception, consulting rooms, emergency rooms, patient rooms and laboratories with an area sufficient for the use of means and instruments serving the medical examination and treatment;

b) Satisfying the conditions of radiation safety, hospital waste management and fire and explosion prevention according to law;

c) Ensuring sufficient electricity and water supply and other conditions for patient care.

3. Medical equipment:

Having sufficient medical equipment and instruments suitable to the registered practice scope.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Personnel:

a) Any chief physician of an infirmary must be a doctor with a practice certificate suitable for one of the specialities registered by the infirmary and have conducted medical examination and treatment in such speciality for at least 54 months;

b) Apart from the chief physician of the infirmary, any other entity working at the hospital who conducts medical examination and treatment must have a practice certificate and must conduct medical examination and treatment within the assigned scope of task. The assignment must be made in writing and conform with the practice scope written on the practice certificate.

Article 25. Requirements for issuance of operation licenses to polyclinics

1. Scale of polyclinic:

a) Any polyclinic shall have at least the following:

- 02 of the 04 specialized departments of internal medicine, surgery, obstetrics and pediatrics;

- Emergency rooms, minor surgery rooms (if any minor surgery is carried out), patient stay rooms;

- Units of testing and image diagnosis.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Facilities:

a) Having location fixed and separate from areas for daily-life activities, having sufficient light, dustproof ceiling and wall and floor made of materials which can be cleansed easily.

b) Having a place for patient reception, emergency and patient stay rooms, specialized consulting rooms and minor surgery rooms (if any minor surgery is carried out). Consulting rooms in a polyclinic must satisfy the following requirements:

- The emergency room has an area of at least 12 m2;

- The patient stay room has an area of at least 15 m2 with at least 2 patient beds. If the patient stay room has 3 or more patient beds, the area for each bed is at least 5 m2;

- Specialized consulting rooms and the minor surgery room have the area of at least 10 m2.

c) Satisfying the conditions of radiation safety, hospital waste management and fire and explosion prevention according to law.

d) Ensuring the sufficiency of electricity and water supply and other conditions for patient care.

3. Medical equipment:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Having anti-shock first aid kits and sufficient specialized emergency drugs.

4. Personnel:

a) The number of full-time doctors must account for at least 50% of the total number of doctors of the polyclinic who provide healthcare.

b) Any chief physician of a polyclinic shall satisfy the following conditions:

- Being a doctor with a practice certificate suitable for at least one of the specialities registered by the polyclinic;

- Having worked as a healthcare practitioner for at least 54 months. The assignment and appointment of the chief physician of the polyclinic shall be performed in writing;

- Working on a full-time basis at the polyclinic.

c) The number of staff members, the structures and the professional titles in the polyclinic shall comply with regulations prescribed by the Minister of Health.

If wishing to provide healthcare, persons other than the chief physicians of a polyclinic working in the polyclinic must have a practice certificate and the assignment shall be suitable for the practice scope specified in such practice certificate.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Family medicine facilities shall comply with the pilot program prescribed by the Minister of Health.

Article 26. Requirements for issuance of operation licenses to specialized clinics

1. Facilities:

a) Satisfying the requirements specified in point a clause 2 Article 25 of this Decree.

b) Having consulting rooms whose area is at least 10 m2 and a place for patient reception (excluding clinics providing healthcare consultancy or clinics providing healthcare consultancy using information technology and telecommunications). Particularly, surgery or cosmetological clinics must have patient stay rooms whose area is at least 12 m2; clinics of rehabilitation must have rehabilitation rooms whose area is at least 10 m2; clinics of HIV/AIDS treatment must have an area of at least 18 m2 (excluding the waiting area) and be divided into 2 rooms for carrying out the examination and treatment.

c) Apart from provisions of points a and b of this clause, depending on the registered practice scope, any specialized clinic must satisfy the following requirements:

- If any operation is conducted, including implanting operation, the operation room shall have an area of at least 10 m2;

- If any functional probe is conducted, the probing room shall have an area of at least 10 m2;

- If any gynecological examination or examination of sexually transmitted diseases is conducted, the consulting room shall have an area of at least 10 m2;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- The room for forming surgical cast shall have an area of at least 10 m2;

- The room for therapeutic exercise shall have an area of at least 20 m2;

- For an odonto-stomatology clinic having more than 01 dental chair, the space for each dental chair must be at least 5 m2;

- Specialized clinics using radiological equipment (including dental X-ray equipment mounted on dental chairs) must satisfy radiation safety requirements;

- Clinics of HIV/AIDS treatment providing antiretroviral drugs (ARV) must have a place for antiretroviral drugs storage and dispersal which satisfies the requirements specified by the Minister of Health.

d) There shall be a sterilization area for treating medical instruments for reuse which is separated from other areas.

dd) Satisfying the conditions of radiation safety, hospital waste management and fire and explosion prevention according to law; ensuring the aseptic operation.

e) Ensuring the sufficiency of electricity and water supply and other conditions for patient care.

