THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 13/CT-TTg
|
Hà Nội, ngày 09 tháng 5 năm 2016
|
CHỈ THỊ
VỀ
VIỆC TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM
An toàn thực phẩm là vấn đề ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến sức khỏe con người được xã hội rất quan tâm. Trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã
có nhiều cố gắng trong quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm. Từ khi có Luật an toàn thực phẩm năm 2010, các bộ,
ngành đã thực hiện quản lý an toàn theo chuỗi đối với từng ngành hàng, phù hợp thông lệ quốc tế và khắc phục tình trạng cắt
lát, chồng chéo.
Tuy nhiên, tình
trạng vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp gây lo lắng, bức xúc
trong xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là nhiều địa phương chưa quan tâm và thiếu tập
trung trong quản lý an toàn thực phẩm, chậm phát hiện và không kịp thời xử lý
các vụ việc vi phạm. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn, nhất là thông tư chưa
kịp thời. Chưa có cơ chế tài chính phù hợp giải quyết kinh phí, lực lượng kiểm tra còn hạn
chế về số lượng và chất lượng. Chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, ngăn
ngừa vi phạm. Việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh, chưa chú ý xem xét xử lý
trách nhiệm của cán bộ, công chức. Việc tuyên truyền mới tập trung phản ánh vi
phạm mà chưa chú trọng biểu dương, khuyến khích những tập
thể, cá nhân, doanh nghiệp làm tốt an toàn thực phẩm. Chưa
phát huy được vai trò các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, công luận và người dân tham gia giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là tại cơ sở.
Nhằm đề cao trách nhiệm, tăng cường
hiệu lực quản lý nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản
lý, bảo đảm an toàn thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản
lý an toàn thực phẩm theo đúng quy định từ Điều 61 đến Điều 70 Luật An toàn thực phẩm và quy định của Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng
Chính phủ về thực hiện trách nhiệm được giao.
a) Các bộ, ngành:
- Rà soát văn bản quy phạm pháp luật
về an toàn thực phẩm, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định
hiện hành, đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm.
- Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Công Thương tăng cường công tác
thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm đối với ngành hàng được phân công, quản lý chặt
chẽ các vật tư liên quan đến an toàn thực phẩm, giải quyết kịp thời các sự cố mất
an toàn thực phẩm; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử
lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm và các cơ quan, công chức thiếu trách
nhiệm, buông lỏng quản lý an toàn thực phẩm.
- Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng
nghiệp vụ, công an các địa phương nắm chắc tình hình các tuyến, địa bàn trọng
Điểm về vi phạm an toàn thực phẩm, Điều tra, xử lý hình sự các vi phạm nghiêm
trọng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
- Trước ngày 20 tháng 5 năm 2016, Bộ
Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phương án kinh phí cho công tác quản lý an
toàn thực phẩm theo hướng cho phép các địa phương sử dụng toàn bộ số tiền phạt
vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và xét thấy thực sự cấp bách mới bổ
sung kinh phí từ ngân sách nhà nước đáp ứng yêu cầu công tác này, đặc biệt là
kinh phí cho công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, trang thiết bị kỹ thuật, xử lý
tiêu hủy thực phẩm không an toàn; tổ chức, cá nhân vi phạm phải trả chi phí xử
lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn.
Trước mắt, ứng trước 90% dự toán chi
ngân sách trung ương năm 2016 đã bố trí cho dự án an toàn thực phẩm thuộc
Chương trình Mục tiêu y tế - dân số để các bộ, ngành, địa phương thực hiện các
nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2016.
b) Các địa phương:
- Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách
nhiệm về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn; xác định việc bảo đảm
vệ sinh, an toàn thực phẩm là nhiệm vụ cấp thiết cần tập
trung chỉ đạo, Điều hành; ưu tiên bố trí đủ kinh phí, nguồn lực cho công tác quản
lý, bảo đảm an toàn thực phẩm, trước mắt chủ động bố trí
kinh phí tương ứng với số thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực
phẩm thuộc ngân sách địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước để đầu
tư trang thiết bị kỹ thuật và công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực
phẩm không an toàn.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân trực tiếp
làm nhiệm vụ Trưởng ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm của địa phương; chủ
động tổ chức lực lượng, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm an
toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trực
tiếp chỉ đạo và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an
toàn thực phẩm của cơ quan nhà nước cấp dưới; kiên quyết xử lý cán bộ, công chức
thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản
lý. Lãnh đạo các cấp từ xã đến tỉnh phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
- Tuyên truyền, vận động tới từng hộ
nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp thực hiện các quy định bảo đảm an toàn vệ
sinh thực phẩm, ký cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổ chức, cá nhân
sản xuất, kinh doanh phải công bố quy trình sản xuất, kinh
doanh bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Xác định việc bảo đảm an toàn thực phẩm
là một tiêu chí xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa.
