THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH XÁC ĐỊNH TIỀN ĐIỆN
THANH TOÁN TRONG CÁC TRƯỜNG HỢP THIẾT BỊ ĐO ĐẾM ĐIỆN KHÔNG CHÍNH XÁC, NGỪNG HOẠT
ĐỘNG HOẶC BỊ MẤT
Căn
cứ Luật Điện lực ngày 30 tháng 11 năm 2024;
Căn
cứ Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương; Nghị định
số 105/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị
định số 96/2022/NĐ-CP và Nghị định số 26/2018/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2018 của
Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
Theo
đề nghị của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực;
Bộ
trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định xác định tiền điện thanh toán
trong các trường hợp thiết bị đo đếm điện không chính xác, ngừng hoạt động hoặc
bị mất.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1.
Thông tư này quy định về xác định tiền điện thanh toán trong các trường hợp thiết
bị đo đếm điện không chính xác so với yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định, bên
mua điện sử dụng điện trong thời gian hệ thống thiết bị đo đếm điện bị hư hỏng
làm cho công tơ điện ngừng hoạt động và bên mua điện sử dụng điện trong thời
gian công tơ điện bị mất theo quy định tại khoản 6 Điều 48 Luật
Điện lực số 61/2024/QH15.
2.
Thông tư này áp dụng cho Đơn vị bán lẻ điện, khách hàng sử dụng điện và các cơ
quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Xác định trường hợp thiết bị đo đếm điện không
chính xác, ngừng hoạt động
1.
Quá trình phát hiện, kiểm tra thiết bị đo đếm điện không chính xác, ngừng hoạt
động thực hiện như sau:
a) Khi
có nghi ngờ hoặc phát hiện thiết bị đo đếm điện hoạt động không chính xác hoặc
ngừng hoạt động, bên bán điện hoặc bên mua điện có trách nhiệm thông báo cho
bên còn lại và phối hợp lập biên bản làm việc để ghi nhận, giải quyết sự việc.
Bên bán điện lập biên bản làm việc bằng văn bản giấy hoặc hình thức thông điệp
dữ liệu có giá trị như văn bản theo quy định của pháp luật để bên mua điện ký,
xác nhận;
b)
Trường hợp người đại diện của bên mua điện vắng mặt thì thực hiện ủy quyền theo
quy định của pháp luật có liên quan; nếu bên mua điện sử dụng điện cho mục đích
sinh hoạt thì đại diện hợp pháp của bên mua điện theo quy định của pháp luật được
quyền ký biên bản. Trường hợp bên mua điện từ chối ký biên bản, bên bán điện
ghi rõ lý do trong biên bản và lấy chữ ký của đại diện chính quyền địa phương
hoặc cơ quan công an tại địa phương;
c)
Trường hợp phải tháo gỡ thiết bị đo đếm điện để kiểm tra, bên bán điện phải
thông báo cho bên mua điện biết để cùng chứng kiến việc tháo gỡ, kiểm định thiết
bị. Thiết bị đo đếm điện được tháo gỡ phải giữ nguyên niêm phong của tổ chức kiểm
định. Thiết bị đo đếm điện, thiết bị khác có liên quan phải được thu giữ, bao
gói và niêm phong (giấy niêm phong phải có chữ ký của đại diện bên mua điện và
bên bán điện);
d)
Trường hợp bên mua điện từ chối ký niêm phong theo quy định tại điểm c khoản
này, bên bán điện phải lấy chữ ký của đại diện chính quyền địa phương hoặc đại
diện cơ quan công an tại địa phương chứng kiến việc đại diện bên mua điện không
ký giấy niêm phong.
2.
Biên bản làm việc được lập phải ghi rõ thời gian, địa điểm kiểm tra, mô tả chi
tiết hiện trạng, biểu hiện của thiết bị đo đếm điện và lý do tháo gỡ thiết bị
đo đếm điện (trong trường hợp phải tháo gỡ). Trường hợp phải tháo gỡ thiết bị
đo đếm điện theo quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều này, sau khi kết thúc
tháo gỡ thiết bị đo đếm điện và lập biên bản làm việc, khi thực hiện công tác
kiểm định thiết bị đo đếm điện tại tổ chức kiểm định, các bên liên quan có
trách nhiệm cùng chứng kiến việc kiểm tra, xác minh thiết bị đo đếm điện của tổ
chức kiểm định, nếu vắng mặt trong quá trình kiểm tra mà không có lý do chính
đáng thì vẫn phải công nhận kết quả kiểm tra.
