TỔNG
CỤC LÂM NGHIỆP
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
Số:
603-BLN
|
Hà
Nội, ngày 24 tháng 08 năm 1963
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY TRÌNH TẠM THỜI VỀ KHAI THÁC GỔ
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
Căn cứ Nghị định số 140-CP
ngày 29 tháng 9 năm 1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và
tổ chức bộ máy của Tổng Cục lâm nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 596-TTg ngày 31 tháng 10 năm 1955 ban hành: “điều lệ tạm thời
khai thác gỗ củi”;
Căn cứ Nghị định số 10-CP ngày 26 tháng 4 năm 1960 của Hội đồng Chính phủ quy định
chế độ tiết kiệm gỗ và Thông tư số 161-TTg ngày 25 tháng 7 năm 1960 của Thủ tướng
Chính phủ thi hành nghị định đó.
Xét đề nghị của ông Cục trưởng cục Khai thác và ý kiến của tổ lâm học thuộc Hội
đồng khoa học kỹ thuật Tổng Cục lâm nghiệp.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1:
Nay ban hành kèm theo quyết định này bản “quy trình tạm
thời về khai thác gỗ” áp dụng cho tất cả các khu rừng của Nhà nước mở cho khai
thác.
Điều 2:
Các ông Cục trưởng cục Khai thác, trưởng ty lâm nghiệp,
Giám đốc lâm trường trực thuộc Tổng Cục lâm nghiệp chịu trách nhiệm thi hành
quyết định này.
|
TỔNG
CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
Nguyễn Tạo
|
QUY TRÌNH TẠM THỜI
VỀ KHAI THÁC GỖ
Điều 1:
Để thúc đẩy việc hợp lý hoá sản xuất cải tiến kỹ
thuật nhằm giải quyết một cách toàn diện và cân đối các mặt yêu cầu: cung cấp gỗ,
tiết kiệm gỗ, bảo vệ rừng và tái sinh rừng, quy trình này quy định các việc phải
làm, cách làm ,tiêu chuẩn kỹ thuật, chế độ trách nhiệm trong từng khâu của công
tác khai thác gỗ ở các khu rừng của Nhà nước mở cho khai thác.
Quy trình này áp dụng đối với tất
cả các tổ chức thuộc ngành lâm nghiệp hoặc các cơ quan đoàn thể khác khi tiến
hành khai thác gỗ.
Chương 1:
ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều 2:
Ở những khu rừng của Nhà nước mở cho khai thác, việc
khai thác gỗ phải tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng nơi mà tổ chức theo một
trong hai hình thức sau đây:
1. Hình thức lâm trường, công
trường: Lâm trường, công trường thuộc ngành lâm nghiệp; công trường của các cơ
quan, đơn vị bộ đội, hợp tác xã chuyên kinh doanh về rừng.
2. Hình thức tổ sơn tràng phân
tán, bán chuyên nghiệp chưa thành một tổ chức cố định chuyên kinh doanh về rừng.
Điều 3:
Căn cứ vào điều kiện thiên nhiên, tình hình rừng và kỹ
thuật lâm nghiệp nước ta hiện nay, tạm thời quy định áp dụng hai phương thức
khai thác là chặt trắng và chặt chọn.
Điều 4:
Chặt trắng áp dụng chủ yếu cho những rừng nghèo gỗ cần
chặt hết cây để trồng lại rừng. Có thể áp dụng chặt trắng cho một số rừng cây đặc
sản lấy tái sinh nhân tạo là chủ yếu.
Trong chặt trắng phải chú ý
không chặt trắng chỗ dốc quá 25o. Chặt một giải phải trừ một giải, nếu
chặt trên sườn dốc phải trừ một giải trên đỉnh và một giải chân dốc. Bề rộng từng
giải ấn định tuỳ từng trường hợp cụ thể nhưng tối thiểu giải chặt phải rộng
20m, tối đa 30m, giải trừ lại rộng từ 10m đến 20m, (bề rộng đo theo mặt phẳng
ngang). Nếu sườn dốc dài trên 100m, thì bề rộng giải trừ ở đỉnh dốc phải bằng
1/3 chiều dài của sườn dốc.
Điều 5:
Chặt chọn áp dụng cho những rừng còn tương đối nhiều
gỗ, phải bãi cây để giữ lại một số loại chủ yếu đủ tiêu chuẩn làm cây gieo giống,
loại trừ những cây sâu bệnh, cong queo, nhằm đảm bảo yêu cầu tái sinh rừng tốt
và cải thiện tổ thành của rừng. Sản lượng khai thác không được quá 30% trữ lượng
của rừng. Đối với những rừng quá già tỷ lệ cây thành thục nhiều, hoặc trường hợp
đặc biệt thì sản lượng khai thác có thể tăng thêm sau khi được duyệt.
Trong chặt hạ vận xuất phải hết
sức bảo vệ cây non.
Điều 6:
Sản lượng khai thác hàng năm của các khu rừng không
được vượt quá sản lượng khai thác đã tính toán và đã được duyệt. Trường hợp cá
biệt tính toán chưa sát hoặc để đáp ứng nhu cầu đột xuất về gỗ cần phải khai
thác vượt quá sản lượng đã được duyệt thì phải báo cáo và được Tổng Cục lâm
nghiệp cho phép.
Điều 7:
Theo nguyên tắc thì chỉ được đốn chặt rừng khi đã đến
tuổi khai thác. Trong điều kiện nay chưa định được tuổi khai thác cho từng loại
cây và chưa quy hoạch được toàn bộ rừng thì tạm thời quy định như sau:
1. Đối với những vùng đã có quy
hoạch thì phải khai thác theo tuổi cây đã quy định trong bản quy hoạch.