2. Medical equipment:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Having anti-shock first aid kits and sufficient specialized emergency drugs;

c) Clinics providing healthcare consultancy or clinics providing healthcare consultancy using information technology and telecommunications are not required to have medical equipment and instruments specified in points a and b of this clause but means of information technology and telecommunications suitable for the registered practice scope.

3. Personnel:

a) Any chief physician of a specialized clinic shall satisfy the following conditions:

- Being a doctor with a practice certificate suitable for at least one of the specialities registered by the clinic.

- Having worked as a healthcare practitioner in such speciality for at least 54 months.

Any chief physician of the following specialized clinics shall satisfy the corresponding conditions as follows:

+ Clinic of rehabilitation: being a doctor with a practice certificate relevant to physical therapy or rehabilitation;

+ Clinics for drug rehabilitation: being a psychiatric doctor or a general practitioner with a certificate of training in psychiatry or a traditional medicine practitioner with a certificate of training in drug rehabilitation using traditional medicine;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

+ Clinics of dietetics: being a nutrition expert or a general practitioner with a certificate of training in dieting;

+ Clinics of cosmetic: being a plastic surgeon or an cosmetological doctors;

+ Clinics of andrology: being an andrological doctor or a general practitioner with a certificate of training in andrology.

b) If wishing to provide healthcare, persons other than the chief physicians of a specialized clinic working in the specialized clinic must have a practice certificate and be assigned in accordance with the practice scope specified in such practice certificate.

Article 27. Requirements for issuance of operation licenses to traditional medicine facilities

1. Facilities:

a) Satisfying the requirements specified in point a clause 2 Article 25 of this Decree.

b) Having an area of at least 10 m2 and having a place for patient reception.

c) Depending on the registered practice scope, the clinic of traditional medicine shall satisfy the following requirements:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- If providing medicinal sauna (anemopathy), it must have a sauna chamber which is at least 2 m2 in area, closed and well-lit.

d) Satisfying the conditions of radiation safety (if any radiological equipment is used), hospital waste management and fire and explosion prevention according to law.

dd) Ensuring the sufficiency of electricity and water supply and other conditions for patient care.

2. Medical equipment:

a) For clinics providing medical examination, giving prescriptions and medicinal herb recipes:

- There must be herb cabinets with medicinal herbs and substances contained in drawers and securely covered bottles or pots which carry labels showing names of the medicinal herbs;

- There must be medical scales and herbs wrapping papers; medicinal herbs shall be divided according to recipes.

b) For clinics providing acupuncture, massage and acupressure:

- There must be beds for acupuncture, massage and acupressure;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- There must be sufficient instruments for and guidance on relief of over-acupuncture.

c) Clinics providing medicinal sauna must have a medicinal steam system, control valves, sauna instructions and alarm system for emergencies.

3. Personnel:

a) Any person working at a healthcare facility who wishes to provide healthcare shall have a practice certificate and be assigned according to the practice scope stated in his/her practice certificate.

b) Any chief physician of a traditional medicine clinic must be a doctor or a medical assistant specialized in traditional medicine or a person having a certificate of traditional medicine practitioner issued by the Minister of Health or the Director of a Department of Health or a person who has family remedies or treatment methods and a certificate of traditional medicine practice.

- Having provided healthcare using traditional medicine for at least 54 months, applicable to traditional medicine doctors;

- Having provided healthcare using traditional medicine for at least 48 months, applicable to traditional medicine assistants;

- Having provided healthcare using traditional medicine for at least 36 months, applicable to traditional medicine practitioners or persons having family remedies or treatment methods;

- Working on a full-time basis at the traditional medicine facility.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Facilities:

a) Satisfying the requirements specified in points a, dd and e clause 1 Article 26 of this Decree and the following requirements according to the registered practice scope:

- For tests of one of the four aspects: hematology, biochemistry, genetics and immunity, the laboratory shall have an area of at least 10 m2;

- For tests of two or three of the four aspects: hematology, biochemistry, genetics and immunity, the laboratory shall have an area of at least 15 m2;

- For tests of four aspects: hematology, biochemistry, genetics and immunity, the laboratory shall have an area of at least 20 m2;

- For pathoanatomic or cytological tests, the laboratory shall have an area of at least 20 m2 and be separated from the laboratories for tests of hematology, biochemistry, genetics and other laboratories;

- For tests of microorganism, the laboratory shall have an area of at least 20 m2 and be separated from the laboratories for tests of hematology, biochemistry, genetics and other laboratories;

- Walls of laboratories shall have waterproof surface;

- Floors of laboratories shall have waterproof and flat surface which can prevent water standing;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- There shall be places for taking medical waste, places for keeping medical waste and place for cleansing medical instruments;

- Any laboratory conducting tests of microorganisms likely to transmit infectious diseases to human must satisfy the requirements prescribed by law on laboratory’s biosafety;

- HIV testing laboratories shall comply with law on HIV/AIDS prevention and fighting.

b) Satisfying the conditions of hospital waste management and fire and explosion prevention according to law.

c) Ensuring the sufficiency of electricity and water supply and other conditions for patient care.

