BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 08/CT-BYT
|
Hà Nội, ngày 21
tháng 06 năm 2013
|
CHỈ
THỊ
VỀ VIỆC
TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ VÌ SỰ TIẾN BỘ CỦA PHỤ NỮ TRONG
NGÀNH Y TẾ
Căn cứ Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27
tháng 4 năm 2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước, Luật Bình đẳng giới và các văn bản chỉ đạo của
Trung ương Đảng; Bộ Y tế đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết và
thu được một số kết quả nhất định trong công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ
phụ nữ (VSTBPN), tư tưởng bình đẳng giới đã được quán triệt rộng rãi và đã phát
huy được vai trò, tiềm năng của nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động
(CBCCVC-NLĐ) trong công cuộc đổi mới của ngành và đất nước, góp phần phát triển
kinh tế xã hội và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Tuy nhiên, bên cạnh những
kết quả đã đạt được, công tác bình đẳng giới và VSTBPN ở một số đơn vị trực thuộc
vẫn còn một số hạn chế như sau:
- Việc quán triệt các nội dung về Chỉ
thị, Nghị quyết của Đảng, Chính phủ đối với công tác cán bộ nữ ở một số đơn vị
chưa đầy đủ, thiếu thường xuyên, hoạt động tuyên truyền phổ biến các văn bản
này còn chưa được quan tâm đúng mức.
- Một số cấp ủy Đảng chưa nhận thức đầy
đủ yêu cầu khách quan của việc tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ
nữ, chưa quan tâm sắp xếp và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ nữ tham gia đảm
nhận những cương vị lãnh đạo, quản lý chủ chốt. Tỷ lệ phụ nữ đứng đầu các đơn vị
trực thuộc còn thấp. Tỷ lệ nữ làm công tác quản lý tuy có tăng cao so với trước
nhưng chưa tương xứng với tỷ lệ cán bộ nữ của các đơn vị trong ngành y tế.
- Nhận thức về công tác bình đẳng giới
và VSTBPN của Lãnh đạo đơn vị còn chưa đầy đủ và đúng mức, xem công tác VSTBPN
là việc riêng của phụ nữ hoặc giao cho Ban Nữ công - Công đoàn thực hiện nên chỉ
làm chiếu lệ, vẫn còn một số đơn vị chưa quán triệt đầy đủ, toàn diện tinh thần
của Nghị quyết nên việc thực hiện công tác nữ, cán bộ nữ ở cơ sở còn những hạn
chế, chất lượng các hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ chưa cao và thiếu chiều sâu.
- Việc tham mưu của Ban VSTBPN đối với
công tác cán bộ nữ chưa được quan tâm đúng mức, chưa có tính chiến lược lâu
dài, thiếu tính đột phá như công tác tạo nguồn, đánh giá, quy hoạch, bồi dưỡng,
sử dụng cán bộ nữ. Công tác đào tạo, đề bạt cán bộ nữ còn thiếu sự quan tâm nên
kết quả đề bạt cán bộ nữ còn hạn chế.
- Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà
mẹ - trẻ em và kế hoạch hóa gia đình, hầu hết chỉ tiêu đã đạt và vượt so với kế
hoạch đề ra song vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt như: tỷ số giới tính khi sinh
còn đang ở mức cao, tỷ lệ tử vong bà mẹ giảm chưa nhiều nhất là ở vùng sâu,
vùng xa và vùng nghèo. Tỷ lệ nam giới tham gia và chia sẻ trách nhiệm với phụ nữ
trong kế hoạch hóa gia đình và phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục
chưa cao...
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai
Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị và đẩy mạnh Chiến lược
Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày
24/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của
ngành y tế giai đoạn 2011-2015, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị cho các Vụ trưởng, Cục
trưởng, Tổng cục trưởng, Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các
đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Y tế tỉnh/thành phố tập trung chỉ đạo, tổ
chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận
thức, quan điểm về công tác cán bộ nữ trong các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn
thể; coi công tác cán bộ nữ là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Tập
trung quán triệt Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công
tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, Luật Bình
đẳng giới, Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2010-2020, Luật
Phòng chống bạo lực gia đình.
2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của
các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ và bình đẳng
giới. Tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán
bộ nữ; chú trọng đến công tác phát triển đảng viên nữ trong ngành y tế.
3. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ
biến chính sách, pháp luật, về bình đẳng giới và giáo dục nâng cao nhận thức về
bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức,
người lao động trong ngành y tế. Trong đó chú trọng:
- Tăng cường công tác tuyên truyền
Nghị quyết 11-NQ/TW và hệ thống pháp luật, chính sách về bình đẳng giới cho các
cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ đảng viên trong ngành nâng cao nhận thức về
vai trò của phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới.
- Hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến
Luật bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và các văn bản thi hành
một cách sâu rộng trong ngành y tế.
4. Xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ
khoa học nữ, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ trong các cấp theo từng lĩnh vực của
ngành y tế; gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch và bố trí sử dụng cán
bộ nữ. Xây dựng một số chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển
của phụ nữ trong đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận thông tin khoa học ứng dụng. Hỗ
trợ việc nâng cao năng lực cho nữ lãnh đạo trẻ thông qua việc thực hiện các
chương trình, dự án nâng cao năng lực.
