BỘ CÔNG AN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 52/2014/TT-BCA
|
Hà Nội, ngày 28
tháng 10 năm 2014
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, BẢO QUẢN, BẢO DƯỠNG PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
Căn cứ Luật phòng cháy và chữa cháy; Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014
quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (sau đây viết gọn
là Nghị định số 79/2014/NĐ-CP);
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày
15/9/2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công
an (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 21/2014/NĐ-CP ngày 25/3/2014);
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát
phòng cháy, chữa cháy và
cứu nạn, cứu hộ;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư
quy định về quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
Chương I
QUY
ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về nội dung,
nguyên tắc, hồ sơ, chế độ thống kê, báo cáo và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức,
cá nhân có liên quan trong quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy
và chữa cháy.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với:
1. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ (sau
đây viết gọn là cán bộ, chiến sĩ) được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản, bảo dưỡng
phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
2. Công an các đơn vị, địa phương.
3. Lực lượng dân phòng; lực lượng phòng
cháy và chữa cháy cơ sở; lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành.
4. Cơ quan, tổ chức, cơ sở, hộ gia đình,
cá nhân có liên quan đến việc quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng
cháy và chữa cháy.
Điều 3. Phương tiện
phòng cháy và chữa cháy
Phương tiện phòng cháy và chữa cháy gồm:
Phương tiện chữa cháy cơ giới (xe chữa cháy, xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy,
máy bơm chữa cháy, tàu, xuồng chữa cháy); phương tiện chữa cháy thông dụng;
trang phục và thiết bị bảo hộ cá nhân; phương tiện cứu người; phương tiện, dụng
cụ phá dỡ; thiết bị, dụng cụ thông tin liên lạc, chỉ huy chữa cháy; hệ thống
báo cháy, chữa cháy được quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số
79/2014/NĐ-CP .
Điều 4. Nguyên tắc quản
lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy
1. Tuân thủ quy định tại Thông tư này và
các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Quản lý chặt chẽ và bảo đảm sẵn sàng
chữa cháy.
3. Bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, cách
thức, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.
Điều 5. Các hành vi bị
nghiêm cấm
1. Chiếm đoạt, bán, trao đổi, cầm cố, thế
chấp, đánh tráo, thay thế, cho mượn phương tiện phòng cháy và chữa cháy được
giao quản lý, bảo quản, bảo dưỡng và các hành vi trục lợi khác.
2. Tự ý thay đổi cấu tạo, tính năng, tác
dụng của phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
3. Sử dụng phương tiện phòng cháy và chữa
cháy không đúng mục đích, định mức, chế độ.
4. Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện
phòng cháy và chữa cháy được giao quản lý, bảo quản, bảo dưỡng.
Chương II
QUẢN
LÝ PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
Điều 6. Nơi quản lý phương
tiện phòng cháy và chữa cháy
1. Xe chữa cháy, xe chuyên dùng phục vụ
chữa cháy, máy bơm chữa cháy phải được để trong nhà có mái che; tàu, xuồng chữa
cháy phải được bố trí bến đậu bảo đảm yêu cầu hoạt động của phương tiện.
2. Các phương tiện phòng cháy và chữa
cháy khác phải được quản lý an toàn, bảo đảm sẵn sàng chữa cháy.
3. Nơi quản lý phương tiện phòng cháy và
chữa cháy phải bảo đảm an toàn về phòng, chống cháy, nổ và đáp ứng các điều kiện
về bảo vệ môi trường.
4. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở
được trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm tổ chức và bố
trí người làm công tác quản lý phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
Điều 7. Thống kê, báo
cáo công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy
1. Định kỳ vào quý IV hàng năm, cơ quan,
tổ chức, cơ sở đã được trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy phải thống
kê, báo cáo cơ quan Công an quản lý địa bàn về công tác quản lý, bảo quản, bảo
dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy theo các nội dung sau:
a) Số lượng, chất lượng, chủng loại
phương tiện phòng cháy và chữa cháy đã trang bị.
b) Cách thức thực hiện bảo quản, bảo dưỡng.
c) Thực trạng công tác quản lý, bảo quản,
bảo dưỡng phương tiện.
d) Kết quả thực hiện kết luận kiến nghị
thanh tra, kiểm tra của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.
đ) Kiến nghị giải pháp nhằm nâng cao hiệu
quả công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
2. Trình tự báo cáo và cơ quan tiếp nhận
báo cáo
a) Cơ quan, tổ chức, cơ sở, đội dân
phòng báo cáo Công an xã, phường, thị trấn (sau đây viết gọn là Công an cấp xã)
nơi hoạt động về tình hình quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
b) Đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở,
chuyên ngành báo cáo cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý về tình hình quản lý, bảo
quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy được giao quản lý.
c) Công an cấp xã, cơ quan, tổ chức trực
tiếp quản lý đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành có trách nhiệm báo
cáo Công an huyện, quận, thị xã thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết gọn là Công
an cấp huyện) hoặc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy huyện, quận, thị xã thành
phố thuộc tỉnh (sau đây viết gọn là Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp huyện)
quản lý địa bàn về tình hình quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng
cháy và chữa cháy thuộc phạm vi quản lý.
d) Công an cấp huyện, Cảnh sát phòng
cháy và chữa cháy cấp huyện báo cáo Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương (sau đây viết gọn là Công an cấp tỉnh), Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh)
trực tiếp quản lý về tình hình quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng
cháy và chữa cháy thuộc phạm vi quản lý.
đ) Công an cấp tỉnh, Cảnh sát phòng cháy
và chữa cháy cấp tỉnh báo cáo Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu
hộ về tình hình quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa
cháy thuộc phạm vi quản lý.
Điều 8. Hồ sơ quản lý
phương tiện phòng cháy và chữa cháy
1. Hồ sơ quản lý phương tiện phòng cháy
và chữa cháy, gồm:
a) Sổ theo dõi hoạt động của xe chữa
cháy, xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy, tàu, xuồng chữa cháy (mẫu số 01), máy bơm chữa cháy (mẫu
số 02) ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Thống kê, báo cáo công tác quản lý, bảo
quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy của cơ quan, tổ chức, cơ sở.
2. Hồ sơ quản lý phương tiện phòng cháy
và chữa cháy do cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, người đứng đầu cơ
quan, tổ chức, cơ sở chỉ đạo lập, lưu giữ và phải được bổ sung khi có thay đổi.
Điều 9. Trách nhiệm của
người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở, chủ hộ gia đình trong quản lý, bảo quản,
bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy
1. Tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra việc thực
hiện công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy
thuộc phạm vi quản lý.
2. Tổ chức lập và quản lý hồ sơ về
phương tiện phòng cháy và chữa cháy theo hướng dẫn của cơ quan Cảnh sát phòng
cháy và chữa cháy.
3. Tổ chức cho cán bộ, nhân viên, người
lao động trong cơ quan, tổ chức, cơ sở tìm hiểu tính năng, tác dụng, học tập, sử
dụng thành thạo phương tiện phòng cháy và chữa cháy đã trang bị.
4. Phân công người làm công tác quản lý,
bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
5. Thống kê, báo cáo cơ quan cấp trên quản
lý trực tiếp và cơ quan Công an quản lý địa bàn về công tác quản lý, bảo quản,
bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
6. Kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền
hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong quản lý, bảo quản, bảo
dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, tổ
chức, cơ sở.