2. Medical equipment:

Having sufficient testing equipment and medical instruments for the registered practice scope, including at least sufficient equipment for conducting a test of one of the six types: microorganism, biochemistry, hematology, immunity, pathoanatomy and cytology and medical genetics.

3. Personnel:

a) Any person working at a healthcare facility who wishes to provide healthcare shall have a practice certificate and be assigned according to the practice scope stated in his/her practice certificate.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Being a doctor or a physician having a university degree and a practice certificate specialized in testing; or a bachelor’s degree in chemistry, biology or pharmacy of university higher level, applicable to persons employed to conduct medical test before the effective date of this Decree and issued with a certificate of practice in testing with a title of physician.

- Having worked for a suitable laboratory department for at least 54 months or having worked as a testing practitioner for at least 36 months, including the period of post-graduation study in testing, from the day on which his/her testing job starts (determined from the time on which the labor contract is signed or the recruitment decision is issued) to the day on which he/she is assigned or appointed to be the chief physician of the laboratory.

- Working on a full-time basis at the laboratory.

Article 29. Requirements for issuance of operation licenses to image diagnosis clinics and X-ray rooms

1. Facilities:

a) Satisfying the requirements specified in points a clause 2 Article 25 of this Decree and the following requirements according to the registered practice scope:

- Ultrasonic and endoscopic diagnosis rooms must be independent and have an area of at least 10 m2;

- Gastroendoscopic diagnosis rooms which conduct both upper and lower gastroendoscopic techniques must have 02 separate rooms with an area of at least 10 m2.

b) Satisfying the conditions of radiation safety, hospital waste and hazardous waste (if any) management and fire and explosion prevention according to law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Medical equipment:

a) Having sufficient medical equipment and instruments suitable to the registered practice scope;

b) Having personal protection devices required by law on radiation safety.

3. Personnel:

a) Any person working at a healthcare facility who wishes to provide healthcare shall have a practice certificate and be assigned according to the practice scope stated in his/her practice certificate;

b) Any chief physician of an image diagnosis clinic shall be a doctor with a practice certificate in image diagnosis and have conduct medical examination and treatment in image diagnosis speciality for at least 54 months and work on the full-time basis at the image diagnosis clinic;

c) Any chief physician of an X-ray room must be an image diagnosis doctor or have a bachelor’s degree of X-ray therapy of university or higher level and have worked in the speciality of X-ray therapy for at least 54 months. X-ray bachelors (of university level) may read and describe the diagnosis images but must not make diagnosis conclusions. They must work on a full-time basis at X-ray rooms.

Article 30. Requirements for issuance of operation licenses to maternity wards

1. Facilities:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Functional rooms must be interconnected and convenient for emergency and medical examination and treatment;

c) Having rooms for pre-natal and gynecological checkup and family planning techniques which have an area of at least 10 m2; delivery rooms with an area of at least 16 m2 having an area for women who have just delivered and their newborn babies; rooms for lying-in women with an area of at least 10 m2. If the room for lying-in women has more than 2 beds, the space for each beds shall be at least 5 m2;

d) Satisfying the conditions of radiation safety (if any radiological equipment is used), hospital waste management and fire and explosion prevention according to law;

dd) Ensuring the sufficiency of electricity and water supply and other conditions for patient care.

2. Medical equipment:

a) Having sufficient medical equipment and instruments suitable to the registered practice scope;

b) Having sufficient vehicles for internal and external emergency transportation. Maternity wards having no vehicles for external emergency transportation must have transportation contracts signed with healthcare facilities having operation licenses and permitted to provide emergency transportation services;

c) Having anti-shock first aid kits and sufficient specialized emergency drugs.

3. Organization and personnel:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Any chief physician of a maternity ward shall satisfy the following conditions:

- Being a gynecological doctor or a midwife who graduated from a university and has a practice certificate;

- Having conducted examination and treatment in gynecology for at least 54 months;

- Working on a full-time basis at the maternity ward.

4. Any maternity ward eligible for providing perdiatric healthcare services according to regulations in Article 26 of this Decree and provide immunity according to law on immunity may add such specialities to its practice scope.

Article 31. Requirements for issuance of operation licenses to preventive care clinics

1. Scale:

A preventive care clinic may have a scale equivalent to that of a polyclinic or a specialized clinic, depending on the legal basis for establishment of such clinic.

2. Facilities:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Medical equipment:

Satisfying requirements for medical equipment suitable for the scale of a polyclinic specified in clause 3 Article 25 or the scale of a specialized clinic specified in clause 2 Article 26 of this Decree.