- Tập trung chỉ đạo xây dựng và phát
triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; thúc đẩy áp dụng
rộng rãi mô hình VietGAP, các mô hình sản xuất an toàn khác và phát triển hệ thống
phân phối thực phẩm an toàn.
Các địa phương đầu tư trang thiết bị
đo kiểm di động hoặc cố định tại các trung tâm thương mại, chợ nông sản lớn, hướng
dẫn và giúp người dân nhận biết thực phẩm an toàn, thực phẩm không an toàn;
phát huy năng lực của các trung tâm đo kiểm trên địa bàn.
2. Đẩy mạnh tuyên
truyền, vận động thực hiện an toàn thực phẩm
Các cơ quan báo chí, trước hết là các
cơ quan báo chí của Trung ương, của tỉnh, thành phố tăng cường tin bài, chuyên
Mục, chuyên trang, chương trình về an toàn thực phẩm; thông tin, tuyên truyền
khách quan, trung thực, kịp thời về an toàn thực phẩm, nhất là các điển hình sản
xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm an toàn và các vụ việc
vi phạm an toàn thực phẩm.
Đài Truyền hình Việt Nam tiếp tục phối
hợp chặt chẽ với các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương
thực hiện hiệu quả chương trình truyền thông về an toàn thực
phẩm.
Đài Tiếng nói Việt Nam khẩn trương
xây dựng và phát sóng chuyên Mục về an toàn thực phẩm; phối hợp với các đài
phát thanh, truyền hình địa phương tăng cường dung lượng,
thông tin về an toàn thực phẩm, chú trọng việc tuyên truyền trên hệ thống truyền
thanh cơ sở.
3. Các bộ, ngành,
chính quyền các cấp thực hiện và tạo Điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc thực
hiện hiệu quả Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực
phẩm giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, tập trung thực hiện tại một số địa bàn trọng Điểm và địa phương theo sự thống
nhất với Mặt trận Tổ quốc.
Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Công Thương, Công an Bộ đội biên phòng và các địa phương có cơ chế
phù hợp (như đường dây nóng) để tiếp nhận phản ánh của nhân dân, báo chí về vi
phạm an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm, kịp thời; có hình thức tôn vinh, khen
thưởng đối với cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin về sản xuất, kinh doanh
thực phẩm không an toàn.
4. Tập trung chỉ đạo,
tạo chuyển biến rõ nét trong năm 2016 một số vấn đề sau đây:
a) Bảo đảm an toàn, vệ sinh đối với các
loại thực phẩm tươi sống và các loại thực phẩm tiêu dùng trong sinh hoạt hàng
ngày của nhân dân
Bộ Công an, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo
389 quốc gia và các lực lượng hải quan, biên phòng, quản lý thị trường cùng các
địa phương tăng cường lực lượng và gia tăng kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn, xử
lý nghiêm việc nhập lậu, lưu thông, kinh doanh các loại thực phẩm tươi sống
không an toàn, không rõ nguồn gốc.
Bộ Công Thương tăng cường quản lý để
ngăn chặn rượu, nước giải khát giả, kém chất lượng nhập lậu, gian lận thương mại
trong lưu thông, kinh doanh; bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm tại các chợ,
siêu thị, trung tâm thương mại.
b) Việc nhập khẩu, sản xuất, sử dụng
các chất, thuốc trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm
Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Công Thương quy định danh Mục các chất cấm trong sản xuất, chế biến
thực phẩm thuộc ngành hàng mình quản lý và phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước
về chất đó đưa vào danh Mục chất cần kiểm soát đặc biệt; tập trung xử lý dứt Điểm
việc sử dụng salbutamol, vàng ô, kháng sinh trong chăn nuôi, sản xuất, chế biến
thực phẩm.
c) Bộ Y tế siết chặt quản lý việc sản
xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm chức năng, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm
và chỉ đạo các địa phương tăng cường bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong ăn
uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, nhất là tại các
khu công nghiệp, khu du lịch, lễ hội, sự kiện lớn.
d) Ủy ban nhân dân các cấp nghiêm túc
thực hiện chỉ đạo của các Bộ, tập trung xử lý các vấn đề nêu tại Điểm a, b và c
Mục 4 trên đây; kiểm tra, xử lý dứt Điểm các Điểm nóng về an toàn thực phẩm
đang được dư luận và xã hội quan tâm trên địa bàn.
5. Hằng quý, các Bộ
và địa phương có báo cáo về tình hình thực hiện Chỉ thị này gửi về Văn phòng
Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương
Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: VT, KGVX (3b).
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|