BỘ
CÔNG AN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 44/BC-BCA-C41
|
Hà
Nội, ngày 23 tháng 02 năm 2016
|
BÁO CÁO
TỔNG
KẾT ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG MA TÚY GIAI ĐOẠN
2011 - 2015 VÀ ĐỀ XUẤT CHƯƠNG TRÌNH GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
Thực hiện Chương trình công tác năm
2015 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống
AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Bộ Công an - Cơ quan quản lý
Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy báo cáo kết quả thực hiện
Chương trình năm 2011, giai đoạn 2012 - 2015 và đề xuất chương trình phòng, chống
ma túy giai đoạn 2016 - 2020 như sau:
I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG MA TÚY NĂM 2011 VÀ GIAI ĐOẠN 2012 -
2015
1. Công tác chỉ đạo
- Trước diễn biến phức tạp của tệ nạn
ma túy và trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia
phòng, chống ma túy giai đoạn 2007 - 2010 cho thấy, nhiều mục tiêu của Chương trình
đề ra chưa đạt[1],
ngày 20 tháng 12 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các Chương
trình mục tiêu quốc gia năm 2011 kèm theo Quyết định số 2331/QĐ-TTg. Theo đó,
trong năm 2011, công tác phòng, chống ma túy tiếp tục tập trung thực hiện với
các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống
ma túy đến năm 2010. Ngày 18 tháng 12 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định
số 2406/QĐ-TTg ban hành danh mục các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn
2012-2015. Trong đó, giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên
quan và các địa phương xây dựng, quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình mục
tiêu quốc gia phòng, chống ma túy.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính
phủ, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương điều chỉnh nội
dung, số lượng dự án và quy mô của Chương trình giai đoạn
2012 - 2015, cắt giảm những nội dung, nhiệm vụ chưa thật sự cấp bách hoặc chồng
chéo với nhiệm vụ thường xuyên[2]; lồng ghép và giảm quy mô của các dự án đảm bảo hiệu quả,
tiết kiệm. So với giai đoạn trước, các mục tiêu đề ra cụ thể hơn, khuyến khích,
động viên sự tham gia của toàn xã hội; nhiệm vụ tập trung chủ yếu nhằm nâng cao
năng lực cho các cơ quan chuyên trách đấu tranh chống tội phạm về ma túy
của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính (Hải quan); triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền phòng
ngừa, ưu tiên cho phòng, chống ma túy ở xã, phường, thị trấn; đổi mới nâng cao chất lượng công tác cai nghiện và quản lý sau cai. Ngày
31 tháng 8 năm 2012, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn
2012 - 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1203/QĐ-TTg.
- Sau khi Chương trình được phê duyệt,
Bộ Công an - Cơ quan quản lý Chương trình đã phối hợp các bộ, ngành liên quan ở
trung ương thành lập Ban quản lý Chương trình, ban hành Quy chế hoạt động của
Ban Quản lý Chương trình; tham mưu, giúp Ủy ban Quốc gia ban hành Kế hoạch số 07/KH-UBQG-BCA ngày 11 tháng 01 năm
2013 để phân công, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực
hiện các nội dung của Chương trình đề ra; phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch phân bổ
kinh phí gắn với việc xác định các mục tiêu, nhiệm vụ cần đạt được
của từng bộ, ngành, địa phương; chủ trì, phối hợp các bộ, ngành được giao quản
lý Dự án, Tiểu Dự án khẩn trương xây
dựng, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện theo kế hoạch đã được phê duyệt; tham gia phối
hợp Bộ Tài chính xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn sử dụng kinh
phí Chương trình; tham mưu Ban Bí thư chỉ đạo các đơn vị lồng ghép sơ kết, đánh
giá 5 năm việc thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26 tháng 3 năm 2008 của Bộ
Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới với các mục tiêu, nhiệm
vụ, giải pháp của Chương trình; hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương báo cáo sơ
kết giữa kỳ thực hiện Chương trình (2011 - 2013) và nhiều văn bản liên quan
khác.
- Các bộ, ngành thành viên Ủy ban Quốc
gia đã tham mưu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ nhiều Nghị định,
Quyết định, chương trình, kế hoạch; ban hành nhiều Thông tư, Quyết định, hướng
dẫn liên quan công tác phòng, chống ma túy[3]. Hàng năm, các đoàn liên ngành được thành lập
tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh những tồn
tại, thiếu sót trong thực hiện Chương trình tại các đơn vị, địa phương. Ban chỉ
đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các tỉnh, thành phố
trực thuộc TW được kiện toàn, thực hiện tốt nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành, xây dựng
kế hoạch và tổ chức thực hiện các nội
dung, nhiệm vụ các Dự án, Tiểu Dự án của Chương trình, lồng
ghép với các chương trình, dự án, kế hoạch kinh tế - xã hội trên địa bàn nhằm
nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực.
2. Công tác triển
khai thực hiện Chương trình
2.1. Đánh giá việc triển khai thực
hiện các Dự án, Tiểu Dự án
Trên cơ sở mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể và những nhiệm vụ cấp bách của công tác
phòng, chống ma túy do Chương trình đề ra; căn cứ vào Kế hoạch thực hiện Chương trình và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại các công văn số 8845 và
8846/KHĐT-TCTT ngày 21 tháng 12 năm 2012, các bộ được giao chủ trì quản lý các
Dự án, Tiểu Dự án đã chủ động xây dựng, điều chỉnh theo hướng xác định rõ nội
dung, nhiệm vụ, mục tiêu, ban hành các kế hoạch, văn bản
hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị, địa phương phối hợp tổ chức thực hiện. Khái quát kết quả đạt được như sau:
- Đối với các Dự án có sử dụng nguồn
kinh phí đầu tư, các cơ quan quản lý Dự án đã tổ chức đấu thầu đúng quy định,
mua sắm được nhiều trang thiết bị chuyên dụng phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chỉ
huy tác chiến, cơ động chiến đấu, đảm bảo an toàn và hiệu quả trong đấu tranh
chống tội phạm ma túy,... như: thiết bị nghiệp vụ; súng quân dụng và công cụ hỗ
trợ; phương tiện thông tin, liên lạc; ô tô, xe máy chuyên dụng; các thiết bị
giám định... Đặc biệt, những thiết bị phục vụ công tác giám định ma túy đã
nhanh chóng đáp ứng yêu cầu cấp thiết của quá trình cải cách pháp luật liên
quan phòng, chống ma túy.
- Đối với các Dự án sử dụng nguồn vốn
sự nghiệp:
Trong lĩnh vực tuyên truyền: Các cơ
quan quản lý Dự án, Tiểu Dự án đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị, địa
phương triển khai nhiều hoạt động tuyên
truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy, như tổ
chức mít-tinh, ra quân hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy”;
tổ chức tập huấn,
phổ biến, tuyên truyền các kiến thức về phòng, chống ma túy trong công nhân lao
động và học sinh, sinh viên; biên soạn và phát hành các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma
túy; xây dựng, nhân rộng các mô hình điển hình tuyên truyền phòng, chống ma
túy; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục phòng, chống ma
túy trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Trong lĩnh vực cai nghiện: Đã đầu tư
cho việc cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai nghiện ma túy giai đoạn 2011 -
2015, trong đó nổi bật là chuyển đổi
công năng một số Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thành Cơ sở
điều trị nghiện ma túy tự nguyện; tổ chức các hoạt động truyền thông về công
tác cai nghiện; hỗ trợ điều trị nghiện ma túy (gắn với việc cấp, phát thuốc
methadone), hỗ trợ vốn, tạo việc làm cho người nghiện đã hoàn thành chương
trình cai nghiện dưới mọi hình thức; chỉ đạo, tổ chức thí điểm việc sử dụng thuốc
cedemex...