2. Đối với những vùng chưa có
quy hoạch thì chỉ được khai thác khi cây đã có đường kính tối thiểu sau đây:
- Gỗ thiết mộc và gỗ quí (nhóm I
và II): 45 cm.
- Gỗ hồng sắc (nhóm III đến nhóm
VI): 40 cm
- Gỗ tạp (nhóm VII và VIII): 30
cm
Đối với một số loại gỗ đặc biệt
sẽ có quy định riêng.
Chương 2:
ĐIỀU KHOẢN ÁP DỤNG CHO CÁC LÂM TRƯỜNG, CÔNG TRƯỜNG
Mục 1: Quy hoạch
khai thác
Điều 8:
Các khu rừng giao cho lâm trường khai thác phải có
quy hoạch và phải được khai thác theo đúng bản quy hoạch đã xây dựng cho khu rừng
đó.
Điều 9:
Ở những khu rừng đã có quy hoạch chính thức thì việc
khai thác phải theo đúng quy hoạch chính thức.
Nếu khu rừng giao cho công trường,
lâm trường chưa có quy hoạch chính thức thì bộ phận điều tra quy hoạch phải lập
một quy hoạch tạm thời trong có ghi rõ:
1. Diện tích khu rừng được khai
thác
2. Địa giới khu rừng có đóng mốc
rõ ràng.
3. Trữ lượng gỗ.
4. Phương thức khai thác.
5. Phân khoảnh và trình tự khai
thác các khoảnh.
6. Sản lượng khai thác hàng năm.
7. Những công tác tu bổ, cải tạo
phải tiến hành trong và sau khai thác.
Kèm theo bản quy hoạch tạm thời
có một sơ đồ khu rừng được quy hoạch.
Điều 10:
Quyền hạn duyệt các quy hoạch tạm thời quy định như
sau:
1. Quy hoạch tạm thời của các
lâm trường quy mô lớn và trung bình do Tổng Cục lâm nghiệp duyệt.
2. Quy hoạch tạm thời của các
lâm trường quy mô nhỏ và các công trường khai thác sẽ do Uỷ ban hành chính tỉnh
duyệt sau khi có ý kiến của ty lâm nghiệp.
Bản quy hoạch tạm thời đã được Uỷ
ban hành chính tỉnh duyệt phải gửi hai bản về Tổng Cục lâm nghiệp để báo cáo.
Điều 11:
Cấp có thẩm quyền duyệt quy hoạch tạm thời có thể
cho phép tiến hành khai thác trước khi hoàn thành quy hoạch trong một thời gian
không quá ba tháng.
Mục 2: Giao
nhận khoảnh khai thác.
Điều 12:
Trước ngày 31 tháng 5 mỗi năm, các lâm trường, công
trường phải làm xong kế hoạch khai thác của năm sau và đề nghị giao khoảnh khai
thác. Việc giao khoảnh khai thác cho năm sau phải làm xong chậm nhất là ngày 30
tháng 6 năm trước.
Điều 13:
Nơi đã có quy hoạch chính thức hay tạm thời thì theo
đúng quy hoạch và kế hoạch khai thác, trưởng hạt hoặc trạm theo chỉ thị của trưởng
ty lâm nghiệp đứng ra giao khoảnh khai thác cho lâm trường quy mô nhỏ và công
trường trong phạm vi ty. Giám đốc lâm trường quy mô lớn và trung bình uỷ nhiệm
cho cán bộ phụ trách quản lý rừng giao khoảnh khai thác hàng năm cho bộ phận
khai thác.
Nơi chưa có quy hoạch, các ty,
lâm trườnh sẽ chỉ định khu vực khai thác tạm thời.
Điều 14:
Khi cắt khoảnh khai thác để giao, cán bộ giao khoảnh
phải thực hiện các việc sau đây:
1. Chuẩn bị các khoảnh để giao kịp
thời hạn đã định. Trước tiên phải mở đường ranh giới phân khoảnh. Tại các góc
và các điểm đường ranh giới đổi hướng phải chôn các mốc (đường kính 12 đến 16cm
dài 2m) chôn nổi lên mặt đất là 1m30. Trên các mốc phải đẽo một mặt phẳng để
ghi bằng sơn số hiệu của khoảnh, diện tích, năm giao nhận.
2. Định trật tự khai thác trong
khoảnh, chọn hướng tiến hành khai thác nguyên tắc.
a) Ở nơi đất bằng có gió mạnh thổi
theo một hướng chủ yếu thì bắt đầu khai thác từ phía cuối hướng gió, rồi dần dần
khai thác theo hướng ngược lại với hướng gió.
b) Trên địa hình dốc nếu độ dốc
nhỏ hay trung bình (dưới 20o) thì bắt đầu khai thác từ trên đỉnh đi
dần xuống chân dốc, nếu độ dốc lớn (trên 20o) thì phải khai thác từ
dưới chân đi dần lên đỉnh dốc.
Điều 15:
Để định giá trị cho các khoảnh đã giao, cán
bộ giao khoảnh phải tiến hành điều tra trữ lượng, do đường kính ngang ngực của
từng cây bắt đầu từ cây có đường kính 12 cm trở lên, phân thành từng cấp đường
kính, tính thể tích gổ trên khoảnh khai thác. Khi đo đếm cây không được dùng
dao, rìu vạc vỏ cây để đánh dấu.
