Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 36/2024/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh An Giang Người ký: Nguyễn Thị Minh Thúy
Ngày ban hành: 07/10/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/2024/QĐ-UBND

An Giang, ngày 07 tháng 10 năm 2024

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế;

Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh An Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 18 tháng 10 năm 2024 và thay thế Quyết định số 80/2016/QĐ-UBND ngày 09 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh An Giang; Quyết định số 20/2021/QĐ-UBND ngày 20 tháng 4 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh An Giang ban hành kèm theo Quyết định số 80/2016/QĐ-UBND ngày 09 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Minh Thúy

QUY ĐỊNH

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(Kèm theo Quyết định số 36/2024/QĐ-UBND ngày 07 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định chi tiết một số nội dung của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh An Giang.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân (sau đây viết tắt là tổ chức, cá nhân) có hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 1 Quy định này trên địa bàn tỉnh An Giang.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Vật chất nạo vét là vật chất ở thể rắn, lỏng, bùn được nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa (bao gồm kênh, mương, rạch, ao, hồ, búng), không thuộc hoạt động nạo vét thu hồi sản phẩm, khoáng sản.

2. Chất thải rắn sinh hoạt nguy hại (sau đây viết tắt là CTNH) là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây nhiễm độc hoặc có đặc tính nguy hại khác phát sinh trong sinh hoạt thường ngày của con người (hộ gia đình, cá nhân).

3. Phân loại chất thải rắn cồng kềnh là hoạt động phân loại các sản phẩm chất rắn cồng kềnh sau khi tháo rã thành các sản phẩm có khả năng tái chế, tái sử dụng và thải bỏ.

4. Cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn cồng kềnh là tổ chức được giao thực hiện nhiệm vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt hoặc chất thải rắn cồng kềnh.

5. Điểm tập kết chất thải rắn cồng kềnh là điểm tiếp nhận chất thải rắn cồng kềnh được chính quyền địa phương quy định và công bố.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN ĐỐI VỚI CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH, DỊCH VỤ VÀ KHO TÀNG KHÔNG ĐÁP ỨNG KHOẢNG CÁCH AN TOÀN VỀ MÔI TRƯỜNG

Điều 4. Lộ trình thực hiện các biện pháp kỹ thuật, công nghệ hoặc chuyển đổi loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, kho tàng hoặc di dời đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng đang hoạt động trên địa bàn không đáp ứng khoảng cách an toàn về môi trường

1. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đang hoạt động trên địa bàn tỉnh không đáp ứng khoảng cách an toàn về môi trường phải hoàn thành việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tiên tiến đảm bảo an toàn về môi trường hoặc chuyển đổi loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, kho tàng hoặc di dời để phù hợp với quy định về khoảng cách an toàn môi trường và quy định pháp luật khác có liên quan trước ngày 01 tháng 01 năm 2030.

2. Trong thời gian thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng đang hoạt động vẫn phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, thu gom và xử lý chất thải theo quy định về quản lý chất thải và các yêu cầu khác được quy định trong giấy phép môi trường và giấy phép môi trường thành phần đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp (nếu có).

3. Đối với các dự án đầu tư mới thuộc danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (trừ các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại) bắt buộc bố trí vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Trong trường hợp đặc biệt, cần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét và quyết định từng trường hợp cụ thể; Riêng dự án đầu tư cơ sở giết mổ và chăn nuôi gia súc, gia cầm bố trí ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhưng phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

a) Phù hợp quy hoạch tỉnh, đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường và sức chịu tải của môi trường theo quy định;

b) Đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư và công trình khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật của ngành nông nghiệp, xây dựng và pháp luật khác có liên quan.

Mục 2. QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN Y TẾ BÊN NGOÀI KHUÔN VIÊN CƠ SỞ Y TẾ

Điều 5. Thu gom, lưu giữ và chuyển giao chất thải rắn y tế thông thường

Việc thu gom, lưu giữ và chuyển giao chất thải rắn y tế thông thường thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường; khoản 1 Điều 42 và Mục 3 Chương IV của Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và Điều 12 Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế.

Điều 6. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại (từ nơi phát sinh đến nơi xử lý)

1. Chất thải rắn y tế nguy hại trước khi thu gom, vận chuyển phải đóng gói trong các bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 20/2021/TT-BYT .

2. Phương tiện vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại và trang thiết bị trên phương tiện đảm bảo đúng theo quy định tại khoản 3 Điều 69 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và khoản 3 Điều 42 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT .

3. Đối với Trạm Y tế, Phòng Khám Đa khoa khu vực, Cơ sở/Phòng Khám y tế tư nhân trên địa bàn các xã, phường, thị trấn quyết định tự vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại (trường hợp phát sinh dưới 10 kg/ngày (24 giờ)) đến các cụm xử lý tập trung (trong phạm vi các huyện, thị xã, thành phố) hoặc cụm thu gom, lưu giữ, bảo quản tạm thời chất thải (cụm thu gom) để xử lý theo hợp đồng hoặc hợp đồng với cơ sở có chức năng định kỳ đến thu gom xử lý theo đúng quy định. Việc tự vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại từ các cơ sở này phải đảm bảo tuân thủ các điều kiện về vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại và phải chịu trách nhiệm nếu có các sự cố xảy ra.

4. Đối với Trung tâm y tế các huyện quyết định bố trí cụm thu gom chất thải rắn y tế nguy hại và chịu trách nhiệm về việc tuyến đường vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại bên trong cơ sở đến nơi lưu chứa tạm thời theo cụm thu gom, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường.

5. Trong thời gian chờ cơ sở xử lý đến thu gom chất thải, cụm thu gom có trách nhiệm trang bị các thiết bị để lưu trữ, bảo quản tạm thời chất thải rắn y tế nguy hại theo đúng quy định, không để mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường.

Điều 7. Xử lý chất thải rắn y tế nguy hại

1. Chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý theo thứ tự ưu tiên sau:

a) Xử lý tại cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại có hạng mục xử lý chất thải rắn y tế nguy hại;

b) Xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm theo mô hình cụm cơ sở y tế;

c) Tự xử lý tại công trình, thiết bị xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm trong khuôn viên cơ sở y tế; Khuyến khích các cơ sở y tế có công trình xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm tại chỗ thực hiện chuyển giao chất thải y tế cho cơ sở có đủ chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định;

2. Cơ sở xử lý theo mô hình cụm được phép hợp đồng với đơn vị có chức năng theo quy định để xử lý những thành phần chất thải y tế khác mà cơ sở không có khả năng xử lý theo quy định.

