THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 594/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 15
tháng 04 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT DỰ ÁN "TỔNG ĐIỀU TRA, KIỂM KÊ RỪNG TOÀN QUỐC GIAI ĐOẠN
2013 - 2016"
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày
25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật bảo vệ và phát triển rừng
ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số
1698/2009/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc
thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về Tổng điều tra, kiểm kê rừng giai đoạn 2010
- 2015;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn tại tờ trình số 4272/TTr-BNN-TCLN ngày 14 tháng
12 năm 2012 về việc xin phê duyệt Dự án "Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc
giai đoạn 2013 - 2016”,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Dự án "Tổng điều tra, kiểm kê rừng
toàn quốc giai đoạn 2013 - 2016" với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. THÔNG TIN CHUNG VỀ DỰ ÁN
1. Tên dự án: “Dự án Tổng điều tra,
kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013 - 2016”.
2. Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn.
3. Thời gian thực hiện: Từ ngày 01
tháng 6 năm 2013 đến ngày 31 tháng 12 năm 2016.
II. MỤC TIÊU, PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG
VÀ CHỈ TIÊU ĐIỀU TRA, KIỂM KÊ
1. Mục tiêu
a) Xác định và nắm bắt được diện tích
rừng; trữ lượng rừng và diện tích đất chưa có rừng được quy hoạch cho mục đích
lâm nghiệp (sau đây gọi tắt là đất chưa có rừng) gắn với
chủ quản lý cụ thể trên phạm vi cả nước.
b) Thiết lập được hồ sơ quản lý rừng
và xây dựng cơ sở dữ liệu rừng và đất chưa có rừng.
c) Thành quả của dự án là cơ sở để thực
hiện theo dõi diễn biến rừng và đất rừng hàng năm và việc lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng từ Trung ương đến địa
phương; đồng thời, là thông tin phục vụ cho công tác giao rừng gắn với giao đất
lâm nghiệp và làm căn cứ thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
quy định tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
2. Phạm vi, đối tượng và chỉ tiêu
a) Phạm vi và đối tượng thực hiện điều
tra, kiểm kê rừng
- Phạm vi điều tra, kiểm kê rừng, đất
chưa có rừng được tiến hành trên toàn bộ các tỉnh có rừng trong toàn quốc;
- Đối tượng điều tra, kiểm kê rừng là toàn bộ hiện trạng rừng được quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp và hiện
trạng rừng ngoài quy hoạch cho lâm nghiệp; các trạng thái thực bì trên đất chưa
có rừng (Ia, Ib, Ic); diện tích đất chưa có rừng được giao và cho thuê với mục đích phát
triển rừng; chủ rừng theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng, đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp
hoặc đã được giao quản lý, sử dụng rừng, cho thuê rừng, đất rừng.
b) Đơn vị điều tra, kiểm kê rừng và đất chưa có rừng
- Đơn vị điều tra rừng là các lô trạng
thái rừng với diện tích lô nhỏ nhất là 0,5 ha đối với rừng tự nhiên và 0,2 ha đối
với rừng trồng;
- Đơn vị kiểm kê rừng là lô kiểm kê
(Lô kiểm kê thuộc duy nhất một chủ quản lý), có diện tích tối thiểu 0,2 ha và đồng
nhất về trạng thái rừng. Lô kiểm kê là đơn vị nhỏ nhất về mặt diện tích để xây
dựng cơ sở dữ liệu và lập hồ sơ quản lý rừng;
- Hệ thống tiểu khu, khoảnh theo kết
quả rà soát ba loại rừng (Chỉ thị 38/2005/CT-TTg).
c) Chỉ tiêu điều tra, kiểm kê rừng,
bao gồm các chỉ tiêu chủ yếu:
- Chỉ tiêu về diện tích, gồm:
+ Diện tích đất có rừng tự nhiên, rừng
trồng và diện tích đất chưa có rừng theo đơn vị hành chính;
+ Diện tích đất có rừng của từng trạng
thái rừng, theo chủ quản lý, theo mục đích sử dụng, theo điều kiện lập địa,
theo trữ lượng đối với rừng gỗ tự nhiên (gồm rừng giàu; rừng trung bình; rừng
nghèo; rừng nghèo kiệt) và rừng chưa có trữ lượng; đất chưa có rừng theo hiện
trạng thực bì phân theo mục đích sử dụng;
- Chỉ tiêu về trữ lượng, gồm: Trữ lượng
bình quân trên ha (M/ha), số cây bình quân trên ha (N/ha), tổ thành loài cây gỗ,
phân bố trữ lượng theo cấp kính, phân bố số cây theo cấp kính,...; trữ lượng rừng
tự nhiên và rừng trồng theo trạng thái rừng, theo nhóm chủ quản lý, theo cấp tuổi
và theo đơn vị hành chính.