7. Bảo đảm kinh phí phục vụ công tác quản
lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
8. Hộ gia đình trang bị phương tiện
phòng cháy và chữa cháy thực hiện việc quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện
theo quy định tại Thông tư này.
Điều 10. Trách nhiệm của
người được giao quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng
cháy và chữa cháy
1. Quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương
tiện phòng cháy và chữa cháy theo đúng chế độ quản lý và theo hướng dẫn của cơ
quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.
2. Thường xuyên kiểm tra nơi quản lý, bảo
quản, bảo dưỡng phương tiện thuộc phạm vi quản lý; phát hiện kịp thời phương tiện
bị mất, hư hỏng hoặc nơi quản lý, bảo quản, bảo dưỡng không bảo đảm an toàn để
báo cáo cơ quan, tổ chức, cơ sở trực tiếp quản lý có biện pháp xử lý, khắc phục.
3. Thống kê, báo cáo người đứng đầu cơ
quan, tổ chức, cơ sở trực tiếp quản lý về tình hình quản lý, bảo quản, bảo dưỡng
phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
Điều 11. Trách nhiệm của
cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy
1. Trách nhiệm của Cục Cánh sát phòng
cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:
a) Hướng dẫn, triển khai thống nhất công
tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy trên phạm
vi toàn quốc;
b) Chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra việc thực
hiện công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy
theo quy định;
c) Nghiên cứu, đề xuất tổ chức bộ máy,
biên chế để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng
cháy và chữa cháy trong Công an nhân dân;
d) Nghiên cứu, cải tiến, sửa chữa, sản
xuất thử nghiệm phương tiện phòng cháy và chữa cháy; biên soạn tài liệu kỹ thuật
hướng dẫn sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy;
đ) Kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền
hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong quản lý, bảo quản, bảo
dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy;
e) Hướng dẫn, giải quyết khiếu nại, tố
cáo trong quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy theo
quy định của pháp luật.
2. Trách nhiệm của Công an, Cảnh sát
phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra việc thực
hiện công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy
thuộc phạm vi quản lý;
b) Phân công cán bộ, chiến sĩ làm công
tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc phạm
vi quản lý;
c) Duyệt kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi
dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện
phòng cháy và chữa cháy;
d) Thống kê, báo cáo cơ quan cấp trên về
công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc
phạm vi quản lý;
đ) Kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền
hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong quản lý, bảo quản, bảo
dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy;
e) Hướng dẫn, giải quyết khiếu nại, tố
cáo trong quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy theo
quy định của pháp luật;
g) Bảo đảm kinh phí phục vụ công tác quản
lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc phạm vi quản
lý.
Chương III
BẢO
QUẢN, BẢO DƯỠNG PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
Mục 1. BẢO QUẢN, BẢO DƯỠNG
PHƯƠNG TIỆN CHỮA CHÁY CƠ GIỚI
Điều 12. Bảo quản, bảo
dưỡng thường xuyên
1. Sắp xếp, làm sạch phương tiện
a) Sắp xếp gọn gàng, kiểm tra số lượng
trang thiết bị, dụng cụ trên xe, tàu, xuồng theo đúng quy định;
b) Làm sạch buồng lái, đệm, ghế ngồi, vỏ
xe, gầm xe, tàu, xuồng, khoang đặt bơm chữa cháy, khoang điều khiển thiết bị,
ngăn chứa thiết bị, dụng cụ phòng cháy và chữa cháy;
c) Lau sạch kính chắn gió, gương chiếu hậu,
các loại đèn chiếu sáng và đèn tín hiệu.
2. Bảo quản, bảo dưỡng
a) Động cơ
- Lau sạch toàn bộ động cơ, đường ống cấp
nhiên liệu, các bầu lọc khí, bơm cao áp, kim phun; xả nước, cặn bẩn ở bầu lọc
xăng, bộ chế hòa khí; đối với động cơ xăng phải kiểm tra hệ thống đánh lửa,
bugi, kiểm tra và xiết chặt các đầu dây của bộ chia điện; kiểm tra bầu lọc
xăng, bộ chế hòa khí và vệ sinh bằng chất tẩy, rửa;
- Kiểm tra nhiên liệu, dầu, ắc quy và
các bộ phận của động cơ; bổ sung nhiên liệu trong bình chứa nếu thiếu (thùng chứa
phải luôn đầy hoặc ít nhất là 4/5 dung tích bình);
- Kiểm tra mức dầu bôi trơn, nước làm
mát động cơ, nước rửa kính, dầu trợ lực lái, dầu trợ lực ly hợp, trợ lực phanh,
dầu thủy lực của hệ thống chuyên dùng (nếu có);
- Kiểm tra ắc quy và mức dung dịch trong
các ngăn của ắc quy, nếu thiếu phải bổ sung bằng nước tinh khiết; kiểm tra, bắt
chặt các dây dẫn điện, đầu cực ắc quy; rửa sạch bên ngoài bình bằng nước ấm và
lau sạch các cọc điện;
- Kiểm tra dầu hút chân không hoặc bình
nước mồi bơm chân không; bổ sung dầu hút chân không nếu thiếu;
- Mở khóa điện; quan sát đèn, đồng hồ của
bảng táp lô có tín hiệu bình thường thì đề nổ máy; nếu có đèn báo sự cố thì phải
tìm nguyên nhân để xử lý;
- Hằng ngày, phải nổ máy vận hành động
cơ của các thiết bị cơ giới 15 phút;
- Cho động cơ chạy ở tốc độ vòng quay
khác nhau (không tăng ga quá đột ngột); quan sát chỉ số của các đồng hồ báo áp
suất dầu bôi trơn, nhiên liệu, nhiệt độ nước làm mát, áp suất khí nén, đồng hồ
hoặc đèn báo nạp điện cho ắc quy, đèn báo sự cố khác. Nếu phát hiện động cơ có
tiếng kêu lạ hoặc nhìn đồng hồ, đèn báo có tín hiệu nguy hiểm thì phải tắt máy
ngay và báo cho bộ phận kỹ thuật để kiểm tra, sửa chữa.
b) Hệ thống điện
Kiểm tra tình trạng hoạt động của các loại
đèn, còi tín hiệu giao thông, phương tiện phát tín hiệu ưu tiên, các loại công
tắc điện. Nếu phát
hiện có hư hỏng phải báo bộ phận kỹ thuật để sửa chữa.
c) Hệ thống truyền động
- Bổ sung dầu, mỡ vào bộ phận cần kéo ly
hợp, các khớp nối chữ thập, trục các đăng, bộ truyền động của tay lái; kiểm tra
phát hiện rò rỉ dầu hộp số;
- Kiểm tra ly hợp bảo đảm khi chuyển động
sang số, không có tiếng kêu.
d) Hệ thống phanh
- Kiểm tra độ kín của hệ thống phanh
thông qua quan sát đồng hồ áp suất hơi, qua các đèn báo;
- Kiểm tra sự rò rỉ hơi, dầu phanh ở các
tuy ô phanh, kiểm tra mức dầu ở bình dầu trợ lực phanh;
- Cho xe tiến, lùi, đạp phanh để xác định
hiệu lực của hệ thống phanh;
- Xả nước ở bình chứa hơi (nếu có).