4. Personnel:

a) Any person working at a healthcare facility who wishes to provide healthcare shall have a practice certificate and be assigned according to the practice scope stated in his/her practice certificate;

b) Any chief physician of a preventive care clinic shall be a general practitioner with a practice certificate or a doctor with a practice certificate suitable for the speciality and have conduct medical examination and treatment for at least 54 months and work on the full-time basis at the clinic.

5. Any clinic providing immunity of vaccine or treatment biologics must comply with law on immunity.

Article 32. Requirements for issuance of operation licenses to clinics of occupational diseases

1. Scale:

A clinic of occupational disease may have a scale equivalent to a polyclinic or a specialized clinic, depending on the legal basis for establishment of such clinic.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Any clinic of occupational diseases with a scale equivalent to that of a polyclinic shall have facilities satisfying the regulations in clause 2 Article 25 of this Decree. Any clinic of occupational diseases with a scale equivalent to that of a specialized clinic shall have facilities satisfying the regulations in clause 1 Article 26 of this Decree;

b) Having at least 2 divisions for testing (for tests in biochemistry, toxicity or microorganism) and image diagnosis.

3. Medical equipment:

a) Any clinic of occupational diseases with a scale equivalent to that of a polyclinic shall have medical equipment satisfying the regulations in clause 3 Article 25 of this Decree. Any clinic of occupational diseases with a scale equivalent to that of a specialized clinic shall have medical equipment satisfying the regulations in clause 2 Article 26 of this Decree;

b) Satisfying the requirements for medical equipment used for testing specified in clause 2 Article 28, requirements for medical equipment used for image diagnosis specified in clause 2 Article 29 of this Decree.

4. Personnel:

a) Any person working at the healthcare facility who wishes to provide healthcare shall have a practice certificate and a certificate of training in occupational diseases and be assigned according to the practice scope stated in his/her practice certificates.

b) Any chief physician of a clinic of occupational diseases shall satisfy the following conditions:

- Being a doctor specialized in occupational diseases with a practice certificate or a general practitioner with a practice certificate and a certificate of training in occupational diseases;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Working on a full-time basis in the clinic.

Article 33. Requirements for issuance of operation licenses for injection, dressing change, pulse counting and temperature and blood pressure measurement service providers

1. Facilities:

a) A service provider shall be built firmly in a fixed location, well-lit and separated from places for daily-life activities;

b) A room for injection or dressing change must have an area of at least 10 m2;

c) A service provider must have sufficient electricity and water supply and satisfy other sanitation conditions for patient care.

2. Medical equipment:

a) Having sufficient medical equipment and instruments suitable to the registered practice scope;

b) Having anti-shock first aid kits.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Any person working at the facility who wishes to provide healthcare shall have a practice certificate and be assigned according to the practice scope stated in his/her practice certificate.

b) Any chief physician of a facility providing injection, dressing change, pulse counting and temperature and blood pressure measurement services shall satisfy the following requirements:

- Having an intermediate or higher degree in medicine and a practice certificate;

- Having conducted injection, dressing change, pulse counting and temperature and blood pressure measurement for at least 45 months.

- Working on a full-time basis at the facility.

Article 34. Requirements for issuance of operation licenses to home healthcare service providers

Any facility providing home healthcare services including dressing change, suture removal; physical therapy, rehabilitation; mother and baby care; collection of blood samples for testing, result provision; care of patients with cancer and other home nursing services must satisfy the following requirements:

1. Medical equipment:

Having sufficient medical equipment and instruments suitable to the registered practice scope.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Any person working at a healthcare facility who wishes to provide healthcare shall have a practice certificate and be assigned according to the practice scope stated in his/her practice certificate.

b) Any chief physician of a home healthcare service provider must possess a practice certificate and have provided healthcare for at least 45 months.

- Working on a full-time basis at the facility.

Article 35. Requirements for issuance of operation licenses to emergency or patient transportation service providers

1. Facilities:

a) Being built firmly in a fixed location, well-lit and separated from places for daily-life activities;

b) Ensuring the sufficiency of electricity and water supply and other sanitary conditions for patient care.

2. Medical equipment and transportation vehicles:

a) Any facility must have transportation vehicles with sufficient medical equipment and instruments;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Personnel:

a) Any person working at the facility who wishes to provide healthcare shall have a practice certificate and be assigned according to the practice scope stated in his/her practice certificate.

b) Any chief physician of a facility providing emergency and patient transportation services in Vietnam or abroad must satisfy the following conditions:

- Being a doctor with a practice certificate

- Having a qualification or certificate of study in the speciality of recuperation and first aid;

- Having conducted medical examination and treatment for 54 months.

- Working on a full-time basis at the facility.

4. In case of registration for patient transportation abroad, an emergency service provider must have a contract signed with an aviation service company.

Article 36. Requirements for issuance of operation licenses to optical glasses service providers

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Being built firmly in a fixed location, well-lit and separated from places for daily-life activities;

b) Having an area of at least 15 m2;

c) Ensuring the sufficiency of electricity and water supply and other sanitary conditions for patient care.

