Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Văn bản hợp nhất 43/VBHN-VPQH năm 2023 hợp nhất Luật Thủy lợi do Văn phòng Quốc hội ban hành

Số hiệu: 43/VBHN-VPQH Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
Nơi ban hành: Văn phòng quốc hội Người ký: Bùi Văn Cường
Ngày ban hành: 27/12/2023 Ngày hợp nhất: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

VĂN PHÒNG QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 43/VBHN-VPQH

Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2023

LUẬT

THỦY LỢI

Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2018, được sửa đổi, bổ sung bởi:

1. Luật số 35/2018/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019;

2. Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021;

3. Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022;

4. Luật Giá số 16/2023/QH15 ngày 19 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

5. Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 ngày 27 tháng 11 năm 2023 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Thủy lợi[1].

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quản lý, khai thác công trình thủy lợi và vận hành hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi; dịch vụ thủy lợi; bảo vệ và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi; thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thủy lợi; trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy lợi.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thủy lợi là tổng hợp các giải pháp nhằm tích trữ, điều hòa, chuyển, phân phối, cấp, tưới, tiêu và thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối; kết hợp cấp, tiêu, thoát nước cho sinh hoạt và các ngành kinh tế khác; góp phần phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh nguồn nước.

2. Hoạt động thủy lợi bao gồm điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quản lý, khai thác công trình thủy lợi và vận hành hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi; dịch vụ thủy lợi; bảo vệ và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi.

3. Công trình thủy lợi là công trình hạ tầng kỹ thuật thủy lợi bao gồm đập, hồ chứa nước, cống, trạm bơm, hệ thống dẫn, chuyển nước, kè, bờ bao thủy lợi và công trình khác phục vụ quản lý, khai thác thủy lợi.

4. Thủy lợi nội đồng là công trình kênh, mương, rạch, đường ống dẫn nước tưới, tiêu nước trong phạm vi từ điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi đến khu đất canh tác.

5. Công trình thủy lợi đầu mối là công trình thủy lợi ở vị trí khởi đầu của hệ thống tích trữ, điều hòa, chuyển, phân phối, cấp, điều tiết nước hoặc công trình ở vị trí cuối của hệ thống tiêu, thoát nước.

6. Hệ thống dẫn, chuyển nước bao gồm kênh, mương, rạch, đường ống, xi phông, tuynel, cầu máng dùng để dẫn, chuyển nước.

7. An toàn đập, hồ chứa nước là việc thực hiện các biện pháp thiết kế, thi công, quản lý, khai thác nhằm bảo đảm an toàn cho đập, hồ chứa nước, các công trình có liên quan, an toàn cho người và tài sản vùng hạ du đập.

8. Vùng hạ du đập là vùng bị ngập lụt khi hồ xả nước theo quy trình; xả lũ trong tình huống khẩn cấp hoặc vỡ đập.

9. Tình huống khẩn cấp là trường hợp mưa, lũ vượt tần suất thiết kế; động đất vượt tiêu chuẩn thiết kế trên lưu vực hồ chứa nước hoặc tác động khác gây mất an toàn cho đập.

10. Chủ sở hữu công trình thủy lợi là cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu đối với công trình thủy lợi sử dụng vốn nhà nước; tổ chức, cá nhân tự đầu tư xây dựng công trình thủy lợi.

11. Chủ quản lý công trình thủy lợi là cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các cấp hoặc tổ chức được Nhà nước giao quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu; tổ chức thủy lợi cơ sở; tổ chức, cá nhân tự đầu tư xây dựng công trình thủy lợi.

12. Tổ chức thủy lợi cơ sở là tổ chức của những người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi cùng hợp tác đầu tư xây dựng hoặc quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng.

13. Khai thác công trình thủy lợi là việc khai thác, sử dụng tiềm năng và lợi thế của công trình thủy lợi để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

14. Sản phẩm, dịch vụ thủy lợi là sản phẩm, dịch vụ được tạo ra do khai thác công trình thủy lợi.

15. Giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi là khoản tiền phải trả cho một đơn vị sản phẩm, dịch vụ thủy lợi.

Điều 3. Nguyên tắc trong hoạt động thủy lợi

1. Phù hợp với nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; thống nhất theo lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi, kết hợp theo đơn vị hành chính, phục vụ đa mục tiêu.

2. Bảo đảm lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

3. Chủ động tạo nguồn nước, tích trữ, điều hòa, chuyển, phân phối, cấp, tưới, tiêu, thoát nước giữa các mùa và vùng; bảo đảm yêu cầu sản xuất, sinh hoạt theo hệ thống công trình thủy lợi, lưu vực sông, vùng và toàn quốc.

4. Sử dụng nước tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, đúng mục đích; bảo đảm số lượng, chất lượng nước trong công trình thủy lợi.

5. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thủy lợi; huy động sự tham gia của toàn dân trong hoạt động thủy lợi.

6. Tổ chức, cá nhân được sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và phải trả tiền theo quy định của pháp luật; bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản trước những tác động bất lợi trong quá trình xây dựng và khai thác công trình thủy lợi.

Điều 4. Chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy lợi

1. Ưu tiên đầu tư xây dựng công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, công trình thủy lợi lớn, công trình thủy lợi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu.

2. Ưu đãi thuế đối với tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi theo quy định của pháp luật về thuế.

3. Hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; hệ thống tưới, tiêu tiên tiến và hiện đại; hệ thống xử lý nước thải để tái sử dụng.

4. Hỗ trợ đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa công trình thủy lợi.

5. Hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi phù hợp với từng lĩnh vực, nhóm đối tượng sử dụng.

6. Hỗ trợ tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi trong trường hợp phục vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sa mạc hóa, lũ, ngập lụt, úng.

7. Đa dạng hóa các hình thức đầu tư; khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

8. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người trực tiếp hoặc tham gia hoạt động thủy lợi; khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ trong hoạt động thủy lợi.

Điều 5. Tiết kiệm nước trong hoạt động thủy lợi

1. Việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả trong hoạt động thủy lợi phải tuân theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước và các quy định sau đây:

a)[2] Trong lập quy hoạch thủy lợi và đầu tư xây dựng công trình thủy lợi phải đề xuất, lựa chọn giải pháp nguồn sinh thủy, tạo nguồn nước, chống thất thoát nước, sử dụng nước tại chỗ, tái sử dụng nước, kết nối hệ thống thủy lợi liên vùng;

b) Trong quản lý, khai thác phải kiểm kê nguồn nước, nhu cầu sử dụng nước để xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện điều hòa, phân phối, sử dụng nước hợp lý, chống thất thoát nước;

c) Việc tổ chức sản xuất của các ngành kinh tế sử dụng nước, bố trí cơ cấu mùa, vụ, cây trồng, vật nuôi phải phù hợp với điều kiện nguồn nước và có phương án sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả;

d) Sử dụng nước tưới cho cây trồng phải tiết kiệm, hiệu quả và khuyến khích áp dụng công nghệ tưới tiên tiến.

2. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích.

Điều 6. Khoa học và công nghệ trong hoạt động thủy lợi

1. Ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo diễn biến nguồn nước, số lượng, chất lượng nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sa mạc hóa, lũ, ngập lụt, úng, bồi lắng, xói lở công trình thủy lợi, bờ sông, bờ biển, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tác động phát triển trên lưu vực sông để phục vụ hoạt động thủy lợi.

2. Ứng dụng công nghệ tiên tiến để tiết kiệm và tái sử dụng nước.

3. Ưu tiên nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên và hệ sinh thái nước; bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước.

Điều 7. Hợp tác quốc tế trong hoạt động thủy lợi

1. Tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, cùng có lợi trong hoạt động thủy lợi trên các sông liên quốc gia, các sông, suối biên giới giữa Việt Nam với quốc gia liên quan.

2. Tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế có liên quan đến hoạt động thủy lợi mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Trao đổi thông tin về hoạt động thủy lợi trên các sông liên quốc gia, sông, suối biên giới giữa Việt Nam với quốc gia liên quan.

4. Ưu tiên hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm và huy động nguồn lực trong hoạt động thủy lợi.

5. Chủ động tham gia các tổ chức quốc tế liên quan đến hoạt động thủy lợi.

Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy lợi

1. Xây dựng công trình thủy lợi không đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đổ chất thải, rác thải trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; xả nước thải trái quy định của pháp luật vào công trình thủy lợi; các hành vi khác làm ô nhiễm nguồn nước trong công trình thủy lợi.

3. Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng công trình thủy lợi.

4. Ngăn, lấp, đào, nạo vét, hút bùn, cát, sỏi trên sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao trái phép làm ảnh hưởng đến hoạt động thủy lợi.

5. Sử dụng xe cơ giới vượt tải trọng cho phép đi trên công trình thủy lợi; sử dụng xe cơ giới, phương tiện thủy nội địa lưu thông trong công trình thủy lợi khi có biển cấm, trừ các loại xe, phương tiện ưu tiên theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.

6. Cản trở việc thanh tra, kiểm tra hoạt động thủy lợi.

7. Khai thác nước trái phép từ công trình thủy lợi.

8. Tự ý vận hành công trình thủy lợi; vận hành công trình thủy lợi trái quy trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

9. Chống đối, cản trở hoặc không chấp hành quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc ứng phó khẩn cấp khi công trình thủy lợi xảy ra sự cố.

10. Lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

11. Thực hiện các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khi chưa có giấy phép hoặc thực hiện không đúng nội dung của giấy phép được cấp cho các hoạt động quy định tại Điều 44 của Luật này.

Chương II

ĐIỀU TRA CƠ BẢN, CHIẾN LƯỢC, QUY HOẠCH THỦY LỢI

Điều 9. Điều tra cơ bản thủy lợi

1. Điều tra cơ bản thủy lợi được thực hiện hằng năm hoặc đột xuất để thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ nghiên cứu khoa học, lập chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

2. Điều tra cơ bản thủy lợi bao gồm các nội dung chính sau đây:

a) Hiện trạng về số lượng, chất lượng, năng lực phục vụ của công trình thủy lợi và nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi;

b) Hiện trạng về cơ cấu tổ chức, cơ chế chính sách trong hoạt động thủy lợi;

c) Tác động của công trình thủy lợi đến môi trường và đời sống của người dân;

d) Thu thập thông tin, quan trắc, giám sát về số lượng, chất lượng nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sa mạc hóa, lũ, ngập lụt, úng, bồi lắng, xói lở công trình thủy lợi, bờ sông, bờ biển phục vụ hoạt động thủy lợi;

đ) Tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sa mạc hóa, lũ, ngập lụt, úng, bồi lắng, xói lở công trình thủy lợi, bờ sông, bờ biển, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên lưu vực sông đến hoạt động thủy lợi.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức điều tra cơ bản thủy lợi, phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra cơ bản thủy lợi trên địa bàn.

4. Thẩm quyền phê duyệt, công bố và quản lý kết quả điều tra cơ bản thủy lợi được quy định như sau:

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, công bố và quản lý kết quả điều tra cơ bản thủy lợi do Bộ tổ chức điều tra;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, công bố và quản lý kết quả điều tra cơ bản thủy lợi do Ủy ban tổ chức điều tra.

Điều 10. Chiến lược thủy lợi

1. Chiến lược thủy lợi được xây dựng cho chu kỳ 10 năm, tầm nhìn 30 năm hoặc dài hơn, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Chiến lược thủy lợi được cập nhật, điều chỉnh khi có sự thay đổi về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh hoặc khi có biến động lớn do thiên tai.

2. Chiến lược thủy lợi xác định quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo, tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển thủy lợi trên phạm vi toàn quốc.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược thủy lợi.

Điều 11. Quy hoạch thủy lợi[3]

1. Quy hoạch thủy lợi là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, làm cơ sở để đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

2. Quy hoạch thủy lợi bao gồm các loại sau:

a) Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông liên tỉnh;

b) Quy hoạch thủy lợi của hệ thống công trình thủy lợi liên quan từ 02 tỉnh trở lên.

3. Quy hoạch thủy lợi của hệ thống công trình thủy lợi liên quan từ 02 tỉnh trở lên phải phù hợp với quy hoạch thủy lợi lưu vực sông liên tỉnh.

4. Quy hoạch thủy lợi được lập cho giai đoạn 10 năm, tầm nhìn là từ 30 năm đến 50 năm và được rà soát theo định kỳ 05 năm.

5. Quy hoạch thủy lợi được điều chỉnh khi có sự điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, chiến lược thủy lợi, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi, quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch vùng hoặc khi có biến động lớn tác động đến mục tiêu chính của quy hoạch thủy lợi.

Điều 12. Nguyên tắc lập quy hoạch thủy lợi[4]

Việc lập quy hoạch thủy lợi phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch và các nguyên tắc sau đây:

1. Phù hợp với chiến lược thủy lợi, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi, quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch vùng; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh;

2. Gắn kết với quy hoạch kết cấu hạ tầng quốc gia và các quy hoạch có liên quan;

3. Bảo đảm quản lý tổng hợp tài nguyên nước, thống nhất theo lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi; thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội trên lưu vực sông; phát triển bền vững;

4. Phục vụ đa mục tiêu, bảo đảm hài hòa giữa khai thác với bảo vệ tài nguyên, môi trường, phòng, chống thiên tai; chú trọng cấp nước cho hải đảo, vùng ven biển, khu vực biên giới, miền núi và vùng ven hồ chứa thủy điện;

5. Bảo đảm cân đối nguồn nước trong phạm vi toàn quốc, vùng, lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi, đơn vị hành chính; chuyển nước từ nơi thừa đến nơi thiếu; trữ nước mùa mưa cho mùa khô, năm nhiều nước cho năm ít nước.

Điều 13. Nội dung quy hoạch thủy lợi[5]

1. Quy hoạch thủy lợi xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực thủy lợi theo phạm vi quy hoạch.

2. Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông liên tỉnh bao gồm các nội dung chính sau đây:

a) Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, nguồn nước; điều kiện kinh tế - xã hội; nguồn lực; đánh giá hiện trạng thủy lợi, kết quả thực hiện quy hoạch thời kỳ trước;

b) Dự báo xu thế phát triển và các kịch bản phát triển, nguồn nước trong bối cảnh chịu tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai; dự báo tiến bộ khoa học và công nghệ, nguồn lực ảnh hưởng trực tiếp đến thủy lợi;

c) Đánh giá về liên kết ngành, liên kết vùng; xác định yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường đối với thủy lợi; cơ hội và thách thức đối với phát triển thủy lợi trên phạm vi lưu vực sông;

d) Xác định quan điểm, mục tiêu phát triển thủy lợi trên phạm vi lưu vực sông;

đ) Phân tích, tính toán và xây dựng phương án thủy lợi theo các kịch bản phát triển trên phạm vi lưu vực sông; bảo đảm tạo nguồn, tích trữ, cân đối, điều hòa, phân phối nguồn nước, giảm thiểu rủi ro hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sa mạc hóa, lũ, ngập lụt, úng, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước và các thiên tai khác liên quan đến nước trên phạm vi lưu vực sông;

e) Đề xuất giải pháp, danh mục công trình, dự án, thứ tự ưu tiên;

g) Định hướng nhu cầu sử dụng đất phục vụ xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp công trình thủy lợi; nhu cầu sử dụng đất để chứa vật liệu nạo vét, mở rộng kênh, mương;

h) Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch;

i) Hệ thống sơ đồ, bản đồ quy hoạch.

3. Quy hoạch thủy lợi của hệ thống công trình thủy lợi liên quan từ 02 tỉnh trở lên bao gồm các nội dung chính sau đây:

a) Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, nguồn nước; điều kiện kinh tế - xã hội; nguồn lực; đánh giá hiện trạng thủy lợi, kết quả thực hiện quy hoạch thủy lợi thời kỳ trước trên phạm vi hệ thống công trình thủy lợi;

b) Dự báo xu thế phát triển và các kịch bản phát triển, nguồn nước trong bối cảnh chịu tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai; dự báo tiến bộ khoa học và công nghệ, nguồn lực ảnh hưởng trực tiếp đến thủy lợi;

c) Đánh giá về liên kết ngành, liên kết vùng; xác định yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội đối với thủy lợi; cơ hội và thách thức đối với phát triển thủy lợi trên phạm vi hệ thống công trình thủy lợi;

d) Xác định quan điểm, mục tiêu phát triển thủy lợi trên phạm vi hệ thống công trình thủy lợi;

đ) Phân tích, tính toán và xây dựng phương án thủy lợi theo các kịch bản phát triển; xác định giải pháp thủy lợi cho từng loại đối tượng trên phạm vi hệ thống công trình thủy lợi; phương án phối hợp vận hành giữa các công trình thủy lợi trong hệ thống công trình thủy lợi; bảo đảm tạo nguồn, tích trữ, cân đối, điều hòa, phân phối nguồn nước, giảm thiểu rủi ro hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sa mạc hóa, lũ, ngập lụt, úng, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước và các thiên tai khác liên quan đến nước trên phạm vi hệ thống công trình thủy lợi;

e) Đề xuất giải pháp, danh mục công trình, dự án, thứ tự ưu tiên;

g) Định hướng nhu cầu sử dụng đất phục vụ xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp công trình thủy lợi; nhu cầu sử dụng đất để chứa vật liệu nạo vét, mở rộng kênh, mương;

h) Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch;

i) Hệ thống sơ đồ, bản đồ quy hoạch.

Điều 14. Lập, phê duyệt, điều chỉnh, công bố, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch thủy lợi[6]

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch thủy lợi, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Việc công bố, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch thủy lợi được quy định như sau:

a) Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch thủy lợi được phê duyệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức công bố quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch thủy lợi theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Việc công khai nội dung quy hoạch được thực hiện trong suốt thời kỳ quy hoạch;

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch thủy lợi;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập nội dung phương án phát triển thủy lợi trong quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch;

d) Tổ chức, cá nhân được tạo điều kiện giám sát thực hiện quy hoạch thủy lợi.