5. 100% các đơn vị thực hiện tốt các
quy định ưu tiên khi thực hiện các chế độ chính sách đối với lao động nữ. Ưu
tiên tuyển dụng, bố trí việc làm cho lao động nữ nếu đáp ứng được yêu cầu về sức
khoẻ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
6. Ban VSTBPN các cấp cần chủ động
xây dựng các mục tiêu và đề xuất những giải pháp cụ thể để tăng cường sự tham
gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng
cách giới trong lĩnh vực chính trị, tạo mọi điều kiện cho cán bộ nữ (tăng cường
tỷ lệ nữ) trong các lớp đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị,
ngoại ngữ, tham gia các lớp tập huấn nâng cao hiểu biết về pháp luật, về giới,
đồng thời có quy hoạch, bồi dưỡng lực lượng cán bộ nữ để giới thiệu bổ nhiệm
các chức vụ lãnh đạo khi có đủ điều kiện. Trong giải pháp tạo nguồn cán bộ nữ,
cần chú trọng thực hiện tốt từ khâu tuyển dụng, lựa chọn cán bộ. Ngoài các yêu
cầu về tiêu chuẩn điều kiện chung, cần chú ý đưa các tiêu chuẩn ưu tiên phụ nữ.
- Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những
bài học kinh nghiệm, những gương điển hình của các tập thể, cá nhân tiêu biểu
trong công tác VSTBPN. Lồng ghép các hoạt động với các phong trào thi đua yêu
nước, phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, cuộc vận động “Học
tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”- khen thưởng, biểu dương đối với
những đơn vị, cá nhân đạt thành tích xuất sắc.
- Tổ chức lồng ghép hoạt động của Ban
VSTBPN với các hoạt động của chính quyền, công đoàn cùng cấp.
- Xây dựng kế hoạch kinh phí từ đầu
năm để chủ động chi cho các hoạt động của Ban VSTBPN; Hàng năm tổ chức hội nghị
tổng kết, kết hợp với tập huấn, cập nhật những thông tin mới, những văn bản mới
của Đảng và Nhà nước về công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ tới
CBCCVC-NLĐ để nâng cao nhận thức cho chị em.
- Ban VSTBPN các cấp có trách nhiệm
giới thiệu danh sách cán bộ nữ có đủ điều kiện và tiêu chuẩn để đưa vào quy hoạch
cán bộ lãnh đạo hoặc để bổ nhiệm làm cán bộ lãnh đạo. Cán bộ nữ được bổ nhiệm mới
sẽ không ảnh hưởng đến số lượng cán bộ lãnh đạo theo quy định của đơn vị.
- Ban VSTBPN cần tham mưu cho lãnh đạo
đơn vị để đưa nội dung bình đẳng giới, lồng ghép quan điểm giới vào kế hoạch
phát triển của đơn vị hàng năm, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động
của phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội để tăng tỷ lệ cán bộ nữ
tham gia lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị thuộc ngành Y tế.
- Ban VSTBPN Bộ Y tế có trách nhiệm
triển khai và thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của
ngành Y tế giai đoạn 2011-2015; phấn đấu đến năm 2015, đạt mục tiêu: tăng cường
bình đẳng giữa nam và nữ trong cung cấp và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức
khỏe, góp phần cải thiện chất lượng bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân
dân theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển. Tăng cường công tác giám
sát, thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện Kế hoạch hành động về bình đẳng giới
của ngành y tế giai đoạn 2011-2015 và việc thực hiện các quy định của pháp luật
về bình đẳng giới.
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ,
Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng các Cục, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch
hóa gia đình, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành
phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị báo cáo về Bộ
Y tế (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để kịp thời trình Lãnh đạo Bộ Y tế xem xét, giải
quyết.
Bộ trưởng Bộ Y tế giao cho Ban VSTBPN
Bộ Y tế và Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Y tế phối hợp với Thanh tra Bộ Y tế và các Vụ,
Cục chức năng để tổ chức kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện và báo cáo kết
quả thực hiện Chỉ thị này với Lãnh đạo Bộ Y tế./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương Đảng (để b/c);
- Bộ LĐTBXH (Vụ Bình đẳng giới) (để b/c);
- Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (để b/c);
- Trung ương Hội LHPNVN (để b/c);
- Công đoàn Y tế VN (để phối hợp);
- Các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế (để chỉ đạo);
- Ủy viên Ban VSTBPN Bộ Y tế (để th/hiện);
- Các đơn vị thuộc và trực thuộc BYT (để th/hiện);
- Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc TW (để th/hiện);
- Sở LĐ-TB và XH các tỉnh,TP trực thuộc TW (để ph th/hiện);
- Đảng ủy Bộ Y tế, Công đoàn cơ quan Bộ Y tế;
- Đoàn TN CSHCM Bộ Y tế, cổng thông tin điện tử Bộ Y tế;
- Lưu: VT, Vụ TCCB , VPB1.
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Kim Tiến
|