Điều 16:
Khi giao nhận khoảnh khai thác, cán bộ giao khoảnh
và đại diện bộ phận khai thác phải đến tại chỗ xác nhận:
1. Đường phân giới khoảnh có
đóng mốc rõ ràng.
2. Diện tích khoảnh sản lượng gỗ.
3. Phương thức khai thác.
4. Những công tác tái sinh tu bổ
phải tiến hành trong khai thác.
Hai bên phải lập biên bản giao
nhận có kèm theo sơ đồ khoảnh. Sau khi đã giao nhận không ai được tự ý sửa đổi
lại khoảnh nếu không được sự đồng ý của cấp xét duyệt.
Nếu trong khi giao nhận có những
điểm không thống nhất, mỗi bên ghi ý kiến của mình vào biên bản gửi về ty, ban
Giám đốc lâm trường, trưởng ty lâm nghiệp, Giám đốc lâm trường sẽ làm trọng tài
để giải quyết:
- Hoặc cho tiến hành điều tra để
xác minh lại.
- Hoặc cho ý kiến kết luận.
Điều 17:
Khi giao khoảnh khai thác, cán bộ giao khoảnh cấp giấy
phép khai thác, và chuyển hồ sơ có liên quan đến khoảnh khai thác cho bộ phận
khai thác. Bắt đầu từ khi nhận khoảnh, bộ phận khai thác có thể tiến hành các
công tác chuẩn bị quy định dưới đây:
Mục 3: Chuẩn
bị khai thác
Điều 18:
Khi đã tiếp nhận khoảnh khai thác, các công tác chuẩn
bị sau đây phải được tiến hành.
1. Chia khoảnh ra từng giải hay
lô nhỏ và định trình tự chặt hạ vận xuất từng giải hay lô. Một giải hay lô
không quá 5 ha nếu là chặt trắng, 10 ha nếu là chặt chọn.
2. Làm các đường vận xuất chủ yếu.
3. Làm bãi gỗ
4. Quy định biện pháp kỹ thuật về
chặt hạ vận xuất.
5. Xây dựng chỉ tiêu năng suất
chặt hạ vận xuất. Chỉ được bắt đầu chặt cây khi đã làm xong các công tác chuẩn
bị.
Việc làm đường vận xuất, bãi gỗ
và các biện pháp kỹ thuật sẽ quy định ở chương IV.
Điều 19:
-Việc chuẩn bị khai thác là trách nhiệm của:
1. Bộ phận khai thác trong các
lâm trường quy mô lớn và trung bình, dưới sự hướng dẫn của giám đốc kỹ thuật.
a) Cán bộ phụ trách lâm trường
quy mô nhỏ và công trường, dưới sự hướng dẫn của ty lâm nghiệp, ty lâm nghiệp có
thể uỷ nhiệm cho hạt, trạm lâm nghiệp hướng dẫn và đôn đốc việc chuẩn bị khai
thác của các lâm trường, công trường nằm trong phạm vi hoạt động của hạt, trạm
mình.
Mục 4 : Bài
cây trong khoảnh khai thác.
Điều 20:
Trừ trường hợp chặt trắng, tất cả các khoảnh khai
thác trước khi giao nhận phải bài cây. Những cây chừa lại làm giống phải đánh dấu
riêng bằng sơn hoặc bằng một phương pháp nào không làm hại đến thân cây.
Hiện nay bước đầu thực hiện chế
độ này, tạm thời có thể bài cây sau khi giao nhận khoảnh khai thác nhưng nhất
thiết phải bài cây rồi mới được khai thác.
Nội dung công tác bài cây và
phương pháp tiến hành sẽ quy định trong một văn bản riêng.
Điều 21:
-Bộ phận quản lý rừng chịu trách nhiệm bài cây. Cán
bộ kỹ thuật quản lý rừng phải trực tiếp đến tại chỗ tiến hành bài cây. Bộ phận
khai thác tại các cơ sở sản xuất nơi đó có trách nhiệm cung cấp nhân lực,
phương tiện cần thiết cho việc bài cây.
Sau khi bài cây phải lập biên bản
ghi rõ:
1. Số cây được chặt và số cây phải
giữ lại, phân thành từng loại gỗ và từng cỡ đường kính.
2. Khối lượng gỗ được khai thác.
Mục 5: Tiến
hành khai thác
Điều 22:
Kỳ hạn khai thác là một năm kể từ ngày 1 tháng giêng
đến ngày 31 tháng 12 của năm được khai thác.
Để đảm bảo cho công tác tái sinh
cải tạo rừng tiến hành kịp thời vụ; bộ phận khai thác phải bố trí công việc để
chặt gọn từng lô và diện tích còn lại phải chặt trong tháng cuối năm không vượt
quá 1/10 tổng diện tích được khai thác.
Khi tiến hành khai thác:
1. Không được chặt ra ngoài khoảnh
đã giao nhận. Chỉ được chặt và phải chặt hết những cây đã đánh dấu cho chặt.
2. Tuyệt đối không được chặt và
phải hết sức bảo vệ những cây đã chừa lại làm giống.
Điều 23:
Kỳ hạn phải vận xuất hết gỗ đã chặt ra khỏi khoảnh
khai thác là ngày 15 tháng giêng năm sau. Riêng từ Thanh Hoá trở vào, ở những
nơi tái sinh rừng bằng trồng cây nếu vụ thu là vụ trồng chủ yếu thì kỳ hạn vận
xuất có thể gia hạn thêm…
Gỗ củi và các lâm sản khai thác
trong khoảnh phải vận xuất hết ra khỏi rừng và tập trung tại các bãi gỗ trong một
thời gian không quá 15 ngày sau khi chặt.