đ) Hệ thống lái: Kiểm tra, vặn chắc các
khớp nối của hệ thống tay lái.
e) Hệ thống treo và khung xe
- Kiểm tra khung xe, chắn bùn, đuôi mõ
nhíp, ổ đỡ chốt nhíp ở
khung, bộ nhíp, quang nhíp, quai nhíp, bu lông tâm nhíp, bu lông hãm chốt nhíp, nếu xô lệch
phải chỉnh lại, nếu lỏng phải bắt chặt; làm sạch, sơn và bôi mỡ bảo quản, bảo
dưỡng theo quy định;
- Kiểm tra giảm sóc, xiết chặt bu lông
giữ giảm sóc; kiểm tra các lò xo và ụ cao su đỡ, nếu vỡ phải thay thế;
- Kiểm tra toàn bộ lốp xe, nếu thiếu hơi
phải bơm hơi tới áp suất tiêu chuẩn; gỡ những vật cứng dắt, dính vào kẽ lốp.
g) Buồng lái và thùng xe
- Kiểm tra, làm sạch buồng lái, kính chắn
gió, cánh cửa, cửa sổ, gương chiếu hậu, đệm ghế ngồi, cơ cấu nâng lật buồng
lái;
- Kiểm tra thùng, thành bệ, các móc khóa
thành bệ, bản lề thành bệ, quang giữ bệ với khung ôtô, bu lông bắt giữ dầm, bậc
lên xuống, chắn bùn.
h) Hệ thống bơm nước chữa cháy trang bị
trên xe chữa cháy
- Kiểm tra sự hoạt động của hệ thống bơm
nước, cụ thể: Kiểm tra sự vận hành, hoạt động, độ kín của van nước, van bọt,
van khí, các đồng hồ, đèn báo; kiểm tra, bổ sung mỡ làm kín và bôi trơn trục
bơm, các cơ cấu trục xoay; kiểm tra hoạt động của trục các-đăng truyền lực cho
bơm, nếu thấy có tiếng kêu lạ phải kiểm tra, sửa chữa ngay;
- Kiểm tra độ kín của bơm chữa cháy bằng
cách đóng kín tất cả các van của bơm, nắp đậy họng hút, thực hiện động tác hút
chân không cho bơm đạt độ chân không tối đa (tùy theo loại xe mà cách thao tác hút chân không có khác nhau), thời
gian hút chân không không quá 30 giây. Ngừng hút chân không, xác định độ kín của
bơm bằng cách quan sát đồng hồ chân không, nếu trong 2 phút kim đồng hồ trả về
không quá 1 vạch (tương ứng với 0.1 Bar) là bơm đảm bảo độ kín; nếu kim trả về
nhanh hơn là bơm bị hở, phải tìm nguyên nhân để khắc phục;
- Kiểm tra khả năng làm việc của bơm
chân không mồi nước bằng cách khi bơm ly tâm kín, làm động tác hút chân không,
trị số chân không phải đạt ít nhất - 0,6 bar (6/10 vạch chỉ số trên bảng đồng hồ
hạ áp), nếu thấp hơn phải bảo dưỡng, sửa chữa bơm chân không;
- Kiểm tra khả năng làm việc của trục
bơm và cánh quạt li tâm bằng cách cho bơm li tâm quay ở tốc độ thấp và trung
bình (tuyệt đối không được quay với tốc độ cao và tăng ga một cách đột ngột vì
máy bơm không hút nước); kiểm tra ốc, bu lông bắt liền máy bơm với khung xe; kiểm
tra các van phun nước, phun bọt hòa không khí, van đóng, mở nước ở két nước, đồng
hồ cao áp, hạ áp, đồng hồ vòng phút bảo đảm tốt và đúng tiêu chuẩn;
- Vòi hút phải kín, không bị cong gập,
thủng, có đủ đệm lót, các đầu nối khi lắp vào được nhẹ nhàng, kín;
- Thường xuyên kiểm tra téc nước chữa
cháy, téc thuốc bọt chữa cháy, các téc luôn phải đầy nước, bảo đảm nước sạch và
không bị rò chảy; két chứa thuốc bọt chữa cháy bảo đảm xiết chặt và không bị rò
chảy;
- Kiểm tra các phương tiện, dụng cụ chữa
cháy trang bị theo xe, máy bơm như lăng, vòi, ba chạc, thang... bảo đảm đủ cơ số
và chất lượng kỹ thuật.
i) Các bộ phận của xe chuyên dùng phục vụ
chữa cháy
- Kiểm tra, xiết chặt các ổ tựa, hộp
truyền lực, giá đỡ, cơ cấu nâng hạ;
- Rửa bầu lọc dầu của thùng chứa dầu thủy
lực, xả không khí trong hệ thống thủy lực; kiểm tra mức dầu trong thùng dầu, nếu
thiếu phải bổ sung;
- Kiểm tra, vận hành cơ cấu thủy lực
nâng, hạ, quay, cơ cấu tời, cơ cấu ra thang, vào thang, giỏ thang, ca bin thủy
lực;
- Bảo dưỡng dây cáp, cơ cấu an toàn đối
với xe thang, xe cứu nạn, cứu hộ, xe cần cẩu.
k) Đối với máy bơm chữa cháy
- Kiểm tra toàn bộ các mũ ốc, vít; bắt
chặt các bộ phận, các mối liên kết, các chi tiết, các đầu dây điện;
- Kiểm tra mức nhiên liệu, dầu bôi trơn
bảo đảm đủ, sạch, không bị rò rỉ;
- Kiểm tra hệ thống điện, bắt chặt bình
điện với giá đỡ, bắt chặt cầu nối ắc quy, mức dung dịch bình điện và bắt chặt
các đầu dây điện;
- Khởi động máy bơm, kiểm tra trang thiết
bị chữa cháy trang bị theo máy bơm.
l) Đối với tàu, xuồng chữa cháy
- Phải thường xuyên lau sạch các bộ phận
máy, vệ sinh mặt boong và các trang thiết bị phương tiện chữa cháy trên tàu, xuồng;
- Kiểm tra, hệ thống nhiên liệu, bôi
trơn, làm mát;
- Kiểm tra hệ thống lái, thiết bị dẫn đường;
- Khởi động máy, kiểm tra tình trạng kỹ
thuật và bảo dưỡng theo quy định của nhà sản xuất;
- Kiểm tra hệ thống bơm nước chữa cháy
trang bị theo tàu, xuồng; kiểm tra đường ống, vòi và lăng phun, bảo dưỡng theo
quy định của nhà sản xuất.
- Đối với xuồng bơm hơi để trên cạn
+ Để xuồng ở nơi thoáng mát, khô ráo,
tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời; nếu xuồng để ngoài trời phải
che phủ xuồng để tránh mưa, nắng;
+ Sử dụng xà phòng và nước để vệ sinh vỏ
xuồng. Khi có vết bẩn khó tẩy có thể làm sạch bằng chất tẩy rửa và phải rửa lại
vỏ xuồng bằng nước sạch;
+ Làm sạch van khí, thanh chắn ngang;
thường xuyên kiểm tra bơm hơi, nạp đầy điện cho pin bơm hơi (đối với loại xuồng
có bơm hơi bằng điện).
3. Kết thúc việc bảo quản, bảo dưỡng,
cán bộ, chiến sĩ, người được giao nhiệm vụ bảo quản, bảo dưỡng phải ghi chép đầy
đủ nội dung công việc bảo quản, bảo dưỡng vào sổ theo dõi hoạt động phương tiện.
