ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 760/QĐ-UBND
|
Quảng Nam, ngày 28 tháng 02 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHO THUÊ MÔI TRƯỜNG RỪNG ĐỂ TRỒNG CÂY DƯỢC LIỆU, LÂM
SẢN NGOÀI GỖ VÀ KINH DOANH DU LỊCH SINH THÁI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng
ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Đất đai ngày
29/11/2013;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP
ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Nghị định
số 48/2007/NĐ-CP ngày 28/3/2007 của Chính phủ về nguyên tắc và phương pháp xác
định giá các loại rừng; Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ
về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng;
Căn cứ Nghị định số 117/2010/NĐ-CP
ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng; Quyết
định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 09/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy
chế quản lý rừng phòng hộ; Quyết định số
49/2016/QĐ-TTg ngày 01/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản
lý rừng sản xuất; Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng
Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 - 2020;
Căn cứ Thông tư số
38/2007/TT-BNN&PTNT ngày 25/4/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn về hướng dẫn trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho
tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn; Thông tư số
20/2016/TT-BNN&PTNT ngày 27/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2007/TT-BNN&PTNT,
Thông tư số 78/2011/TT-BNN&PTNT, Thông tư số 25/2011/TT-BNN&PTNT, Thông tư số 47/2012/TT-BNN&PTNT, Thông tư số
80/2011/TT-BNN&PTNT, Thông tư số
99/2006/TT-BNN&PTNT;
Căn cứ Nghị quyết số
42/2017/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam về quy định
cho thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Quảng Nam;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 46/TTr-SNN&PTNT
ngày 12/02/2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành
kèm theo Quyết định này Quy định cho thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu,
lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Điều 2. Giao Sở
Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị, địa phương
liên quan hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Quy định cho thuê môi trường
rừng để trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái
trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Điều 3. Chánh Văn
phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường,
Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa Thể thao và
Du lịch, Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư tỉnh; Chủ tịch UBND các
huyện, thị xã, thành phố; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm; Giám đốc các Ban Quản
lý rừng phòng hộ, đặc dụng; Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể
từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- TTTU, HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các Hạt Kiểm lâm huyện, liên huyện;
- CPVP;
- Lưu: VT, TH, KTN.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Trí Thanh
|
QUY ĐỊNH
CHO THUÊ MÔI TRƯỜNG RỪNG ĐỂ TRỒNG CÂY DƯỢC LIỆU, LÂM SẢN NGOÀI GỖ VÀ
KINH DOANH DU LỊCH SINH THÁI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 760/QĐ-UBND ngày 28/02/02/2018 của UBND tỉnh Quảng Nam)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Áp dụng ở những địa bàn quy hoạch trồng
cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, kinh doanh du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh
Quảng Nam. Đối với những khu vực chưa có trong quy hoạch
trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, kinh doanh du lịch sinh thái, các địa
phương, đơn vị liên quan có văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét
trình Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất bằng
văn bản trước khi triển khai thực hiện, đồng thời tổng hợp báo cáo Hội đồng
nhân dân tỉnh bổ sung vào quy hoạch.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
Cá nhân, hộ, nhóm hộ, cộng đồng, các
tổ chức kinh tế trong nước có nhu cầu và khả năng đầu tư trồng cây dược liệu,
lâm sản ngoài gỗ, kinh doanh du lịch sinh thái trong vùng quy hoạch.
Điều 3. Nguyên
tắc cho thuê
1. Việc cho thuê môi trường rừng để
trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái không làm
thay đổi quyền sở hữu của Nhà nước về rừng, tài nguyên thiên nhiên trên mặt đất
và dưới lòng đất. Không được chuyển quyền sử dụng đất rừng đối với các công
trình phục vụ du lịch sinh thái khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép; không
xâm hại tài nguyên thiên nhiên trên và dưới đất rừng trong diện tích được thuê.
