BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 49/2017/TT-BYT
|
Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2017
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG Y TẾ TỪ XA
Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP
ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục
Công nghệ thông tin,
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định về hoạt động y tế từ xa.
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về hoạt động
y tế từ xa, bao gồm: Tư vấn y tế từ xa; hội chẩn tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ
xa; hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ
xa; hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa và đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám bệnh,
chữa bệnh từ xa.
2. Thông tư này áp dụng đối với cơ sở
y tế và cơ quan, tổ chức, cá nhân (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân) có
liên quan đến việc hoạt động y tế từ xa trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, bao gồm
cả các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài khi kết nối hoạt động y tế từ xa với cơ sở
y tế ở Việt Nam.
Điều 2. Giải
thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới
đây được hiểu như sau:
1. Y tế từ xa là việc trao đổi
thông tin có liên quan đến sức khỏe của cá nhân giữa người làm chuyên môn y tế
với cá nhân đó hoặc giữa những người làm chuyên môn y tế với nhau ở các địa điểm
cách xa nhau thông qua các phương tiện công nghệ thông tin và viễn thông.
2. Điểm kết nối là nơi lắp đặt
các thiết bị công nghệ thông tin tham gia y tế từ xa.
3. Điểm điều khiển trung tâm
là nơi lắp đặt thiết bị quản lý đa điểm để điều khiển các điểm kết nối thông
qua hệ thống đường truyền.
Điều 3. Nguyên tắc
hoạt động y tế từ xa
1. Y tế từ xa được thực hiện trên
nguyên tắc tự nguyện của các bên tham gia.
2. Người xin ý kiến tư vấn quyết định
và chịu trách nhiệm về việc sử dụng nội dung tư vấn của bên tư vấn, đồng thời
có trách nhiệm thông báo kết quả thực hiện cho bên tư vấn.
Điều 4. Yêu cầu kỹ
thuật công nghệ thông tin đối với hoạt động y tế từ xa
Hoạt động y tế từ
xa được thực hiện khi tổ chức, cá nhân đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật công nghệ
thông tin sau đây:
1. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông
tin và biện pháp bảo đảm an toàn bảo mật thông tin phải đáp ứng đầy đủ quy định
tại Điều 3 và Điều 4 của Thông tư số 53/2014/TT-BYT ngày 29
tháng 12 năm 2014 của Bộ Y tế quy định điều kiện hoạt động y tế trên môi trường
mạng.
2. Bên tư vấn và bên xin ý kiến tư vấn
phải bảo đảm đường truyền thông suốt, liên tục trong thời gian hoạt động y tế từ
xa.
3. Hệ thống ghi dữ liệu phải có dung
lượng lưu trữ tối thiểu 10 năm.
4. Hệ thống công nghệ thông tin phải
do người được đào tạo hoặc bồi dưỡng kiến thức về vận hành
hệ thống công nghệ thông tin vận hành.
5. Có quy chế quản lý hoạt động y tế
từ xa do Thủ trưởng cơ sở y tế phê duyệt.
Điều 5. Yêu cầu
chuyên môn chung đối với hoạt động y tế từ xa
Hoạt động y tế từ xa chỉ được thực hiện
tại cơ sở y tế có chức năng, nhiệm vụ về phòng bệnh hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
có giấy phép hoạt động theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản
quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Điều 6. Tư vấn y
tế từ xa
1. Tư vấn phòng bệnh từ xa
Người thực hiện tư vấn phòng bệnh từ
xa chỉ được tư vấn các nội dung phù hợp với trình độ
chuyên môn của mình và chịu trách nhiệm về nội dung đã tư vấn.
2. Tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa
Người thực hiện tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa chỉ được tư vấn các nội dung phù hợp với
phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và phải chịu trách nhiệm về
nội dung đã tư vấn.
