BỘ
THUỶ SẢN
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
03/2006/TT-BTS
|
Hà
Nội, ngày 12 tháng 04 năm 2006
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN
NGÀNH THUỶ SẢN ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
Căn cứ Nghị định số
43/2003/NĐ-CP ngày 02 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thuỷ sản;
Căn cứ Quyết định số 10/2006/QĐ-TTg ngày 11/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ
“Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản đến năm 2010 và định hướng
đến năm 2020”;
Bộ Thuỷ sản hướng dẫn triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển
ngành thuỷ sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Mục đích
Thông tư này hướng dẫn thống nhất trong cả nước
các hoạt động thuỷ sản theo quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản đến
năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là quy hoạch tổng thể
ngành) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm phát triển ngành thuỷ sản
thành ngành kinh tế sản xuất hàng hoá lớn, tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững.
Thông tư này làm cơ sở để rà soát, điều chỉnh,
xây dựng các quy hoạch phát triển thuỷ sản theo vùng, địa phương trong cả nước
cũng như các hoạt động thuộc lĩnh vực thuỷ sản.
2. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này áp dụng cho việc điều chỉnh các dự
án quy hoạch, các chương trình, dự án đầu tư, các hoạt động quản lý và sản xuất
kinh doanh thuộc ngành thuỷ sản, cũng như các hoạt động khác liên quan đến phát
triển thuỷ sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
3. Đối tượng áp dụng
a) Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
trong cả nước;
b) Các cơ quan quản lý, các viện, các trường đào
tạo, các trung tâm có liên quan đến hoạt động thuỷ sản;
c) Các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hoạt động
sản xuất - kinh doanh thuỷ sản.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC
HIỆN QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH THUỶ SẢN ĐẾN NĂM
2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
1. Về khai thác hải sản
a) Sở Thuỷ sản các tỉnh, thành phố ven biển căn
cứ quy hoạch tổng thể ngành, thực hiện rà soát, điều chỉnh, xây dựng quy hoạch
phát triển thuỷ sản của địa phương về khai thác hải sản theo hướng tập trung thực
hiện chuyển dịch cơ cấu khai thác ven bờ sang khai thác ra xa bờ, sang nuôi trồng
thuỷ hải sản hoặc dịch vụ du lịch, nhằm bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi
thuỷ sản ven bờ. Tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố nghiên cứu đề xuất chính
sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác ven bờ nhằm ổn định đời sống cộng đồng
dân cư ven biển.
b) Sở Thuỷ sản thuộc các tỉnh, thành phố ven biển
phối hợp với Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, tổ chức thực hiện quản
lý chặt chẽ đến cấp huyện, cấp xã về việc đóng mới, đăng ký, đăng kiểm tàu cá,
cấp giấy phép khai thác và tình hình sử dụng tàu thuyền, nhằm giảm nhanh số tàu
khai thác ven bờ, duy trì, củng cố tàu khai thác xa bờ. Hướng dẫn các chủ đầu
tư lập dự án vay vốn đóng tàu khai thác xa bờ theo các quy định hiện hành. Tham
mưu cho UBND tỉnh, thành phố xem xét thẩm định, phê duyệt các dự án đóng mới
tàu khai thác theo hướng phát triển tàu có công suất máy lớn, nghề khai thác hợp
lý, có trang thiết bị và công nghệ khai thác tiên tiến, bảo đảm các trang thiết
bị an toàn trên biển.
c) Các Sở Thuỷ sản chủ trì tham mưu cho UBND các
tỉnh, thành phố nghiên cứu, hướng dẫn ngư dân phát triển các mô hình tổ chức
khai thác trên biển theo mô hình kinh tế tập thể, tổ chức các đội tàu, đoàn tàu
khai thác, dịch vụ khai thác có hiệu quả : hướng dẫn thực hiện tốt Hiệp định hợp
tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ và các quy định trung vùng đánh cá chung.
d) Viện Nghiên cứu hải sản tổ chức công tác điều
tra, phúc tra, nghiên cứu nguồn lợi sinh vật biển; trong đó tập trung điều tra
và dự báo nguồn lợi hải sản, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm phục vụ nghề
khai thác đạt hiệu quả.