2. Các công trình xây dựng phải dựa
theo các điều kiện tự nhiên, hài hòa với cảnh quan môi trường thiên nhiên, theo
đúng quy định về tỷ lệ diện tích đất được xây dựng các công trình phục vụ du lịch
sinh thái trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và phù hợp với quy
hoạch đã được phê duyệt. Không gây ảnh hưởng tiêu cực đến bảo tồn các hệ sinh
thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường, đời sống tự nhiên của
các loài động, thực vật hoang dã cũng như bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư ở
địa phương.
3. Việc sử dụng diện tích đất trong
khu vực thuê môi trường để trồng cây dược
liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái phải đúng theo quy
định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; quy định
pháp luật về đất đai và các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan. Các trường
hợp vi phạm phải được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
4. Để đảm bảo
tính che phủ của thảm thực vật dưới tán rừng nhằm hạn chế xói mòn, đảm bảo tính
năng phòng hộ của rừng; căn cứ đặc điểm sinh vật học, hướng dẫn kỹ thuật trồng
đối với từng loài cây cụ thể để xác định diện tích đất sử dụng và chỉ được phép
sử dụng tối đa 30% diện tích đất dưới tán rừng để trồng cây dược liệu và lâm sản
ngoài gỗ.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Vị trí
cho thuê
1. Chủ rừng xây dựng và công khai
Phương án cung ứng dịch vụ môi trường rừng để trồng cây dược liệu, lâm sản
ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái trong lâm phận được giao quản lý trình
Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở cho
thuê môi trường rừng.
2. Đối với những diện tích rừng chưa
giao do UBND xã quản lý thì Hạt Kiểm lâm huyện, liên huyện xây dựng và công
khai Phương án cung ứng dịch vụ môi trường rừng để trồng cây dược liệu, lâm sản
ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái trình Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định
và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở cho thuê môi trường rừng.
Điều 5. Hạn mức
cho thuê
Căn cứ vào diện tích môi trường rừng
hiện có tại địa phương và nhu cầu thực tế, năng lực tài chính, dự án đầu tư,
phương án sử dụng môi trường rừng và các điều kiện cần thiết khác theo quy định
để quyết định hạn mức cho thuê môi trường rừng đối với từng
cá nhân, hộ, nhóm hộ, cộng đồng, các tổ chức có nhu cầu được thuê.
Điều 6. Thời hạn
cho thuê
1. Thuê môi trường rừng để trồng cây
dược liệu và lâm sản ngoài gỗ tối đa là 25 năm.
2. Thuê môi trường rừng để trồng Sâm
Ngọc Linh tối đa là 40 năm.
3. Thuê môi trường rừng để kinh doanh
du lịch sinh thái tối đa là 50 năm.
4. Sau khi hết thời hạn thuê môi trường
rừng, trường hợp cá nhân, hộ, nhóm hộ, cộng đồng, các tổ chức có nhu cầu tiếp tục
thuê; đồng thời trong quá trình sử dụng rừng đã chấp hành
đúng các quy định pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng phù hợp với quy
hoạch thì được xem xét ưu tiên để tiếp tục kéo dài thời
gian cho thuê, nhưng không quá 20 năm.
Điều 7. Mức giá
cho thuê
1. Thuê môi trường rừng để trồng cây
dược liệu, lâm sản ngoài gỗ: 400.000 đồng/ha/năm (tính tương đương với đơn giá
khoán bảo vệ rừng phổ biến tại các huyện miền núi).
2. Thuê môi trường rừng để kinh doanh
du lịch sinh thái: mức giá thuê được tính bằng 2% doanh thu; trường hợp mới đầu
tư, đi vào hoạt động được miễn tiền thuê trong 03 năm đầu.
3. Mức giá quy định nêu trên chỉ áp dụng
trong trường hợp có 01 tổ chức, cá nhân đề nghị được thuê môi trường rừng. Nếu
có từ 02 tổ chức, cá nhân trở lên cùng đề nghị được thuê môi trường rừng tại một địa điểm thì giá cho thuê môi trường rừng được quyết định
thông qua đấu giá.
4. Trong quá trình thực hiện, khi mức
giá khoán bảo vệ rừng phổ biến tại các huyện miền núi thay đổi hoặc có quy định,
hướng dẫn mới của Trung ương về thuê môi trường rừng thì mức giá cho thuê môi
trường rừng sẽ được điều chỉnh theo giá mới.
