UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 11/CT-UBND
|
Thái Nguyên, ngày 19 tháng 6 năm 2014
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHUYÊN MÔN TẠI CÁC CƠ SỞ Y TẾ
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN
Những
năm qua, được sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo
ngành Y tế thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được phân công, hoàn thành tốt
nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh
Thái Nguyên. Công tác phòng, chống dịch được triển khai thực hiện chủ động,
phát hiện sớm, khoanh vùng xử lý kịp thời không để dịch lan rộng, hạn chế tối
đa tử vong do dịch. Công tác khám chữa bệnh được chú trọng, củng cố ở tất cả
các tuyến, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao. Các chỉ tiêu
chuyên môn trong khám chữa bệnh và kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu
Quốc gia về y tế nhiều năm liền đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Công
tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên
chức trong ngành Y cũng được chú trọng, công tác triển khai học tập và thực
hiện quy định về Y đức, Quy tắc ứng xử được tổ chức thường xuyên bước đầu đã
tạo được chuyển biến tích cực trong đại bộ phận cán bộ, viên chức của ngành Y
trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên,
bên cạnh những kết quả và mặt tích cực đã đạt được, trong thời gian qua tại một
số đơn vị vẫn còn xẩy ra một số tai biến, sai sót chuyên môn đáng tiếc, một số
cán bộ y tế có thái độ ứng xử không đúng mực, gây bức xúc đã được người dân
phản ánh qua đường dây nóng của ngành Y tế, đặc biệt có một số vụ việc đã để
một số cơ quan báo chí phải phản ánh.
Nguyên
nhân chủ yếu của những tồn tại trên là: Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động chuyên
môn của các cơ sở y tế mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng chưa thường xuyên; lãnh
đạo một số đơn vị chưa thực sự quan tâm, chú trọng đến việc thường xuyên nâng
cao chất lượng phục vụ cả về chuyên môn và Y đức; ứng xử của một bộ phận cán
bộ, viên chức ngành Y còn hạn chế.
Trước
thực tế đó, để ngày càng nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế tại các cơ sở
y tế trên địa bàn tỉnh, phát huy những mặt tích cực, kịp thời chấn chỉnh, khắc
phục những tồn tại, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các cấp
và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai, thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:
1.
Sở Y tế.
1.1. Chủ
trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra
hoạt động chuyên môn của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Phát hiện và uốn nắn,
chấn chỉnh kịp thời những sai sót chuyên môn có thể xẩy ra. Xử lý nghiêm các
hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo
và tổ chức thực hiện trong toàn ngành công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục
pháp luật; học tập và làm theo tấm gương Đạo đức Hồ Chí Minh; học tập và thực hiện
nghiêm túc 12 Điều Y đức ban hành kèm theo Quyết định số 2088/QĐ-BYT ngày 06/11/1996
của Bộ trưởng Bộ Y tế; chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Thông tư số 07/2014/TT-BYT
ngày 25/02/2014 của Bộ Y tế Quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên
chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế.
1.2. Tổ
chức cấp Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho người hành nghề và cấp Giấy
phép hoạt động cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình do Chính phủ
quy định.
2.
Các Bệnh viện và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
2.1. Lãnh đạo các đơn
vị chủ động tổ chức quán triệt, học tập nâng cao nhận thức và ý thức tự giác,
trách nhiệm đối với nhiệm vụ được phân công của mỗi công chức, viên chức trong
đơn vị; nâng cao Y đức, ứng xử trong giao tiếp với người bệnh và thực hiện một
số nội dung sau: Nghiên cứu các Luật và văn bản quy phạm pháp luật liên quan
đến lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh; tiếp tục học tập và làm theo tấm gương Đạo
đức Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm túc 12 Điều Y đức ban hành kèm theo Quyết
định số 2088/QĐ-BYT ngày 06/11/1996 của Bộ trưởng Bộ Y tế; thực hiện tốt các
quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-BYT ngày 25/02/2014 của Bộ Y tế Quy định về
Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở
y tế.
