Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 645/QĐ-TTg 2022 Kế hoạch ứng phó thảm họa động đất sóng thần

Số hiệu: 645/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Lê Văn Thành
Ngày ban hành: 27/05/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 645/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 5 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH QUỐC GIA ỨNG PHÓ THẢM HỌA ĐỘNG ĐẤT, SÓNG THẦN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013; Luật sửa đổi, b sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định tổ chức hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

Căn cứ Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tại Tờ trình số 1258/TTr-BQP ngày 29 tháng 4 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính ph
ủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự
quốc gia;
- Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN
;
- Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ l
ý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, CN, NN, KGVX;
- Lưu: VT, NC (2).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Văn Thành

 

KẾ HOẠCH

QUỐC GIA ỨNG PHÓ THẢM HỌA ĐỘNG ĐẤT, SÓNG THẦN
(Kèm theo Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 27 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Huy động hợp lý các nguồn lực, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa và ứng phó thảm họa động đất, sóng thần nhằm hạn chế đến mức thp nht thiệt hại về người, tài sn và môi trường; góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược quốc gia phòng, chng và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cơ quan, tổ chức và mọi người dân, bảo đảm phối hợp chặt chẽ bộ, ngành trung ương và địa phương trong tổ chức thực hiện các giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả động đất, sóng thần.

- Hoàn thiện hệ thống kế hoạch quốc gia ứng phó các loại hình sự cố, thiên tai, thảm họa cơ bn, làm cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện.

- Nâng cao năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai; nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phổ cập kiến thức cho người dân, rèn luyện kỹ năng cho các lực lượng để giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất và sóng thần.

II. DỰ BÁO TÌNH HÌNH CÓ THỂ XẢY RA

1. Động đất

Trên lãnh thổ và thềm lục địa Việt Nam có các hệ thống đứt gẫy hoạt động và được gọi theo tên các con sông lớn như sông Hồng, sông Chảy, sông Mã, sông Đà, sông Cả. Trong đó đáng chú ý nhất là các hệ đứt gẫy chạy theo phương Tây Bắc - Đông Nam trên lãnh thổ miền Bắc và hệ thống đứt gẫy Kinh tuyến 109° chạy dọc theo bờ bin miền Trung và Nam Trung Bộ v.v... Các đứt gãy này tạo ra 45 vùng nguồn phát sinh động đất trong đó có 09 vùng nguồn phát sinh sóng thần trên khu vực Biển Đông.

Cấp độ rủi ro thiên tai do động đất tại các khu vực khác nhau được xác định theo kịch bản động đất cực đại, cụ thể như sau:

- Khu vực Tây Bắc: Kịch bản động đất có độ lớn M = 7.2 xảy ra trên đứt gãy Sơn La tại tọa độ (Kinh độ 103.44, Vĩ độ 21.64) gây ra cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 - 5 tại một số khu vực tỉnh Điện Biên, Sơn La; cấp 3 - 4 tại một số khu vực tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai và cấp 1 - 3 tại khu vực tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang và Phú Thọ;

- Khu vực Đông Bắc: Kịch bản động đất có độ lớn M = 5.5 xảy ra trên đứt gãy Cao Bằng - Tiên Yên tại tọa độ (Kinh độ 106.54, Vĩ độ 22.16) gây ra cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 - 5 tại một số khu vực tỉnh Lạng Sơn, cấp 3 tại một số khu vực tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và cấp 1 tại một số khu vực tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang;

- Khu vực đồng bằng sông Hồng: Kịch bản động đất có độ lớn M = 6.3 xy ra trên đứt gãy sông Chảy tại tọa độ (Kinh độ 106.07, Vĩ độ 20.65) gây ra cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 - 5 tại khu vực tnh Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình và Hà Nội. Cấp 1 - 2 tại khu vực tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Hải Phòng và Vĩnh Phúc;

- Vùng Bắc Trung Bộ: Kịch bản động đất có độ lớn M = 6.5 xảy ra trên đứt gãy sông Cả tại tọa độ (Kinh độ 105.583, Vĩ độ 18.906, tại khu vực huyện Diễn Châu, Nghệ An) gây ra cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 - 5 tại khu vực tỉnh Nghệ An, cấp 3 - 4 tại khu vực tỉnh Hà Tĩnh; cấp độ 1 - 3 tại tỉnh Thanh Hóa và cấp độ 1 tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế;

- Khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: Kịch bản động đất có độ lớn M = 5.8 xảy ra trên đứt gãy Ba Tơ - Củng Sơn tại tọa độ (Kinh độ 108.74, Vĩ độ 13.99) gây ra cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 - 5 tại một số khu vực tỉnh Bình Định và Gia Lai (khu vực tâm chấn) và cấp 1 đối với các khu vực lân cận;

- Khu vực Nam Bộ: Kịch bản động đất cực đại M = 5.0 xảy ra trên đứt gãy sông Hậu tại tọa độ (Kinh độ 105.81, Vĩ độ 10.04) gây ra cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 tại một số khu vực tỉnh Vĩnh Long và Cần Thơ (khu vực tâm chấn); cấp 1 - 2 tại khu vực lân cận thuộc tnh Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh và các khu vực lân cận.

