ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 09/CT-UBND
|
Hải Phòng, ngày
02 tháng 07 năm 2015
|
CHỈ THỊ
VỀ
VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA
CẦM VÀ PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo
và vào cuộc quyết liệt của Ủy ban nhân dân các cấp, các Sở, ngành chức năng,
công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm và kinh doanh thịt, sản phẩm gia súc,
gia cầm đã có những chuyển biến tích cực: góp phần di rời các điểm giết mổ nhỏ
lẻ không đủ điều kiện vệ sinh thú y vào hoạt động trong cơ sở giết mổ tập
trung; cung cấp nguồn thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn, có dấu kiểm soát giết
mổ hoặc tem kiểm tra vệ sinh thú y theo quy định; ý thức của người kinh doanh
và sử dụng thực phẩm đã được nâng lên. Tuy nhiên, tình trạng giết mổ gia súc,
gia cầm nhỏ lẻ, trái phép trong khu dân cư, không đảm bảo vệ sinh thú y, vệ
sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường còn phổ biến tại khu vực ngoại
thành và một số quận; hiện tượng vận chuyển thịt gia súc, gia cầm bằng các
phương tiện và dụng cụ chứa đựng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn
chiếm tỷ lệ lớn, khó kiểm soát; là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh trên đàn
gia súc; gia cầm, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng tới sức
khỏe và tính mạng cộng đồng.
Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà
nước về vệ sinh an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và phương tiện
vận chuyển sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố
yêu cầu Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật thành phố, các Sở, ngành có
liên quan, Ủy ban nhân dân các quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao
cần quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, thực hiện nghiêm và có hiệu quả các chỉ
đạo của Trung ương, thành phố về quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm
trong giết mổ gia súc, gia cầm và phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật,
trong đó tập trung vào các nội dung sau:
1.Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị
số 09/CT-UBND ngày 20/5/2014 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc tăng cường
công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm và kinh doanh thịt, sản phẩm gia súc,
gia cầm trên địa bàn thành phố.
2. Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh
động vật các cấp từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường, thị trấn (sau đây
gọi tắt là BCĐ) tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức triển khai công
tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và
phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật. BCĐ tổ chức giao ban định kỳ hàng
tháng vào tuần đầu tiên của mỗi tháng để đánh giá hiệu quả hoạt động và báo cáo
Ủy ban nhân dân cùng cấp.
3. Ủy ban nhân dân các quận, huyện:
a. Xác định lộ trình từng bước xây
dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch; đình chỉ hoạt
động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo điều kiện vệ sinh an
toàn thực phẩm theo quy định.
b. Chỉ đạo các phòng chức năng, Ban
Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn:
- Tạo điều kiện thuận lợi khuyến
khích các tập thể và cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung cấp huyện,
quận và liên xã theo quy hoạch.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các
quy định của pháp luật cho người tham gia giết mổ động vật, vận chuyển, kinh
doanh sản phẩm động vật: phải thực hiện giết mổ gia súc, gia cầm tại cơ sở đủ
điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; phương
tiện vận chuyển thịt, sản phẩm động vật tươi sống, sơ chế dùng làm thực phẩm
phải đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y theo quy định tại Thông tư số
30/2012/TT-BNNPTNT ngày 03 tháng 7 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn; tuyên truyền để người kinh doanh và người tiêu dùng hình thành thói
quen sử dụng thịt gia súc, gia cầm được cung cấp từ các cơ sở giết mổ có kiểm
soát của Chi cục Thú y.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc
chấp hành vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường tại
các cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm, kiên quyết đình chỉ hoạt động các cơ
sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm vi phạm theo quy định.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn:
a. Phối hợp cùng các Sở: Kế hoạch và
Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công thương và các Sở, ngành liên
quan hướng dẫn Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện quy
hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.
b. Phối hợp cùng các Sở: Kế hoạch và
Đầu tư, Tài chính xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể về xây dựng mới
hoặc cải tạo, nâng cấp các cơ sở giết mổ theo quy hoạch được duyệt.
c. Chỉ đạo Chi cục Thú y:
- Tăng cường công tác kiểm soát giết mổ,
thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ theo Quyết
định 87/2005/QĐ-BNN ngày 26/12/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Kiểm tra định kỳ các cơ sở, điểm giết
mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn và tổ chức tái kiểm tra 100% cơ sở giết mổ gia
súc, gia cầm loại C theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT (thay thế Thông tư số
14/2011/TT-BNNPTNT); đề xuất với chính quyền địa phương, kiên quyết đóng cửa
các cơ sở, điểm giết mổ gia súc gia cầm xếp loại C theo quy định.
