BỘ
Y TẾ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
10/1997/BYT-CT
|
Hà
Nội, ngày 24 tháng 9 năm 1997
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG NHIỄM HIV/AIDS
Dịch HIV/AIDS đang tiếp tục xu hướng
gia tăng ở nước ta. Từ một trường hợp nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990, đến
30/8/1997 số người nhiễm HIV được phát hiện lên tới 6.588, trong đó 957 trường
hợp đã tiến triển thành AIDS, 505 bệnh nhân AIDS bị tử vong. Diễn biến tình
hình dịch ngày càng trở nên phức tạp hơn, 55/61 tỉnh, thành phố phát hiện có
người nhiễm HIV. Dịch phát triển từ nhóm có hành vi nguy cơ cao, có nguy cơ lây
truyền qua việc thực hiện các dịch vụ y tế và lan truyền sang cộng đồng.
Ngành Y tế trong những năm qua
đã có nhiều nỗ lực trong việc phối hợp với các Ban, ngành triển khai các hoạt động
phòng chống nhiễm HIV/AIDS. Song hiệu quả của công tác phòng chống nhiễm
HIV/AIDS chưa cao, các mặt hoạt động chưa đều, đặc biệt là các hoạt động liên
quan đến quản lý chương trình, chuyên môn kỹ thuật ở các cơ sở y tế cần phải được
khắc phục. Nhiều cơ sở y tế chưa thực sự coi trọng công tác an toàn truyền màu,
một số trường hợp cấp cứu phải lấy máu của người thân để truyền máu, nhưng
không được xét nghiệm HIV, chưa thực hiện đúng các quy định chuyên môn xử lý
nhiễm HIV/AIDS, đặc biệt là quy chế về vô khuẩn. Một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
chưa sẵn sàng tiếp nhận, điều trị và chăm sóc bệnh nhân AIDS, một số cán bộ,
nhân viên y tế còn có thái độ phân biệt đối xử với bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS.
Để chấn chỉnh và tăng cường hiệu
quả hoạt động phòng nhiễm HIV/AIDS trong toàn ngành Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ
thị cho Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương, các cơ sở y tế và đơn vị trong toàn ngành triển khai thực
hiện ngay các yêu cầu sau đây:
1. Thực hiện
nghiêm túc "Quy định chuyên môn xử lý nhiễm HIV/AIDS" theo Quyết định
số 2557/BYT-QĐ, ngày 26/12/1996 của Bộ Y tế. a) Thực hiện nghiêm túc quy chế về
an toán trong truyền máu. Đảm bảo 100% các túi máu và chế phẩm máu được sàng lọc
HIV trước khi sử dụng. Mọi trường hợp truyền máu (kể cả máu của người nhà bệnh
nhân) cho bệnh nhân đều phải được sàng lọc HIV. Tất cả các đơn vị máu chỉ sàng
lọc 1 lần, bằng một loại sinh phẩm, nếu kết quả dương tính hoặc nghi ngờ nhiễm
HIV đều phải loại bỏ và không làm xét nghiệm lại lần 2. Phối hợp với các Ban,
ngành ở Trung ương và địa phương tổ chức các cuộc vận động tình nguyện hiến
máu, hạn chế dần tình trạng bán máu chuyên nghiệp.
b) Tổ chức đào tạo lại cho cán bộ
Y tế ở các tuyến về các quy chế vô và tiệt khuẩn phòng nhiễm HIV/AIDS trong các
dịch vụ y tế.
c) Thanh tra Sở Y tế tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm tra định kỳ các cơ sở khám chữa bệnh Nhà
nước và tư nhân về việc chấp hành các quy định chuyên môn xử lý nhiễm HIV/AIDS.
d) Thủ trưởng đơn vị thường
xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy chế này trong đơn vị. Không được để xảy
ra lây nhiễm HIV qua việc thực hiện các dịch vụ y tế.
e) Mọi trường hợp để xảy ra lây
nhiễm HIV qua truyền máu hoặc dịch vụ y tế ở đơn vị nào thì Thủ trưởng đơn vị
đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
2. Tăng cường
công tác quản lý, chăm sóc, điều trị và tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS:
a) Bố trí hợp lý các điểm tư vấn
và cán bộ tư vấn về HIV/AIDS, bảo đảm những người đến xét nghiệm phải được tư vấn
trước và sau xét nghiệm. Đối với trường hợp HIV dương tính cần phải duy trì tư
vấn thường xuyên.
b) Tất cả các cơ sở Y tế điều trị
đều không được từ chối điều trị bệnh nhân AIDS. Tuỳ theo hoàn cảnh và số lượng
bệnh nhân AIDS ở mỗi địa phương việc thu nhận có thể tiến hành tổ chức điều trị
bệnh nhân AIDS theo 3 hình thức:
+ Các địa phương có nhiều người
bị nhiễm HIV/AIDS, có nhiều trường hợp nặng phải can thiệp về chuyên môn cần bố
trí một số phòng bệnh đặt tại khoa truyền nhiễm của bệnh viện đa khoa tỉnh, nếu
khoa tuyền nhiễm không đảm nhận hết thì có thể để bệnh nhân có biểu hiện nhiễm
trùng cơ hội nằm ở các khoa có liên quan như Da liễu, Lao. Các cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh đã có khoa điều trị bệnh nhân AIDS cần được củng cố và bổ sung các điều
kiện cần thiết để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân AIDS.
