BỘ TÀI NGUYÊN
VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
16/2021/TT-BTNMT
|
Hà Nội, ngày 27
tháng 9 năm 2021
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH XÂY DỰNG ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ
TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Luật Ban
hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành
văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP
ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện
pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 154/2020/NĐ-CP
ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của
Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn
bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP
ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài
chính và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
Thông tư quy định xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý
nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định xây dựng định mức kinh tế - kỹ
thuật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, gồm: lập,
phê duyệt, điều chỉnh Chương trình xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật; xây dựng,
thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật; nội dung và kỹ thuật trình bày
định mức kinh tế - kỹ thuật.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá
nhân có liên quan đến hoạt động xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc phạm
vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Định mức kinh tế - kỹ thuật (sau đây viết
tắt là định mức) là mức hao phí cần thiết về lao động, vật liệu, dụng cụ, năng
lượng, nhiên liệu, máy móc, thiết bị để hoàn thành một đơn vị sản phẩm (hoặc một
khối lượng công việc nhất định) trong một điều kiện cụ thể của một hoạt động, dịch
vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Máy móc, thiết bị là công cụ lao động thuộc
tài sản cố định hữu hình và tài sản cố định vô hình theo quy đỊnh của pháp luật
về tài sản cố định (không bao gồm nhà xưởng và quyền sử dụng đất) mà người lao
động sử dụng để tạo ra sản phẩm.
3. Dụng cụ là công cụ lao động thuộc loại
tài sản không đủ tiêu chuẩn, quy định là tài sản cố định theo quy định của pháp
luật mà người lao động sử dụng để trong quá trình tạo ra sản phẩm (kìm, búa, cờ
lê, quần áo bảo hộ và các dụng cụ khác tương tự) và giá trị tài sản được phân bổ
vào chi phí tạo ra sản phẩm trong thời gian ngắn theo quy định của Bộ trưởng Bộ
Tài chính.
4. Vật liệu, năng lượng, nhiên liệu là hao
phí đầu vào trong một quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm.
Điều 4. Nguyên tắc xây dựng định
mức
1. Tuân thủ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia, quy định kỹ thuật, quy trình kỹ thuật được cơ quan nhà nước có thẩm quyền
công bố, ban hành đối với một quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm và đáp ứng
yêu cầu chung về kết cấu của các loại định mức; đảm bảo tính tiên tiến, tính thống
nhất và tính kế thừa (nếu có).
2. Định mức được xây dựng trên cơ sở thực tiễn sản
xuất, bảo đảm tính ổn định trong thời gian nhất định; khi có sự thay đổi công
nghệ, quy định pháp luật hoặc không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn thì định
mức phải được điều chỉnh hoặc xây dựng mới.
3. Định mức sản phẩm tương đồng giữa các lĩnh vực
thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường phải bảo đảm
tính thống nhất.
4. Bảo đảm sự tập trung thống nhất trong công tác
xây dựng định mức; khuyến khích, phát huy quyền chủ động của cơ quan, đơn vị, tổ
chức, cá nhân tham gia xây dựng định mức thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ
Tài nguyên và Môi trường.
5. Bảo đảm tính đúng, tính đủ các hao phí cần thiết
để hoàn thành một bước công việc hoặc tạo ra một sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định kỹ thuật, quy trình kỹ thuật do cơ quan nhà
nước có thẩm quyền công bố, ban hành.
Điều 5. Kinh phí xây dựng định
mức
1. Kinh phí xây dựng định mức được bố trí từ nguồn
ngân sách nhà nước hoặc các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
2. Việc lập, phân bổ, quản lý kinh phí xây dựng định
mức thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật
khác có liên quan.
Chương II
QUY TRÌNH XÂY DỰNG ĐỊNH
MỨC
Mục 1. LẬP, PHÊ DUYỆT, ĐIỀU CHỈNH
CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG ĐỊNH MỨC
Điều 6. Căn cứ lập Chương trình
xây dựng định mức
1. Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân
sách nhà nước lĩnh vực tài nguyên và môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm
quyền ban hành.
2. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm (05)
năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3. Chương trình, đề án, dự án của các lĩnh vực thuộc
phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường được cơ quan nhà nước
có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 7. Lập Chương trình xây dựng
định mức
1. Chương trình xây dựng định mức thuộc phạm vi quản
lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường được tổ chức lập vào năm cuối của kỳ
kế hoạch năm (05) năm; chậm nhất trước ngày 15 tháng 7 năm cuối kỳ kế hoạch, Sở
Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức, cá nhân gửi đề xuất về Bộ Tài nguyên
và Môi trường để xem xét, tổng hợp.
2. Các đơn vị quản lý nhà nước trực thuộc Bộ Tài
nguyên và Môi trường rà soát, tổng hợp danh mục chương trình xây dựng định mức
thuộc lĩnh vực được giao quản lý theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này,
trước ngày 30 tháng 7 gửi Vụ Kế hoạch - Tài chính để tổng hợp, trình Bộ trưởng
Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3. Chương trình xây dựng định mức phải được gửi xin
ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; trường hợp,
đề xuất xây dựng định mức chưa phù hợp cần phải sửa đổi, bổ sung, Bộ Tài nguyên
và Môi trường chỉ đạo đơn vị quản lý nhà nước có liên quan tiếp thu, giải
trình, hoàn thiện Chương trình xây dựng định mức trước ngày 31 tháng 8.
Điều 8. Phê duyệt Chương trình
xây dựng định mức
1. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt
Chương trình xây dựng định mức trước ngày 30 tháng 9 năm cuối kỳ kế hoạch.
2. Chương trình xây dựng định mức được phê duyệt gồm
các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Mục đích, yêu cầu;
b) Tên định mức (sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới);
đơn vị thực hiện; thời gian ban hành;
c) Tổ chức thực hiện.
Điều 9. Điều chỉnh Chương trình
xây dựng định mức
1. Các trường hợp điều chỉnh Chương trình xây dựng
định mức:
a) Có thay đổi quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình
công nghệ, chế độ chính sách mới đối với định mức thành phần hoặc bất cập trong
quá trình thực hiện đối với các định mức đã được ban hành;
b) Theo yêu cầu của công tác quản lý nhà nước cần bổ
sung định mức mới hoặc cắt giảm đối với định mức chưa cần thiết;
c) Các cơ quan quản lý nhà nước không thực hiện
theo Chương trình xây dựng định mức trong trường hợp bất khả kháng.
2. Chương trình xây dựng định mức được điều chỉnh định
kỳ vào năm thứ 3 (ba) kể từ khi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt;
các trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định.
a) Sau 02 (hai) năm thực hiện Chương trình xây dựng
định mức, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát Chương
trình xây dựng định mức đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt,
gửi đề xuất sửa đổi, bổ sung về các đơn vị quản lý nhà nước theo lĩnh vực trực
thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 7 để tổng hợp;
b) Quy trình điều chỉnh Chương trình xây dựng định
mức thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.
3. Trường hợp đặc biệt, việc điều chỉnh, bổ sung
Chương trình xây dựng định mức ngoài thời điểm quy định tại khoản 2 Điều này,
các tổ chức, cá nhân gửi đề xuất về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, quyết
định việc điều chỉnh Chương trình xây dựng định mức.
Điều 10. Kế hoạch thực hiện
Chương trình xây dựng định mức
1. Căn cứ Chương trình xây dựng định mức do Bộ trưởng
Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, các đơn vị quản lý nhà nước trực thuộc Bộ
Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì xây dựng định mức có trách nhiệm ban
hành Kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng định mức trong thời hạn không quá
10 ngày kể từ ngày Chương trình xây dựng định mức được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên
và Môi trường phê duyệt.
2. Kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng định mức
của đơn vị quản lý nhà nước trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cụ thể, chi
tiết các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư này;
trong đó xác định cụ thể danh mục định mức kinh tế kỹ thuật chi tiết, thời gian
xây dựng đỊnh mức, thời gian dự kiến trình ban hành.