- Tổ chức tập huấn, nâng cao nghiệp vụ
về kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y và các
biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đội ngũ cán bộ thú y làm công tác kiểm soát
giết mổ động vật.
- Phối hợp với Ban Chỉ đạo các huyện,
quận, lực lượng Công an, Quản lý thị trường tổ chức kiểm tra các cơ sở giết mổ gia
súc, gia cầm, vận chuyển, kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn thành
phố; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; tăng cường kiểm soát chặt
chẽ tại các trạm Kiểm dịch động vật cố định: Cầu Nghìn - Vĩnh Bảo, Cầu Đá Bạc -
Thủy Nguyên, Đường 5 - An Dương; phát hiện và kiên quyết xử lý các trường hợp vận
chuyển gia súc, gia cầm, thịt và sản phẩm gia súc, gia cầm vào địa bàn thành
phố không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật của Chi cục
Thú y tỉnh nơi xuất phát, phương tiện vận chuyển không đảm bảo vệ sinh thú y
theo quy định.
6. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì,
phối hợp cùng Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu,
đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân
đầu tư nâng cấp, xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, cơ sở chế
biến thực phẩm trên địa bàn thành phố.
7. Công an thành phố, Sở Công Thương chỉ
đạo các đơn vị chức năng phối hợp cùng Chi cục Thú y và các ban ngành có liên
quan tăng cường công tác , kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trong
hoạt động giết mổ động vật, kinh doanh, vận chuyển động vật và sản phẩm động
vật không đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm; vi phạm về phương
tiện vận chuyển sản phẩm động vật tươi sống, sơ chế dùng làm thực phẩm theo quy
định hiện hành; đặc biệt trên các tuyến đường lưu thông, cửa ngõ chính vào
thành phố, tại các Trạm Kiểm dịch động vật cố định: Cầu Nghìn - Vĩnh Bảo, Cầu Đá
Bạc - Thủy Nguyên, Đường 5 - An Dương.
8. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát
thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng, Báo An ninh Hải Phòng phối hợp
cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các quận, huyện
tăng cường công tác thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách của thành phố
về công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đảm bảo vệ sinh thú y,
vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường; tuyên truyền để người kinh
doanh, vận chuyển sản phẩm gia súc, gia cầm sử dụng phương tiện vận chuyển đảm
bảo yêu cầu vệ sinh thú y theo quy định tại Thông tư số 30/2012/TT-BNNPTNT ngày
03/7/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (QCVN
01-100:2012/BNNPTNT); tuyên truyền để người kinh doanh và người tiêu dùng có
thói quen kinh doanh, sử dụng thịt gia súc, gia cầm được cung cấp từ các cơ sở
giết mổ có kiểm soát của Chi cục Thú y.
Yêu cầu Ủy ban nhân dân các quận, huyện,
các Sở, ngành có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình nghiêm túc triển
khai thực hiện Chỉ thị này. Địa phương, đơn vị nào còn tình trạng giết mổ nhỏ
lẻ, trái phép, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi
trường trên địa bàn quản lý, người đứng đầu địa phương, đơn vị đó phải chịu trách
nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn theo dõi, đôn đốc và thường xuyên tổng hợp tình hình, báo cáo Ủy ban nhân dân
thành phố./.
Nơi nhận:
- Bộ NN&PTNT;
- TTTU, TT HĐND TP;
- Đ/c Bí thư Thành ủy;
- CT, PCT HĐND TP;
- CT, các PCT UBND TP;
- VPTU;
- CPVP;
- Các Sở ngành có liên quan;
- Đài PT-TH, Báo Hải Phòng; Báo ANHP;
- UBND các huyện, quận;
- Các CVUB;
- Lưu: VT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đỗ Trung Thoại
|