Nếu phát hiện bộ phận của phương tiện bị mất, hư hỏng phải báo cáo lãnh đạo quản
lý trực tiếp để kịp thời xử lý.
Điều 13. Bảo quản, bảo
dưỡng sau khi chữa cháy, thực tập chữa cháy
1. Bảo quản, bảo dưỡng
a) Mở hết các van phun nước, van ở dưới
guồng bơm để thoát hết nước thừa trong bơm ly tâm;
b) Hút nước sạch vào đầy téc nước chữa
cháy;
c) Kiểm tra các bộ phận li hợp, phanh, hộp
số, hộp trích công suất, tay lái, trục các-đăng, cầu trước, cầu sau, mặt lốp và
áp suất hơi lốp xe…;
d) Kiểm tra bên ngoài xe, vặn chặt ốc,
bu lông bánh xe, may ơ…;
đ) Kiểm tra dầu bôi trơn, dầu thủy lực,
nước làm mát, nhiên liệu để bảo đảm không bị rò rỉ; đổ thêm dầu, nước, nhiên liệu
đúng tiêu chuẩn quy định;
e) Kiểm tra độ chùng của dây đai quạt
gió, dây đai quạt máy nén khí, tình trạng bình điện, đèn, còi;
g) Kiểm tra tình trạng kỹ thuật của
lăng, vòi phun, vòi hút, giỏ lọc nước, thang, mặt nạ... và lau chùi sạch sẽ các
phương tiện, dụng cụ, sắp xếp đúng vị
trí ở ngăn xe;
h) Rửa sạch bên ngoài xe, dưới gầm, lau
chùi sạch máy bơm, động cơ, ca bin của lái xe, ca bin chiến sĩ, kính ca bin, đồng
hồ, đèn chiếu sáng…;
i) Giặt quần áo chữa cháy, vòi và phơi
khô.
2. Trường hợp phương tiện chữa cháy cơ
giới có dùng nước mặn, nước bẩn hoặc thuốc bọt chữa cháy thì phải lau chùi, rửa
sạch các bộ phận, phương tiện sau khi chữa cháy, thực tập chữa cháy như lăng,
vòi, van thùng chứa thuốc bọt chữa cháy, hệ thống ống dẫn thuốc bọt chữa cháy,
guồng bơm li tâm, cánh quạt, phớt làm kín trục bơm bằng nước sạch.
Điều 14. Bảo quản, bảo
dưỡng định kỳ
Định kỳ hàng tháng phải thực hiện bảo quản,
bảo dưỡng, cụ thể như sau:
1. Động cơ
a) Kiểm tra và điều chỉnh khe hở chân
súp páp;
b) Kiểm tra các tấm đệm nắp máy, cổ hút,
cổ xả của khối xi lanh, xiết chặt các đai ốc lắp máy;
c) Kiểm tra độ nén trong xilanh động cơ;
d) Tháo bơm xăng, rửa sạch và kiểm tra
hoạt động của bơm xăng;
đ) Tháo bộ chế hòa khí, rửa sạch, thổi
thông các đường dẫn xăng và điều chỉnh mức xăng trong buồng phao; thay dầu
các-te của động cơ; rửa bộ lọc ly tâm, lưới lọc bằng dầu diezen;
e) Kiểm tra hoạt động của quạt gió, vỏ
bơm nước, van xả, các ống dẫn nước làm mát, két nước, bộ điều tiết nhiệt độ.
2. Gầm xe
a) Kiểm tra hoạt động của phanh tay,
phanh chân, điều chỉnh, xiết chặt đai ốc gắn tay phanh trên trục bị động;
b) Tháo may-ơ, kiểm tra trạng thái của
má phanh, guốc phanh, lò xo, ổ trục bánh
xe;
c) Kiểm tra trạng thái các bánh xe và vặn
chặt các đai ốc gắn bánh xe; đổi vị trí các lốp xe (nếu cần);
d) Kiểm tra trạng thái cầu trước, cầu
sau và điều chỉnh độ chụm của các bánh xe;
đ) Xe chạy khoảng 12.000 km phải thay dầu
hộp số; xe chạy trên 25.000 - 30.000 km phải thay dầu giảm sóc;
e) Máy bơm ly tâm làm việc đến 200 giờ
phải thay dầu ổ bi của bơm;
g) Kiểm tra trạng thái ổ trục bánh xe;
thay mỡ ổ trục, điều chỉnh ổ trục để bảo đảm bánh xe không di chuyển dọc trục;
h) Kiểm tra trạng thái gầm xe; bôi mỡ phấn
chì lên bề mặt các lá nhíp trước và sau;
i) Kiểm tra dầu tay lái, nếu thiếu phải
bổ sung;
k) Kiểm tra tay lái, phanh và ly hợp;
bơm mỡ ổ trục các-đăng của tay lái.
3. Hệ thống điện
a) Tháo bình điện, lau sạch bề mặt bình
điện, thông lỗ thông hơi, kiểm tra mức dung dịch và nồng độ dung dịch, nếu cần
thiết đổ thêm nước tinh khiết; kiểm tra điện thế, nếu thiếu phải nạp điện bổ
sung;
b) Kiểm tra hoạt động của bugi, nếu có vết
nứt phải thay bugi mới;
c) Tháo máy phát và máy khởi động để kiểm
tra hoạt động của các chôi than, cổ góp; lau sạch bề mặt máy phát và máy khởi động;
d) Tháo bộ chia điện, kiểm tra trạng
thái làm việc và làm sạch tiếp điểm; điều chỉnh khe hở tiếp điểm (đối với máy
có hệ thống đánh lửa có tiếp điểm) kiểm tra điểm đặt lửa đúng;
đ) Kiểm tra trạng thái cuộn dây đánh lửa
và dây cao áp;
e) Kiểm tra hoạt động của đèn chiếu
sáng;
g) Kiểm tra, bắt chặt bộ chia điện, tiết
chế, nắp chụp bugi, búp báo nhiệt độ, nước, áp suất dầu;
h) Tra dầu bôi trơn vào ống lót trục
cam, tấm đệm của con quay trục bộ chia điện.
4. Hệ thống bơm nước chữa cháy
a) Kiểm tra các van khóa, bảo đảm kín, điều
khiển nhẹ nhàng;
b) Kiểm tra hoạt động của bơm; cụ thể: Mở
van nước từ téc xuống bơm, mở van nước tuần hoàn về téc, cho bơm quay ở tốc độ
khác nhau để kiểm tra trạng thái hoạt động của bơm, đóng van nước tuần hoàn về
téc và tăng áp suất đến 10 kg/cm2; kiểm tra ốc, bu lông bắt liền máy
bơm với khung xe; kiểm tra các van phun nước, phun bọt hòa không khí, van đóng,
mở nước ở téc nước, đồng hồ cao áp, hạ áp, đồng hồ vòng phút bảo đảm hoạt động
đúng theo quy định;
c) Kiểm tra vòi hút, đầu nối vòi hút và
gioăng, bảo đảm độ kín khi lắp vào bơm và khi lắp các đoạn vòi hút với nhau;
d) Kiểm tra độ lưu thông của hệ thống trộn bọt
hòa không khí;
đ) Kiểm tra téc nước chữa cháy, nếu bị gỉ
sét phải đánh gỉ và
sơn lại.