+ Đối với các bệnh nhân AIDS nhẹ
thì điều trị tại cộng đồng (gia đình) là chủ yếu. Việc quản lý, điều trị, theo
dõi bệnh nhân AISD tại gia đình do trung tâm y tế quận, huyện đảm nhận. Trung
tâm Y tế quận huyện có trách nhiệm hướng dẫn người bệnh đi điều trị tại bệnh viện
tuyến tỉnh hoặc chuyển về trạm y tế xã, phường để chăm sóc, quản lý, điều trị
ngoại trú.
+ Điều trị tại cơ sở từ thiện
nhân đạo áp dụng đối với những địa phương có khả năng tổ chức cơ sở từ thiện để
thu nhận bệnh nhân AIDS không gia đình, không nơi nương tựa, bệnh nhân SIDS có
hoàn cảnh khó khăn.
c) Các nguyên tắc khi điều trị bệnh
nhân AIDS:
- Điều trị theo hướng dẫn của Bộ
Y tế
- Tổ chức phòng riêng cho bệnh
nhân AIDS
- Thủ trưởng các cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh điều trị bệnh nhân AIDS phải tạo điều kiện về cơ sở vật chất và trang
bị phòng hộ lao động cho nhân viên y tế chịu trách nhiệm trực tiếp chăm sóc, điều
trị bệnh nhân AIDS. Thực hiện nguyên tắc vô khuẩn chống lây chéo trong bệnh
viên.
- Sau khi điều trị nội trú ổn định
cho bệnh nhân AIDS, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có trách nhiệm thông báo
cho Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Y tế quận/huyện để thực hiện công tác quản
lý, chăm sóc và phối hợp điều trị ngoại trú cho người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng.
d) Ban phòng chống AIDS của Sở Y
tế có trách nhiệm tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ Y tế nhằm nâng cao kỹ
năng về chăm sóc, tư vấn nhiễm HIV/AIDS.
3. Chấn chỉnh
công tác giám sát HIV/AIDS để đánh giá đúng thực trạng tình hình nhiễm HIV/AIDS
trong cả nước:
a) Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh,
thành phố chịu trách nhiệm triển khai hoạt động giám sát HIV/AIDS phải đảm bảo
số mẫu xét nghiệm theo quy định. Những địa phương không thuộc diện giám sát trọng
điểm, chỉ xét nghiệm cho các trường hợp tự nguyện, không xét nghiệm tràn lan
gây lãng phí sinh phẩm.
b) Sau khi xét nghiệm xác định
người nhiễm HIV/AIDS, Sở Y tế hoặc Trung tâm Y tế dự phòng được Sở Y tế uỷ quyền
thông báo cho người bị nhiễm, gia đình người bị nhiễm, cán bộ chủ chốt ở địa
phương được biết sau khi đã làm tốt công tác tư vấn.
c) Thực hiện nghiêm túc các quy
định về báo cáo dịch, báo cáo kết quả giám sát trọng điểm theo mẫu và thời gian
đã được thống nhất.
4. Quản lý
trang thiết bị, sinh phẩm chương trình phòng chống AIDS
Các trang thiết bị, sinh phẩm
chương trình phòng chống AIDS phải có sổ sách ghi chép đầy đủ: ngày nhận, tình
trạng các trang thiết bị lúc nhận, người sử dụng trang thiết bị. Phải có lý lịch
và bảng hướng dẫn sử dung máy. Các sinh phẩm phải bảo quản lanh, theo dõi chặt
chẽ, nếu gần hết hạn phải chuyển ngay về Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh/thành phố
để sử dụng vào mục đích giám sát trọng điểm. Danh sách phân bổ trang thiết bị
vô trùng và các sinh phẩm đã được sắp xếp theo đề nghị của Sở Y tế, nếu địa
phương nào muốn điều chỉnh lại phải báo cáo và được sự đồng ý của Ban AIDS Bộ Y
tế. Các trang thiết bị phải được sử dụng đúng mục đích.
5. Củng cố công
tác chỉ đạo quản lý chương trình ở các tuyến:
Những địa phương chưa có Ban
phòng chống AIDS (kể cả tuyến huyện) phải triển khai thành lập ngay và bố trí
cán bộ chuyên trách giúp Lãnh đạo Sở Y tế theo dõi, điều phối các hoạt động
phòng chống AIDS ở địa phương theo hướng dẫn của Uỷ ban Quốc gia phòng chống
AIDS và Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ.
Nhận được chỉ thị này, Bộ yêu cầu
Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương, Thủ trưởng Y tế ngành tổ chức triển khai thực hiện các nội dung hoạt
động nói trên và báo cáo kết quả về Bộ Y tế (Vụ Y tế Dự phòng, Vụ Điều trị).