Điều 11. Báo cáo tình hình, kết
quả thực hiện Chương trình xây dựng định mức
1. Cơ quan quản lý nhà nước theo lĩnh vực được giao
chủ trì xây dựng định mức thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng năm hoặc đột xuất
về tình hình và kết quả xây dựng định mức và gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường
để tổng hợp, theo dõi hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
2. Văn bản báo cáo tình hình thực hiện Chương trình
hằng năm gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30 tháng 11.
Mục 2. XÂY DỰNG, THẨM ĐỊNH VÀ
BAN HÀNH ĐỊNH MỨC
Điều 12. Điều kiện xây dựng định
mức
1. Điều kiện xây dựng định mức:
a) Thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng
ngân sách nhà nước lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường được
cơ quan có thẩm quyền ban hành;
b) Công việc hoặc sản phẩm đã được cơ quan nhà nước
có thẩm quyền công bố, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc
quy định kỹ thuật;
c) Công việc hoặc sản phẩm (hoặc sản phẩm tương đồng)
đã được thực hiện, hoàn thành, đảm bảo đủ căn cứ, cơ sở xác định các hao phí cần
thiết.
2. Định mức công việc hoặc sản phẩm hoàn thành được
xây dựng khi đáp ứng đồng thời các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 13. Trình tự xây dựng định
mức
1. Lập danh mục công việc của nhiệm vụ xây dựng định
mức, bảo đảm yêu cầu thế hiện rõ đơn vị tính khối lượng, đáp ứng các yêu cầu về
kỹ thuật và công nghệ, các điều kiện và biện pháp chủ yếu thực hiện.
2. Xác định thành phần công việc thực hiện theo các
bước công việc hoặc hạng mục công việc đáp ứng yêu cầu quy định kỹ thuật từ khi
chuẩn bị đến khi hoàn thành.
3. Tính toán xác định các hao phí lao động, công cụ,
dụng cụ, vật liệu, năng lượng, nhiên liệu, sử dụng máy móc, thiết bị.
4. Lập định mức chi tiết cho từng bước công việc
trên cơ sở các hao phí lao động, công cụ, dụng cụ, vật liệu, năng lượng, nhiên
liệu, sử dụng máy móc, thiết bị.
Điều 14. Thẩm định, ban hành định
mức
1. Việc thẩm định, ban hành định mức thực hiện theo
quy định của Thông tư số 32/2016/TT-BTNMT
ngày 07 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về
xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của
Bộ Tài nguyên và Môi trường (sau đây viết tắt là Thông tư số 32/2016/TT-BTNMT).
2. Thành phần hồ sơ thẩm định dự thảo Thông tư ban
hành định mức thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Thông
tư số 32/2016/TT-BTNMT và kèm theo Bảng tính thử đơn giá của từng loại sản
phẩm được tính trên cơ sở dự thảo định mức và theo hướng dẫn lập dự toán kinh
phí, so sánh với chi phí thực tế hoặc đơn giá của sản phẩm đã có định mức.
Chương III
NỘI DUNG VÀ KỸ THUẬT
TRÌNH BÀY ĐỊNH MỨC
Điều 15. Nội dung của định mức
1. Định mức lao động.
2. Định mức dụng cụ lao động.
3. Định mức tiêu hao vật liệu.
4. Định mức tiêu hao năng lượng.
5. Định mức tiêu hao nhiên liệu.
6. Định mức sử dụng máy móc, thiết bị.
Điều 16. Định mức lao động
1. Định mức lao động là hao phí thời gian lao động
cần thiết của người lao động trực tiếp sản xuất ra một sản phẩm (hoặc thực hiện
một bước công việc hoặc một công việc cụ thể) và thời gian nghỉ được hưởng
nguyên lương theo quy định của pháp luật hiện hành. Định mức lao động trực tiếp
bao gồm: lao động kỹ thuật; lao động phục vụ (lao động phổ thông).
a) Lao động kỹ thuật là lao động được đào tạo về
chuyên môn nghiệp vụ theo chuyên ngành về tài nguyên và môi trường và các ngành
nghề khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
Định mức lao động kỹ thuật là hao phí thời gian lao
động kỹ thuật trực tiếp cần thiết để hoàn thành một sản phẩm (hoặc để thực hiện
một bước công việc hoặc thực hiện một công việc cụ thể), bao gồm: lao động ngoại
nghiệp và lao động nội nghiệp, thời gian nghỉ được hưởng nguyên lương theo quy
định của pháp luật hiện hành.
b) Lao động phục vụ (lao động phổ thông) là lao động
giản đơn để vận chuyển thiết bị, vật tư, mẫu vật, dẫn đường và các hoạt động
khác trong quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm.
