ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4168/CĐ-UBND
|
Ninh Thuận, ngày
13 tháng 8 năm 2021
|
CÔNG ĐIỆN
VỀ VIỆC TIẾP TỤC THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH
COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
Kính gửi:
|
- Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể;
- Các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố.
|
Sau một thời gian thực hiện đợt
cao điểm phòng chống dịch theo Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 16/7/2021 của Ủy ban
nhân dân tỉnh, đến nay Tỉnh ta đã cơ bản kiểm soát được các ổ dịch trong cộng đồng.
Ủy ban nhân dân tỉnh trân trọng cảm ơn Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã ủng
hộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua; thời gian tới có
thể còn nhiều khó khăn hơn nữa, buộc phải chấp nhận những hy sinh trước mắt để ổn
định tình hình cho phát triển lâu dài, đề nghị Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp
cùng nỗ lực vượt khó, tiếp tục tin tưởng, chung sức, đồng lòng thực hiện cao nhất
các biện pháp quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.
Trước tình hình dịch bệnh
Covid-19 tại một số tỉnh phía Nam và các tỉnh lân cận vẫn còn rất phức tạp với
chủng vi rút Delta có tốc độ lây lan nhanh, khó lường và nguy hiểm; nhằm tiếp tục
triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh
trong giai đoạn tiếp theo, làm cơ sở vững chắc để khôi phục lại các hoạt động sản
xuất, kinh doanh và đời sống của người dân;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề
nghị các ngành, các cấp và toàn thể Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp triển khai
các nội dung, giải pháp sau đây:
I. Thực hiện
các biện pháp phòng, chống dịch trên phạm vi toàn tỉnh kể từ 00 giờ 00 ngày
14/8/2021 cho đến khi có thông báo mới, cụ thể như sau:
1.
Áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người,
giãn cách xã hội, gồm:
- Hạn chế ra khỏi nhà, chỉ ra
ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết. Thực hiện nghiêm quy định 5K, nhất là
việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi giao
tiếp. Yêu cầu mọi người dân khi đến/về từ các tỉnh, thành phố phải khai báo y tế
và thực hiện cách ly theo quy định.
- Dừng tất cả các hoạt động văn
hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.
- Không tập trung quá 10 người,
ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; riêng thành phố Phan Rang-Tháp
Chàm không tập trung quá 05 người.
- Dừng các hoạt động hội họp,
các sự kiện tập trung trên 20 người trong 01 phòng tại các công sở, văn phòng
doanh nghiệp. Đối với các sự kiện, hoạt động cấp thiết cần có sự tham gia đông
người, giao các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố chủ động căn cứ tình
hình và nhu cầu thực tế để quyết định cho phép và chịu trách nhiệm về công tác
đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
- Các hoạt động tín ngưỡng, tôn
giáo và các hoạt động tập trung khác tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, điểm nhóm
sinh hoạt tôn giáo tập trung: Tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và huyện Ninh
Phước được tổ chức không quá 15 người tham dự; các huyện còn lại được tổ chức
không quá 20 người tham dự trong cùng một thời điểm. Khuyến khích thực hiện các
sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo theo hình thức online, trực tuyến.
2.
Chỉ cho phép hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch
vụ thiết yếu nhưng phải đảm bảo đáp ứng điều kiện phòng chống dịch theo quy định.
Chủ cơ sở chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho người lao động
và cộng đồng; yêu cầu kiểm soát toàn bộ người đến mua hàng/sử dụng dịch vụ và
khai báo y tế. Trường hợp không đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch theo quy
định thì tạm thời đóng cửa cho đến khi đủ điều kiện hoạt động.
- Các hoạt động kinh doanh,
dịch vụ tiếp tục tạm dừng hoạt động, gồm: Chợ đêm; quán bar, vũ trường,
karaoke, phòng trà ca nhạc, câu lạc bộ hát với nhau; các dịch vụ massage, dịch
vụ trò chơi điện tử, liên hoan ăn uống, tiệc cưới đông người, rạp chiếu phim;
các cơ sở luyện tập gym, yoga, bi -da, bóng đá…; khu vui chơi giải trí cho trẻ
em (kể cả khu trò chơi trong siêu thị), hoạt động hát cho nhau nghe tại các
quán, hoạt động đón khách tại các điểm, khu du lịch, danh lam thắng cảnh, di
tích, bảo tàng, thư viện trên địa bàn tỉnh; hoạt động tắm biển.