3.
Trường hợp bên mua điện nghi ngờ thiết bị đo đếm điện không chính xác, bên mua
điện thực hiện quy định sau:
a)
Có quyền thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 56 Luật Điện lực
và quy định tại Thông tư này;
b)
Có nghĩa vụ trả chi phí kiểm định theo quy định tại điểm a khoản
6 Điều 56 Luật Điện lực;
c)
Phối hợp với bên bán điện lập biên bản làm việc để ghi nhận và giải quyết sự việc
theo quy định tại Điều này.
Điều 3. Xác định trường hợp công tơ điện bị mất
1.
Khi phát hiện công tơ điện bị mất, bên bán điện đề nghị cơ quan công an tại địa
phương tham gia, xác nhận theo quy định của Thông tư này, quy định khác của pháp
luật có liên quan và có trách nhiệm thông báo cho bên còn lại, phối hợp lập
biên bản làm việc để ghi nhận và giải quyết sự việc. Bên bán điện lập biên bản
làm việc bằng văn bản giấy hoặc hình thức thông điệp dữ liệu có giá trị như văn
bản theo quy định của pháp luật để bên mua điện ký, xác nhận.
2.
Trường hợp người đại diện của bên mua điện vắng mặt thì thực hiện ủy quyền theo
quy định của pháp luật có liên quan; nếu bên mua điện sử dụng điện cho mục đích
sinh hoạt thì đại diện hợp pháp của bên mua điện theo quy định của pháp luật được
quyền ký biên bản. Trường hợp bên mua điện từ chối ký biên bản, bên bán điện
ghi rõ lý do trong biên bản và lấy chữ ký của đại diện chính quyền địa phương
hoặc cơ quan công an tại địa phương.
3.
Biên bản làm việc được lập phải ghi rõ thời gian, địa điểm kiểm tra, mô tả chi
tiết hiện trạng.
Điều 4. Thanh toán tiền điện trường hợp thiết bị đo đếm điện
hoạt động không chính xác, ngừng hoạt động hoặc bị mất
1.
Trường hợp bên mua điện đồng ý với bên bán điện ghi nhận thiết bị đo đếm điện
hoạt động không chính xác, ngừng hoạt động hoặc bị mất theo quy định tại Điều 2 và Điều 3 Thông tư này, tiền điện mà bên bán điện phải
hoàn trả cho bên mua điện hoặc được truy thu của bên mua điện trong thời gian
thiết bị đo đếm điện hoạt động không chính xác, ngừng hoạt động hoặc bị mất được
xác định bằng lượng điện năng phải hoàn trả hoặc được truy thu nhân với giá bán
lẻ điện đang được áp dụng cho bên mua điện trong cùng khoảng thời gian.
2.
Trường hợp có lắp đặt thiết bị đo đếm điện dự phòng, bên bán điện và bên mua điện
có thể thoả thuận, thống nhất sử dụng thiết bị đo đếm điện dự phòng thay thế
cho thiết bị đo đếm điện chính để xác định lượng điện năng mua bán giữa hai bên
trong thời gian thiết bị đo đếm điện chính hoạt động không chính xác, ngừng hoạt
động hoặc bị mất. Sản lượng điện năng phải hoàn trả hoặc được truy thu trong từng
trường hợp được xác định theo quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 6
Điều này.
3.
Trường hợp thiết bị đo đếm điện hoạt động không chính xác so với yêu cầu kỹ thuật
đo lường quy định, lượng điện năng bên bán điện phải hoàn trả hoặc được truy
thu của bên mua điện được xác định như sau:
a)
Nếu xác định được thời gian thiết bị đo đếm điện hoạt động không chính xác, bên
bán điện phải hoàn trả cho bên mua điện lượng điện năng đo đếm vượt hoặc được
truy thu của bên mua điện lượng điện năng đo đếm thiếu;
b)
Nếu không xác định được thời gian thiết bị đo đếm điện hoạt động không chính
xác, bên bán điện phải hoàn trả cho bên mua điện lượng điện năng đo đếm vượt hoặc
được truy thu của bên mua điện lượng điện năng đo đếm thiếu trong thời gian
tính toán là 02 chu kỳ ghi chỉ số đo điện năng liền kề bao gồm cả chu kỳ đang sử
dụng điện nhưng chưa đến ngày ghi chỉ số.