2. Medical equipment:

a) Having sufficient medical equipment and instruments suitable to the registered practice scope.

3. Personnel:

a) Any person working at an optical glasses service provider shall have a practice certificate of examination and treatment in the optical speciality or measurement and/or diagnosis of refractive eye defects and be assigned according to the practice scope stated in his/her practice certificate.

b) Requirements for chief physicians of optical glasses service providers;

- Having an intermediate or higher degree in medicine and a practice certificate of the speciality of ophthalmology or refractive eye defect measurement and diagnosis;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Working on a full-time basis at the facility;

Article 37. Requirements for issuance of operation licenses to cosmetological service providers

1. A cosmetological service provider shall only do tattoos or spray or embroider pictures on the surface of the skin without use of anesthetics in injection form and satisfy the following requirements:

a) Facilities:

- Being built firmly in a fixed location;

- Ensuring the sanitary conditions.

b) Equipment:

Having sufficient equipment, instruments and materials with clear origin which are suitable for the operation scale of the facility.

c) Personnel:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Cosmetological service providers are exempt from operation license but must send a written notification of fulfillment of requirements specified in points a, b and c of this clause to the Department of Health of the province where it is headquartered at least 10 days before it begins providing the services. The notification shall be conformable to the form in Annex VIII enclosed with this Decree.

2. Cosmetological services involving the intervention of drugs, substances and equipment in human’s body (surgery, operation, intervention involving the injection, pumping, ray emission, firing or other types of intervention) that change the color of skin, shape, weight and shortcomings of human’s body (skin, nose, eyes, lips, face, belly, buttock and other parts of human’ body) or services of doing tattoos or spraying or embroidering pictures on the surface of the skin without use of anesthetics in injection form shall be conducted only at hospitals having cosmetological specialist or cosmetological clinics or healthcare facilities with the practice scope in cosmetological speciality approved by competent authorities.

Article 38. Requirements for issuance of operation licenses to massage service providers

1. Facilities:

a) Being built firmly in a fixed location, well-lit and separated from places for daily-life activities.

b) Massage rooms must ensure the following conditions:

- Each massage room must have an emergency bell for one-way contact from the massage room to the doctor’s room or the customer reception place;

- Having the massage technical process printed in big readable letters (on A1-size paper) affixed on the wall of each room.

c) Being furnished with hygienic bathroom ensuring the sufficiency of electricity and water supply and other sanitary conditions for customer care.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Having massage beds or chairs or pads with mattress, pillows and bath towels ensuring hygienic conditions;

b) Having examination beds, first aid kits, desks and medical instruments (stethoscope, blood pressure meter, thermometer, syringe) at doctors’ room;

c) Having sufficient common first-aid drugs.

3. Personnel:

a) Any chief physician of a massage service provider must be a doctor or a medical assistant or physician specialized in rehabilitation, physical therapy or traditional medicine or having a certificate of training in any of such speciality. If the making of prescription is required, only doctors specialized in rehabilitation, physical therapy or traditional medicine are assigned to be the chief physician;

b) Any person working at the facility who performs massage technique must have a certificate of training in massage lawfully issued by a training institution.

Any massage technician must wear tidy, clean and beautiful with badge inscribed with the name of the facility, his/her name and photo of 3x4 size.

4. Massage service providers are exempt from operation license but must send a written notification of fulfillment of requirements specified in clauses 1, 2 and 3 of this Article to the Department of Health of the province where it is headquartered within 10 days before it begins providing the services. The notification shall be conformable to the form in Annex IX enclosed with this Decree.

Article 39. Requirements for issuance of operation licenses to commune-level health stations and infirmaries

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Having a design under the regulations of the Minister of Health;

b) Satisfying the conditions of radiation safety, hospital waste management and fire and explosion prevention according to law;

c) Ensuring sufficient electricity and water supply and other conditions for patient care.

2. Medical equipment:

a) Having sufficient medical equipment and instruments suitable to the registered practice scope;

b) Having anti-shock first aid kits.

3. Personnel:

a) Any chief physician shall satisfy the following conditions:

- Being a doctor or a medical assistant with a practice certificate;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The number of practitioners working for commune-level health stations must satisfy the payroll standards of state-owned medical facilities according to law.

c) Village health workers shall provide primary healthcare according to the assignment and professional direction by heads of commune-level health stations.

4. Any commune-level health stations conduct healthcare according to family medicine shall comply with the pilot program prescribed by the Minister of Health.

Article 40. Practice scope of healthcare facilities

Pursuant to the organization of the healthcare facility and the requirements for issuance of the operation license to healthcare facilities specified in this Decree, the Minister of Health shall decide the practice scope for each type of healthcare facility, except cosmetological service providers and massage service providers.