5. Cho xe chạy một đoạn đường ngắn để kiểm
tra hoạt động của xe, hệ thống, thiết bị của xe; nếu phát hiện những hư hỏng phải
khắc phục ngay.
6. Đối với các bộ phận của xe chuyên dùng
phục vụ chữa cháy
a) Kiểm tra kết cấu cần trục, các tầng
thang, mối hàn trên trục nâng, chân chống thang; kiểm tra, điều chỉnh hoặc thay
thế cho thích hợp khối trượt, đỡ và con lăn dẫn của các tầng thang hoặc bộ phận
ống lồng;
b) Kiểm tra hoạt động của xích vươn ra
trục thang;
c) Kiểm tra, xiết chặt đầu nối trục dẫn
động của máy bơm thủy lực; kiểm tra áp lực bơm dầu thủy lực, tình trạng bánh
răng bơm, vỏ bơm và điều chỉnh cho thích hợp; kiểm tra, xiết chặt đai ốc ổ đỡ của
trục bơm dầu thủy lực;
d) Xe mới sau khi đưa vào sử dụng được
03 tháng phải tiến hành kiểm tra, xiết chặt toàn bộ đai ốc của các thiết bị thủy
lực, cơ cấu nâng hạ; xem kỹ mối hàn và kiểm tra sàn và lan can trên giỏ thao
tác thang;
đ) Kiểm tra làm sạch cổ góp điện của trục
quay thang;
e) Kiểm tra hộp nối và cầu chì, duy trì
dây cáp điện của thang có tính liên kết tốt;
g) Kiểm tra chức năng điều chỉnh tự động
của động cơ liên kết với bơm thủy lực của thang;
h) Kiểm tra trạng thái khớp nối và cần
liên kết của van điều khiển chân chống; kiểm tra tình trạng ngắt bằng tay của
van điều khiển điện; kiểm tra trạng thái cố định của cán piston, mối hàn và ổ
bi của xi lanh lực;
i) Thay ruột lọc của bộ phận lọc dầu thủy
lực sau 12 tháng sử dụng;
k) Mở van từ dưới két dầu thủy lực để
tháo nước ngưng tụ;
l) Kiểm tra áp suất làm việc của van điều
khiển áp lực mạch chính, mạch xoay, mạch động lực của xe thang; áp suất bơm thủy
lực mạch tời, mạch cần cẩu của xe cứu hộ;
m) Kiểm tra trạng thái của đường ống nước
xe thang và tiến hành thử áp lực đường ống;
n) Kiểm tra trạng thái của vòi phun nước
bảo vệ và van; mức dầu của hộp số giảm tốc.
7. Đối với tàu, xuồng chữa cháy
a) Bảo dưỡng vỏ phương tiện
- Phải đưa lên đà cạo hà, sơn lại đối với
phương tiện có vỏ bằng kim loại và vỏ composite hoạt động ở vùng nước mặn 12
tháng/1 lần, hoạt động ở vùng nước lợ 18 tháng/1 lần, hoạt động ở vùng nước ngọt
24 tháng/1 lần.
- Phải đưa lên đà cạo rong, rêu, hà;
thui, đốt và sơn lại theo quy định từ mớn nước trở xuống đối với phương tiện có
vỏ bằng gỗ hoạt động ở
vùng nước mặn 06 tháng/1
lần,
hoạt động ở vùng nước lợ 09 tháng/1 lần, hoạt động ở vùng nước ngọt 12 tháng/1 lần.
b) Bảo dưỡng máy
Thực hiện đúng chế độ bảo quản, bảo dưỡng
theo hồ sơ, lý lịch và quy định của nhà sản xuất đối với từng loại máy lắp trên
phương tiện.
Mục 2. BẢO QUẢN, BẢO DƯỠNG
PHƯƠNG TIỆN CHỮA CHÁY THÔNG DỤNG
Điều 15. Bảo quản, bảo dưỡng
bình chữa cháy
1. Phân loại bình chữa cháy
a) Loại 1: Bình có áp suất nén trực tiếp
với chất chữa cháy là nước, nước có phụ gia hoặc bọt;
b) Loại 2: Bình có áp suất nén trực tiếp
với chất chữa cháy là bột;
c) Loại 3: Bình dùng chai khí đẩy với chất
chữa cháy là nước, nước có phụ gia;
d) Loại 4: Bình dùng chai khí đẩy với chất
chữa cháy là bột;
đ) Loại 5: Bình chữa cháy các-bon
dioxide.
2. Yêu cầu bảo quản, bảo dưỡng
a) Kiểm tra niêm phong và cơ cấu an toàn
của bình để xác định bình chữa cháy đã sử dụng hay chưa sử dụng;
b) Gắn biển hoặc ghi nhãn gắn vào bình
sau khi đã bảo quản, bảo dưỡng;
c) Thay thế chốt an toàn và lắp niêm phong mới.
3. Bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên
a) Đối với các bình loại 1, 2, 3, 4 và
5; cụ thể:
- Kiểm tra bên ngoài thân bình để xác định
có bị gỉ sét. Nếu bình bị gỉ sét
không đáng kể thì phải bảo dưỡng để tiếp tục sử dụng; nếu bình bị gỉ sét, ăn
mòn nhiều thì phải loại bỏ;
- Cân bình chữa cháy (có hoặc không có
cơ cấu vận hành theo hướng dẫn của nhà sản xuất) hoặc sử dụng phương thức thích
hợp để kiểm tra bình chứa khối lượng chất chữa cháy chính xác. Đối chiếu khối
lượng so với khối lượng được ghi khi bình đưa vào sử dụng lần đầu;
- Kiểm tra lăng phun, vòi phun của bình
và vệ sinh sạch sẽ; nếu hư hỏng phải thay thế.
- Kiểm tra các thiết bị chỉ áp suất. Nếu
áp suất giảm hơn 10% hoặc nhiều hơn so với mức giảm lớn nhất theo hướng dẫn của
nhà sản xuất thì phải thực hiện theo chỉ dẫn của nhà sản xuất;
- Kiểm tra cơ cấu vận hành và kiểm soát
sự xả (nếu được lắp) đối với loại bình chữa cháy được thiết kế có cơ cấu vận
hành tháo ra theo hướng dẫn của nhà sản xuất;
b) Đối với bình loại 3 và loại 4
- Làm sạch bên trong, bên ngoài bình; kiểm tra
bên trong, bên ngoài thân bình để phát hiện sự ăn mòn và hư hại. Nếu bình bị ăn
mòn ít hoặc hư hại không đáng kể thì phải bảo dưỡng để tiếp tục sử dụng; nếu
bình bị ăn mòn nhiều thì phải loại bỏ;
- Mở bình chữa cháy hoặc tháo các đầu lắp ráp để kiểm tra chất
lượng bình;
- Kiểm tra bên ngoài chai khí đẩy để
phát hiện sự ăn mòn và hư hại. Nếu chai khí đẩy bị ăn mòn và hư hại thì phải
thay mới. Cân chai khí đẩy và kiểm tra khối lượng so với khối lượng ghi trên
chai. Chai khí đẩy có khối lượng chất chứa ít hơn khối lượng nhỏ nhất được ghi
hoặc chai được phát hiện bị rò rỉ thì phải sửa chữa, nạp đủ hoặc thay bằng chai
mới;
- Nạp lại bình chữa cháy tới mức ban đầu
(bình loại 3), bù lại lượng nước bị mất. Đối với nước có phụ gia hoặc dung dịch
tạo bọt thì nạp lại bình theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Kiểm tra và vệ sinh sạch
sẽ lăng phun ống nhánh, lưới lọc và ống phun trong van xả khí (nếu được lắp);
- Kiểm tra bột trong bình (bình loại 4),
cụ thể: Khuấy trộn bột bằng cách lắc và dốc ngược bình. Nếu có dấu hiệu vón cục,
đóng cục không phun được thì phải thay tất cả bột chữa cháy và nạp lại bình bằng
bột chữa cháy của nhà sản xuất. Kiểm tra, chỉnh sửa và vệ sinh sạch lăng phun,
vòi phun, ống phun;
- Kiểm tra vòng đệm, màng ngăn và vòi
phun; thay thế nếu bị hư hỏng;
- Lắp lại bình theo hướng dẫn của nhà sản
xuất.