Trong lĩnh vực phòng, chống ma túy ở
cơ sở: Đã hỗ trợ kinh phí cho phòng, chống ma túy tại cơ sở; tổ chức tập huấn,
nâng cao năng lực phòng, chống ma túy cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống
ma túy; biên soạn tài liệu hướng dẫn; xây dựng mô hình điểm xã, phường, thị trấn
không ma túy; tổng kết, rút kinh nghiệm
toàn quốc...
2.2. Phân bổ kinh phí thực hiện
Chương trình
- Hàng năm, căn cứ quy định tại Quyết
định số 135/2009/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ
Công an hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương báo cáo dự kiến nhu cầu kinh phí
trên cơ sở nhiệm vụ do đơn vị mình thực hiện để tổng hợp, trình Chính phủ. Trên
cơ sở mức kinh phí được Chính phủ phê duyệt, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng
phương án phân bổ kinh phí cho từng bộ, ngành, địa phương.
Việc phân bổ kinh phí của Chương trình tuân theo tiêu chí đảm bảo đúng các quy
định và sát hợp với tình hình thực tế của các đơn vị, địa phương.
- Tình hình bố trí kinh phí để thực
hiện Chương trình:
Năm 2011, kinh phí được bố trí là
717,05 tỷ đồng, trong đó: ngân sách Trung ương là 528 tỷ đồng; các địa phương
và nguồn hỗ trợ hợp pháp khác là 189,5 tỷ đồng để thực hiện
các nhiệm vụ được chuyển tiếp của Chương trình theo chỉ đạo
tại Quyết định số 2331/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trong giai đoạn 2012 - 2015, tính đến
hết năm 2015, tổng kinh phí Trung ương dành cho Chương trình là 1.783,96 tỷ đồng,
bằng 70,7% mức phê duyệt (2.522 tỷ đồng). Kinh phí các địa phương bố trí thực
hiện các nội dung, nhiệm vụ phòng, chống ma túy nhằm thực hiện các mục tiêu của
Chương trình từ năm 2012 tính đến hết năm 2014 là 450,136 tỷ đồng.
- Nhìn chung, kinh phí Chương trình mục
tiêu quốc gia phòng, chống ma túy năm 2011 và giai đoạn 2012 - 2015 đã được đầu
tư cho những mục tiêu thiết thực trong các dự án của
Chương trình, giải quyết những vấn đề then chốt nhằm nâng
cao hiệu quả phòng, chống ma túy (chi tiết
tại Phụ lục I).
3. Đánh giá việc
thực hiện các giải pháp và mức độ hoàn thành các mục tiêu của Chương trình
3.1. Nhóm mục tiêu giảm người nghiện
ma túy; giảm số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy.
Xác định đây là mục tiêu và là nhiệm
vụ quan trọng hàng đầu của Chương trình nhằm hạn chế tác động của tệ nạn ma túy
đến mọi mặt đời sống xã hội, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban Quốc gia, các bộ, ngành thành viên Ủy
ban Quốc gia và các địa phương liên quan đã triển
khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm hạn chế người nghiện mới, chặn
đà gia tăng của người nghiện và phạm vi ảnh hưởng của tệ nạn ma túy trên toàn
quốc.
- Công tác tuyên truyền, giáo dục
phòng, chống ma túy đã có sự đổi mới về nội dung (từ thông điệp mang tính đe dọa,
phản cảm sang thông điệp có tính nhân văn; chuyển trọng
tâm sang tác hại ma túy tổng hợp), đa dạng về hình thức (tuyên truyền trực tiếp;
qua các thiết chế văn hóa cơ sở; các phương tiện truyền thông đại chúng;
Internet; pa-nô, khẩu hiệu, ra quân; tìm hiểu pháp luật, sân khấu hóa, hoạt động
thể thao,...); huy động được sự tham gia của nhiều cấp,
nhiều ngành, đông đảo quần chúng và các đối tượng cần tập trung tuyên truyền,
giáo dục, đặc biệt là ở cấp cơ sở; nhiều mô hình tuyên truyền, giáo dục phòng,
chống ma túy có hiệu quả được triển khai, nhân rộng[4]. Nội dung đã tập trung vào kiến thức cần thiết
về phòng, chống ma túy, dễ dàng tiếp cận với người được tuyên truyền; hướng tới
đối tượng học sinh, sinh viên, công nhân lao động, đồng bào dân tộc miền núi...
- Tổ chức tổng rà soát số người nghiện
ma túy trong toàn quốc; đổi mới công tác cai nghiện; tổ chức cai nghiện và quản
lý sau cai cho một lượng lớn người nghiện nhằm hạn chế sự lan rộng của tệ nạn
ma túy.
- Triển khai công tác phòng, chống ma
túy ở cơ sở thông qua Dự án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn
ma túy”, Bộ Công an đã lựa chọn xây dựng mô hình điểm tại 6 tỉnh, thành[5] phố để rút kinh
nghiệm, chỉ đạo nhân rộng trên toàn quốc; biên tập tài liệu về phòng, chống ma
túy và tổ chức 23 lớp tập huấn cho khoảng 5.000 cán bộ làm công tác phòng, chống
ma túy tại xã, phường, thị trấn. Các tỉnh, thành phố (trực thuộc Trung ương) đã
lồng ghép việc xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy với các
phong trào đảm bảo an ninh trật tự[6]. Trong quá trình thực hiện, các địa phương
đã chú trọng xây dựng nhiều mô hình phù hợp với tình hình của địa phương góp phần
giảm mức độ phức tạp về tệ nạn ma túy tại cơ sở[7]. Một số tỉnh còn chỉ đạo xây dựng thí điểm mô hình “Huyện không tệ nạn ma túy”, như:
Huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình; huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Các hoạt động
phòng ngừa tệ nạn ma túy phát sinh được đẩy mạnh, như: quản
lý người nghiện sau cai; tổ chức phát hiện,
triệt xóa các điểm, tụ điểm tổ chức
sử dụng; phòng ngừa hoạt động trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy...
- Tổ
chức triển khai thực hiện các nghị quyết liên tịch
giữa Bộ Công an và các đoàn thể quần chúng, tập trung vào việc phổ biến, tuyên truyền cho hội viên, đoàn viên nâng cao nhận thức về tệ nạn
ma túy và xây dựng các mô hình phòng, chống ma túy, qua đó đã huy động được sự
tham gia của hệ thống chính trị, mang lại hiệu quả tích cực trong phòng, chống
ma túy[8].
Với những nỗ lực
như trên, mức độ phức tạp của tệ nạn ma túy có lúc, có nơi đã giảm, đặc biệt là
số địa bàn xã, phường, thị trấn trọng điểm
phức tạp về ma túy[9]. Tuy nhiên, số liệu thống
kê cho thấy, mục tiêu giảm người nghiện và giảm số xã, phường, thị trấn có
tệ nạn ma túy chưa đạt.