- Đối với cơ sở, hàng, quán
dịch vụ ăn, uống: Không phục vụ khách tại chỗ, chỉ phục vụ hình thức bán mang
về và phải đóng cửa từ 21h00 hôm trước đến 04h00’ sáng hôm sau. Người mua hàng
hoặc người giao hàng phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng, chống
dịch, đặc biệt là phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách trong khi giao dịch.
- Các hình thức đi bán hàng dạo,
hàng rong (không có nơi buôn bán cố định): tiếp tục dừng hoạt động.
3.
Các cơ sở lưu trú: Cho phép hoạt động các
cơ sở đăng ký phục vụ cách ly y tế tập trung có thu phí; các cơ sở còn lại chỉ
được đón khách đi công tác công vụ tại các địa phương trong tỉnh, các chuyên
gia và người công tác, làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, dự án trên địa
bàn tỉnh khi có ý kiến của Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh.
4.
Đối với hoạt động vận tải:
a) Tiếp tục tạm dừng hoạt động
vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, xe
taxi đi ngoài tỉnh cho đến khi có thông báo mới; trừ các trường hợp phục vụ cấp
cứu, công tác phòng chống dịch, công vụ, vận chuyển công nhân, chuyên gia.
Đối với vận tải hành khách công
cộng nội tỉnh (xe Buýt và xe taxi): phải đảm bảo giãn cách, chỉ hoạt động tối
đa 50% số xe của mỗi doanh nghiệp đăng ký. Số lượng vận chuyển hành khách trên
mỗi xe không vượt quá 50% số lượng ghế đã được cấp phép (xe buýt không quá 10
khách/xe; xe taxi 01 khách/xe 4-5 chỗ và tối đa 2 khách/xe 7- 9 chỗ).
b) Công tác vận chuyển hàng
hóa: Chủ các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, lái xe, phụ xe và tổ chức cá
nhân giao/nhận hàng hóa phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch
Covid-19 theo nội dung các Công văn: số 3247/UBND-KTTH ngày 01/7/2021 và
3771//UBND-KTTH ngày 26/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
5.
Đối với các nhà máy, cơ sở sản xuất, công
trình xây dựng:
Chủ các doanh nghiệp phải xây dựng
và thực hiện phương án phòng, chống dịch đảm bảo vừa an toàn phòng, chống dịch
vừa sản xuất kinh doanh; chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng chống dịch
trước pháp luật trong quá trình hoạt động; tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho người
lao động định kỳ 01 tuần/lần. Giao Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh hướng dẫn
doanh nghiệp trong Khu công nghiệp; Sở Công Thương hướng dẫn và giám sát doanh
nghiệp ngoài Khu công nghiệp; Sở Y tế hướng dẫn chi tiết về quy trình và cách
thức tổ chức xét nghiệm định kỳ hàng tuần đối với người lao động. Giao UBND các
huyện, thành phố chịu trách nhiệm về tổ chức triển khai và kiểm tra, giám sát
việc thực hiện của các đơn vị trên địa bàn quản lý.
Riêng các doanh nghiệp, nhà
máy, cơ sở sản xuất đóng chân trên địa bàn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm: chỉ tổ
chức hoạt động với quy mô tối đa 50% tổng số người lao động hiện có của đơn vị.
Đối với công trình nhà ở riêng
lẻ thi công với số lượng người lao động không quá 10 người tại công trình, thực
hiện nghiêm quy định 5K trong suốt quá trình làm việc, đơn vị thi công chịu
trách nhiệm toàn diện về kiểm soát công tác phòng chống dịch trong quá trình hoạt
động. Giao UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát công
tác phòng, chống dịch đối với công trình nhà ở riêng lẻ.
Đối với hoạt động thu gom, vận
chuyển, xử lý rác của Công ty TNHH xây dựng thương mại và sản xuất Nam
Thành-Ninh Thuận và hoạt động thi công, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống
điện, nước, viễn thông được thực hiện theo tuyến đã được phê duyệt.
6.
Các cảng cá được hoạt động nhưng phải kiểm soát
phòng, chống dịch nghiêm ngặt. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối
hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố hướng dẫn xây dựng phương án phòng,
chống dịch, phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể giữa ban quản lý cảng và các
địa phương. UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp các hoạt
động về phòng, chống dịch tại cảng.