đ) Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản phối
hợp với Sở Thuỷ sản các tỉnh, thành phố ven biển tập trung tổ chức quản lý chặt
chẽ tàu cá. Phối hợp với Viện Nghiên cứu hải sản và các đơn vị chức năng liên
quan tổ chức tốt công tác thông tin dự báo nguồn lợi hải sản, hướng dẫn cho ngư
dân triển khai các nghề khai thác, mô hình khai thác đạt hiệu quả cao gắn với
công nghệ bảo quản sau thu hoạch; đồng thời tích cực tuyên truyền, hướng dẫn
cho cộng đồng dân cư ven biển thực hiện bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi
hải sản.
e) Sở Thuỷ sản các tỉnh, thành phố ven biển tổ
chức chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch khai thác hải sản hàng năm của địa phương;
phấn đấu trong cả nước đến năm 2010, số lượng tàu cá giữ ở mức 50.000 chiếc,
trong đó tàu có công suất máy lớn hơn 75CV không quá 6.000 chiếc, tàu có công
suất máy từ 46 - 75 CV không quá 14.000 chiếc, tàu có công suất máy từ 21 - 45
CV không quá 20.000 chiếc; duy trì sản lượng khai thác trong cả nước giữ ở mức
1,5 - 1,8 triệu tấn, trong đó Vịnh Bắc Bộ khoảng 0,27 triệu tấn, vùng biển miền
Trung khoảng 0,37 triệu tấn, vùng biển Đông Nam Bộ khoảng 0,71 triệu tấn, vùng
biển Tây Nam Bộ khoảng 0,2 triệu tấn, vùng giữa biển Đông và hợp tác khai thác
vùng biển quốc tế khoảng 0,25 triệu tấn.
2. Về nuôi trồng thuỷ sản
a) Các Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn (có thuỷ sản thuộc các tỉnh, thành phố căn cứ quy hoạch tổng thể
ngành, tổ chức thực hiện rà soát, điều chỉnh và xây dựng quy hoạch phát triển
thuỷ sản của địa phương về sản xuất giống thuỷ sản, quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản
của các địa phương theo hướng sản xuất hàng hoá lớn tập trung, chú trọng quy hoạch
hệ thống thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản. Tổ chức hướng dẫn các đơn vị thuộc
địa bàn quản lý của mình thực hiện tốt quy hoạch các vùng nuôi trồng thuỷ sản
công nghiệp tập trung, các vùng sản xuất giống tập trung; hướng dẫn áp dụng
công nghệ nuôi tiên tiến, đa dạng đối tượng nuôi, có năng suất, chất lượng cao;
bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm các quy định về an toàn vệ sinh thuỷ sản
nhằm phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hoá lớn, phục vụ
xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
b) Sở Thuỷ sản các tỉnh, thành phố ven biển,
tăng cường chỉ đạo và hướng dẫn các thành phần kinh tế, các lao động đánh cá
chuyển đổi nghề tham gia phát triển nuôi trồng thuỷ sản ven biển, tập trung
nuôi nhuyễn thể, các đặc sản nước mặn, lợ, đặc biệt chú trọng phát triển nuôi
trên biển.
c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (có
thuỷ sản) thuộc các tỉnh nội vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long
và các tỉnh miền núi trung du phía Bắc, Tây Nguyên, hướng dẫn các hộ dân cư tận
dụng tiềm năng mặt nước phát triển nuôi nước ngọt, tập trung vào các đối tượng
chủ lực, tạo ra sản lượng thuỷ sản lớn phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, cải
thiện sinh kế người dân địa phương.
d) Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và phát triển
nông thôn (có thuỷ sản) thuộc các tỉnh, thành phố phối hợp với Vụ Nuôi trồng
thuỷ sản. Trung tâm Khuyến ngư quốc gia thuộc Bộ Thuỷ sản, tổ chức nghiên cứu,
hướng dẫn phát triển các mô hình tổ chức sản xuất tập thể, có nhiều thành phần
kinh tế cùng tham gia, mô hình quản lý dựa vào cộng đồng và đồng quản lý. Hướng
dẫn các chủ đầu tư lập dự án và tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố tổ chức xem
xét, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản,
sản xuất giống thuỷ sản bảo đảm phù hợp về quy mô và địa điểm, trong đó chú ý đến
mô hình tổ chức quản lý sản xuất, công nghệ sản xuất, hệ thống thuỷ lợi phục vụ
nuôi trồng thuỷ sản, biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái, an toàn vệ sinh thực
phẩm.