III. NỘI DUNG CHỦ
YẾU CỦA DỰ ÁN
1. Điều tra rừng
a) Nội dung điều tra
- Tập hợp và xử lý các thông tin phục
vụ điều tra, bao gồm: Các loại bản đồ (dưới dạng tệp tin cơ sở dữ liệu số bảo đảm
thống nhất hệ tọa độ và chuẩn hóa thông tin v.v...); ảnh vệ tinh Spot 5 (độ
phân giải 2,5 m x 2,5 m), Spot 6 (độ phân giải 1,5 m x 1,5 m) hoặc các ảnh vệ
tinh khác có độ phân giải 5 m x 5 m (trong trường hợp không có độ phân giải cao
hơn) đã được nắn chỉnh theo hệ tọa độ VN 2000 và các trang thiết bị, công cụ cần
thiết khác;
- Xây dựng bản đồ kết quả giải đoán ảnh
viễn thám (Spot), bao gồm: Xác định mẫu ảnh, lấy mẫu ảnh thực địa và giải đoán ảnh
để xây dựng bản đồ hiện trạng rừng trong phòng;
- Kiểm tra, khoanh vẽ bổ sung thực địa
bản đồ hiện trạng rừng trong phòng và hoàn thiện bản đồ hiện trạng rừng cấp xã,
theo trình tự công việc sau: Xác định sơ bộ vị trí, ranh giới các trạng thái rừng
và các chủ quản lý, sử dụng gắn với trạng thái rừng và đất chưa có rừng đã được
khoanh vẽ; kiểm tra thực địa bản đồ kết quả giải đoán ảnh và hoàn thiện, biên tập
bản đồ hiện trạng rừng cấp xã tỷ lệ 1:10.000;
- Tính toán diện tích và trữ lượng rừng
làm cơ sở đối chiếu, kiểm chứng khi thực hiện kiểm kê rừng.
- Xây dựng tài liệu hỗ trợ kiểm kê rừng,
bao gồm việc biên tập bản đồ hiện trạng phục vụ kiểm kê rừng đối với chủ rừng
và danh sách các lô kiểm kê rừng của chủ rừng được thống kê theo xã và từng khoảnh,
tiểu khu. Các danh sách được kết xuất ra từ bản đồ hiện trạng rừng trên đó có
ranh giới các đơn vị hành chính, ranh giới các chủ rừng, ranh giới trạng thái rừng.
b) Phương pháp thực hiện điều tra rừng
Để tiết kiệm thời gian và các nguồn lực
trong quá trình thực hiện điều tra rừng, phương pháp điều tra rừng chủ yếu là:
- Sử dụng ảnh viễn thám có độ phân giải
cao (Spot 5, Spot 6 hoặc ảnh viễn thám có chất lượng tương đương chụp trong thời
gian 1 năm tính đến thời điểm điều tra) và ứng dụng công nghệ thông tin để thực
hiện;
- Phương pháp giải đoán ảnh được áp dụng
là phương pháp giải đoán ảnh tự động và được hỗ trợ bổ sung một số công nghệ
khác nhau; đồng thời và kết hợp với phương pháp giải đoán ảnh thủ công để bổ
sung những điểm mạnh và khắc phục những điểm yếu tạo công nghệ tốt nhất đáp ứng
mục tiêu đặt ra (nâng cao chất lượng của bản đồ hiện trạng rừng);
- Phương pháp điều tra lâm học: Thiết
lập hệ thống ô mẫu đo đếm cho mỗi trạng thái rừng để kiểm tra các chỉ số bình
quân. Hiệu chỉnh các chỉ số bình quân chung của Tỉnh thành các chỉ tiêu bình
quân theo cấp xã.
c) Kết quả điều tra
- Bản đồ hiện trạng diện tích rừng và
đất chưa có rừng tỷ lệ 1/10.000 cho từng xã (bản đồ thể hiện từng lô trạng thái
rừng và đất chưa có rừng);
- Trữ lượng các trạng thái rừng đối với
rừng tự nhiên và cho từng loài cây, hoặc nhóm loài cây đối với rừng trồng (gồm
biểu số liệu chi tiết cho từng lô trạng thái về diện tích, trữ lượng và biểu tổng
hợp theo đơn vị hành chính).