2.2. Nghiêm túc chấn
chỉnh việc thực hiện các quy định về Y đức, Quy tắc ứng xử của công chức, viên
chức, người lao động làm việc tại đơn vị nhằm nâng cao tinh thần, thái độ phục
vụ nhân dân.
2.3. Tăng cường đào
tạo lại, đào tạo liên tục nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật của đội
ngũ bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên… Chú trọng đào tạo cán bộ có trình độ
chuyên môn sâu về những mũi nhọn theo định hướng của từng đơn vị nhằm đáp ứng
yêu cầu, nhiệm vụ và nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
2.4. Bố trí, sắp xếp
nhân lực phù hợp đối với từng vị trí công việc đảm bảo đáp ứng tốt nhiệm vụ
được phân công. Đối với các bệnh viện cần đặc biệt lưu ý việc bố trí nhân lực
tại khoa Khám bệnh, khoa Hồi sức cấp cứu, các phòng Cấp cứu.
2.5. Tổ chức thực hiện
nghiêm túc các quy chế chuyên môn, đặc biệt quy chế Cấp cứu, quy chế Hội chẩn.
2.6. Xây dựng kế hoạch
và tranh thủ mọi nguồn lực hợp pháp, sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân cho
phát triển cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa trang thiết bị y tế nhằm mục tiêu nâng
cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
2.7. Thực hiện tốt
công tác vệ sinh trong bệnh viện, tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn
phòng tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
3.
Các đơn vị y tế thuộc hệ dự phòng.
3.1. Lãnh đạo các đơn
vị chủ động tổ chức cho cán bộ, viên chức toàn đơn vị nghiêm túc thực hiện:
Nghiên cứu các Luật và văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực dự phòng
và phòng chống dịch; tiếp tục học tập và làm theo tấm gương Đạo đức Hồ Chí
Minh; thực hiện tốt các quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-BYT ngày 25/02/2014
của Bộ Y tế Quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động
làm việc tại các cơ sở y tế.
3.2. Chủ động phối hợp
với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến mọi
người dân các biện pháp chủ động phòng, chống dịch và tự phòng tránh dịch tại
cộng đồng.
3.3. Tăng cường công
tác giám sát dịch, chủ động phòng, chống dịch; phát hiện dịch sớm, khoanh vùng
xử lý kịp thời không để dịch bùng phát lây lan trên diện rộng, giảm tối đa các
trường hợp tử vong do dịch.
3.4. Các đơn vị căn cứ
chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc,
hiệu quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia và các Chương trình y tế.
3.5. Tăng cường đào
tạo lại, đào tạo liên tục nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật của đội
ngũ bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên…nhằm đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong
công tác phòng, chống dịch bệnh.
3.6. Xây dựng kế hoạch
và tranh thủ mọi nguồn lực hợp pháp, sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân cho
phát triển cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa trang thiết bị y tế nhằm mục tiêu nâng
cao chất lượng công tác phòng, chống dịch bệnh.
4. Các Sở, Ban, Ngành của tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Sở Y tế
tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, giảm
tối đa những sai sót của các cơ sở y tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc và
bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
5. Giao Sở Y tế chịu trách nhiệm chủ động tổ chức triển khai
thực hiện Chỉ thị này đến các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
Yêu cầu
thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố,
thị xã, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc những nội dung
trên./.
Nơi nhận:
- Bộ Y tế; ( Để báo
cáo)
- Thường trực tỉnh ủy; ( Để báo cáo)
- Thường trực HĐND tỉnh; ( Để báo cáo)
- Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các đ/c PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành của tỉnh;
- Chủ tịch UBND các huyện, TP,TX;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- LĐVP: Đ/c Linh;
- Lưu: VT, VX, TH.
Vyhd.CT01.06.14/70b
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Ma Thị Nguyệt
|