2. Sóng thần

Trên khu vực Biển Đông và lân cận có 09 vùng nguồn sóng thần có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam, bao gồm: Vùng nguồn đứt gẫy Kinh tuyến 109°, Bắc Biển Đông, Pa la oan-Borneo, Máng biển sâu Manila/Phi-líp-pin, biển Đài Loan, biển Sulu/Phi-líp-pin, biển Selebes/Phi-líp-pin, biển Ban đa Bắc và biển Ban đa Nam/In-đô-nê-xi-a. Độ nguy hiểm sóng thần đối với các vùng bờ biển Việt Nam được đánh giá qua đại lượng độ cao sóng cực đại do sóng thần gây ra và thời gian lan truyền sóng thần từ nguồn tới bờ bin. Trong các vùng nguồn sóng thần khu vực Biển Đông và lân cận, vùng nguồn Máng biển sâu Manila/Phi-líp- pin được đánh giá là vùng nguồn nguy hiểm nhất đối với Việt Nam. Khi xảy ra động đất với độ lớn cực đại lên đến M = 9.3 tại khu vực này thì mức độ nguy hiểm sóng thần tác động trên toàn dải ven biển Việt Nam được phản ánh dưới dạng cấp độ rủi ro thiên tai sóng thần, cụ th như sau:

- Rủi ro thiên tai cấp độ 4 (tương ứng với độ cao sóng từ 8 m đến 16 m): Khu vực ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Phú Yên, tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Bình Thuận. Thời gian sóng thần lan truyền và tấn công vào bờ khoảng từ 2.0 giờ đến 4.5 giờ, vào sâu trong đất liền có thể tới 2 - 3 km;

- Rủi ro thiên tai cấp độ 3 (tương ứng với độ cao sóng từ 4 m đến 8 m): Khu vực ven biển thành phố Hải Phòng, tỉnh Nam Định, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An, tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Quảng Bình, tỉnh Quảng Trị, tỉnh Bình Định, tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tnh Bến Tre, tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau. Thời gian sóng thần lan truyền và tấn công vào bờ khoảng từ 3.0 giờ đến 9.0 giờ vào sâu trong đất liền có thể tới hàng trăm mét;

- Rủi ro thiên tai cấp độ 2 (tương ứng với độ cao sóng từ 2 m đến 4 m): Tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Thái Bình, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Trà Vinh và tỉnh Sóc Trăng. Thời gian sóng thần lan truyền và tấn công vào bờ khoảng từ 8.2 giờ đến 14.9 giờ, vào sâu trong đất liền có thể tới hàng trăm mét;

- Rủi ro thiên tai cấp độ 1 (tương ứng với độ cao sóng dưới 2 m): Tỉnh Ninh Bình và tỉnh Kiên Giang. Thời gian sóng thần lan truyền và tấn công vào bờ khoảng 8 đến 15 giờ. Sóng thần gây ngập lụt cục bộ tại một số điểm.

III. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ

1. Công tác phòng ngừa

a) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của các lực lượng, cả hệ thống chính trị và toàn dân

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đu cơ quan, tổ chức đối với công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa động đất, sóng thần;

- Bồi dưỡng nâng cao kiến thức và năng lực thực hiện nhiệm vụ cho các lực lượng theo phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của từng cấp, từng ngành;

- Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

b) Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục, hoàn thiện cơ chế hoạt động phù hợp, hiệu quả

- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật; phổ biến kinh nghiệm, xây dựng năng lực, kỹ năng phòng tránh thảm họa động đất, sóng thần tạo ra sự đồng thuận giữa mọi người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội;

- Hoàn thiện cơ chế hoạt động của lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ ở các cấp; hoàn thiện cơ chế phối hợp hoạt động giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương liên quan trong chỉ đạo, điều hành, đào tạo, huấn luyện, diễn tập. Xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương trong việc ứng phó động đất, sóng thần;

- Thường xuyên rà soát, cập nhật tài liệu, tư liệu phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền. Có kế hoạch lồng ghép, tích hợp kiến thức, kỹ năng phòng tránh động đất, sóng thần đưa vào chương trình giáo dục, các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm trong các cơ sở giáo dục phù hợp với đặc điểm thiên tai vùng miền.

c) Gắn phát triển kinh tế - xã hội với nâng cao khả năng thích ứng, chống chịu của hạ tầng cơ sở, công trình xây dựng và khu dân cư

- Gắn quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước, địa phương, quy hoạch phát triển ngành với công tác phòng chống thiên tai bảo đảm phát triển bền vững;

- Nâng cao khả năng thích ứng chống chịu của hạ tầng và khu dân cư công cộng đủ khả năng phòng chống thảm họa,... Quy hoạch và xây dựng địa điểm sơ tán nhân dân, điểm an toàn, hệ thống y tế, mạng lưới giao thông vận tải, thông tin liên lạc trọng yếu, các công trình lưỡng dụng theo quy định; có kế hoạch dự trữ vật chất hậu cần, kỹ thuật và các cơ sở vật chất thiết yếu khác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ;

- Đầu tư xây dựng công trình bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, có chế tài quy định mọi tổ chức, cá nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt thiết kế xây dựng công trình ở các vùng có nguy cơ động đất, sóng thần. Có giải pháp phù hợp để đảm bảo an toàn, đặc biệt đối với hồ chứa nước lớn, nhà máy hóa chất độc hại, nhà cao tng và các công trình cơ sở hạ tầng khác;

- Đối với vùng ven biển có nguy cơ sóng thần: Rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp để hạn chế ảnh hưởng của sóng thần đối với các khu đô thị, khu dân cư tập trung, công nghiệp và du lịch ven bin, hải đảo (chú trọng đến các khu dân cư đô thị, ở những vùng có địa hình thấp, vùng đồng bằng ven biển; những khu vực thường xuyên xảy ra lũ, ngập lụt...). Bảo tn các cn cát ven biển, trồng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển; xây dựng, nâng cấp tuyến đê biển vững chắc giảm tác động của sóng thần. Có kế hoạch huy động sử dụng các nhà cao tầng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; các khu vực cao ven biển sẵn sàng sơ tán dân khi xảy ra sóng thần.

d) Từng bước nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo, đầu tư mua sắm trang thiết bị ứng phó

- Duy trì lực lượng, phương tiện trực quan sát, giám sát, cảnh báo, xử lý và ban hành bản tin động đất và cảnh báo sóng thần theo quy chế; đánh giá toàn diện các nguy cơ, sự cố do thảm họa động đất, sóng thần gây ra, làm cơ sở xây dựng các phương án ứng phó phù hợp, hiệu quả;

- Đầu tư, xây dựng, quản lý mạng lưới quan trắc phục vụ báo tin động đất, cảnh báo sóng thần; cập nhật, hoàn thiện các kịch bản cảnh báo sóng thần; xây dựng tập bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai động đất, sóng thần;

- Đầu tư, mua sắm các trang thiết bị phù hợp cho các lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm và các lực lượng khác từng bước nâng cao năng lực ứng phó;

- Nghiên cu, đề xuất các phương pháp, giải pháp khoa học công nghệ trong công tác báo tin động đất, cảnh báo và ứng phó với thảm họa.