3. Trong trường hợp đặc biệt (phòng chống dịch bệnh), để đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định các cơ sở y tế có trang bị lò đốt chuyên dụng hoặc các hệ thống, thiết bị xử lý khác đáp ứng đạt chất lượng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải được phép xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm trên địa bàn tỉnh.

Mục 3. KHU VỰC, ĐỊA ĐIỂM ĐỔ THẢI VẬT CHẤT NẠO VÉT TỪ HỆ THỐNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Điều 8. Khu vực, địa điểm đổ thải vật chất nạo vét

1. Điều kiện để xác định khu vực, địa điểm đổ thải

a) Khu vực, địa điểm đổ thải có quy mô đáp ứng duy trì hoạt động ổn định, an toàn, tuân thủ các quy định của luật pháp có liên quan, không tạo ra các xung đột về lợi ích và môi trường;

b) Có vị trí thuận lợi để đảm bảo việc thu gom chất thải từ hoạt động nạo vét đường thủy nội địa và đáp ứng được các quy định pháp luật về khoảng cách an toàn đến khu vực dân cư sinh sống tập trung theo quy định. Nếu thực hiện đổ thải lên trên khu đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải được sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân trong khu vực và đúng quy định của pháp luật;

c) Có điều kiện địa chất, thủy văn phù hợp; không nằm trong khu vực thường xuyên bị ngập trong nước; nằm cách điểm lấy nước cấp sinh hoạt tối thiểu về hướng thượng nguồn 1.000m và hạ nguồn 500m;

d) Đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan, an ninh trật tự, không xâm phạm chỉ giới giao thông, bảo đảm các quy định về hành lang bảo vệ công trình đường bộ, đường thủy nội địa, không làm ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe người dân.

2. Khu vực, địa điểm đổ thải

a) Khu vực, địa điểm đổ thải phải được Ủy ban nhân dân tỉnh công bố, bố trí hoặc chấp thuận bằng văn bản, có diện tích đáp ứng nhu cầu đổ thải vật chất nạo vét của từng dự án cụ thể, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương (trừ trường hợp nạo vét tận dụng để đắp đê hoặc gia cố đê dọc theo các tuyến công trình thủy lợi);

b) Vị trí đổ thải có khoảng cách an toàn đến khu vực dân cư tập trung, trường học, bệnh viện, trung tâm văn hóa xã hội, di tích lịch sử, trung tâm công nghiệp, các nguồn nước, sông, hồ đúng quy định của pháp luật;

c) Có diện tích, sức chứa phù hợp để chứa, xử lý các vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa theo từng dự án cụ thể;

d) Để hạn chế tác động xấu của vật chất nạo vét đến môi trường xung quanh, kết cấu của khu vực đổ thải phải có bờ bao bằng đất tự nhiên hoặc bê tông cốt thép (đảm bảo chiều cao, độ dày phù hợp với từng khu vực đổ thải), xung quanh có hệ thống lọc nước và thoát nước;

đ) Trường hợp cần thiết, cấp bách thì Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định khu vực, địa điểm đổ thải trong trường hợp xác định vị trí không đảm bảo điều kiện.

Mục 4. QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN PHÁT SINH TỪ HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG

Điều 9. Quản lý chất thải rắn phát sinh từ hoạt động xây dựng

1. Phân loại chất thải rắn phát sinh từ hoạt động xây dựng

Chất thải rắn phát sinh từ hoạt động xây dựng phải được phân loại ngay tại nơi phát sinh thành các loại sau đây:

a) Chất thải rắn phát sinh từ hoạt động xây dựng có khả năng tái chế được như thủy tinh, sắt thép, gỗ, giấy, chất dẻo;

b) Chất thải rắn phát sinh từ hoạt động xây dựng có thể được tái sử dụng;

c) Chất thải rắn phát sinh từ hoạt động xây dựng không tái chế, tái sử dụng được và phải đem đi chôn lấp hoặc chuyển giao cho cơ sở có đủ năng lực thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định;

d) Chất thải rắn phát sinh từ hoạt động xây dựng có yếu tố nguy hại được phân loại riêng và quản lý theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và các văn bản pháp luật hướng dẫn về quản lý chất thải nguy hại.

2. Các loại chất thải rắn phát sinh từ hoạt động xây dựng được tái chế, tái sử dụng theo các mục đích sau:

a) Đất, đất bùn thải (không có yếu tố nguy hại, không thuộc hoạt động nạo vét thu hồi sản phẩm, khoáng sản) từ hoạt động đào, nạo vét lớp đất mặt, đào cọc móng được sử dụng để bồi đắp cho đất trồng cây hoặc san lấp tạo mặt bằng làm tăng giá trị của đất tại các khu vực phù hợp quy hoạch theo quy định của pháp luật về đất đai;

b) Đất đá, chất thải rắn từ vật liệu xây dựng (gạch, ngói, vữa, bê tông, vật liệu kết dính quá hạn sử dụng) được tái sử dụng, tái chế làm vật liệu xây dựng hoặc vật liệu san lấp cho các công trình xây dựng, các mỏ khoáng sản đã có quyết định đóng cửa mỏ, hoặc chôn lấp trong bãi chôn lấp chất thải rắn xây dựng;

c) Chất thải rắn phát sinh từ hoạt động xây dựng có khả năng tái chế được tái chế, tái sử dụng và quản lý như chất thải rắn công nghiệp thông thường.

3. Xử lý chất thải rắn phát sinh từ hoạt động xây dựng

a) Đối với xử lý chất thải rắn phát sinh từ hoạt động xây dựng tại nguồn thải: Đối với nguồn thải không yêu cầu hồ sơ bảo vệ môi trường, thực hiện đảm bảo quy trình, biện pháp xử lý phù hợp, an toàn, bảo vệ môi trường. Đối với các dự án có hồ sơ bảo vệ môi trường, xử lý đảm bảo theo hồ sơ bảo vệ môi trường. Khuyến khích việc tự xử lý chất thải rắn phát sinh từ hoạt động xây dựng tại nơi phát sinh với biện pháp phù hợp, đảm bảo các yêu cầu về an toàn, môi trường;

b) Đối với cơ sở xử lý chất thải rắn phát sinh từ hoạt động xây dựng: Cơ sở xử lý phải được đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các công nghệ xử lý bao gồm: Nghiền, sàng; sản xuất vật liệu xây dựng; chôn lấp và các công nghệ khác. Công nghệ xử lý chất thải rắn xây dựng phải phù hợp với quy mô, công suất và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế xã hội;