Article 41. Contents of signboards of healthcare facilities

Any healthcare facilities having a operation license shall have signboards conformable to law on signboards which must not contain red-cross symbols and contain the following main information:

1. Full name of the facility, the number of the operation license.

2. Address of the facility as written on the operation license; phone number.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Section 2. ENTITLEMENT TO, COMPOSITION OF APPLICATION AND PROCEDURES FOR ISSUANCE, REISSUANCE AND MODIFICATION OF OPERATION LICENSES FOR HEALTHCARE FACILITIES

Article 42. Entitlement to issuance, reissuance and modification of operation licenses for healthcare facilities

1. The Minister of Health is entitled to issue, reissue or modify operation licenses for healthcare facilities specified in clause 1 Article 45 of the Law on Medical examination and treatment.

2. Directors of the Departments of Health are entitled to issue, reissue or modify operation licenses for healthcare facilities specified in clause 2 Article 45 of the Law on Medical examination and treatment.

Article 43. Composition of applications for issuance, reissuance and modification of operation licenses and change of chief physicians of healthcare facilities, declaration of eligibility for conducting check-up

1. An application for the operation license applicable to healthcare facilities shall comply with regulations in clause 1 Article 46 of the Law on Medical examination and treatment. To be specific:

a) The form No. 01 in Annex XI enclosed with this Decree;

b) A valid copy of the establishment decision or a document containing the name of the healthcare facility issued by a competent authority, applicable to state-owned healthcare facilities, or a certificate of enterprise registration, applicable to private healthcare facilities, or an investment certificate, applicable to foreign-invested healthcare facilities;

c) Valid copies of practice certificates of chief physicians of the healthcare facilities; persons taking charge of professional department of the healthcare facilty;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) The form No. 02 in Annex XI enclosed with this Decree;

e) Documents proving that the healthcare facility satisfies the requirements for facilities, medical equipment and organization suitable for the practice scope of any healthcare facility form specified in section 1 Chapter III of this Decree;

g) The Charter of organization and operation using the form regulated by the Minister of Health, applicable to state-owned hospitals, or the Form No. 03 in Annex XI enclosed with this Decree, applicable to private hospitals, and the initial operation plan of the hospital;

h) Valid copies of contracts on patient transport, applicable to hospitals and maternity wards without vehicles for external emergency transportation;

i) A professional and technical list proposed by the healthcare facility on the basis of the professional and technical list issued by the Minister of Health;

k) Regarding emergency transportation service providers: a valid copy of the contract on professional support for the hospital. In case of provision of service of patient transportation abroad, a valid copy of the contract on patient transportation signed with an aviation service company.

2. The application for the operation license applicable to any healthcare facility which changes its organization or is split, amalgamated or mergered shall be conformable to regulations in clause 1 of this Article.

3. An application for the operation license applicable to any healthcare facility which changes its location shall contain:

a) The form No. 04 in Annex XI enclosed with this Decree;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. An application for the operation license applicable to any healthcare facility which changes its name shall contain:

a) The form No. 05 in Annex XI enclosed with this Decree;

b) Documents specified in clause 1 of this Article (if there is change in the former application).

5. An application for modification of the operation license applicable to any healthcare facility which changes the scale of patient beds or organizational structure or its practice scope shall be conformable to regulations in clause 3 Article 46 of the Law on Medical examination and treatment, including:

a) The form No. 06 in Annex XI enclosed with this Decree;

b) The form No. 02 in Annex XI enclosed with this Decree.

6. An application for change in chief physicians of a healthcare facility shall include:

a) The form No. 07 in Annex XI enclosed with this Decree;

b) A Decision to dismiss the current chief physician of the facility;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) A valid copy of the practice certificate of the person appointed to take charge of professional aspects of the healthcare facility;

dd) The contract or the recruitment decision of the person appointed to take charge of professional aspects of the facility;

e) The form No. 10 in Annex XI enclosed with this Decree;

g) The original of the issued operation license of the healthcare facility.

7. An application for the reissuance of an operation license which is lost or damaged or revoked according to regulations in point a clause 1 Article 48 of the Law on Medical examination and treatment shall contain:

a) The form No. 08 in Annex XI enclosed with this Decree;

b) The original of the damaged license (if any).

8. A declaration of eligibility for conducting check-up:

a) The form No. 01 in Annex X enclosed with this Decree;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) The form No. 02 in Annex X enclosed with this Decree;

d) The form No. 02 in Annex XI enclosed with this Decree;

dd) A valid copy of the professional and technical list of the healthcare facility;

e) A valid copy of the contract on professional support (if any).

Article 44. Procedures for issuance, reissuance and modification of operation licenses and change of chief physicians of healthcare facilities, declaration of eligibility for conducting check-up

1. The application for issuance, reissuance or modification of an operation license and change of chief physicians of a healthcare facility specified in Article 43 of this Decree shall be made in 01 set and sent to competent authorities, including:

a) The Ministry of Health, applicable to applications sent by healthcare facilities affiliated to the Ministry of Health, private hospitals or hospitals affiliated to other Ministries;

b) Departments of Health, applicable to applications sent by healthcare facilities in local areas, excluding healthcare facilities specified in point a of this clause.