Điều 7. Hội chẩn
tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện
hội chẩn tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa phải bảo đảm các nguyên tắc, yêu cầu
quy định tại các điều 3, 4, 5, Khoản 2 Điều 6 Thông tư này và đáp ứng các yêu cầu
sau đây:
1. Đáp ứng các quy định, quy trình về
hội chẩn chuyên môn của Bộ Y tế.
2. Bảo đảm ít nhất 01 điểm kết nối có
hệ thống ghi dữ liệu. Trường hợp hội chẩn tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa có
thực hiện thăm khám trên người bệnh thì thiết bị y tế thăm khám phải kết nối được
với hệ thống y tế từ xa.
3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề nghị
hội chẩn tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa phải kết luận hội chẩn rõ ràng từng
vấn đề và ghi vào Biên bản hội chẩn theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 8. Hội chẩn
tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện
hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa phải đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều
7 Thông tư này và các yêu cầu sau đây:
1. Giữa các điểm kết nối tham gia vào
quá trình hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa bảo đảm tích hợp hệ thống hỗ
trợ chức năng gửi, nhận dữ liệu thông tin và hình ảnh y khoa theo tiêu chuẩn ảnh
số và viễn thông trong y tế (DICOM) của người bệnh từ hệ
thống quản lý thông tin bệnh viện (HIS).
2. Có hệ thống nén và giải nén dữ liệu
gửi nhận phải bảo đảm tiêu chuẩn về hình ảnh y khoa.
3. Hình ảnh y khoa của người bệnh sau
khi bác sĩ tại cơ sở tư vấn đọc và chẩn đoán phải tự động lưu vào cơ sở dữ liệu
tại cơ sở tư vấn, đồng thời dữ liệu này được lưu trữ tại cơ sở nhận tư vấn.
4. Băng thông đường truyền tối thiểu tại
các điểm kết nối tham gia là 4Mbps. Đối với điểm kết nối là trung tâm kết nối
thì yêu cầu tối thiểu băng thông là: (n-1) x 4Mbps, trong
đó n là số điểm kết nối trực tuyến.
Điều 9. Hội chẩn
tư vấn giải phẫu bệnh từ xa
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện
hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa phải đáp ứng yêu cầu
quy định tại Điều 7 Thông tư này và các yêu cầu sau đây:
1. Hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ
xa với các nguồn hình ảnh tĩnh cần đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư
này.
2. Hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ
xa với các nguồn hình ảnh động phải đáp ứng: Điểm kết nối có nhu cầu xin hội chẩn
giải phẫu bệnh từ xa phải trang bị máy quét tiêu bản có khả năng kết xuất video
thao tác của bác sĩ giải phẫu bệnh theo thời gian thực, tối thiểu đạt tiêu chuẩn
công nghệ độ nét cao (HD), đồng thời tín hiệu đó phải có khả năng kết nối với hệ
thống hội nghị truyền hình để chia sẻ hình ảnh y khoa với các điểm kết nối tham
gia hội chẩn từ xa; có hệ thống tự động ghi và lưu trữ quá trình thực hiện hội
chẩn.
Điều 10. Hội chẩn
tư vấn phẫu thuật từ xa
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện
hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa ngoài việc đáp ứng quy định tại Điều 7 Thông
tư này, phải có thiết bị xử lý bảo đảm kết nối được nhiều
nguồn hình ảnh, âm thanh từ nhiều định dạng khác nhau và có khả năng thực hiện
kết nối vào hệ thống hội nghị truyền hình; các thiết bị có khả năng chuyển đổi
giữa các loại định dạng khác nhau.
Điều 11. Đào tạo
chuyển giao kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh từ xa
Cơ sở y tế có nhiệm vụ đào tạo thực
hiện đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh từ xa phải đáp ứng quy định
tại các điều 4, 5, Khoản 2 Điều 6 Thông tư này và các quy định sau đây:
1. Có phòng hoặc hội trường phù hợp với
quy mô, nội dung đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh từ xa.
2. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông
tin phải bảo đảm:
a) Băng thông tối thiểu của hệ thống
đường truyền tại mỗi điểm kết nối sử dụng công nghệ HD là 2Mbps. Băng thông tối
thiểu của điểm điều khiển trung tâm với số điểm kết nối nhiều hơn 02 điểm sử dụng
công nghệ HD là (n-n1) x 2Mbps, trong
đó n là số điểm kết nối trực tuyến, n1 là số điểm kết nối
trong mạng nội bộ, (n-n1) là số điểm kết nối bên ngoài mạng
nội bộ;
b) Bảo đảm ít nhất 01 điểm kết nối có
hệ thống ghi dữ liệu.
Điều 12. Chi phí
hoạt động y tế từ xa
Chi phí vận hành hệ thống công nghệ
thông tin và các chi phí gia tăng để thực hiện hoạt động y tế từ xa được chi trả
theo quy định của pháp luật.
Điều 13. Hiệu lực
thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ
ngày 15 tháng 02 năm 2018.
2. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu
trong Thông tư này được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì áp dụng theo văn bản
thay thế hoặc văn bản đã được sửa đổi, bổ sung.
Điều 14. Trách
nhiệm thi hành
1. Các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế
a) Cục Công nghệ thông tin chủ trì, phối
hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện
Thông tư này;
b) Vụ Kế hoạch Tài chính chủ trì, phối
hợp với Cục Công nghệ thông tin, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Vụ Bảo hiểm y tế
và các đơn vị liên quan xây dựng chi phí vận hành hệ thống công nghệ thông tin
và các chi phí gia tăng, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Văn phòng Bộ, các Vụ, Cục, Tổng cục
thuộc Bộ Y tế và Thanh tra Bộ Y tế có trách nhiệm phối hợp với Cục Công nghệ
thông tin tham gia công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động y tế từ xa theo
chức năng, nhiệm vụ được giao.
2. Sở Y tế và y tế Bộ, ngành có trách
nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Thông tư này theo
thẩm quyền quản lý; định kỳ vào tháng 12 hằng năm tổng hợp báo cáo Bộ Y tế (Cục
Công nghệ thông tin) về tình hình hoạt động và hiệu quả hoạt
động y tế từ xa của các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý.
3. Các cơ sở y tế thực hiện hoạt động
y tế từ xa
a) Thủ trưởng cơ sở y tế quyết định
việc thực hiện hoạt động y tế từ xa tại cơ sở y tế phụ trách khi đáp ứng các
quy định tại Thông tư này, đồng thời báo cáo đến cơ quan quản lý y tế cấp trên
trực tiếp theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành
kèm theo Thông tư này;
b) Xây dựng và ban hành quy chế quản
lý hoạt động y tế từ xa tại cơ sở y tế;
c) Hoạt động y tế từ xa phải đảm bảo
quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người tư vấn và người xin ý kiến tư vấn theo
quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các quy định khác có liên quan;
d) Tổ chức đánh giá hiệu quả việc hoạt
động y tế từ xa để có biện pháp điều chỉnh phù hợp, kịp thời;
đ) Định kỳ vào tháng 12 hằng năm báo
cáo cơ quan quản lý y tế cấp trên trực tiếp về tình hình hoạt động và hiệu quả
hoạt động y tế từ xa.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn,
vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân kịp thời phản ánh về
Bộ Y tế (Cục Công nghệ thông tin) để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Ủy ban về các vấn đề xã hội của
Quốc hội (để b/c);
- Ủy ban Quốc gia về CNTT;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để phối hợp chỉ đạo);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Vụ KGVX và Công báo, Văn phòng Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp;
- Các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế;
- Y tế các Bộ, ngành;
- Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế;
- Lưu: VT, CNTT (03b), PC (02b).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Lê Quang Cường
|
PHỤ LỤC I.
