BỘ Y TẾ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 01/CT-BYT
|
Hà Nội, ngày 09
tháng 01 năm 2015
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHĂM SÓC SỨC KHỎE BÀ MẸ VÀ TRẺ SƠ SINH NHẰM GIẢM TỬ
VONG MẸ, TỬ VONG SƠ SINH
Trong những năm qua, được sự quan tâm
chỉ đạo và đầu tư của Đảng và Nhà nước, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ
em đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các chỉ số về sức khỏe bà mẹ, trẻ em
Việt Nam đạt được là khá tốt so với nhiều quốc gia có mức thu nhập bình quân
trên đầu người tương tự. Tử vong mẹ và tử vong trẻ em đã giảm đáng kể. Tỷ số tử
vong mẹ đã giảm hơn 3 lần từ 233/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 1990 ước còn khoảng
60/100.000 sơ sinh sống năm 2014. Tử vong trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm gần 3 lần
từ 44,4‰ vào năm 1990 xuống còn 14,9‰ năm 2014, tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm
hơn một nửa từ 58‰ vào năm 1990 xuống còn xuống 22,4‰ năm 2014.
Mặc dù đã có sự cải thiện rõ rệt về
tình trạng sức khỏe bà mẹ, trẻ em nhưng vẫn còn có sự khác biệt khá lớn về tử
vong mẹ, tử vong trẻ em và tử vong sơ sinh giữa các vùng, miền. Tử vong sơ sinh
vẫn còn cao, chiếm đến 70% số tử vong trẻ em dưới 1 tuổi. Tốc độ giảm tử vong mẹ,
tử vong trẻ em trong những năm gần đây đã có xu hướng chậm lại, nếu không có những
giải pháp quyết liệt và đầu tư thỏa đáng thì sẽ khó có thể đạt được các Mục
tiêu phát triển thiên niên kỷ về giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ em vào năm 2015
như đã cam kết với cộng đồng quốc tế. Tuy tỷ suất tử vong mẹ và tử vong sơ sinh
đã giảm mạnh, nhưng ước tính mỗi năm ở Việt Nam vẫn còn khoảng 580 - 600 trường
hợp tử vong mẹ và khoảng trên 10.000 trường hợp tử vong sơ sinh.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng
trên là do việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau khi sinh của người
dân cũng như chất lượng dịch vụ vẫn còn nhiều hạn chế. Phong tục tập quán lạc hậu
trong chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh, tình trạng phụ nữ đẻ tại nhà không được
nhân viên y tế đỡ còn phổ biến ở khu vực miền núi, vùng đồng bào các dân tộc
thiểu số. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt ở các bệnh viện tuyến huyện
chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc điều trị cấp cứu sản khoa và sơ sinh. Nhân lực
chuyên ngành sản phụ khoa và nhi khoa còn rất thiếu, nhất là tại tuyến huyện, tỷ
lệ bác sĩ đa khoa làm công tác sản khoa và nhi khoa khá lớn. Năng lực chuyên
môn của cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở còn nhiều hạn chế trong việc phân
loại, phát hiện nguy cơ, theo dõi, tiên lượng, xử trí cấp cứu và hồi sức sản
khoa, sơ sinh. Cán bộ làm công tác sản phụ khoa, nhất là tuyến huyện, xã ít cơ hội
được tham dự tập huấn chuyên môn do kinh phí hạn chế và khó bố trí người làm
thay. Bên cạnh đó, còn có biểu hiện chủ quan, chưa kịp thời, chưa thực hiện
nghiêm quy chế bệnh viện, quy định chuyên môn trong chẩn đoán, tiên lượng và xử
trí cấp cứu, hồi sức sản phụ, sơ sinh khi có tai biến xảy ra.