2. Procedures for consideration of the issuance, reissuance or modification of an operation license and change of chief physicians of a healthcare facility:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- If the application is submitted directly at the receiving authority, the receiving authority shall give the applicant an application receipt note using the form No. 09 in Annex XI enclosed with this Decree;

- If the application is sent by post, within 03 days from the day on which the application is received (pursuant to the coming postmark), the receiving authority shall send the receipt note to the applicant using the form No. 09 in Annex XI enclosed with this Decree.

b) If the application is satisfactory, the receiving authority shall consider the issuance, reissuance or modification of the operation license within 60 days, applicable to hospitals, or 45 days, applicable to other types of healthcare facilities, from the date written on the receipt note. If the application is rejected, a written response containing explanation shall be sent.

c) If the application is not satisfactory, then:

- Within 10 working days from the date written on the receipt note, the receiving authority shall send a written notification to the applicant containing the request for completion. Such notification must specify the contents subject to supplementation and those subject to modification;

- After receiving the request for completion of the application, the chief physicians of the healthcare facility shall comply with the request and send the revised application to the receiving authority;

- After 10 working days from the day on which the revised application is received, the receiving authority which does not request modification or supplementation to the application shall issue/reissue/modify the operation license within the period specified in point b of this clause; otherwise, written response containing explanation shall be sent;

- After 60 days from the day on which the request by the receiving authority is received, if the applicant fails to fulfill the request, the procedures for application shall be re-conducted.

3. The operation license shall be issued by the Minister of Health or the Director of the Department of Health using the form in Annex XII. The number of the operation license shall be pursuant to the table in the form No. 04 in Annex III enclosed with this Decree.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Before conducting the initial check-up, the healthcare facility shall send (directly or by post) a declaration of eligibility for conducting check-up according to regulations in clause 8 Article 43 of this Decree to a medical affair authority. To be specific:

a) For healthcare facilities affiliated to the Ministry of Health: the declaration shall be sent to Medical Service Administration - the Ministry of Health;

b) For healthcare facilities under the management of the Ministry of Public Security: the declaration shall be sent to Health Service Administration - the Ministry of Public Security; for healthcare facilities affiliated to the Ministry of Transport: the declaration shall be sent to Transport Health Service Administration - the Ministry of Transport;

c) For healthcare facilities under the management of Departments of Health (excluding healthcare facilities specified in points a and b of this clause): the declaration shall be sent to the Department of Health of the province where the healthcare facility is headquartered.

5. Processing of declaration of eligibility for conducting check-up:

a) When the declaration of eligibility for conducting check-up has been received, the receiving authority shall send the healthcare facility declaring the eligibility for conducting check-up a receipt note using the form No. 3 in Annex X enclosed within this Decree. If the declaration is not satisfactory as prescribed in clause 8 Article 43, the receiving authority shall send the healthcare facility a written request for completion. When the healthcare facility has completed the declaration, the receiving authority shall send it a receipt note using the form No. 3 in Annex X enclosed with this Decree.

b) If the declaration is satisfactory as prescribed in clause 8 Article 43 and the receiving authority has not sent any request for supplementation or modification, then within 15 working days from the day on which the receipt note is received, the healthcare facility may conduct the check-up according to the declared practice scope.

c) If the healthcare facility which has declared the eligibility for conducting check-up makes change in name of the facility, address, facilities, personnel and practice scope which have been declared, it shall send a written notification to the authority receiving the declaration.

Article 45. Inspection serving the issuance, reissuance and modification of operation licenses for healthcare facilities

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The inspectorate shall conduct inspection according to the time specified in point b clause 2 Article 44 of this Decree and make records using the form specified in Annex XIII enclosed with this Decree.

A record of inspection of a healthcare facility under the management of the Minister of Health shall be made in 03 copies, 01 of which shall be retained at the Ministry of Health, another copy shall be retained at the Department of Health of the province where the healthcare facility is headquartered, the other one shall be retained at the healthcare facility.

A record of inspection of a healthcare facility under the management of the Director of the Department of Health shall be made in 02 copies, 01 of which shall be retained at the Department of Health, the other one shall be retained at the healthcare facility.