Mục 6: Tu bổ rừng trong khai thác.
Điều 24: Trong các lâm trường, công trường phải thực
hiện nguyên tắc khai thác đến đâu tu bổ đến đấy.
Giám đốc lâm trường, quản đốc
công trường chịu trách nhiệm vạch kế hoạch tu bổ rừng trong khai thác theo những
quy định và chỉ thị hướng dẫn của cấp trên; cung cấp nhân lực cần thiết để tu bổ
và kiểm tra đôn đốc việc thực hiện.
Bộ phận khai thác có trách nhiệm
thực hiện các công tác tu bổ trong quá trình khai thác dưới sự hướng dẫn của bộ
phận quản lý rừng.
Công việc tu bổ rừng trong khai
thác gồm: Luỗng rừng trước khi khai thác, thu dọn cành nhánh sau khi khai thác,
tra dậm hạt ở những nơi cần thiết.
Điều 25:
Trước khi khai thác từ 3 đến 6 tháng phải chặt phát
dây leo, bụi rậm trên toàn diện tích nếu khai thác theo phương thức chặt trắng
hoặc chặt chọn lấy ra trên 20 mét khối kể cả cành ngọn trên 1 ha. Nếu chặt chọn
lấy dưới 20 mét khối kể cả cành ngọn trên 1 ha thì chỉ phải phát dây leo, cây bụi
chung quanh gốc cây sẽ chặt trong một phạm vi rộng ít nhất bằng tán lá cây đó,
ngoài ra sẽ luỗng phát theo từng ô đường kính từ 5 đến 10m rải rác trên diện
tích khai thác gần nơi có cây gieo hạt.
Trong khi phát luỗng cần chú ý bảo
vệ những mầm non và cây con đã tái sinh, không làm hại những cây lâm sản khác
như: Sa nhân, giây nâu, giây song…
Điều 26:
Trừ những rừng có mục đích kinh doanh về tre, nứa,
phải diệt trừ nứa trong những rừng kinh doanh gỗ.
Đối với những rừng gỗ pha nứa
thì:
1. Nếu là rừng gỗ có ít bụi nứa
mọc lác đác, cần phát sạch nứa.
2. Nếu là rừng gỗ có nhiều nứa mọc
thành bụi lớn, thì không cần chặt nứa, khi khai thác gỗ sẽ kết hợp chặt nứa
mang ra sử dụng.
Điều 27:-
Sau khi đã tận dụng làm gỗ, củi, đốt than, cành
nhánh nhỏ bỏ lại rừng phải thu dọn để đảm bảo tái sinh thiên nhiên.
1. Trong những khoảng cần tra dậm
them hạt sẽ nói ở điều 28, cành nhánh phải cắt ra từng đoạn nhỏ và xếp thành
hàng, giữa hai hàng để một luống sạch sẽ để tra dậm hạt. Nếu là rừng bằng hay rừng
dốc không quá 5o thì hàng luống không cần xếp theo đường đồng mực.Nếu
rừng có độ dốc trên 5 0 thì phải xếp theo đường đồng mực. Độ dốc từ
5o đến 20o thì hàng nọ cách hàng kia từ 7 đến 10m, độ dốc
cao hơn thì hàng nọ cách hàng kia 5m.
2. Trong những khoảnh không cần
tra dậm thêm hạt, cành nhánh nhỏ đường kính dưới 10cm phải cắt ra từng đoạn và
rải đều trên mặt đất.
3. Riêng trường hợp chặt trắng để
trồng lại rừng, nếu khối lượng cây bụi dây leo quá nhiều, để đảm bảo trồng cây
kịp thời vụ, có thể dùng lửa để thu dọn các vật thừa bỏ, nhưng phải thu thành từng
đống nhỏ hoặc xếp thành giải để đốt và bố trí phòng lửa chu đáo không để cháy
lan. Đốt xong phải trồng cây trong một thời gian ngắn hoặc có biện pháp che phủ
đất. Nếu khu rừng chặt trắng có độ dốc hơn 15o thì phải trồng, lại rừng
ngay trong năm chặt và chậm nhất là trước mùa mưa chính năm sau phải hoàn thành
việc trồng lại rừng.
Điều 28:
Phải tra dậm ở những rừng sau khi khai thác có nhiều
khoảng trống lớn hơn trên 100 mét vuông hoặc rừng thiếu cây gieo giống tự
nhiên.
Hạt đem dậm phải được kiểm nghiệm,
xử lý theo đúng những quy định về kỹ thuật cho từng loại hạt. Phải đào hố để dậm
hạt và gieo hạt đúng thời vụ. Nên chọn hạt giống của những cây địa phương có
giá trị kinh tế cao nếu dùng hạt của các cây nơi khác đưa đến phải nắm vững đặc
điểm của loại cây đó có thích hợp với điều kiện địa phương không.
Những nơi có điều kiện thuận lợi
có thễ làm vườn ươm tự nhiên dưới tán cây giống để lấy cây con dậm vào những
khoảng khai thác bị trống.
Mục 7: Kiểm
tra và thu hồi khoảnh khai thác.
Điều 29:
Bộ phận quản lý rừng có nhiệm vụ kiểm tra công việc
khai thác, tu bổ và bảo vệ rừng của bộ phận khai thác trong quá trình khai
thác. Nếu thấy bộ phận khai thác có những việc làm vi phạm quy trình, bộ phận
quản lý rừng cần nhận xét kịp thời, yêu cầu bộ phận khai thác sửa chữa. Nếu đã
được báo rồi mà bộ phận khai thác vẫn cố ý không sửa chữa, thì bộ phận quản lý
rừng sẽ báo cáo lên cấp trên và đề nghị cách xử lý thích đáng.