Cuối năm 2010, cả nước có 143.196 người
nghiện có hồ sơ quản lý, đến năm 2014, cả nước có 204.377 người nghiện ma túy
có hồ sơ quản lý (tăng 61.181 người nghiện, bằng 42,72%; tỷ lệ tăng trung bình
hàng năm là 8,54%). Đáng chú ý, ngoài việc tăng về số lượng, thì thành phần người
nghiện ma túy cũng đa dạng hơn (có cả học sinh, sinh viên, người mẫu, vận động
viên, trí thức); chủng loại ma túy và hình thức sử dụng cũng phong phú, thể
hiện sự phức tạp hơn[10]. Tính đến tháng 6 năm 2015, số người nghiện
có hồ sơ quản lý còn 200.134 người (giảm 4.243 người so với năm 2014, chủ yếu
là đã hoàn thành thời gian cai hoặc chết).
Cuối năm 2010, cả nước có
4.450/11.112 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy, đến tháng 6, năm 2015
có 3.115/11.162 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy (giảm 1.335 xã, phường,
thị trấn không có tệ nạn ma túy, chỉ chiếm 27,7%; giảm trung bình hàng năm là
5,54%).
(chi
tiết tại Phụ lục II)
3.2. Nhóm mục tiêu nâng cao hiệu
quả công tác đấu tranh chống tội phạm, ngăn chặn nguồn ma túy từ nước ngoài và kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến
ma túy.
- Thông qua các dự án nâng cao năng lực
của Chương trình, biên chế của các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy
được các bộ, ngành quan tâm kiện toàn và tăng cường khả năng nghiệp vụ[11]. Các thiết bị
chuyên dụng được trang bị đã giúp lực lượng chức năng hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ
được giao, như: phát hiện hành vi vận chuyển, cất giấu; cơ
động chiến đấu, nâng cao hiệu quả trấn áp; bí mật, an toàn khi triển khai các phương án đấu tranh... đáp ứng
yêu cầu ngày càng chặt chẽ của các quy phạm pháp luật và thực tiễn công tác đấu
tranh.
- Các lực lượng chuyên trách phòng,
chống ma túy (Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan) tăng cường nắm
tình hình, tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác đấu tranh trên
các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là tuyến biên giới đường bộ, tuyến đường
hàng không, đường biển[12];
đẩy mạnh công tác phối hợp, nhất là phối hợp với các địa phương; với lực lượng
chức năng của các nước, nhất là các nước có chung đường
biên giới triển khai các hoạt động khảo sát, phối
hợp kiểm tra, ngăn chặn từ xa,... Qua đó, nhiều tổ chức, đường dây tội
phạm mua bán, vận chuyển ma túy lớn trong nước và xuyên quốc gia được phát hiện,
bắt giữ; thu giữ lượng ma túy rất lớn[13].
- Trước tình hình việc sử dụng, sản
xuất, mua bán và vận chuyển ma túy tổng hợp trong nước xuất hiện những diễn biến
phức tạp, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Công an các tỉnh, thành phố liên quan
tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm sản xuất ma túy tổng hợp[14]. Bộ Công
thương đã chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về kiểm soát hoạt động mua bán tiền
chất sử dụng trong công nghiệp, quản lý chặt chẽ việc cấp giấy phép, xuất nhập
khẩu tiền chất, hướng dẫn các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các quy định về
quản lý, sản xuất, kinh doanh tiền chất. Bộ Y tế đã có công văn số 11729/QLD-
KD tạm dừng việc cấp giấy phép nhập khẩu nguyên liệu Pseudoephedrine...
- Công tác điều tra, truy tố, xét xử
các vụ án ma túy được thực hiện nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, đạt tỷ
lệ cao, đã góp phần quan trọng trong giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm ma
túy.
Tính từ năm 2011 đến tháng 6 năm
2015, cả nước đã phát hiện, bắt giữ 91.119 vụ/135.160 đối tượng phạm tội về ma
túy. Trong đó: Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy các cấp phát hiện,
bắt giữ 83.413 vụ/126.224 đối tượng; lực lượng Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển
(Bộ Quốc phòng) phối hợp phát hiện, bắt giữ 5.7784 vụ/6.812 đối tượng (tính từ
tháng 01 năm 2011 đến hết tháng 5 năm 2015); lực lượng Hải quan phối hợp phát
hiện, bắt giữ 423 vụ/565 đối tượng.
Từ năm 2011 đến tháng 6 năm 2015, Viện
kiểm sát nhân dân các cấp đã phê chuẩn quyết định khởi tố và thực hành kiểm sát
điều tra đối với 66.026 vụ án/84.400 bị can phạm tội về ma túy.
Từ tháng 10 năm 2010 đến hết tháng 3
năm 2015, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý và đưa ra xét xử 66.269 vụ/85.269 bị
cáo phạm tội về ma túy. Trong đó, phạt tù chung thân và tử hình đối với 1.043 bị
cáo (chiếm 1,4%); từ 15 đến 20 năm tù đối với 2.646 bị cáo
(chiếm 19,5%); được hưởng án treo là 680 bị cáo (chiếm 0,88%)[15].
Đặc biệt, đã đưa ra xét xử nhiều
vụ án điểm và án lưu động,
như vụ án mua bán, vận chuyển ma túy lớn nhất từ trước tới
nay do đối tượng Nguyễn Thị Bích Ngọc và Nguyễn Hùng Dũng cầm đầu và 87 bị cáo
đồng phạm khác được xét xử lưu động tại Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh.
Từ sự quan tâm của các cấp, các
ngành, các địa phương và sự nỗ lực cố gắng không quản hy sinh của các lực lượng
chuyên trách[16],
kết quả công tác đấu tranh chống tội phạm, ngăn chặn nguồn ma túy từ nước ngoài
vào năm sau luôn cao hơn năm trước. Riêng các tỉnh có biên giới đường bộ, lực
lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phát hiện, bắt giữ 21.849 vụ/31.738
đối tượng, chiếm gần 26,53% số vụ so với cả nước và khoảng 50% lượng ma túy được
thu giữ. Tình hình sản xuất ma túy tổng hợp trong nước cơ
bản đã được kiểm soát, không để xảy ra tình trạng sản xuất ma túy tổng hợp với quy
mô lớn, tính chất phức tạp.
- Thống kê từ năm 2011 đến năm 2012, việc
thực hiện mục tiêu này cơ bản đạt; từ năm 2013 đến
năm 2014, số vụ phát hiện, bắt giữ có tăng nhưng không đạt mục tiêu;
riêng 6 tháng đầu năm 2015, giảm 14,5% số vụ và 13,9% số đối tượng
so với cùng kỳ năm 2014.
(chi
tiết Phụ lục III)
3.3. Nhóm mục tiêu triệt xóa các tụ điểm phức tạp về
ma túy.
Trước tình hình một số địa phương còn
những tụ điểm phức tạp về ma túy tồn tại dai dẳng, thậm
chí có nơi công khai, trắng trợn, coi thường pháp luật, các cấp, các ngành đã
quan tâm chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm triệt xóa, giảm mức độ phức
tạp:
- Bộ Công an đã chỉ đạo tiếp tục đẩy
mạnh Phương án 592/C11(C17) ngày 05 tháng 3 năm 2010 triển
khai tại cụm địa bàn 03 xã, là Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình) và xã Loóng
Luông (Mộc Châu, Sơn La) và Kế hoạch số
1048/KHPH-C47-PCTPMTBĐBP ngày 23 tháng 11 năm 2011 phối hợp giữa Cục Cảnh sát
điều tra tội phạm về ma túy với Bộ đội Biên phòng giải quyết tình hình phức tạp
ở 04 xã của huyện Mộc Châu (Sơn La); Phương án 279 giải quyết các điểm nóng về ma túy tại huyện Vân Hồ, Mộc Châu (Sơn La); hàng năm triển khai 02 đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy trên phạm
vi toàn quốc; triển khai nhiều kế hoạch,
phương án giải quyết các địa bàn phức tạp, tụ điểm về ma túy[17] ...