c) Đối với bình loại 5
- Kiểm tra, vệ sinh loa phun, vòi phun
chữa cháy; thay thế nếu bị hư hỏng;
- Thực hiện phép thử dẫn điện bộ vòi chữa
cháy.
4. Bảo quản, bảo dưỡng định kỳ
Sau 5 năm (tính từ ngày sản xuất), bình
chữa cháy các loại 1, 2 và 3 phải được bảo dưỡng như sau:
a) Phun xả bình chữa cháy hết hoàn toàn.
Sau khi phun, áp kế phải chỉ áp suất “0” và thiết bị chỉ thị (nếu được trang bị)
phải chỉ vị trí đã phun;
b) Mở bình chữa cháy và làm sạch bên
trong thân bình; phát hiện sự ăn mòn và hư hại bên trong thân bình. Nếu bình bị
ăn mòn ít, hư hại không đáng kể thì bảo dưỡng để tiếp tục sử dụng; nếu bình bị
ăn mòn nhiều thì phải loại bỏ;
c) Kiểm tra, làm sạch lăng phun, lưới lọc
và vòi phun, lỗ thông, (hoặc các cơ cấu thông hơi khác) ở trong nắp hoặc bộ van
và ống xả trong;
d) Kiểm tra vòng đệm bịt kín và vòi phun
(nếu được lắp) và thay nếu bị hư hỏng;
đ) Kiểm tra cơ cấu vận hành về việc chuyển
động;
e) Lắp ráp và nạp lại bình chữa cháy.
Điều 16. Bảo quản, bảo dưỡng
các loại phương tiện chữa cháy thông dụng khác
1. Bảo quản, bảo dưỡng vòi chữa cháy
a) Bảo quản, bảo dưỡng vòi trong kho:
Vòi phải để trên giá nơi khô ráo, không để gần hóa chất, xăng, dầu; nếu để lâu
phải đảo vòi, thay đổi nếp gấp;
b) Bảo quản, bảo dưỡng, sắp xếp trên xe:
Vòi để trên xe chữa cháy theo cuộn phải để đúng ngăn ô quy định; trong các ngăn
ô không được để thêm các dụng cụ, phương tiện khác;
c) Bảo quản, bảo dưỡng sau khi chữa
cháy, thực tập chữa cháy
- Khi triển khai vòi không để gấp khúc
hoặc có vật nặng đè chặn, không rải vòi lên các vật nhọn, vật đang cháy, nơi có
axít hoặc các chất ăn mòn khác;
- Khi lắp vòi vào họng phun của xe, tuyệt
đối không di chuyển xe, không lôi, kéo vòi đoạn gần họng phun;
- Khi bơm nước không tăng, giảm ga đột
ngột, không tăng áp suất vượt quá áp suất làm việc của từng loại vòi;
- Phơi khô trước khi cuộn vòi đưa vào
kho hoặc xếp lên ngăn vòi của xe chữa cháy; không xếp trên xe các loại vòi còn ẩm
ướt.
2. Bảo quản, bảo dưỡng ống hút chữa
cháy, lăng chữa cháy, đầu nối, ba chạc, hai chạc chữa cháy, giỏ lọc, thang chữa
cháy
a) Kiểm tra tình trạng kỹ thuật của
phương tiện và vệ sinh sạch sẽ, sắp xếp trên giá kê, sàn kê hoặc trong tủ bảo
quản; không được quăng, quật khi sắp xếp, vận chuyển;
b) Không để phương tiện gần xăng, dầu,
axít và các hóa chất ăn mòn hoặc để dầu mỡ bám vào phương tiện;
c) Phương tiện phải được sắp xếp theo từng chủng loại, chất lượng
để thuận tiện cho công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng và chữa cháy;
d) Không để các vật nặng đè lên phương
tiện hoặc không được chồng quá cao các phương tiện lên nhau nhằm tránh trường hợp
bị méo, bẹp.
Mục 3. BẢO QUẢN, BẢO DƯỠNG
TRANG PHỤC VÀ THIẾT BỊ BẢO HỘ CÁ NHÂN
Điều 17. Bảo quản, bảo
dưỡng thường xuyên
1. Làm sạch trang phục, thiết bị bảo hộ
cá nhân
a) Trang phục, thiết bị bảo hộ cá nhân
phải được làm sạch bên trong, bên ngoài và phải được phơi khô để tránh ẩm mốc;
sắp xếp gọn gàng đúng nơi quy định;
b) Mặt nạ phòng độc cách ly, mặt nạ lọc
độc, khẩu trang lọc độc phải được lau chùi sạch sẽ; kiểm tra lượng khí trong bình và kiểm tra độ kín của
van, mặt trùm và phải được nạp đầy khí trước khi đưa vào bảo quản.
2. Bảo quản, bảo dưỡng
a) Ủng và găng tay cách điện, quần áo
cách nhiệt, quần áo chống hóa chất, quần áo chống phóng xạ phải dùng khăn mềm,
nhúng vào nước ấm lau khô và để đúng nơi quy định. Riêng quần áo cách nhiệt
không được gấp mà phải treo để tránh nhàu nát;
b) Máy san nạp khí cho mặt nạ phòng độc
phải được lau chùi thường xuyên, cụ thể: Lau toàn bộ thân máy, bầu lọc khí,
chân đế, giá đỡ, ống nạp khí, bầu xả khí thải, bầu lọc khí động cơ, thùng đựng
xăng; điều chỉnh tốc độ động cơ, dây khởi động động cơ, đồng hồ áp suất;
c) Quần, áo, mũ, ủng, găng tay, thắt lưng,
ủng và găng tay cách điện, quần áo cách nhiệt, khẩu trang lọc độc, bộ phận cao
su của mặt trùm phải được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Khi sắp xếp để bảo quản
loại nào nặng hơn thì để ở dưới và nhẹ dần ở trên. Giữa mỗi loại trang phục,
thiết bị chèn một lớp giấy mềm, mỏng và băng phiến để tránh gián, mối;
d) Đối với động cơ của máy san nạp khí
cho mặt nạ phòng độc, trước khi khởi động phải mở công tắc điện khởi động cho
máy nổ; nếu khởi động 3 lần mà máy chưa nổ thì phải kiểm tra lại, không khởi động
liên tục, kéo dài. Trường hợp máy có tiếng nổ khác thường thì phải kiểm tra
nguyên nhân và sửa chữa ngay.