3. Chính phủ quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch thủy lợi.

Chương III

ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH THỦY LỢI

Điều 15. Nguyên tắc trong đầu tư xây dựng công trình thủy lợi

1. Đầu tư xây dựng công trình thủy lợi phải tuân thủ pháp luật về đầu tư, xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Nhà nước đầu tư xây dựng công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, công trình thủy lợi lớn, công trình thủy lợi khó huy động các nguồn lực xã hội, hồ chứa nước ở vùng khan hiếm nước; công trình thủy lợi kết hợp phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai; công trình thủy lợi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu.

3. Tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi có trách nhiệm đầu tư xây dựng công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng.

4. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư xây dựng hoặc hợp tác đầu tư xây dựng công trình thủy lợi theo hình thức đối tác công tư.

5. Việc xây dựng các công trình thủy lợi phải tính đến khả năng điều hòa, chuyển, phân phối, sử dụng nước giữa công trình thủy lợi và nguồn nước khác.

6. Việc đầu tư xây dựng công trình thủy lợi phải được tính toán chặt chẽ các yếu tố địa chất, địa chấn để bảo đảm an toàn cao nhất cho công trình và tính mạng con người.

Điều 16. Phân loại và phân cấp công trình thủy lợi

1. Phân loại và phân cấp công trình thủy lợi để phục vụ đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

2. Loại công trình thủy lợi được xác định theo quy mô, nhiệm vụ, tầm quan trọng, mức độ rủi ro vùng hạ du, bao gồm công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, công trình thủy lợi lớn, công trình thủy lợi vừa và công trình thủy lợi nhỏ.

3. Cấp công trình thủy lợi được xác định theo quy mô, nhiệm vụ, điều kiện địa chất nền và yêu cầu kỹ thuật xây dựng công trình, bao gồm công trình thủy lợi cấp đặc biệt, công trình thủy lợi cấp I, công trình thủy lợi cấp II, công trình thủy lợi cấp III và công trình thủy lợi cấp IV.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 17. Yêu cầu trong đầu tư xây dựng công trình thủy lợi

1. Việc đầu tư xây dựng công trình thủy lợi phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Phù hợp với quy hoạch thủy lợi;

b) Áp dụng các giải pháp để giảm thiểu tổn thất nước và giảm diện tích đất phải sử dụng khi xây dựng công trình;

c) Phải tính đến yếu tố kết nối giữa các công trình thủy lợi, giữa công trình thủy lợi với công trình hạ tầng kỹ thuật khác có liên quan, giữa các vùng, nguồn nước;

d) Đồng bộ từ công trình đầu mối đến công trình thủy lợi nội đồng, khép kín trong hệ thống công trình thủy lợi;

đ) Kết hợp hài hòa giải pháp công trình và phi công trình;

e) Bố trí đủ nguồn lực để thi công công trình trong giai đoạn vượt lũ, chống lũ an toàn;

g) Bảo đảm an toàn công trình thủy lợi.

2. Dự án bảo trì, nâng cấp, hiện đại hóa công trình thủy lợi phải tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều này và bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của công trình thủy lợi.

Điều 18. Đầu tư xây dựng đập, hồ chứa nước

1. Đầu tư xây dựng đập, hồ chứa nước phải đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 17 của Luật này và các quy định sau đây:

a) Việc bố trí tổng thể và thiết kế kết cấu đập phải tạo thuận lợi cho công tác quản lý an toàn đập, ứng cứu đập khi xảy ra sự cố và bảo trì, nâng cấp, sửa chữa khi công trình bị hư hỏng;

b) Quy trình vận hành cửa van, quy trình bảo trì cho từng hạng mục công trình phải được lập, phê duyệt cùng với hồ sơ thiết kế và bàn giao cho chủ quản lý đập, hồ chứa nước khi bàn giao đưa công trình vào khai thác;

c) Đối với tràn xả lũ của đập, hồ chứa nước có cửa van điều tiết phải lắp đặt hệ thống giám sát vận hành; thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du đập; thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng trên lưu vực hồ chứa nước;

d) Đối với đập, hồ chứa nước lớn có tràn tự do phải lắp đặt thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du đập; thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng trên lưu vực hồ chứa nước.

2. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư xây dựng đập, hồ chứa nước có trách nhiệm lập phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.

3. Chủ đầu tư xây dựng đập, hồ chứa nước có trách nhiệm lập quy trình vận hành hồ chứa, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi tích nước và bàn giao cho tổ chức, cá nhân khai thác, cơ quan quản lý nhà nước về thủy lợi, phòng, chống thiên tai.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Chương IV

QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI VÀ VẬN HÀNH HỒ CHỨA THỦY ĐIỆN PHỤC VỤ THỦY LỢI

Mục 1. QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI

Điều 19. Nguyên tắc quản lý, khai thác công trình thủy lợi

1. Quản lý thống nhất theo hệ thống công trình thủy lợi, từ công trình đầu mối đến công trình thủy lợi nội đồng; phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của hệ thống, đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng nước phục vụ sản xuất, dân sinh và các ngành kinh tế.

2. Tuân thủ quy trình vận hành được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; có phương án ứng phó thiên tai.

3. Bảo đảm hài hòa các lợi ích, chia sẻ rủi ro, hạn chế tác động bất lợi đến các vùng liên quan; phát huy hiệu quả khai thác tổng hợp, phục vụ đa mục tiêu của hệ thống thủy lợi.

4. Quản lý, khai thác công trình thủy lợi phải có sự tham gia của người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và các bên có liên quan.

5. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

Điều 20. Nội dung quản lý, khai thác công trình thủy lợi

1. Quản lý nước bao gồm nội dung chính sau đây:

a) Thu thập thông tin dự báo khí tượng thủy văn; đo đạc, quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng trên lưu vực; quan trắc, dự báo, cảnh báo lũ, ngập lụt, úng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, số lượng, chất lượng nước; kiểm kê nguồn nước trong hệ thống công trình thủy lợi, phân tích nhu cầu sử dụng nước;

b) Lập và tổ chức thực hiện kế hoạch tích trữ, điều hòa, chuyển, phân phối, cấp, tưới, tiêu, thoát nước, sử dụng nước; kiểm soát chất lượng nước, xâm nhập mặn; thực hiện phương án ứng phó thiên tai;

c) Bảo vệ môi trường, chất lượng nước trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; kiểm tra, kiểm soát việc xả chất thải, nước thải vào công trình thủy lợi;

d) Lập, lưu trữ hồ sơ kỹ thuật về quản lý, phân phối nước trong hệ thống công trình thủy lợi.

2. Quản lý công trình bao gồm nội dung chính sau đây:

a) Đo đạc, quan trắc, giám sát, kiểm tra, kiểm định, đánh giá an toàn công trình thủy lợi;

b) Quản lý, tổ chức thực hiện bảo trì, đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, hiện đại hóa, xử lý khắc phục sự cố công trình, máy móc, thiết bị; cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi;

c) Trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án ứng phó thiên tai và phương án bảo vệ công trình thủy lợi;

d) Lập, lưu trữ hồ sơ kỹ thuật về quản lý công trình thủy lợi.

3. Quản lý kinh tế bao gồm nội dung chính sau đây:

a) Tổ chức lập, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, áp dụng các định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi;

b) Tổ chức xây dựng và thực hiện kế hoạch cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi;

c) Ký kết, nghiệm thu, thanh lý hợp đồng cung cấp, sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi;

d) Xây dựng mô hình tổ chức hợp lý để quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi và các nguồn lực được giao;

đ) Định kỳ đánh giá hiệu quả quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch khai thác tổng hợp, mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ để phát huy năng lực công trình thủy lợi;

e) Lập, lưu trữ hồ sơ về quản lý tài sản, tài chính.

Điều 21. Trách nhiệm quản lý công trình thủy lợi

1. Đối với công trình thủy lợi sử dụng vốn nhà nước, trách nhiệm quản lý công trình thủy lợi được quy định như sau:

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, công trình thủy lợi mà việc khai thác và bảo vệ liên quan đến 02 tỉnh trở lên;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý hoặc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này.

2. Đối với công trình thủy lợi do tổ chức, cá nhân tự đầu tư xây dựng thì tổ chức, cá nhân đó có trách nhiệm quản lý.

Điều 22. Trách nhiệm của chủ sở hữu, chủ quản lý công trình thủy lợi

1. Trách nhiệm của chủ sở hữu công trình thủy lợi được quy định như sau:

a) Thực hiện quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật;

b) Bảo đảm kinh phí bảo trì, đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, hiện đại hóa, xử lý khắc phục sự cố, cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

2. Trách nhiệm của chủ quản lý công trình thủy lợi được quy định như sau:

a) Quản lý việc khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi theo mục tiêu, nhiệm vụ thiết kế và tiềm năng, lợi thế của công trình;

b) Lựa chọn, ký kết hợp đồng với tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi; giám sát việc cung cấp và sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi;

c) Chủ trì thực hiện điều tra, đánh giá hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi theo định kỳ 05 năm hoặc đột xuất; quyết định theo thẩm quyền hoặc trình chủ sở hữu quyết định đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, hiện đại hóa và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá định kỳ 05 năm hoặc đột xuất;

d) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 23. Tổ chức và phương thức khai thác công trình thủy lợi

1. Chủ thể khai thác công trình thủy lợi bao gồm:

a) Doanh nghiệp;

b) Tổ chức thủy lợi cơ sở;

c) Cá nhân.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của Chính phủ.

3. Cơ quan quản lý công trình thủy lợi quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này quyết định phương thức khai thác công trình thủy lợi sử dụng vốn nhà nước như sau:

a) Công trình thủy lợi lớn, quan trọng đặc biệt được giao cho doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ[7] quản lý, khai thác và thực hiện theo phương thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ;

b) Công trình thủy lợi không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này được thực hiện theo phương thức đấu thầu hoặc đặt hàng.

4. Đối với công trình thủy lợi do tổ chức, cá nhân tự đầu tư xây dựng thì tổ chức, cá nhân đó quyết định phương thức khai thác.

Mục 2. VẬN HÀNH CÔNG TRÌNH THỦY LỢI, HỒ CHỨA THỦY ĐIỆN PHỤC VỤ THỦY LỢI

Điều 24. Quy trình vận hành công trình thủy lợi

1. Tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi phải vận hành công trình theo quy trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Trách nhiệm lập và điều chỉnh quy trình vận hành công trình thủy lợi được quy định như sau:

a) Chủ đầu tư xây dựng công trình thủy lợi phải lập quy trình vận hành, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi đưa vào khai thác;

b) Đối với công trình thủy lợi đang khai thác mà chưa có quy trình vận hành thì tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm lập quy trình vận hành trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

c) Đối với công trình thủy lợi đang khai thác mà quy trình vận hành không còn phù hợp thì tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm điều chỉnh quy trình vận hành trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3. Thẩm quyền phê duyệt, công bố công khai quy trình vận hành công trình thủy lợi được quy định như sau:

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, công bố công khai quy trình vận hành công trình thủy lợi do Bộ quản lý;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt hoặc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, công bố công khai quy trình vận hành công trình thủy lợi trên địa bàn, trừ công trình được quy định tại điểm a khoản này và khoản 4 Điều này.

4. Đối với công trình thủy lợi nhỏ, tổ chức, cá nhân trực tiếp khai thác phải lập quy trình vận hành và công bố công khai.

5. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 25. Vận hành công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp

1. Việc vận hành công trình thủy lợi phục vụ tưới, tiêu cho vùng lúa chuyên canh tập trung phải chủ động, bảo đảm số lượng, chất lượng nước, đáp ứng quy trình kỹ thuật canh tác nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm, hiệu quả.

2. Việc vận hành công trình thủy lợi phục vụ tưới, tiêu cho cây trồng cạn phải đáp ứng yêu cầu sau đây:

a) Bảo đảm tưới, tiêu chủ động, số lượng, chất lượng nước, đáp ứng quy trình kỹ thuật canh tác nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm, hiệu quả cho các vùng sản xuất tập trung, vùng chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây trồng cạn;

b) Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến; sử dụng kỹ thuật tưới phù hợp với từng loại cây trồng để tiết kiệm nước; tích hợp tưới với các biện pháp canh tác tiên tiến.

3. Việc vận hành công trình thủy lợi phục vụ cấp, thoát nước cho nuôi trồng thủy sản phải đáp ứng yêu cầu sau đây:

a) Bảo đảm hệ thống cấp, thoát nước chủ động, đáp ứng quy trình kỹ thuật nuôi trồng thủy sản tiên tiến, hiện đại đối với vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung;

b) Bảo đảm số lượng, chất lượng nước cấp theo quy định đối với vùng nuôi trồng thủy sản tập trung;

c) Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong việc cấp nước, sử dụng nước cho nuôi trồng thủy sản.

4. Việc vận hành công trình thủy lợi phục vụ tưới, tiêu, cấp, thoát nước cho các mục tiêu khác trong sản xuất nông nghiệp phải bảo đảm số lượng, chất lượng nước, tiết kiệm, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu của các đối tượng sử dụng nước.

Điều 26. Vận hành công trình thủy lợi khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng

1. Chủ quản lý công trình thủy lợi có trách nhiệm tổ chức lập phương án ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng xảy ra trên địa bàn.

2. Khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng việc vận hành công trình thủy lợi được quy định như sau:

a) Thực hiện theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thủy lợi;

b) Khi xảy ra hạn hán, thiếu nước phải bảo đảm ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt và nhu cầu thiết yếu của sản xuất nông nghiệp;

c) Khi xảy ra xâm nhập mặn phải thực hiện các giải pháp để giảm thiểu ảnh hưởng đến sinh hoạt, nhu cầu thiết yếu của sản xuất và môi trường;

d) Khi xảy ra lũ, ngập lụt, úng việc vận hành phải bảo đảm an toàn cho công trình, đồng thời phải triển khai biện pháp ứng phó khác để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Điều 27. Vận hành đập, hồ chứa nước

1. Tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước có trách nhiệm sau đây:

a) Vận hành theo đúng quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

b) Căn cứ tin dự báo khí tượng thủy văn, số liệu quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, các thông tin liên quan để dự báo, vận hành hồ chứa theo diễn biến thực tế đáp ứng yêu cầu sử dụng nước và bảo đảm an toàn đập;

c) Thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong hồ chứa nước, kết hợp với dự báo hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn để tích trữ nước; cuối mùa mưa phải kiểm kê nguồn nước trong hồ chứa nước và hệ thống thủy lợi để lập phương án điều hòa, phân phối, sử dụng nước;

d)[8] Khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng việc vận hành hồ chứa, liên hồ chứa thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

2. Chủ quản lý đập, hồ chứa nước có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 28. Vận hành hồ chứa thủy điện, vận hành liên hồ chứa phục vụ thủy lợi

1. Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, quy trình vận hành liên hồ chứa phục vụ thủy lợi phải tuân thủ quy định của pháp luật về tài nguyên nước và các yêu cầu sau đây:

a) Đáp ứng yêu cầu sử dụng nước ở hạ du; ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp;

b) Chủ động dự báo về khả năng cung cấp nguồn nước và có giải pháp điều tiết nước trong điều kiện thời tiết bình thường và điều kiện thời tiết bất thường có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu.

2. Vận hành hồ chứa thủy điện, vận hành liên hồ chứa phục vụ thủy lợi theo đúng quy trình vận hành được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và các yêu cầu sau đây:

a) Thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong hồ chứa, kết hợp với dự báo hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn để lập phương án tích trữ, điều hòa, phân phối nước bảo đảm nhu cầu sử dụng nước cho hạ du;

b) Khi xảy ra hạn hán, thiếu nước phải sử dụng lượng nước trữ còn lại trong hồ chứa để phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và nhu cầu thiết yếu khác;

c) Căn cứ tin dự báo khí tượng thủy văn, số liệu quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, các thông tin liên quan để dự báo, vận hành hồ chứa theo diễn biến thực tế đáp ứng yêu cầu sử dụng nước và dòng chảy ở hạ du;

d) Khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng việc vận hành theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Đối với hồ chứa thủy điện vận hành theo chế độ điều tiết ngày phải có giải pháp bảo đảm công trình thủy lợi ở hạ du hoạt động bình thường.

4. Tổ chức, cá nhân trước khi vận hành xả lũ có trách nhiệm thông báo cho chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan theo quy trình vận hành được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Chương V

DỊCH VỤ THỦY LỢI

Điều 29. Hoạt động dịch vụ thủy lợi

1. Dịch vụ thủy lợi là hoạt động cung cấp, sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi giữa tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi với tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi.

2. Đối tượng tham gia hoạt động dịch vụ thủy lợi bao gồm chủ quản lý công trình thủy lợi; tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi; tổ chức thủy lợi cơ sở; tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi.

3. Việc cung cấp, sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi được thực hiện theo các hình thức sau đây:

a) Hợp đồng giữa tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi;

b) Tổ chức thủy lợi cơ sở trực tiếp cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi để phục vụ thành viên hoặc tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu.

Điều 30. Phân loại sản phẩm, dịch vụ thủy lợi

1. Sản phẩm, dịch vụ thủy lợi bao gồm sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác.

2. Sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi bao gồm:

a) Tưới cho cây trồng và cấp nước cho sản xuất muối, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi;

b) Tiêu, thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, khu vực nông thôn và đô thị trừ vùng nội thị;

c) Thoát lũ, ngăn lũ, ngăn triều cường, ngăn mặn, đẩy mặn, rửa mặn, rửa phèn, giữ ngọt.

3. Sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác bao gồm:

a) Cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp;

b) Tiêu nước cho khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao;

c) Kết hợp phát điện;

d) Kinh doanh, du lịch và các hoạt động vui chơi giải trí khác;

đ) Nuôi trồng thủy sản trong các hồ chứa nước;

e) Kết hợp giao thông.