đ) Xây dựng, hoàn thiện các kế hoạch, phương án ứng phó; tổ chức huấn luyện, luyện tập, diễn tập theo phương án

- Xây dựng, rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án, các tài liệu hướng dẫn và cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác ứng phó thảm họa động đất, sóng thần sát, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương;

- Tổ chức huấn luyện kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm và huấn luyện phổ cập cho các đối tượng khác để nâng cao năng lực ứng phó khi xảy ra thảm họa động đất, sóng thần. Lồng ghép nội dung huấn luyện ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng và trong chương trình giáo dục quốc phòng, an ninh chính khóa cho học sinh, sinh viên, theo quy định của Chính phủ;

- Tổ chức diễn tập theo các phương án, tập trung vào các phương án phức tạp, có nhiều khả năng xảy ra. Vận dụng và phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” chủ động huy động, điều phối các lực lượng để sơ tán, phòng, tránh thảm họa và cứu hộ, cứu nạn. Chuẩn bị tốt trang thiết bị, cơ sở vật chất cho huấn luyện, diễn tập; từng bước nâng cao năng lực ứng phó, cứu hộ, cứu nạn cho các lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm và các lực lượng khác;

- Có phương án khai thác, vận hành, bảo vệ an toàn các công trình lớn: Hồ chứa thủy điện, thủy lợi, hệ thống lưới điện quốc gia, hệ thống giao thông.... Bảo đảm khi xảy sự cố do động đất, sóng thần gây ra mức độ thiệt hại thấp nhất và khắc phục nhanh nht phục vụ công tác khôi phục các hoạt động sản xuất phát triển kinh tế, xã hội.

e) Tăng cường hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực

- Hợp tác quốc tế trong quản lý thảm họa và tìm kiếm cứu nạn; dự báo, cảnh báo thiên tai, cung cấp thông tin, trang thiết bị nâng cao năng lực dự báo cảnh báo động đất, sóng thần;

- Tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; tích cực trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm về dự báo, cảnh báo thiên tai, thảm họa nói chung và động đất, sóng thần nói riêng;

- Tham gia diễn tập ứng phó thiên tai, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa với các nước trong khu vực; trao đổi thông tin, tập huấn, diễn tập, ứng phó thảm họa với các quốc gia trong khối ASEAN và quốc tế;

- Tăng cường sự tham gia tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế trong ứng phó với thảm họa động đất, sóng thần và tái thiết sau thảm họa.

2. Tổ chức ứng phó

a) Tổ chức thông báo, báo động và cảnh báo kịp thời đến các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế, xã hội và nhân dân tại địa phương các tin động đất, sóng thần quy định.

- Truyền tin cảnh báo, báo động trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống thông tin mạng viễn thông...;

- Tăng cường kết nối thông tin để nắm bắt kịp thời các diễn biến, hậu quả của động đất và cảnh báo nguy cơ sóng thần;

- Đánh giá kịp thời quy mô, diễn biến sự cố do thảm họa động đất, sóng thần, xác định nhanh kịch bản ứng phó hiệu quả;

- Triển khai các lực lượng, phương tiện quan sát, giám sát; các lực lượng giúp dân sơ tán, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả...

b) Tổ chức sơ tán, phân tán bảo đảm an toàn cho nhân dân, các cơ quan, tổ chức và tài sản ra khu vực an toàn:

- Đối với sóng thần: Hướng dẫn nhân dân ven biển sơ tán khi có tin cảnh báo sóng thần mạnh và nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp tới địa phương.

+ Khu vực ven biển, trên biển: Khi đang ở trên tàu, thuyền trên biển, hoặc vùng ven biển không nên cho tàu thuyền trở về cảng, nên di chuyển tàu thuyền hướng ra bin, đến những vùng nước sâu ít nht là trên 150 m. Khi tàu thuyn còn neo đậu trong bờ đưa tàu thuyền ra biển nếu có đủ thời gian và thực hiện các biện pháp phòng tránh theo thông báo của chính quyền, cơ quan chức năng của địa phương. Không được ở lại trên tàu thuyền neo đậu tại bến cảng.

+ Trên đất liền: Đang ở khu vực bãi biển ngay lập tức chạy đến nơi an toàn ở các bãi đất cao hoặc ở nơi cách xa bờ biển từ 500 m trở lên. Đang ở trong nhà trệt, nhà thấp tầng trong bán kính dưới 500 m tính từ bờ biển phải sơ tán vào sâu trong đất liền; đang trong nhà cao tầng di chuyển lên các tầng cao, không ở lại tầng 1 cho đến tầng 3; mở trng các cửa ở các tầng thấp để hạn chế sự tác động của sóng. Khi đang đi trên đường khu vực gần biển phải khẩn trương chuyển hướng vào sâu trong đất liền, không được đi ra hướng bờ biển.

- Động đất: Động đất không thể dự báo trước, song có một số biện pháp có thể làm trong lúc động đất để tránh hoặc giảm thương tích và thiệt hại do động đất gây ra:

+ Đang ở trong nhà nên chui xuống gầm bàn, lựa góc phòng để đứng, tránh cửa kính, những vật có thể rơi xuống. Che mặt và đầu để khỏi bị các mảnh vụn rơi trúng. Nếu mất điện, dùng đèn pin, không dùng nến hay diêm vì chúng có thể gây hỏa hoạn; nắm chắc tin tức khẩn cấp để ứng phó.