4.
Trường hợp bên mua điện sử dụng điện trong thời gian mạch đo, thiết bị đo đếm
điện bị hư hỏng hoặc lỗi dẫn đến công tơ 03 pha chỉ đo đếm được 01 hoặc 02 pha,
bên bán điện được truy thu lượng điện năng đo đếm bị thiếu của pha bị mất theo
lượng điện năng bình quân của các pha được xác định bằng lượng điện năng công
tơ đo đếm được trong thời gian công tơ đo đếm không đầy đủ chia cho số pha còn
hoạt động. Thời gian công tơ đo đếm không đầy đủ được xác định từ thời điểm xảy
ra hư hỏng hoặc lỗi ghi nhận trong bộ nhớ của công tơ hoặc hệ thống thu thập dữ
liệu đo đếm từ xa đến thời điểm mạch đo, thiết bị đo đếm điện được thay thế, phục
hồi hoạt động bình thường. Trong trường hợp không xác định được thời điểm xảy
ra hư hỏng hoặc lỗi thì thời gian công tơ đo đếm không đầy đủ được tính từ ngày
ghi chỉ số đo điện năng gần nhất đến ngày mạch đo, thiết bị đo đếm điện được
thay thế, phục hồi hoạt động bình thường.
5.
Trường hợp bên mua điện sử dụng điện trong thời gian công tơ điện ngừng hoạt động
hoặc bị mất, lượng điện năng sử dụng của bên mua điện trong thời gian công tơ điện
ngừng hoạt động hoặc bị mất được tính như sau:
a)
Điện năng bình quân giờ của 03 chu kỳ ghi chỉ số đo điện năng liền kề bao gồm cả
chu kỳ đang sử dụng điện nhưng chưa đến ngày ghi chỉ số nhân với số giờ thực tế
sử dụng điện. Điện năng bình quân giờ được lấy từ dữ liệu ghi nhận trong hệ thống
thu thập dữ liệu đo đếm từ xa hoặc hai bên thỏa thuận tính toán theo công suất
các thiết bị sử dụng điện thực tế;
b)
Trường hợp không có đủ cơ sở để xác định điện năng bình quân theo giờ thì lượng
điện năng sử dụng của bên mua điện được tính theo điện năng bình quân ngày của
03 chu kỳ ghi chỉ số đo điện năng liền kề bao gồm cả chu kỳ đang sử dụng điện
nhưng chưa đến ngày ghi chỉ số nhân với số ngày thực tế sử dụng điện. Điện năng
bình quân ngày được lấy từ dữ liệu ghi nhận trong hệ thống thu thập dữ liệu đo
đếm từ xa hoặc hai bên thỏa thuận tính toán theo công suất các thiết bị sử dụng
điện thực tế;
c)
Số giờ, ngày thực tế sử dụng điện tại điểm a, điểm b khoản này được tính từ thời
điểm (giờ, ngày) công tơ ngừng ghi nhận điện năng đo đếm trong bộ nhớ của công
tơ hoặc hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa đến thời điểm (giờ, ngày) công
tơ được thay thế, phục hồi hoạt động bình thường;
d)
Trong trường hợp không xác định được thời điểm công tơ điện ngừng hoạt động hoặc
bị mất thì số ngày thực tế sử dụng điện được tính từ ngày ghi chỉ số đo điện
năng gần nhất đến ngày công tơ được thay thế, phục hồi hoạt động bình thường.
6.
Trường hợp bên mua điện sử dụng điện trong thời gian thay thế công tơ, trên cơ
sở biên bản làm việc được thống nhất giữa hai bên theo quy định tại Thông tư
này, lượng điện năng sử dụng của bên mua điện được tính theo công suất trung
bình tại thời điểm tháo gỡ công tơ và thời điểm lắp lại công tơ nhân với số giờ
thực tế thay thế công tơ tính từ lúc tháo gỡ đến lúc lắp lại công tơ.
Điều 5. Điều khoản thi hành
1.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2025.
2.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các đơn vị có trách
nhiệm phản ánh về Bộ Công Thương để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Các Lãnh đạo Bộ;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
- Các Tổng công ty Điện lực;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, PC, ĐTĐL.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trương Thanh Hoài
|