- Các lực lượng chuyên trách Công an,
Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Hải quan đã chủ động xây dựng các kế hoạch,
tăng cường phối hợp, tích cực bám sát địa bàn, nắm tình hình, tập trung đấu tranh
quyết liệt với tội phạm ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là tuyến
biên giới đường bộ (Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Miền Trung, Tây Nam), các địa bàn trọng
điểm trong nội địa; đã triệt phá nhiều đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia.
- Các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương chỉ đạo rà soát và tập trung giải quyết các địa bàn phức tạp về tệ nạn
ma túy góp phần làm giảm tình hình phức tạp về tệ nạn ma túy gây bức xúc dư luận
và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống tội phạm về ma túy[18].
Từ năm 2011 đến
năm 2015 cả nước đã triệt xóa được 3.224 điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy. Đến năm 2015, cả nước còn tồn tại 155 tụ điểm
và 2.286 điểm phức tạp về ma túy[19] (giảm 99 tụ điểm, 278 điểm so với năm
2013). Trong đó, tại một số xã trên tuyến biên giới Tây Bắc vẫn còn một số “điểm
nóng” về hoạt động phạm tội ma túy.
Mặc dù các bộ, ngành, địa phương liên
quan đã có nhiều cố gắng nhưng mục tiêu này chưa đạt.
3.4. Nhóm mục tiêu triệt phá việc
trồng, tái trồng cây có chứa chất ma túy.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn đã chỉ đạo tập trung nguồn lực từ các chương trình, dự án do Bộ quản lý để
hỗ trợ các địa phương trọng điểm về trồng
và tái trồng cây thuốc phiện, cần sa xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp điều kiện đặc thù từng địa
phương nhằm nhân rộng mô hình có hiệu quả; phối
hợp Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo
lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án, như Chương trình 135, 134, 132,
Chương trình “xóa đói giảm nghèo”, Chương trình 30a hỗ trợ cho đồng bào vùng
cao phía Bắc và các vùng khó khăn nhằm chống trồng và tái trồng cây có chứa chất
ma túy; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo
bàn giải pháp ngăn chặn tình trạng trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy.
- Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực
lượng Công an, Biên phòng các cấp tham mưu, phối
hợp các địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động và tổ chức
cho các hộ dân ký cam kết không trồng cây có chứa chất ma
túy; tiến hành rà soát, phát hiện và triệt phá các diện tích tái trồng; xử lý
nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm; kịp thời ngăn chặn việc sử dụng thân,
rễ cây thuốc phiện ngâm rượu bán ra thị trường...
- Tuy còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức
tạp, ảnh hưởng bởi di dân tự do, tập quán, xu hướng trồng cần sa theo phương
pháp canh tác hiện đại,... nhưng kết quả việc chống trồng và tái trồng cây thuốc
phiện, cần sa toàn quốc được đánh giá đạt hiệu quả cao, đạt mục tiêu
Chương trình đề ra. Trong khi việc trồng cây thuốc phiện tại khu vực
Tam giác vàng gia tăng nhanh thì diện tích trồng cây có chứa chất ma túy ở Việt
Nam luôn giữ được ở mức thấp và có xu hướng giảm, cụ
thể là:
Niên vụ 2010 - 2011, cả nước phát hiện
và triệt phá khoảng 33 ha cây có chất ma túy.
Niên vụ 2011 - 2012, đã phát hiện và
triệt phá 40,2 ha cây có chứa chất ma túy (tăng 22% so với năm 2011).
Niên vụ 2013 - 2014, các cơ quan chức
năng đã phát hiện và triệt phá 25,8 ha cây có chứa chất ma túy (giảm 8% so với
năm 2012).
Niên vụ 2014 - 2015, cả nước còn
phát hiện, triệt xóa khoảng 19 ha cây thuốc phiện và cây cần sa[20].
3.5. Nhóm mục tiêu về cai nghiện
và quản lý sau cai nghiện đối với người nghiện ma
túy có hồ sơ quản lý.
Thực hiện mục tiêu tổ chức điều trị
cho 100% người nghiện có hồ sơ quản lý trong Chương trình năm 2011 và giai đoạn
2012 - 2015, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Cơ quan chủ trì đã phối hợp Bộ
Y tế và các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiều mặt công tác, cụ thể:
- Đã chủ trì, phối hợp với các bộ,
ngành liên quan trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều Nghị định của
Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; ban hành theo thẩm quyền của Bộ nhiều Thông tư, Thông tư liên
tịch, Quyết định của Bộ trưởng liên quan đến hướng dẫn, nâng cao hiệu quả công
tác cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai nghiện.
- Tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền
về điều trị cai nghiện ma túy và nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia điều trị
cai nghiện[21].
Tiến hành nghiên cứu, thẩm định và cấp
phép thuốc điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy cho nhiều loại thuốc, phương pháp
điều trị của nhiều cơ sở Y-Dược, đặc biệt là quan tâm chỉ đạo nghiên cứu, điều
trị nghiện ma túy tổng hợp tại nhiều cơ sở Y tế[22].
- Tiếp tục củng cố cơ sở vật chất và
nâng cao chất lượng dịch vụ cai nghiện; tổ chức
rà soát, quy hoạch các Trung tâm trong phạm vi toàn quốc; thí điểm thực hiện Đề
án chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao
động xã hội thành cơ sở cai nghiện tự nguyện. Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng
cao năng lực cho cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp tham gia công tác cai nghiện
và quản lý sau cai về cai nghiện và quản lý sau cai tại Trung tâm và cộng đồng;
kiến thức cơ bản về chất gây nghiện, cơ chế gây nghiện, các biện pháp điều trị,
cai nghiện; tổ chức dạy nghề cho người nghiện...
- Các địa phương chỉ đạo triển khai
các mô hình cai nghiện và quản lý sau cai phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương, nhiều mô hình phát huy
tác dụng tốt trong điều trị cai nghiện và quản lý sau cai cho người nghiện đã
được duy trì, nhân rộng[23].
- Thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày
31 tháng 10 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh việc mở rộng chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc
phiện bằng thuốc Methadone. Tính đến tháng 6 năm 2015, Chương trình điều trị
nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone hiện đang triển khai tại 46 tỉnh, thành phố trong cả nước,
với 170 cơ sở, điều trị cho hơn 31.150 bệnh nhân.
- Kết quả cụ thể quá trình thực hiện
như sau[24]:
Tổ chức, quản lý, chữa trị cai nghiện ma túy cho: 186.169 lượt người, trong
đó: điều trị cai nghiện 145.420 người (qua khảo sát của Bộ Lao động - Thương
binh và xã hội thì 35% cai 1 lần, 15% cai 2 lần, gần 50% cai 3 lần trong giai
đoạn 2011 - 2015), điều trị bằng methadone là 40.479 người
8.590 cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp
làm công tác cai nghiện ma túy được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, vượt
7,4% so với kế hoạch đề ra (8.590 người/8.000 người).
Số được dạy nghề 52.570 người, vượt
chỉ tiêu đề ra 5,4% (52.570 người/50.000 người).