Chợ Nông sản Phan Rang hoạt động
với công suất 30% các gian hàng và chỉ thực hiện đầu mối trung chuyển hàng hóa
(không bán tại chỗ); xây dựng, thực hiện phương án phòng, chống dịch đảm bảo an
toàn trong quá trình hoạt động, đặc biệt phải thực hiện nghiêm túc quy định 5K
và kiểm soát y tế chặt chẽ đối với lực lượng lái xe vận chuyển hàng hóa. Giao
UBND thành phố Phan Rang - Tháp Chàm hướng dẫn và giám sát Ban Quản lý chợ Nông
sản Phan Rang xây dựng phương án phòng, chống dịch. Các chợ khác do các địa
phương quản lý chỉ được kinh doanh các mặt hàng thiết yếu. Các chợ cóc, chợ tạm
không được hoạt động.
Giao Sở Y tế, UBND các huyện,
thành phố thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm định kỳ 01 tuần/lần để tầm soát dịch
Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế đối với các tiểu thương, hộ kinh doanh,
nhân viên, người làm việc và người mua hàng tại các chợ, cảng cá, bến cá trên địa
bàn tỉnh.
7.
Tiếp tục tăng cường lực lượng siết chặt kiểm soát người
đến tỉnh tại các Chốt kiểm soát dịch trên các tuyến quốc lộ vào tỉnh (tại Thuận
Nam, Thuận Bắc, Bác Ái, Ninh Sơn) và Tổ liên ngành tại Ga Tháp Chàm. Đối các Chốt
kiểm soát giữa các địa phương (cấp huyện, cấp xã), giao UBND các huyện, thành
phố căn cứ tình hình và nhu cầu thực tế tại địa phương để quyết định việc cần
thiết duy trì hoạt động, đảm bảo phát huy hiệu quả phòng, chống dịch.
Tăng cường hoạt động của Tổ
giám sát cộng đồng để kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý y tế đối với các trường
hợp về từ vùng dịch và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ theo dõi, quản lý các trường
hợp đang cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định.
8.
Cán bộ, công chức, người lao động làm việc trong
cơ quan nhà nước: tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin để làm việc tại nhà đạt
tỷ lệ 50%, trừ những trường hợp trực chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ phòng, chống
dịch. Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm kiểm tra kết quả làm việc tại nhà, đảm bảo
hoàn thành 100% nhiệm vụ được giao, không được để ách tắt, tồn đọng công việc,
nhất là liên quan đến giải quyết các thủ tục hành chính của người dân.
II. Trách
nhiệm của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân
1. Các
Sở, ban, ngành, cơ quan chức năng:
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn được giao và lĩnh vực quản lý, có trách nhiệm theo sát diễn biến tình hình
dịch bệnh, các vấn đề phát sinh gây khó khăn trong đời sống an ninh, an toàn của
Nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; chủ động, linh hoạt,
sáng tạo xử lý kịp thời, hiệu quả, đề xuất các giải pháp hiệu lực, hiệu quả
hơn, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với các trường hợp vượt
thẩm quyền.
- Ngành y tế tăng cường năng lực
xét nghiệm, cách ly, phân tầng điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các tuyến, giảm
tối đa các trường hợp tử vong; đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin; duy trì việc xét
nghiệm tầm soát theo định kỳ đối với các đối tượng và địa bàn nguy cơ. Sở Thông
tin và Truyền thông chủ động phối hợp, hướng dẫn ngành y tế ứng dụng mạnh mẽ
công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch.
- Công an tỉnh tăng cường kiểm
tra, quản lý công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
- Báo Ninh Thuận, Đài Phát
thanh Truyền hình tỉnh và hệ thống truyền thanh ở cơ sở tăng cường công tác thông
tin, tuyên truyền đến mỗi người, mỗi gia đình, tổ, thôn, khu phố về diễn biến dịch
bệnh, các biện pháp chỉ đạo phòng, chống dịch, đặc biệt là thông điệp 5K; các
mô hình hay, cách làm tốt, các hình thức xử lý liên quan nếu vi phạm các quy định
về phòng, chống dịch; thường xuyên cập nhật thông tin, các khuyến cáo của ngành
y tế để người dân có đầy đủ thông tin chính xác, ngăn chặn các thông tin tiêu cực,
bịa đặt gây tâm lý hoang mang; vận động người dân tích cực tham gia cùng chính
quyền trong công tác phòng, chống dịch.
2.