đ) Các Viện nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản tăng
cường tổ chức nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới phục vụ sản xuất giống, nuôi
trồng thuỷ sản, công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Nghiên cứu đề xuất chính sách
hỗ trợ nhập khẩu công nghệ sản xuất giống, sản xuất thức ăn và công nghệ nuôi
biển.
e) Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn (có thuỷ sản) thuộc các tỉnh, thành phố tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt
kế hoạch nuôi trồng thuỷ sản hàng năm của địa phương; phấn đấu đến năm 2010 sản
lượng nuôi trồng thuỷ sản của cả nước đạt 2 triệu tấn; duy trì diện tích nuôi
trồng thuỷ sản từ 1,1 - 1,4 triệu ha.
3. Về chế biến và dịch vụ
thương mại thuỷ sản
a) Sở Thuỷ sản các tỉnh, thành phố căn cứ quy hoạch
tổng thể ngành, tổ chức thực hiện rà soát, điều chỉnh và xây dựng quy hoạch
phát triển thuỷ sản của địa phương về các cơ sở chế biến thuỷ sản, phối hợp với
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam thực hiện hướng dẫn các chủ đầu
tư lập dự án đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến tập trung vào việc nâng cấp các
cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, trang thiết bị, xây dựng các khu công nghiệp
chế biến thuỷ sản công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn ngành về an toàn vệ sinh thuỷ sản,
phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng lượng cao kể cả
về hình thức, kiểu dáng, đa chủng dạng sản phẩm, có sức cạnh tranh cao phù hợp
với thị trường trong nước và xuất khẩu. Tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố tổ chức
xem xét thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các cơ sở
chế biến thuỷ sản có quy mô phù hợp gắn với việc bảo đảm nguồn nguyên liệu chế
biến, có công nghệ chế biến tiên tiến, bảo đảm điều kiện an toàn vệ sinh thuỷ sản
và phù hợp với thị trường tiêu thụ.
b) Sở Thuỷ sản các tỉnh, thành phố chỉ đạo và hướng
dẫn các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản : tập trung chế biến các sản phẩm thuỷ sản
phục vụ xuất khẩu, tăng tỷ trọng các mặt hàng tươi sống vào xuất khẩu; phối hợp
với các cơ quan chức năng liên quan nhanh chóng xây dựng thương hiệu sản phẩm,
thương hiệu doanh nghiệp nhằm nâng cao uy tín trên thị trường; phối hợp với Hiệp
hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam tăng cường thực hiện xúc tiến
thương mại, đào tạo cán bộ có năng lực làm công tác thương mại, tổ chức quảng
bá thương hiệu, giữ vững thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới,
tăng cường thông tin thị trường, dự báo thị trường cả trong nước và ngoài nước;
đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo mở rộng thị trường trong nước theo hướng đa dạng sản
phẩm có chất lượng, giá cả hợp lý, phù hợp khẩu vị, tổ chức tốt hệ thống dịch vụ
tiêu thụ sản phẩm trong nước gắn với dịch vụ du lịch; chú trọng mở rộng thị trường
vùng núi Trung du Bắc bộ và Tây Nguyên.
c) Cục Quản lý Chất lượng An toàn vệ sinh và Thú
y thuỷ sản phối hợp với các Sở Thuỷ sản, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm
tra các cơ sở chế biến về quản lý chất lượng an toàn, vệ sinh thuỷ sản, nhằm phấn
đấu đến năm 2010 có 100% cơ sở chế biến thuỷ sản đạt tiêu chuẩn chất lượng
ngành và quốc tế.
d) Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn (có thuỷ sản) thuộc các tỉnh, thành phố tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt
kế hoạch chế biến xuát khẩu thuỷ sản hàng năm của địa phương; phấn đấu đến năm
2010 kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cả nước đạt 4 tỷ USD.