2. Thành phần định mức lao động gồm:
a) Nội dung công việc: liệt kê mô tả nội dung công
việc, các thao tác cơ bản, thao tác chính để thực hiện công việc;
b) Xác định điều kiện chuẩn (phân loại mức khó
khăn): xác định các yếu tố cơ bản như địa hình, địa vật, giao thông, thời tiết,
địa chất và các điều kiện khác liên quan đến thực hiện công việc; xác định các
mức khó khăn khác với điều kiện chuẩn;
c) Định biên: mô tả vị trí việc làm của từng lao động
trong từng công đoạn, chu trình của công việc đến khi tạo ra sản phẩm. Trên cơ
sở đó xác định số lượng và cấp bậc lao động cụ thể để thực hiện từng nội dung của
từng công đoạn của công việc trong chu trình lao động đến khi hoàn thành sản phẩm;
d) Định mức: thời gian lao động trực tiếp cần thiết
để hoàn thành một sản phẩm; đơn vị tính là công cá nhân hoặc công nhóm/01 đơn vị
sản phẩm. Mức lao động ngoại nghiệp, nếu công việc có lao động phục vụ (lao động
phổ thông) thể hiện dưới dạng phân số, trong đó tử số là mức lao động kỹ thuật
(tính theo công nhóm, công cá nhân); mẫu số là mức lao động phổ thông (tính
theo công đơn). Định mức lao động được xác định riêng cho hoạt động ngoại nghiệp
và nội nghiệp.
3. Công lao động bao gồm: công đơn và công nhóm; thời
gian lao động đối với một ngày công là 08 giờ làm việc đối với lao động bình
thường và 06 giờ làm việc đối với công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc
biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
a) Công đơn (công cá nhân): là công lao động xác định
cho một lao động trực tiếp thực hiện một bước công việc tạo ra sản phẩm;
b) Công nhóm: là công lao động xác định cho một nhóm
lao động trực tiếp thực hiện một sản phẩm hoặc bước công việc tạo ra sản phẩm;
c) Thời gian nghỉ được hưởng nguyên lương đối với
lao động trực tiếp, bao gồm: nghỉ phép, nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có),
nghỉ lễ tết, nghỉ hội họp, học tập, tập huấn) được tính là 34 ngày trên tổng số
312 ngày làm việc của một (01) năm.
4. Xác định hao phí lao động tăng thêm so với điều
kiện chuẩn, bao gồm: yếu tố về tự nhiên như: địa hình, địa vật, giao thông, địa
chất, thời tiết. Các mức độ ảnh hưởng đến việc thực hiện (hao phí thời gian)
chênh nhau từ 10% đến 20%, cá biệt không quá 30% của các loại, hạng, nhóm liền
kề.
5. Mức lao động công việc ngoại nghiệp khi phải ngừng
nghỉ việc do hiện tượng thời tiết được quy định cụ thể trong nội dung định mức
và áp dụng theo quy định pháp luật liên quan.
Điều 17. Định mức dụng cụ lao
động
1. Xác định nhu cầu sử dụng dụng cụ cần thiết trong
từng công đoạn của chu trình của công việc đến khi hoàn thành sản phẩm.
2. Xác định danh mục, chủng loại, công năng của dụng
cụ lao động theo nhu cầu sử dụng trong từng công đoạn của chu trình của công việc
đến khi hoàn thành sản phẩm.
3. Xác định thời hạn sử dụng dụng cụ lao động để
làm căn cứ xác định định mức sử dụng:
a) Dụng cụ lao động: danh mục và thời hạn sử dụng
quy định của Bộ Tài chính;
b) Các loại bảo hộ lao động: thời hạn sử dụng của từng
loại theo quy định pháp luật hiện hành;
c) Dụng cụ lao động khác (đồ thủy tinh, đồ sứ, đồ
nhựa, đồ gỗ, đồ kim loại): thời hạn sử dụng từ 12 tháng đến 36 tháng.