Tổ chức triển khai, nhân rộng 04 mô
hình cai nghiện có hiệu quả (đạt 100% kế hoạch).
60/63 tỉnh, thành phố có Trung tâm Chữa
bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội đã tổ chức
rà soát, lập quy hoạch, chuyển đổi
Trung tâm theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (đạt 100% kế
hoạch).
19 cơ sở cai nghiện tư nhân được hỗ
trợ chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ công tác cai nghiện
ma túy (đạt 100% kế hoạch).
Tiến hành nghiên cứu và dự kiến đưa
vào sử dụng 04 loại thuốc hỗ trợ cắt cơn trong công tác cai nghiện phục hồi và
triển khai đánh giá (đạt 100% kế hoạch).
Tính đến 31 tháng 3 năm 2015[25], Tòa án nhân
cấp huyện trên cả nước thụ lý 2.913 hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đã
giải quyết được 2.762 hồ sơ, đạt 95%. Tòa án nhân dân cấp
tỉnh giải quyết 46/50 khiếu nại Quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện về biện
pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Mặc dù công tác cai nghiện và quản lý
sau cai cho người nghiện ma túy đã được quan tâm, nhưng chưa đạt mục tiêu
của Chương trình đề ra là “100% người nghiện có hồ sơ quản lý được
cai nghiện ma túy dưới mọi hình thức, 100% người đã cai nghiện có nguy cơ tái
nghiện cao đều được quản lý sau cai ”, còn một lượng lớn người nghiện chưa được tiếp cận những dịch vụ cai
nghiện.
5. Nhận xét, đánh
giá kết quả thực hiện Chương trình
5.1. Những thành tựu đạt được
Trong bối cảnh tình hình tội phạm và
tệ nạn ma túy trên thế giới, trong khu vực và trong nước vẫn diễn biến phức tạp;
kinh phí phòng, chống ma túy bị cắt giảm, nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của
Đảng, Chính phủ, Ủy ban Quốc gia, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa
phương, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, việc
thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy năm 2011 và giai
đoạn 2012 - 2015 đã đạt được những kết quả nổi bật như
sau:
- Thông qua việc tổ chức thực hiện
Chương trình đã cụ thể hóa các quan điểm
chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ đối với hệ thống chính trị và toàn dân trong việc
chung tay kiềm chế, tiến tới đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi
đời sống xã hội; thể hiện quyết tâm của Chính phủ đối với cộng đồng Quốc tế
trong giải quyết tệ nạn này theo tinh thần cam kết chung ASEAN.
- Công tác tuyên truyền, giáo dục
phòng, chống ma túy đã từng bước đổi mới nội dung, hình thức, đẩy mạnh các biện
pháp; chú trọng cả diện và điểm, hướng tới
đối tượng cần tập trung tuyên truyền, giáo dục. Thông qua đó, sự tham gia
phòng, chống tệ nạn ma túy của quần chúng đã tích cực và hiệu quả hơn. Nhận thức
về trách nhiệm tham gia phòng, chống tệ nạn ma túy của các cấp, các ngành và
người dân đã được nâng cao rõ rệt; cảm thông, giúp đỡ, tránh kỳ thị đối với người
nghiện ma túy. Đã cung cấp những kiến thức pháp luật, kỹ năng phòng, chống ma
túy cho người dân...
- Những trang thiết bị, phương tiện kỹ
thuật nghiệp vụ đã góp phần nâng cao năng lực phát hiện, điều tra khám phá nhiều
vụ án ma túy phức tạp; phần nào đáp ứng yêu cầu ngày càng cao thực tế chiến đấu
và các quy định pháp luật. Hiệu quả đấu tranh chống tội phạm được nâng lên (số
lượng vụ/đối tượng bị phát hiện, xử lý năm sau cao hơn năm trước, nhiều vụ ma
túy lớn, đặc biệt nghiêm trọng, vận chuyển ma túy có vũ
trang); về cơ bản đã kiểm soát, ngăn chặn được tình trạng sản xuất ma túy tổng
hợp và trồng cây có chứa chất ma túy ở trong nước; kiềm chế được tốc độ gia
tăng của người nghiện ma túy tại cơ sở. Công tác phối hợp giữa các lực lượng
(Quân đội, Công an, Hải quan...) ngày càng hiệu quả và chặt chẽ; đã xây dựng,
đào tạo và bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ, chỉ huy chuyên trách phòng, chống ma
túy vững về chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật, giỏi về xử lý các tình huống thực
tế...
- Công tác cai nghiện có những bước đổi
mới, đáng chú ý là: đã khuyến khích và mở rộng cai nghiện tự nguyện, giảm hệ thống
cơ sở cai nghiện bắt buộc; huy động được sự tham gia của xã hội đối với việc
cai nghiện ma túy tự nguyện. Chương trình điều trị bằng thuốc Methdone được triển
khai nhanh, trong phạm vi rộng và hiệu quả rõ rệt, tận dụng được Cơ sở vật chất,
cán bộ để thực hiện nhiệm vụ điều trị bằng thuốc methadone; đã xây dựng được
chính sách hỗ trợ vốn, tạo việc làm cho người sau cai nghiện.
- Nội dung, hình thức và phương pháp
quản lý phòng, chống ma túy có nhiều đổi mới, hiệu lực, hiệu
quả quản lý nhà nước về ma túy được tăng cường. Công tác rà soát, thống kê những
chỉ số liên quan đến tệ nạn ma túy đã sát thực tiễn hơn.
- Tình hình tệ nạn ma túy có lúc, có
nơi đã chuyển biến theo hướng tích cực, số xã, phường, thị trấn trọng điểm loại
I, II giảm đều từ năm 2011 đến năm 2014 (chỉ riêng năm 2015 tăng); nhiều điểm,
tụ điểm phức tạp được giải quyết dứt điểm. Tại nhiều địa phương, sự tham gia,
phối hợp của hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống ma túy đã có những
chuyển biến rõ nét; vai trò người đứng đầu được khẳng định,
đóng vai trò quyết định đối với công tác phòng, chống ma túy...
5.2. Những khó khăn, hạn chế và
nguyên nhân
Những thành quả đạt được thông qua việc
thực hiện Chương trình là đáng khích lệ. Tuy nhiên, còn có những khó khăn và hạn
chế tác động, dẫn đến một số mục tiêu không đạt được như đã nêu trên. Cụ thể
là:
(1) Đối với công tác chỉ đạo, điều
hành:
- Quá trình xây dựng Chương trình đã
đề ra mục tiêu cao; chưa lường hết diễn biến phức tạp của tình hình tệ nạn ma
túy; khả năng đáp ứng của các nguồn lực thực hiện Chương trình chưa đảm bảo.
- Cấp ủy, chính quyền của một số địa
phương chưa thật sự quan tâm chỉ đạo sâu sát công tác phòng, chống ma túy; sự
vào cuộc của các đoàn thể quần chúng có nơi còn hình thức,
thiếu chương trình kế hoạch cụ thể, chưa
đồng đều; công tác phòng chống ma túy ở cơ sở chưa được quan tâm chỉ đạo và đầu
tư thỏa đáng; chưa có giải pháp cụ thể, tích cực để thực hiện xã hội hóa công
tác phòng, chống ma túy; còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào lực lượng chuyên
trách.
- Các bộ chủ trì Dự án, Tiểu Dự án
còn chậm trong việc xây dựng, điều chỉnh nội dung, phê duyệt và tổ chức triển
khai thực hiện.
