CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TẬP TRUNG MỌI KHẢ NĂNG KHỐNG CHẾ TÌNH HÌNH SỐT RÉT
ĐANG TĂNG
Sau nhiều năm phấn
đấu, công tác thanh toán bệnh sốt rét trong cả nước đã thu được những kết quả
quan trọng, góp phần phục vụ sức khoẻ nhân dân, phục vụ xây dựng kinh tế và quốc
phòng.
Nhưng trong mấy năm gần đây, bệnh
sốt rét đang có chiều hướng tăng trở lại, ảnh hưởng xấu đến đời sống và sức sản
xuất của nhân dân. Ngoài các nguyên nhân khách quan (di biến động lớn trong
nhân dân, khó khăn về tinh tế - xã hội, về chuyên môn kỹ thuật, mạng lưới y tế
hoạt động yếu...), nguyên nhân chủ yếu là buông lỏng lãnh đạo, coi nhẹ công tác
phòng chống sốt rét.
Yêu cầu cấp bách hiện nay là phải
bằng mọi cách khống chế không để bệnh sốt rét tăng lên trong năm 1987, làm cơ sở
đẩy lùi từng bước trong các năm sau. Trước hết cần tập trung tiến hành tốt chiến
dịch khống chế bệnh sốt rét đợt I trong tháng 3, tháng 4 năm 1987 đạt các yêu cầu
về chất lượng của các biện pháp chuyên môn kỹ thuật (phun DDT, điều trị quản lý
bệnh nhân, giám sát dịch tễ...), về củng cố thêm một bước tổ chức chuyên môn và
đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia các biện
pháp phòng chống sốt rét (nằm màn, phát quang bụi rậm, thả cá ăn bọ gậy, ăn
rong, hun khói, xua muỗi, đi thử máu khi sốt, uống thuốc đủ liều...). Đặc biệt
chú ý vùng trọng điểm sốt rét phục vụ ba chương trình kinh tế trọng tâm của Nhà
nước.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương
và đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ dưới đây :
1. Đối với các
Sở Y tế tỉnh, thành phố :
Các Sở Y tế phải coi phòng chống
sốt rét là trọng tâm công tác toàn ngành trong năm 1987. Trước mắt tập trung mọi
lực lượng triển khai có chất lượng chiến dịch mùa xuân khống chế bệnh sốt rét.
Lãnh đạo Sở phải trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm về kết quả của chiến dịch.
Để bảo đảm thắng lợi, Sở Y Tế đề xuất với Uỷ ban Nhân dân tỉnh, làm việc với Sở
Tài chính bảo đảm đủ kinh phí sốt rét ngay từ đầu năm để để mua thuốc, hoá chất,
tổ chức các đội phun DDT, đội điều trị bán chuyên nghiệp nhằm bảo đảm chất lượng
các biện pháp chuyên môn và tránh lãng phí. Sở cần huy động lực lượng toàn
ngành (cán bộ ở bệnh viện, các cơ quan quanh Sở, học sinh trường y tế. ..) được
bồi dưỡng chuyên môn làm nòng cốt phục vụ chiến dịch.
Tiếp theo chiến dịch tấn công, Sở
cần tập trung giải quyết việc tuyển dụng, bồi dưỡng chuyên môn và tổ chức hoạt
động có hiệu quả đối với lực lượng lao động bổ sung cho sốt rét. Đồng thời quan
tâm củng cố tốt mạng lưới y tế cơ sở; cần tăng cường củng cố và tạo điều kiện
cho trạm chuyên khoa nâng cao năng lực hoạt động giúp đỡ tuyến dưới, chỉ đạo
các phòng y tế huyện, bệnh viện, các khu kinh tế mới, các công, nông, lâm trường,
xí nghiệp, trường học, cơ quan thực hiện đầy đủ các quy định của công tác sốt
rét. Đặc biệt Sở Y Tế cần chỉ đạo Công ty dược phẩm bảo đảm cơ số thuốc sốt rét
thường xuyên cho các tuyến và các cơ sở điều trị nhằm mục đích cuối cùng là
phát huy thắng lợi của chiến dịch tấn công, tiếp tục đẩy lùi bệnh sốt rét đạt mục
tiêu đề ra cho năm 1987.
2. Đối với y tế
các ngành : Tuỳ theo tính chất của từng ngành, đặc biệt với ngành cao su, lâm
nghiệp, nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, giao thông vận tải, các lực lượng
vũ trang... cần xây dựng kế hoạch phòng chống sốt rét toàn diện cho ngành mình
Y tế ngành cần chủ động liên hệ với y tế địa phương để phối hợp chặt chẽ thường
xuyên và trong chiến dịch phòng chống sốt rét cho đơn vị mình cũng như nhân dân
vùng xung quanh. Các ngành cần huy động khả năng kinh phí tự có hoặc kinh phí
thuộc các chương trình liên doanh, hợp tác với nước ngoài để giải quyết nhu cầu
về thuốc, hoá chất cho công tác sốt rét (theo hướng dẫn của Sở Y Tế).
Dịch sốt rét thường xảy ra ở các
vùng kinh tế mới. Để phục vụ kế hoạch phân bố lại dân cư của Nhà nước, Bộ yêu cầu
các Sở Y Tế quan hệ chặt chẽ với cơ quan điều động dân cư để thực hiện đầy đủ
các quy định của Bộ Y Tế về phòng chống sốt rét cho đối tượng này.