Điều 30:
Trong vòng một tháng sau khi chặt hạ vận xuất xong
trên một khoảnh, bộ phận khai thác phải tiến hành kiểm tra lại toàn bộ diện
tích và bổ khuyết những thiếu sót nếu có, sau đó báo cáo cho bộ phận quản lý rừng
biết và hai bên cùng nhay định ngày kiểm tra.
Sau khi kiểm tra, hai bên phải lập
biên bản ghi rõ kết quả kiểm tra gồm các điểm sau đây:
1. Tình hình chặt hạ, vận xuất,
tu bổ, dọn rừng cụ thể như: Các loại và số lượng lâm sản đã khai thác và vận
chuyển đi, diện tích đã tu bổ cải tạo (hoặc số lượng cây, số hạt đã gieo trồng),
số cây số đường vận xuất đã mở.
2. Tình hình vi phạm quy trình
(nếu có) các việc đã sửa chữa.
3. Ý kiến và lý do của đại diện
bộ phận khai thác.
Cán bộ phụ trách mỗi bên phải ký
vào biên bản kiểm tra kèm theo giấy phép khai thác rừng.
Sau đó bộ phận quản lý rừng thu
hồi khoảnh khai thác.
Chương 3
ĐIỀU KHOẢN ÁP DỤNG CHO CÁC TỔ SƠN TRÀNG
Mục I: Quy
hoạch sơ bộ và giao khoảnh khai thác.
Điều 31:
Các khu rừng giao cho các tổ sơn tràng khai thác phải
có quy hoạch sơ bộ và phân thành khoảnh khai thác có ranh giới rõ ràng. Trường
hợp không có điều kiện để tổ chức thành khoảnh khai thác, thì phân cho mỗi tổ
sơn tràng một khu vực nhất định để khai thác.
Điều 32:
Trong trường hợp rừng chưa được quy hoạch sơ bộ thì
dựa vào đặc điểm thiên nhiên của địa hình (đường dông, khe suối, đường cái) để
định ranh giới khu vực khai thác phân cho từng tổ sơn tràng. Cần chú ý chọn thế
nào để gỗ khai thác trong một khu vực có thể đem ra tập trung tại một số bãi gỗ
nhất định, không lẫn với gỗ khai thác ở khu vực bên cạnh.
Điều 33:
Khi khu rừng đã có quy hoạch sơ bộ và phân khoảnh
cho khai thác thì việc giao khoảnh khai thác cho tổ sơn tràng cũng theo như thủ
tục áp dụng cho các lâm trường, công trường.
Điều 34:
Cán bộ của bộ phận quản lý rừng có trách nhiệm đến tại
chỗ để giao khu vực khai thác cho từng tổ sơn tràng, đồng thời cấp giấy phép
khai thác cho mỗi tổ trong đó có ghi rõ ranh giới khu vực và địa điểm đã chỉ định
làm bãi gỗ.
Mục 2: Tiến
hành khai thác.
Điều 35:
Tuỳ từng trường hợp, bộ phận quản lý rừng sẽ quy định
có bài cây hay không. Nếu có bài cây thì chỉ được chặt những cây đã đánh dấu
cho chặt. Nếu không có bài cây thì chỉ được chặt những cây đủ kích thước tối
thiểu đã được quy định ở điểm 2 điều 7.
Không đựơc chặt những loại cây
đã có lệnh cấm như: Cây chừa lại để làm giống, cây để nghiên cứu…trừ những cây
sâu bệnh đã được chỉ định.
Bộ phận quản lý rừng có trách
nhiệm bài cây.
Điều 36:
Không được khai thác ra ngoài phạm vi đã được phép.
Gỗ ở khu vực khai thác của từng
tổ sơn tràng phải được mang ra tập trung ở những bãi gỗ đã quy định. Gỗ không được
để tại rừng quá 15 ngày sau khi chặt hạ.
Mục 3: Tu bổ rừng trong khai thác.
Điều 37: Việc tu bổ rừng trong khai thác ở khu vực sơn
tràng phân tán quy định như sau:
1. Ở những khu vực
có đủ điều kiện sau đây sẽ tiến hành tu bổ như đã quy định ở các điều 26, 26,
27 và 28.
- Rừng thuộc loại
III B, III C, hoặc loại IV.
- Có cán bộ của bộ
phận quản lý rừng trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và nghiệm thu kết quả
sau khi đã hoàn thành tu bổ.
2. Rừng từ loại
III A trở xuống không thuộc diện tu bổ trong khai thác. Những rừng này sẽ có kế
hoạch tu bổ ngoài khai thác hoặc cải tạo.
3. Kinh phí về tu
bổ tính theo khối lượng gỗ khai thác ở khu vực sơn tràng phân tán sẽ tập trung
để tiến hành tu bổ ở những nơi có điều kiện trong khu vực khai thác của sơn
tràng hay trong những khu vực khai thác của lâm trường, công trường.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN ÁP DỤNG CHO CẢ HAI HÌNH THỨC
KHAI THÁC
Điều 38: Ngoài những điều khoản áp dụng riêng cho từng
hình thức khai thác, cả hai hình thức khai thác đều phải theo đúng những quy định
chung về chặt hạ, cắt khúc, tập trung gỗ, vận chuyển và bảo quản dưới đây:
Mục 1: Chặt hạ
Điều 39: -Để tiết kiệm gỗ, gốc cây phải chặt thấp. Những
cây còn sức đâm chồi, phải sửa gốc.