Điều 18. Bảo quản, bảo
dưỡng sau khi chữa cháy, thực tập chữa cháy
1. Quần, áo, mũ, ủng, găng tay, thắt lưng,
khẩu trang chữa cháy phải được làm sạch bên trong, bên ngoài; được phơi khô và
bảo quản ở nơi thoáng, mát.
2. Ủng và găng tay cách điện, quần áo
cách nhiệt sau khi sử dụng phải dùng khăn mềm nhúng vào nước ấm lau khô. Riêng
quần áo cách nhiệt không được gấp mà phải treo để tránh nhàu nát.
3. Mặt nạ phòng độc cách ly, mặt nạ lọc
độc phải được làm sạch sau khi sử dụng. Phải dùng nước ấm rửa sạch và súc sạch
dưới vòi nước chảy, dùng khăn mềm lau khô và phải được phơi hoặc sấy khô; tháo
các bình khí đem đi nạp đầy; kiểm tra giá đỡ lưng, dây đeo, van, khóa, các khớp
nối, van nhu cầu thở và mặt trùm trước khi đưa vào bảo quản.
Mục 4. BẢO QUẢN, BẢO DƯỠNG
PHƯƠNG TIỆN CỨU NGƯỜI
Điều 19. Bảo quản, bảo dưỡng
đệm cứu người
1. Bảo quản thường xuyên
a) Lau chùi sạch sẽ toàn bộ phương tiện. Kiểm tra
khả năng làm việc của ống xả và lưới thông hơi;
b) Quan sát, kiểm tra phát hiện vết xước,
đứt bất thường trên phương tiện;
c) Kiểm tra tình trạng căng của các sợi
dây tại khoang dưới của đệm;
d) Kiểm tra mức nhiên liệu của máy phát,
nếu thiếu phải bổ sung;
đ) Để phương tiện ở nơi khô ráo, tránh
tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
2. Bảo quản, bảo dưỡng sau khi chữa
cháy, thực tập chữa cháy
a) Đối với đệm
- Triển khai đệm nhảy và bơm đầy hơi vào
đệm; để đệm căng trong ít nhất 30 phút;
- Kiểm tra các đầu nối và các mối liên kết
(với đệm dùng quạt gió) ở đệm khi đang căng;
- Kiểm tra cáp điện và phích cắm; kiểm
tra nút vặn hơi và bình khí với đệm dùng khí nén;
- Gấp, cuộn đệm theo đúng quy định; kiểm
tra để đảm bảo đệm không bị ẩm, ướt.
b) Kiểm tra động cơ máy phát điện của đệm,
cụ thể:
- Phần làm mát và giải nhiệt của động
cơ; hệ thống lọc khí động cơ; hệ thống súp páp, khe hở súp páp động cơ;
- Bộ phận bơm nhiên liệu, phun nhiên liệu
điện tử;
- Hệ thống lọc nhớt, xả nhớt và làm vệ
sinh những chất dơ bẩn bị đóng trong thời gian máy hoạt động;
- Hệ thống ống áp lực dẫn dầu, bơm tạo
áp suất, van xả dầu;
- Kiểm tra độ hao mòn, độ rơ (bạc đạn, bạc
dầu và các phần cơ khí khác);
- Kiểm tra cốc lắng cặn và tách nước giải
nhiệt, bình làm mát hồi lưu;
- Kiểm tra toàn bộ bu lông, đai ốc của
máy.
3. Sau 2 năm kể từ ngày đưa đệm vào sử dụng
phải kiểm tra chất lượng của đệm bằng cách thả vật nặng 80 kg với diện tích bề
mặt 0,20 m2 ở độ cao 30m lên đệm; thực hiện thử lại ít nhất 3 lần.
Điều 20. Bảo quản, bảo dưỡng
các loại phương tiện cứu người thông dụng khác
Các loại phương tiện cứu người, như dây
cứu người, thang cứu người, ống cứu người... phải được bảo quản, bảo dưỡng thường
xuyên theo các nội dung sau đây:
1. Kiểm tra tình trạng kỹ thuật của
phương tiện; vệ sinh sạch sẽ, sắp xếp trên giá kê, sàn kê hoặc trong tủ bảo quản
theo từng chủng loại, chất lượng.
2. Tránh để phương tiện tiếp xúc trực tiếp
với ánh nắng mặt trời; nếu để phương tiện ngoài trời phải che phủ phương tiện để
tránh mưa, nắng.
3. Không để phương tiện gần xăng, dầu,
axít và các hóa chất ăn mòn hoặc để dầu mỡ bám vào phương tiện.
Mục 5. BẢO QUẢN, BẢO DƯỠNG
PHƯƠNG TIỆN, DỤNG CỤ PHÁ DỠ
Điều 21. Bảo quản, bảo
dưỡng thường xuyên
1. Sắp xếp, làm sạch phương tiện, dụng cụ.
2. Kiểm tra mức nhiên liệu của máy bơm
thủy lực, mức dầu thủy lực trong bình chứa, nếu thiếu phải bổ sung.
3. Phát hiện khiếm khuyết của lưỡi cắt,
cưa..., các chi tiết của máy phát.
4. Kiểm tra và làm sạch các bộ phận của
máy cắt, cụ thể: Le gió; bộ lọc nhiên liệu, bugi, gờ làm mát trên xilanh, bộ giảm
thanh, độ căng của dây đai truyền động; lưỡi cắt và hộp số; ốp bảo vệ lưỡi cắt;
bộ khởi động, dây khởi động và bên ngoài lỗ nạp khí; đai ốc và bu lông, công tắc
dừng; nắp bình nhiên liệu và mối hàn.
Điều 22. Bảo quản, bảo
dưỡng sau khi chữa cháy, thực tập chữa cháy
1. Máy cắt, máy kéo, máy banh, máy kích
sau khi chữa cháy, thực tập chữa cháy về phải được kiểm tra, vệ sinh sạch sẽ,
phơi khô trước khi cất giữ.
2. Kiểm tra lưỡi cắt; đóng lưỡi cắt và gập
đầu lưỡi vào khi không hoạt động; kiểm tra và làm sạch lưỡi tách, hàm ê tô; kiểm
tra các đầu rãnh của kích. Đối với máy bơm thủy lực phải kiểm tra mức nhiên liệu
của động cơ và mức dầu thủy lực của bình chứa.
3. Kiểm tra hoạt động của cần điều khiển,
hoạt động của động cơ máy bơm thủy lực, hoạt động của van xả áp.
Mục 6. BẢO QUẢN, BẢO DƯỠNG
THIẾT BỊ, DỤNG CỤ THÔNG TIN LIÊN LẠC, CHỈ HUY CHỮA CHÁY
Điều 23. Bảo quản, bảo dưỡng
thường xuyên
1. Đối với bộ đàm cầm tay
a) Tắt máy; dùng vải mềm lau sạch các bộ
phận của máy như thân máy, ăng ten, núm chuyển kênh, núm xoay tăng, giảm âm lượng,
các phím chức năng và ăng ten;
b) Tháo pin ra khỏi bộ đàm và dùng vải mềm
vệ sinh sạch các tiếp điểm của pin và chân cực tiếp xúc với máy;
c) Kiểm tra tình trạng tiếp xúc của chân
pin với đế sạc để bảo đảm việc sạc pin được bình thường;
d) Sau khi vệ sinh máy, tiến hành lắp
ăng ten, lắp pin vào máy và mở công tắc nguồn để máy hoạt động trở lại.