c) Hộ gia đình, cá nhân tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có hệ thống thu gom chất thải, khi tiến hành các hoạt động xây dựng, cải tạo hoặc phá dỡ công trình xây dựng, chất thải phát sinh phải được tái sử dụng hoặc đổ đúng vị trí được cấp có thẩm quyền chấp thuận, không được tự ý đổ chất thải ra môi trường;

d) Hộ gia đình, cá nhân tại vùng nông thôn, chủ đầu tư xây dựng tự xử lý chất thải rắn phát sinh từ hoạt động xây dựng trong phạm vi diện tích đất ở, đất vườn và phạm vi đất sử dụng để thực hiện dự án, hoặc chuyển giao cho các đối tượng: Chủ cơ sở sản xuất sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất, sản xuất vật liệu xây dựng hoặc san lấp mặt bằng được phép hoạt động theo quy định của pháp luật; Chủ thu gom, vận chuyển đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; Chủ xử lý đã được cấp giấy phép môi trường hoặc đã hoạt động theo văn bản, giấy tờ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

đ) Hộ gia đình, cá nhân tại đô thị khi tiến hành hoạt động xây dựng, cải tạo, phá dỡ công trình xây dựng, chất thải phát sinh nếu không được tái sử dụng thì phải được thu gom và chuyển giao cho các đối tượng có chức năng xử lý theo quy định.

Mục 5. QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT, CHẤT THẢI RẮN CỒNG KỀNH

Điều 10. Quản lý chất thải rắn sinh hoạt

1. Chất thải rắn sinh hoạt (sau đây viết tắt là CTRSH) phải được quản lý theo hướng tăng cường phân loại tại nguồn, tăng tỉ lệ thu gom và xử lý bằng công nghệ đốt đảm bảo an toàn về môi trường.

2. Khuyến khích việc xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải; việc đầu tư mới các cơ sở xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh theo hướng tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý, hạn chế tối đa việc chôn lấp chất thải.

3. Khuyến khích áp dụng các công nghệ xử lý chất thải thân thiện với môi trường. Việc sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải phải tuân theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân

1. CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại tại nguồn để tái sử dụng, tái chế nhằm giảm khối lượng CTRSH phải xử lý. Cụ thể các nhóm như sau:

a) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế: giấy thải; nhựa thải; kim loại thải; thủy tinh thải; vải, đồ da; đồ gỗ; cao su; thiết bị điện, điện tử thải bỏ.

b) Chất thải thực phẩm: thức ăn thừa; rau củ quả hư hỏng; chất thải phát sinh từ quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm; thực phẩm hết hạn sử dụng (không bao gồm bao bì thực phẩm).

c) CTRSH khác (các loại rác còn lại trừ chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải thực phẩm) gồm:

CTNH phát sinh trong sinh hoạt thường ngày của hộ gia đình, cá nhân (trừ chất thải nguy hại phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ): bình ắc quy, pin, bóng đèn huỳnh quang, thiết bị điện, điện tử thải bỏ nguy hại, chai đựng hóa chất, nhiệt kế, chất thải rắn khác có chứa yếu tố độc hại.

CTRSH cồng kềnh theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT .

Chất thải rắn khác còn lại: Vỏ các loại (dừa, rơm, trấu, vỏ trứng, vỏ các loại hạt từ hoạt động sinh hoạt); phân động vật cảnh; xác động vật cảnh chết không do dịch bệnh; giấy vệ sinh, khẩu trang, các loại hộp xốp, các loại sản phẩm nhựa sử dụng một lần, vỏ thuốc; giày, dép nhựa, thìa (muỗng) bằng nhựa, hộp kem đánh răng, bàn chải đánh răng; xỉ than từ hoạt động sinh hoạt; gốm, sành, sứ thải.

2. Hộ gia đình, cá nhân phát sinh CTRSH sau khi thực hiện phân loại theo quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện quản lý như sau:

a) CTRSH phân loại tại nguồn phải được lưu chứa riêng trong bao bì hoặc thiết bị lưu chứa phù hợp với điều kiện của mỗi hộ gia đình, cá nhân và phù hợp với quy định chung của tỉnh đảm bảo không phát tán mùi, nước rò rỉ ra môi trường;

b) CTNH được đựng trong bao bì, thiết bị lưu chứa phải đảm bảo theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 35 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT .

3. Chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị, chung cư, tòa nhà văn phòng phải bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm (khu vực) để phân loại rác sinh hoạt tại nguồn, thu gom, lưu giữ CTRSH theo quy định; tổ chức thu gom chất thải từ hộ gia đình, cá nhân theo quy định; bố trí điểm tập kết CTRSH phù hợp trong khuôn viên của dự án đầu tư theo quy định.

Điều 12. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt

1. CTRSH phải được thu gom từ nơi phát sinh để vận chuyển tới điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý. Trong quá trình vận chuyển phải lựa chọn tuyến đường thuận tiện, ngắn nhất và hạn chế di chuyển trong khu nội ô của khu đô thị, phải bảo đảm không làm rơi vãi chất thải, gây phát tán bụi, mùi, nước rò rỉ ra môi trường.

2. Trên các đường phố chính, các khu thương mại, các công viên, quảng trường, các điểm tập trung dân cư, các đầu mối giao thông và các khu vực công cộng khác phải bố trí các thiết bị lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt.

3. Vị trí bố trí các điểm tập kết CTRSH phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.

4. Vị trí bố trí trạm trung chuyển CTRSH phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.

5. Phương tiện vận chuyển CTRSH phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 27 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.

6. Tần suất thu gom, vận chuyển

Tùy vào đặc điểm của mỗi khu vực dân cư, tuyến đường, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chủ trì, phối hợp với cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở xác định thời gian, địa điểm, tần suất thu gom CTRSH phù hợp với hiện trạng, đảm bảo theo quy định sau đây:

a) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế: hộ gia đình, cá nhân chủ động thu gom và chuyển giao cho các cơ sở tái sử dụng, tái chế tùy theo khối lượng phát sinh;

b) Chất thải thực phẩm: đối với khu vực đô thị, đông dân cư và trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tần suất thu gom tối thiểu là 01 ngày/01 lần; đối với khu vực nông thôn (đối với khu vực hộ gia đình không sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc tự xử lý tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường), tần suất thu gom tối thiểu 02 ngày/01 lần;

c) CTRSH khác: chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH cùng với chất thải rắn thực phẩm. Đối với chất thải cồng kềnh thực hiện theo quy định về quản lý chất thải rắn cồng kềnh;

d) CTNH: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ điều kiện thực tế của địa phương lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý CTNH thông qua hình thức đấu thầu theo quy định; trường hợp không thể lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu thì thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong CTRSH

1. Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân phân loại riêng chất thải nguy hại để tự lưu chứa tại hộ gia đình hoặc bỏ vào thiết bị, thùng lưu chứa chất thải nguy hại do Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố bố trí tại mỗi khóm, ấp, khu vực. Thiết bị, thùng lưu chứa chất thải nguy hại phải kín, không rò rỉ, có nắp đậy, in dòng chữ chất thải nguy hại.