1. Phải cải tiến kỹ
thuật chặt hạ, những nơi có điều kiện dùng cưa, không được dùng rìu hoặc búa để
chặt hạ.
2. Nếu dùng cưa,
hoặc cưa, rìu kết hợp để chặt hạ thì không được chặt cây cao quá mặt đất 1/3 đường
kính của cây.
3. Nếu dùng rìu
búa để chặt hạ thì không được chặt cây cao quá mặt đất một lần đường kính của
cây.
4. Chiều cao của gốc
cây đo từ mặt đất ở phía trên dốc đến mép gốc cây.
5. Gốc cây có đường
kính dưới 40cm, còn sức đâm chồi phải chặt vát cho nước khỏi đọng và phát hết
sơ sước (thường gọi là gọt râu tôm).
6. Nếu gốc cây có
bạnh vè, phải đẽo bạnh vè để chặt thấp. Trong trường hợp này gốc cây có thể cao
hơn, nhưng nhất thiết không được quá một lần đường kính ở ngay chỗ chặt, đường
kính đó kể cả bạnh vè.
Điều 40: Không được chặt cây non. Phải bảo vệ và tránh
làm gẫy cây con. Trong khi chặt hạ phải ngã cây theo chiếu ít cây con.
Những cây con bị gẫy
trong lúc chặt hạ phải mang ra sử dụng và gốc những cây đó phải đẽo vát cho
thoát nước.
Mục 2: Cắt khúc
Điều 41: -Trong việc cắt khúc phải chấp hành nghiêm chỉnh
chế độ sử dụng gỗ:
1. Khi cắt khúc phải
tìm mọi cách để sử dụng gỗ đến mức cao nhất. Những cây có thể cắt thành gỗ dài
thì tuyệt đối không được cắt thành gỗ ngắn. Những khúc gỗ có thể cắt thành gỗ tạo
tác thì tuyệt đối không được làm củi. Phải cắt thế nào để gỗ có giá trị sử dụng
cao nhất. Trường hợp cây gỗ cong queo phải tính thật hợp lý mới cắt khúc.
2. Trong khi cắt
khúc những đoạn kích thước nhỡ nhàng thừa ra phải vận xuất ra, và có kế hoạch
chế biến sử dụng.
3. Các lâm trường,
công trường phải dùng cưa để cắt khúc. Ở khu vực sơn tràng, nếu dùng cưa để chặt
hạ thì phải cắt khúc bằng cưa.
Điều 42: Phải triệt để tận dụng cành ngọn. Tuỳ điều kiện
tiêu thụ, vận xuất, vận chuyển từng nơi, lâm trường đề nghị việc phân loại các
khu vực về phương diện tận dụng gỗ trình Tổng Cục lâm nghiệp duyệt ( thông qua
Uỷ ban hành chính tỉnh). Mức độ sử dụng cành ngọn trong các khu vực quy định
như sau:
1. Ở những vùng gần
các trung tâm tiêu thụ chế biến gỗ, phải cắt khúc thành gỗ tạo tác những đoạn
cành ngọn có đường kính từ 0m,15 trở lên và dài từ 1m trở lên, quy cách phẩm chất
đúng như gỗ tạo tác hạng C đã quy định trong Quyết định số 42–QĐ ngày 9-8-1960
của Tổng Cục lâm nghiệp về phân loại gỗ sử dụng.
2. Ở những vùng
tương đối xa các trung tâm tiêu thụ, chế biến gỗ, phải cắt khúc thành gỗ tạo
tác:
a) Những cành ngọn
dài từ 2m,50 trở lên đường kính từ 0m,30 trở lên, quy cách phẩm chất đúng như gỗ
hạng B.
b) Cành ngọn các
loại gỗ thiết mộc, hồng sắc, nhất là các loại gỗ xẻ được ván sàn đường kính từ
0m,15 trở lên và dài từ 1m trở lên có thể sử dụng làm ván sàn hoặc đồ mộc, nông
cụ. Nếu gỗ có giác lõi khác màu, đường kính chỉ đo ở phần lõi.
c) Cành ngọn gỗ tạp
( nhóm VII và VIII) đúng kích thước và quy cách gỗ tạo tác hạng C sẽ khai thác
tuỳ theo yêu cầu của địa phương.
3. Ở những vùng
núi hiểm trở, vận xuất vận chuyển khó khăn xa các trung tâm tiêu thụ gỗ, mức độ
sử dụng cành ngọn quy định như sau:
a) Cành ngọn dài từ
2m,50 trở lên, đường kính 0m,30 trở lên quy cách phẩm chất đúng theo tiêu chuẩn
gỗ hạng B.
b) Cành ngọn đủ
tiêu chuẩn làm gỗ tạo tác hạng C sẽ tuỳ theo yêu cầu tại địa phương.
4. Cành ngọn không
dùng làm gỗ tạo tác được, phải tận dụng làm củi, đốt than tuỳ theo yêu cầu của
kế hoạch và giá cả cho phép.
Điều 43: -Để tiết kiệm gỗ, cần cải tiến lối đẽo bịn.
Những nơi còn phải
kéo lết bằng trâu cần phải đẽo bịn thì đầu bịn không được đẽo vào quá 1/2 đường
kính của cây và chỉ được đẽo bịn ở một đầu.