2. Kiểm kê rừng
a) Nội dung kiểm kê
Công việc kiểm kê rừng được thực hiện
dựa vào kết quả điều tra rừng
- Tập hợp và xử lý các thông tin phục
vụ kiểm kê, bao gồm việc tiếp nhận thành quả điều tra rừng và các tài liệu thứ
cấp; tài liệu hướng dẫn kiểm kê rừng, các mẫu biểu phục vụ chỉ đạo hoạt động kiểm
kê rừng v.v...;
- Kiểm kê diện tích đến từng chủ rừng,
bao gồm: Xác định sơ bộ ranh giới rừng và đất của từng chủ rừng hoặc nhóm chủ rừng;
rà soát, kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung, xác định chính xác ranh giới các lô kiểm
kê rừng và hoàn thành phiếu kiểm kê rừng cho từng lô kiểm kê rừng của từng chủ
rừng;
- Kiểm kê về trữ lượng, bao gồm việc
đối chiếu trữ lượng từng lô trạng thái với trữ lượng điều tra bình quân; kiểm
kê bổ sung trữ lượng của các lô trạng thái có sai số lớn và tổng hợp kết quả kiểm
kê trữ lượng;
- Tổng hợp kết quả kiểm kê rừng từ
các phiếu điều tra, kiểm kê rừng của từng chủ rừng gắn với hệ thống biểu cấp
xã, huyện, tỉnh và cả nước. Trong đó, số liệu được tổng hợp bằng phần mềm kiểm
kê rừng và biên tập bản đồ thành quả kiểm kê rừng theo các cấp hành chính: Xã,
huyện, tỉnh, vùng, toàn quốc;
- Lập hồ sơ quản lý rừng đến từng tiểu
khu rừng và từng đơn vị quản lý hành chính. Hồ sơ quản lý bao gồm phần mềm quản
lý cơ sở dữ liệu (số liệu về diện tích, trữ lượng rừng và bản đồ).
b) Phương pháp kiểm kê
- Kiểm tra, đánh giá, xác định các diện
tích rừng; trạng thái rừng, trữ lượng rừng và đất chưa có rừng trên thực tế;
- Xác định sự tăng, giảm số liệu diện
tích rừng, trữ lượng rừng theo kết quả điều tra rừng;
- Đối chiếu với nguồn số liệu thống
kê đã có và hồ sơ quản lý rừng.
IV. THÀNH QUẢ CỦA
DỰ ÁN
1. Hệ thống bản đồ kiểm kê rừng
Bản đồ hiện trạng rừng và đất chưa có
rừng theo mục đích sử dụng rừng, theo chủ quản lý chứa đầy đủ lớp thông tin thuộc
tính. Trong đó:
- Bản đồ cấp xã tỷ lệ 1/10.000;
- Bản đồ cấp huyện tỷ lệ 1/50.000;
- Bản đồ cấp tỉnh tỷ lệ 1/100.000;
- Bản đồ vùng tỷ lệ 1/250.000 và toàn
quốc tỷ lệ 1/1.000.000.
2. Hệ thống số liệu kiểm kê rừng
- Số liệu về diện tích rừng và đất
chưa có rừng theo 03 loại rừng, theo chủ quản lý; trữ lượng rừng theo 03 loại rừng,
theo chủ quản lý được tổng hợp từ xã đến huyện, tỉnh và toàn quốc;
- Các biểu kiểm kê rừng được tổng hợp
từ tiểu khu, xã, huyện, tỉnh và toàn quốc, bao gồm hệ thống biểu tổng hợp:
+ Diện tích các loại đất loại rừng
theo mục đích sử dụng;
+ Tổng hợp trữ lượng các loại rừng
theo mục đích sử dụng;
+ Diện tích rừng và đất lâm nghiệp
phân theo loại chủ quản lý;
+ Trữ lượng các loại rừng phân theo
loại chủ quản lý;
+ Diện tích rừng trồng phân theo loài
cây và cấp tuổi;
+ Trữ lượng rừng trồng phân theo loài
cây và cấp tuổi;
+ Tổng hợp tình trạng quản lý diện
tích rừng và đất rừng;
+ Tổng hợp diện tích rừng và độ che
phủ rừng theo đơn vị hành chính, vùng và toàn quốc;
+ Hệ thống hồ sơ quản lý rừng các cấp:
Được quản lý dưới dạng cơ sở dữ liệu số, bao gồm số liệu và bản đồ.
3. Hồ sơ quản lý rừng: Hồ sơ quản lý
rừng được lập cho từng chủ rừng và các cấp hành chính.
