VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 103/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 12 tháng 3 năm 2014
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG - CHỦ TỊCH ỦY BAN QUỐC
GIA VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TẠI PHIÊN HỌP THỨ TƯ ỦY BAN QUỐC GIA VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Ngày 19 tháng 02 năm 2014 tại trụ sở
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về biến
đổi khí hậu đã chủ trì phiên họp thứ tư Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu,
cùng dự có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Phó Chủ tịch thường trực, các thành
viên của Ủy ban, đại diện các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải,
Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Ngoại giao, Công Thương và Văn phòng Chính phủ. Sau khi
nghe báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ý kiến các đại biểu dự họp, ý kiến
của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận chỉ đạo
như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
Cơ bản nhất trí với báo cáo đánh giá
của cơ quan thường trực (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về những kết quả đạt được,
những mặt còn hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ công tác năm 2013 của Ủy ban
Quốc gia về biến đổi khí hậu.
Năm 2013, trong điều kiện kinh tế -
xã hội còn nhiều khó khăn, phải thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ để phát triển
kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng kinh tế hợp lý, tái cơ cấu
nền kinh tế gắn với 3 đột phá chiến lược để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao
hiệu quả của nền kinh tế, đảm bảo những vấn đề phúc lợi, an sinh xã hội cấp
bách; bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia; chúng ta vẫn tập trung
chỉ đạo và dành nguồn lực đáng kể thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ ứng phó với
biến đổi khí hậu, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, quản lý tài nguyên, bảo vệ
môi trường.
Nhận thức về biến đổi khí hậu, quản
lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước và toàn xã hội đã có những chuyển biến tích cực. Lần đầu tiên Trung
ương Đảng đã có Nghị quyết chuyên đề về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng
cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Chính phủ đã xây dựng, ban hành
Chương trình hành động cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết; đồng thời đã xây
dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, khung thể chế, chính sách, đưa ra
danh mục các dự án cần đầu tư để chủ động vận động, thu hút nguồn vốn cho ứng
phó với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, hoạt động ứng phó với biến
đổi khí hậu vẫn còn nhiều hạn chế, từ nhận thức, hệ thống thể chế, chính sách
và nhất là về nguồn lực đầu tư cho biến đổi khí hậu còn chưa đáp ứng được yêu cầu.
II. NHỮNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
TRONG THỜI GIAN TỚI:
Cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ cụ
thể trong năm 2014 của Ủy ban Quốc gia và từng thành viên
được nêu trong Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cơ quan thường trực Ủy
ban Quốc gia tiếp thu ý kiến các đại biểu, hoàn thiện Chương trình công tác năm
2014, đồng thời có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện.
Trong đó cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng yếu sau:
1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc,
tuyên truyền sâu, rộng Nghị quyết số 24- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
khoá XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên
và bảo vệ môi trường để các cấp, các ngành và mọi người dân đều nhận thức đầy đủ
và có trách nhiệm cao trong việc ứng phó biến đổi khí hậu, phòng tránh giảm nhẹ
thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường để thích nghi, phát
triển bền vững.
2. Trên cơ sở Nghị quyết số
24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Chương trình hành động của
Chính phủ thực hiện Nghị quyết, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan
liên quan chủ động rà soát, cập nhật, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm
pháp luật liên quan đến các nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu, phòng tránh
thiên tai, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; hoàn thiện các chiến lược,
quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ
trì:
- Tiếp tục nghiên cứu, cập nhật Kịch
bản biến đổi khí hậu; phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, cập nhật,
công bố bản đồ về nguy cơ ngập, lún, nhất là các khu vực ven biển, hải đảo do
nước biển dâng để làm cơ sở cho các ngành, các địa phương xây dựng các phương
án chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai.
- Tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch tài
nguyên nước; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan
liên quan xây dựng chiến lược, quy hoạch sử dụng nước ngọt để đảm bảo nguồn nước
ngọt phục vụ sản xuất và đảm bảo đời sống, sinh hoạt của nhân dân; tăng cường
quản lý, đầu tư xử lý, cải thiện ô nhiễm môi trường các dòng sông theo Đề án đã
được phê duyệt.
- Phối hợp với các Bộ: Xây dựng, Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá việc
khai thác, sử dụng nước ngầm và các tác động của việc khai thác nước ngầm, nhất
là vấn đề lún nền đất, trước mắt cần tập trung nghiên cứu ở khu vực thành phố Hồ
Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long; trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp quản
lý, khai thác, sử dụng phù hợp, ngăn chặn những tác động xấu do khai thác nước
ngầm.
- Phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan rà soát lại
các dự án thuộc danh mục dự án ưu tiên của Chương trình ứng phó biến đổi khí hậu
(cả về mục tiêu, nhiệm vụ, quy mô dự án), trên cơ sở đó, sắp xếp thứ tự ưu tiên
đầu tư, tập trung nguồn vốn đầu tư các dự án cấp bách. Ưu tiên đầu tư các dự án
trồng rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển, củng cố các đoạn đê biển xung yếu,
các dự án thuộc quy hoạch chống ngập úng các thành phố lớn, nhất là thành phố Hồ
Chí Minh, thành phố Cần Thơ, dự án đảm bảo an toàn hồ đập, phòng chống sạt lở bờ
sông, đê, kè và hỗ trợ các hộ nghèo xây dựng nhà chống lũ để chủ động ứng phó
biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai.