4. Chính phủ quyết định bổ sung loại sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác phù hợp tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Điều 31. Căn cứ cung cấp, sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi

1. Nhiệm vụ của công trình thủy lợi.

2. Khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi.

3. Kế hoạch sản xuất của tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi.

Điều 32. Hợp đồng cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi

1. Hợp đồng cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi là hợp đồng dân sự có thời hạn được thể hiện bằng văn bản, bao gồm các nội dung chính sau đây:

a) Chủ thể hợp đồng;

b) Mục đích sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi;

c) Tiêu chuẩn, số lượng và chất lượng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi;

d) Quyền và nghĩa vụ của các bên;

đ) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;

e) Giá trị thực hiện hợp đồng, phương thức và thời hạn thanh toán;

g) Điều kiện chấm dứt hợp đồng;

h) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

i) Các phương thức giải quyết tranh chấp.

2. Căn cứ khả năng cung cấp, mục đích, nhu cầu sử dụng, bên cung cấp và bên sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi ký kết, thực hiện hợp đồng theo quy định của pháp luật.

Điều 33. Điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi

1. Điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi là vị trí chuyển giao sản phẩm, dịch vụ thủy lợi giữa tổ chức, cá nhân cung cấp và tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm, dịch vụ.

2. Tổ chức, cá nhân cung cấp và tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi thống nhất điểm giao nhận dịch vụ phù hợp với quy định phân cấp quản lý công trình thủy lợi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 34. Nguyên tắc và căn cứ định giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi

1. Nhà nước định giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi.

2. Việc định giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi thực hiện theo quy định của pháp luật về giá và các quy định sau đây:

a) Giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi bao gồm chi phí quản lý, vận hành, bảo trì, chi phí khấu hao, chi phí thực tế hợp lý khác và lợi nhuận phù hợp với mặt bằng thị trường. Trong từng thời kỳ, căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi phí khấu hao đối với công trình thủy lợi sử dụng vốn nhà nước;

b) Kịp thời điều chỉnh giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khi các yếu tố hình thành giá thay đổi.

3. Căn cứ định giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi bao gồm:

a) Giá thành, chất lượng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; mức lợi nhuận; lộ trình điều chỉnh giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

b) Khả năng thanh toán của người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi;

c) Khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi;

d) Đặc điểm, loại công trình thủy lợi;

đ) Định mức kinh tế - kỹ thuật trong quản lý, khai thác, bảo trì và đầu tư xây dựng công trình thủy lợi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Điều 35. Thẩm quyền quyết định giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi

1. Giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi bao gồm giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác thực hiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2.[9] Thẩm quyền định giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi đối với các công trình thủy lợi sử dụng vốn nhà nước được quy định như sau:

a) Đối với sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi thực hiện theo phương thức đặt hàng:

Bộ Tài chính định giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý trên cơ sở giá tối đa do Bộ Tài chính ban hành;

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý.

b) Đối với sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác:

Bộ Tài chính định khung giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý trên cơ sở khung giá do Bộ Tài chính ban hành;

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý.

3.[10] Đối với công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư và công trình thủy lợi đầu tư xây dựng không sử dụng vốn nhà nước thì giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi được xác định theo hợp đồng giữa các bên.

4. Chính phủ quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và lộ trình thực hiện giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi.

Điều 36. Hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi

1. Trong từng thời kỳ, căn cứ khả năng ngân sách nhà nước, Nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi không phân biệt nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình thủy lợi.

2. Tiền hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi được ngân sách nhà nước bảo đảm, thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

3. Chính phủ quy định đối tượng, phạm vi, mức, phương thức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.

Điều 37. Tài chính trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi

1. Nguồn tài chính trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi bao gồm:

a) Thu từ việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi;

b) Các khoản cấp, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước;

c) Các khoản hợp pháp khác.

2. Tổ chức được thu tiền sản phẩm, dịch vụ thủy lợi bao gồm:

a) Chủ quản lý công trình thủy lợi;

b) Tổ chức khai thác công trình thủy lợi.

Điều 38. Sử dụng nguồn tài chính trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi sử dụng vốn nhà nước

1. Nguồn tài chính trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi sử dụng vốn nhà nước sử dụng cho các mục đích sau đây:

a) Thực hiện các nội dung quản lý, khai thác công trình thủy lợi quy định tại Điều 20 của Luật này;

b) Bảo trì, đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, hiện đại hoá, xử lý khắc phục sự cố, cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi;

c) Mục đích khác theo quy định của pháp luật.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết Điều này.

Điều 39. Phân chia nguồn tiền thu từ việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi

1. Tổ chức, cá nhân cùng cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi trong một hệ thống công trình thủy lợi thì tỷ lệ phân chia nguồn tiền thu từ việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi căn cứ vào chi phí quản lý, khai thác của từng tổ chức, cá nhân tham gia khai thác hệ thống công trình thủy lợi đó.

2. Tổ chức, cá nhân cùng góp vốn đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác công trình thủy lợi thì tỷ lệ phân chia nguồn tiền thu từ việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi căn cứ vào chi phí đầu tư xây dựng và chi phí quản lý, khai thác công trình thủy lợi của từng tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn đầu tư xây dựng, khai thác hệ thống công trình thủy lợi đó.

3. Tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn đầu tư xây dựng công trình thủy lợi khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi từ công trình đó phải trả tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi.

Chương VI

BẢO VỆ VÀ BẢO ĐẢM AN TOÀN CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI

Điều 40. Phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi

1. Phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi bao gồm công trình và vùng phụ cận.

2. Trong phạm vi bảo vệ công trình, các hoạt động phải bảo đảm không gây cản trở cho việc vận hành và an toàn công trình; phải có đường quản lý, mặt bằng để bảo trì và xử lý khi công trình xảy ra sự cố.

3. Vùng phụ cận của hồ chứa nước bao gồm vùng phụ cận của đập và vùng phụ cận của lòng hồ chứa nước được quy định như sau:

a) Vùng phụ cận của đập có phạm vi được tính từ chân đập trở ra. Đối với đập cấp đặc biệt tối thiểu là 300 m; đập cấp I tối thiểu là 200 m; đập cấp II tối thiểu là 100 m; đập cấp III tối thiểu là 50 m; đập cấp IV tối thiểu là 20 m;

b) Vùng phụ cận của lòng hồ chứa nước có phạm vi được tính từ đường biên có cao trình bằng cao trình đỉnh đập trở xuống phía lòng hồ.

4. Vùng phụ cận của kênh được quy định như sau:

a) Kênh có lưu lượng từ 02 m3/s đến 10 m3/s, phạm vi bảo vệ được tính từ chân mái ngoài trở ra từ 02 m đến 03 m đối với kênh đất, từ 01 m đến 02 m đối với kênh kiên cố;

b) Kênh có lưu lượng lớn hơn 10 m3/s, phạm vi bảo vệ được tính từ chân mái ngoài trở ra từ 03 m đến 05 m đối với kênh đất, từ 02 m đến 03 m đối với kênh kiên cố.

5. Vùng phụ cận của cống trên sông được tính từ phần xây đúc cuối cùng trở ra mỗi phía 50 m.

6. Công trình thủy lợi khi điều chỉnh quy mô, mục đích sử dụng, phải điều chỉnh vùng phụ cận phù hợp với quy định tại Điều này; cơ quan phê duyệt phương án bảo vệ công trình thủy lợi có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh phạm vi vùng phụ cận bảo vệ công trình.

7. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể phạm vi vùng phụ cận đối với công trình thủy lợi khác trên địa bàn.

Điều 41. Phương án bảo vệ công trình thủy lợi

1. Tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm lập phương án bảo vệ công trình thủy lợi.

2. Phương án bảo vệ công trình thủy lợi bao gồm các nội dung chính sau đây:

a) Đặc điểm địa hình, thông số thiết kế, sơ đồ mặt bằng bố trí công trình và chỉ giới cắm mốc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi;

b) Tình hình quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;

c) Chế độ báo cáo, kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất;

d) Quy định việc giới hạn hoặc cấm các loại phương tiện giao thông có tải trọng lớn lưu thông trong phạm vi bảo vệ công trình; quy định về phòng cháy, chữa cháy; bảo vệ an toàn nơi lưu trữ tài liệu, kho tàng cất giữ vật liệu nổ, chất dễ cháy, chất độc hại;

đ) Tổ chức lực lượng và phân công trách nhiệm bảo vệ công trình;

e) Tổ chức kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện ra, vào công trình;

g) Phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm, phá hoại công trình và vùng phụ cận của công trình;

h) Bảo vệ, xử lý khi công trình xảy ra sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố.

3. Thẩm quyền phê duyệt phương án bảo vệ công trình thủy lợi được quy định như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt phương án bảo vệ công trình thủy lợi do Bộ quản lý;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt hoặc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt phương án bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn, trừ công trình thủy lợi quy định tại điểm a khoản này và khoản 4 Điều này.

4. Tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi nhỏ quyết định phương án bảo vệ công trình thủy lợi.

Điều 42. Trách nhiệm bảo vệ công trình thủy lợi

1. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện hành vi hoặc các tác động tự nhiên gây tổn hại hoặc đe dọa đến an toàn của công trình phải báo ngay cho tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện phương án bảo vệ công trình thủy lợi;

b) Thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình trạng diễn biến công trình;

c) Phát hiện, có biện pháp ngăn chặn kịp thời và kiến nghị xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi;

d) Giám sát việc thực hiện các nội dung trong giấy phép của tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi;

đ) Trường hợp công trình xảy ra sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố phải thực hiện các biện pháp xử lý, đồng thời phải báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

e) Quản lý vật tư dự trữ chuyên dùng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai;

g) Vận động tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ công trình thủy lợi.

3. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm sau đây:

a) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn theo thẩm quyền;

b) Huy động lực lượng, vật tư, phương tiện bảo vệ công trình thủy lợi khi xảy ra sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố;

c) Ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về thủy lợi trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và quản lý an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn;

d) Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện phương án bảo vệ công trình thủy lợi do Bộ quản lý.

5. Việc tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình thủy lợi quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia được thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

Điều 43. Cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi

1. Chủ đầu tư có trách nhiệm cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi xây dựng mới. Kinh phí cắm mốc được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình thủy lợi.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình đối với công trình thủy lợi đang khai thác. Kinh phí cắm mốc được lấy từ nguồn tài chính trong quản lý, khai thác và nguồn hợp pháp khác.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 44. Các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi phải có giấy phép

1.Trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, các hoạt động sau đây phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

a) Xây dựng công trình mới;

b) Lập bến, bãi tập kết nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, phương tiện;

c)[11] Khoan, đào, khảo sát địa chất; thăm dò, khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng;

d)[12] (được bãi bỏ)

đ) Trồng cây lâu năm;

e) Hoạt động du lịch, thể thao, nghiên cứu khoa học, kinh doanh, dịch vụ;

g) Hoạt động của phương tiện thủy nội địa, phương tiện cơ giới, trừ xe mô tô, xe gắn máy, phương tiện thủy nội địa thô sơ;

h) Nuôi trồng thủy sản;

i) Nổ mìn và các hoạt động gây nổ khác;

k) Xây dựng công trình ngầm.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc cấp giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

3. Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép quy định tại Điều này.

Điều 45. An toàn đập, hồ chứa nước trong quản lý, khai thác

1. Việc bảo đảm an toàn cho đập, hồ chứa nước là ưu tiên cao nhất trong quản lý, khai thác.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước phải đáp ứng điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật và có trách nhiệm sau đây:

a) Khai thác đập, hồ chứa nước bảo đảm an toàn, phát huy hiệu quả của công trình;

b) Thực hiện kê khai đăng ký an toàn đập, hồ chứa nước; tổ chức lập và điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa; quan trắc đập, khí tượng thủy văn; kiểm tra hiện trạng, kiểm định, đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước; bảo trì, sửa chữa, nâng cấp, hiện đại hóa đập; bảo vệ, bảo đảm an toàn công trình, vùng hạ du đập, hồ chứa nước; lưu trữ hồ sơ theo quy định của pháp luật;

c) Đối với đập, hồ chứa nước có cửa van điều tiết, phải căn cứ thông tin dự báo khí tượng thủy văn để chủ động điều tiết cắt lũ bảo đảm an toàn cho đập và vùng hạ du đập; trước khi vận hành mở cửa xả nước đầu tiên, phải thông báo, cung cấp thông tin theo quy định tại quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

d) Trường hợp phải vận hành trong tình huống khẩn cấp hoặc không thực hiện được theo quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa phải báo cáo ngay với cơ quan phòng, chống thiên tai và cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa;

đ) Khi xuất hiện nguy cơ gây mất an toàn đập, phải cứu hộ đập khẩn cấp, đồng thời báo cáo với cơ quan nhà nước và cơ quan phòng, chống thiên tai có thẩm quyền, cơ quan, đơn vị có liên quan để kịp thời hỗ trợ, ứng cứu và chỉ đạo ứng phó;

e) Trước mùa mưa hằng năm, tổ chức đánh giá hiện trạng đập, báo cáo chủ quản lý đập, hồ chứa nước.

3. Chủ quản lý đập, hồ chứa nước có trách nhiệm sau đây:

a) Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước thực hiện quy định về quản lý an toàn đập tại điểm b khoản 2 Điều này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có đập trên địa bàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả đánh giá hiện trạng đập của tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác đập;

c) Đề xuất chủ sở hữu đập, hồ chứa nước bảo đảm kinh phí cho an toàn đập, hồ chứa nước;

d) Quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, khắc phục hậu quả sự cố đập, hồ chứa nước.

4. Chủ sở hữu đập, hồ chứa nước có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức kiểm tra, kiểm định thường xuyên, đột xuất và định kỳ đối với đập, hồ chứa nước theo quy định của pháp luật;

b) Bảo đảm kinh phí cho an toàn đập, hồ chứa nước.

5. Trước mùa mưa hằng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước; quyết định phương án tích nước hồ chứa nước và giải pháp bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước thuộc phạm vi quản lý.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 46. Bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi

1. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi.

2. Tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi trực tiếp bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi, kiểm soát việc xả nước thải vào công trình thủy lợi.

3. Tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi có trách nhiệm bảo vệ chất lượng nước trong quá trình sử dụng nước.

Điều 47. Thay đổi mục đích sử dụng công trình thủy lợi

1. Việc thay đổi mục đích sử dụng công trình thủy lợi hiện có phải được chấp thuận của cơ quan đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình và phải tuân theo quy hoạch thủy lợi được phê duyệt.

2. Cơ quan phê duyệt thay đổi mục đích sử dụng công trình thủy lợi quyết định biện pháp bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên liên quan do việc thay đổi mục đích sử dụng công trình thủy lợi.

3. Chủ đầu tư dự án làm thay đổi mục đích sử dụng công trình thủy lợi có trách nhiệm bồi thường cho tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do thay đổi mục đích sử dụng công trình thủy lợi.

Điều 48. Xử lý công trình hiện có trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi

1. Công trình hiện có trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi không ảnh hưởng đến an toàn, năng lực phục vụ của công trình thủy lợi được tiếp tục sử dụng nhưng không được mở rộng quy mô hoặc thay đổi kết cấu.

2. Công trình hiện có trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi ảnh hưởng đến an toàn, năng lực phục vụ của công trình thủy lợi phải thực hiện các giải pháp khắc phục; trường hợp không thể khắc phục phải dỡ bỏ hoặc di dời.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi xây dựng kế hoạch và thực hiện dỡ bỏ hoặc di dời công trình quy định tại khoản 2 Điều này.

Chương VII

THỦY LỢI NHỎ, THỦY LỢI NỘI ĐỒNG

Điều 49. Yêu cầu phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng

1. Phù hợp với quy hoạch thủy lợi và các quy hoạch liên quan được phê duyệt.

2. Bảo đảm cơ sở hạ tầng thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tưới, tiêu tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, khép kín, phục vụ cho nhu cầu sử dụng nước đa dạng trong nông nghiệp; chủ động tiêu nước cho sản xuất và dân sinh.

3. Áp dụng công nghệ, giải pháp kỹ thuật tiên tiến, tiết kiệm nước, chống thất thoát nước trong đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác.

4. Tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi có trách nhiệm phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng.

Điều 50. Quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng

1. Tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, bao gồm các loại hình sau đây:

a) Hợp tác xã;

b) Tổ hợp tác.

2. Tổ chức thủy lợi cơ sở quy định tại khoản 1 Điều này được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về hợp tác xã, dân sự và điều lệ hoặc quy chế được đa số thành viên của tổ chức thông qua và Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận; toàn bộ người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi là thành viên của tổ chức thủy lợi cơ sở.

3. Tổ chức thủy lợi cơ sở trực tiếp quản lý, khai thác hoặc lựa chọn tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng.

4. Khi các tổ chức thủy lợi cơ sở có đủ năng lực thì thành lập liên hiệp các tổ chức thủy lợi cơ sở để nhận chuyển giao quản lý hệ thống dẫn, chuyển nước đấu nối với hệ thống thủy lợi nội đồng.

5. Đối với địa phương chưa thành lập được tổ chức thủy lợi cơ sở quy định tại khoản 1 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức thủy lợi cơ sở.

6. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 51. Kinh phí hoạt động thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng

1. Kinh phí hoạt động thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng bao gồm:

a) Tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi đóng góp;

b) Hỗ trợ của Nhà nước;

c) Tổ chức, cá nhân khác đầu tư.

2. Kinh phí hỗ trợ của Nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thực hiện thông qua tổ chức thủy lợi cơ sở.

3. Các thành viên của tổ chức thủy lợi cơ sở thoả thuận mức chi phí phải đóng góp cho tổ chức thủy lợi cơ sở theo nguyên tắc đa số, tính đúng, tính đủ.

4. Chính phủ quy định việc hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng.

Điều 52. Chuyển giao, thu hồi quyền quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng được đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước

1. Việc chuyển giao, thu hồi quyền quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng được đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước do chủ sở hữu công trình quyết định, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

2. Tổ chức thủy lợi cơ sở nhận chuyển giao quyền quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng được đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quyết định của chủ sở hữu công trình hoặc theo hợp đồng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Ưu tiên chuyển giao quyền quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng được đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước cho tổ chức thủy lợi cơ sở.