(2) Đối với cơ chế quản lý Chương
trình:
- Sự phân cấp quản lý Chương trình
còn thiếu hiệu quả; cơ chế phối hợp trong điều phối, chỉ đạo nghiệp vụ của cơ
quan quản lý Chương trình, cơ quan tổng hợp và cơ quan thực hiện Chương trình
còn chưa thật đồng bộ.
- Việc phân bổ và giao kế hoạch, chỉ
tiêu thực hiện có nhiều bất cập, cụ thể
là: Cơ quan quản lý Chương trình căn cứ vào đề xuất của các bộ, ngành, địa
phương; khả năng đáp ứng nguồn vốn thực hiện Chương trình của Chính phủ; tiêu
chí phân bổ kinh phí của Chương trình và Dự án để xây dựng và trình các cơ quan
tổng hợp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính) phương án phân bổ cho các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố theo từng Dự án. Tuy nhiên,
khi thông báo kinh phí của Chương trình, Bộ Kế
hoạch và Đầu tư chỉ thông báo tổng
mức kinh phí địa phương được bố trí mà không được phân tích nguồn vốn cho từng
dự án, dẫn đến việc không thống nhất giữa phương án phân bố
của Cơ quan quản lý Chương trình, Dự án với việc thực hiện của các tỉnh, thành
phố, gây không ít khó khăn cho việc tập hợp, đánh giá hiệu quả của Chương
trình.
- Việc chậm ban hành Thông tư hướng dẫn
sử dụng kinh phí Chương trình cũng đã gây khó khăn cho Cơ quan quản lý Chương
trình và các cơ quan thực hiện trong việc phân bổ kinh phí và hướng dẫn thực hiện.
(3) Đối với công tác tuyên truyền,
phòng ngừa tệ nạn ma túy
- Công tác tuyên truyền, giáo dục
phòng, chống ma túy hiệu quả chưa rõ rệt với những nhóm nguy cơ cao (học sinh,
sinh viên chậm tiến; trẻ em lang thang, hoàn cảnh gia đình có nhiều éo le,..
- Đời sống nhân dân khu vực biên giới
khó khăn, trình độ dân trí thấp, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số nên dễ bị
tội phạm lợi dụng, lôi kéo, mua chuộc tham gia các đường dây phạm tội.
- Khó khăn về kinh tế trong nước kéo
theo tình trạng thiếu việc làm gia tăng nguy cơ lây lan tệ nạn và phát sinh tội
phạm về ma túy; một bộ phận thanh, thiếu niên có lối sống lệch lạc đã sa đà vào
tệ nạn ma túy làm tăng nhu cầu về ma túy bất hợp pháp trong xã hội, nên còn
phát sinh người nghiện mới.
(4) Đối với công tác cai nghiện và quản
lý người nghiện sau cai
- Hiệu quả công tác cai nghiện, nhất
là cai nghiện tại gia đình và cộng đồng còn rất thấp (do thiếu nguồn vốn, mô
hình, thiếu cơ sở vật chất và kinh phí đảm bảo), tỷ lệ tái nghiện cao; số người
được cai nghiện tại cộng đồng và dạy nghề, tạo việc làm còn ít; huy động nguồn
lực xã hội tham gia còn hạn chế (người nghiện và gia đình họ thường có hoàn cảnh
khó khăn nên khó tiếp cận một số dịch vụ cai nghiện); người nghiện tiếp xúc với
thị trường ma túy bất hợp pháp còn dễ dàng.
- Công tác quản lý sau cai nghiện hiệu
quả còn thấp, các hoạt động tư vấn, sinh hoạt nhóm, hỗ trợ học nghề vẫn còn nhiều
hạn chế, bất cập; thiếu cơ sở tạo việc làm ổn định cho người
nghiện sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện.
- Một số văn bản quy phạm pháp luật
liên quan cai nghiện và quản lý người nghiện sau cai không phù hợp thực tiễn,
khó thực hiện, chậm được sửa đổi; từ năm 2014, việc tổ chức cai nghiện khó khăn hơn do những vướng
mắc trong việc tổ chức cai nghiện theo
quy định mới của pháp luật chưa được kịp thời tháo gỡ.
(5) Đối với công tác đấu tranh chống
tội phạm ma túy và phòng, chống ma túy ở cơ sở
- Sự gia tăng của tội phạm ma túy
trên thế giới và khu vực tác động mạnh cùng với số lượng người nghiện cao, tạo
“áp lực cầu” lên “nguồn cung” làm cho tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trong
nước diễn biến phức tạp.
- Ngoài yếu tố lịch sử và địa lý, việc
tồn tại các điểm, tụ điểm phức tạp, thậm chí “điểm
nóng” về ma túy là do số người nghiện ma túy ở xã hội còn nhiều; ma túy thẩm lậu
vào trong nước chưa ngăn chặn triệt để.
- Quan hệ phối hợp giữa các lực lượng
chuyên trách phòng, chống ma túy trong nước hoặc với nước ngoài có lúc, có nơi
còn theo vụ việc, chưa đi vào chiều sâu. Lực lượng tại cơ sở còn thiếu và yếu về
năng lực chuyên môn
- Một số văn bản quy phạm pháp luật
liên quan đến điều tra, xử lý tội phạm về ma túy chưa theo kịp và thiếu phù hợp
thực tiễn, khó áp dụng; chưa được kịp thời hướng dẫn; chậm được bổ sung, sửa đổi.
(6) Đối với nguồn lực tham gia phòng,
chống ma túy
- Lực lượng cán bộ, chiến sỹ biên chế
trong lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng
cũng như trình độ nghiệp vụ, nhiều nơi phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác[26]. Trong khi
nhiệm vụ phòng, chống ma túy thường khó khăn, phức tạp và nguy hiểm dẫn đến một
bộ phận có tâm lý e ngại, không yên tâm công tác.
- Giai đoạn 2012 - 2015, tổng kinh
phí Trung ương bố trí cho Chương chỉ bằng 70,7% mức phê duyệt (2.522 tỷ đồng);
nhiều địa phương không bố trí kinh phí hỗ trợ thực hiện các nội dung, nhiệm vụ
phòng, chống ma túy; mặt khác, kinh phí hỗ trợ lực lượng chuyên trách trong
phòng, chống tội phạm về ma túy không được bố trí trong Chương trình, trong khi
kinh phí thường xuyên chưa đáp ứng yêu cầu nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực
hiện nhiệm vụ của cả hệ lực lượng.
II. NỘI DUNG CHỦ YẾU
CỦA CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG MA TÚY GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
1. Tính cần thiết
của chương trình
1.1. Tác động tình hình tệ nạn ma
túy trên thế giới và khu vực
- Theo đánh giá của Cơ quan phòng, chống
ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC), tình hình tội phạm ma túy sẽ tiếp
tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn yếu tố khó lường. Cùng với
sự xuất hiện của nhiều loại ma túy mới, tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển
và sử dụng các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần gia tăng ở hầu hết các
quốc gia, xu hướng này có thể rất khó kiểm soát. Châu Á đã là thị trường tiêu
thụ các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần[27]. Tại khu vực Đông Nam Á, diện tích và sản
lượng thuốc phiện liên tục tăng; vùng Tam giác vàng đã trở
thành trung tâm sản xuất ma túy tổng hợp của thế giới. Các đường dây vận chuyển
cocaine từ các nước Mỹ La-tinh được phát hiện, bắt giữ gần đây cho thấy loại tội
phạm này đang và đã nhằm vào thị trường khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt
Nam.