4. Xác định định mức dụng cụ lao động: là hao phí về
dụng cụ lao động được sử dụng để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm trong điều kiện
chuẩn.
5. Định mức dụng cụ lao động được tính tương ứng với
định mức lao động có sử dụng dụng cụ lao động.
Điều 18. Định mức tiêu hao vật
liệu
1. Xác định nhu cầu sử dụng vật liệu cần thiết
trong từng công đoạn của chu trình của công việc đến khi hoàn thành sản phẩm.
2. Xác định danh mục, chủng loại vật liệu theo nhu
cầu sử dụng trong từng công đoạn của chu trình của công việc đến khi hoàn thành
sản phẩm.
3. Xác định định mức tiêu hao vật liệu: mức tiêu
hao cho từng loại vật liệu để tạo ra một đơn vị sản phẩm hoặc một bước công việc
tạo ra sản phẩm.
Điều 19. Định mức tiêu hao
năng lượng
1. Xác định nhu cầu sử dụng năng lượng cần thiết
trong từng công đoạn của chu trình của công việc đến khi hoàn thành sản phẩm.
2. Xác định danh mục, chủng loại năng lượng theo
nhu cầu sử dụng trong từng công đoạn của chu trình của công việc đến khi hoàn
thành sản phẩm.
3. Xác định định mức tiêu hao năng lượng: xác định
theo công suất máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ có sử dụng năng lượng và thời
gian thực hiện để tạo ra một đơn vị sản phẩm hoặc một bước công việc tạo ra sản
phẩm. Đối với điện năng, được tính thêm hao phí đường dây không quá 5%.
Điều 20. Định mức tiêu hao
nhiêu liệu
1. Xác định nhu cầu sử dụng nhiên liệu cần thiết
trong từng công đoạn của chu trình của công việc đến khi hoàn thành sản phẩm.
2. Xác định danh mục, chủng loại nhiên liệu theo
nhu cầu sử dụng trong từng công đoạn của chu trình của công việc đến khi hoàn
thành sản phẩm.
3. Xác định định mức tiêu hao nhiên liệu: định theo
công suất máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ có sử dụng nhiên liệu và thời
gian thực hiện để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm hoặc một bước công việc tạo
ra sản phẩm.
Điều 21. Định mức sử dụng máy
móc, thiết bị
1. Xác định nhu cầu sử dụng máy móc, thiết bị, phần
mềm cần thiết trong từng công đoạn của chu trình của công việc đến khi hoàn
thành sản phẩm.
2. Xác định danh mục, chủng loại, công năng, công suất
của máy móc, thiết bị, phần mềm theo nhu cầu sử dụng trong từng công đoạn của
chu trình công việc đến khi hoàn thành sản phẩm. Đối với những máy móc, thiết bị
có sử dụng điện hoặc sử dụng nhiên liệu cần được xác định mức tiêu hao của từng
loại máy móc, thiết bị.
3. Xác định định mức sử dụng máy móc, thiết bị được
tính bằng số ca máy trực tiếp sử dụng để tạo ra một đơn vị sản phẩm hoặc bước
công việc tạo ra sản phẩm.
4. Xác định thời hạn sử dụng máy móc, thiết bị: đối
với máy móc, thiết bị là tài sản cố định, thời hạn sử dụng theo quy định của Bộ
Tài chính.
5. Xác định định mức sử dụng máy móc, thiết bị để tạo
ra sản phẩm hoặc bước công việc tạo ra sản phẩm: tính tương ứng với định mức
lao động có sử dụng máy móc, thiết bị.
Điều 22. Phương pháp xây dựng
định mức
Tùy theo tính chất công việc cụ thể, tùy theo loại
sản phẩm cụ thể, năng lực chuyên môn của tổ chức, cá nhân xây dựng định mức mà
quyết định đồng thời hoặc một trong các phương pháp xây dựng định mức như sau:
1. Phương pháp thống kê, tổng hợp: là phương pháp
xây dựng định mức dựa vào các tài liệu thu thập (khảo sát, chụp ảnh, bấm giờ và
các phương pháp khác tương tự) về hao phí thời gian lao động, hao phí vật liệu
và thời gian sử dụng các loại dụng cụ, thiết bị thực tế để hoàn thành công việc,
sản phẩm cần xây dựng mức.
