CHỈ THỊ
VỀ VIỆC
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI
Thời gian gần đây, mặc dù đã đã
triển khai nhiều biện pháp can thiệp, song tình hình bệnh dại đang có chiều
hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Theo báo cáo của Sở Y tế, trong vòng
chưa đầy 02 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh đã có trên 880 trường hợp người bị
phơi nhiễm dại do bị chó cắn và đã có 04 trường hợp tử vong do không tiêm phòng
hoặc tiêm quá muộn. Bệnh dại đã được xác định là bệnh lưu hành tại tỉnh, dự báo
năm 2013 dịch dại trên đàn chó sẽ còn lan rộng làm tăng nguy cơ lây nhiễm và tử
vong do bệnh dại ở người.
Để phòng, chống có hiệu quả bệnh
dại trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, hạn chế thấp nhất số người bị tử
vong do bệnh dại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Thủ trưởng các sở,
ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành
phố tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt những nhiệm vụ theo sự phân công cụ thể
như sau:
1. Sở Y tế:
Chỉ đạo các đơn vị y tế thực
hiện các biện pháp quyết liệt phòng chống bệnh dại ở người: tăng cường giám sát phơi nhiễm với bệnh dại tại cộng đồng; đảm bảo tổ chức tốt việc tiêm vắc xin phòng dại cho
nhân dân; tuyên truyền vận động người dân đảm bảo 100% đi tiêm phòng khi có phơi
nhiễm.
Xây dựng
kế hoạch phòng chống bệnh dại ở người năm 2013, trong đó phối hợp với Sở Tài chính lập phương án cụ
thể hỗ trợ tiêm vắc xin phòng
dại, huyết thanh kháng dại cho người nghèo trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để tổ chức thực hiện.
Chủ trì và tăng cường phối hợp với
các cơ quan liên quan trong công tác trao đổi, nắm
bắt thông tin và tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các
biện pháp phòng chống bệnh dại trên
người. Xây dựng, cung cấp và phổ biến rộng rãi các nội
dung, thông điệp tuyên truyền, giáo dục về phòng chống bệnh dại ở người.
Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám
sát việc thực hiện công tác phòng chống bệnh dại tại các cơ sở.
Chủ động là đầu mối phối hợp với các cơ quan chuyên
môn của Bộ Y tế để đề nghị hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí cho công tác phòng chống
bệnh dại ở người của tỉnh. Duy trì thực hiện tốt chế độ báo cáo tình hình bệnh
dại trên người.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn:
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chuyên môn trực thuộc,
chính quyền cấp huyện, xã tăng cường các biện pháp phòng chống
bệnh dại ở động vật trên địa bàn tỉnh theo nội dung Nghị định 05/2007/NĐ-CP ngày 09/01/2007 của Chính phủ và Thông tư 48/TT-BNN&PTNN ngày
04/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phòng chống bệnh dại ở động vật.
Triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng chống bệnh dại trên đàn chó.
Chỉ đạo mạng lưới thú y các cấp tổ chức tiêm vắc xin phòng dại cho đàn
chó đạt tỷ lệ đảm bảo hiệu lực phòng bệnh; giám sát, phát hiện và
xử lý triệt để ổ dịch dại trên đàn chó, hạn chế lây nhiễm
sang súc vật khác và lây nhiễm bệnh dại sang người.
Chủ trì và tăng cường phối hợp với
ngành Y tế và cơ quan liên quan trong
công tác trao đổi, nắm bắt thông tin và tuyên truyền vận động
nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại ở
động vật.
3. Sở Thông tin và Truyền thông,
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Chủ trì, phối hợp với các ngành liên
quan chỉ đạo, hướng dẫn đẩy mạnh công tác thông tin tuyên
truyền về bệnh dại trên các phương tiện thông tin đại
chúng, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thông qua hoạt động của các đơn vị văn hóa thông tin lưu động nhằm nâng
cao trách nhiệm phòng chống bệnh dại của các cấp, các
ngành, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh dại và
cách phòng chống, đặc biệt ở những vùng có nguy cơ cao về bệnh dại (huyện
Văn Chấn, Văn Yên, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Yên Bình, thị xã Nghĩa
Lộ).
4. Đài Phát thanh và Truyền hình
tỉnh, Báo Yên Bái:
Phối hợp với ngành Y tế, Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn tăng cường thời lượng đưa
tin, tuyên truyền về phòng chống bệnh dại
trên người và trên đàn chó; phát động “Tháng truyền thông phòng chống bệnh dại” ở các địa
phương, các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh.
5. Sở Tài chính:
Cân đối ngân
sách, tham mưu hỗ trợ kinh phí cho hoạt động phòng chống bệnh
dại ở người và động vật; ưu
tiên hỗ trợ tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại cho người nghèo khi
bị phơi nhiễm dại.
6. Các ngành thành viên Ban chỉ
đạo phòng chống bệnh dịch nguy hiểm ở người của tỉnh:
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, có trách
nhiệm phối hợp với ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn để tổ chức các hoạt động tuyên truyền về công tác
phòng chống bệnh dại theo hệ thống ngành dọc.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
Lập và triển khai kế hoạch tổng thể phòng chống bệnh dại (cả trên người
và trên đàn chó) với mục tiêu hạn chế thấp nhất tử vong do
bệnh dại ở người trên địa bàn.
Chỉ đạo tăng cường công tác
truyền thông trong nhân dân về tình hình bệnh
dại tại địa phương, những nguy cơ và các biện pháp phòng chống
bệnh dại; tuyên truyền, vận động đảm
bảo 100% các đối tượng phơi nhiễm với bệnh dại đều được đi
tiêm phòng.
Tuyên truyền, vận động nhân dân ký cam kết thực hiện quy định “5
không” theo nội dung Thông tư 48/TT-BNN&PTNN của Bộ Nông
Nghiệp và Phát triển nông thôn: “Không nuôi chó,
mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương; Không nuôi
chó, mèo mà không tiêm phòng bệnh dại; Không nuôi
chó thả rông; Không để chó cắn người; Không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi
trường”.
Chỉ đạo cơ quan Thú y huyện phối hợp với Ủy ban nhân
dân cấp xã tổ chức triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng
dại cho đàn chó tối thiểu phải đạt tỷ lệ đảm bảo hiệu lực phòng bệnh; thực hiện
các biện pháp kiên quyết tiêu diệt chó ốm hoặc nghi ngờ bị dại.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng
các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố khẩn trương và nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này./.