- Sự hình thành cộng đồng ASEAN với
những chính sách thông thoáng sẽ là điều
kiện để tội phạm ma túy triệt để lợi dụng hoạt động phạm tội.
- Đáng chú ý, tại một số nước xuất hiện
khuynh hướng muốn hợp pháp hóa việc sử dụng và lưu hành một số loại ma túy cũng
sẽ tác động trái chiều đến tư tưởng
và việc đề ra những quyết sách về phòng, chống ma túy của một số cá nhân, tổ chức tại nước ta.
1.2. Tác động tình hình tệ nạn ma
túy trong nước
Do tác động của tội phạm ma túy trên
thế giới và trong khu vực; dự báo tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta
thời gian tới vẫn diễn biến phức tạp, trên các mặt:
- Phương thức, thủ đoạn hoạt động của
tội phạm về ma túy sẽ ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động và thường xuyên
thay đổi; sử dụng phương tiện giao thông, liên lạc hiện đại,
vũ khí quân dụng; sẵn sàng, thậm chí chủ động chống trả quyết liệt khi bị phát
hiện, truy đuổi, bắt giữ; triệt để lợi dụng những kẽ hở mà cơ sở hạ tầng chưa
có điều kiện kiểm soát của chính sách
thông thoáng về giao thông, thương mại
trong nước và khu vực để thực hiện hành vi phạm tội.
- Do ảnh hưởng bởi vị trí địa lý, tác
động của nhu cầu trong nước và siêu lợi nhuận từ mua bán, vận chuyển ma túy nên các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia và
quốc tế tiếp tục hoạt động mạnh nhằm biến nước ta thành thị trường tiêu thụ và
trung chuyển (chỉ khoảng 20% lượng ma túy thẩm lậu vào được sử dụng trong nước)[28]. Tình hình phức
tạp trên tất cả các tuyến (đường bộ, đường hàng không, đường biển) và trên nhiều địa bàn.
- Số lượng người nghiện trong nước lớn
(hơn 0,2% dân số); thành phần người nghiện đa dạng; tỷ lệ người nghiện, sử dụng
ma túy phạm các tội hình sự khác cao (trên 34% tổng
số người phạm tội), đặc biệt là trong số người nghiện, sử dụng ma túy tổng hợp có xu hướng gia tăng, thường phạm những
tội đặc biệt nghiêm trọng, gây hoang mang, bất ổn trong xã hội; phạm vi tác động
của tệ nạn ma túy rộng (hơn 72,3% số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy) và
chưa có xu hướng giảm sẽ tác động đến tình hình an ninh - quốc phòng, trật tự -
an toàn xã hội và các chính sách kinh tế - xã hội theo chiều hướng tiêu cực[29].
- Tình trạng trồng cây có chứa chất
ma túy, sản xuất trái phép chất ma túy tuy đã được kiểm soát và ở mức thấp
nhưng luôn tiềm ẩn những nguy cơ và diễn biến phức tạp do các yếu tố kinh tế,
xã hội, như: yếu kém trong quản lý nhà nước về trong một số lĩnh vực[30]; di dân tự
do; những khó khăn về kinh tế; truyền thống và kinh nghiệm canh tác của đồng
bào; tội phạm lợi dụng khoa học - kỹ thuật và sự kém hiểu
biết của nhân dân...
2. Nội dung
chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2016 - 2020
2.1. Tình hình liên quan
Theo tinh thần Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về Lập kế
hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020, Chương trình mục tiêu quốc
gia phòng, chống ma túy không được tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2016 -
2020. Trước dự báo của tình hình tệ nạn ma túy và từ sự cần thiết phải có
chương trình cho giai đoạn tiếp theo, ngày 31 tháng 8 năm 2015, Bộ Công an có
công văn số 1838/BCA-C41 gửi đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ
tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và
phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm về việc đề xuất giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng
Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2016 - 2020. Ngày 15 tháng 9 năm
2015, Văn phòng chính phủ có công văn số 7313/VPCP-KGVX thông báo ý kiến của Thủ
tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp
với các bộ, ngành, địa phương liên quan lồng ghép các nội dung, nhiệm vụ, giải
pháp tổng thể, liên ngành về phòng, chống ma túy vào Chương trình mục
tiêu đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống tội
phạm và ma túy giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Công an.
Theo công văn số 6733/BKHĐT-TCTT ngày
22 tháng 9 năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn
2012 - 2015 (trừ Dự án “Thông tin, tuyên truyền phòng, chống ma túy và giám sát
thực hiện Chương trình”) tiếp tục được bố trí vốn (đầu tư và sự nghiệp) cho đến
khi đủ vốn theo mức đã được phê duyệt. Như vậy, trong năm 2016, công tác phòng,
chống ma túy tiếp tục triển khai thực hiện
theo các mục tiêu, nhiệm vụ và các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia
phòng, chống ma túy giai đoạn 2012 - 2015.
Tuy nhiên, sau nhiều cuộc họp với các
bộ, ngành liên quan, chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu đảm bảo trật tự an
toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống tội phạm và ma túy giai đoạn
2016 - 2020 (kèm theo Tờ trình số 311/TTr-BCA-H43 ngày 28 tháng 8 năm 2015 của
Bộ Công an gửi Thủ tướng Chính phủ), lĩnh vực phòng, chống ma túy chỉ được đề
xuất khởi công mới Dự án “Trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật cho lực lượng
Cảnh sát phòng, chống tội phạm ma túy giai đoạn 2016 - 2021”. Như vậy, sau năm
2015, việc “lồng ghép các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp tổng thể, liên ngành về
phòng, chống ma túy vào Chương trình mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn giao
thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống tội phạm và ma túy giai đoạn 2016 -
2020” của Bộ Công an như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rất khó thực hiện
và không khả thi. Mặt khác, theo quy định Luật đầu tư công, Chương trình mục
tiêu không có nguồn vốn sự nghiệp, nên việc thực hiện các nhiệm vụ có tính liên
ngành là rất khó khăn.
2.2. Đề xuất chương trình phòng,
chống ma túy giai đoạn 2016 - 2020
Căn cứ vào kết quả thực hiện Chương
trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy và dự báo diễn biến của tệ nạn ma
túy trong thời gian tới, công tác phòng, chống ma túy cần tiếp tục được Chính
phủ tập trung chỉ đạo, nhằm huy động nguồn lực của cả xã hội và sự tham gia của
các bộ, ngành, địa phương một cách đồng bộ, có kế hoạch và hiệu quả. Để thực hiện nhiệm vụ này, việc Chính phủ ban hành một chương trình mang
tính chỉ đạo thống nhất trên phạm vi toàn quốc về phòng, chống ma túy cho giai
đoạn 2016 - 2020 để tiếp nối sau khi Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống
ma túy kết thúc là hết sức cần thiết, nhằm cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Chiến lược
quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy
ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định các lĩnh
vực cần ưu tiên, các giải pháp hiệu quả, phù hợp
với diễn biến tình hình tệ nạn ma túy và khả năng đáp ứng của tình hình kinh tế
- xã hội. Nội dung của chương trình sẽ là căn cứ pháp lý giữ vai trò là công cụ
chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Ủy ban
Quốc gia đối với công tác phòng, chống ma túy trong cả nước.