2. Hộ gia đình được hỗ trợ thiết bị, thùng lưu chứa chất thải nguy hại trong trường hợp tự lưu chứa tại hộ gia đình; phải chuyển giao chất thải nguy hại cho cơ sở chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý khi Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý. Hộ gia đình, cá nhân không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cân đối trong dự toán kinh phí thường xuyên theo phân cấp ngân sách: hỗ trợ thiết bị, thùng lưu chứa chất thải nguy hại cho hộ gia đình có nhu cầu tự lưu chứa; bố trí thiết bị, thùng lưu chứa chất thải nguy hại tại mỗi khóm, ấp, khu vực; tổ chức thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại.

Điều 14. Phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn cồng kềnh

1. Phân loại, thu gom chất thải rắn cồng kềnh

a) Tổ chức, cá nhân có phát sinh chất thải rắn cồng kềnh (sau đây gọi chung là chủ nguồn thải) có trách nhiệm tháo rã và giảm kích thước chất thải bỏ đến mức có thể lưu chứa được trong xe thu gom rác trước khi vận chuyển đến điểm tập kết;

b) Chất thải rắn cồng kềnh sau khi tháo rã phải phân loại thành các sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng và chỉ thải bỏ các thành phần không thể tái chế, tái sử dụng để giảm thiểu tối đa việc phát thải ra môi trường và tận dụng triệt để giá trị nguồn tài nguyên từ chất thải;

c) Chủ nguồn thải chất thải rắn cồng kềnh tự vận chuyển hoặc thuê đơn vị thu gom chất thải rắn cồng kềnh đến thu gom, vận chuyển chất thải rắn cồng kềnh đến địa điểm tập kết (do Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn quy định) hoặc đến cơ sở xử lý;

d) Chất thải rắn cồng kềnh phải được chủ nguồn thải lưu giữ, không được vứt bừa bãi tại ao, hồ, sông, kênh, rạch, các khu đất trống gây ô nhiễm môi trường. Trong thời gian chưa thu gom, vận chuyển chất thải rắn cồng kềnh đi xử lý, chủ nguồn thải có trách nhiệm lưu giữ, bảo quản, không được tập kết ra vỉa hè, lòng đường, khu vực công cộng.

2. Vận chuyển, xử lý chất thải rắn cồng kềnh

a) Chất thải rắn cồng kềnh sau khi tháo rã, giảm kích thước được vận chuyển và xử lý như chất thải rắn sinh hoạt;

b) Chất thải rắn cồng kềnh được thu gom, vận chuyển từ nguồn thải đến điểm tập kết và đến điểm xử lý phải được vận chuyển bằng phương tiện vận chuyển chuyên dụng hoặc bằng các phương tiện đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

c) Phương tiện vận chuyển chất thải cồng kềnh phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; đảm bảo không rơi vãi chất thải, rò rỉ nước thải, phát tán mùi hôi trong quá trình vận chuyển;

d) Chất thải rắn cồng kềnh sau khi tập kết về điểm tiếp nhận phải được vận chuyển đi xử lý ngay trong ngày để không ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan khu vực.

Mục 6. TUYẾN ĐƯỜNG VẬN CHUYỂN CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT, CHẤT THẢI RẮN CÔNG NGHIỆP THÔNG THƯỜNG PHẢI XỬ LÝ, CHẤT THẢI NGUY HẠI VÀ THỜI GIAN HOẠT ĐỘNG

Điều 15. Tuyến đường và thời gian vận chuyển

1. Tuyến đường vận chuyển

a) Được phép hoạt động trên các tuyến đường nối từ các điểm thu gom chất thải đến khu, cơ sở xử lý chất thải phải đảm bảo tối ưu về cự ly vận chuyển và tình hình giao thông tại khu vực;

b) Hạn chế vận chuyển trên tuyến đường có các cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện và vị trí tập trung đông người như: chợ, trung tâm thương mại, cơ sở y tế, trừ trường hợp thu gom, vận chuyển cho các chủ nguồn thải ở khu vực này.

2. Thời gian vận chuyển

Đối với vận chuyển CTRSH được thực hiện trên các tuyến đường không quy định thời gian.

Điều 16. Tuyến đường và thời gian vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường

1. Việc vận chuyển CTRCNTT được phép hoạt động trên các tuyến đường nối từ nguồn phát sinh chất thải, điểm tập kết đến cơ sở xử lý chất thải hoặc điểm tự xử lý chất thải của chủ nguồn thải phải tuân thủ quy định của pháp luật về giao thông, bảo vệ môi trường; tối ưu về cự ly vận chuyển; hạn chế tối đa vận chuyển qua các khu vực đô thị, khu vực đông dân cư và vận chuyển vào giờ cao điểm tại khu vực đô thị.

2. Thời gian vận chuyển CTRCNTT

a) Khu vực đô thị: Thời gian vận chuyển buổi sáng từ 08 giờ đến 11 giờ; buổi chiều từ 14 giờ đến 17 giờ; buổi tối từ 20 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau;

b) Khu vực nông thôn: Thời gian vận chuyển buổi sáng từ 07 giờ đến 11 giờ; buổi chiều từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ; buổi tối từ 19 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.

Điều 17. Tuyến đường và thời gian vận chuyển chất thải nguy hại

1. Việc vận chuyển chất thải nguy hại từ khu vực lưu trữ CTNH tại cơ sở phát sinh về cơ sở xử lý CTNH được cấp phép theo các trục giao thông chính; tối ưu về cự ly, thời gian vận chuyển, an toàn giao thông và phòng ngừa ứng phó sự cố, phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Thời gian vận chuyển CTNH

a) Khu vực đô thị: Thời gian vận chuyển buổi sáng từ 08 giờ đến 11 giờ; buổi chiều từ 14 giờ đến 17 giờ; buổi tối từ 20 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau;

b) Khu vực nông thôn: Thời gian vận chuyển buổi sáng từ 07 giờ đến 11 giờ; buổi chiều từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ; buổi tối từ 19 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.