UBND các huyện, thành phố:
- Người đứng đầu các địa phương
chịu trách nhiệm toàn diện về công tác chỉ đạo, tình hình kết quả phòng, chống
dịch trên địa bàn phụ trách theo phương châm “4 tại chỗ” và “đi từng ngõ, gõ từng
nhà, rà từng người”; quản lý, kiểm tra, giám sát, báo cáo công tác phòng, chống
dịch Covid-19. Trong xử lý các vấn đề liên quan phải đặt tính mạng, sức khỏe của
người dân lên trên hết để tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch quyết
liệt theo thẩm quyền; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát
sinh để đảm bảo ổn định đời sống, an ninh trật tự, an toàn cho người dân, vừa
duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa bảo đảm các yêu cầu an toàn phòng chống
dịch ở mức cao nhất.
- Phát động mạnh mẽ phong trào
Toàn dân quyết tâm thi đua sản xuất kinh doanh an toàn phòng, chống dịch và bảo
vệ thật chắc “vùng xanh”; đẩy mạnh phong trào tự quản trong cộng đồng để giữ vững
vùng xanh; có giải pháp cụ thể để chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh”, “vùng
cam” thành “vùng vàng” và khoanh chặt, thu hẹp tiến tới xóa bỏ “vùng đỏ”. Giao
Sở Y tế chủ trì, hướng dẫn các địa phương về tiêu chí xác định các vùng nguy cơ
theo quy định.
- Huy động sự tham gia, kiểm
tra, giám sát của hệ thống chính trị cơ sở trong thực hiện các biện pháp phòng,
chống dịch, nhất là tại từng tổ dân phố, khu dân cư. Động viên, khen thưởng kịp
thời những tổ chức, cá nhân làm tốt và nhân rộng các mô hình, cách làm hay, hiệu
quả trong phòng, chống dịch. Nhắc nhở, phê bình, kiểm điểm, xử lý nghiêm các trường
hợp vi phạm theo quy định.
- Tăng cường công tác kiểm tra,
xử lý nghiêm vi phạm quy định phòng, chống dịch trên tất cả các lĩnh vực và địa
bàn phụ trách.
- Đặc biệt quan tâm, chỉ đạo
quyết liệt, hiệu quả hơn nữa việc bảo đảm lưu thông, cung cấp đầy đủ lương thực,
nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân gặp khó khăn, bảo đảm không để bất kỳ ai bị
thiếu ăn, thiếu mặc; có phương án đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường,
chăm sóc sức khỏe; thực hiện kịp thời, đúng quy định các chính sách an sinh xã
hội, nhất là chi trả kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định
23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Thông báo công khai số điện
thoại đường dây nóng và trực phòng chống dịch để người dân biết liên hệ; tổ chức
trực ban 24/7 đảm bảo kịp thời giải quyết các công việc cấp bách trong mọi tình
huống.
- Giao thẩm quyền cho Chủ tịch
UBND các huyện, thành phố được quyết định áp dụng bổ sung các biện pháp phòng,
chống dịch ở mức độ cao hơn quy định tại Mục I của Công điện này đối với các địa
bàn, khu vực có mức nguy cơ cao và rất cao.
3. Đối
với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ:
Đề nghị tuân thủ các biện pháp
an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định nêu trên. Người đứng đầu
đơn vị chịu trách nhiệm về việc nhân viên, người lao động lây nhiễm dịch bệnh
do không chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch.
4. Đối
với người dân:
Thực hiện nghiêm quy định hạn
chế tụ tập đông người, giãn cách xã hội, tuân thủ nghiêm biện pháp 5K. Thực hiện
khai báo y tế khi ra khỏi nhà trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng
Vietnam Health Declaration, Ncovi, Bluezone. Liên hệ ngay với chính quyền địa
phương, cơ sở y tế nơi gần nhất khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất
vị giác. Luôn cảnh giác, phát huy tinh thần trách nhiệm, cùng với chính quyền
giám sát không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; thông tin kịp thời cho các
cơ quan chức năng khi phát hiện những người về từ vùng dịch để xử lý y tế theo
quy định.
Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị
các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân trên địa bàn tỉnh
quyết tâm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Công điện này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Bộ Y tế (b/c);
- TT. Tinh ủy, TT. HĐND tỉnh (b/c);
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các Huyện,Thành ủy;
- Như phần kính gửi;
- Báo NT, Đài PTTH tỉnh (đưa tin);
- VPUB: LĐ, CV;
- Lưu: VT, VXNV. NNN
|
CHỦ TỊCH
Trần Quốc Nam
|