2. Phương pháp so sánh: là phương pháp xây dựng định
mức dựa vào các định mức của công việc, sản phẩm tương đồng đã thực hiện trong
thực tế.
3. Phương pháp kinh nghiệm: là phương pháp xây dựng
định mức dựa vào kinh nghiệm tích lũy được của cán bộ xây dựng định mức hoặc
công nhân kỹ thuật đã thực hiện trong thực tế.
4. Phương pháp phân tích: là phương pháp xây dựng định
mức dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn để phân tích từng nội dung công việc,
các yếu tố tác động và hao phí cần thiết của từng công đoạn trong chu trình tạo
ra sản phẩm (bao gồm: phân tích khảo sát, phân tích tính toán).
5. Phương pháp tiêu chuẩn: là căn cứ vào những tiêu
chuẩn, quy định của nhà nước về thời gian lao động, chế độ nghỉ ngơi để xây dựng
định mức lao động cho từng công việc.
Điều 23. Bố cục của định mức
1. Bố cục của định mức gồm quy định chung và nội
dung định mức.
2. Quy định chung của định mức phải nêu rõ: phạm vi
điều chỉnh; đối tượng áp dụng; cơ sở xây dựng và chỉnh lý định mức; quy định viết
tắt; hệ số điều chỉnh chung do ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên, yếu tố kinh tế
- xã hội và các quy định khác (nếu có).
3. Căn cứ yêu cầu công việc cần xây dựng định mức,
đơn vị chủ trì xây dựng định mức vận dụng Mẫu số 02 kèm theo Thông tư này để
xây dựng nội dung định mức cho phù hợp, thuận tiện trong quá trình áp dụng.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 24. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực
thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2021 và thay thế Thông tư số 04/2017/TT-BTNMT ngày
03 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định xây dựng
định mức kinh tế - kỹ thuật ngành tài nguyên và môi trường.
2. Các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu tại
Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật
khác thì áp dụng theo các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung,
thay thế đó.
Điều 25. Trách nhiệm thi hành
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở
Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Thông tư này.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó
khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ
Tài nguyên và Môi trường để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ:
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ TN&MT;
- Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công báo; Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, Cổng TTĐT Bộ TN&MT;
- Lưu: VT, PC, KHTC(md).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Quý Kiên
|
Mẫu
số 01. Đề xuất Chương trình xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật
(Kèm theo Thông
tư số 16/2021/TT-BTNMT ngày 27 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và
Môi trường)
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
(Tên cơ quan đề xuất)
|
|
ĐỀ XUẤT CHƯƠNG
TRÌNH XÂY DỰNG ĐỊNH MỨC KT-KT GIAI ĐOẠN NĂM ...
STT
|
Danh mục
|
Sự cần thiết
|
Cơ sở pháp lý
|
Cơ sở khoa học
|
Thời gian ban
hành
|
Đơn vị thực hiện
|
Ghi chú
|
1
|
2
|
3
|
4
|
5
|
6
|
7
|
8
|
I
|
Định mức sửa đổi, bổ sung
|
|
|
|
|
|
|
1
|
Tên định mức....
|
….
|
…
|
….
|
|
|
|
2
|
Tên định mức ....
|
|
|
|
|
|
|
|
………………………
|
|
|
|
|
|
|
II
|
Định mức xây dựng mới
|
|
|
|
|
|
|
1
|
Tên định mức...
|
….
|
…
|
….
|
|
|
|
2
|
Tên định mức ....
|
|
|
|
|
|
|
|
………………………
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú:
(2) Danh mục: Chi tiết tên từng định mức.