3. Các cơ sở thu gom, vận chuyển CTNH có trách nhiệm chấp hành Luật Giao thông đường bộ khi vận chuyển CTNH; cung cấp lộ trình và thời gian vận chuyển; thông tin, dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình cho các cơ quan quản lý nhà nước khi có yêu cầu. Quản lý các phương tiện vận chuyển CTNH đi theo đúng lộ trình và thời gian theo kế hoạch.

Mục 7. QUẢN LÝ CHẤT THẢI NHỰA

Điều 18. Quản lý chất thải nhựa

1. Chất thải nhựa phải được thu gom, phân loại để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Chất thải nhựa không thể tái chế phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng xử lý theo quy định.

3. Khuyến khích việc tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa phục vụ hoạt động sản xuất hàng hóa, vật liệu xây dựng, công trình giao thông; khuyến khích nghiên cứu; hạn chế việc sử dụng nước uống đóng chai sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

4. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2026 không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học; hộp nhựa xốp đóng gói hoặc chứa đựng thực phẩm) tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch, trừ các sản phẩm và hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học.

5. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện quy định tại khoản 5 Điều này trước ngày 01 tháng 01 năm 2026.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 19. Sở Tài nguyên và Môi trường

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các nội dung sau:

a) Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì theo dõi việc triển khai Quy định này, định kỳ phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn; tổ chức truyền thông, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường;

c) Biên soạn các tài liệu hướng dẫn về thu gom, phân loại CTRSH tại nguồn, tái chế, tái sử dụng chất thải, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa, túi nilon;

d) Tiếp nhận tài khoản thiết bị định vị đối với phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại và thực hiện giám sát, quản lý theo quy định; Tiếp nhận thông tin đăng ký cụm thu gom của các Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố (nếu có yêu cầu thành lập cụm thu gom);

đ) Đôn đốc, hướng dẫn kỹ thuật xử lý ô nhiễm, cải tạo phục hồi môi trường các bãi chôn lấp rác thải trên địa bàn tỉnh;

e) Quan trắc, theo dõi, giám sát và công bố, công khai chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh;

g) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh An Giang;

h) Tổ chức giám sát, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền;

i) Thực hiện quản lý các cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

k) Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại.

2. Tổng hợp kết quả rà soát, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng đang hoạt động trên địa bàn không đáp ứng khoảng cách an toàn về môi trường, báo cáo và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét chỉ đạo.

3. Phối hợp với Sở Y tế tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện việc thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại theo đúng quy định.

4. Phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xác định vị trí để sử dụng làm khu vực, địa điểm đổ thải đối với vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa.

5. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định danh mục các khu vực, địa điểm đổ thải trên địa bàn tỉnh hoặc bổ sung, điều chỉnh danh mục các khu vực, địa điểm đổ thải trên địa bàn tỉnh hàng năm.

Điều 20. Sở Xây dựng

1. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định trong hoạt động đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về xây dựng.

2. Chủ trì, hướng dẫn thủ tục về xây dựng khu xử lý chất thải tập trung, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

3. Tổ chức thẩm định quy hoạch xây dựng, thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng khu xử lý chất thải tập trung, trạm trung chuyển CTRSH theo thẩm quyền.

4. Yêu cầu chủ đầu tư xây dựng công trình, ban quản lý khu đô thị mới, chung cư, tòa nhà văn phòng phải bố trí điểm tập kết chất thải rắn cồng kềnh phù hợp trong quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành để phục vụ nhu cầu thải bỏ chất thải rắn cồng kềnh của tất cả người dân sinh sống tại khu đô thị mới, chung cư, tòa nhà văn phòng.

Điều 21. Sở Tài chính

1. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường theo khả năng cân đối ngân sách bố trí từ nguồn chi thường xuyên trong dự toán ngân sách hàng năm cho các hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh hoặc lồng ghép vào các chương trình dự án khác, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

2. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hoặc điều chỉnh giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các quy định pháp luật có liên quan.

3. Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan thẩm định phương án giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

4. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường. Đồng thời, phối hợp kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Sở Kế hoạch và Đầu tư

1. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh trong lĩnh vực môi trường; Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án trong lĩnh vực môi trường theo Luật Đầu tư;

2. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan cân đối nguồn vốn và tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét bố trí vốn đầu tư công cho các dự án bảo vệ môi trường đã được cấp thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt.

3. Hướng dẫn trình tự, thủ tục đầu tư, thủ tục đấu thầu đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực môi trường.

4. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về đầu tư trong lĩnh vực môi trường.

Điều 23. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đề xuất và triển khai các biện pháp thu gom, vận chuyển rác thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm đảm bảo tiêu chí về môi trường cho các xã nông thôn mới theo lộ trình; theo dõi, đề xuất các mô hình quản lý rác thải sản xuất nông nghiệp theo thẩm quyền.

2. Lồng ghép nội dung quản lý rác thải sản xuất nông nghiệp vào các chương trình tuyên truyền, tập huấn nâng cao chất lượng thực hiện nông thôn mới.

3. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác bảo vệ môi trường khu vực nông thôn, đảm bảo đáp ứng các tiêu chí môi trường trong thực hiện nông thôn mới.

4. Chủ trì biên soạn các tài liệu và tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải trong canh tác nông nghiệp, chăn nuôi; hướng dẫn kỹ thuật thu gom, vận chuyển bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

5. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến các tổ chức, cá nhân; hướng dẫn việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật theo quy định.

6. Hướng dẫn chủ đầu tư các dự án nạo vét các công trình thủy có đổ thải thực hiện đúng các quy định tại Quy định này.

7. Chủ trì thẩm định phương án đổ thải đối với các dự án nạo vét các công trình thủy lợi cần đổ thải do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đầu tư.

8. Phối hợp, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thẩm định phương án đổ thải đối với các dự án nạo vét các công trình thủy lợi cần đổ thải do Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quyết định đầu tư.

Điều 24. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh

1. Chỉ đạo, đôn đốc và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp, khu chức năng của khu kinh tế trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

2. Đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường các khu công nghiệp, khu chức năng của khu kinh tế trên địa bàn tỉnh (đối với khu công nghiệp, khu chức năng của khu kinh tế do Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh làm chủ đầu tư).

Điều 25. Sở Công Thương

1. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phát triển công nghiệp môi trường thuộc phạm vi quản lý của ngành.

2. Trong công tác tham mưu, đề xuất thành lập hoặc mở rộng cụm công nghiệp phải lưu ý kiểm tra, đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường đến các điểm, khu dân cư theo quy định.

3. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp phải đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, thu gom và xử lý nước thải của các cụm công nghiệp; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

4. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ thực hiện quản lý chất thải nhựa theo quy định.

Điều 26. Sở Giáo dục và Đào tạo

1. Chỉ đạo, hướng dẫn các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh ban hành kế hoạch, triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, phân loại rác thải tại nguồn, thu gom rác thải, vệ sinh môi trường.

2. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát các nội dung về bảo vệ môi trường, phân loại rác thải tại nguồn, thu gom rác thải, vệ sinh môi trường tích hợp, lồng ghép vào môn học, hoạt động giáo dục theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tổ chức các hoạt động ngoại khóa về bảo vệ môi trường phù hợp với lớp học, cấp học bảo đảm hiệu quả, thiết thực.

3. Phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức các hoạt động tuyên truyền, các cuộc thi tìm hiểu về phân loại rác thải tại nguồn, thu gom rác thải, vệ sinh môi trường phù hợp với lứa tuổi học sinh ở từng cấp học.

Điều 27. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Hàng năm theo lĩnh vực quản lý, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm định hướng, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về phân loại rác thải tại nguồn, thu gom rác thải, vệ sinh môi trường.

2. Chỉ đạo cơ sở giáo dục nghề nghiệp rà soát chương trình, nội dung, thời lượng giảng dạy và biên tập tài liệu, hướng dẫn giáo dục về phân loại rác thải tại nguồn, thu gom rác thải, vệ sinh môi trường lồng ghép vào môn học hoặc hoạt động ngoại khóa phù hợp với khóa học bảo đảm các biện pháp tuyên truyền, giáo dục dưới các hình thức trực quan, sinh động, dễ hiểu.

Điều 28. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

1. Chủ trì thực hiện tuyên truyền trực quan, sử dụng pa-nô, áp phích, các vật dụng được in ấn thông tin tuyên truyền, biểu trưng nhận diện thông điệp bảo vệ môi trường tại các địa điểm du lịch, các cửa ngõ ra vào tỉnh, trung tâm các huyện, thị xã, thành phố.

2. Chủ trì triển khai thí điểm và nhân rộng các mô hình không sử dụng túi ni lông tại các khu du lịch, khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.

3. Chủ trì chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện xây dựng hương ước, quy ước ở các địa phương, trong đó có lồng ghép nội dung về bảo vệ môi trường.

4. Chỉ đạo các khách sạn, khu du lịch thực hiện quản lý chất thải nhựa theo quy định.

Điều 29. Sở Y tế

1. Chủ trì, tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phân loại chất thải tại nguồn, thu gom chất thải, lưu giữ, vận chuyển, vệ sinh môi trường tại các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.

2. Chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện quản lý chất thải y tế theo Quy định này và quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế theo Thông tư số 20/2021/TT-BYT và quy định tại Điều 6 của Quy định này.

3. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải y tế.

4. Nghiên cứu, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, bố trí kinh phí đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải y tế cho các cơ sở y tế chưa được đầu tư; đề xuất nguồn kinh phí để xử lý chất thải y tế cho các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý.

5. Thông báo, hướng dẫn các cơ sở y tế tư nhân triển khai việc xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh.

6. Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đánh giá hoạt động quản lý và xử lý chất thải y tế bên trong cơ sở y tế (bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế).

Điều 30. Sở Giao thông vận tải

1. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thanh tra, kiểm tra công tác thu gom, vận chuyển và xử lý vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa.

2. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định danh mục các khu vực, địa điểm đổ thải trên địa bàn tỉnh; chấp thuận khu vực, địa điểm đổ thải theo từng dự án cụ thể (trường hợp không nằm trong danh mục các khu vực, địa điểm đổ thải được phép đổ thải).

3. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, xử lý các hành vi tập kết chất thải trái quy định lấn chiếm hành lang an toàn giao thông.

4. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát chủ phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý, chất thải nguy hại thực hiện các nội dung của Quy định này.

5. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan việc thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa đến khu vực, địa điểm đổ thải.

Điều 31. Sở Khoa học và Công nghệ

1. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là lĩnh vực tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải, xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường.

2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thẩm định công nghệ hoặc có ý kiến về công nghệ đối với các dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường theo thẩm quyền; thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ trong xử lý chất thải phát sinh trên địa bàn.

Điều 32. Sở Thông tin và Truyền thông

1. Chủ trì xây dựng chuyên mục, chuyên trang về bảo vệ môi trường trên cổng thông tin điện tử tỉnh. Thiết lập tài khoản trên các mạng xã hội để tương tác, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về thu gom rác thải, vệ sinh môi trường; nêu gương các điển hình tiên tiến, lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

3. Phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, công nghệ AI - trí tuệ nhân tạo (Artififial Intelligence), phân tích dữ liệu lớn (big data), công nghệ di động, internet vạn vật (Internet of things - IoT), truyền thông xã hội và điện toán đám mây, mang đến môi trường bền vững trong thời đại 4.0, thông qua 04 lĩnh vực về quản lý chất thải thông minh, kiểm soát ô nhiễm, và tối ưu hóa quản lý tài nguyên bền vững.

Điều 33. Công an tỉnh

Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện các hành vi đổ trộm chất thải, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).

Điều 34. Kho bạc Nhà nước tỉnh

Chỉ đạo Kho Bạc nhà nước các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm soát chi đối với việc sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường được phân bổ hàng năm đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả.

Điều 35. Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang

1. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan thường xuyên cập nhật, đưa tin về các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Sản xuất các chương trình chuyên đề về hoạt động quản lý rác thải trên địa bàn; đưa tin về các mô hình hiệu quả, các phong trào hoặc địa phương điển hình trong công tác bảo vệ môi trường; xây dựng và duy trì thường xuyên các chuyên mục, chuyên trang về bảo vệ môi trường trên Đài Phát thành và Truyền hình tỉnh.

3. Khuyến khích thiết lập tài khoản trên các mạng xã hội để tương tác, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường.

Điều 36. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các nội dung sau:

a) Rà soát, lựa chọn, bổ sung quy hoạch các điểm tập kết, trung chuyển rác thải tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn, lập dự án và triển khai xây dựng dự án các điểm tập kết, trung chuyển rác thải trên địa bàn; Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh lựa chọn, chấp thuận vị trí để sử dụng làm khu vực, địa điểm đổ thải đối với vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa; quản lý các khu vực, địa điểm đổ thải trên địa bàn;

b) Kiểm tra, xử lý các hành vi tập kết chất chải trái quy định lấn chiếm hành lang an toàn giao thông;

c) Tổ chức triển khai, hướng dẫn và tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và quản lý chất thải theo Quy định này.