+ Trong các tòa nhà cao tầng: Tuyệt đối không được dùng thang máy, ở trong nhà, di chuyển tới góc phòng, tránh xa các khu vực có cửa kính, đèn điện treo. Khóa gas, mở ca sổ hoặc cửa ra vào. Nếu đang ở trong thang máy nằm xuống sàn bảo vệ đầu, khi thang máy làm việc trở lại ra khỏi thang máy ở tầng kế tiếp và sử dụng cầu thang bộ.

+ Đang đi đường: Tránh xa các tòa nhà và dây điện. Tìm chỗ trống để đứng; trong lúc lái xe, ngừng xe ở lề đường nên tránh các cột điện, dây điện, công trình phía trên xe và không chui xung gm xe.

+ Khi bị kẹt trong đống đổ nát: Không la hét, lấy tay, khăn che mũi miệng; dùng vật cứng gõ vào vật cứng khác báo vị trí của mình cho cứu nạn.

+ Sau động đất: Kiểm tra người bị thương, sơ cứu và gọi cứu hộ; kiểm tra các thiệt hại, không sử dụng diêm, bật lửa; không chạm vào dây điện bị đứt; dập tắt đám cháy nhỏ (nếu có); tránh xa các bức tường gạch, thận trọng với các chất lỏng đổ tràn và các vật nặng trên trần, kệ có thể bị rơi.

+ Cập nhật tin tức khẩn cấp của cơ quan chức năng.

+ Chuẩn bị ứng phó các trận dư chấn, những trận động đất gây ra bởi trận động đất vừa xảy ra. Tuy chúng nhỏ hơn, chúng vẫn có thể gây ra thương tích.

c) Huy động, điều phối các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị khẩn trương tổ chức tìm kiếm, cứu nạn trong các khu vực xảy ra thảm họa.

- Trên biển: Huy động các tàu, xuồng, ca nô và các phương tiện thủy khác làm nhiệm vụ vận tải, huấn luyện, tuần tra, thực thi pháp luật trên sông, trên bin; các trung tâm, trạm phối hợp tìm kiếm cứu nạn, các cảng vụ; Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực cứu hộ cứu nạn, vận tải biển... của các Bộ: Quốc phòng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, các địa phương liên quan và các tàu, hãng vận tải của các nước đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng;

- Trên đất liền: Huy động lực lượng, phương tiện của các đội tham gia hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, các đơn vị bộ binh, công binh, thông tin liên lạc, hậu cần, quân y; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực cứu hộ cứu nạn, y tế, viễn thông, xây dựng, vận tải, khai thác mỏ; các đơn vị phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ an ninh trật tự, giám định tư pháp hình sự; các trung tâm phối hợp, hiệp đồng tìm kiếm cứu nạn hàng không, các cảng vụ đường thủy nội địa... và lực lượng, phương tiện của các sở, ban, ngành và cấp huyện, cấp xã... của các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông vận ti, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế và các địa phương liên quan.

d) Duy trì hệ thống thông tin liên lạc thông suốt bảo đảm cho chỉ huy, chỉ đạo, điều hành.

- Sử dụng các mạng viễn thông dùng riêng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành: Hệ thống viễn thông cố định, di động vệ tinh; hệ thống viễn thông vô tuyến điện; hệ thống truyền hình hội nghị; các xe ô tô chuyên dùng phục vụ thông tin và các hình thức thông tin, liên lạc khác;

- Sử dụng tần số ưu tiên cho các phương tiện làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra thảm họa động đất, sóng thần, bảo đảm thông suốt, không gián đoạn;

- Tận dụng mọi phương thức thông tin liên lạc để nắm tình hình và truyền tin trong khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất, sóng thần.

3. Công tác khắc phục hậu quả

- Huy động nhân lực, phương tiện, trang thiết bị tiếp tục tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; nhanh chóng đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ khẩn cấp.

+ Tiếp tục huy động các lực lượng, phương tiện tổ chức tìm kiếm cứu nạn trên biển, trên đất liền.

+ Huy động lực lượng, phương tiện ngành y tế, các đội y tế hỗ trợ khẩn cấp để tiếp nhận, phân loại, cấp cứu, vận chuyển, thu dung, điều trị nạn nhân. Làm tốt công tác phân loại, giám định người tử nạn, an táng theo quy định.

+ Đánh giá cụ thể thiệt hại về người, tài sản, các công trình, hạ tầng;.. mức độ ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh, nhu cầu cứu trợ khn cấp.

- Bố trí nơi ở tạm cho những người bị mất nhà cửa, kịp thời cung cấp nhu yếu phẩm, bảo đảm hậu cần, vật tư y tế cho lực lượng ứng phó và nhân dân vùng bị nạn.

- Thu dọn, xử lý vệ sinh môi trường, tiêu độc, tẩy xạ, diệt trùng, khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn môi trường sống.

- Đánh giá tổng hợp tình hình, thực hiện công tác chính sách, xây dựng kế hoạch, tiến hành các biện pháp hỗ trợ, khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng; ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội.