Chương VIII

QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG HOẠT ĐỘNG THỦY LỢI

Điều 53. Quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thủy lợi

1. Sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Tham gia ý kiến về hoạt động thủy lợi theo quy định của pháp luật.

3. Đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

4. Tham gia giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thủy lợi.

5. Tham gia chương trình thông tin, truyền thông, giáo dục nâng cao kiến thức pháp luật về thủy lợi.

6. Tham gia xử lý sự cố công trình thủy lợi khi xảy ra thiên tai theo quyết định huy động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

7. Bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi.

Điều 54. Quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi

1. Có quyền, trách nhiệm theo quy định tại Điều 53 của Luật này.

2. Sử dụng nguồn lực được giao để mở rộng khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi theo quy định của pháp luật; được thu tiền từ việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi theo hợp đồng.

3. Tự chủ đối với phần lợi nhuận từ việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

4. Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi. Kế hoạch cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi phải lấy ý kiến và thông báo cho tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm, dịch vụ.

5. Thực hiện nội dung quản lý, khai thác công trình thủy lợi quy định tại Điều 20 của Luật này.

6. Quản lý, sử dụng đất thuộc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật.

7. Vận hành công trình thủy lợi theo nhiệm vụ thiết kế và quy trình vận hành được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

8. Bảo vệ công trình thủy lợi; phòng, chống các hành vi xâm hại hoặc phá hoại công trình thủy lợi.

9. Khai thác nước trong công trình thủy lợi.

10. Trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án ứng phó thiên tai, phương án bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của Luật này.

11. Kiến nghị Ủy ban nhân dân các cấp nơi có công trình thủy lợi thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ, bảo đảm an toàn công trình khi công trình bị xâm hại hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố.

12. Kiến nghị chủ sở hữu cấp kinh phí bảo trì, đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, hiện đại hóa, xử lý khắc phục sự cố công trình thủy lợi theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

13. Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện ra Tòa án giải quyết trong trường hợp tổ chức, cá nhân không trả tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và giải quyết các tranh chấp về hợp đồng.

14. Hướng dẫn, củng cố, phát triển tổ chức thủy lợi cơ sở; tổ chức để người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi tham gia xây dựng kế hoạch quản lý, khai thác và phương án bảo vệ công trình.

15. Tham gia hỗ trợ người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi chuyển dịch sang canh tác cây trồng có giá trị kinh tế cao, sử dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

16. Đơn phương dừng cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khi công trình không bảo đảm an toàn hoặc nguồn nước trong công trình không bảo đảm; người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi không trả tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, vi phạm các điều khoản khác của hợp đồng hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

17. Khiếu nại, khởi kiện và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Điều 55. Quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi

1. Có quyền, trách nhiệm theo quy định tại Điều 53 của Luật này.

2. Ký kết hợp đồng dịch vụ thủy lợi và thực hiện các điều, khoản đã cam kết trong hợp đồng; sử dụng nước tiết kiệm, an toàn, hiệu quả.

3. Yêu cầu tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi công khai kế hoạch cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi.

4. Tham gia xây dựng kế hoạch khai thác và phương án bảo vệ công trình thủy lợi.

5. Tham gia bảo vệ công trình và chất lượng nước trong quá trình sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi.

6. Tham gia ứng cứu, khắc phục khi công trình thủy lợi xảy ra sự cố theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

7. Khắc phục hậu quả theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khi để xảy ra sự cố đối với công trình hoặc gây ô nhiễm nguồn nước.

8. Khiếu nại, khởi kiện và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Chương IX

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THUỶ LỢI

Điều 56. Trách nhiệm của Chính phủ, Bộ và cơ quan ngang Bộ

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thủy lợi trong phạm vi cả nước.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thủy lợi, có trách nhiệm sau đây:

a)[13] Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật về thủy lợi; tổ chức lập, điều chỉnh, công bố, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi, quy hoạch thủy lợi;

b) Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật trong hoạt động thủy lợi; tổ chức xây dựng, phê duyệt quy trình vận hành công trình thủy lợi thuộc phạm vi quản lý;

c)[14] Chỉ đạo điều hòa, phân phối nước và tổ chức thực hiện xây dựng kế hoạch sử dụng nước trong hệ thống công trình thủy lợi phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương thực hiện việc điều tiết nước hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi trong trường hợp hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn;

d) Tham gia ý kiến về chiến lược, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch khác liên quan đến hoạt động thủy lợi;

đ) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sa mạc hóa, lũ, ngập lụt, úng;

e) Tổ chức quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, dự báo, cảnh báo về hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sa mạc hóa, lũ, ngập lụt, úng, diễn biến bồi lắng, xói lở công trình thủy lợi, bờ sông, bờ biển; số lượng, chất lượng nước liên quan đến công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các ngành kinh tế khác;

g) Cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi;

h) Quản lý việc bảo trì, đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, hiện đại hóa công trình thủy lợi;

i) Tổ chức quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi theo thẩm quyền; quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;

k) Tổ chức thống kê, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về thủy lợi; dự báo thời hạn ngắn, thời hạn vừa, thời hạn dài về nguồn nước phục vụ hoạt động thủy lợi và các nhu cầu dùng nước khác;

l) Tổ chức kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, kết hợp với dự báo hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn để lập phương án tích trữ, điều hòa, phân phối, sử dụng nước;

m) Tổ chức nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ tiên tiến về thủy lợi; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người tham gia hoạt động thủy lợi;

n) Quản lý, phân bổ tiền hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi đối với tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi do Bộ quản lý;

o) Tổ chức thông tin, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về thủy lợi;

p) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thủy lợi;

r) Đầu mối hợp tác quốc tế về hoạt động thủy lợi.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quản lý nhà nước về thủy lợi.

Điều 57. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây:

a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thủy lợi;

b)[15] Tổ chức lập nội dung phương án phát triển thủy lợi trong quy hoạch tỉnh; phê duyệt, tổ chức thực hiện kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng công trình thủy lợi theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Tổ chức quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;

d) Bảo đảm kinh phí đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;

đ) Quản lý, phân bổ tiền hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi đối với tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi do địa phương quản lý;

e) Tổ chức thống kê, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về thủy lợi; dự báo về nguồn nước phục vụ hoạt động thủy lợi và các nhu cầu dùng nước khác; kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, kết hợp với dự báo hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn để lập phương án điều hòa, phân phối nguồn nước bảo đảm nhu cầu sử dụng nước thiết yếu cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh;

g) Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về thủy lợi;

h) Cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi;

i) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thủy lợi;

k) Định kỳ hằng năm, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hoạt động thủy lợi.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về thủy lợi;

b)[16] Tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển thủy lợi theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Chỉ đạo hoạt động của tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;

d) Tổ chức thống kê, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về thủy lợi;

đ) Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về thủy lợi;

e) Chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra việc thực hiện nội dung giấy phép đối với hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi;

g) Báo cáo định kỳ và đột xuất về hoạt động thủy lợi trên địa bàn;

h) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thủy lợi.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức thực hiện phát triển thủy lợi theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức thủy lợi cơ sở trong trường hợp chưa thành lập được tổ chức thủy lợi cơ sở;

c) Huy động nguồn lực tại địa phương để tổ chức xử lý khi công trình thủy lợi xảy ra sự cố theo quy định của pháp luật;

d) Phối hợp với cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo hoạt động của tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn;

đ) Phổ biến, giáo dục pháp luật về thủy lợi;

e) Kiểm tra việc thực hiện nội dung giấy phép đối với hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi;

g) Báo cáo định kỳ và đột xuất về hoạt động thủy lợi trên địa bàn;

h) Kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi.

Chương X

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH[17]

Điều 58.[18] (được bãi bỏ)

Điều 59. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.

2. Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi số 32/2001/PL-UBTVQH10 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Điều 60. Quy định chuyển tiếp

Các loại giấy phép trong lĩnh vực thủy lợi đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa hết thời hạn của giấy phép thì được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn.


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo);
- Truyền hình Quốc hội Việt Nam (để đăng trên trang thông tin điện tử của Quốc hội);
- Cục CNTT, Bộ Tư pháp (để đăng trên CSDL Quốc gia về VBPL);
- Vụ Tin học, VPQH (để đăng trên trang nội bộ Intranet);
- Lưu: HC, TH.
Epas: 187515

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

CHỦ NHIỆM




Bùi Văn Cường



[1] Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch của Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12, Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13, Luật Đường sắt số 06/2017/QH14, Luật Giao thông đường thủy nội địa số 23/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 48/2014/QH13Luật số 97/2015/QH13, Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 08/2017/QH14, Luật Đất đai số 45/2013/QH13, Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13, Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12, Luật Khí tượng thủy văn số 90/2015/QH13, Luật Đa dạng sinh học số 20/2008/QH12, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13, Luật Đê điều số 79/2006/QH11, Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14, Luật Năng lượng nguyên tử số 18/2008/QH12, Luật Đo lường số 04/2011/QH13, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH11, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa số 05/2007/QH12, Luật An toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13, Luật Xuất bản số 19/2012/QH13, Luật Báo chí số 103/2016/QH13, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh số 30/2013/QH13, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí số 44/2013/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14, Luật Hải quan số 54/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 71/2014/QH13, Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 62/2010/QH12, Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 31/2009/QH12, Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 03/2016/QH14, Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 77/2015/QH13, Luật Dầu khí năm 1993 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 19/2000/QH10 và Luật số 10/2008/QH12, Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 92/2015/QH13, Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13, Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 32/2013/QH13, Luật số 46/2014/QH13 và Luật số 97/2015/QH13, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12, Luật Giám định tư pháp số 13/2012/QH13 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12.”.

Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Doanh nghiệp.”.

Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ môi trường.”.

Luật Giá số 16/2023/QH15 có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Giá.”.

Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Tài nguyên nước.”.

[2] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

[3] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 14 của Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

[4] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

[5] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 14 của Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

[6] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 14 của Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

[7] Cụm từ “doanh nghiệp nhà nước” được thay thế bằng cụm từ “doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” theo quy định tại khoản 3 Điều 217 của Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

[8] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 84 của Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

[9] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 73 của Luật Giá số 16/2023/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

[10] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 73 của Luật Giá số 16/2023/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

[11] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 84 của Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

[12] Điểm này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

[13] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 14 của Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

[14] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 84 của Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

[15] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 14 của Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

[16] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 14 của Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

[17] Điều 31 của Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019 quy định như sau:

Điều 31. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.”.

Điều 217 và Điều 218 của Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 quy định như sau:

Điều 217. Điều khoản thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

2. Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

3. Thay thế cụm từ “doanh nghiệp nhà nước” bằng cụm từ “doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” quy định tại điểm m khoản 1 Điều 35 và điểm k khoản 1 Điều 37 của Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13; điểm a khoản 3 Điều 23 của Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14; điểm b khoản 2 Điều 74 của Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2019/QH14; điểm a khoản 2 Điều 43 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 14/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 50/2019/QH14; Điều 19 của Luật Tố cáo số 25/2018/QH14; các điều 3, 20, 30, 34, 39 và 61 của Luật Phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14.

4. Chính phủ quy định việc đăng ký và hoạt động của hộ kinh doanh.

5. Căn cứ vào quy định của Luật này, Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh.

Điều 218. Quy định chuyển tiếp

1. Các công ty không có cổ phần hoặc phần vốn góp do Nhà nước nắm giữ thực hiện góp vốn, mua cổ phần trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 không phải thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 195 của Luật này nhưng không được tăng tỷ lệ sở hữu chéo.

2. Đối tượng là người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên và người đại diện theo ủy quyền mà không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại điểm b khoản 5 Điều 14, khoản 3 Điều 64, khoản 3 Điều 93, khoản 3 Điều 101, các điểm a, b và c khoản 3 Điều 103, điểm d khoản 1 Điều 155, điểm b khoản 5 Điều 162 và khoản 2 Điều 169 của Luật này được tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đến hết thời gian còn lại của nhiệm kỳ.”.

Điều 170 và Điều 171 của Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 quy định như sau:

Điều 170. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Khoản 3 Điều 29 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2021.

3. Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14, Luật số 39/2019/QH14 và Luật số 61/2020/QH14 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Điều 171. Điều khoản chuyển tiếp

1. Hồ sơ đầy đủ, hợp lệ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận để giải quyết theo thủ tục hành chính về môi trường trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được xử lý theo quy định của pháp luật tại thời điểm tiếp nhận, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị thực hiện theo quy định của Luật này.

2. Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ, báo cáo đánh giá tác động môi trường chi tiết, báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung, báo cáo đánh giá tác động môi trường lập lại, đề án bảo vệ môi trường chi tiết và văn bản xác nhận đề án bảo vệ môi trường đơn giản, bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành là văn bản tương đương với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường khi xem xét, cấp giấy phép môi trường.

3. Quyết định phê duyệt đề án ký quỹ, cải tạo, phục hồi môi trường; dự án cải tạo, phục hồi môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành là một phần của quyết định phê duyệt, văn bản xác nhận quy định tại khoản 2 Điều này đối với dự án khai thác khoáng sản khi xem xét, cấp giấy phép môi trường.

4. Giấy chứng nhận, xác nhận có thời hạn về môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 42 của Luật này, được tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn.

5. Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi đã được cấp theo quy định của Luật Tài nguyên nước và Luật Thủy lợi được tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn của giấy phép và là một phần của giấy phép môi trường quy định tại Luật này. Tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi được đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường trong trường hợp đã hoàn thành công trình, thiết bị xử lý khí thải, quản lý chất thải rắn theo quy định của Luật này.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”.

Điều 74 và Điều 75 của Luật Giá số 16/2023/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 quy định như sau:

Điều 74. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Quy định tại khoản 2 Điều 60 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2026. Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025, hội đồng thẩm định giá phải có ít nhất 01 thành viên có một trong các chứng nhận chuyên môn sau đây:

a) Bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên về chuyên ngành giá, thẩm định giá;

b) Thẻ thẩm định viên về giá;

c) Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ về thẩm định giá;

d) Chứng chỉ bồi dưỡng thẩm định giá nhà nước.

3. Luật Giá số 11/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 61/2014/QH13, Luật số 64/2020/QH14 và Luật số 07/2022/QH15 (sau đây gọi chung là Luật Giá số 11/2012/QH13) hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ các quy định tại Điều 75 của Luật này.

Điều 75. Quy định chuyển tiếp

1. Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, các doanh nghiệp thẩm định giá đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định tại Luật Giá số 11/2012/QH13 phải bảo đảm điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định tại Luật này. Sau thời hạn nêu trên mà doanh nghiệp thẩm định giá không bảo đảm điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định của Luật này, Bộ Tài chính thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.

2. Người được cấp thẻ thẩm định viên về giá theo quy định của Luật Giá số 11/2012/QH13 thì được tiếp tục đăng ký hành nghề thẩm định giá trong lĩnh vực thẩm định giá tài sản và thẩm định giá doanh nghiệp theo quy định của Luật này.”.

Điều 85 và Điều 86 của Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 quy định như sau:

“Điều 85. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.

2. Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 08/2017/QH14, Luật số 35/2018/QH14, Luật số 72/2020/QH14 (sau đây gọi chung là Luật số 17/2012/QH13) hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 3 và 5 Điều 86 của Luật này.

3. Việc tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cấp cho sinh hoạt theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 69 của Luật này được thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.

4. Việc kê khai khai thác nước dưới đất của hộ gia đình quy định tại khoản 4 Điều 52 của Luật này được thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2026.

Điều 86. Quy định chuyển tiếp

1. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất, giấy phép về tài nguyên nước theo quy định của Luật số 17/2012/QH13 thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn ghi trong giấy phép và được gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép theo quy định của Luật này.

2. Tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 69 của Luật này đã được cấp giấy phép về tài nguyên nước để cấp cho sinh hoạt trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt theo quy định của Luật này và phải hoàn thành việc kê khai tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2025.

3. Tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 69 của Luật này đã được cấp giấy phép về tài nguyên nước để cấp cho nông nghiệp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không thuộc đối tượng nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật số 17/2012/QH13 thì không phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với lượng nước cấp cho nông nghiệp đến hết thời hạn ghi trong giấy phép về tài nguyên nước.

4. Tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 69 của Luật này được cấp, gia hạn giấy phép khai thác nước mặt để cấp cho nông nghiệp theo quy định của Luật này thì phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật này cùng thời điểm thu tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khi Nhà nước không thực hiện chính sách hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi theo quy định của pháp luật về thủy lợi và pháp luật về giá.

5. Trường hợp tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất, giấy phép về tài nguyên nước trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa được cấp phép thì được thực hiện theo quy định của Luật số 17/2012/QH13, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị thực hiện cấp giấy phép theo quy định của Luật này.

6. Trường hợp công trình thủy lợi đã xây dựng và khai thác trước ngày 01 tháng 01 năm 2013 mà chưa được đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì phải hoàn thành thủ tục đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật này chậm nhất là ngày 30 tháng 6 năm 2027.

7. Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì nội dung phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và khắc phục tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh được tiếp tục thực hiện đến khi hết thời hạn quy hoạch tỉnh hoặc đến khi nội dung này trong quy hoạch tỉnh được điều chỉnh.

8. Tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp quy định tại điểm e và điểm g khoản 5 Điều 52 của Luật này có hồ, ao, kênh, mương, rạch để tạo không gian thu, trữ nước, dẫn nước, tạo cảnh quan và sử dụng mặt nước sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì phải hoàn thành thủ tục đăng ký sử dụng tài nguyên nước theo quy định của Luật này chậm nhất là ngày 30 tháng 6 năm 2026.”.

[18] Điều này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

THE OFFICE OF THE NATIONAL ASSEMBLY OF VIETNAM
----------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence-Freedom-Happiness
-----------------

No. 43/VBHN-VPQH

Hanoi, December 27, 2023

 

LAW

ON IRRIGATION

The Law on Irrigation No. 08/2017/QH14 dated June 19, 2017 of the National Assembly of Vietnam, which comes into force from July 01, 2018, is amended by:

1. The Law No. 35/2018/QH14 dated November 20, 2018 of the National Assembly of Vietnam providing amendments to some articles on planning of 37 laws, which comes into force from January 01, 2019;

2. The Law on Enterprises No. 59/2020/QH14 dated June 17, 2020 of the National Assembly of Vietnam, which comes into force from January 01, 2021;

3. The Law on Environmental Protection No. 72/2020/QH14 dated November 17, 2020 of the National Assembly, which comes into force from January 01, 2022;

4. The Pricing Law No. 16/2023/QH15 dated June 19, 2023 of the National Assembly of Vietnam, which comes into force from July 01, 2024.