MẪU BIÊN BẢN HỘI CHẨN TỪ XA
(Áp dụng cho cơ sở đề nghị hội chẩn từ xa)
(Ban hành kèm theo Thông tư số 49/2017/TT-BYT ngày
28 tháng 12 năm 2017 của Bộ
trưởng Bộ Y tế)
Cơ quan chủ quản
Tên cơ sở KCB…..
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
/BB-…
|
…, ngày tháng năm….
|
BIÊN
BẢN HỘI CHẨN TỪ XA
A.
PHẦN HÀNH CHÍNH
1. Tổ chức/Cá nhân đề xuất hội chẩn:............................................................................
2. Lý do hội chẩn:........................................................................................................
3. Hôm nay, ngày...tháng...năm...;
lúc...giờ....... phút....
4. Chúng tôi gồm: (ghi rõ họ tên, chức
vụ từng người)
a) Bên xin hội chẩn:......................................................................................................
b) Bên tư vấn:..............................................................................................................
5. Địa điểm tổ chức/cá nhân xin hội
chẩn:......................................................................
6. Chủ tọa (bên xin hội chẩn):........................................................................................
7. Thư ký:....................................................................................................................
B.
NỘI DUNG HỘI CHẨN
I. Thông tin chung của người
bệnh:
- Họ tên bệnh nhân:..........................
Tuổi:............. Giới tính............................
- Dân tộc:....................................................................................................................
- Nghề nghiệp:.............................................................................................................
- Địa chỉ:......................................................................................................................
- Số vào viện:..............................................................................................................
- Số thẻ BHYT:.............................................................................................................
- Vào viện lúc: giờ........ phút..... ngày... tháng....
năm.......................................
- Tại khoa:....................................................................................................................
II. Diễn biến bệnh
1. Tóm tắt tiền sử bệnh:................................................................................................
2. Tình trạng lúc vào viện:.............................................................................................
3. Chẩn đoán hiện tại:...................................................................................................
4. Tóm tắt diễn biến bệnh, quá trình
điều trị, quá trình chăm sóc ở khoa:.........................
III. Nội dung thảo luận
1. Chẩn đoán, nguyên nhân, tiên lượng:........................................................................
2. Phương pháp điều trị:...............................................................................................
3. Chăm sóc:...............................................................................................................
IV. Kết
luận (chủ tọa kết luận: Nêu rõ chẩn đoán, hướng xử lý tiếp tục và tiên lượng...)
Các
thành viên
|
Thư
ký
Họ tên………………….
|
Chủ
tọa
Họ tên………………….
|
PHỤ LỤC II.
MẪU BÁO CÁO VỀ VIỆC THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG Y
TẾ TỪ XA
(Ban hành kèm theo Thông tư số 49/2017/TT-BYT ngày
28 tháng 12 năm 2017 của Bộ
trưởng Bộ Y tế)
Cơ quan chủ quản
Tên cơ sở y tế…..
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
/BC-…
|
…, ngày tháng năm….
|
BÁO
CÁO
Về việc thực hiện hoạt động y tế từ xa
1. Tên cơ sở y tế:
2. Giấy phép hoạt động y tế/khám, chữa
bệnh số:
3. Địa chỉ cơ sở
y tế:
4. Điện thoại:
5. Thời gian bắt đầu thực hiện y tế từ
xa:
6. Nội dung hoạt động y tế từ xa:
7. Danh sách người tham gia hoạt động
y tế từ xa tại cơ sở y tế:
8. Đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật công
nghệ thông tin (liệt kê theo Điều 4 của Thông tư này):
9. Đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật công
nghệ thông tin khác (theo nội dung tư vấn quy định tại các điều 7, 8, 9, 10, và
11 Thông tư này):
Nơi nhận:
- Cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp;
- Cục CNTT, Bộ Y tế;
-…
- Lưu: VT,...
|
THỦ TRƯỞNG
|