Chương III
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ,
HÌNH THỨC THU TIỀN, THẨM QUYỀN CHO THUÊ MÔI TRƯỜNG RỪNG
Điều 8. Chính
sách hỗ trợ
1. Miễn tiền thuê môi trường đối với
a) Hộ, nhóm hộ, cộng đồng đã tham gia
ký kết hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng; hộ, nhóm hộ, cộng đồng có hộ khẩu thường
trú trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh có nhu cầu, khả năng đầu tư trồng
cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ.
b) Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh
và dược liệu Quảng Nam.
c) Trung tâm Sâm Ngọc Linh huyện Nam
Trà My.
2. Tổ chức, cá nhân, hộ, nhóm hộ khi
tham gia trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, kinh doanh du lịch sinh thái được
hưởng chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và
chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai
thác dược liệu, các chính sách liên quan khác theo quy định.
3. Điều tra xác định hiện trạng rừng;
a) Chủ rừng thực hiện hoặc thuê đơn vị
tư vấn có đủ điều kiện, năng lực để điều tra xác định vị trí và địa điểm khu rừng,
diện tích rừng, loại rừng, trạng thái rừng, trữ lượng rừng và chất lượng rừng
trước khi cho tổ chức thuê môi trường rừng; kinh phí thực hiện do bên thuê môi
trường rừng chi trả.
b) Đối với hộ, nhóm hộ, cộng đồng đã
tham gia ký kết hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng; hộ, nhóm hộ, cộng đồng có hộ
khẩu thường trú trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh
có tham gia trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ thì Nhà nước chịu kinh phí điều
tra, đánh giá hiện trạng rừng.
Điều 9. Hình thức
thu tiền
1. Tiền thuê môi trường rừng thu hằng năm và được nộp 100% vào ngân sách tỉnh.
2. Thời điểm nộp tiền thuê đối với loại
hình trồng sâm Ngọc Linh, trồng dược liệu và lâm sản ngoài gỗ là trước ngày
30/01 của năm thuê; kinh doanh du lịch sinh thái là trước ngày 30/01 của năm liền
kề (sau 3 năm đầu được miễn).
Điều 10. Thẩm
quyền cho thuê, phê duyệt Phương án, kế hoạch sử dụng môi trường rừng
1. Thẩm quyền cho thuê môi trường rừng
a) Các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng
phòng hộ ký kết hợp đồng cho thuê môi trường rừng đối với tổ chức, hộ, nhóm hộ
gia đình để trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh
thái trong lâm phận quản lý.
b) Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền Sở
Nông nghiệp và PTNT ký kết hợp đồng cho thuê môi trường rừng trồng cây dược liệu,
lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái đối với tổ chức trên diện tích
rừng chưa giao do UBND cấp xã quản lý.
c) UBND cấp huyện ký kết hợp đồng cho
thuê môi trường rừng trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch
sinh thái đối với hộ, nhóm hộ gia đình và cộng đồng dân cư thôn trên diện tích
rừng chưa giao do UBND cấp xã quản lý.
2. Thẩm quyền phê duyệt Phương án, kế
hoạch sử dụng môi trường rừng
a) UBND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng
môi trường rừng đối với các tổ chức kinh tế trong nước trên cơ sở thẩm định, đề
nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT.
b) UBND cấp huyện phê duyệt Kế hoạch
sử dụng môi trường rừng đối với cá nhân, hộ, nhóm hộ, cộng đồng trên cơ sở thẩm
định, đề nghị của Phòng Nông nghiệp và PTNT.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Sở Nông
nghiệp và PTNT
1. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính
xây dựng phương án sử dụng kinh phí cho thuê môi trường rừng, ưu tiên cho công
tác quản lý bảo vệ rừng và điều tra, đánh giá trạng thái rừng trước khi cho
thuê môi trường rừng; xây dựng phương án cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
2. Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch
và Đầu tư thẩm định phương án sử dụng môi trường rừng của tổ chức.