Để khắc phục thực trạng trên, nhằm
tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, góp phần làm giảm
hơn nữa tử vong mẹ, tử vong sơ sinh, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu:
1. Ủy ban nhân
dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Đưa các chỉ tiêu về chăm sóc sức
khỏe bà mẹ - trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương theo
tinh thần của Nghị quyết số 05/NQ-CP ngày 13 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về
việc đẩy mạnh thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc
trong lĩnh vực Y tế;
b) Tăng cường đầu tư từ ngân sách địa
phương thông qua nguồn vốn chi thường xuyên, vốn đầu tư, các chương trình mục
tiêu quốc gia để tập trung thực hiện các mục tiêu giảm tử vong mẹ và tử vong sơ
sinh;
c) Nghiên cứu xây dựng và ban hành
các chính sách của địa phương nhằm thu hút cán bộ y tế, đặc biệt là bác sỹ
chuyên ngành sản, nhi về công tác tại các vùng khó khăn; Thực hiện chính sách đối
với cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số;
d) Chỉ đạo chính quyền các cấp, ngành
Y tế và các Sở, ngành liên quan đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp nhằm đạt
được mục tiêu giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh.
2. Sở Y tế các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Căn cứ tình hình thực tế của địa
phương, tích cực tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố có kế hoạch triển
khai Chương trình hành động “giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh hướng tới thực
hiện mục tiêu Thiên niên kỷ 4 và 5”, ban hành Chỉ thị của Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh/thành phố về tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh nhằm giảm
tử vong mẹ, tử vong sơ sinh ở địa phương.
b) Tăng cường kiểm tra, giám sát các
cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn để chấn chỉnh việc thực hiện Luật khám bệnh,
chữa bệnh; các quy định liên quan của pháp luật; quy chế bệnh viện và các quy
trình, quy chuẩn chuyên môn về chẩn đoán, theo dõi, cấp cứu sản khoa, cấp cứu hồi
sức sơ sinh.
c) Rà soát tình hình cán bộ về số lượng
và năng lực; trang thiết bị và tổ chức nhân sự làm công tác chăm sóc sản khoa,
nhất là công tác cấp cứu sản khoa ở các tuyến y tế trên địa bàn; những cơ sở
không đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết theo quy định thì phải được kịp thời củng
cố, tăng cường hoặc tạm thời không triển khai công tác đỡ đẻ.
d) Thường xuyên tổ chức các lớp tập
huấn cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực thực hành cho cán bộ y tế các tuyến
về cấp cứu hồi sức sản khoa, cấp cứu hồi sức sơ sinh; tổ chức đào tạo lại cho
cán bộ y tế làm công tác sản khoa ở các tuyến để đạt tiêu chí về người đỡ đẻ có
kỹ năng theo tài liệu hướng dẫn và quy định của Bộ Y tế. Tiếp tục đào tạo và củng
cố, duy trì hoạt động của đội ngũ cô đỡ thôn bản ở các khu vực miền núi, vùng
sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
e) Tăng cường kiểm tra, thanh tra,
giám sát các cơ sở y tế tư nhân về giấy phép hoạt động, phạm vi chuyên môn, điều
kiện và năng lực thực tế về chăm sóc, cấp cứu sản khoa và sơ sinh; xử lý nghiêm
các trường hợp và cơ sở vi phạm theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh và
các quy định hiện hành của pháp luật.
f) Củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức
mạng lưới khám, chữa bệnh sản phụ khoa và nhi khoa trên địa bàn, tăng cường đầu
tư cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cần thiết cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe
bà mẹ - trẻ em, đặc biệt cho các nội dung về làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ
sinh. Quan tâm đầu tư cho các bệnh viện huyện ở xa trung tâm tỉnh để có thể thực
hiện chăm sóc sản khoa toàn diện (có thể mổ đẻ và truyền máu);
g) Có kế hoạch củng cố hoặc thành lập
ngay (nếu chưa có) các đơn nguyên sơ sinh thuộc khoa nhi đối với bệnh viện đa
khoa tỉnh, huyện; thành lập đơn vị hồi sức sơ sinh thuộc khoa sơ sinh tại bệnh
viện sản - nhi, bệnh viện chuyên khoa sản và bệnh viện nhi tuyến tỉnh.
h) Tăng cường các hoạt động thông tin
- truyền thông - giáo dục sức khỏe nâng cao kiến thức, thay đổi thái độ, hành
vi của người dân, đặc biệt người dân ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa về
chăm sóc thai nghén, nguy cơ của việc không khám thai định kỳ và không đến sinh
con ở các cơ sở y tế hoặc tự đỡ đẻ, đỡ đẻ không có cán bộ y tế được đào tạo đỡ.
