ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 11/2014/CT-UBND
|
Bà Rịa, ngày 04 tháng 6 năm 2014
|
CHỈ
THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
Từ đầu năm 2014 đến nay, tình hình dịch
bệnh trên thế giới, tại Việt Nam và trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp.
Tính từ đầu năm 2014 đến ngày 22 tháng 5
năm 2014, về dịch bệnh sởi, cả nước ghi nhận 4. 729 trường hợp mắc sởi xác định
trong số 23. 408 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong
đó 144 trường hợp tử vong có liên quan đến sởi; về dịch bệnh tay chân miệng, cả
nước ghi nhận 22. 683 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 62 địa phương, 02
trường hợp tử vong; về dịch bệnh sốt xuất huyết, cả nước ghi nhận 9. 413 trường
hợp mắc, tử vong 06;
Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính đến ngày
22 tháng 5 năm 2014, số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết là 605 ca, riêng tại
địa bàn thành phố Vũng Tàu có 404 trường hợp mắc (chiếm 66, 7%); số trường hợp
mắc bệnh tay chân miệng là 1. 509 ca, trong đó có 01 trường hợp tử vong; số
trường hợp mắc sởi xác định là 27 ca. Theo diễn biến chu kỳ dịch bệnh thì thời
gian tới dịch bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh vào tháng 5 đến tháng 10, dịch
bệnh tay chân miệng tiếp tục có chiều hướng tăng cao từ nay đến cuối năm và có
chiều hướng diễn biến phức tạp trên địa bàn toàn tỉnh, để kịp thời ngăn chặn
dịch bệnh bùng phát và lan rộng, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1.
Sở Y tế:
- Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống
dịch của tỉnh; tham mưu kịp thời cho lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, triển
khai các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh.
- Chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết
triển khai phòng, chống từng dịch bệnh, tập trung các dịch bệnh nguy hiểm như: sởi,
sốt xuất huyết, tay chân miệng.
- Chỉ đạo Trung tâm truyền thông giáo dục
sức khỏe tỉnh phối hợp các đơn vị y tế tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng
chống dịch trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng giám
sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, cơ sở điều trị, kể các các cơ sở y tế tư nhân và
trong cộng đồng để kịp thời phát hiện các trường hợp mắc bệnh, theo dõi, cách
ly điều trị.
- Chỉ đạo các cơ sở điều trị tăng cường
việc sàng lọc bệnh nhân, tổ chức thu dung, điều trị, cách ly kịp thời theo quy
định.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức
trực phòng chống dịch, phân công trực chống dịch 24/24.
- Cũng cố các đội chống dịch cơ động, tổ
chức giám sát các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng; điều tra, xác định ổ dịch
và tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch.
- Thực hiện mua sắm bổ sung thuốc, hóa chất,
vật tư, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu trong việc xử lý ổ dịch, điều trị bệnh
nhân và hỗ trợ kịp thời địa phương khi có nhu cầu.
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại
chúng về các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
2.
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Bà Rịa-Vũng Tàu:
- Phối hợp với ngành y tế tăng cường
thông tin, tuyên truyền giáo dục các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng
cho nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nhận thức
đúng, đủ về nguy cơ và tác hại của dịch bệnh, chủ động thường xuyên thực hiện
các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh ngay tại gia đình, cộng đồng.
- Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Bà
Rịa-Vũng Tàu tăng chuyên trang, thời lượng thông tin, tuyên truyền phòng, chống
dịch bệnh.
- Tuyên truyền tổ chức đồng loạt trong
toàn tỉnh chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng phòng chống sốt xuất
huyết, rửa tay bằng xà phòng trên địa bàn tỉnh.
- Đưa tin cần chính xác không gây hoang
mang trong cộng đồng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của địa
phương.
3.
Sở
Giáo dục và Đào tạo:
- Chỉ
đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo các huyện, thành phố, các trường mẫu giáo trong tỉnh
phối hợp với ngành y tế các cấp tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh học sinh,
giáo viên, cô nuôi dạy trẻ các biện pháp phòng bệnh, theo dõi trẻ hàng ngày, phát
hiện sớm các trường hợp bệnh để thông báo cho gia đình và cơ quan y tế xử lý kịp
thời.
- Đối với các nhà trẻ, trường mẫu giáo, các
trường có học sinh bán trú có trường hợp mắc bệnh, phải nghiêm túc thực hiện các
biện pháp vệ sinh phòng bệnh, cách ly y tế theo hướng dẫn của ngành y tế.
- Phát động trong tất cả các trường học
thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng phòng chống sốt
xuất huyết, rửa tay bằng xà phòng trên địa bàn tỉnh.
4.
Sở Tài chính:
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí bổ sung kinh phí đáp ứng nhu
cầu chống dịch cho các đơn vị y tế các tuyến trong tình huống dịch có thể tiếp
tục phát triển và kéo dài.
5. Các
sở, ban, ngành:
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp
các ban, ngành và ngành y tế thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh
nơi ở, vệ sinh cá nhân phòng chống dịch bệnh cho gia đình và cộng đồng.
6.
Đề nghị Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên
của Mặt trận.
Phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, ngành
y tế và chính quyền địa phương ra quân làm sạch vệ sinh môi trường, vệ sinh nơi
ở, vệ sinh cá nhân, nâng cao kiến thức phòng, chống dịch bệnh cho gia đình và
cộng đồng.
7.
Công ty Thoát nước và Phát triển Đô thị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:
Nghiên cứu cải tiến kỹ thuật các hố ga
thu nước trên địa bàn tỉnh nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất các ổ chứa lăng quăng và
côn trùng gây bệnh trên người.
8.
Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Huy động hệ thống chính trị các cấp và
các phương tiện thông tin đại chúng tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức
cho nhân dân các kiến thức về phòng chống dịch bệnh.
- Trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch
và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch trên
địa bàn. Chỉ đạo Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo tích cực
phối hợp với các ban,
ngành, đoàn thể của địa phương tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm
các trường hợp mắc bệnh và tập trung xử lý triệt để ngay từ trường hợp mắc bệnh
đầu tiên, khống chế không để dịch lây lan ra diện rộng.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn khẩn trương
triển khai các biện pháp vệ sinh cơ sở, vệ sinh môi trường theo hướng dẫn của
cơ quan y tế.
- Hỗ
trợ kinh phí cho hoạt động phòng chống dịch bệnh ở địa phương, nhất là trong
các đợt phun hóa chất, tẩy uế môi trường, vệ sinh dụng
cụ, cơ sở nhà cửa tại các hộ gia đình, nhà trẻ, trường mẫu giáo có trường hợp mắc
bệnh.
- Tổng
hợp, báo cáo kịp thời, thường xuyên về Sở Y tế (Thường
trực Ban Chỉ đạo) và Ủy ban nhân dân tỉnh về diễn
biến tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch tại
địa phương.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này và định kỳ hàng tháng
(ngày 30) báo cáo Ủy ban
nhân dân
tỉnh.
Chỉ thị này có hiệu lực
thi hành kể từ ngày ký./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Thanh Dũng
|