3. Ký kết hợp đồng cho thuê môi trường
rừng để trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái đối với tổ chức trên diện tích rừng chưa giao do UBND cấp xã quản lý.
4. Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các
biện pháp quản lý, bảo vệ rừng ở những khu vực cho thuê môi trường rừng để trồng
cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái; chỉ đạo các chủ
rừng, đơn vị trực thuộc xử lý hoặc đề nghị xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chủ
trương cho thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu,
lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch
sinh thái gây ô nhiễm nguồn nước,
không khí, đất, hủy hoại cây rừng, kể cả cây con tái sinh; khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép.
5. Xây dựng và ban hành hướng dẫn về
quy trình kỹ thuật trồng các loài cây lâm sản ngoài gỗ, dược liệu dưới tán rừng
trên địa bàn tỉnh
Quảng Nam.
6. Chủ trì phối hợp với các ngành, địa
phương và đơn vị liên quan trong việc quản lý chặt chẽ chất lượng giống cây dược
liệu, lâm sản ngoài gỗ.
7. Phối hợp chặt chẽ với các ngành,
đơn vị, địa phương có liên quan tăng cường công tác xúc tiến đầu tư trên lĩnh vực
nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó có nội dung về cho thuê môi trường
rừng; thực hiện việc cập nhật lên trang web của ngành Quy hoạch 3 loại rừng,
Quy hoạch bảo tồn và phát triển dược liệu, Quy hoạch bảo tồn
và phát triển sâm Ngọc Linh, Phương án cung ứng dịch vụ môi trường rừng của các
chủ rừng, đơn vị được giao quản lý rừng để các tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận,
nắm bắt thông tin, thực hiện đầu tư.
8. Giải quyết theo thẩm quyền hoặc
tham mưu UBND tỉnh giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá
trình thực hiện quy định.
Điều 12. Sở Kế
hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT
thẩm định phương án sử dụng môi trường rừng của tổ chức trình UBND tỉnh phê duyệt.
Điều 13. Sở Tài
chính
Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí điều
tra, đánh giá hiện trạng rừng trước khi cho đối tượng quy định tại điểm b, khoản
3, Điều 8, Nghị quyết số 42/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh thuê môi trường rừng để
trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái; kinh phí
cho chủ rừng xây dựng phương án cung ứng dịch vụ môi trường rừng cho thuê để trồng
cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái.
Điều 14. Cục Thuế
tỉnh
Hướng dẫn cho các tổ chức, hộ, nhóm hộ
gia đình thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh
doanh du lịch sinh thái thực hiện các nghĩa vụ nộp thuế, lệ phí theo quy định.
Điều 15. Sở Tài
nguyên và Môi trường
1. Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp
và PTNT để xúc tiến thủ tục giao đất, giao rừng cho các Ban quản lý rừng phòng
hộ, đặc dụng trên địa bàn tỉnh.
2. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối
hợp với chủ rừng kiểm tra hiện trường rừng có môi trường rừng cho thuê để trồng
cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái.
3. Tham mưu và chỉ đạo các đơn vị trực
thuộc tham mưu giải quyết các trường hợp khiếu nại, khiếu kiện có liên quan về
đất đai.
4. Tham mưu và chỉ đạo các đơn vị trực
thuộc tham mưu giải quyết các trường hợp khiếu nại, khiếu kiện có liên quan về
đất đai; xử lý và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xử lý nghiêm
đối với các hành vi lợi dụng chủ trương cho thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh
doanh du lịch sinh thái gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất; khai thác
khoáng sản trái phép.
Điều 16. Ủy ban
nhân dân cấp huyện (nằm trong vùng quy hoạch, có cung ứng dịch vụ môi trường rừng)
1. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và
PTNT và các ngành có liên quan triển khai thực hiện nội dung Quy định về cho
thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du
lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Quảng
Nam theo đúng quy định hiện hành về bảo vệ và phát triển rừng, du lịch bảo vệ
môi trường sinh thái.