Điều 44: -Tổ trưởng sản xuất, tổ trưởng sơn tràng phải
đích thân đến hướng dẫn việc cắt khúc và đích thân chịu trách nhiệm về việc chấp
hành chế độ sử dụng gỗ trong khi cắt khúc.
Cán bộ kỹ thuật của
lâm trường và hạt, trạm lâm nghiệp có trách nhiệm huấn luyện các tổ trưởng và
công nhân về công tác cắt khúc, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện.
Mục 3: Vận xuất
Điều 45: -Lao gỗ phải theo những quy định sau đây:
1. -Phải làm đường
lao gỗ nhất định. Nếu là đường lao gỗ chủ yếu thì khi làm phải có cán bộ kỹ thuật
của lâm trường, công trường hay hạt, trạm lâm nghiệp hướng dẫn.
2. -Khi đi seo bắn
gỗ, công nhân phải mang theo đòn seo đã chuẩn bị sẵn. Đòn seo chỉ được chặt ở
những nơi đã chỉ định và dưới sự kiểm soát của tổ trưởng; không được chặt phá
cây con để làm đòn seo.
Điều 46: -Chỉ được kéo lết ở những nơi dốc nhiều, đường
lầy, khai thác hết sức phân tán và chỉ được áp dụng cho các cự ly ngắn không
quá một giới hạn sẽ quy định riêng cho từng địa phương.
Những khu vực khai
thác tập trung mỗi công mẫu (ha) lấy ra trên 20 mét khối kể cả cành ngọn thì phải
mở rộng vận xuất tương đối tốt để có thể sử dụng xe trâu, xe mộc lăn, các
phương tiện cải tiến khác. Những đường vận xuất chủ yếu dùng cho nhiều khoảnh
khai thác của lâm trường, công trường hoặc chung cho nhiều khu vực khai thác
sơn tràng thì nhất thiết phải sửa sang để có thể sử dụng các loại xe vận xuất gỗ
cải tiến.
Mục 4: Tập trung gỗ - Bãi gỗ
Điều 47: -Gỗ, củi đã khai thác phải tập trung ở bãi gỗ
nhất định và phải:
1. Xếp có thứ tự
thành hàng lối để kiểm điểm, thuận tiện cho việc xuất nhập, bốc lên xe hay di
chuyển đi nơi khác.
2. Kê gỗ lên đà cách
mặt đất ít nhất 20cm đà để kê phải quét thuốc ít nhất là 2 lần.
3. Gổ phải phân loại
và xếp riêng từng loại, tối thiểu phải xếp riêng:
a) Gỗ thiết mộc; hồng
sắc và tạp mộc.
b) Gỗ vỏ, gỗ lạng.
c) Gỗ có công dụng
riêng như gỗ mỏ, gỗ đóng thuyền, gỗ cành ngọn để xẻ ván sàn v.v…
4. Bãi gỗ phải có
lối xe vào xe ra cho thuận lợi. Phải chuẩn bị đầy đủ dụng cụ để bốc dỡ hoặc di
chuyển gỗ như: đòn seo, đà, cầu…
Điều 48: -Gỗ mang tới bãi tập trung phải đo và đánh dấu
trước khi vận chuyển đi nơi khác. Trên cây gỗ phải ghi rõ bằng dấu chìm hoặc một
phương pháp khác cho rõ ràng và bền lâu những ký hiệu sau đây:
- Số hiệu cây gỗ.
- Tên gỗ.
- Khối lượng.
Ngoài những ký hiệu
trên còn có thể ghi thêm: hạng, phẩm chất, công dụng…
Người phụ trách
bãi gỗ phải giữ một quyền sổ xuất nhập ghi rõ từng cây gỗ với những ký hiệu như
trên. Sổ xuất nhập phải ghi cho cập nhật.
Mục 5: Vận chuyển gỗ
Điều 49: -Phải đặt kế hoạch vận chuyển gỗ cho khớp với
kế hoạch khai thác. Trước mùa, thuận lợi cho việc vận chuyển phải chuẩn bị mọi
phương tiện và lực lượng để tranh thủ thời vụ. Gỗ không được để ở các bãi tập
trung quá một thời hạn là một tháng.
Điều 50: -Tìm mọi biện pháp để vận chuyển bằng đường
thuỷ vì cước phí rẻ. Chỉ những trường hợp sau đây mới được vận chuyển bằng đường
bộ.
1. Không có điều
kiện vận chuyển thuỷ.
2. Sông ngòi bị cạn
nên khả năng vận chuyển thuỷ không đảm bảo kế hoạch.
3. Trường hợp đột
xuất vì vận chuyển thuỷ mất nhiều thời gian nên không đảm bảo kế hoạch, trường
hợp này phải được Tổng Cục lâm nghiệp cho phép.
Trong việc vận
chuyển thuỷ phải có kế hoạch cho từng thời vụ. Phải có kế hoạch sản xuất phù liệu
cân đối với việc sản xuất gỗ.
Điều 51: Để sử dụng các phương tiện vận chuyển một
cách hợp lý; nay quy định những trường hợp được dùng ô-tô hoặc các phương tiện
cơ giới để vận chuyển gỗ như sau:
1. Cự ly vận chuyển
tối thiểu phải là 10 cây số tính từ bãi gỗ. Nếu có nhiều bãi gỗ trên cùng một
tuyến đường thì cự ly tính căn cứ vào cự ly bình quân của các bãi gỗ.
2. Những tuyến đường
chủ yếu, thường xuyên ở những nơi khai thác tập trung tuy chưa đạt tiêu chuẩn cự
ly 10 cây số, nhưng khối lượng vận chuyển trên tuyến đường đó trong một năm vượt
quá 5.000 mét khối.