3. Các cơ sở khám
bệnh, chữa bệnh sản phụ khoa và nhi khoa các tuyến:
a) Tăng cường tuyên truyền, giáo dục
vận động để các bà mẹ có thai được khám thai, quản lý thai sớm, biết được các dấu
hiệu nguy cơ khi mang thai, lựa chọn và quyết định nơi sinh phù hợp;
b) Thực hiện đúng quy trình khám
thai, phát hiện sớm các nguy cơ và tai biến có thể xảy ra đối với sản phụ và
thai nhi trong quá trình mang thai để xử trí hoặc chuyển tuyến kịp thời;
c) Theo dõi chặt chẽ trong quá trình
chuyển dạ nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu nguy cơ để xử trí kịp thời. Thực hiện
theo dõi chuyển dạ bằng biểu đồ chuyển dạ, đỡ đẻ đúng kỹ thuật, can thiệp thủ
thuật, phẫu thuật đúng chỉ định. Thực hiện thường quy chăm sóc thiết yếu bà mẹ
và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bảo đảm cấp cứu,
chuyển tuyến kịp thời hoặc mời y tế tuyến trên xuống hỗ trợ tại chỗ trong các
trường hợp cần thiết. Thực hiện nghiêm quy định kiểm soát nhiễm khuẩn;
d) Thực hiện tốt việc chăm sóc, theo
dõi sản phụ và trẻ sơ sinh ngày đầu và tuần đầu sau đẻ đặc biệt là theo dõi
tích cực trong 6 giờ đầu nhằm phát hiện sớm những bất thường của cả mẹ và con để
xử trí kịp thời. Bảo đảm cho trẻ sơ sinh được tiêm vitamin K1, tiêm vắc xin
phòng viêm gan B và các loại vắc xin khác thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng;
e) Tăng cường sự phối hợp giữa chuyên
khoa sản với chuyên khoa nhi và hồi sức cấp cứu trong chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ
sinh, đặc biệt trong việc xử lý cấp cứu, hồi sức sơ sinh tại phòng đẻ. Đối với
các trường hợp đẻ non, đẻ thiếu cân, các bác sĩ nhi khoa phải có mặt để cùng
tham gia hồi sức cấp cứu;
f) Tích cực triển khai các biện pháp
nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện; Thường xuyên nhắc
nhở cán bộ, viên chức trong các khoa, phòng, đơn vị sự nghiệp y tế nâng cao
tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, tuân thủ nghiêm quy chế bệnh viện, quy
trình chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế.
4. Các bệnh viện
được Bộ Y tế giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến về sản phụ khoa và nhi khoa:
a) Đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến, hỗ
trợ kỹ thuật cho tuyến dưới. Những nơi quá khó khăn về nhân lực nếu có yêu cầu
hỗ trợ, cần cử cán bộ chuyên môn về tăng cường cho tuyến dưới;
b) Chủ động triển khai mạng lưới bệnh
viện vệ tinh chuyên khoa sản và chuyên khoa nhi theo Đề án đã được Bộ Y tế phê
duyệt tại Quyết định số 774/BYT-QĐ ngày 11 tháng 3 năm 2013;
c) Thường xuyên tổ chức các lớp tập
huấn cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng thực hành về cấp cứu, hồi sức sản
khoa, sơ sinh cho cán bộ y tế chuyên ngành sản phụ khoa, nhi khoa của các tỉnh.