5. The Law on Water Resources No. 28/2023/QH15 dated November 27, 2023 of the National Assembly, which comes into force from July 01, 2024.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The National Assembly hereby adopts the Law on Irrigation [1].

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Law addresses irrigation water basic investigations, strategies and planning; investments in development and construction of irrigation works and facilities; management, exploitation or utilization of irrigation works and facilities, and operation of hydropower reservoirs for irrigation water uses; irrigation water services or services; protection and assurance of safety for irrigation works and facilities; small-scale and inter-field irrigation works or facilities; rights and responsibilities of organizations or individuals engaged in irrigation operations; responsibilities for state management of irrigation operations.

Article 2. Definitions

For the purposes of this Law, terms used herein shall be construed as follows:

1. Irrigation is defined as a set of measures for retention, storage, regulation, transfer, diversion, distribution, supply, application or administration, and drainage of water for crop, fish, aquacultural and salt production purposes, which is incidental to the supply and drainage of water for non-agricultural household or domestic and other industrial purposes, and contributes to prevention and control of natural disasters, environmental protection, adaptation to climate change, and water resource security.

2. Irrigation operation is comprised of irrigation water basic investigation, strategy and planning; investment in development and construction of irrigation works and facilities; management and utilization of irrigation works and facilities, and operation of hydropower reservoirs for irrigation water uses; irrigation services; protection and guarantee of safety for irrigation works and facilities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Inter-field irrigation is defined as a canal, channel, trench, tunnel or pipeline for irrigation and drainage purposes that is built within the distance from a point of handover and receipt of irrigation products and services to an arable field.

5. Central irrigation water work or facility (hereinafter referred to as central irrigation project) is defined as an irrigation work or facility located at the starting position of the system for retention, storage, regulation, transfer, diversion, distribution, supply and control of water, or the one located at the ending position of an irrigation and drainage system.

6. Water channeling, diversion and transfer system is defined as a system of canals, channels, trenches, pipelines, siphons, tunnels and water bridges for water diversion and transfer purposes.

7. Dam and reservoir safety is defined as implementation of design, engineering, management and operation measures for the purpose of assuring safety for dams, reservoirs or other relevant facilities, and safety for people and property downstream of a dam.

8. Downstream of a dam is defined as a region being flooded or inundated during the release of water from a reservoir in conformity with regulatory procedures, or during the flood release carried out in case of emergencies or dam failures.

9. Emergency is defined as a situation in which rainfall or flood in excess of the designed frequency, or earthquake in excess of the designed standard, occurs in the drainage basin of a reservoir, or in which other impacts threatening dam safety occur.

10. Owner of an irrigation project refers to an entity or organization whose rights and responsibilities to represent ownership interests in a state-funded irrigation project are delegated by the state; an organization or individual that invests their own funds in construction of irrigation works or facilities.

11. Manager of an irrigation project is defined as a specialized entity performing the function of state irrigation management that is a subsidiary of the Ministry of Agriculture and Rural Development, the People’s Committees at all levels or an organization whose rights and responsibilities to represent ownership interests are delegated by the state; a grassroots-level irrigation institution; an organization or individual that invests their own funds in construction of irrigation works or facilities.

12. Grassroots-level irrigation institution is defined as an organization established by users or consumers of irrigation products or services that enter into cooperation in development, management or operation of small-scale or inter-field irrigation projects.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



14. Irrigation product or service is defined as a product or service that is created as a result of operation or exploitation of an irrigation project.

15. Price of an irrigation product or service is defined as a sum of money paid for a unit of irrigation product or service.

Article 3. Principles in irrigation operations

1. Correspond to the general irrigation management rules; ensure that irrigation operations are in line with practical conditions of river basins, systems of irrigation projects, administrative subdivisions and serve multiple objectives.

2. Ensure national interests, defense and security; environmental protection and adaptability to climate change; contribution to water resource security and sustainable socio-economic development.

3. Take proactive approaches to creating water sources, retaining, storing, regulating, transferring, diverting, distributing, supplying water, using water for irrigation or draining water between seasons and regions; ensure that production, personal or domestic consumption demands may vary depending on irrigation projects, river basins and conditions of specific regions and the entire country.

4. Use water in an economical, safe and effective manner and for predetermined purposes; ensure that the volume and quality of water generated by irrigation projects meet regulatory standards.

5. Guarantee legal rights and benefits of organizations or individuals in relation to irrigation operations; call for all population's involvement in irrigation operations.

6. Organizations or individuals shall be allowed to use irrigation products or services and must be liable for these products or services in accordance with applicable laws; protect safety for human beings and property from adverse impacts caused during the process of development and operation of irrigation projects.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Prefer investing in development of irrigation projects of special importance, large-scale irrigation projects, or irrigation projects located at minority regions, mountains, islands or regions facing extreme socio-economic difficulties, regions with severe water scarcity or regions significantly affected by climate change.

2. Provide tax incentives for organizations or individuals charged with managing or operating or utilizing irrigation projects that supply public irrigation products or services in accordance with tax laws.

3. Provide subsidies or support for organizations or individuals for investment in development, repair or improvement of systems of small-scale or inter-field irrigation projects; advanced and water-efficient irrigation systems; advanced and modern irrigation and drainage systems; effluent or wastewater treatment systems that serve water reuse purposes.

4. Provide subsidies or support for investment in improvement or modernization of irrigation projects.

5. Provide financial subsidies for use of irrigation products or services appropriate for respective fields or groups of users.

6. Provide favorable treatment for organizations or individuals providing irrigation products or services when they are needed to support prevention, control or mitigation of drought, water scarcity, saltwater intrusion, desertification, flood, inundation or waterlogging.

7. Diversify investment forms; provide incentives or favorable conditions for organizations or individuals to facilitate their investment in development, management and operation of irrigation projects.

8. Provide support for persons directly carrying out or those engaged in irrigation operations to have access to training classes and courses for improvement of their competence; provide incentives and favorable conditions for organizations or individuals in order for them to conduct research on or application and transfer of technologies in irrigation operations.

Article 5. Water efficiency in irrigation operations

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) [2] In the course of formulating planning for irrigation and construction of irrigation works, the watershed solution or the solution to water source generation, water loss control, local water use, water reuse and connection to the inter-regional irrigation system shall be proposed and selected;

b) In the course of performing operation and management tasks, an inventory of water resources and water demands shall be made as the basis for preparation and execution of the scheme for regulating, distributing and using water in a reasonable manner, and controlling any water loss;

c) Production schemes of water consumption sectors, or selection of crop seasons or types of crops or livestock animals, shall match conditions of water resources and include the plan for economical and effective use of water;

d) Irrigation water shall be used in an economical and effective manner and advanced irrigation technologies shall be preferred.

2. Organizations and individuals shall be responsible for using water in an economical, effective and due manner.

Article 6. Science and technology matters in irrigation operations

1. Advanced technologies shall be applied to improve the capability of forecasting or alerting any changes in water resources, volume and quality of water, drought, water scarcity, saltwater intrusion, desertification, flood, inundation, waterlogging, aggradation, soil corrosion or landslide affecting irrigation works and facilities, river banks, seacoasts, impacts caused by climate change and activities taking place within river basins to serve irrigation operations.

2. Advanced technologies shall be applied to save, recycle and reuse water.

3. Scientific research and technological application shall be prioritized to improve efficient operation and management of irrigation projects, prevention and control of natural disasters, adaptability to climate change, conversation of water resources and aquatic ecosystem, and protection of safety for dams or reservoirs.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Show respect for independence, sovereignty, territorial integrity, equality and mutual interest in irrigation operations taking place on transnational and transboundary rivers or streams between Vietnam and other countries.

2. Comply with Vietnamese laws and international treaties concerning irrigation operations of which the Socialist Republic of Vietnam is a member state.

3. Exchange information about irrigation operations performed on transnational or transboundary rivers or streams between Vietnam and other countries.

4. Provide preferential treatment for international cooperation in respect of scientific research, technology transfer, training and experience sharing as well as mobilization of resources used in irrigation operations.

5. Play active roles in participating in international organizations relating to irrigation operations.

Article 8. Prohibited acts in irrigation operations

1. Develop and establish irrigation projects in breach of the irrigation planning that has been approved by the competent authority.

2. Dump wastes or sewage within the enclosure of an irrigation project; discharge wastewater in breach of laws and regulations into irrigation projects; perform other acts polluting water existing within irrigation works or facilities.

3. Ruin or, purposely or knowingly, damage irrigation works or facilities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Operate motor vehicles that exceed the maximum allowable mass on irrigation works or facilities; operate motor vehicles or inland watercraft on irrigation works or facilities without compliance with prohibition signs, except for types of vehicles or transport equipment allowed for traffic participation by laws on road and inland waterway traffic.

6. Hinder audits of irrigation operations.

7. Carry out illegal abstraction of water from irrigation works or facilities.

8. Operate irrigation works or facilities without obtaining permission; operate irrigation works or facilities in breach of regulatory procedures approved by the competent authority.

9. Protest, hinder or disobey the decision issued by a competent entity or person in response to emergencies taking place inside the perimeters of irrigation projects.

10. Encroach upon and illegal use land inside the perimeter of an irrigation work or facility.

11. Perform activities inside the perimeter of a irrigation work or facility without obtaining any license or carry out activities that are not specified in the license to carry out operations referred to in Article 44 hereof.

Chapter II

IRRIGATION BASIC INVESTIGATION, STRATEGY AND PLANNING

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The irrigation basic investigation shall be conducted on an annual or unscheduled basis to collect information, build up the database used for scientific research tasks, draw up strategy, plan, proposal and project for development, management, operation and utilization of irrigation works or facilities.

2. The irrigation basic investigation shall mainly focus on the followings:

a) Realistic conditions concerning quantity, quality and operational capacity of irrigation works or facilities, and consumption demands for irrigation products or services;

b) Realistic conditions concerning the organizational structure and regulatory policy framework that govern irrigation operations;

c) Effects of irrigation works and facilities on environment and people's lives;

d) Collection of information about, observation and monitoring of, volume and quality of water, drought, water scarcity, saltwater intrusion, desertification, flood, inundation, waterlogging, aggradation, soil corrosion or landslide affecting irrigation works and facilities, river banks or seacoasts where irrigation works or facilities are located;

dd) Impacts on irrigation operations that result from climate change, drought, water scarcity, saltwater intrusion, desertification, flood, inundation, waterlogging, aggradation, soil corrosion or landslide affecting irrigation works and facilities, river banks or seacoasts, and socio-economic development activities carried out on river basins.

3. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall conduct irrigation basic investigations and mandate the provincial-level People’s Committee to conduct irrigation basic investigations within its local jurisdiction.

4. Authority to approve, release and administer results of irrigation basic investigations shall be prescribed as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The provincial-level People’s Committee approves, releases and administers results of irrigation basic investigations conducted by itself.

Article 10. Irrigation strategy

1. Irrigation strategy shall be established for a cycle of 10 years with a vision towards 30 years or over later on, and shall be consistent with the socio-economic development, national defense and security strategy. Irrigation strategy shall be updated or modified whenever there is any change in the socio-economic development, national defense and security strategy, or any significant change resulting from natural disasters.

2. Irrigation strategy shall define directive standpoints, principles, visions, objectives, duties and solutions and necessary arrangements for implementation of irrigation development tasks throughout the entire country.

3. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall take charge of setting up and submitting to the Prime Minister the irrigation strategy.

Article 11. Irrigation planning[3]

1. Irrigation planning is the specialized and technical planning aimed at realizing national planning and regional planning and serves as a basis for construction, management, operation and protection of irrigation works.

2. Irrigation planning includes:

a) Irrigation planning intended for inter-provincial river basins;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The irrigation planning intended for systems of irrigation works that involve at least 02 provinces must be conformable with the irrigation planning intended for inter-provincial river basins.

4. The irrigation planning covers a period of 10 years with a vision for 30 - 50 years, and shall be subject to a periodic review conducted every 05 years.

5. The irrigation planning is adjusted whenever there is any adjustment to the socio - economic development, national defense and security strategy, irrigation strategy, national comprehensive planning, planning for natural disaster management and irrigation, water resources planning and regional planning or any significant change to main objectives of the irrigation planning.

Article 12. Rules for formulating irrigation planning [4]

Irrigation planning shall be formulated under regulations of the law on planning and the following rules:

1. Conform to irrigation planning, national comprehensive planning, planning for natural disaster management and irrigation, water resources planning, regional planning and socio - economic development, national defense and security plan;

2. Attach to the national infrastructure planning and relevant planning;

3. Perform the overall management of water resources and ensure consistency with river basins and systems of irrigation works, adaptability to impacts resulting from climate change and socio-economic development activities occurring in river basins and sustainable development;

4. Serve multiple objectives, ensure the compatibility between extraction and protection of natural resources, environment and natural disaster management. Give special emphasis on supplying water to islands, coastal regions, boundary areas, mountainous areas, highland areas and areas surrounding hydropower reservoirs;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 13. Contents of irrigation planning [5]

1. The irrigation planning shall define developmental orientation, spatial arrangement and distribution of irrigation resources by the extent specified in the planning.

2. Irrigation planning intended for inter-provincial river basins contains at least:

a) Analysis and assessment of natural and water resource conditions, socio-economic conditions, available resources; assessment of current irrigation conditions and results of implementation of the planning in the previous planning period;

b) Forecast of developmental tendencies and scenarios, water sources in the situation where they are impacted by climate change and natural disasters; forecast of technological and scientific advances and resources directly affecting irrigation matters;

c) Assessment of sectoral and regional connection; identification of socio-economic development requirements concerning irrigation aspects; opportunities and challenges for irrigation development within river basins;

d) Determination of irrigation development viewpoints and objectives within river basins;

dd) Analysis, calculation and formulation of irrigation plans based on developmental scenarios that may occur within river basins. The planning shall certainly help create, store, balance, regulate and distribute water resources, minimize risks of drought, saltwater intrusion, desertification, flood, inundation, waterlogging, pollution and degradation to watercourses and other water-related disasters within river basins;

e) Proposed solutions, list of works, projects and order of priority;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



h) Solutions and resources available for implementation of the irrigation planning;

i) Zoning drawings or plans.

3. Irrigation planning intended for systems of irrigation works that involve at least 02 provinces contain at least:

a) Analysis and assessment of natural and water resource conditions, socio-economic conditions, available resources; assessment of current irrigation conditions and results of implementation of the irrigation planning in the previous planning period in systems of irrigation works;

b) Forecast of developmental tendencies and scenarios, water sources in the situation where they are impacted by climate change and natural disasters; forecast of technological and scientific advances and resources directly affecting irrigation matters;

c) Assessment of sectoral and regional connection; identification of socio-economic development requirements concerning irrigation aspects; opportunities and challenges for irrigation development in systems of irrigation works;

d) Determination of irrigation development viewpoints and objectives in systems of irrigation works;

dd) Analysis, calculation and formulation of irrigation plans based on developmental scenarios that may occur within river basins; irrigation solutions intended for each subject in systems of irrigation works; plan for cooperation in operation between irrigation works in systems of irrigation works. The planning shall certainly help create, store, balance, regulate and distribute water resources, minimize risks of drought, saltwater intrusion, desertification, flood, inundation, waterlogging, pollution and degradation to watercourses and other water-related disasters in systems of irrigation works;

e) Proposed solutions, list of works, projects and order of priority;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



h) Solutions and resources available for implementation of the irrigation planning;

i) Zoning drawings or plans.

Article 14. Formulation, approval, adjustment, publishing, management and implementation of irrigation planning [6]

1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall organize the formulation and adjustment of irrigation planning and submit it to the Prime Minister for approval.

2. The irrigation planning shall be published, managed and implemented as follows:

a) Within 15 days from the date on which the irrigation planning or adjusted irrigation planning is approved, the Ministry of Agriculture and Rural Development shall publish the planning or adjusted planning as prescribed by the law on planning. Contents of the irrigation planning shall be published during the planning period;

b) The Ministry of Natural Resources and Environment shall manage and organize the implementation of the irrigation planning;

c) People’s Committees of provinces shall organize the development of contents of irrigation development plan and include the plan in the provincial planning in accordance with regulations of the law on planning and organize the implementation thereof;

d) Organizations and individuals are enabled to supervise the implementation of the irrigation planning.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Chapter III

INVESTMENT IN CONSTRUCTION OF IRRIGATION WORKS OR FACILITIES

Article 15. Rules of investment in construction of irrigation works or facilities

1. Investment in construction of irrigation works or facilities shall comply with laws on investment and construction, and other relevant legislation.

2. The Government may invest in irrigation projects of special importance, large-scale irrigation projects and those facing difficulty in mobilizing social resources, reservoirs located areas facing water scarcity; irrigation projects that support national defense, security, prevention and control of natural disasters; irrigation projects located at minority regions, mountains, islands or regions facing extreme socio-economic difficulties, or regions severely affected by climate change.

3. Organizations or individuals obtaining permission for use of irrigation products or services shall be charged with investing in small-scale and inter-field irrigation projects.

4. The Government shall encourage and provide favorable conditions for organizations and individuals to undertake investment or enter into cooperation in development of irrigation projects under a public-private partnership agreement.

5. Development of irrigation projects shall take into consideration capacity for regulating, transferring, distributing or utilizing water between irrigation projects and other water sources.

6. Geological and seismic factors shall be taken into account in detailed calculation of investment in construction of irrigation works or facilities with the aim of ensuring ultimate safety for these projects and human lives.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Categorization and grading of irrigation projects shall serve the purpose of investment in development, administration, operation and protection of these irrigation projects.

2. Irrigation projects shall be categorized by scale, functions, roles, levels of risks to downstream regions, including irrigation projects of special importance, large-scale irrigation projects, medium-sized irrigation projects and small-scale irrigation projects.