2. Chủ trì thực hiện các nội dung về quản lý chất thải rắn sau:

a) Tổ chức triển khai thực hiện quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, chất thải rắn y tế nguy hại, chất thải cồng kềnh trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố theo Quy định này;

b) Tổ chức triển khai thí điểm phân loại CTRSH tại nguồn, sau đó triển khai đồng bộ trên toàn các huyện, thị xã, thành phố việc phân loại CTRSH hoạt tại nguồn theo quy định;

c) Chủ trì tổ chức xây dựng và ban hành lộ trình thu gom, vận chuyển CTRSH để làm cơ sở đấu thầu, giao nhiệm vụ, đặt hàng lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ theo quy định; Bố trí mặt bằng điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH đảm bảo thuận tiện và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định; Bố trí thiết bị, thùng lưu chứa chất thải nguy hại được phân loại từ CTRSH phát sinh của hộ gia đình, cá nhân tại mỗi ấp, khu vực; Chỉ đạo sắp xếp thời gian hoạt động của các điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH trên địa bàn đảm bảo công tác vệ sinh môi trường;

d) Chỉ đạo xây dựng tuyến thu gom, vận chuyển CTRSH của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn phù hợp tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo tối ưu về cự ly vận chuyển và tình hình giao thông tại khu vực;

đ) Thực hiện lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; trường hợp không thể lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu thì thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật;

e) Lập kế hoạch, xây dựng dự toán hàng năm cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;

g) Rà soát, xác định địa điểm tiếp nhận, tập kết chất thải rắn cồng kềnh trên địa bàn quản lý, cập nhật các vị trí này vào đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết của địa phương đảm bảo phù hợp với đồ án quy hoạch tỉnh, quy hoạch phân khu được duyệt; Ban hành theo thẩm quyền quy định, chương trình, kế hoạch về quản lý chất thải rắn cồng kềnh; Thông báo công khai vị trí các điểm tiếp nhận, tập kết; địa chỉ và số điện thoại các đơn vị thu gom và xử lý chất thải rắn cồng kềnh trên trang thông tin điện tử, hệ thống truyền thanh của xã, phường, thị trấn để người dân biết thực hiện đúng quy định.

3. Đầu tư, khuyến khích xã hội hóa và quản lý quá trình đầu tư cho công tác thu gom, vận chuyển, xây dựng công trình xử lý CTRSH trên địa bàn theo quy định của pháp luật; Chủ động nguồn lực để đầu tư cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương.

4. Tổ chức rà soát, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng đang hoạt động trên địa bàn không đáp ứng khoảng cách an toàn về môi trường, xây dựng kế hoạch di dời, khắc phục đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng đang hoạt động trên địa bàn không đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để làm cơ sở triển khai thực hiện. Bố trí vị trí thực hiện di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng đang hoạt động trên địa bàn không đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

5. Thanh tra, kiểm tra, giám sát chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân trên địa bàn; Tiếp nhận, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và các yêu cầu kiến nghị về chất thải rắn trong phạm vi quyền hạn của mình hoặc chuyển đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết.

6. Phối hợp với Sở Y tế, chỉ đạo Phòng Y tế, Trung tâm Y tế phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện có hiệu quả công tác quản lý và xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn; Chỉ đạo Phòng Y tế kiểm tra, hướng dẫn các chủ cơ sở, phòng khám y tế tư nhân trên địa bàn việc thực hiện các quy định về xử lý chất thải rắn y tế theo quy định pháp luật và quy chế này.

7. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và pháp luật về việc tổ chức triển khai Luật Bảo vệ môi trường và Quy định này trên địa bàn quản lý; chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

Điều 37. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn

1. Tổ chức thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và Quy định này trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền; truyền thông, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường trên địa bàn.

2. Chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố về tình hình chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn và kết quả triển khai các chương trình, phong trào bảo vệ môi trường tại địa phương.

3. Chịu trách nhiệm quản lý hoạt động thu gom, tập kết, vận chuyển CTRSH tại ấp, khóm, khu dân cư và các tổ chức tự quản trên địa bàn; quản lý các chủ thu gom CTRSH trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền; tổ chức thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo quy định; Chủ trì, phối hợp với cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH, cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở hoặc chỉ đạo Tổ vệ sinh môi trường ở địa phương xác định thời gian, địa điểm, tần suất thu gom CTRSH của hộ gia đình, cá nhân đến điểm lưu giữ, điểm tập kết, trung chuyển đảm bảo phù hợp với hiện trạng địa phương; rà soát, bố trí mặt bằng điểm lưu giữ CTRSH tại điểm thuận tiện giao thông và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường để Tổ vệ sinh môi trường của địa phương giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH.

4. Hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân chuyển giao CTRSH cho cơ sở thu gom, vận chuyển hoặc đến điểm tập kết đúng quy định; hướng dẫn cộng đồng dân cư giám sát và công khai trường hợp không tuân thủ quy định về phân loại, thu gom CTRSH.

5. Sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường được cấp hàng năm.

6. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn theo thẩm quyền; kiểm tra, giám sát việc thu, nộp sử dụng giá dịch vụ thu gom và xử lý CTRSH, quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích.

7. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và pháp luật về việc tổ chức triển khai Luật Bảo vệ môi trường và quy định này trên địa bàn quản lý; chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn các xã, phường, thị trấn.

Điều 38. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên vận động toàn thể hội viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường, thu gom, phân loại rác thải tại nguồn; chủ trì phát động và duy trì các phong trào thu gom rác thải và vệ sinh môi trường; xây dựng khu dân cư, tuyến đường tự quản về vệ sinh môi trường; xây dựng, hình thành tuyến phố, tuyến đường, ấp, khóm, khu dân cư, tự quản, văn minh “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”; xây dựng và phát triển các phong trào tự quản bảo vệ môi trường gắn với thực hiện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; thường xuyên giám sát, phản biện về công tác bảo vệ môi trường theo quy định.

Điều 39. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân

1. Thực hiện phân loại, lưu giữ và chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt, chất thải cồng kềnh cho Cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH hoặc Tổ vệ sinh môi trường địa phương theo đúng thời gian do Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn quy định.

2. Chi trả phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo quy định của pháp luật; Chủ nguồn thải chất thải rắn cồng kềnh phải trả chi phí tháo rã, giảm kích thước, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn cồng kềnh cho đơn vị thu gom và xử lý chất thải rắn cồng kềnh theo thỏa thuận hợp đồng ký kết.