3. Đối với viện,
phân viện sốt rét ký sinh trùng và côn trùng:
Các viện và phân viện sốt rét ký
sinh trùng và côn trung cần tập trung lực lượng hướng dẫn giúp đỡ các địa
phương và các ngành thực hiện tốt chiến dịch tấn công, có kế hoạch hướng dẫn địa
phương trong việc huấn luyện và tổ chức sử dụng số lao động bổ sung cho sốt rét
(tập hợp kết quả báo cáo về Bộ). Trong năm 1987 còn có những khó khăn nhất định
về sản xuất và phân phối thuốc sốt rét, viện và phân viện cần phối hợp chặt chẽ
với Liên hiệp xí nghiệp Dược và các Vụ liên quan để bảo đảm nhu cầu thuốc. Đồng
thời tổ chức tốt việc hợp tác với Liên Xô và các tổ chức quốc tế về công tác sốt
rét.
4. Đối với Liên
hiệp các xí nghiệp Dược :
Thuốc sốt rét cho kế hoạch 1987
còn thiếu. Liên hiệp các xí nghiệp Dược phải chỉ đạo chặt chẽ việc sản xuất thuốc
với nguyên liệu sẵn có hoàn thành cuối quý I năm 1987 và đầu quý II năm 1987. Đồng
thời có kế hoạch sản xuất thuốc còn thiếu của năm 1987 và thuốc cho năm 1988
khi có nguyên liệu bổ sung. Liên hiệp các xí nghiệp Dược cần đôn đốc nhập sớm
nguyên liệu mua ở nước ngoài.
Liên hiệp các xí nghiệp Dược cần
có kế hoạch điều phối thuốc cho các địa phương theo yêu cầu của chuyên môn đáp ứng
đúng số lượng, mặt hàng và thời gian nhất là cho chiến dịch đợt I (tháng 3 và
tháng 4 năm 1987).
5. Đối với các
vụ :
- Vụ vệ sinh phòng dịch. Ngoài
nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra các địa phương và y tế các ngành thực hiện kế hoạch
phòng chống sốt rét; cùng với Viện sốt rét ký sinh trùng và côn trùng kịp thời
phát hiện các khó khăn, đề xuất tham mưu với Bộ cách giải quyết, cần tiếp tục
làm tốt nhiệm vụ đầu mối giải quyết các vấn đề có liên quan đến nhiều đơn vị về
thuốc kinh phí, lao động cho sốt rét.
- Vụ kế hoạch. Ngoài việc tạo
nguồn thuốc, hoá chất, vật tư cho sốt rét, cần quan tâm điều chỉnh kế hoạch ưu
tiên cho sốt rét, theo dõi và giúp đỡ thực hiện tốt các chương trình hợp tác quốc
tế về sốt rét. Đối với viện trợ của Liên Xô (kế hoạch 1986-1990) Vụ cần làm việc
với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước bảo đảm nhu cầu về thuốc và các vật tư cho sốt rét.
- Vụ tài chính - kế toán cần
dành kinh phí ưu tiên cho sốt rét. Cần tháo gỡ khó khăn về kinh phí cho các địa
phương trong triển khai Thông tư liên Bộ Y tế - Tài chính số 10-TT/LB.
- Vụ điều trị. Các cơ sở điều trị
có trách nhiệm quan trọng trong phòng chống sốt rét. Do đó Vụ cần chỉ đạo các
cơ sở điều trị thực hiện đầy đủ các quy định của Bộ đối với sốt rét (lấy máu,
điều trị đúng phác đồ, tham gia đội điều trị lưu động, chống dịch, tuyên truyền
giáo dục phòng chống sốt rét...) chỉ đạo hạ tỷ lệ tử vong do sốt rét ở các cơ sở
điều trị.
- Vụ lao động tiền lương. Cần tập
trung làm tốt các quy định và hướng dẫn các địa phương thực hiện tiêu chuẩn tuyển
dụng, chế độ, chính sách đối với số cán bộ bổ sung cho sốt rét. Hướng dẫn theo
dõi việc thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đã ban hành. Đồng thời nghiên
cứu đề xuất các chế độ chính sách ưu tiên cho cán bộ sốt rét.
- Vụ tổ chức cán bộ. Cần nghiên
cứu đề xuất, chỉ đạo thực hiện việc củng cố tổ chức chuyên khoa sốt rét tại các
tỉnh, huyện, nhất là các huyện trọng điểm sốt rét trên cơ sở lao động sốt rét
được bổ sung nhằm đáp ứng nhu cầu về khống tình hình sốt rét đang tăng lên hiện
nay.
- Vụ đào tạo. Cần chỉ đạo các
trường y tế tham gia chiến dịch tấn công và các hoạt động phòng chống sốt rét.
Cần có kế hoạch rà soát lại nội
dung, chương trình giảng dạy phòng chống sốt rét tại các trường đào tạo và bồi
dưỡng cán bộ y tế.
Cần nghiên cứu đề xuất tăng thêm
chỉ tiêu đào tạo chuyên khoa sốt rét cho các năm.
- Trung tâm tuyên truyền bảo vệ
sức khoẻ:
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
giáo dục phòng chống sốt rét dưới mọi hình thức để nhân dân biết cách đề phòng.
Thanh toán bệnh sốt rét là một
trọng tâm công tác của toàn ngành trong năm 1987 và những năm sau. Mục tiêu của
năm 1987 là cố gắng khống chế bệnh sốt rét không tăng hơn 1986. Bộ yêu cầu các
địa phương và đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra, chịu trách nhiệm trước Bộ về
kết quả thực hiện (báo cáo về Bộ mỗi quý một lần). Bộ sẽ tổ chức kiểm điểm định
kỳ việc thực hiện các yêu cầu trên.
Trong quá trình thực hiện có khó
khăn gì, xin phản ảnh kịp thời về Bộ (Vụ Vệ sinh phòng dịch) để nghiên cứu giải
quyết.