3. Irrigation projects shall be graded by scale, functions, ecological conditions of foundation and engineering requirements, including irrigation projects of special importance, grade-I, grade-II, grade-III and grade-IV irrigation projects.

4. The Government shall elaborate this Article.

Article 17. Requirements set out during process of investment in construction of irrigation works or facilities

1. Investment in construction of irrigation works or facilities shall satisfy the following requirements:

a) Accord with the irrigation planning;

b) Apply measures to alleviate water loss and reduce land to be used for construction of these irrigation works or facilities;

c) Take into account connection between irrigation projects, between irrigation projects and other relevant infrastructure projects, and between regions or water sources;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Duly coordinate the project approach with the non-project approach;

e) Provide sufficient resources for safe construction of irrigation works or facilities during the flood proofing or control period;

g) Ensure safety for irrigation projects.

2. Projects for maintenance, upgradation and modernization of irrigation works or facilities shall comply with Clause 1 of this Article and ensure that impacts on performance of functions of irrigation projects must be mitigated.

Article 18. Investment in construction of dams and reservoirs

1. Investment in construction of dams and reservoirs shall satisfy requirements set forth in Article 17 hereof and the following provisions:

a) The general layout and dam structure design shall facilitate control of safety for dams, response to any emergency, and maintain, upgrade and repair dams in case of any damage that may occur;

c) c) With respect to overflowing occurring at dams or reservoirs with regulating gates and valves, the operational surveillance system, communication and alerting equipment for safety of dams and downstream regions, and dedicated instruments for hydro-meteorological measurement and observation installed at reservoir basins, shall be made in place;

d) With respect to large dams or reservoirs where uncontrolled overflowing occurs, communication and alerting equipment for safety of dams and downstream regions, and dedicated instruments for meteorological and hydrological measurement and observation installed at reservoir basins, shall be made in place.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Investors, stakeholders or developers of reservoirs shall be responsible for preparing reservoir operational procedures, plans for response to emergencies for submission to relevant competent authorities in order for them to grant their approval prior to retention and storage of water and transfer to organizations or individuals for their operation and management, or to regulatory authorities charged with irrigation, natural disaster prevention and control activities.

4. The Government shall elaborate this Article.

Chapter IV

MANAGEMENT, OPERATION OR UTILIZATION OF IRRIGATION PROJECTS AND OPERATION OF HYDROPOWER RESERVOIRS FOR WATER USES

Section 1. MANAGEMENT AND OPERATION OF IRRIGATION PROJECTS

Article 19. Principles of management and operation of irrigation projects

1. Carry out consistent management practices based on the system of irrigation projects and apply these practices to central irrigation projects through inter-field ones; match objectives and functions of the system, and satisfy requirements concerning volume and quality of water for production, personal and domestic uses and for industrial consumption in various economic sectors.

2. Comply with operational procedures approved by relevant competent authorities; prepare contingency plans for response to natural disasters.

3. Ensure fair distribution of benefits, sharing of risks and restriction on adverse effects on other related regions; promote effectiveness in general operation and utilization of irrigation projects, and take advantage of multipurpose characteristics of irrigation systems.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Apply high and advanced technologies to management, operation and utilization of irrigation projects.

Article 20. Activities of management, operation and exploitation or utilization of irrigation projects

1. Water management shall mainly focus on the following activities:

a) Collect hydro-meteorological forecasting information; carry out purpose-made hydro-meteorological measurements or observations at their basins; conduct observation, forecast and give sufficient warnings of flood, inundation, waterlogging, drought, water scarcity, saltwater intrusion, water volume and quality; make an inventory of water sources within a system of irrigation works and facilities, and an analysis of water consumption demands;

b) Establish and undertake activities necessary for implementation of the plan for water retention, storage, regulation, transfer, distribution, supply, crop irrigation, water drainage and consumption; control water quality and saltwater intrusion; carry out plans for response to natural disasters;

c) Protect environment and quality of water existing inside the perimeter of irrigation projects; inspect and control discharge of sewage or wastewater into irrigation projects;

d) Establish and archive technical documents related to management and distribution of water within a system of irrigation works or facilities.

2. Management of irrigation works or facilities shall mainly focus on the following activities:

a) Measure, observe, monitor, inspect, audit and assess safety of irrigation projects;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Make a request to relevant competent authorities to grant their approval and conduct actions specified in the plan for response to natural disaster and the plan for protection of irrigation projects;

d) Establish and archive technical documents related to management of irrigation works or facilities.

3. Economic management of irrigation works or facilities shall mainly focus on the following activities:

a) Conduct establishment, validation and release within appropriate jurisdiction or make a request to relevant competent authorities for their validation and release or approval of application of economic and technical norms to serve the purpose of management and operation of irrigation projects;

b) Conduct formulation and implementation of the plan to supply irrigation products and services;

c) Conclude, carry out the acceptance testing of and discharge contracts for supply and consumption of irrigation products and services;

d) Create the proper organizational model for management, operation and protection of designated irrigation projects and resources;

dd) Make a regular report on evaluation of effectiveness in management, operation and protection of irrigation projects; draw up and conduct implementation of the plan for general operation of irrigation projects and expansion of the scope of services to be rendered with a view to developing capacity of irrigation projects;

e) Establish and archive asset and financial management documents or records.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Responsibilities for management of state-funded irrigation projects shall be subject to the following provisions:

a) The Ministry of Agriculture and Rural Development shall manage irrigation projects of special importance, those of which operation and protection involve at least 02 provinces;

b) The provincial-level People’s Committee shall manage or vest the district-level People's Committee with the authority to manage irrigation projects located within its local jurisdiction, based on specific local conditions, unless otherwise prescribed by Point a of this Clause.

2. Organizations or individuals putting their own investment in irrigation projects shall be charged with managing these projects.

Article 22. Responsibilities assumed by owners or operators of irrigation projects

1. Responsibilities assumed by owners or operators of irrigation projects shall be prescribed as follows:

a) Exercise rights and responsibilities legally assigned to owners of irrigation projects;

b) Provide a sufficient amount of finances for maintenance, investment in improvement, construction, modernization of, and handling and correction of any failure or breakdown that may happen to, irrigation projects; marking of the boundary of irrigation projects for security purposes and solutions to increasing effectiveness in management and operation of irrigation projects.

2. Responsibilities assumed by managers of irrigation projects shall be prescribed as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Select and contract organizations or individuals obtaining permission for operation of irrigation projects; monitor supply and use of irrigation products and services;

c) Take charge of investigation and assessment of effectiveness in management and operation of irrigation projects on a quinquennial or unscheduled basis; grant decisions under their delegated authority or request owners to make their decisions on improvement, construction, modernization and solutions to increasing effectiveness in management and operation of irrigation projects on the basis of results of such investigation and assessment;

d) Take on other duties as prescribed by applicable laws.

Article 23. Conduct and method of exploitation or utilization of irrigation projects

1. Hosts of exploitation or utilization of irrigation works or facilities shall comprise:

a) Enterprises;

b) Grassroots-level irrigation institutions;

c) Individuals.

2. Organizations or individuals obtaining permission for exploitation or utilization of irrigation projects shall satisfy regulatory conditions imposed by the Government.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Authority to manage and exploit or utilize large-scale irrigation projects or those of special importance shall be accorded to wholly state-owned enterprises[7] and shall be offered throughout the commissioning or duty assignment processes;

b) Authority to manage and exploit or utilize irrigation projects other than those stipulated by Point a of this Clause shall be offered throughout the procurement or commissioning processes.

4. Organizations or individuals putting their own investment in irrigation projects shall be entitled to decide which method of exploitation or utilization thereof is applied.

Section 2. OPERATION OF IRRIGATION PROJECTS AND HYDROPOWER RESERVOIRS FOR WATER USES

Article 24. Processes for operation of irrigation projects

1. Organizations or individuals obtaining permission for exploitation or utilization of irrigation projects shall operate these projects in compliance with processes approved by relevant regulatory authorities.

2. Responsibilities for establishing and revising processes for operation of irrigation projects shall be prescribed as follows:

a) The investor in irrigation projects shall establish operational processes and request relevant regulatory authorities for approval prior to commencement of operation;

b) With respect to irrigation projects that are currently exploited or utilized without operational processes, organizations or individuals obtaining permission for exploitation or utilization of irrigation projects shall have the burden of preparing their operational processes for submission to relevant regulatory authorities to apply for approval of these processes;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Authority to approve and publish the processes for operation of irrigation projects shall be subject to the following provisions:

a) The Ministry of Agriculture and Rural Development approves and releases the processes for operation of irrigation projects managed by itself;

b) The provincial-level People’s Committee approves or vests the district-level People’s Committee with delegated authority to approve or release the processes for operation of irrigation projects that fall under its remit, except those specified by Point a of this Clause and Clause 4 of this Article.

4. Organizations or individuals obtaining permission for direct exploitation or utilization small-scale irrigation projects shall have the burden of establishing and releasing operational processes on their own.

5. The Minister of Agriculture and Rural Development shall provide detailed regulations of this Article.

Article 25. Operation and utilization of irrigation projects for agricultural production purposes

1. Irrigation projects for the purpose of irrigation and water drainage for concentrated rice monocropping fields shall be operated proactively and in a manner that water volume and quality must be assured, and advanced, modern, cost-efficient and effective technical procedures for agricultural production must be applied.

2. Irrigation works or facilities for irrigation or water drainage of upland crops shall be operated in conformity with the following requirements:

a) Crop irrigation and water drainage are carried out in a proactive manner, water volume and quality are assured, and advanced, modern, cost-efficient and effective technical procedures for agricultural production are applied for concentrated cropping areas or cropping areas where rice cultivation fields are converted into upland crop cultivation fields;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Irrigation works or facilities for supply and drainage of water for aquacultural production purposes shall be operated in conformity with the following requirements:

a) Water supply and drainage systems get ready for use and meet advanced and modern technical procedures for aquacultural production at intensive aquaculture concentrated areas;

b) Volume and quality of water supplies meet regulations applied for intensive aquaculture concentrated areas;

c) High and advanced technologies are applied for supply and utilization of water for aquacultural production purposes.

4. Operation and utilization of irrigation projects for crop irrigation, supply and drainage of water for other agricultural production purposes shall conform to requirements that water volume and quality must be assured, water must be used in an efficient and effective manner, and demands of different classes of water consumers must be satisfied.

Article 26. Operation of irrigation projects in case of drought, water scarcity, saltwater intrusion, flood, inundation or waterlogging

1. Managers of irrigation projects shall be responsible for establishing the plan for response to drought, water scarcity, saltwater intrusion, flood, inundation or waterlogging that may occur within localities where these projects are located.

2. In case of drought, water scarcity, saltwater intrusion, flood, inundation or waterlogging that may occur, irrigation projects shall be operated subject to the following provisions:

a) Operate under the decision issued by relevant competent authorities in charge of irrigation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) In case of saltwater intrusion emergency, solutions to mitigating adverse impacts on human activities or to satisfying urgent production needs or environmental requirements shall be adopted;

d) In case of flood, inundation or waterlogging emergencies, safety for irrigation projects during their operation shall be assured, and other actions to respond to such emergencies must be taken to mitigate loss of life and property.

Article 27. Operation of dams and reservoirs

1. Organizations or individuals obtaining permission for exploitation of dams and reservoirs shall assume the following responsibilities:

a) Operate them in conformity with reservoir or inter-reservoir operation processes approved by relevant regulatory authorities;

b) Consult hydro-meteorological forecasts, specialized hydro-meteorological observation data and other relevant information to predict and operate reservoirs in response to practical situations to match water consumption and dam safety demands;

c) Regularly make an inventory of water resources retained in reservoirs, and a forecast of drought, water scarcity and saltwater intrusion for water retention and storage; at the end of the rainy season, make an inventory of water resources remaining in reservoirs and irrigation systems with the aim of establishing the plan for regulation, supply and consumption of water;

d)[8] In case of drought, water scarcity, saltwater intrusion, flood, inundation or waterlogging emergencies, operate reservoirs or inter-reservoirs under regulations of law on natural resources.

2. Managers of dams or reservoirs shall be responsible for directing, conducting inspection and supervision of, and compliance with reservoir or inter-reservoir operational processes approved by state regulatory authorities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Processes for operation of hydropower reservoirs or operation of interconnected multiple reservoirs for water uses shall comply with other laws on water resources and the following requirements:

a) Cope with water consumption demands arising downstream of reservoirs; prefer supplying water for personal, domestic uses and agricultural production purposes;

b) Proactively make a projection about water supply capacity and develop approaches to regulating water under normal or abnormal weather conditions with due account taken of the climate change factor.

2. Single reservoir or interconnected multiple reservoirs for water uses shall be operated in conformity with operational processes approved by state regulatory authorities and the following requirements:

a) Regularly make an inventory of water retained in reservoirs and a forecast of drought, water scarcity and saltwater intrusion in order to establish the plan for retention, storage, regulation and distribution of water used for meeting water consumption demands of downstream of reservoirs;

b) In case of drought or water scarcity emergency, the residual volume of water inside reservoirs shall be used to meet personal, domestic, agricultural production and other pressing demands;

c) Consult hydro-meteorological forecasts, specialized hydro-meteorological observation data and other relevant information to predict and operate reservoirs where relevant to practical situations to match water consumption demands and downstream currents;

d) In case of drought, water scarcity, saltwater intrusion, flood, inundation or waterlogging emergencies, operate single reservoirs or interconnected multiple reservoirs under the decision issued by state regulatory authorities.

3. Operation of hydropower reservoirs that are run under the day-based regulating system shall ensure normal operation of irrigation projects located downstream thereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Chapter V

IRRIGATION SERVICES OR SERVICES

Article 29. Irrigation service activities

1. Irrigation service refers to provision and use of irrigation products and services between organizations or individuals supplying irrigation products or services and those obtaining permission for consumption of irrigation products or services.

2. Participants in irrigation service activities are managers of irrigation projects; organizations or individuals obtaining permission for exploitation and utilization of irrigation projects; grassroots-level irrigation institutions; organizations or individuals obtaining permission for use of irrigation products or services.

3. Supply and consumption of irrigation products or services shall take the following forms:

a) An agreement is entered into between organizations or individuals supplying irrigation products or services and those consuming irrigation products or services;

b) Grassroots-level irrigation institutions directly supply irrigation products or services to meet demands of their members or other organizations or individuals.

Article 30. Classification of irrigation products or services

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Public irrigation products or services shall include the following activities:

a) Crop irrigation and supply of water for the salt, aquaculture and livestock production industry;

b) Drainage of water for agricultural production, rural and metropolitan areas, except for urban areas;

c) Flood proofing, escape and prevention, high tide control, saltwater intrusion prevention, saltwater pushback, water desalinization, counter-acidification and freshwater protection.

3. Other irrigation products or services shall include the following activities:

a) Supply of water for domestic and industrial consumption purposes;

b) Drainage of water for industrial parks, export processing zones, economic zones and high technology parks;

c) Electricity generation;

d) Business, tourism and other recreational and entertainment activities;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Transportation.

4. The Government shall make a decision on supplementary types of public irrigation products and services, and other products and services, where relevant to socio-economic situations over time periods.

Article 31. Bases for supply and use of irrigation products or services

1. Functions of irrigation projects.

2. Capability of supplying irrigation products or services.

3. Production plans of organizations or individuals obtaining permission for use of irrigation products and services.

Article 32. Contracts for supply of irrigation products or services

1. Contract for supply of irrigation products or services refers to a fixed-term civil agreement expressed in writing, including the following main contents:

a) Contracting parties;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Standards, quantity and quality of irrigation products and services;

d) Rights and obligations of contracting parties;

dd) Duration, location and method of execution of contracts;

e) Contract value, method and duration of payment;

g) Contract termination terms and conditions;

h) Liabilities for breach of contract;

i) Methods of dispute resolution.

2. Based on agreed supply capability, purposes of and demands for these products and services, the supplier and consumer of irrigation products and services shall conclude and execute contracts in accordance with applicable laws.

Article 33. Point of delivery and reception of irrigation products or services

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Supplying organizations or individuals and consuming ones shall agree on the point of delivery and reception of irrigation products and services where compliant with regulations on delegation of authority over irrigation projects by competent authorities.

3. The Minister of Agriculture and Rural Development shall elaborate this Article.

Article 34. Rules and bases for valuing irrigation products or services

1. The Government shall determine value of irrigation product or service.

2. Valuation of irrigation product or service shall be carried out in accordance with price laws and the following provisions:

a) Price of irrigation product or service shall be composed of operation and maintenance cost, amortization cost, other reasonable actual costs and profit relevant to the market price. Over periods of time, depending on socio-economic situations, the Minister of Finance shall decide the amortization cost charged for state-funded irrigation projects;

b) Price of irrigation product or service shall be adjusted promptly when factors in price formation are changed.

3. Bases for valuation of irrigation products or services shall include:

a) Cost and quality of irrigation product or service; profit level; schedule of adjustment in price of irrigation product or service approved by competent regulatory authorities;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Capability of supplying irrigation products or services;

d) Features and types of irrigation project;

dd) Socio-economic norms for management, operation, maintenance and investment in development of irrigation projects, adopted by competent regulatory authorities.

Article 35. Authority to decide the price of irrigation product and service

1. The price of irrigation product or service shall be composed of price of public irrigation product or service and price of other irrigation product or service, subject to regulations set forth herein and other relevant legislation.

2.[9] Authority to decide the price of irrigation product or service provided by state-funded irrigation projects shall be subject to the following regulations:

a) Public irrigation products or services offered through commissioning process:

The Ministry of Finance shall have authority to decide the maximum prices of public irrigation products or services within the jurisdiction of the Ministry of Agriculture and Rural Development of Vietnam;

The Ministry of Agriculture and Rural Development shall have authority to decide the detailed prices of public irrigation products and services within its jurisdiction, based on the maximum prices thereof decided by the Ministry of Finance;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Other irrigation products or services:

The Ministry of Finance shall have authority to decide the price range of other irrigation products or services within the jurisdiction of the Ministry of Agriculture and Rural Development of Vietnam;

The Ministry of Agriculture and Rural Development shall have authority to decide the detailed prices of other irrigation products and services within its jurisdiction, based on the price range thereof decided by the Ministry of Finance;

The provincial-level People’s Committee shall decide the detailed prices of other irrigation products and services within its jurisdiction.