4. Về đầu tư xây dựng cơ sở
hạ tầng nghề cá
a) Sở Thuỷ sản, Sở nông nghiệp và Phát triển
nông thôn (có thuỷ sản) thuộc các tỉnh, thành phố căn cứ quy hoạch tổng thể
ngành, tổ chức thực hiện rà soát, điều chỉnh và xây dựng quy hoạch phát triển
thuỷ sản của địa phương về cơ sở hạ tầng cảng cá, bến cá, chợ cá, các khu neo đậu
tránh trú bão cho tàu cá, nhằm hình thành các trung tâm nghề cá lớn, các tụ điểm
nghề cá gắn với các ngư trường trọng điểm, các khu nuôi trồng thuỷ sản tập
trung, đồng thời phù hợp về quy mô từng vùng, từng địa phương. Tổ chức hướng dẫn
các chủ đầu tư lập dự án và tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố tổ chức xem
xét thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng cảng cá, bến
cá, chợ cá, các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá phải phù hợp với quy hoạch
về địa điểm và quy mô đầu tư.
b) Sở Thuỷ sản các tỉnh, thành phố phối hợp với
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng quy hoạch hệ thống thuỷ lợi phục
vụ nuôi trồng thuỷ sản của địa phương. Tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố xem
xét thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi phục vụ
nuôi trồng thuỷ sản phù hợp với quy hoạch, bảo đảm phát triển thuỷ sản bền vững.
5. Về khoa học công nghệ,
khuyến ngư và hợp tác quốc tế
a) Các viện nghiên cứu thuộc Bộ Thuỷ sản tập
trung nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất và
kinh doanh thuỷ sản nhằm đạt năng suất cao, tạo sản lượng hàng hoá lớn, đa dạng
cơ cấu sản phẩm, chất lượng cao, đảm bảo giá cả phù hợp, đủ sức cạnh tranh trên
các thị trường thế giới, đồng thời đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước.
Nghiên cứu, tham mưu lựa chọn và đề xuất du nhập các công nghệ tiên tiến của
các nước để tạo đột phá, phát triển nhanh, hiệu quả các lĩnh vực sản xuất thuỷ
sản. Chú trọng phát triển công nghệ sinh học và sau thu hoạch, cũng như các
nghiên cứu kinh tế - xã hội, dịch vụ, xây dựng mô hình sản xuất thuỷ sản.
b) Trung tâm Khuyến ngư quốc gia phối hợp với
các đơn vị liên quan, các địa phương mở rộng hoạt động khuyến ngư trong mọi
lĩnh vực trong cả nước. Nghiên cứu, tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng các mô
hình tốt về quản lý, sản xuất trong khai thác, nuôi trồng thuỷ sản, tổ chức tốt
việc chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất.
c) Vụ Hợp tác quốc tế tham mưu cho Bộ Thuỷ sản
thực hiện mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các tổ chức đa phương, song
phương nhằm tranh thủ nguồn vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến của nước ngoài để đầu
tư phát triển các lĩnh vực thuỷ sản. Chủ trì hướng dẫn thực hiện các hiệp định
hợp tác quốc tế về thuỷ sản và liên quan đến quản lý nghề cá.
d) Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn (có thuỷ sản) thuộc các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu cho UBND
các tỉnh, thành phố tìm kiếm đối tác nước ngoài để thu hút nguồn vốn đầu tư, công
nghệ nhằm tạo nguồn lực cho phát triển thuỷ sản của địa phương : đồng thời giải
quyết xuất khẩu lao động nghệ cá và hợp tác nghề cá trên các lĩnh vực.
6. Phát triển nguồn nhân lực
a) Vụ Tổ chức cán bộ thuộc Bộ Thuỷ sản chủ trì
phối hợp với các địa phương và các đơn vị trong và ngoài ngành thuỷ sản rà soát
lại hiện trạng nguồn nhân lực, tham mưu xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển
nguồn nhân lực cho toàn ngành và các phương án sắp xếp lại chức năng đào tạo của
các trường và các viện trong Bộ Thuỷ sản.
b) Các Viện, các trường thuộc Bộ Thuỷ sản chủ động
có kế hoạch đào tạo cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn phù hợp với hoạt động
sản xuất kinh doanh trong từng giai đoạn; chú trọng đào tạo cán bộ chuyên môn
cao, thực hiện các hình thức đào tạo cho lực lượng lao động nghề cá phù hợp với
điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, từng địa phương nhằm đảm bảo cho mọi
lao động nghề cá đều được đào tạo, đáp ứng cho tiến trình công nghiệp hoá, hiện
đại hoá và yêu cầu thị trường xuất khẩu lao động.
c) Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn (có thuỷ sản) thuộc các tỉnh, thành phố phối hợp cùng Vụ Tổ chức cán
bộ thuộc Bộ Thuỷ sản để tổ chức củng cố, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý ngành;
bố trí, sắp xếp cán bộ quản lý ngành đủ điều kiện và năng lực, đảm bảo công tác
quản lý ngành thuỷ sản từ trung ương đến cơ sở, đáp ứng quá trình phát triển
ngành theo hướng từng bước tiêu chuẩn hoá cán bộ và quản lý theo tiêu chuẩn.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Vụ Kế hoạch Tài chính, Viện Kinh tế và Quy hoạch
thuỷ sản cùng các đơn vị chức năng thuộc Bộ Thuỷ sản phối hợp với các Sở Thuỷ sản,
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (có thuỷ sản) thuộc các tỉnh, thành phố
để rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển thuỷ sản của các địa phương; tham
mưu cho Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản tổ chức rà soát, điều chỉnh, xây dựng và trình Bộ
trưởng Bộ Thuỷ sản phê duyệt quy hoạch phát triển các lĩnh vực chuyên ngành thuỷ
sản; tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt quy hoạch phát triển thuỷ sản các vùng lãnh thổ, vùng kinh tế trọng
điểm và các lĩnh vực chuyên ngành thuỷ sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,
bảo đảm phù hợp quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch tổng thể ngành.
- Vụ Kế hoạch Tài chính thuộc Bộ Thuỷ sản tổ chức
hướng dẫn cho các chủ đầu tư lập dự án quy hoạch, các chương trình, dự án đầu
tư xây dựng trọng điểm phát triển ngành thuỷ sản; tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Thuỷ
sản xem xét, thẩm định và phê duyệt các dự án quy hoạch, các chương trình, dự
án đầu tư xây dựng trọng điểm của ngành, bảo đảm đúng quy hoạch tổng thể ngành
về mục tiêu, quy mô, địa điểm và phù hợp với quy hoạch phát triển thuỷ sản của
các địa phương; tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản tổ chức theo dõi, kiểm tra
tình hình thực hiện quy họach tổng thể ngành trong phạm vi cả nước.
- UBND các tỉnh, thành phố trung ương chỉ đạo Sở
Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (có thuỷ sản) phối hợp với các
đơn vị chức năng của Bộ Thuỷ sản chủ động tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố
để rà soát, điều chỉnh quy hoạch, xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch
phát triển thuỷ sản của địa phương phù hợp với quy hoạch tổng thể ngành; tham
mưu cho UBND các tỉnh, thành phố tổ chức hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra tình
hình thực hiện quy hoạch tổng thể ngành trên phạm vi địa bàn tỉnh, thành phố.
Hàng quý, hàng năm, theo định kỳ thực hiện tổng hợp, lập báo cáo tình hình thực
hiện quy hoạch tổng thể ngành, tình hình triển khai các dự án đầu tư xây dựng,
hoạt động sản xuất, kinh doanh thuỷ sản của các địa phương gửi về Bộ Thuỷ sản
trước ngày 20 của tháng cuối quý.
- UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các doanh
nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất - kinh doanh thuỷ sản trên địa bàn
phối hợp với các Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hướng
dẫn các nội dung quy hoạch tổng thể ngành, làm căn cứ để tổ chức thực hiện kế
hoạch sản xuất - kinh doanh theo đúng quan điểm, mục tiêu quy hoạch tổng thể
ngành. Chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện lập và gửi báo cáo kết quả hoạt động
sản xuất, kinh doanh thuỷ sản về Sở Thuỷ sản trước ngày 15 hàng tháng theo định
kỳ để tổng hợp báo cáo Bộ Thuỷ sản.
- Các đơn vị, các Tổng công ty, các doanh nghiệp
thuộc Bộ Thuỷ sản, theo chức năng nhiệm vụ, tổ chức các hoạt động liên quan đến
thuỷ sản phải bảo đảm phù hợp quy hoạch tổng thể ngành và Thông tư này.
- Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn
đề gì vướng mắc hoặc phát sinh mới, các đơn vị chức năng liên quan, Sở Thuỷ sản,
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc các tỉnh, thành phố tổng hợp phản
ánh kịp thời về Bộ Thuỷ sản để phối hợp xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
- Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ
ngày đăng công báo./.