3. Trường hợp đột
xuất cần thoả mãn một yêu cầu cấp bách tuy chưa đạt tiêu chuẩn trên nhưng nếu
được Tổng Cục lâm nghiệp cho phép.
Mục 6: Bảo quản gỗ
Điều 52: Các tổ chức khai thác vận chuyển và phân phối
gỗ phải chấp hành nghiêm chỉnh chế độ bảo quản gỗ chống mối mọt, mục và nứt nẻ.
1. Nguyên tắc
chung là gỗ chặt xong phải đưa ngay ra khỏi rừng và vận chuyển nhanh chóng đến
nơi tiêu thụ. Thời hạn tối đa phải mang gỗ ra khỏi rừng đã quy định ở những điều
23 và 36.
Trường hợp vì điều
kiện vận chuyển khó khăn phải để gỗ tại bến ngoài trời trong một thời gian thì
phải làm những việc bảo quản sau đây:
a) Nếu thời gian để
gỗ từ 2 đến 6 tháng.
- Đối với gỗ từ
nhóm VI trở lên cần kê cách mặt đất ít nhất là 20cm, bằng đà gỗ, bê tông. Đà để
kê gỗ phải quét phải quét thuốc phòng mục tối thiểu là hai lần.
- Đối với gỗ từ
nhóm VII trở xuống phải được quét hoặc phun thuốc, hóa chất thích hợp.
b) Nếu thời gian để
gỗ từ 6 tháng trở lên tất cả các gỗ đều phải quét hoặc phun hóa chất trừ những
gỗ thuộc nhóm II mà phần giác đã lược (lượt) đi chỉ còn lõi. Nếu còn giác cũng
phải quét thuốc.
2. Tại các kho dự
trữ gỗ cây.
a) Nếu có điều kiện
phải ngâm gỗ dưới nước không phân biệt chủng loại gỗ.
b) Trường hợp phải
để gỗ trên cạn thì đối với gỗ từ nhóm VI trở lên phải kê đà bằng gỗ đặt trên
các móng bằng gạch, bê-tông, đá. Gỗ đà phải tẩm thuốc ít nhất là hai lần. Phải
che đậy hai đầu gỗ để khỏi bị nứt nẻ. Đối với gổ từ nhóm VII trở xuống phải
phun quét bằng hoá chất thích hợp, đầu gỗ cũng phải che đậy. Gỗ làm đà phải
quét hoặc tẩm thuốc hai lần trở lên.
c) Trong thời gian
để ở kho nếu thấy cây gỗ nào bị sâu nấm thì phải đưa ra sử dụng ngay để khỏi
lan sang cây khác. Việc sắp xếp gỗ trong kho lán phải bố trí để cây nào vào kho
trước được đem ra sử dụng trước, tránh tình trạng những cây xếp ở trên được sử
dụng trước, những cây ở dưới nằm tại kho hàng năm.
Điều 53: -Các kho bến phải có kế hoạch và chuẩn bị đầy
đủ phương tiện để bảo quản gỗ chống bão lũ.
1. Trong mùa lũ phải
để gỗ ở trên bãi cao hơn mức nước cao nhất từ trước tới nay, vận chuyển được đến
đâu mới cho dần xuống nước đến đấy.
2. Phải chuẩn bị đầy
đủ phương tiện giữ bè xuôi như: giây song, giây cáp…
3. Trong mùa lũ phải
có người thường trực canh gác, phải tổ chức lực lượng xung kích, lực lượng dự bị.
4. Phải xây dựng
kho gỗ an toàn ở những nơi cần thiết để tập trung gỗ trong mùa lũ.
Chương 5:
GIÁO DỤC VÀ THƯỞNG PHẠT
Điều 54: -Để thực
hiện được đúng những mục đích nói ở điều 1, quy trình này cần được phổ biến sâu
rộng tới toàn thể cán bộ, công nhân, sơn tràng và phổ biến rộng rãi trong nhân
dân, ở những nơi có rừng. Trong chương trình học của các trường lâm nghiệp cao,
trung, sơ cấp, các lớp huấn luyện ngắn ngày cho cán bộ công nhân khai thác phải
đưa bản quy trình này vào chương trình giảng dạy và huấn luyện.
Điều 55: -Giám đốc lâm trường, Quản đốc công trường và
cán bộ phụ trách bộ phận khai thác chịu trách nhiệm về toàn bộ công việc khai
thác của đơn vị phụ trách và về những vụ vi phạm quy trình của công nhân trong
đơn vị mình.
Điều 56: -Những vụ vi phạm quy trình này sẽ tuỳ từng
trường hợp mà xử lý theo điều 13 “điều lệ tạm thời khai thác gỗ củi” ban hành
kèm theo Nghị định số 596–TTg ngày 3-10-1955 của Thủ tướng Chính phủ hoặc điều
14 Nghị định 10–CP ngày 26-4-1960 của Hội đồng Chính phủ quy định chế độ tiết
kiệm gỗ.
Đối với những cán
bộ, nhân viên vi phạm những điều quy định trong quy trình này thì ngoài việc xử
lý theo những điều nói trên còn bị thi hành kỷ luật về mặt hành chính.
Điều 57: -Những cá nhân, tổ chức khai thác tích cực thi
hành quy trình này sẽ được khen thưởng thích đáng tuỳ theo thành tích công tác.
Ban hành kèm theo quyết
định số 603-B ngày 24 tháng 8 năm 1963