3.[10] With respect to irrigation projects financed under the public - private partnership agreement and those that are not financed by the state funding, the prices of irrigation products and services shall be determined under terms and conditions of an agreement between contracting parties.

4. The Government shall promulgate detailed regulations on the prices of irrigation products or services and schedule of implementation thereof.

Article 36. Financial support for use of public irrigation products or services

1. Over periods of time, based on the availability of state budget, the Government shall provide financial support for use of public irrigation products and services, irrespective of the source of financing for investment in irrigation projects.

2. Subsidies for use of public irrigation products and services shall be covered by the state budget and comply with applicable legislation on the state budget.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 37. Financial aspects of management, operation and utilization of irrigation projects

1. Sources of financing for management, operation and utilization of irrigation projects shall include the followings:

a) Revenue generated from supply of irrigation products and services;

b) Grants or aids derived from the state budget;

c) Other legal funds.

2. Organizations obtaining permission to collect payments for irrigation products and services shall include:

a) Managers of irrigation projects;

b) Organizations obtaining permission for exploitation and utilization of irrigation projects.

Article 38. Use of financial sources for management, operation and utilization of irrigation projects

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Carry out tasks of management, operation and utilization of irrigation projects, specified by Article 20 hereof;

b) Carry out maintenance, investment in improvement, construction, modernization of, handling and correction of any failure or breakdown that may happen to, and marking of the boundary for security of, irrigation projects as well as solutions to increasing effectiveness in management and operation of irrigation projects;

c) Fulfill other purposes prescribed by applicable laws.

2. Minister of Finance shall elaborate this Article.

Article 39. Distribution of revenue from supply of irrigation products or services

1. Rate of distribution of revenue from supply of irrigation products or services between organizations or individuals jointly supplying irrigation products and services within the same system of irrigation projects shall vary depending on management and operational costs paid by each organization or individual involved in operation of that system.

2. Rate of distribution of revenue from supply of irrigation products or services between organizations or individuals contributing their capital to investing in development and operation of irrigation products and services within the same system of irrigation projects shall vary depending on costs of management and operation of these irrigation projects paid by each organization or individual involved in giving capital contributions to developing and operating that system.

3. Organizations or individuals making their capital contributions to investing in development of irrigation projects shall pay for use of products or services of these projects.

Chapter VI

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 40. Protected zone of irrigation project

1. Protected zone of irrigation project shall cover main facilities and proximity thereto.

2. Activities carried out within the protected zone of an irrigation project shall not hinder operation and safety of that irrigation project; internal security streets and grounds for maintenance and emergency response shall be built within such protected zone.

3. Proximity to a reservoir, including areas in close proximity to dams and those in close proximity to reservoir beds, shall be subject to the following provisions:

a) Proximity to a dam extends from the foot of the dam outwards. Proximity to a special-grade, grade-I, grade-II, grade-III and grade-IV dam shall extend at least 300 meters, 200 meters, 100 meters, 50 meters and 20 meters, respectively;

b) Proximity to a reservoir bed shall extend from the reservoir margin with its elevation equal to the upper-end elevation downwards.

4. Proximity to a canal shall be subject to the following provisions:

a) With respect to canals with the flow volume ranging from 02 m3/s to 10 m3/s, the protected zone of compacted soil or concrete canals shall extend 02 m - 03 m or 01 m - 02 m from the bottom of external side slope outwards, respectively;

b) With respect to canals with the flow volume greater than 10 m3/s, the protected zone of compacted soil or concrete canals shall extend 03 m - 05 m or 02 m - 03 m from the bottom of external side slope outwards, respectively.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Any change in scale and purposes of a irrigation project shall entail a change in proximity to that project where conformable to regulations set forth in this Article; the entity having competence in approval of the plan for protection of irrigation projects shall be vested with power to approve change in the distance of proximity for protection of the project.

7. The provincial-level People's Committee shall provide detailed distances of proximity for protection of other irrigation projects located within its jurisdiction.

Article 41. Plan for protection of irrigation projects

1. Organizations obtaining permission for exploitation and utilization of irrigation projects shall be responsible for setting up the plan for protection of these irrigation projects.

2. The plan for protection of irrigation projects shall be comprised of the following information:

a) Geographical characteristics, design parameters, floor plans and boundary lines for protection of security for construction projects;

b) Review of management, operation and utilization of irrigation projects;

c) Reporting, regular, periodic or spontaneous audit mechanism;

d) Regulations on restriction or prohibition of heavy vehicles operating inside the protected zone of irrigation projects; fire prevention and safety regulations; regulations on protection of document storage facilities and vaults for safekeeping of explosives, inflammables and hazardous substances;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Conduct of screening and inspection of people and equipment or vehicles entering or leaving irrigation projects;

g) Prevention, discovery and termination of any encroachment or damage of irrigation projects and proximity thereof;

h) Protection and action against any emergency or risks of emergency that may happen to irrigation projects.

3. Authority to approve the plan for protection of irrigation projects shall be prescribed as follows:

a) The Minister of Agriculture and Rural Development approves the plan for protection of irrigation projects managed by this Ministry;

b) The provincial-level People’s Committee approves or vests the district-level People’s Committee with delegated authority to approve the plan for protection of irrigation projects that fall within its jurisdiction, except those specified by Point a of this Clause and Clause 4 of this Article.

4. Organizations or individuals obtaining permission for exploitation and utilization of small-scale irrigation projects shall have authority to decide the plan for protection of these projects.

Article 42. Responsibilities for protection of irrigation projects

1. In case of discovering any acts or natural impacts likely to cause harms or threats to safety of an irrigation projects, organizations or individuals shall promptly notify organizations or individuals obtaining permission for exploitation and utilization of that project or the nearest People's Committee.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Carry out the plan for protection of that irrigation project;

b) Conduct regular inspection and audit of that irrigation project;

c) Discover and take immediate action and propose sanctions against violations of laws within the protected zone of that irrigation project;

d) Examine compliance with requirements of the license granted to organizations or individuals obtaining permission to operate within the protected zone of that irrigation project;

dd) In case of emergency or potential risks of emergency, actions shall be taken and reports shall be submitted to the provincial-level People’s Committee and the Ministry of Agriculture and Rural Development;

e) Manage dedicated supplies available for prevention and control of natural disasters;

g) Encourage different organizations and individuals to get involved in protection of irrigation projects.

3. The People’s Committees at all levels shall bear the following responsibilities:

a) Direct and conduct implementation of the plan for protection of irrigation projects that fall within their remits;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Prevent and take prompt action against violations of irrigation laws that may be committed within the protected zone of irrigation project, and manage irrigation projects within their respective jurisdictions;

d) Carry out audit of compliance with laws on protection of irrigation projects.

4. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall be responsible for directing and cooperating with the provincial-level People’s Committees in protection of irrigation projects managed by itself.

5. The plan for protection of irrigation projects of special importance for national security shall be conducted in accordance with this Law and legislation on protection of irrigation projects of special importance for national security.

Article 43. Marking of boundary of protected zone of a irrigation project

1. The project investor shall be responsible for marking the boundary of the protected zone of an irrigation project. Boundary marking funds shall be derived from total investment outlay.

2. Organizations obtaining permission for exploitation and utilization of irrigation projects shall be responsible for marking the boundaries of currently active irrigation projects for their safety. Boundary marking funds shall be derived from sources of financing for management and operation of irrigation projects and other legitimate capital.

3. The Minister of Agriculture and Rural Development shall elaborate this Article.

Article 44. Allowed activities carried out within protected zone of irrigation project

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Development of new irrigation projects;

b) Construction of stations or grounds for handling of raw materials, fuels, supplies and equipment;

c) [11] Carrying out drilling or digging operations, geological survey; exploration and mining of minerals and building materials;

d) [12] (abrogated)

dd) Cultivation of perennial crops;

e) Tourism, sports, scientific research, business and service activities;

g) Activities of inland waterway equipment or motor vehicles, except for motorcycles, mopeds or non-motorized inland watercraft;

h) Fish farming and aquaculture;

i) Blasting and other blasting activities;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The Ministry of Agriculture and Rural Development and the provincial-level People's Committee shall be responsible for considering granting the license for activities carried out within the protected zone of irrigation project.

3. The Government shall adopt regulations on authority, processes and procedures for issuance, re-issuance, revision, suspension or revocation of the license referred to in this Article.

Article 45. Safety of dams and reservoirs in management or operation aspect

1. Safety for dams and reservoirs shall be given top priority during the process of management and operation thereof.

2. Organizations or individuals obtaining permission for exploitation and utilization of dams and reservoirs shall meet competence requirements defined by laws and assume the following responsibilities:

a) Operate and exploit dams and reservoirs in a safe manner and make effective use of irrigation project;

b) Carry out procedures for registration of safety for dams and reservoirs; take charge of preparing and revising the processes for operation of reservoirs and the processes for operation of interconnected multiple reservoirs; conduct dam observations and hydro-meteorological activities; examine current conditions, inspect and assess safety for dams and reservoirs; provide maintenance, repair, improvement and modernization of dams; protect and assure security for irrigation projects, downstream of dams and reservoirs; keep safe custody of documentation in accordance with laws;

c) As for dams or reservoirs built with regulating gates, based on hydro-meteorological forecasts, they shall take proactive approaches to regulating and reducing flood peak and flow to ensure safety for dams and downstream thereof; prior to opening of the first sluice gate for water release, they shall give a notification or provide information in conformity with the processes for operation of reservoirs or the processes for operation of interconnected multiple reservoirs which have been approved by competent regulatory authorities;

d) In case of operation in emergency situations or impossibility of complying with the reservoir or inter-reservoir operation processes, they shall promptly notify natural disaster prevention and control authorities and regulatory authorities having competence in approval of these processes;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Before the rainy season each year, conduct review of current conditions of dams, report to managers of dams and reservoirs.

3. Managers of dams and reservoirs shall assume the following responsibilities:

a) Monitor, inspect and encourage compliance of organizations or individuals obtaining permission for exploitation and utilization of dams and reservoirs with regulations on management of dam safety set out in Point b Clause 2 of this Article and other regulations of related laws;

b) Send a review report on results of assessment of current conditions of the dam that is made by organizations or individuals charged with management and operation of the dam to the People's Committee of the province where the dam is situated, and the Ministry of Agriculture and Rural Development;

c) Request owners of dams and reservoirs to cover dam and reservoir safety costs;

d) Make a decision within their jurisdiction or petition competent regulatory authorities to make a decision on mobilization of personnel, equipment and supplies, and mitigation of consequences of dam or reservoir failure or breakdown.

4. Owners of dams and reservoirs shall assume the following responsibilities:

a) Conduct regular, spontaneous and periodic inspection and evaluation of dams or reservoirs in accordance with laws and regulations;

b) Provide funds to cover dam and reservoir safety costs.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. The Government shall elaborate this Article.

Article 46. Protection of quality of water inside an irrigation project

1. Organizations or individuals shall be responsible for protecting the quality of water inside an irrigation project.

2. Organizations or individuals licensed to provide irrigation products or services shall have the burden of directly protecting the quality of water insider an irrigation project and controlling discharge of wastewater into that irrigation project.

3. Organizations or individuals obtaining permission to use irrigation products or services shall be responsible for protecting the quality of water during the process of consumption of water.

Article 47. Change of purposes of irrigation projects

1. Change of purposes of existing irrigation projects shall require consent from the authority that has granted approval of investment in such projects and conformity with the approved irrigation plan.

2. The authority granting approval of change of purposes of an irrigation project shall decide measures to assure mutual interest between parties concerned due to change of purposes of such irrigation project.

3. Project investors making change of purposes of irrigation projects shall be responsible for compensating organizations or individuals incurring any loss due to change of purposes of irrigation projects.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. If existing facilities inside the protected zone of irrigation project do not harm safety and capacity of irrigation projects, continued use of these facilities shall be allowed, but expansion of their scale or change of their structure shall not be allowed.

2. If existing facilities inside the protected zone of irrigation project cause any harm to safety and capacity of irrigation projects, mitigation measures shall be required; in case of impossibility of taking such measures, they shall be demolished or relocated.

3. The provincial-level People's Committee shall direct the district-level People’s Committees, commune-level People’s Committees and other organizations or individuals obtaining permission for exploitation and utilization of irrigation projects to prepare the plan and carry out demolition or relocation of these facilities as prescribed by Clause 2 of this Article.

Chapter VII

SMALL-SCALE AND INTER-FIELD IRRIGATION PROJECTS

Article 49. Requirements concerning development of small-scale and inter-field irrigation projects

1. Align with irrigation and related plannings which have been approved.

2. Ensure that infrastructure facilities of small-scale and inter-field irrigation projects meet requirements that irrigation and drainage technologies are advanced, modern, synchronous, closed and match a variety of agricultural demands; proactive actions are taken to drain water for production and domestic purposes.

3. Apply advanced and water-efficient technologies and technical solutions, and prevent any water loss occurring during the process of construction, management and operation of irrigation projects.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 50. Management, operation and utilization of small-scale and inter-field irrigation projects

1. Grassroots-level irrigation institutions obtaining permission for management and operation and utilization of small-scale and inter-field irrigation projects shall include:

a) Cooperatives;

b) Artels.

2. Grassroots-level irrigation institutions referred to in Clause 1 of this Article shall be authorized to establish and operate in accordance with laws and regulations on cooperatives, civil laws and rules or statutes ratified by majority of an organization, and certification by the commune-level People's Committee; all of consumers of irrigation products or services shall be members of grassroots-level irrigation institutions.

3. Grassroots-level irrigation institutions shall be given options of either directly managing, operating, exploiting, or designating other organizations or individuals to manage, operate or exploit small-scale and inter-field irrigation projects.

4. If grassroots-level irrigation institutions have sound competence, unions of grassroots-level irrigation institutions shall be established to acquire transferred authority over the water channeling and transfer system connected to the system of inter-field irrigation projects.

5. The People’s Committees of communes where grassroots-level irrigation institutions, referred to in Clause 1 of this Article, have not been established yet, shall take over responsibilities assigned these grassroots-level irrigation institutions.

6. The Minister of Agriculture and Rural Development shall elaborate this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The budget for operation of small-scale and inter-field irrigation projects shall be constituted by:

a) Contributions given by organizations or individuals obtaining permission for use of irrigation products and services;

b) Subsidies from the Government;

c) Investments put by other organizations or individuals.

2. The Government’s subsidies, referred to in Point b Clause 1 of this Article, shall be disbursed through grassroots-level irrigation institutions.

3. Members of a grassroots-level irrigation institution shall approve the level of contribution to that institution according to the majority rule and the principle of calculation of correct and sufficient funds.

4. The Government shall provide regulations on development of small-scale and inter-field irrigation projects.

Article 52. Transfer and withholding of right to manage and operate state-invested small-scale and inter-field irrigation projects

1. Transfer and withholding of the right to manage and operate state-invested small-scale and inter-field irrigation projects shall be decided by owners of these projects and ensure compliance with laws and regulations on management and use of public assets.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Transfer of the right to manage and operate state-invested small-scale and inter-field irrigation projects to grassroots-level irrigation institutions shall be preferred.

Chapter VIII

RIGHTS AND RESPONSIBILITIES OF ORGANIZATIONS OR INDIVIDUALS FOR IRRIGATION OPERATIONS

Article 53. Rights and responsibilities of organizations or individuals for irrigation operations

1. Consume irrigation products or services under the provisions of this Law and other relevant legislation.

2. Contribute opinions on irrigation operations in accordance with laws.

3. Invest in development, construction, management, operation, utilization and protection of irrigation works or facilities.

4. Take part in oversight of irrigation operations carried out by authorities, entities or individuals.

5. Participate in programs for dissemination, communication and promotion of awareness of legal knowledge about irrigation matters.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7. Protect the quality of water inside irrigation projects.

Article 54. Rights and responsibilities of organizations or individuals obtaining permission for operation and utilization of irrigation projects

1. Have rights and responsibilities specified in Article 53 hereof.

2. Use assigned resources to increase capability of supplying irrigation products and services in accordance with laws; hold the right to collect payments for supply of irrigation products and services as agreed upon in contracts.

3. Decide, at their discretion, the portion of profit earned from supply of other irrigation products and services after discharge of tax obligations to the State Budget.

4. Draw up and conduct implementation of business plans and plans for supply of irrigation products and services. It is obligatory for them to conduct an opinion poll on, and notify organizations or individuals obtaining permission for use of irrigation products and services of, the plan for supply of irrigation products and services.

5. Carry out tasks of management, operation and utilization of irrigation projects as specified by Article 20 hereof.

6. Manage and utilize land pieces that belong to the protected zone of irrigation project in accordance with laws.

7. Operate irrigation works or facilities according to assigned duties and operational processes approved by competent state authorities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



9. Carry out abstraction of water inside irrigation projects.

10. Make a request to relevant competent authorities to grant their approval and execute the plan for response to natural disasters and the plan for protection of irrigation projects in accordance with this Law.

11. Petition the People’s Committees at all levels governing local jurisdictions where irrigation projects are located to take necessary action to protect and assure safety for these projects in the event that any encroachment or emergency risk arises.

12. Request owners of irrigation projects to provide funds for maintenance, improvement, construction, modernization and handling of failures or breakdowns of irrigation projects in accordance with this Law and other regulations of relevant laws.

13. Send a petition to competent state authorities or file a lawsuit to the Court to deal with failure of organizations or individuals to pay for their use of irrigation products and services, and resolve any contract-related disputes.

14. Guide, strengthen and develop grassroots-level irrigation institutions; create opportunities for consumers of irrigation products and services to get involved in drawing up the plan for management and operation and the plan for protection of irrigation project.

15. Provide support for consumers of irrigation products and services for conversion into cultivation of crops of high economic value, and use of advanced and water-efficient irrigation technologies.

16. Unilaterally terminate supply of irrigation products and services in case there is any risk to safety of irrigation projects or water does not meet required standard; consumers of irrigation products or services do not pay for use of these products or services, or commit any violation against other contractual terms and conditions, or as decided by competent regulatory authorities.