Trên cơ sở đó, Bộ Công an đề nghị
Chính phủ và Ủy ban Quốc gia về phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma
túy, mại dâm giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương
liên quan xây dựng Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2016 - 2020 trình Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành với những nội dung cơ bản sau:
(1) Mục tiêu, yêu cầu
- Giảm tốc độ gia tăng, tiến tới giảm
số người nghiện ma túy và số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy.
- Nâng cao khả năng phát hiện, bắt giữ,
xử lý tội phạm về ma túy trong nước, chủ động ngăn chặn và ngăn chặn có hiệu quả
ma túy thẩm lậu từ bên ngoài vào Việt Nam.
- Ngăn chặn có hiệu quả việc trồng
cây có chứa chất ma túy và việc sản xuất ma túy, nhất là ma túy tổng hợp trong nước.
- Đổi mới công
tác cai nghiện, nâng cao số lượng người nghiện ma túy được tiếp cận với các dịch
vụ tư vấn điều trị nghiện và tổ chức cai nghiện có hiệu quả.
(2) Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
- Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ
đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền, đặc biệt là cấp cơ sở; xác định
phòng, chống ma túy là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp, từng ngành
và từng địa phương; huy động được sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính
trị, các tổ chức kinh tế - xã hội, sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân
tham gia phòng, chống ma túy; xác định rõ xử lý nghiêm trách nhiệm đối với cán bộ, lãnh đạo cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị để tệ nạn ma túy diễn biến phức
tạp và gia tăng trên địa bàn quản lý.
- Tăng cường hiệu lực quản lý của nhà
nước đối với phòng, chống ma túy, nhất là tăng cường kiểm
tra, giám sát các lĩnh vực hoạt động dễ bị tội phạm ma túy lợi dụng hoạt động
(dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi có điều kiện; hoạt động xuất, nhập khẩu hóa chất
có thể dùng làm tiền chất...); hạn chế các điều kiện để tệ
nạn ma túy gia tăng; kịp thời đề xuất chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, pháp luật
liên quan công tác phòng, chống ma túy cho phù hợp yêu cầu
tình hình mới.
- Triển
khai đồng bộ các hình thức tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma
túy; chú trọng vào các đối tượng cần quan tâm đặc biệt (học sinh, sinh viên, đồng
bào ở các vùng dễ bị tội phạm lợi dụng...); xây dựng các chuyên trang, chuyên mục,
tài liệu về phòng, chống ma túy phù hợp với từng đối tượng, chú ý đến phát triển
các chương trình sử dụng ngôn ngữ của đồng bào dân tộc ít người; xây dựng và
nhân rộng các mô hình tuyên truyền hiệu quả, nhất là các mô hình phù hợp với
các nhóm đối tượng cần quan tâm đặc biệt. Đồng thời, kiện toàn, nâng cao năng lực
cho đội ngũ cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách tham gia tuyên truyền
phòng, chống ma túy;
- Tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các mặt công tác phòng, chống ma túy ở cơ sở góp phần giữ
vững an ninh trật tự; lồng ghép các mặt công tác phòng, chống ma túy ở cơ sở với
Chương trình xây dựng nông thôn mới, với phong trào “Toàn dân đoàn kết, xây dựng
đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
- Hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các lực
lượng chuyên trách phòng, chống ma túy; cho công tác truy tố, xét xử tội phạm về
ma túy, nhất là các vụ án ma túy nghiêm trọng, phức tạp. Nâng cao hiệu quả phối
hợp giữa các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy, nhằm tập trung lực lượng
đấu tranh quyết liệt với tội phạm về ma túy, ngăn chặn có hiệu quả ma túy thẩm lậu vào trong nước; giải quyết triệt để các địa
bàn phức tạp về ma túy; tập trung phát hiện, triệt phá diện tích trồng cây có
chứa chất ma túy. Tăng cường chỉ đạo phối hợp, tập trung lực lượng giữa các cơ
quan chuyên trách ở Trung ương với các địa phương, nhất là các địa phương có
tình hình tệ nạn ma túy diễn ra phức tạp nhằm giải quyết ổn định tình hình, xây dựng và duy trì thế trận lòng dân, tạo điều kiện phát triển
kinh tế - xã hội.
- Nâng cao chất lượng dịch vụ cai
nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy; hỗ trợ, nhân rộng mô hình cai nghiện dựa vào
gia đình, cộng đồng có hiệu quả; triển khai
quy trình cai nghiện cho người nghiện ma túy tổng hợp; tích cực nghiên cứu, triển khai và ứng dụng các bài
thuốc và các phương pháp y học vào việc điều trị, phục hồi chức năng cho người
nghiện ma túy. Nghiên cứu đổi mới, nâng cao hiệu quả và nhân rộng việc điều trị
cho người nghiện bằng thuốc thay thế Methadone.
- Huy động và sử dụng có hiệu quả sự
quan tâm, giúp đỡ của quốc tế tham gia phòng, chống ma
túy. Tổ chức thực hiện tốt các cam kết quốc tế trong phòng, chống ma túy, nhất
là các nước có chung đường biên giới trên bộ, các nước có ký kết các hiệp định,
biên bản ghi nhớ về tương trợ, phối hợp thực hiện các hoạt động tư pháp hình sự liên quan đến tội
phạm về ma túy. Tăng cường các hoạt động trao đổi thông
tin liên quan đến phòng, chống ma túy giữa các lực lượng chức năng của Việt Nam
với các nước.
- Đảm bảo các nguồn lực thực hiện, trong
đó trọng tâm là: kiện toàn bộ máy theo quy định của pháp luật, bố trí đủ lực lượng
chuyên trách tại các cơ quan từ trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và các xã, phường,
thị trấn trọng điểm về ma túy, từng bộ,
ngành, địa phương xây dựng kế hoạch bố trí ngân sách thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ mục tiêu đề ra.
(3) Tổ chức thực hiện
- Bộ Công an là cơ quan Thường trực
phòng, chống ma túy của Ủy ban Quốc gia,
có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc Trung
ương tổ chức xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tên gọi và nội dung
Chương trình; triển khai thực hiện Chương trình theo quy định.
- Trách nhiệm của các bộ, ngành liên
quan: Trên cơ sở trách nhiệm được quy định tại Luật phòng, chống ma túy, các
văn bản pháp quy liên quan khác, các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng chương trình, kế hoạch hàng năm và cả giai
đoạn để tổ chức thực hiện.
- Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Có trách nhiệm chủ
động xây dựng chương trình, kế hoạch chỉ đạo triển khai thực
hiện các nội dung của Chương trình trên địa bàn; huy động các nguồn lực để
thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của Chương trình.
- Kinh phí thực hiện Chương trình được
bố trí từ nguồn kinh phí thường xuyên các bộ, ngành và kinh phí địa phương.
Trên đây là báo cáo của Bộ Công an Tổng
kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma
túy năm 2011, giai đoạn 2012 - 2015 và đề xuất Chương trình phòng, chống ma túy
giai đoạn 2016 - 2020. Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để
b/cáo);
- Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng BCĐ 138 (để b/cáo);
- Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch UBQG PC AIDS và PCTNMT,MD
(để b/cáo);
- Văn phòng Chính phủ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính (để phối hợp);
- UB về các vấn đề xã hội, Quốc hội Khóa XIII (để b/cáo);
- Đ/c Bộ trưởng (để b/cáo);
- Các đ/c Thứ trưởng Bộ công an (để phối hợp);
- Các bộ, ngành thành viên Ủy ban Quốc
gia, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
(để phối hợp);
- Lưu: VT, V11, TCCS (C42).
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Thượng tướng Lê Quý Vương
|