Nội dung của hồ sơ quản lý rừng lập
theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
4. Báo cáo kết quả kiểm kê rừng
- Báo cáo kết quả kiểm kê rừng của từng
tỉnh;
- Báo cáo tổng hợp kết quả điều tra,
kiểm kê rừng toàn quốc.
V. KINH PHÍ DỰ ÁN
1. Ngân sách nhà nước hỗ trợ (nguồn vốn
sự nghiệp kinh tế) và một phần kinh phí do chủ rừng thuộc các tổ chức thực hiện
kiểm kê rừng để thực hiện các hoạt động điều tra, kiểm kê rừng.
2. Tổng khái toán kinh phí phần ngân
sách nhà nước hỗ trợ thực hiện điều tra kiểm kê rừng khoảng: 960 tỷ đồng.
VI. TIẾN ĐỘ THỰC
HIỆN DỰ ÁN
1. Năm 2013
- Tổ chức triển khai dự án tại 13 tỉnh
thuộc các tỉnh Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long (thời gian thực hiện dự án
từ tháng 6 năm 2013 đến tháng 6 năm 2014);
- Triển khai công tác kiểm tra, giám
sát dự án;
- Công tác chuẩn bị, lập dự toán kinh
phí cho 25 tỉnh báo cáo Bộ Tài chính thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem
xét phê duyệt, để thực hiện trong năm 2014.
2. Năm 2014 - 2016
- Tổ chức theo dõi, kiểm tra, giám
sát và thẩm tra kết quả thực hiện tại các địa phương;
- Năm 2014: Thực hiện tại 25 tỉnh;
- Năm 2015: Thực hiện tại 20 tỉnh;
- Năm 2016: Tổng kết, công bố số liệu
tổng kiểm kê rừng.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Tổ chức quản lý dự án
a) Ở Trung ương
- Thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về
Tổng điều tra, kiểm kê rừng giai đoạn 2010 - 2015 (Quyết định số
1698/2009/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ);
- Chỉ đạo toàn diện việc triển khai
thực hiện Dự án tổng điều tra, kiểm kê rừng giai đoạn 2013 - 2016, đảm bảo đúng
tiến độ, chất lượng và hiệu quả theo quy định tại quy chế hoạt động của Ban Chỉ
đạo;
- Tổng cục Lâm nghiệp là cơ quan thường
trực của Ban Chỉ đạo giúp Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng điều tra, kiểm kê rừng
trong việc quản lý và điều hành dự án. Tổ chức giám sát công tác điều tra, kiểm
kê rừng và thành quả dự án;
- Xây dựng Quy chế hoạt động của Ban
Chỉ đạo Trung ương về Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc trình Thủ tướng
Chính phủ quyết định.
b) Ở địa phương
Thành lập Ban Chỉ đạo kiểm kê rừng cấp
tỉnh để triển khai tổ chức thực hiện Dự án.
2. Trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa
phương
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn
Chịu trách nhiệm trước Chính phủ
trong việc tổ chức thực hiện và kết quả Dự án Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn
quốc giai đoạn 2013 - 2016, cụ thể là:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương có rừng thực hiện công tác điều tra, kiểm kê rừng thống nhất toàn quốc,
giám sát, kiểm tra chặt chẽ tiến độ, nội dung và chất lượng công tác kiểm kê của
các ngành, các cấp;
- Hàng năm, căn cứ tiến độ thực hiện
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất với các địa phương lập kế hoạch
và dự toán kinh phí gửi Bộ Tài chính thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem
xét phê duyệt;
- Quản lý, sử dụng tổng kinh phí điều
tra, kiểm kê rừng đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định về chế độ tài
chính của Nhà nước;
- Chỉ đạo các địa phương tổ chức triển
khai công tác kiểm kê rừng và lập hồ sơ quản lý rừng theo hướng dẫn của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên
môn phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để thống nhất kế hoạch và tiến độ
để cung cấp và tiếp nhận bản đồ thành quả kiểm kê đất đai năm 2010; bản đồ nền
địa hình hệ quy chiếu VN 2000 (bản đồ dạng số); ảnh vệ tinh có độ phân giải cao
với chất lượng tốt (ảnh được xử lý cấp độ 3) của 58 tỉnh để phục vụ cho kiểm kê
rừng trên toàn quốc;
- Tổng hợp kết quả điều tra, kiểm kê
rừng; tổng hợp, phân tích, lập báo cáo kết quả kiểm kê rừng vào cuối kỳ kiểm kê
trên phạm vi toàn quốc báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 10 năm
2016.