17. File a petition, bring an action and pay compensation for any loss or damage arising in accordance with laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Have rights and responsibilities specified in Article 53 hereof.

2. Enter into irrigation service contracts and implement contractual terms and conditions; use water economically, effectively and efficiently.

3. Request organizations or individuals obtaining permission for management and operation of irrigation projects to publish the plan for supply of irrigation products or services.

4. Get involved in drawing up the plan for operation and the plan for protection of irrigation works or facilities.

5. Engage in protection of irrigation projects and water quality during the process of using irrigation products or services.

6. Get involved in actions to respond to and correct any failure or breakdown that may happen to irrigation projects under the decision issued by competent authorities.

7. Mitigate consequences upon the request of organizations or individuals providing irrigation products or services in case any failure or breakdown or water pollution occurs.

8. File a petition, bring an action and pay compensation for any loss or damage arising in accordance with laws.

Chapter IX

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 56. Responsibilities of Government, Ministries and ministerial agencies

1. The Government shall establish a consistent structure of state irrigation management across the nation.

2. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall play a central role in assisting the Government in carrying out state irrigation management and assume the following responsibilities:

a) [13] Promulgate or propose the promulgation of strategies, plans, policies and legislative documents concerning irrigation and organize the implementation thereof; organize the formulation, adjustment, publishing, management and implementation of the planning for natural disaster management and irrigation and irrigation planning;

b) Establish national standards, release national technical regulations, and socio-economic norms for irrigation operations; take charge of establishing and approving the processes for operation of irrigation projects within its jurisdiction;

c) [14] Direct regulation and distribution of water and conduct formulation of plans for use of water within the system of hydraulic structures for domestic, agricultural production and other economic activity purposes; cooperate with the Ministry of Natural Resources and Environment and Ministry of Industry and Trade in regulation of water within hydroelectric reservoirs for water uses in case of drought, water scarcity or saltwater intrusion;

d) Contribute opinions on strategies and plans for development of national industries and other proposals related to irrigation operations;

dd) Direct, provide guidance on and inspect conformity with requirements concerning prevention, control and mitigation of consequences resulting from droughts, water scarcity, saltwater intrusions, desertification, floods, inundation and waterlogging;

e) Conduct dedicated hydro-meteorological observations, forecasts and warnings of drought, water scarcity, saltwater intrusion, desertification, flood, inundation, aggradation, soil corrosion or landslide affecting irrigation works and facilities, river banks or seacoasts; volume and quality of water inside irrigation projects for agricultural production, personal and domestic and other economic activity purposes;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



h) Manage maintenance, investment in improvement, construction or modernization of irrigation projects;

i) Coordinate the management, exploitation, operation and protection of irrigation projects within its jurisdiction; manage safety for dams and reservoirs;

k) Organize the statistics, establishment and management of irrigation database; short-term, long-term and medium-term forecast of water used for irrigation operations and other water uses;

l) Organize the inventory of water inside irrigation projects and a forecast of drought, water scarcity and saltwater intrusion in order to set up the plan for retention, storage, regulation, distribution and use of water;

m) Coordinate the scientific research and application of advanced water technologies; provide training sessions and professional and skill development courses for participants in irrigation operations;

n) Administer and distribute subsidies for use of public irrigation products or services to organizations or individuals obtaining permission for operation and utilization of irrigation projects that fall under its authority;

o) Organize the dissemination, communication and promotion of public awareness of irrigation matters;

p) Audit and take action against violations of laws, and handle any complaint or accusation related to irrigation matters;

r) Act as a focal point of international cooperation in irrigation operations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 57. Responsibilities of the People’s Committees at all levels

1. The provincial-level People’s Committees shall, within their assigned duties and powers, bear the following responsibilities:

a) Release within its jurisdiction or request competent authorities to release legislative documents relating to irrigation matters;

b) [15] Organize the development of contents of the irrigation development planning and include it in the provincial planning; approve and organize the implementation of irrigation work construction projects and plans according to the planning approved by a competent authority;

c) Coordinate the management, operation and utilization of irrigation projects;

d) Assure sufficient budget for investment in development, construction, management, operation, utilization and protection of irrigation works or facilities;

dd) Administer and distribute subsidies for use of public irrigation products or services to organizations or individuals obtaining permission for operation and utilization of irrigation projects that fall under its authority;

e) Coordinate the statistics, establishment and management of the irrigation database; a forecast of water used for irrigation and other demands; an inventory of water inside irrigation projects and a forecast of drought, water scarcity and saltwater intrusion in order to draw up the plan for regulation and distribution of water for personal, domestic and agricultural production purposes within provinces;

g) Coordinate the public communication and promotion of public awareness of irrigation laws;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



i) Audit and take action against violations of laws, and resolve any irrigation-related complaint or accusation;

k) Send a periodic review report on irrigation operations to the Minister of Agriculture and Rural Development.

2. The district-level People’s Committees shall, within their assigned duties and powers, bear the following responsibilities:

a) Coordinate the execution of legislative documents on irrigation;

b) [16] Organize the implementation of the irrigation development plan according to the planning approved by a competent authority;

c) Direct activities performed by organizations or individuals obtaining permission for management, operation or exploitation of irrigation projects;

d) Conduct the statistics, establishment and management of irrigation database;

dd) Coordinate the public communication and promotion of public awareness of irrigation laws;

e) Direct competent authorities to collaborate in inspection of compliance with activity requirements specified in licenses or permissions to carry out activities within protected zones of irrigation projects;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



h) Audit and take action against violations of laws, and resolve any irrigation-related complaint or accusation.

3. The commune-level People’s Committees shall, within their assigned duties and powers, bear the following responsibilities:

a) Coordinate the irrigation development under irrigation plans approved by competent authorities;

b) Coordinate the performance of duties assigned grassroots-level irrigation institutions in case they have not been established yet;

c) Mobilize resources available within communes to take necessary action in case of emergencies occurring within irrigation projects in accordance with laws;

d) Cooperate with specialized affiliations of the district-level People's Committees in directing activities performed by organizations or individuals obtaining permission for management, operation and protection of irrigation projects located within communes;

dd) Carry out the public communication of and the education about irrigation laws;

e) Inspect compliance with activity requirements specified in licenses or permissions to carry out activities within protected zones of irrigation projects;

g) Make periodic and spontaneous reports on irrigation operations carried out within districts;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Chapter X

IMPLEMENTATION [17]

Article 58.[18] (abrogated)

Article 59. Effect

1. This Law comes into force from July 01, 2018.

2. The Ordinance on Exploitation and Protection of Irrigation Projects No. 32/2001/PL-UBTVQH10 shall terminate on the date of entry into force of this Law.

Article 60. Transition

Use of licenses or permissions in the irrigation field already granted prior to the date of this Law's entry into force and remaining unexpired shall be continued until expiration.

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



CERTIFIED BY

CHAIRMAN OF THE OFFICE OF THE NATIONAL ASSEMBLY




Bui Van Cuong

 

 

[1] The Law No. 35/2018/QH14 providing amendments to some articles on planning of 37 laws is promulgated pursuant to:

“The Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;”

The Law on Enterprises No. 59/2020/QH14 is promulgated pursuant to:

“The Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;”

The Law on Environmental Protection No. 72/2020/QH14 is promulgated pursuant to:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The Pricing Law No. 16/2023/QH15 is promulgated pursuant to:

“The Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;”

The Law on Water Resources No. 28/2023/QH15 is promulgated pursuant to:

“The Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;”

[2] This Point is amended according to Clause 1 Article 14 of the Law No. 35/2018/QH14 providing amendments to some articles on planning of 37 laws, coming into force from January 01, 2019.

[3] This Article is amended according to Clause 2 Article 14 of the Law No. 35/2018/QH14 providing amendments to some articles on planning of 37 laws, coming into force from January 01, 2019.

[4] This Article is amended according to Clause 3 Article 14 of the Law No. 35/2018/QH14 providing amendments to some articles on planning of 37 laws, coming into force from January 01, 2019.

[5] This Article is amended according to Clause 4 Article 14 of the Law No. 35/2018/QH14 providing amendments to some articles on planning of 37 laws, coming into force from January 01, 2019.

[6] This Article is amended according to Clause 5 Article 14 of the Law No. 35/2018/QH14 providing amendments to some articles on planning of 37 laws, coming into force from January 01, 2019.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



[8] This Point is amended according to Point a Clause 2 Article 84 of the Law on Water Resources No. 28/2023/QH15, coming into force from July 01, 2024.

[9] This Clause is amended according to Clause 5 Article 73 of the Pricing Law No. 16/2023/QH15, coming into force from July 01, 2024.

[10] This Clause is amended according to Clause 5 Article 73 of the Pricing Law No. 16/2023/QH15, coming into force from July 01, 2024.

[11] This Point is amended according to Point b Clause 2 Article 84 of the Law on Water Resources No. 28/2023/QH15, coming into force from July 01, 2024.

[12] This Point is abrogated according to Clause 2 Article 169 of the Law on Environmental Protection No. 72/2020/QH14, coming into force from January 01, 2022.

[13] This Point is amended according to Clause 6 Article 14 of the Law No. 35/2018/QH14 providing amendments to some articles on planning of 37 laws, coming into force from January 01, 2019.

[14] This Point is amended according to Point c Clause 2 Article 84 of the Law on Water Resources No. 28/2023/QH15, coming into force from July 01, 2024.

[15] This Point is amended according to Point a Clause 7 Article 14 of the Law No. 35/2018/QH14 providing amendments to some articles on planning of 37 laws, coming into force from January 01, 2019.

[16] This Point is amended according to Point b Clause 7 Article 14 of the Law No. 35/2018/QH14 providing amendments to some articles on planning of 37 laws, coming into force from January 01, 2019.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



“Article 31. Effect

This Law comes into force from January 01, 2019.”.

Article 217 and Article 218 of the Law on Enterprises No. 59/2020/QH14, coming into force from January 01, 2021, introduces the following provisions:

“Article 217. Implementation

1. This Law comes into force from January 01, 2021.

2. The Law on Enterprises No. 68/2014/QH13 ceases to have effect from the effective date of this Law.

3. The phrase “doanh nghiệp nhà nước” (“state-owned enterprises”) shall be replaced with the phrase “doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” (“wholly state-owned enterprises”) in Point m Clause 1 Article 35 and Point k Clause 1 Article 37 of the Law on State Budget No. 83/2015/QH13; Point a Clause 3 Article 23 of the Law on Irrigation No. 08/2017/QH14, amended by the Law No. 35/2018/QH14; Point b Clause 2 Article 74 of the Civil Procedure Code No. 92/2015/QH13, amended by the Law No. 45/2019/QH14; Point a Clause 2 Article 43 of the Law on Management and Use of Weapons, Explosives and Combat Gears No. 14/2017/QH14, amended by the Law No. 50/2019/QH14; Article 19 of the Law on Denunciation No. 25/2018/QH14; Articles 3, 20, 30, 34, 39 and 61 of the Anti-corruption Law No. 36/2018/QH14.

4. The Government shall provide for registration and operation of household businesses.

5. Pursuant to this Law, the Government shall provide for management and operation of state-owned enterprises that operates in the field of defense or both defense and business.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Companies whose shares or stakes are not obtained by the State before July 01, 2015 are not required to implement the regulations of Clause 2 Article 195 of this Law but must not increase their cross ownership ratios.

2. Enterprises’ executives, Controllers and authorized representatives who do not fully satisfy the requirements specified in Point b Clause 5 Article 14, Clause 3 Article 64, Clause 3 Article 93, Clause 3 Article 101, Points a, b, and c Clause 3 Article 103, Point d Clause 1 Article 155, Point b Clause 5 Article 162 or Clause 2 Article 169 of this Law may continue working until the end of their terms of office.”.

Article 170 and Article 171 of the Law on Environmental Protection No. 72/2020/QH14, coming into force from January 01, 2022, stipulate as follows:

“Article 170. Effect

1. This Law comes into force from January 01, 2022, except the regulations in Clause 2 of this Article.

2. Clause 3 Article 29 of this Law comes into force from February 01, 2021.

3. The Law on Environmental Protection No. 55/2014/QH13 amended by the Law No. 35/2018/QH14, Law No. 39/2019/QH14 and Law No. 61/2020/QH14 shall cease to have effect from the effective date of this Law.

Article 171. Transition

1. Sufficient and valid documents received by competent regulatory bodies to be processed according to administrative procedures concerning the environment before the effective date of this Law shall be processed in accordance with the law in force at the time of receipt, unless the organization or individual wishes to apply this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The decisions to approve projects on deposit payment, environmental improvement and remediation; environmental improvement and remediation projects; environmental improvement and remediation schemes; additional environmental improvement and remediation schemes which were promulgated by competent authorities before the effective date of this Law are part of the approval decisions and written confirmations specified in Clause 2 of this Article with respect to mineral mining projects upon considering issuing the environmental license.

4. Environmental certificates and confirmations which were promulgated by competent authorities before the effective date of this Law, except for the case in Point d Clause 2 Article 42 of this Law, may be used until their expiry.

5. Licenses to discharge wastewater into water sources and licenses to discharge wastewater into hydraulic structures issued in accordance with the Law on Water Resource and Law on Irrigation may be used until their expiry and constitute part of the environmental license specified in this Law. Holders of licenses to discharge wastewater into water sources and licenses to discharge wastewater into hydraulic structures are entitled to request a competent authority to issue the environmental license if their works and equipment for exhaust gas treatment and solid waste treatment have been completed as prescribed by this Law.

6. The Government shall elaborate this Article.”.

Articles 74 and 75 of the Pricing Law No. 16/2023/QH15, coming in force from July 01, 2024, stipulate as follows:

“Article 74. Effect

1. This Law comes into force from July 01, 2024, unless otherwise prescribed in Clause 2 of this Article.

2. Clause 2 Article 60 of this Law comes into force from January 1, 2026. From July 1, 2024 to the end of December 31, 2025, each valuation council shall have at least 1 member having one of the following professional certificates:

a) College diploma, or higher, in prices or valuation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Certificate of completion of professional training course in valuation;

d) Certificate of completion of advanced training course in state valuation.

3. The Law on Prices No. 11/2012/QH13, as amended by the Law No. 61/2014/QH13, the Law No. 64/2020/QH14 and the Law No. 07/2022/QH15 (hereinafter referred to as “Law on Prices No. 11/2012/QH13") shall cease to have effect from the effective date of this Law, except provisions of Article 75 of this Law.

Article 75. Transition

1. Within 12 months after this Law comes into force, valuation enterprises issued with certificates of eligibility to provide valuation services under the Law on Prices No. 11/2012/QH13 shall be required to meet all of eligibility requirements for valuation services laid down in this Law. After the abovementioned period, if any valuation enterprise fails to meet eligibility requirements for valuation services laid down in this Law, its certificate of eligibility to provide valuation services shall be revoked by the Ministry of Finance of Vietnam.

2. Holders of valuer certificates issued in accordance with the Law on Prices No. 11/2012/QH13 may apply for practice in asset valuation and business valuation in accordance with provisions of this Law.”.

Articles 85 and 86 of the Law on Water Resources No. 28/2023/QH15, coming in force from July 01, 2024, stipulate as follows:

“Article 85. Effect

1. This Law comes into force from July 01, 2024, unless otherwise prescribed in Clauses 3 and 4 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The fee for right to exploit water resources to be supplied for domestic activities as prescribed in point b clause 1 Article 69 of this Law shall be charged from July 01, 2025.

4. The exploitation of groundwater by households as prescribed in clause 4 Article 52 of this Law shall be registered from July 01, 2026.

Article 86. Transition

1. The license to practice groundwater drilling or a water resource license which has been issued as per the Law No. 17/2012/QH13 shall still remain valid and may be extended, otherwise modified or re-issued as prescribed by this Law.

2. Any organization or individual in the case mentioned in point b clause 1 Article 69 of this Law that is granted a water resource license for supply to domestic activities prior to the effective date of this Law shall pay the fee for right to exploit water resources for domestic activities as prescribed by this Law and complete declaration serving calculation of the fee for water resource exploitation right by December 31, 2025 at the latest.

3. Any organization or individual in the case mentioned in point b clause 1 Article 69 of this Law that is granted a water resource license for supply to agriculture prior to the effective date of this Law but is not required to pay the fee for water resource exploitation right as per the Law No. 17/2012/QH13 is not required to pay the fee for water resource exploitation right for the amount of water supplied to agriculture until the expiry date written on the water resource license.

4. Any organization or individual in the case mentioned in point b clause 1 Article 69 of this Law that has their permit for exploiting surface water for supply to agriculture issued or extended as prescribed by this Law shall pay the fee for water resource exploitation right as per this Law at the same time the fee for using irrigation products or services is collected if the State does not provide financial support for use of public irrigation products or utilities under regulations of law on irrigation and law on prices.

5. Any application for issuance, extension, adjustment or re-issuance of the license to practice groundwater drilling or the water resource license that is submitted before the effective date of this Law but has yet to be processed may be processed as per the Law No. 17/2012/QH13, except for the case of applying for issuance of the license as per this Law.

6. For any hydraulic structure which was built and operated before January 01, 2013 but has yet to have its exploitation and use of water resources registered and licensed before the effective date of this Law, it is required to complete the procedures for registering and licensing exploitation of water resources as prescribed by this Law by June 30, 2027 at the latest.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



8. Any organization or individual in the cases specified in points e and g clause 5 Article 52 of this Law that possesses a lake, pond, canal or ditch to create space for collection, storage or conveyance of water or create landscapes and uses river, stream, canal, ditch or reservoir water surface for aquaculture, business and service provision before the effective date of this Law shall complete procedures for registering their use of water as per this Law by June 30, 2026 at the latest.”.

[18] This Article is abrogated according to Clause 2 Article 169 of the Law on Environmental Protection No. 72/2020/QH14, coming into force from January 01, 2022.

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Văn bản hợp nhất 43/VBHN-VPQH ngày 27/12/2023 hợp nhất Luật Thủy lợi do Văn phòng Quốc hội ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


2.103

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.250.160
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!