3. Management of operation licenses:

a) Each healthcare facility shall be issued with no more than one operation license. If the healthcare facility has more than one places of operation, each of them must satisfy the requirements specified in Article 23 of this Decree and be issued with one operation license.

b) The valid copy of the operation license and the application for issuance, reissuance or modification of the operation license shall be retained at the operation license issuer.

c) After issuing, reissuing or modifying the operation license for a healthcare facility, the authority which has issued the operation license shall carry out the following procedures:

- Within 30 days from the day of issuance, reissuance or modification of the operation license, the Ministry of Health shall send a written notification to the People’s Committee and the Department of Health of the province where the healthcare facility is headquartered;

- Within 30 days from the day of issuance, reissuance or modification of the operation license, the Department of Health shall send a written notification to the People’s Committee and the medical office of the commune, district, town or provincial city where the healthcare facility is headquartered;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter IV

ONLINE ISSUANCE OF PRACTICE CERTIFICATES AND HEALTHCARE OPERATION LICENSES

Article 46. Requirements for composition of applications for online registration, issuance or reissuance of practice certificates, online issuance, reissuance or modification of healthcare operation licenses

An application for online registration, issuance or reissuance of a practice certificate, online issuance, reissuance or modification of a healthcare operation license (hereinafter referred to as online application) shall be considered valid if it satisfies the following requirements:

1. Containing sufficient documents according to regulations applied to paper documents which are transferred into electronic files. Electronic documents shall be named according to those of the paper documents.

2. Information serving the application for online registration, issuance or reissuance of a practice certificate or online issuance, reissuance of a healthcare operation license shall be entered sufficiently and accurately according to the information in the originals.

Article 47. Procedures for online registration

1. The applicant or his/her legal representative shall declare information, download the e-document and confirm the submission of online application with a digital signature and pay fees according to the procedures specified on the website of the Ministry of Health or of the Department of Health.

If the declarant does not use a digital signature to confirm the submission of application, the scanned copies of the paper application shall be sent to the receiving authority through the registration system for comparison.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The receiving authority shall conduct the administrative procedures in accordance with provisions of Chapter II and Chapter III of this Decree.

4. The result of the online administrative procedures shall be a document appended a signature of the authority or an e-document bearing a digital signature confirming the receipt of the application and have legal value equivalent to that of the normal administrative procedures.

5. The Minister of Health shall provide guidance on the issuance or reissuance of practice certificates or issuance, reissuance or modification of healthcare operation licenses which are applied for online.

Article 48. Retention of online applications

1. If the application is sent online, the applicant shall retain the paper application to serve the inspection in case of necessity.

2. If documents in the application specified in clause 1 of this Article is lost or damaged, the applicant and the receiving authority shall carry out the following procedures:

a) The applicant shall send a written notification to the receiving authority and complete the application; send a written notification to the receiving authority when the application has been completed; only update the application after being approved by the receiving authority;

b) Within 60 days from the day on which the receiving authority is notified of the loss of the application, if the applicant fails to complete the application, then the receiving authority shall annul the information posted on the website of the Ministry of Health or the Department of Health which is relevant to the issued practice certificate and/or healthcare operation license;

c) The issued practice certificate and/or healthcare operation license shall be revoked;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter V

IMPLEMENTARY CLAUSE

Article 49. Effect

1. This Decree comes into force from July 01, 2016.

2. Article 3 of the Decree No. 87/2011/ND-CP dated September 27, 2011 by the Government shall be annulled from the effective date of this Decree. Previous regulations which are contrary to this Decree shall be annulled.

Article 50. Transitional clause

1. Any applicant for issuance/reissuance of a practice certificate or issuance/reissuance/modification of a operation license before the effective date of this Decree shall comply with legislative documents promulgated before the effective date of this Decree.

2. Any entity providing cosmetological services specified in clause 1 Article 37 and massage services specified in Article 38 of this Decree shall, within 12 months from the day on which this Decree takes effect, fulfill the requirements and the procedures prescribed in this Decree.

3. Clinics of occupational diseases; clinics of HIV/AIDS treatment; clinics of dietetics and clinics for drug rehabilitation operating before the effective date of this Decree may continue their operation and must complete the procedures for issuance of the operation license before June 30, 2017.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Facilities:

- Being built firmly in a fixed location;

- Satisfying the conditions of hospital waste management and fire and explosion prevention according to law;

- Ensuring the sufficiency of electricity and water supply and other conditions for patient care;

- A dental and denture prosthesis room must have an area of at least 10 m2;

- A denture prosthesis room must have an area of at least 10 m2 or is rent under a contract from another denture prosthesis facility.

b) Medical equipment: having sufficient medical equipment and instruments suitable to the registered practice scope.

c) Personnel: A person in charge of professional aspects must be a tooth implanter having practice since 1980 or earlier with a certificate issued by a People’s Committee of commune using the form provided in Annex XIV enclosed with this Decree, a certificate of eligibility for practice or a denture prosthesis service operation license according to law on private medicine practice.

Article 51. Implementation

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Ministers, Heads of ministerial-level agencies, Heads of governmental agencies and Presidents of People’s Committees of provinces are responsible for implementing this Decree./.

 

 

 

ON BEHAFT OF THE GOVERNMENT
PRIME MINISTER




Nguyen Xuan Phuc

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Decree No. 109/2016/ND-CP dated July 01, 2016, on issuance of practice certificates to healthcare practitioners and operation licenses to healthcare facilities

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.624

DMCA.com Protection Status
IP: 103.131.71.189
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!