2. Đối với bộ đàm cố định 25 - 50w lắp
trên xe
a) Kiểm tra đầu nối nguồn tại cọc đấu ắc
quy, bảo đảm tiếp xúc tốt;
b) Kiểm tra ăng ten, không để chạm ra vỏ
xe;
c) Kiểm tra sự hoạt động của bộ chuyển
nguồn, ắc quy cho bộ đàm, bảo đảm cung cấp nguồn ổn định.
3. Đối với tủ để thiết bị dò sóng kỹ thuật
số và các thiết bị khác trong tủ
a) Vệ sinh trong và ngoài tủ;
b) Luôn đóng các cửa trước, sau và nắp
đáy của tủ;
c) Kiểm tra tiếp xúc ổ cắm nguồn cấp điện cho
tủ; nếu bị lỏng phải thay ổ cắm khác.
Điều 24. Bảo quản, bảo
dưỡng sau khi chữa cháy, thực tập chữa cháy
1. Tắt máy bộ đàm cầm tay.
2. Tháo pin, ăng ten, tai nghe ra khỏi
thiết bị và dùng vải mềm vệ sinh sạch.
3. Vệ sinh sạch thân máy và các điểm tiếp
xúc với pin; nạp pin cho bộ đàm.
Điều 25. Bảo quản, bảo dưỡng
định kỳ
1. Định kỳ một năm phải thực hiện bảo quản,
bảo dưỡng 01 lần.
2. Bảo quản, bảo dưỡng
a) Đối với trạm thu, phát trung tâm: Đo
công suất phát, độ nhạy thu phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của máy; đo điện
trở tiếp đất;
b) Đối với cột ăng ten: Kiểm tra dây co,
độ lệch tâm của cột ăng ten; kiểm tra góc độ thích hợp của ăng ten, xử lý khi
có các điểm che chắn mới;
c) Đối với máy bộ đàm cố định 25 - 50w lắp
trên xe: Kiểm tra và đo công suất phát, độ nhạy thu phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ
thuật; kiểm tra toàn bộ phần nguồn cấp cho thiết bị; thử khoảng cách liên lạc;
d) Đối với máy bộ đàm cầm tay: Kiểm tra
và đo công suất phát, độ nhạy thu phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật; kiểm tra và
đo dung lượng pin cho máy bộ đàm cầm tay; thử khoảng cách liên lạc;
đ) Đối với thiết bị liên kết đa mạng
ACU-T/ACU-1000: Kiểm tra đầu nối tiếp xúc với các dây cáp; kiểm tra và thử các
thiết bị phần cứng để kết nối đến các mạng DSP, PSTN, HSP-2; thử các kết nối đa
mạng.
Mục 7. BẢO QUẢN, BẢO DƯỠNG
HỆ THỐNG BÁO CHÁY, CHỮA CHÁY
Điều 26. Bảo quản, bảo
dưỡng hệ thống báo cháy tự động, bán tự động
1. Hệ thống báo cháy tự động, bán tự động
sau khi lắp đặt phải được chạy thử nghiệm để kiểm tra chất lượng và chỉ được
đưa vào hoạt động sau khi có kết quả chạy thử nghiệm cho thấy hệ thống đáp ứng
đầy đủ các yêu cầu của thiết kế và các tiêu chuẩn liên quan.
2. Hệ thống báo cháy tự động, bán tự động
sau khi đưa vào hoạt động phải được kiểm tra ít nhất mỗi năm hai lần để đánh
giá chất lượng và khả năng hoạt động của các thiết bị trong hệ thống.
3. Việc bảo quản định kỳ được thực hiện
tùy theo điều kiện môi trường nơi lắp đặt và theo hướng dẫn của nhà sản xuất,
nhưng ít nhất hai năm một lần phải tổ chức bảo quản toàn bộ hệ thống.
Việc bảo quản hệ thống báo cháy tự động,
bán tự động phải tuân theo chỉ dẫn của nhà sản xuất và theo TCVN 5738:2001.
Điều 27. Bảo quản, bảo
dưỡng hệ thống chữa cháy tự động, bán tự động
1. Hệ thống chữa cháy tự động, bán tự động
sau khi lắp đặt phải được chạy thử nghiệm để kiểm tra chất lượng và chỉ được
đưa vào hoạt động sau khi có kết quả chạy thử nghiệm cho thấy hệ thống đáp ứng đầy đủ các
yêu cầu của thiết kế và các tiêu chuẩn liên quan.
2. Hệ thống chữa cháy tự động, bán tự động
sau khi đưa vào hoạt động phải được bảo quản định kỳ mỗi năm 01 lần để đánh giá
chất lượng và khả năng hoạt động của các thiết bị trong hệ thống.
3. Việc bảo quản hệ thống chữa cháy tự động,
bán tự động phải tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất và các tiêu chuẩn chuyên
ngành (TCVN 6101:1996, TCVN 6305:1997, TCVN 71611:2002, TCVN 7336:2003, các
tiêu chuẩn khác có liên quan).
Chương IV
TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
Điều 28. Hiệu lực thi
hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 25 tháng 12 năm 2014 và thay thế các quy định trước đây của Bộ Công an về
quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
Điều 29. Trách nhiệm
thi hành
1. Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy,
chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực
hiện Thông tư này.
2. Các Tổng cục trưởng, Thủ trưởng các đơn
vị trực thuộc Bộ Công an, Giám đốc Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Thông tư này.
3. Đề nghị Thủ trưởng các Bộ, cơ quan
ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ
Công an trong việc quản lý, kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý, bảo quản,
bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy của cơ quan, tổ chức, cơ sở do Bộ,
ngành, địa phương mình quản lý.
Trong quá trình thực hiện Thông tư này,
nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương, các tổ chức, cá
nhân có liên quan báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy
và cứu nạn, cứu hộ) để kịp thời hướng dẫn.
Nơi nhận:
-
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an;
- Các Tổng cục, đơn vị trực thuộc Bộ Công an;
- Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Lưu: VT, C66, V19.
|
BỘ TRƯỞNG
Đại tướng Trần Đại Quang
|
|
|
Mẫu
số 01
|
|
BỘ CÔNG AN
………..
|
Ban hành kèm
theo Thông tư số 52/2014/TT-BCA ngày
28/10/2014
|
SỔ THEO DÕI
HOẠT ĐỘNG CỦA XE CHỮA CHÁY, XE CHUYÊN DÙNG
PHỤC VỤ CHỮA CHÁY, TÀU, XUỒNG CHỮA CHÁY
LOẠI XE, TÀU, XUỒNG: ………………..
BIỂN ĐĂNG KÝ: …………………………
ĐƠN VỊ: …………………………………..
Tính từ ngày……tháng……năm ......
Đến ngày……tháng…….năm .......
I. LÝ LỊCH XE, TÀU,
XUỒNG
- Loại xe, tàu, xuồng:
……………………………………..
- Biển đăng ký: ……………………………………………
- Số máy: ………………………………………………….
- Số khung: ……………………………………………….
- Thời gian nhận xe, tàu, xuồng:
……………………….
- Thời gian trung, đại tu: ………………………………..
- Thời gian ngừng hoạt động: .....................................
- Thời gian thanh lý: …………………………………….
- Đơn vị sử dụng: ………………………………………..
……………………………………………………………..
|
Ngày ...
tháng ... năm
…
…………………………
…………………………
|
|