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh
tra, quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường,
kiên quyết không xuất khẩu quặng thô, quản lý chặt chẽ việc khai thác khoáng sản;
gắn khai thác tài nguyên với nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn chủ trì:
- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi
trường, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương hoàn thành, sớm
trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phục hồi, phát triển rừng phòng hộ
ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai. Xây dựng các cơ
chế, chính sách khuyến khích tối đa để thu hút doanh nghiệp,
người dân tham gia trồng, quản lý, khai thác rừng ven biển gắn với công nghệ chế
biến gỗ, kết hợp khai thác vùng nước ven biển nhằm chủ động ứng phó với biến đổi
khí hậu, nước biển dâng, đồng thời tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống của người
dân. Trong thời gian tới cần tập trung các nguồn vốn để thực hiện mạnh mẽ, hiệu
quả các dự án phục hồi, phát triển rừng ven biển để tạo chuyển biến rõ rệt,
tranh thủ vận động các nhà tài trợ hỗ trợ trực tiếp vào các dự án trồng rừng
ven biển, tăng tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước bố trí để đầu tư các dự án trồng rừng
ven biển ở những nơi cấp thiết, đồng thời huy động nguồn lực từ xã hội hóa để đầu
tư.
- Phối hợp với các địa phương khảo
sát kỹ, rà soát lại quy hoạch hệ thống đê biển để từng bước triển khai các dự
án thiết thực, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đê biển
phải gắn kết với hệ thống giao thông ven biển, với rừng phòng hộ ven biển và
phát triển đô thị bền vững.
- Phối hợp với các địa phương liên quan rà soát lại các dự án thuộc quy hoạch chống ngập các
thành phố lớn; trên cơ sở khả năng cân đối nguồn lực, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu
tư, định hướng nguồn vốn đầu tư đối với từng dự án từ nguồn ngân sách thành phố,
ngân sách trung ương hỗ trợ, đồng thời tích cực vận động nguồn vốn ODA và huy động
các nguồn lực từ xã hội hóa, ... để sớm đầu tư, nhất là các dự án thuộc Quy hoạch
thủy lợi chống ngập thành phố Hồ Chí Minh.
- Rà soát các dự án phòng, chống sạt
lở bờ sông, chỉ quyết định đầu tư tại sau khi tính toán xây dựng các phương án
phù hợp với quy luật tự nhiên những khu vực thực sự cần thiết.
- Đẩy mạnh nghiên cứu cải tiến quy
trình sản xuất nông nghiệp, ứng dụng các công nghệ tưới tiên tiến trong canh
tác (nhất là trong tưới cà phê, lúa) để tiết kiệm nước, hạn chế phát thải khí
nhà kính.
- Đẩy mạnh thực hiện chương trình
cung cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân, bảo đảm mọi người
dân đều được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh.
c) Bộ Xây dựng:
- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương
tăng cường các giải pháp xây dựng các hồ điều hòa, trữ nước ngọt trong quy hoạch
xây dựng đô thị, phát triển khu dân cư; khi quy hoạch đô thị, khu dân cư cần
tính tới để góp phần hạn chế nguy cơ úng ngập và đảm bảo nguồn nước phục vụ
sinh hoạt, sản xuất.
- Tập trung nghiên cứu mô hình, công
nghệ xử lý rác thải phù hợp với từng vùng miền, tăng cường huy động các nguồn lực
từ xã hội hóa đế đầu tư xử lý rác thải nhằm cải thiện chất lượng môi trường ở
các đô thị, khu, cụm công nghiệp, làng nghề, khu vực nông thôn và các lưu vực
sông.
d) Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh
Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả,
nghiên cứu phát triển và sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo tiết kiệm
điện, giảm ô nhiễm môi trường; thực hiện lộ trình giá điện theo nguyên tắc giá
thị trường.
đ) Giao Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp
với Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Tập đoàn Viễn thông quân đội xây dựng Đề
án xây dựng hệ thống dịch vụ quan trắc phục vụ công tác dự báo khí tượng, thủy
văn, đặc biệt là dự báo mưa, lũ (trong đó đề xuất rõ về việc sản xuất trang thiết
bị trong nước và cơ chế tài chính để thực hiện Đề án), báo cáo Thủ tướng Chính
phủ.
3. Về nguồn vốn đầu tư cho ứng phó
biến đổi khí hậu:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính
nghiên cứu đề xuất tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước và hướng nguồn vốn tài trợ
cho biến đổi khí hậu thông qua ngân sách để chuyển sang tài trợ trực tiếp cho
các dự án trong Danh mục ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời bổ
sung các cơ chế chính sách đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư vào
công việc ứng phó biến đổi khí hậu.
4. Về hợp tác quốc tế:
Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ
quan liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế để tranh
thủ nguồn lực, kinh nghiệm của các nước trong thích nghi, ứng phó với biến đổi
khí hậu, phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường; bảo vệ lợi ích của Việt Nam
liên quan đến vấn đề môi trường, nhất là việc sử dụng bền vững nguồn nước trên
các sông liên quốc gia; đồng thời thể hiện trách nhiệm của nước ta với cộng đồng
quốc tế, nâng cao vai trò, vị thế của đất nước trong giải quyết những vấn đề
liên quan đến biến đổi khí hậu, môi trường.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các
cơ quan liên quan, các thành viên Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu biết, thực
hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các thành viên UBQG về BĐKH;
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KGVX, NC, QHQT, TKBT;
- Lưu: VT, KTN(3).
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Hữu Vũ
|