4. Lực lượng, phương tiện

- Bộ Quốc phòng

+ Lực lượng không quân: Các Đội bay tìm kiếm cứu nạn đường không thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân; lực lượng không quân thuộc Quân chủng Hải quân và Binh đoàn 18;

+ Các Đội tham gia hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai; cứu sập; khắc phục hậu quả về môi trường; Quân y cứu trợ thảm họa; chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn; thông tin liên lạc cơ động ứng phó thiên tai, thảm họa...;

+ Các tàu, xuồng, ca nô và các phương tiện thủy khác làm nhiệm vụ vận tải, huấn luyện, tuần tra, thực thi pháp luật trên sông, trên biển thuộc: Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, các Quân khu ven biển, Binh chủng Đặc công, Binh chủng Công binh, Tổng cục Hậu cn, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng...;

+ Các Trạm phối hợp tìm kiếm cứu nạn: Có 10 trạm đang hoạt động và được tiếp tục đầu tư, xây dựng: Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Trường Sa (Khánh Hòa), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Thổ Chu (Kiên Giang), Hòn Khoai (Cà Mau), Song Tử Tây (Khánh Hòa);

+ Các trung tâm đào tạo, huấn luyện: Trung tâm Quốc gia huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường biển; Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc; Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Trung; Trung tâm Quốc gia Huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không;

+ Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường;

+ Các đơn vị bộ binh, công binh, vận tải, hóa học, thông tin liên lạc, hậu cn, quân y và các đơn vị khác thuộc các Tổng cục, Quân khu, Quân đoàn, Quân Binh chủng, Binh đoàn, Bệnh viện, Học viện, Nhà trường và tương đương;

+ Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực cứu hộ cứu nạn, vận tải biển, tài nguyên môi trường, y tế, thông tin, viễn thông ... (như Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Bệnh viện các tuyến).

- Bộ Công an:

+ Các đơn vị Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn;

+ Các đơn vị Cảnh sát cơ động, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát môi trường;

+ Các đơn vị bảo vệ an ninh trật tự;

+ Các cơ quan giám định tư pháp hình sự;

+ Trung tâm huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ.

- Bộ Giao thông vận tải

+ Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng không, Trung tâm Hiệp đồng Tìm kiếm cứu nạn Hàng không (Miền Bắc, Trung, Nam) và các cơ quan, đơn vị khác thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam. Trung tâm khẩn nguy cảng hàng không thuộc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP và Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn; các cơ quan, đơn vị khác thuộc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP;

+ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam, gồm 04 Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Khu vực (Khu I tại Hải Phòng, Khu vực II tại Đà Nng, Khu vực III tại Vũng Tàu, Khu vực IV tại Nha Trang);

+ Lực lượng của các cảng vụ hàng hải: Gồm 23 cảng vụ hàng hải khu vực, các cảng vụ này có một số tàu, ca nô công vụ hoạt động đảm bảo an toàn an ninh hàng hải và các thiết bị cẩu, bốc xếp có khả năng chủ trì hoặc tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển và tại các vùng nước cảng biển;

+ Tổng công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải miền Bắc và miền Nam: Gồm các đơn vị thành viên hoạt động trong lĩnh vực hoa tiêu, bảo đảm an toàn hàng hải trên cả nước; có nhiều phương tiện thủy như: Ca nô, tàu kéo, sà lan công trình, sà lan mở đáy, tàu lai dắt... và nhiều thiết bị đi kèm;

+ Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam (VISHIPEL): Phụ trách Hệ thống Thông tin duyên hải Việt Nam từ Móng Cái đến Cà Mau; Trung tâm xử lý và kiểm soát Thông tin Hàng hải Hà Nội; Đài Thông tin vệ tinh mặt đất Inmarsat Hải Phòng (Hai Phong Land Earth Station); Đài Thông tin vệ tinh mặt đất Cospas-Sarsat (VNLUT/MCC) tại Hải Phòng;

+ Một số doanh nghiệp ngành Giao thông vận tải khác có thể cung cấp các dịch vụ về hàng hải, trục vớt, dịch vụ kỹ thuật ngầm và tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển như: Công ty Trục vớt Cứu hộ Việt Nam (VISAL); Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Vinaline; Tổng Công ty xây dựng đường thủy Vinawaco; Tổng Công ty vận tải thủy Việt Nam; Công ty vận tải và thuê tàu...;

+ Lực lượng khác: Các Cảng vụ Đường thủy nội địa; các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cứu hộ cứu nạn, xây dựng, vận tải (đường không, đường bộ, đường sắt, thủy nội địa), thông tin, viễn thông, y tế...

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Các đội tàu làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam; các trung tâm thông tin chuyên ngành thủy sản; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực phòng chống thiên tai, thủy sản, nông lâm nghiệp, các công ty thủy lợi...

- Bộ Công Thương: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khai thác mỏ, dầu khí, vận tải biển, tài nguyên môi trường ... (như Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; Trường Cao đẳng Dầu khí, Xí nghiệp vận tải biển và Công tác lặn/Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro...).

- Bộ Y tế: Các đội y tế cơ động, hệ thống bệnh viện và các cơ sở khám, điều trị bệnh, trung tâm y tế dự phòng...

- Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Lực lượng, phương tiện của các sở, ban, ngành và cấp huyện, cấp xã trực thuộc; các cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ, ngành và lực lượng, phương tiện của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cứu hộ cứu nạn, xây dựng, vận tải, tài nguyên môi trường, thông tin, viễn thông... đứng chân trên địa bàn. Tàu, thuyền, phương tiện thủy của các tổ chức, cá nhân, ngư dân do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương trực tiếp quản lý phương tiện (hoặc được quyền huy động khi có vụ việc). Các đội xung kích, các đơn vị dân quân tự vệ các địa phương.

- Lực lượng khác: Các lực lượng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trong và ngoài khu vực theo thỏa thuận hợp tác với Việt Nam hoặc do Việt Nam thuê. Các tàu vận tải quốc tế đang hoạt động trong vùng lãnh thổ Việt Nam hoặc có hải trình quốc tế gần vị trí tàu, thuyền của Việt Nam gặp nạn.

5. Nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương

a) Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn

- Chủ trì giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, đa phương triển khai thực hiện kế hoạch;

- Chỉ đạo cơ quan thường trực, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương thực hiện tốt công tác chuẩn bị và sẵn sàng các phương án ứng phó; kiểm tra luyện tập, diễn tập theo kế hoạch. Đề xuất đầu tư, mua sắm trang thiết bị phù hợp từng bước nâng cao năng lực cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ;

- Chỉ đạo và huy động lực lượng, phương tiện của các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả;

- Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng trong nước phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc yêu cầu trợ giúp quốc tế.

b) Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai

- Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương triển khai thực hiện kế hoạch, phương án ứng phó; chủ trì đánh giá tính chất, phạm vi, mức độ và hậu quả; đồng thời triển khai kế hoạch, phương án, biện pháp ứng phó khẩn cấp với các tình huống phát sinh theo thẩm quyền;

- Phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương chỉ đạo các lực lượng tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn, khắc phục hậu quả theo thẩm quyền; đồng thời phối hợp, tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc yêu cầu trợ giúp quốc tế theo thẩm quyền;

- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá hiệu quả của bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai; tính kịp thời của các bản tin khi đến người sử dụng; kiến nghị điều chỉnh, bổ sung những nội dung chưa phù hợp hoặc còn thiếu nhằm hoàn thiện hoạt động dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai.

c) Bộ Quốc phòng

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện kế hoạch trên phạm vi cả nước; tổ chức thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc tổ chức thực hiện;

- Chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các địa phương xây dựng phương án sử dụng lực lượng, phương tiện của các đơn vị trong quân đội trong thực hiện nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng gắn với việc trực và ứng phó, tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra thảm họa động đất, sóng thần;

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập, đào tạo lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả; phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó thảm họa động đất, sóng thần;

- Đề xuất, đầu tư mua sắm trang thiết bị từng bước nâng cao năng lực ứng phó cho các lực lượng của bộ;

- Khi xảy ra thảm họa kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng động đất, sóng thần tổ chức sơ tán người, vũ khí trang bị ra khỏi khu vực nguy hiểm; điều động lực lượng, phương tiện phối hợp với chính quyền địa phương sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn. Chỉ đạo các quân khu nơi xảy ra thảm họa chủ trì, phối hp với địa phương thiết lập sở chỉ huy hiện trường, triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn. Sẵn sàng thiết lập cầu hàng không sân bay trực thăng, bệnh viện dã chiến cứu chữa, vận chuyển người và trang bị, vật tư, nhu yếu phẩm, khắc phục hậu quả;

- Phối hợp với các lực lượng công an, chính quyền các địa phương bảo vệ an toàn các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các khu vực trọng điểm khác; phối hợp với Bộ Ngoại giao, các bộ, cơ quan ngang bộ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc yêu cầu trợ giúp quốc tế, đặc biệt là tìm kiếm, cứu nạn trên các vùng biển.

d) Bộ Công an

- Chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập nhằm phối hợp với các lực lượng sẵn sàng ứng phó, tìm kiếm cứu nạn khi xảy thảm họa;

- Chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền phối hợp với các đơn vị quân đội, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp công tác, nắm tình hình liên quan đến an ninh quốc gia, an ninh chính trị nội bộ, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ an toàn các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các mục tiêu, công trình trọng điểm theo thẩm quyền. Tổ chức phòng ngừa, đu tranh, ngăn chặn hoạt động của các loại tội phạm lợi dụng thảm họa động đất, sóng thần để hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội;

- Điều động các lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng khác giúp chính quyền địa phương trong vùng ảnh hưởng sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn; phối hợp tchức ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả, tổ chức giám định, nhận dạng, phân loại nạn nhân theo chức năng, nhiệm vụ.

đ) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về nhiệm vụ phòng chống thiên tai; xây dựng, phát huy tổ đội đoàn kết, nghiệp đoàn nghề cá địa phương sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra, đảm bảo thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương kịp thời cung cấp các thông tin về diễn biến tình hình trên biển (có liên quan), tổ chức kêu gọi tàu, thuyền hoạt động trên bin cơ động tránh trú khi xuất hiện các nguy cơ cao có thể gây ra sóng thần;

- Chỉ đạo lực lượng Kiểm ngư và chuyên ngành thủy sản tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động đánh bắt thủy sản trên các vùng biển của Việt Nam, vùng biển quốc tế, sẵn sàng, tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển;

- Phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương triển khai thực hiện các biện pháp giảm nhẹ hậu quả do thảm họa động đất, sóng thần gây ra theo quy định của pháp luật;

- Phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương liên quan chỉ đạo tổ chức di dời dân đến nơi an toàn; điều tra, thống kê, thiệt hại và xác định nhu cầu cấp bách, khắc phục hậu quả đối với các lĩnh vực được phân công. Đồng thời có kế hoạch khôi phục sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp..., bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác theo thẩm quyền quản lý của bộ cho nhân dân vùng bị nạn.

e) Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, phối hợp với các lực lượng và địa phương liên quan điều tra, đánh giá thiệt hại và xử lý các sự cố về môi trường; xây dựng kế hoạch phục hồi môi trường bị ô nhiễm;

- Hướng dẫn các địa phương xây dựng, cập nhật bản đồ ngập lụt, theo địa bàn quản lý và định kỳ cập nhật hệ thống bản đồ ngập lụt vùng hạ lưu các hệ thống sông, khu vực ven biển và các hải đảo của Việt Nam phù hợp với từng cấp độ rủi ro thiên tai do sóng thần gây ra để phục vụ công tác ứng phó, khắc phục hậu quả.

g) Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và các bộ, ngành trung ương có liên quan thẩm định các nguồn vốn và khả năng cân đối ngân sách để đảm bảo các bộ, ngành trung ương, địa phương thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

- Thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn các dự án đầu tư xây dựng cơ sở, sản xuất, mua sắm trang thiết bị phục vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định của Luật Đầu tư công.

h) Bộ Tài chính

- Chủ trì bố trí ngân sách chi thường xuyên cho các bộ, cơ quan trung ương thực hiện hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn;

- Xuất, cấp kịp thời trang thiết bị dự trữ quốc gia cho công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định của pháp luật dự trữ quốc gia hiện hành và theo lệnh của cấp có thẩm quyền.