2. Công khai vùng quy hoạch trồng cây
dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, kinh doanh du lịch sinh thái trên địa bàn cấp huyện
theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt để thu hút các
tổ chức, hộ, nhóm hộ gia đình thuê môi trường rừng trồng cây dược liệu, lâm sản
ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái.
3. Riêng đối với các huyện di thực
cây Sâm Ngọc Linh thì đánh giá kết quả di thực (chất lượng Sâm, tình hình sinh
trưởng phát triển, sự phù hợp về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng
đối với địa phương đã thực hiện việc di thực) để làm cơ sở cho việc bổ sung vào
vùng quy hoạch trồng Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh.
4. Phê duyệt Kế hoạch sử dụng môi trường
rừng, ký kết hợp đồng cho thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái đối với hộ, nhóm hộ gia đình, cộng đồng trên diện tích rừng chưa giao do
UBND xã quản lý.
5. Khuyến khích các hộ, nhóm hộ gia
đình có hộ khẩu thường trú tại địa phương hiện đang nhận khoán bảo vệ rừng tham
gia trồng và phát triển cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch
sinh thái.
6. Tích cực xúc tiến, kêu gọi các tổ
chức kinh tế trong nước tham gia trồng và phát triển cây dược liệu, lâm sản
ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái; khuyến khích đầu tư cơ sở sản xuất,
chế biến, bao tiêu sản phẩm trên địa bàn nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài cho tổ chức,
hộ, nhóm hộ gia đình trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch
sinh thái.
7. Xử lý và chỉ đạo UBND cấp xã, đơn
vị trực thuộc xử lý nghiêm đối với các hành vi lợi dụng chủ trương cho thuê môi
trường rừng để trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh
thái gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất, hủy hoại cây rừng, kể cả cây con
tái sinh; khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép thuộc địa phận quản lý.
Điều 17. Các Ban
quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, đơn vị được giao quản lý rừng
1. Xây dựng phương án cung ứng dịch vụ
môi trường rừng cho thuê để trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh
du lịch sinh thái trên diện tích được giao quản lý; thống
kê, tổng hợp đơn đề nghị thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái
theo diện tích quản lý, xem xét trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt
Phương án sử dụng môi trường rừng của tổ chức, hộ, nhóm hộ gia đình.
2. Thông báo công khai trên các
phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương và niêm yết công khai tại đơn vị,
UBND cấp xã, các điểm sinh hoạt cộng
đồng để người dân biết kê khai về diện tích, địa điểm đã trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái theo thực tế ngoài
hiện trường; đồng thời tiếp nhận và hướng dẫn người dân làm đơn xin sử dụng môi
trường rừng để trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và
kinh doanh du lịch sinh thái (đối với hộ, nhóm hộ đã trồng thực tế và hộ, nhóm
hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng) gửi đến chủ rừng để tổng hợp, tham mưu UBND cấp huyện cho phép được tiếp tục sử dụng môi trường rừng.
3. Chịu trách nhiệm trong công tác kiểm
tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng môi trường rừng của các tổ chức, hộ, nhóm hộ
gia đình sau khi thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ
và kinh doanh du lịch sinh thái trong lâm phận được giao quản lý.
Điều 18. Trung
tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam, Trại Sâm Tắk Ngo thuộc
UBND huyện Nam Trà My
1. Bảo tồn, quản lý nguồn giống cây
sâm Ngọc Linh và dược liệu trên địa bàn để cung cấp giống cho tổ chức, hộ, nhóm
hộ gia đình có nhu cầu phát triển.
2. Tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ
thuật gây trồng, chăm sóc cây dược liệu cho các đối tượng tham gia.
3. Đẩy mạnh công tác bảo quản, chế biến
các sản phẩm từ cây dược liệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm, tiến tới xây dựng
thương hiệu quốc gia cho Sâm Ngọc Linh.
Điều 19. Điều
khoản thi hành
Trong quá trình triển khai thực hiện
Quy định này, nếu có vấn đề vướng mắc phát sinh; các tổ chức, hộ, nhóm hộ gia
đình phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp và PTNT để xem xét, tham mưu UBND tỉnh
điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.