5. Các Vụ, Cục
thuộc Bộ Y tế:
- Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em:
a) Làm đầu mối phối hợp với Cục Quản
lý Khám, chữa bệnh và các bệnh viện chuyên khoa sản, chuyên khoa nhi được phân
công chỉ đạo tuyến rà soát, cập nhật quy trình kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn về
chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, về cấp cứu, hồi sức sản khoa và sơ sinh;
b) Phối hợp với Cục Khoa học công nghệ
và Đào tạo xây dựng, hoàn thiện chương trình, tài liệu, kế hoạch đào tạo liên tục
và tổ chức đào tạo nâng cao năng lực thực hành chăm sóc, cấp cứu sản khoa và sơ
sinh cho đội ngũ cán bộ y tế đang công tác trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
về sản khoa và nhi khoa.
- Cục Quản lý Khám, chữa bệnh: Chủ
trì tổ chức, hướng dẫn triển khai thực hiện các giải pháp giảm quá tải bệnh viện
và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong đó có
cơ sở khám, chữa bệnh sản phụ khoa và nhi khoa.
- Vụ Kế hoạch - Tài chính: Nghiên cứu,
xem xét bố trí ngân sách hàng năm cho công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em
nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách về làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ sinh.
- Vụ Tổ chức cán bộ:
a) Làm đầu mối nghiên cứu xây dựng chế
độ chính sách hỗ trợ đối với việc tuyển dụng, sử dụng lâu dài và ổn định đội
ngũ cán bộ làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, trình cấp có thẩm quyền
phê duyệt;
b) Nghiên cứu rà soát, đề xuất bổ
sung chính sách đãi ngộ nhằm thu hút cán bộ chuyên môn giỏi nói chung và chuyên
ngành sản phụ khoa và nhi khoa nói riêng về công tác tại tuyến y tế cơ sở, đặc
biệt ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
- Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo:
a) Chủ trì xây dựng, rà soát, bổ sung
và hoàn thiện nội dung chương trình, tài liệu, kế hoạch đào tạo bác sỹ chuyên
khoa, chuyên khoa định hướng sản phụ khoa, nhi khoa, đào tạo hộ sinh;
b) Xây dựng và sớm trình Lãnh đạo Bộ
phê duyệt quy định Chuẩn năng lực cơ bản cho các loại đối tượng cán bộ y tế nêu
trên cũng như Chuẩn năng lực cơ bản của bác sỹ đa khoa trong đó có năng lực về
chuyên ngành sản phụ khoa và nhi khoa;
c) Chỉ đạo các cơ sở đào tạo nhân lực
y tế trong toàn quốc nâng cao chất lượng đào tạo, chú trọng hơn nữa năng lực thực
hành trong đào tạo chuyên ngành sản phụ khoa, nhi khoa và hộ sinh.
- Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng:
Chỉ đạo Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương xây dựng tài liệu,
kế hoạch truyền thông giáo dục sức khỏe và đẩy mạnh các hoạt động truyền thông
chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và phòng chống các tai biến sản khoa;
- Thanh tra Bộ Y tế: Chủ trì tổ chức
thanh tra việc chấp hành pháp luật, các quy chế bệnh viện, quy định chuyên môn,
quy trình kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh tại các cơ sở y tế.
Thủ trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn
phòng Bộ, Thanh tra Bộ Y tế, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc
Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế ngành trong
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sản phụ
khoa và nhi khoa có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này và định
kỳ (6 tháng, hàng năm) báo cáo việc triển khai thực hiện về Bộ Y tế (Vụ Sức khỏe
Bà mẹ - Trẻ em). Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em là đầu mối tổ chức triển khai, theo
dõi tình hình thực hiện Chỉ thị và tổng hợp báo cáo Bộ trưởng.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (Vụ KG-VX,
Website CP);
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- Các đ/c Thứ trưởng (để phối hợp chỉ đạo);
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW (để ph/h chỉ đạo);
- Các Vụ, Cục, Tổng cục, VPB, TTrB (để th/hiện);
- Các Bệnh viện Phụ sản TW, Nhi TW, Từ Dũ, NĐ1, NĐ2 TPHCM, BV ĐK TW Huế, (để
thực hiện);
- Sở Y tế, Trung tâm CSSKSS các tỉnh/Tp (để thực hiện);
- Y tế các ngành (để thực hiện);
- Cổng TTĐT Bộ Y tế;
- Lưu: VT, BM - TE.
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Kim Tiến
|