(3) Sự cần thiết: Thực hiện các chương trình, nhiệm
vụ, dự án. Đối với các định mức đề xuất sửa đổi cần nên rõ lý do sửa đổi (cơ chế
chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định kỹ thuật, công
nghệ hoặc do các bất cập trong quá trình thực hiện... và cụ thể nội dung điều
chỉnh theo danh mục chi tiết định mức kinh tế - kỹ thuật đã ban hành).
(4) Cơ sở pháp lý: Quy định pháp luật thực hiện
nhiệm vụ (Luật, Nghị quyết Quốc hội, Thường vụ Quốc hội, Nghị định, Thông tư
Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).
(5) Cơ sở khoa học: Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia, quy định kỹ thuật.
Mẫu
số 02. Bố cục Định mức kinh tế - kỹ thuật
(Kèm theo Thông
tư số 16/2021/TT-BTNMT ngày 27 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và
Môi trường)
BỘ TÀI NGUYÊN
VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
ĐỊNH MỨC KINH TẾ
- KỸ THUẬT
(Tên định mức ban
hành định mức)
(Ban hành kèm
theo……)
Phần I
QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi điều chỉnh
2. Đối tượng áp dụng
3. Căn cứ xây dựng và sửa đổi định mức kinh tế - kỹ
thuật
4. Quy định viết tắt
5. Quy định về sử dụng định mức.
- Các nội dung không có trong định mức.
- Hệ số điều chỉnh chung so với điều kiện chuẩn (nếu
có).
- Hệ số điều chỉnh thời tiết
- Hệ số vùng...
6. Các Quy định khác (nếu có)
Phần II
ĐỊNH MỨC KINH TẾ
- KỸ THUẬT
1. Sản phẩm thứ 1
1.1. Định mức lao động
1.1.1. Nội dung công việc
1.1.2. Phân loại khó khăn (KK1, KK2...)
1.1.3. Định biên
Bảng số 01
TT
|
Loại lao động
Hạng mục
|
Lao động kỹ thuật
|
Lao động phục vụ
|
Số lượng Nhóm
|
Loại 1
|
Loại 2
|
Loại 3
|
…
|
1
|
Bước công việc 1
|
|
|
|
|
|
|
2
|
Bước công việc 2
|
|
|
|
|
|
|
|
……
|
|
|
|
|
|
|
n
|
Bước công việc n
|
|
|
|
|
|
|
1.1.4. Định mức
Bảng số 02
TT
|
Hạng mục công
việc
|
Đơn vị tính
|
KK1
|
KK2
|
...
|
1
|
|
|
|
|
|
2
|
|
|
|
|
|
…
|
|
|
|
|
|
1.2. Định mức sử dụng máy móc, thiết bị
Bảng số 03
TT
|
Danh mục thiết
bị
|
Đơn vị tính
|
KK1
|
KK2
|
…
|
1
|
|
|
|
|
|
2
|
|
|
|
|
|
…
|
|
|
|
|
|
1.3. Định mức dụng cụ lao động
Bảng số 04
TT
|
Danh mục dụng cụ
|
Đơn vị tính
|
Thời hạn sử dụng
(tháng)
|
Mức tiêu hao
|
1
|
|
|
|
|
2
|
|
|
|
|
…
|
|
|
|
|
1.4. Định mức tiêu hao vật liệu
Bảng số 05
TT
|
Danh mục vật liệu
|
Đơn vị tính
|
Mức tiêu hao
|
1
|
|
|
|
2
|
|
|
|
…
|
|
|
|
1.5. Định mức tiêu hao năng lượng
Bảng số 06
TT
|
Danh mục năng
lượng
|
ĐVT
|
Mức tiêu hao
|
1
|
|
|
|
2
|
|
|
|
…
|
|
|
|
1.6. Định mức tiêu hao nhiên liệu
Bảng số 07
TT
|
Danh mục nhiên
liệu
|
ĐVT
|
Mức tiêu hao
|
1
|
|
|
|
2
|
|
|
|
…
|
|
|
|
…………………
2. Sản phẩm thứ 2...n: Xây dựng tương tự sản phẩm
01.
Bảng số ...
Lưu ý: Các bảng mức phải đánh số thứ tự từ đầu đến cuối
trong 01 Bộ định mức (Không phân biệt thuộc mục nào).