3. Giữ gìn vệ sinh nơi ở và nơi công cộng, thu gom, tập kết CTRSH đúng nơi quy định; không được vứt, thải, đổ, bỏ CTRSH ra môi trường không đúng nơi quy định; tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường khu phố, tổ dân phố, tổ Nhân dân tự quản, ngõ xóm, nơi công cộng do chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể phát động; Dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh môi trường trong khu đất thuộc quyền sử dụng của mình, vỉa hè phía trước và xung quanh khu vực.

4. Giám sát và phản ánh các vấn đề liên quan đến chất lượng cung ứng các dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; các vi phạm về bảo vệ môi trường đối với CTRSH đến Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn.

5. Hạn chế việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; Thực hiện quy định về việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần theo Quy định này.

6. Trách nhiệm cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng không đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư: Chấp hành quy định khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư theo Quy định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Xây dựng phương án khắc phục, chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng công trình hoặc di dời đến địa điểm phù hợp với quy hoạch, đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư theo quy định.

7. Cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, văn phòng làm việc có phát sinh chất thải sinh hoạt với tổng khối lượng dưới 50 kg/ngày được lựa chọn hình thức quản lý CTRSH như hộ gia đình, cá nhân. Ngoài trường hợp này phải hợp đồng với cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo quy định tại các khoản 2, khoản 3 Điều 58 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP .

8. Các cơ sở y tế:

a) Có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và vận hành các hệ thống xử lý chất thải rắn y tế đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;

b) Theo chức năng cho phép (cụm xử lý hoặc cụm thu gom) các đơn vị có trách nhiệm đầu tư hoặc đề xuất đầu tư các trang thiết bị đáp ứng các điều kiện để thực hiện nhiệm vụ thu gom, bảo quản tạm thời, xử lý chất thải y tế và thông báo đến Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế để hướng dẫn, theo dõi, giám sát;

c) Chịu trách nhiệm về thực hiện công tác thu gom, lưu trữ và xử lý hoặc chuyển giao chất thải rắn y tế nguy hại của đơn vị mình theo quy định;

d) Định kỳ tổng hợp lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh từ chính hoạt động của cơ sở và từ các chủ nguồn thải khác thu gom, tập trung về cụm xử lý hoặc cụm thu gom, báo cáo về Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định để giám sát.

9. Trách nhiệm của chủ cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn cồng kềnh:

a) Chủ cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Điều 61 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ;

b) Chủ cơ sở xử lý CTRSH thực hiện trách nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ;

c) Công bố công khai cho người dân biết số điện thoại và quy trình thu gom, xử lý sơ bộ, vận chuyển, xử lý từng nhóm chất thải rắn cồng kềnh trên trang thông tin điện tử của đơn vị để người dân biết liên hệ khi có nhu cầu chuyển giao chất thải rắn cồng kềnh;

d) Đảm bảo đủ yêu cầu về nhân lực, phương tiện và thiết bị xử lý sơ bộ, thu gom, vận chuyển và xử lý các loại chất thải rắn cồng kềnh khi có yêu cầu;

đ) Báo cáo định kỳ về tình hình khối lượng vận chuyển chất thải theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP .

10. Trách nhiệm của chủ cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại:

a) Chấp hành các quy định của pháp luật khi vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại trên đường;

b) Cung cấp lộ trình (vị trí điểm đi, điểm đến, cung đường vận chuyển) và thời gian vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan chuyên môn khi có yêu cầu phối hợp. Dữ liệu, thông tin từ thiết bị giám sát hành trình phải được chia sẻ khi có yêu cầu của cơ quan chuyên môn;

c) Quản lý các phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại theo đúng lộ trình và thời gian vận chuyển theo quy định tại Quy định này;

d) Sử dụng các phương tiện, thiết bị vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại đảm bảo theo quy định pháp luật hiện hành;

đ) Báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình khối lượng vận chuyển chất thải theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP .

11. Trách nhiệm của Chủ cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn xây dựng:

a) Hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật;

b) Phải có đủ thiết bị, phương tiện thực hiện thu gom, vận chuyển đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn theo quy định;

c) Thu gom, vận chuyển chất thải rắn xây dựng đến cơ sở xử lý đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định hoặc công trình khác để tái sử dụng. Chịu trách nhiệm khi có sự cố xảy ra trong quá trình thu gom, vận chuyển;

d) Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa chủ nguồn thải và chủ cơ sở cung cấp dịch vụ, được thể hiện trong hợp đồng thu gom, vận chuyển;

đ) Phải có sổ theo dõi quản lý việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn xây dựng;

e) Chất thải rắn xây dựng phải được vận chuyển đến điểm tập kết, cơ sở xử lý được đầu tư xây dựng theo quy hoạch về xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cơ sở tái chế, công trình khác để tái chế, tái sử dụng theo quy định pháp luật. Đối với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vận chuyển đến vị trí được Ủy ban nhân dân xã chấp thuận;

g) Chất thải rắn xây dựng phải được vận chuyển đảm bảo an toàn giao thông và tuân thủ các quy định của cơ quan có thẩm quyền về phân luồng giao thông tại địa phương;

h) Các phương tiện vận chuyển chất thải rắn xây dựng phải bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn, đã được kiểm định và được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành theo quy định;

i) Trong quá trình vận chuyển, phương tiện vận chuyển phải đảm bảo không làm rò rỉ, rơi vãi chất thải, gây phát tán bụi, mùi.

12. Trách nhiệm chủ xử lý chất thải rắn xây dựng:

a) Hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật;

b) Đầu tư xây dựng, trang bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện và bố trí nhân lực đáp ứng năng lực tiếp nhận chất thải rắn xây dựng, đảm bảo các yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định;

c) Tiếp nhận và xử lý chất thải rắn xây dựng từ các chủ thu gom, vận chuyển trên cơ sở hợp đồng ký kết và có phiếu ghi khối lượng, thành phần chất thải rắn xây dựng được vận chuyển đến hàng ngày, có xác nhận của hai bên;

d) Có sổ theo dõi hoạt động xử lý chất thải rắn xây dựng, nội dung gồm: Thông tin chung của các chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn xây dựng; Khối lượng/dung tích/số chuyến xe chở chất thải rắn xây dựng được tiếp nhận của từng chủ thu gom, vận chuyển; loại chất thải rắn xây dựng tiếp nhận./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 36/2024/QĐ-UBND ngày 07/10/2024 về Quy định bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh An Giang

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


158

DMCA.com Protection Status
IP: 13.59.72.254
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!