ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 897/QĐ-UBND
|
Ninh Bình, ngày
09 tháng 12 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG VỀ TĂNG TRƯỞNG XANH ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH NINH BÌNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 22/11/2019;
Căn cứ Quyết định số
1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc
gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050;
Căn cứ Quyết định số
882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch
hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030;
Căn cứ Quyết định số
600/QĐ-BKHĐT ngày 07/4/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành Hướng
dẫn xây dựng Kế hoạch hành động và tích hợp tăng trưởng xanh vào chiến lược,
quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 3235/KHĐT-VX ngày 26 tháng 9 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế
hoạch hành động về tăng trưởng xanh đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
với các nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu chung
Xây dựng và ban hành Kế hoạch
hành động nhằm xác định các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm góp phần vào mục tiêu
cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được mục tiêu
thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội trên địa
bàn tỉnh Ninh Bình; bảo vệ nguồn nước và sử dụng hợp lý đất đai; sử dụng năng
lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn;
chủ động ứng phó biến đổi khí hậu; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh hướng tới
một nền kinh tế xanh, tuần hoàn, thân thiện với môi trường thiên nhiên.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Xanh hóa các ngành kinh tế
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng
theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông
qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng
lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển
đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng,
phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Khuyến
khích lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo để giảm tiêu thụ điện từ hệ thống
điện quốc gia.
Mục tiêu chủ yếu đến năm 2030:
Tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 giảm từ 1,0
- 1,5%/năm; Kinh tế số chiếm trên 30% GRDP; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức
19,6%.
2.2. Xanh hóa lối sống và thúc
đẩy tiêu dùng bền vững
Xây dựng lối sống xanh kết hợp
với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với
thiên nhiên. Thực hiện đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới đảm bảo các mục tiêu
tăng trưởng xanh, bền vững; tạo lập văn hóa tiêu dùng bền vững trong bối cảnh
hội nhập với thế giới. Mục tiêu chủ yếu đến năm 2030 như sau:
- Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt
đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95%;
- Tỷ lệ chất thải rắn nguy hại
được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định đạt 100%;
- Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt
đô thị được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp so với lượng chất thải
được thu gom chiếm dưới 30%;
- Tỷ lệ nước thải đô thị được
thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định lần lượt đạt trên
20%;
- Tỷ lệ số khu công nghiệp, cụm
công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt
100%;
- Tỷ lệ đảm nhận của vận tải
hành khách công cộng đạt 5%; tỷ lệ mua sắm công xanh trong tổng mua sắm công
đạt ít nhất 35%;
- Tiếp tục triển khai có hiệu
quả nhiệm vụ phát triển tăng trưởng xanh theo hướng thông minh, bền vững, đồng
bộ với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
2.3. Xanh hóa quá trình chuyển
đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu
Nâng cao chất lượng cuộc sống
và khả năng chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu, đảm bảo bình đẳng về
điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển,
không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi xanh.
Mục tiêu chủ yếu đến năm 2030:
Xây dựng và triển khai Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp
tỉnh; tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch, đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế
đạt trên 98%.
3. Phân công nhiệm vụ
Tập trung triển khai có hiệu
quả các nhiệm vụ cụ thể được giao cho cấp địa phương tại Quyết định số
882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch
hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
(Nhiệm vụ, hoạt động cụ thể
chi tiết tại Phụ lục kèm theo)
4. Tổ chức thực hiện
4.1. Thủ trưởng các sở, ban,
ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tổ chức triển khai và kết quả thực hiện Kế
hoạch hành động này.
4.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ
trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và
các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hành động, tập trung
vào các nội dung sau:
- Tích hợp các mục tiêu nhiệm
vụ tăng trưởng xanh theo hướng bền vững, đồng bộ trong quá trình xây dựng và
thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm, triển khai
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các chương trình, dự
án có liên quan.
- Tổng hợp, đánh giá tình hình
thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; tham mưu cho Ủy ban nhân dân
tỉnh xây dựng Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ tăng
trưởng xanh của tỉnh để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Chủ trì phối hợp với Sở Nội
vụ tổ chức các lớp tập huấn về tăng trưởng xanh nhằm nâng cao nhận thức và năng
lực thực hiện các chương trình, chiến lược về tăng trưởng xanh trên địa bàn
tỉnh.
4.3. Sở Tài chính chủ trì, phối
hợp với các sở, ban, ngành liên quan hằng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân
sách tỉnh, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí kinh phí chi
thường xuyên ngân sách tỉnh thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách
nhà nước và các văn bản hướng dẫn liên quan.
4.4. Sở Thông tin và Truyền
thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình phối hợp với các đơn
vị liên quan thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nội
dung Kế hoạch và tình hình thực hiện các mục tiêu Chiến lược quốc gia về tăng
trưởng xanh của tỉnh.
4.5. Sở Tài nguyên và Môi
trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng
dữ liệu về cường độ phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh làm cơ sở đánh giá
mục tiêu của tăng trưởng xanh.
4.6. Các sở, ban, ngành, Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố:
- Tổ chức triển khai thực hiện
các mục tiêu, nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch hành động của tỉnh theo
Phụ lục phân công nhiệm vụ gửi kèm; Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan
triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được phân công.
- Thực hiện giám sát, đánh giá
các mục tiêu Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được phân công chủ trì và
phối hợp. Định kỳ hàng năm trước ngày 20 tháng 11 gửi báo cáo kết quả thực hiện
về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Kế hoạch và Đầu
tư theo quy định.
- Đẩy mạnh phong trào xây dựng
cơ quan, nhà máy, trường học đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn; khuyến
khích các sáng kiến kinh nghiệm, các nghiên cứu khoa học kĩ thuật liên quan đến
thúc đẩy tăng trưởng xanh…
- UBND các huyện, thành phố bố
trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo phân cấp ngân sách hiện hành.
4.7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ
quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền
vận động các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tích cực tham gia thực hiện các
mục tiêu Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động của
tỉnh. Giám sát, phản biện xã hội trong quá trình triển khai thực hiện các mục
tiêu Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Quyết định này
có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng
Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lưu: VT, VP2, 3, 4, 5.
Th_VP3_68QĐ
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Cao Sơn
|