i) Bộ Giao thông vận tải

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện việc phát tin dự báo, cảnh báo thiên tai trên các kênh thông tin của Hệ thống Thông tin Duyên hải Việt Nam theo quy định; nâng cao chất lượng phát sóng và tăng cường vùng phủ sóng thông tin trên biển và cho các đảo xa đất liền;

- Chỉ đạo các cơ quan đơn vị thuộc quyền phối hợp với cơ quan liên quan, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó đối với các ngành trực thuộc. Tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập từng bước nâng cao năng lực cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm theo chức năng nhiệm vụ;

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền phối hợp với các lực lượng của các bộ, các địa phương bảo đảm phương tiện sơ tán, vận chuyển hàng hóa; chỉ dẫn, phân luồng giao thông đi qua các khu vực xảy ra sự cố. Phối hợp với các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả; phối hợp các cơ quan liên quan sẵn sàng thiết lập cầu hàng không, vận chuyển người, trang bị, phương tiện, vật chất nhu yếu phẩm khi có yêu cầu;

- Rà soát trang thiết bị kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung theo hướng đầu tư, mua sắm các trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn chuyên dùng. Thường xuyên cập nhật năng lực trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn trên bộ, biển thuộc phạm vi quản lý để tham mưu, đề xuất, sẵn sàng sử dụng lực lượng, phương tiện khi có tình huống;

k) Bộ Xây dựng

- Chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương rà soát, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng các công trình phù hợp, theo quy định của pháp luật;

- Huy động các lực lượng, trang thiết bị thuộc quyền phối hợp với các lực lượng khác khắc phục hậu quả khi có yêu cầu.

l) Bộ Y tế

- Chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương huy động ngành y tế, các đội y tế hỗ trợ khẩn cấp để tiếp nhận, phân loại, cấp cứu, vận chuyển, thu dung, điều trị nạn nhân theo thẩm quyền;

- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị trực thuộc, các địa phương triển khai xây dựng, đầu tư trang thiết bị các tổ, đội huy động ngành y tế hỗ trợ khẩn cấp; tổ chức huấn luyện về y tế, kỹ thuật cấp cứu, vận chuyển cho các lực lượng liên quan; sẵn sàng đáp ứng các tình huống khẩn cấp;

- Xây dựng kế hoạch, phương án đáp ứng y tế cho nhiệm vụ ứng phó thảm họa. Bảo đảm thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế đáp ứng các tình hung khẩn cấp về y tế. Chỉ đạo các cơ quan đơn vị thuộc quyền phối hợp với các lực lượng xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh trong và sau thảm họa; sẵn sàng thiết lập bệnh viện dã chiến, tiếp nhận vật tư y tế của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước khi có yêu cầu.

m) Bộ Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, các doanh nghiệp Bưu chính Viễn thông phối hợp với Binh chủng Thông tin liên lạc, Cục Bưu điện Trung ương/Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội/Bộ Quốc phòng, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tổ chức đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động ứng phó, tìm kiếm cứu nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; cấp phép sử dụng tần số cho các phương tiện làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra thảm họa động đất, sóng thần;

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho toàn dân về phòng, ứng phó thảm họa động đất, sóng thần.

n) Bộ Công Thương

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền phối hợp với các địa phương kiểm tra việc thực hiện các quy định an toàn đối với các cơ sở, các công trình, các dự án... thuộc thẩm quyền, để ngăn ngừa, hạn chế tối đa khả năng xảy ra sự cố phát sinh;

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền phối hợp với các lực lượng tổ chức tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự c, hậu quả môi trường và xử lý các vấn đề liên quan theo thẩm quyền. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có kế hoạch chuẩn bị và cung cấp kịp thời các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân vùng bị thiệt hại khi có yêu cầu;

- Nghiên cứu, ứng dụng, đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị ứng phó các sự cố: Hầm lò, đập chứa nước thủy điện, hệ thống truyền tải điện, các kho chứa nhiên liệu, hóa chất, các nhà máy xí nghiệp... của bộ và triển khai các đơn vị thuộc quyền đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị theo nhiệm vụ được giao;

- Tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập, đào tạo lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm tham gia ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả các sự cố theo thẩm quyền.

o) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Thực hiện các chính sách với người tham gia làm nhiệm vụ ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi bị m đau, tai nạn, bị thương hoặc chết; đề xuất các chính sách hỗ trợ cho người dân vùng bị nạn theo quy định của luật pháp.

p) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp thuộc quyền quản lý, phối hợp với địa phương xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó trong các lễ hội, tổ chức sự kiện, các khu du lịch, các trung tâm văn hóa, thể thao... Lồng ghép vào các thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch hướng tới mục tiêu phát triển ngành an toàn và bền vững;

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với lực lượng của các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương tổ chức sơ tán khách du lịch, tham gia lễ hội, sự kiện và người lao động trong các khu du lịch, các trung tâm văn hóa, thể thao, lễ hội... có nguy cơ cao xảy ra sự cố đến nơi an toàn. Khôi phục các cơ sở, các hoạt động du lịch, các thiết chế văn hóa và xử lý các vấn đề phát sinh thuộc các lĩnh vực theo thẩm quyền.

q) Bộ Ngoại giao

- Chủ trì liên hệ với các quốc gia, vùng lãnh thổ để phối hợp hỗ trợ cho người, phương tiện của Việt Nam gặp sự cố khi xảy ra thảm họa động đất, sóng thần trên biển, vùng biên giới đất liền. Phối hợp với các cơ quan bộ, cơ quan ngang bộ liên quan làm các thủ tục ngoại giao để hỗ trợ cho người và phương tiện nước ngoài gặp sự cố khi xảy ra thảm họa động đất, sóng thần trên biển và lãnh thổ Việt Nam;

- Phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương có liên quan, tăng cường hợp tác ứng phó thảm họa động đất, sóng thần trên biển và vùng biên giới đất liền... Phối hợp trong việc tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ... và phối hợp trong việc cấp phép cho lực lượng tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài vào thực hiện tìm kiếm, cứu nạn trên lãnh thổ của Việt Nam.

r) Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

- Chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương cập nhật và phát tin về động đất, cảnh báo sóng thần; tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức và hướng dẫn sử dụng tin động đất, sóng thần nhằm nâng cao ý thức chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại;

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến; tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực quan trắc, dự báo, cảnh báo động đất, sóng thần;

- Xây dựng, quản lý mạng lưới quan trắc, cơ sở dữ liệu, kịch bản báo tin động đất, cảnh báo sóng thần; kịp thời xử lý và ban hành bản tin động đất, cảnh báo sóng thn theo chức năng, nhiệm vụ được giao;

- Tổ chức đánh giá, cập nhật bản đồ phân vùng nguy hiểm rủi ro động đất, sóng thần, cung cấp các số liệu cần thiết cho các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương phục vụ công tác quy hoạch xây dựng, phát triển kinh tế bền vững và xây dựng kế hoạch ứng phó với thảm họa động đất, sóng thần.

s) Các bộ, ngành có liên quan

Theo thẩm quyền phối hợp Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, có kế hoạch, phương án sẵn sàng ứng phó, khắc phục hậu quả.

t) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

- Xây dựng, chỉ đạo xây dựng Kế hoạch ứng phó thảm họa động đất, sóng thần ở các cấp trên địa bàn (tích hợp với Kế hoạch phòng thủ dân sự) được Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phê duyệt theo phân cấp; thường xuyên kiểm tra, rà soát, điều chỉnh bổ sung kế hoạch phù hợp với thực tiễn; duy trì chế độ canh, trực, thông báo, cảnh báo; tổ chức huấn luyện, diễn tập nâng cao năng lực cho dân quân tự vệ, đội xung kích và các lực lượng khác, bảo đảm khả năng ứng phó tại chỗ và ban đầu kịp thời, hiệu quả;

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho toàn dân, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị trong ứng phó các sự cố, thiên tai, thảm họa;

- Các địa phương ven biển tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ, đội đoàn kết, tổ hợp tác trên biển trong việc tương trợ nhau khi cùng hoạt động trên biển, nhất là công tác cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”. Kiểm tra, kiểm soát, đăng ký, đăng kiểm phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn trên các phương tiện; nắm chắc diễn biến tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn trên các vùng biển nhất là nguy cơ sóng thần, kịp thời thông báo cho chủ tàu, thuyền trưởng biết để chủ động ứng phó;

- Gắn phát triển kinh tế xã hội với nâng cao khả năng thích ứng chống chịu của hạ tầng và khu dân cư công cộng đủ khả năng phòng chống thảm họa và xây dựng địa điểm sơ tán nhân dân, điểm an toàn, hệ thống y tế, mạng lưới giao thông, vận chuyển và thông tin liên lạc trọng yếu các công trình lưỡng dụng ở địa phương có thể sử dụng khi xảy ra thảm họa;

- Bố trí ngân sách đầu tư mua sắm trang thiết bị, vật tư nhu yếu phẩm cần thiết sẵn sàng ứng phó; đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyn vận động các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp... trên địa bàn mua sm trang thiết bị phù hợp theo quy định sẵn sàng ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo yêu cầu;

- Khi xảy ra thảm họa, huy động lực lượng, phương tiện của nhân dân phối hợp với các lực lượng của các bộ, cơ quan ngang bộ đứng chân trên địa bàn, lực lượng chi viện khác, tổ chức sơ tán nhân dân, tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả; tổ chức bảo vệ an toàn khu vực sơ tán, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn;

- Triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm về y tế, vật tư, nhu yếu phẩm cho người dân tại các khu sơ tán, các khu vực dân cư bị nạn; có biện pháp bảo đảm an toàn giao thông; điều tra, xác định thiệt hại, xây dựng và triển khai kế hoạch khắc phục ô nhiễm, phục hồi do các sự cố môi trường gây ra;

- Tổ chức khôi phục tái thiết các cơ sở giáo dục, đào tạo, du lịch, các thiết chế văn hóa, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống nhân dân vùng bị nạn;

- Tổng hợp, báo cáo kết quả về Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng thủ dân sự, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Bộ Quốc phòng và các bộ, cơ quan ngang bộ theo quy định.

6. Công tác đảm bảo

Bảo đảm trang thiết bị và ngân sách cho hoạt động ứng phó thảm họa động đất, sóng thần từ nguồn ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, các nguồn hợp pháp khác và được thực hiện theo Kế hoạch phòng thủ dân sự quốc gia.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác ứng phó thảm họa động đất, sóng thần

a) Cấp trung ương

- Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia chỉ đạo công tác ứng phó thảm họa động đất, sóng thần;

- Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai chỉ đạo công tác ứng phó thảm họa động đất, sóng thần theo chức năng, nhiệm vụ được giao;

- Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai là Văn phòng thường trực, thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao;

- Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các bộ, cơ quan ngang bộ là cơ quan thường trực ứng phó thảm họa động đất, sóng thần của bộ, cơ quan ngang bộ.

b) Cấp địa phương

- Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, chỉ huy công tác ứng phó thảm họa động đất, sóng thần;

- Cơ quan Quân sự cấp tỉnh là cơ quan thường trực ứng phó thảm họa động đất, sóng thần cấp tỉnh;

- Cơ quan Quân sự cấp huyện là cơ quan thường trực ứng phó thảm họa động đất, sóng thần cấp huyện.

2. Xây dựng và cập nhật Kế hoạch ứng phó thảm họa động đất, sóng thần các cấp

- Kế hoạch ứng phó thảm họa động đất, sóng thần được tích hp với Kế hoạch Phòng thủ dân sự của các bộ, cơ quan ngang bộ và các cấp của địa phương.

- Hằng năm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, gửi báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 645/QĐ-TTg ngày 27/05/2022 về Kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.687

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.1.100
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!