b) Bộ Tài nguyên và Môi trường
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc
Bộ chủ trì hoặc phối hợp tham gia những nội dung liên quan đến dự án tổng điều
tra, kiểm kê rừng trên toàn quốc và ở từng địa phương. Cụ thể:
- Chỉ đạo các cơ quan đơn vị của Bộ
và địa phương phối hợp tham gia công tác điều tra, kiểm kê rừng và tổ chức cập
nhật số liệu có liên quan về kiểm kê rừng giai đoạn 2013 - 2016 vào hồ sơ quản
lý đất đai hàng năm của từng địa phương và toàn quốc;
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn: Thống nhất kế hoạch, tiến độ và tổ chức cung cấp ảnh vệ tinh
có chất lượng; bản đồ nền địa hình tỷ ỉệ 1/10.000, hệ quy chiếu VN 2000; bản đồ
thành quả kiểm kê đất đai năm 2010 của tất cả 58 tỉnh thành phố (bao gồm bản đồ
và số liệu) cho các đơn vị liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn;
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn để thống nhất điều chỉnh, cập nhật bổ sung các tiêu chí kiểm
kê, thống kê đất lâm nghiệp; ranh giới chủ quản lý (đã được cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất...) làm căn cứ để kiểm kê rừng và lập
hồ sơ quản lý.
c) Bộ Công an
Chỉ đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ
phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện điều tra, kiểm kê rừng trên địa bàn
do các đơn vị trực thuộc Bộ quản lý, theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn.
d) Bộ Quốc phòng
Chỉ đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ
phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện kiểm kê rừng trên địa bàn do các đơn
vị trực thuộc Bộ quản lý, theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
đ) Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát
triển nông thôn cân đối kế hoạch vốn hàng năm để thực hiện Dự án đảm bảo đúng
tiến độ; thực hiện công tác giám sát thực hiện dự án theo chức năng nhiệm vụ của
Bộ;
- Phối hợp với các Bộ có liên quan cập
nhật kết quả kiểm kê rừng giai đoạn 2013 - 2016 để biên soạn và công bố số liệu
thống kê rừng theo quy định của Luật thống kê.
e) Bộ Tài chính
- Phối hợp với các Bộ có liên quan hướng
dẫn cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Dự án;
- Tổ chức thẩm định kinh phí thực hiện
Dự án Tổng điều tra, kiểm kê rừng giai đoạn 2013 - 2016, trình Thủ tướng Chính
phủ xem xét, quyết định;
- Có trách nhiệm bố trí kinh phí thực
hiện Dự án hàng năm theo tiến độ dự án.
g) Địa phương
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo
Tổng điều tra, kiểm kê rừng Trung ương về thực hiện kiểm kê rừng của địa phương
mình, cụ thể là:
- Xây dựng dự toán kinh phí kiểm kê rừng
ở địa phương báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp chung gửi
Bộ Tài chính để thẩm định theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các quy
định của pháp luật có liên quan;
- Căn cứ dự toán kinh phí được cấp có
thẩm quyền giao, tổ chức thực hiện tại địa phương theo quy định;
- Ban hành các văn bản chỉ đạo theo
thẩm quyền để thực hiện kiểm kê rừng ở địa phương;
- Quyết định giao nhiệm vụ cho đơn vị
thuộc thẩm quyền quản lý để tổ chức thực hiện kiểm kê rừng theo kế hoạch của
Ban Chỉ đạo Tổng điều tra, kiểm kê rừng Trung ương, chịu trách nhiệm về chất lượng
kiểm kê và tiến độ kiểm kê;
- Chỉ đạo và giám sát, kiểm tra chặt
chẽ tiến độ, nội dung và chất lượng công tác kiểm kê ở địa phương; phối hợp với
Ban Chỉ đạo Tổng điều tra, kiểm kê rừng Trung ương và đơn vị tư vấn giám sát,
kiểm tra nghiệm thu đánh giá chất lượng kiểm kê rừng ở địa phương;
- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ
theo quy định về cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Tổng điều tra, kiểm kê rừng
Trung ương (Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);
- Tổng hợp kết quả kiểm kê của tỉnh
báo cáo Ban chỉ đạo Tổng điều tra, kiểm kê rừng Trung ương; Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn và công bố kết quả kiểm kê rừng của tỉnh;
- Tổ chức lập hồ sơ quản lý rừng, phục
vụ công tác cập nhật diễn biến diện tích rừng và đất lâm nghiệp hàng năm sau kiểm
kê rừng.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 4. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra, kiểm kê rừng Trung
ương, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc
Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc,
Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTN (3b).
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Hoàng Trung Hải
|